Ðiều 1501: Thẩm phán không được xét một vụ kiện nếu không có đơn thỉnh nguyện do người có lợi ích, hay do chưởng lý, đệ lên theo quy tắc giáo luật.
Ðiều 1502: Ai muốn kiện một người khác phải đệ đơn đến thẩm phán có thẩm quyền. Trong đơn phải nói đối tượng của sự tranh tụng và xin thẩm phán can thiệp.
Ðiều 1503:
(1) Thẩm phán có thể nhận sự thỉnh cầu miệng khi nguyên đơn bị ngăn
trở không đệ đơn được, hay khi vụ án dễ cứu xét và không quan trọng.
(2) Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, thẩm phán phải ra lệnh cho lục sự thảo án
từ trên giấy tờ và phải đọc cho đương sự nghe để chấp thuận. Giấy này thay thế cho
đơn khởi tố của nguyên đơn xét về hết các hiệu lực pháp lý.
Ðiều 1504: Ðơn khởi tố phải:
1. nêu lên vụ kiện được đưa ra trước thẩm phán nào, thỉnh cầu điều gì và đối lại với
ai;
2. chỉ rõ quyền lợi nào nguyên đơn dựa vào mà khởi tố, và, ít là cách sơ lược,
những sự kiện và bằng chứng nào để xác lập những điều mình quả quyết;
3. được nguyên đơn hay người thụ ủy ký tên; ghi ngày, tháng và năm, cũng như nơi
mà nguyên đơn hay người thụ ủy cư ngụ, hay nơi mà họ chọn để nhận án từ;
4. chỉ rõ cư sở hay bán cư sở của bị đơn.
Ðiều 1505:
(1) Sau khi nhận thấy vấn đề thuộc về thẩm quyền của mình, và nguyên
đơn không thiếu năng cách hợp lệ để ra tòa, thẩm phán duy nhất hay chánh án tòa án
tập đoàn phải ra án lệnh chấp đơn hay bác đơn.
(2) Ðơn chỉ có thể bị bác:
1. nếu thẩm phán hay tòa án không có thẩm quyền;
2. nếu rõ ràng nguyên đơn thiếu năng cách hợp pháp để ra tòa;
3. nếu không giữ các quy định ở điều 1504, số 1-3;
4. nếu qua đơn khởi tố, thấy rằng điều thỉnh nguyện hoàn toàn vô căn cứ, và sẽ
không thể nào xuất hiện một nền tảng trong khi diễn tiến vụ án.
(3) Nếu đơn bị bác vì một hà tì có thể sửa chữa được, nguyên đơn có thể trình lại
một đơn khác hợp thức và nộp trình cho thẩm phán đã bác đơn.
(4) Trong hạn mười ngày, đương sự nếu viện đủ lý lẽ, có thể kháng cáo về sự bác
đơn lên tòa án kháng cáo, hay lên tòa án tập đoàn nếu đơn bị chánh án bác. Vấn đề
bác đơn phải được quyết định hết sức mau lẹ.
Ðiều 1506: Nếu trong hạn một tháng kể từ khi nộp đơn mà thẩm phán không ra án lệnh chấp hay bác đơn theo quy tắc của điều 1505, đương sự quan thiết có thể đốc thúc đòi thẩm phán phải chu toàn bổn phận của mình. Sau khi đốc thúc như thế mà thẩm phán vẫn không trả lời, thì sau mười ngày trôi qua, đơn được kể như được chấp nhận.
Ðiều 1507:
(1) Trong án lệnh chấp đơn của nguyên đơn, thẩm phán hay chánh án
phải gọi ra tòa hay triệu hoán các đương sự khác để xác định đối tượng tranh tụng,
bằng cách ấn định cho các đương sự phải trả lời bằng giấy tờ, hay trình diện trước thẩm phán để thỏa thuận những nghi vấn. Nếu qua sự trả lời viết, thẩm phán nhận thấy
sự cần thiết phải triệu tập các đương sự, thì có thể ấn định điều đó bằng một án lệnh.
(2) Nếu đơn được chấp nhận theo quy tắc của điều 1506, thì án lệnh đòi ra tòa phải
được ban hành trong hạn hai mươi ngày kể từ lúc đốc thúc nói ở điều luật ấy.
(3) Nếu các đương sự đối tranh tự động trình diện trước thẩm phán để kiện, thì
không cần phải triệu hoán nữa; song lục sự phải ghi chú trong án từ là các đương sự
đã có mặt ở tòa.
Ðiều 1508:
(1) Án lệnh triệu ra tòa phải được cáo tri tức khắc cho bị đơn và đồng
thời, cho những người nào phải ra trình diện.
(2) Ðơn khởi tố sẽ được gởi kèm lệnh triệu hoán, trừ khi vì lý do hệ trọng, thẩm
phán nhận thấy không nên cho đương sự biết đơn khởi tố trước khi xuất đình.
(3) Nếu vụ kiện chống lại một người không có tự do hành sử quyền lợi của mình,
hay không được tự do quản trị những sự vật đang bị tranh chấp, thì lệnh đòi ra tòa, tùy
trường hợp, phải được cáo tri cho người giám hộ, người quản tài, người thụ ủy đặc
biệt, hay đến người nào, chiếu theo luật pháp, phải nhân danh bị đơn để theo đuổi việc
tố tụng.
Ðiều 1509:
(1) Sự cáo tri các lệnh triệu hoán, các án lệnh, phán quyết, và các án từ
khác phải được thực hiện qua bưu điện hay bằng cách nào khác chắc chắn hơn cả,
miễn là giữ các quy tắc do luật địa phương ấn định.
(2) Sự kiện và cách thức cáo tri phải được ghi chú trong án từ.
Ðiều 1510: Nếu bị đơn từ chối không nhận lệnh triệu hoán, hay ngăn cản không cho sự triệu hoán đến tay mình, thì được coi như đã được triệu hoán hợp lệ.
Ðiều 1511: Nếu lệnh triệu hoán không được cáo tri hợp thức, những án từ của vụ kiện trở thành vô hiệu, đừng kể quy định của điều 1507, triệt 3.
Ðiều 1512: Một khi lệnh triệu hoán được cáo tri hợp thức, hoặc khi các đương sự tự động trình diện trước thẩm phán để lập vụ kiện:
1. nội vụ không còn có tính cách yên ổn nữa;
2. vụ kiện trở nên là của thẩm phán hay của tòa án ở nơi mà tố quyền nại đến, miễn
là họ có thẩm quyền;
3. quyền tài phán của thẩm phán thụ ủy được củng cố và vì vậy, không bị chấm dứt
do sự mãn nhiệm của người chủ ủy;
4. thời hiệu bị gián đoạn, ngoại trừ khi đã có dự liệu cách khác;
5. cuộc tranh tụng khai mào; và do đó lập tức áp dụng nguyên tắc: "bao lâu cuộc
tranh tụng chưa ngã ngũ, thì không được thay đổi gì hết" (lite pendente, nihil innovetur).
Ðiều 1513:
(1) Sự đối tụng xảy ra khi nào các giới hạn của sự tranh tụng, rút từ
những lời thỉnh cầu và phúc đáp của các đương sự, được xác định do án lệnh của
thẩm phán.
(2) Những lời thỉnh cầu và phúc đáp của đương sự có thể được trình bày không
những chỉ trong đơn khởi tố, mà còn qua thư trả lời lệnh triệu hoán hay qua những lời
tuyên bố miệng trước thẩm phán. Nhưng trong những vụ án khó hơn, thẩm phán phải
triệu tập các đương sự để thỏa thuận một vấn nạn hay nhiều vấn nạn mà các đương
sự sẽ phải trả lời trong khi phán quyết.
(3) Án lệnh của thẩm phán phải được cáo tri cho các đương sự; nếu họ không đồng
ý, thì trong hạn mười ngày, các đương sự có thể kháng cáo lên chính thẩm phán để xin
sửa đổi án lệnh; vấn đề này phải được chính thẩm phán ấy giải quyết hết sức nhanh
chóng bằng một án lệnh.
Ðiều 1514: Một khi đã được xác định, các giới hạn của cuộc tranh tụng chỉ có thể được thay thế hữu hiệu bằng một án lệnh mới khi có lý do hệ trọng do một đương sự yêu cầu, và sau khi đã nghe ý kiến của các đương sự khác cũng như sau khi cân nhắc các lý lẽ của họ.
Ðiều 1515: Sau khi đã có sự đối tụng, người chấp hữu sự vật của kẻ khác không còn là ngay tình nữa; vì thế, nếu bị kết án phải hoàn lại sự vật, thì cũng phải trả lại các hoa lợi thu được từ ngày đối tụng và phải bồi thường các thiệt hại.
Ðiều 1516: Sau khi đã có sự đối tụng, thẩm phán phải ấn định cho các đương sự một khoảng thời gian thích hợp để xuất trình và bổ túc các bằng chứng.
Ðiều 1517: Vụ kiện bắt đầu bằng sự triệu hoán; và kết thúc không những chỉ bằng phán quyết chung thẩm, nhưng còn bằng những cách thức khác do luật pháp ấn định.
Ðiều 1518: Nếu đương sự đối tranh mệnh một, hay thay đổi trạng thái, hay chấm
dứt chức vụ mà vì lý do đó đương sự khởi kiện:
1. nếu sự thẩm vấn chưa kết thúc, vụ kiện phải được đình chỉ cho đến khi người
thừa kế của người quá cố, hay kẻ kế vị, hay người có lợi ích, tiếp nối cuộc kiện tụng;
2. nếu sự thẩm vấn đã kết thúc, thẩm phán phải tiếp tục tiến hành thủ tục bằng việc
triệu hoán người thụ ủy nếu có, hoặc người thừa kế hay người kế vị của người quá cố.
Ðiều 1519:
(1) Nếu người giám hộ hay người quản tài hay người thụ ủy buộc phải
đặt chiếu theo điều 1481, các triệt 1 và 3, ngưng chức vụ, thì vụ kiện tạm thời đình chỉ.
(2) Tuy nhiên, thẩm phán phải đặt sớm hết sức một người giám hộ hay quản tài
khác; thẩm phán cũng có thể đặt một người thụ ủy cho cuộc tranh tụng nếu đương sự
không lo chọn trong hạn kỳ ngắn do chính thẩm phán ấn định.
Ðiều 1520: Nếu trong vòng sáu tháng mà không hành vi tố tụng nào được các đương sự thi hành, mặc dù họ không bị ngăn trở, thì vụ kiện bị thất hiệu. Luật địa phương có thể ấn định hạn kỳ thất hiệu khác.
Ðiều 1521: Sự thất hiệu phát sinh hiệu lực do chính pháp luật, và đối với mọi người, kể cả với các vị thành niên và những người bị đồng hóa với vị thành niên; sự thất hiệu phải được tuyên bố chiểu chức vụ; tuy vẫn duy trì quyền đòi bồi thường chống lại những người giám hộ, quản tài, quản nhiệm, thụ ủy nào không chứng minh được mình không có lỗi.
Ðiều 1522: Sự thất hiệu sẽ tiêu hủy các án từ tố tụng, nhưng không tiêu hủy các án tử của vụ kiện. Hơn nữa, án từ của vụ kiện có thể có giá trị ở thẩm cấp khác, miễn là vụ kiện nhằm đến cùng những người ấy hoặc cùng một đối tượng tương tự. Nhưng đối với những người ngoại cuộc, các án từ này chỉ có hiệu lực như là tài liệu mà thôi.
Ðiều 1523: Phí tổn của một vụ kiện bị thất hiệu phải do những người đương tranh tụng trang trải, mỗi người tương ứng với phần của mình.
Ðiều 1524:
(1) Nguyên đơn có thể bãi nại ở bất cứ giai đoạn hay cấp bực phán xử
nào; cũng thế, nguyên đơn cũng như bị đơn có thể từ bỏ tất cả hoặc một vài án từ tố
tụng.
(2) Ðể có thể bãi nại, người giám hộ và người quản nhiệm của các pháp nhân phải
hỏi ý kiến hay được sự thỏa thuận của những người mà luật đòi hỏi để thi hành những
hành vi vượt quá giới hạn sự quản trị thông thường.
(3) Ðể có hiệu lực, sự bãi nại phải được viết ra giấy tờ và do đương sự hay người
thụ ủy của đương sự ký tên; người thụ ủy phải có ủy nhiệm đặc biệt. Sự bãi nại phải
được thông báo cho bên kia biết để chấp nhận hay ít là không bị phản đối, và phải
được thẩm phán thừa nhận.
Ðiều 1525: Một khi được thẩm phán thừa nhận, sự bãi nại sẽ có những hiệu quả như sự thất hiệu của vụ kiện đối với những án từ mà mình từ bỏ. Ai bãi nại thì phải trả những phí tổn về các án từ mà họ từ bỏ.
Ðiều 1526:
(1) Ai quả quyết thì có trách vụ phải dẫn chứng.
(2) Không cần trưng dẫn bằng chứng:
1. điều do luật pháp suy đoán;
2. sự kiện được một đương sự đối tranh quả quyết và được đối phương thừa nhận,
trừ khi luật pháp hay thẩm phán đòi thêm bằng chứng.
Ðiều 1527:
(1) Ðược phép thu dụng bất cứ bằng chứng nào xem ra hữu ích để làm
sáng tỏ vụ kiện, miễn là phải hợp pháp.
(2) Nếu đương sự yêu cầu thu nhận bằng chứng đã bị thẩm phán loại bỏ, thì chính
thẩm phán sẽ phán định về vấn đề ấy hết sức nhanh chóng.
Ðiều 1528: Nếu một đương sự hay một nhân chứng từ chối trình diện để trả lời trước thẩm phán, thì luật cho phép được hỏi cung kể cả nhờ một người giáo dân do thẩm phán chỉ định, hay đòi họ nạp lời khai trước một công chứng viên hay bằng bất cứ phương cách hợp thức nào khác.
Ðiều 1529: Trừ khi có lý do hệ trọng, thẩm phán không được bắt đầu thu thập bằng chứng trước khi có sự đối tụng.
Ðiều 1530: Thẩm phán luôn luôn có thể thẩm vấn các đương sự để thấu rõ thêm sự thật; hơn nữa, thẩm phán buộc phải thẩm vấn nếu một đương sự yêu cầu, hay để chứng minh một sự kiện mà công ích đòi hỏi phải được đặt ra khỏi mọi dị nghị.
Ðiều 1531:
(1) Ðương sự nào được thẩm vấn hợp pháp thì buộc phải trả lời và phải
nói tất cả sự thật.
(2) Nếu đương sự từ chối không chịu trả lời, thẩm phán sẽ thẩm định xem điều gì có
thể suy diễn được từ đó để chứng minh các sự kiện.
Ðiều 1532: Trong trường hợp liên quan đến công ích, thẩm phán phải buộc các đương sự thề sẽ nói sự thật, hay ít nữa là đã nói sự thật, trừ khi có lý do hệ trọng khuyên làm thể khác; trong những trường hợp khác, để tùy sự khôn ngoan của thẩm phán.
Ðiều 1533: Các đương sự, chưởng lý và bảo hệ có thể trình bày cho thẩm phán những câu hỏi mà dựa theo đó một đương sự có thể bị thẩm vấn.
Ðiều 1534: Các quy tắc ấn định ở các điều 1548, triệt 2, số 1, 1552 và 1558-1565 về các nhân chứng, cũng được áp dụng cân xứng trong việc thẩm vấn các đương sự.
Ðiều 1535: Sự thú nhận tư pháp là sự xác nhận bất lợi cho mình về một sự kiện liên can tới đối tượng của vụ kiện, do một đương sự viết trên giấy tờ, hay nói miệng, hoặc tự ý hoặc do thẩm phán hỏi cung, trước mặt thẩm phán có thẩm quyền.
Ðiều 1536:
(1) Sự thú nhận tư pháp của một đương sự, nếu thuộc một vấn đề tư và
không liên quan đến công ích, sẽ miễn cho các đương sự khác khỏi phải trưng bằng
chứng.
(2) Tuy nhiên, trong những vụ án liên quan đến công ích, sự thú nhận tư pháp và
các lời khai không có tính cách thú nhận của đương sự có thể có giá trị chứng minh,
tùy theo thẩm phán ước định hoàn cảnh của vụ kiện; nhưng chúng không thể có giá trị
chứng minh hoàn toàn nếu không được bổ túc bằng những yếu tố vững chắc khác.
Ðiều 1537: Ðối với sự thú nhận ngoại tụng được dẫn ra trong lúc tố tụng, thẩm phán phải ước định xem nó có giá trị đến mức độ nào, sau khi cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh.
Ðiều 1538: Sự thú nhận hay bất cứ lời khai nào của một đương sự sẽ vô giá trị nếu dựa trên sự sai lầm về sự kiện hay bị cưỡng bách bằng võ lực hay vì sợ hãi trầm trọng.
Ðiều 1539: Sự chứng minh bằng tài liệu, hoặc công hoặc tư, được chấp nhận trong bất cứ vụ kiện nào.
Ðiều 1540:
(1) Những tài liệu công của Giáo Hội là những tài liệu được thảo ra do
một nhân vật công hành sử chức vụ mình trong Giáo Hội và tuân giữ những thủ tục
pháp định.
(2) Những tài liệu công của chính quyền là những tài liệu mà luật pháp địa phương
nhìn nhận như thế.
(3) Tất cả những tài liệu khác đều là tài liệu tư.
Ðiều 1541: Trừ khi chứng minh được bằng luận cứ ngược lại và hiển nhiên, các tài liệu công thị thực tất cả những gì được quả quyết trực tiếp và chính yếu trong đó.
Ðiều 1542: Tài liệu tư, được một đương sự thừa nhận hoặc được thẩm phán chấp nhận, có hiệu lực chứng minh như một sự thú nhận ngoại tụng, đối kháng lại tác giả hay người ký tên và những người kế quyền; đối với những người đệ tam, chúng có hiệu lực như các lời khai không có tính cách thú nhận theo quy tắc của điều 1536, triệt 2.
Ðiều 1543: Nếu các tài liệu có mang nhiều gạch xóa, sửa chữa, phụ thêm, hay hà tì nào khác, thẩm phán sẽ ước định tài liệu ấy có đáng tin hay tin được đến mức nào.
Ðiều 1544: Các tài liệu không có hiệu lực chứng minh trong vụ kiện nếu không được xuất trình bản chính hoặc bản sao công chứng và được đệ nạp ở văn phòng tòa án, để thẩm phán và đối phương có thể cứu xét.
Ðiều 1545: Thẩm phán có thể ra lệnh xuất trình trong vụ kiện một tài liệu chung của cả đôi bên đương sự.
Ðiều 1546:
(1) Không ai bị bắt buộc phải xuất trình tài liệu, dù là tài liệu chung, trong
trường hợp nếu sự tiết lộ tài liệu có thể gây ra thiệt hại nói đến ở điều 1548, triệt 2, số
2, hoặc có thể vi phạm một bí mật phải giữ kín.
(2) Tuy nhiên, nếu có thể trích lục ít nữa là một phần của tài liệu và trình bày như
một bản sao mà không có sự bất tiện nói trên, thẩm phán có thể ra lệnh xuất trình.
Ðiều 1547: Trong bất cứ vụ án nào cũng đều được chấp nhận bằng chứng qua các nhân chứng, dưới sự điều hành của thẩm phán.
Ðiều 1548:
(1) Các nhân chứng phải nói sự thật khi thẩm phán hỏi cách hợp pháp.
(2) Ngoài quy định ở điều 1550, triệt 2, số 2, được chuẩn miễn khỏi trả lời:
1. các giáo sĩ, trong những vấn đề mà họ biết được do chức vụ thánh; các thẩm
phán nhà nước, các bác sĩ, các nữ hộ sinh, các luật sư, các lục sự, và những người
khác phải giữ bí mật nghề nghiệp, kể cả khi họ chỉ giữ vai trò cố vấn, song thuộc phạm
vi vấn đề mà họ phải giữ bí mật.
2. những người sợ vì sự làm chứng của mình mà chính bản thân, hoặc người phối
ngẫu, hoặc những người bà con họ hàng của mình phải bị tiếng xấu, bị đối xử tàn tệ,
hay những hiểm họa khác.
Ðiều 1549: Tất cả mọi người đều có thể làm nhân chứng, nếu không bị luật pháp minh thị gạt bỏ hoặc hoàn toàn hoặc bán phần.
Ðiều 1550:
(1) Không được nhận làm nhân chứng các vị thành niên dưới mười bốn
tuổi và những người suy nhược về tinh thần; tuy nhiên, họ có thể cung khai do án lệnh
của thẩm phán tuyên bố sự lợi ích của lời khai của họ.
(2) Những người sau đây phải được kể là không có năng cách làm chứng:
1. các đương sự trong vụ kiện, hay những người thay mặt các đương sự trước tòa,
thẩm phán và những người phụ tá của thẩm phán, luật sư và những người đang hay đã
giúp đỡ các đương sự trong cùng một vụ kiện ấy;
2. các linh mục trong tất cả những điều gì biết được do bí tích thống hối, dù cả khi
hối nhân yêu cầu tiết lộ những điều ấy. Hơn nữa, bất cứ điều gì mà một người nghe
được bằng bất cứ cách nào nhân dịp xưng tội, cũng không thể được chấp nhận, dù chỉ
như là một điềm chỉ của sự thật.
Ðiều 1551: Ðương sự nào đã đưa một nhân chứng ra trước tòa án, có thể khước từ việc chấp cung nhân chứng ấy; nhưng bên đối phương có thể yêu cầu để, mặc dầu vậy, nhân chứng ấy phải được chất vấn.
Ðiều 1552:
(1) Khi muốn yêu cầu lấy bằng chứng qua các nhân chứng, thì phải nộp
cho tòa án tên và địa chỉ của họ.
(2) Phải nộp trình, trong hạn kỳ do thẩm phán ấn định, các điểm nào muốn chấp
cung các nhân chứng; nếu không, phải kể là lời yêu cầu đã bị bãi bỏ.
Ðiều 1553: Thẩm phán có bổn phận hạn chế số lượng quá đáng của các nhân chứng.
Ðiều 1554: Trước khi thẩm vấn các nhân chứng, tên của họ phải được thông báo cho các đương sự. Nếu, theo sự ước đoán khôn ngoan của mình, thẩm phán thấy không thể làm như thế mà không khỏi gây khó khăn hệ trọng, thì sự thông báo ấy phải làm ít là trước khi công bố các lời chứng.
Ðiều 1555: Ðừng kể quy định ở điều 1550, một đương sự có thể yêu cầu loại trừ một nhân chứng, nếu có lý do chính đáng để loại trừ, trước khi nhân chứng ấy cung khai.
Ðiều 1556: Sự triệu hoán nhân chứng ra tòa phải được cáo tri hợp lệ cho nhân chứng bằng án lệnh của thẩm phán.
Ðiều 1557: Khi bị triệu hoán ra tòa cách hợp thức, nhân chứng phải trình diện, hay phải báo cho thẩm phán biết lý do vắng mặt của mình.
Ðiều 1558:
(1) Nhân chứng phải được thẩm vấn tại chính trụ sở tòa án, trừ khi thẩm
phán định cách khác.
(2) Các Hồng Y, các Thượng Phụ, các Giám Mục, và những người theo luật quốc
gia được hưởng đặc ân tương tự, sẽ được thẩm vấn tại nơi mà chính các người ấy lựa
chọn.
(3) Thẩm phán sẽ quyết định nơi để chấp cung những người vì xa xôi, vì đau bệnh,
hay vì ngăn trở nào khác mà không thể hay khó đến trụ sở tòa án, đừng kể những quy
định ở các điều 1418 và 1469, triệt 2.
Ðiều 1559: Các đương sự không được tham dự vào việc chấp cung các nhân chứng, trừ khi thẩm phán quyết định cho vào tham dự, cách riêng khi là vấn đề thuộc tư ích. Tuy nhiên, các luật sư hay các người thụ ủy của họ có thể được tham dự, trừ khi vì những hoàn cảnh sự vật và nhân sự, thẩm phán quyết định phải tiến hành cách kín đáo.
Ðiều 1560:
(1) Các nhân chứng phải được thẩm vấn riêng từng người một.
(2) Nếu các nhân chứng bất đồng ý kiến với nhau hay với một đương sự về một vấn
đề quan trọng, thẩm phán có thể cho những người ấy gặp nhau, tức là đối chất với
nhau, nhưng phải làm hết sức để loại bỏ sự cãi cọ và gương xấu.
Ðiều 1561: Sự thẩm vấn nhân chứng được thực hiện do thẩm phán, hay do người được thẩm phán ủy nhiệm, hay do dự thẩm và phải được lục sự tham dự. Vì thế, trừ khi luật địa phương định cách khác, nếu các đương sự hay chưởng lý hay bảo vệ hay các luật sư hiện diện trong cuộc thẩm vấn có điều gì muốn hỏi nhân chứng, thì không được hỏi thẳng nhân chứng, nhưng phải đề nghị câu hỏi lên thẩm phán hay người thay thế thẩm phán, để chính người này hỏi lại nhân chứng.
Ðiều 1562:
(1) Thẩm phán phải nhắc nhở cho nhân chứng nghĩa vụ nặng phải nói
lên tất cả sự thật và chỉ nói sự thật mà thôi.
(2) Thẩm phán sẽ buộc nhân chứng tuyên thệ chiếu theo điều 1532; nhưng nếu
nhân chứng từ chối không thề, nhân chứng vẫn được cung khai mà không phải thề.
Ðiều 1563: Trước tiên, thẩm phán phải kiểm điểm lý lịch của nhân chứng; hỏi nhân chứng có tương quan nào với các đương sự, và khi đặt những câu hỏi riêng biệt liên hệ đến các vụ kiện, cũng phải hỏi nhân chứng bởi đâu họ biết được, và vào lúc nào họ đã biết được điều mà họ quả quyết.
Ðiều 1564: Các câu hỏi phải ngắn gọn, vừa hợp với tầm hiểu biết của người được thẩm vấn, không bao hàm một lúc nhiều vấn đề, không quanh co, không xảo quyệt, không gợi ra câu trả lời, không có tính cách khiêu khích, và phải liên quan đến các vụ kiện đang được cứu xét.
Ðiều 1565:
(1) Những câu hỏi sẽ không được thông báo trước cho các nhân chứng.
(2) Tuy nhiên, nếu các sự kiện phải được làm chứng rất xa hồi ký đến nỗi nếu
không gợi lại trước thì sẽ không quả quyết chắc chắn được, thì thẩm phán có thể báo
trước cho nhân chứng một vài điểm, nếu nhận thấy điều đó sẽ không có gì nguy hại.
Ðiều 1566: Nhân chứng phải cung khai miệng, không được đọc điều đã viết sẵn, trừ khi phải nói đến số mục hay tính toán; trong trường hợp này, họ được phép tham khảo những điều ghi chú mà họ mang theo.
Ðiều 1567:
(1) Các câu trả lời phải được lục sự ghi chép ngay và phải ghi nguyên
văn lời chứng, ít nữa là những điều liên hệ trực tiếp đến vấn đề phán xử.
(2) Có thể cho phép xử dụng máy ghi âm, miễn là sau đó các lời đáp phải được ghi
chép lại trên giấy tờ, và nếu có thể được, phải được những người đã cung khai ký tên.
Ðiều 1568: Lục sự phải ghi vào các án từ: lời thề đã được đọc, được chuẩn hay bị từ chối; sự có mặt của các đương sự và của những người đệ tam; các câu hỏi được thêm vào chiếu theo chức vụ; và nói chung, tất cả những gì đáng ghi nhớ trong khi xảy ra cuộc thẩm vấn các nhân chứng.
Ðiều 1569:
(1) Sau khi thẩm vấn xong, phải đọc lại cho nhân chứng nghe những
điều họ cung khai mà lục sự đã ghi, hay cho họ nghe lại những điều họ cung khai đã
được ghi âm; và phải cho nhân chứng được quyền thêm, bỏ, sửa chữa, và thay đổi các
lời đã khai.
(2) Sau cùng, nhân chứng, thẩm phán và lục sự phải ký tên vào án từ.
Ðiều 1570: Trước khi công bố các án từ hoặc lời chứng, các nhân chứng, mặc dù đã được thẩm vấn rồi, cũng có thể được mời ra để thẩm vấn thêm, hoặc do lời yêu cầu của một đương sự, hoặc chiếu theo chức vụ, nếu thẩm phán thấy cần thiết hay hữu ích, miễn là không có nguy cơ nào về việc thông đồng hay hối lộ.
Ðiều 1571: Tùy theo sự ước lượng công bình của thẩm phán, các nhân chứng phải được hoàn lại các chi phí họ đã tốn, hoặc lợi đắc mà họ đã mất vì việc ra tòa để làm chứng.
Ðiều 1572: Trong việc thẩm định các lời chứng, thẩm phán phải cứu xét những điều sau đây, sau khi đòi hỏi những chứng thư nếu cần:
1. địa vị và sự thành thực của nhân chứng;
2. nhân chứng khai điều chính mình biết, nhất là do tự mắt thấy tai nghe, hay chỉ là
điều suy tưởng, hoặc dựa theo dư luận, hay nghe những người khác kể lại;
3. nhân chứng có kiên trì, chắc chắn và mạch lạc với mình hay không; hay là năng
thay đổi, không chắc chắn hay ngập ngừng;
4. những lời chứng đã cung khai có được các nhân chứng khác hỗ trợ, hay được
xác nhận bằng những yếu tố minh chứng khác hay không.
Ðiều 1573: Sự cung khai của một nhân chứng duy nhất không thể có tín lực hoàn toàn, đừng kể khi người ấy là một nhân chứng có tư cách chuyên môn và cung khai về những sự việc đã được chính họ thực hiện do chức vụ, hay khi các hoàn cảnh sự vật và nhân sự khuyến dẫn cách khác.
Ðiều 1574: Phải nhờ đến các giám định viên giúp đỡ mỗi khi luật pháp hay thẩm phán đòi hỏi sự khảo sát và ý kiến của họ, dựa trên các quy tắc của kỹ thuật và khoa học của họ, để chứng minh một sự kiện hay để biết bản tính thật của một sự vật.
Ðiều 1575: Thẩm phán có quyền bổ dụng các giám định viên sau khi nghe ý kiến hay đề nghị của các đương sự; hoặc, nếu có, thu nạp bản phúc trình đã được các giám định viên thảo ra.
Ðiều 1576: Các giám định viên có thể bị loại trừ hay bị cáo tị vì cùng những lý do như các nhân chứng.
Ðiều 1577:
(1) Căn cứ trên những gì thu thập được từ các đương sự tranh tụng,
thẩm phán phải xác định, bằng một án lệnh, từng điểm một về những gì mà các giám
định viên phải cho biết ý kiến.
(2) Phải trao cho giám định viên các án từ của vụ kiện và những hồ sơ và các tài
liệu khác mà họ có thể cần để chu toàn nhiệm vụ cách đúng đắn và trung thực.
(3) Sau khi bàn hỏi với các giám định viên, thẩm phán phải ấn định một thời hạn để
hoàn tất việc khảo sát và đệ nộp bản phúc trình.
Ðiều 1578:
(1) Mỗi giám định viên phải làm một bản phúc trình riêng rẽ trừ khi thẩm
phán ra lệnh tất cả phải làm chung một bản, và mỗi người phải ký tên vào; trong trường
hợp này, nếu có những ý kiến xung khắc, thì phải ghi chú cẩn thận.
(2) Các giám định viên phải chỉ rõ do tài liệu nào hay do những phương thức thích
hợp nào mà họ đã kiểm nhận hình dạng của những người, những sự vật và nơi chốn;
cũng phải chỉ rõ họ đã dùng đường lối và tiêu chuẩn nào để chu tất nhiệm vụ được giao
phó, và nhất là phải chỉ rõ họ đã dựa trên luận cứ nào để đi đến kết luận.
(3) Nếu cần, giám định viên có thể được thẩm phán gọi đến để giải thích thêm.
Ðiều 1579:
(1) Thẩm phán phải cân nhắc cẩn thận không những các kết luận của
các giám định viên, dù là kết quả đồng nhất, mà cả các hoàn cảnh khác của vụ kiện
nữa.
(2) Khi trình bày lý do quyết định của mình, thẩm phán phải xác định những luận cứ
nào đã đưa mình đến việc chấp nhận hay loại bỏ các kết luận của các giám định viên.
Ðiều 1580: Các giám định viên phải được trả phí tổn và thù lao do thẩm phán ấn định cách hợp lẽ và công bình, cũng như phải dựa theo luật địa phương.
Ðiều 1581:
(1) Các đương sự có thể chọn giám định viên tư, nhưng phải được thẩm
phán chấp thuận.
(2) Sau khi đã được thẩm phán thừa nhận, các giám định viên ấy có thể khảo sát
các án từ của vụ kiện, tùy theo mức độ cần thiết, và theo dõi diễn tiến của việc giám
định; tuy nhiên, họ luôn luôn có thể nộp bản phúc trình riêng của mình.
Ðiều 1582: Nếu để tra vấn một vụ kiện, thẩm phán thấy cần phải đi đến tận một nơi hay cần khám sát một vật nào, thẩm phán sẽ quyết định bằng một án lệnh trong đó kê khai sơ lược, sau khi đã hỏi ý kiến của các đương sự, những gì phải khám sát.
Ðiều 1583: Sau khi khám sát xong, một biên bản phải được thành lập.
Ðiều 1584: Sự suy đoán là phỏng đoán hữu lý về một việc không chắc chắn. Suy đoán pháp định là suy đoán đã được chính luật pháp ấn định; suy đoán nhân định là suy đoán của thẩm phán.
Ðiều 1585: Người nào có suy đoán pháp định thuận lợi về phía mình thì được miễn khỏi phải trưng bằng chứng; trách vụ dẫn chứng thuộc về đối phương.
Ðiều 1586: Thẩm phán không được đưa ra những suy đoán mà không được luật pháp ấn định nếu không dựa trên một sự kiện chắc chắn và nhất định, trực tiếp liên quan đến vấn đề đang tranh chấp.