Ðiều 412: Tòa Giám Mục bị cản khi vì lý do giam tù, quản thúc, phát lưu, hay vô năng lực, Giám Mục giáo phận bị hoàn toàn ngăn cản thi hành nhiệm vụ mục vụ trong giáo phận, đến nỗi không thể giao thiệp bằng thư từ với những người trong giáo phận.
Ðiều 413:
(1) Khi Tòa Giám Mục bị cản, nếu Tòa Thánh không dự liệu thể khác,
việc quản trị giáo phận thuộc về Giám Mục phó nếu có; nếu không có hoặc bị cản trở,
thì thuộc về Giám Mục phụ tá hoặc Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục hoặc một
linh mục nào khác, theo thứ tự được ấn định trong danh sách mà Giám Mục giáo phận
đã lập liền ngay sau khi tựu chức; danh sách ấy phải được thông báo cho Tổng Giám
Mục, và được duyệt lại ít là từng ba năm một, và được Chưởng Ấn giữ kín.
(2) Nếu không có Giám Mục phó hay vị ấy bị ngăn trở và không có danh sách nói ở
triệt 1 trên đây, thì Hội Ðồng Tư Vấn sẽ chọn một linh mục để quản trị giáo phận.
(3) Ai đã nhận quản trị giáo phận theo quy định ở triệt 1 và 2 nói trên, thì phải thông
báo sớm hết sức cho Tòa Thánh biết là Tòa Giám Mục bị cản và mình đang đảm nhận
trách vụ.
Ðiều 414: Bất cứ ai đã được gọi chiếu theo điều 413, để tạm thời đảm nhận việc săn sóc mục vụ của giáo phận trong thời gian cản tòa, thì phải giữ các nghĩa vụ và được hưởng mọi quyền hành mà luật dành cho Giám Quản giáo phận.
Ðiều 415: Nếu vì một hình phạt giáo luật, Giám Mục giáo phận bị ngăn trở thi hành chức vụ, thì Tổng Giám Mục, hoặc nếu không có Tổng Giám Mục hoặc chính ngài bị phạt thì Giám Mục thuộc hạt cao niên hơn cả, phải lập tức trình lên Tòa Thánh để Tòa Thánh dự liệu.
Ðiều 416: Tòa Giám Mục trở nên trống hay khuyết vị vì sự mệnh một của Giám Mục giáo phận, sự từ chức đã được Ðức Thánh Cha chấp nhận, sự thuyên chuyển hoặc cách chức được thông báo cho Giám Mục.
Ðiều 417: Tất cả những hành vi mà Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục đã làm cho tới khi các ngài biết được tin chắc chắn Giám Mục giáo phận đã từ trần đều có giá trị; cũng vậy, tất cả những hành vi mà Giám Mục giáo phận hoặc Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục đã làm cho tới khi nhận được tin chắc chắn về văn thư Tòa Thánh như đã nói trên đều có giá trị.
Ðiều 418:
(1) Kể từ khi nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển, Giám Mục
trong vòng hai tháng, phải tới giáo phận đã được chỉ định và tựu chức theo luật; nhưng
giáo phận cũ trở thành trống kể từ lúc Giám Mục tựu chức trong một giáo phận mới.
(2) Kể từ lúc nhận được tin chắc chắn về sự thuyên chuyển cho tới khi tựu chức
trong giáo phận mới, thì trong giáo phận cũ, Giám Mục:
1. có quyền hành và có các nghĩa vụ tương đương như Giám Quản giáo phận; mọi
quyền hành của Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục chấm dứt, ngoại trừ quy định ở
điều 409 triệt 2;
2. được hưởng trọn vẹn thù lao dành cho chức vụ.
Ðiều 419: Kể từ khi trống tòa, việc quản trị giáo phận, cho tới khi đặt được Giám Quản giáo phận, được chuyển sang Giám Mục phụ tá; nếu có nhiều Giám Mục phụ tá thì vị nào cao niên hơn cả xét theo thứ tự được tiến cử; nhưng nếu không có Giám Mục phụ tá, thì việc quản trị giáo phận chuyển sang Hội Ðồng Tư Vấn, trừ khi Tòa Thánh dự liệu thể khác. Ai đảm nhiệm việc quản trị giáo phận như vậy thì lập tức phải triệu tập Hội Ðồng có thẩm quyền để chỉ định Giám Quản giáo phận.
Ðiều 420: Khi Ðại Diện hoặc Phủ Doãn Tông Tòa trống tòa, nếu Tòa Thánh không định cách khác, thì việc quản trị sẽ thuộc vị Quyền Ðại Diện hoặc Quyền Phủ Doãn do Ðại Diện hoặc Phủ Doãn chỉ định để đảm nhận chức ấy, ngay sau khi đã tựu chức.
Ðiều 421:
(1) Trong vòng tám ngày kể từ khi nhận được tin trống tòa; Hội Ðồng Tư
Vấn phải bầu một Giám Quản giáo phận, tức là người tạm thời quản trị giáo phận,
đừng kể quy định của điều 502 triệt 3.
(2) Nếu vì bất cứ lý do nào Giám Quản giáo phận chưa được bầu cử hợp lệ trong
vòng thời gian đã ấn định, thì sự chỉ định Giám Quản sẽ chuyển sang Tổng Giám Mục;
nếu chính tòa Tổng Giám Mục bị khuyết vị, hay tòa Tổng Giám Mục bị trống cùng một lúc với một tòa thuộc hạt, thì việc chỉ định Giám Quản thuộc quyền Giám Mục thuộc hạt
cao niên nhất xét theo sự tiến cử.
Ðiều 422: Giám Mục phụ tá, và nếu không có Giám Mục phụ tá thì Hội Ðồng Tư Vấn, phải lo thông báo cho Tòa Thánh sớm hết sức biết tin Giám Mục đã từ trần; và ai đã được bầu làm Giám Quản giáo phận cũng phải thông tri sớm hết sức cho Tòa Thánh biết việc mình đã được bầu.
Ðiều 423:
(1) Chỉ được chỉ định một Giám Quản giáo phận mà thôi; mọi thói quen
trái ngược đều phải bị bài bác; nếu không, thì sự bầu cử sẽ vô hiệu.
(2) Giám Quản giáo phận không được kiêm nhiệm chức Quản Lý; vì thế, nếu Quản
Lý được bầu làm Giám Quản, thì Hội Ðồng kinh tế sẽ bầu một người khác làm Quản Lý
tạm thời.
Ðiều 424: Giám Quản giáo phận được bầu theo các điều 165-178.
Ðiều 425:
(1) Ðể có thể được chỉ định hữu hiệu vào chức vụ Giám Quản giáo phận,
cần phải là tư tế nào đã đủ ba mươi lăm tuổi, và chưa bao giờ được bầu, được bổ
nhiệm hoặc được đề cử cho chính tòa bị trống ấy.
(2) Tư Tế được chọn làm Giám Quản giáo phận phải là người trổi vượt về đạo lý và
khôn ngoan.
(3) Nếu mọi điều kiện ấn định trong triệt 1 không được tôn trọng thì Tổng Giám Mục,
hoặc nếu chính tòa Tổng Giám Mục khuyết vị thì Giám Mục thuộc hạt cao niên hơn cả
xét theo ngày tiến cử, sau khi đã kiểm chứng sự việc, sẽ chỉ định Giám Quản cho lần
đó. Những hành vi thực hiện do người được bầu lên trái ngược với quy định ở triệt 1
trên đây, đều vô hiệu do chính luật.
Ðiều 426: Trong thời gian trống tòa, trước khi Giám Quản giáo phận được chỉ định, người nào quản trị giáo phận thì có quyền hành mà luật dành cho Tổng Ðại Diện.
Ðiều 427:
(1) Giám Quản giáo phận có mọi nghĩa vụ và quyền hành như Giám Mục
giáo phận, ngoại trừ những gì xét theo bản tính sự việc hoặc chính luật pháp đã loại
trừ.
(2) Giám Quản giáo phận được hưởng quyền hành do việc đã ưng thuận sự bầu cử
và không cần sự phê chuan của ai khác, nhưng phải giữ bổn phận nói ở điều 833 số 4.
Ðiều 428:
(1) Trong khi trống tòa, thì không được đổi mới gì cả.
(2) Cấm những ai đảm nhiệm việc quản trị tạm thời giáo phận không được làm bất
cứ việc gì có thể gây tổn thiệt cho giáo phận hoặc cho các quyền lợi của Giám Mục; đặc biệt cấm các vị đó và bất cứ ai khác nữa không được đích thân hay nhờ người
khác lấy ra, tiêu hủy, sửa chữa bất cứ các tài liệu nào của phủ giáo phận.
Ðiều 429: Giám Quản giáo phận có nghĩa vụ cư trú trong giáo phận và phải dâng thánh lễ cầu cho dân, chiếu theo luật điều 388.
Ðiều 430:
(1) Nhiệm vụ Giám Quản giáo phận chấm dứt khi Tân Giám Mục tựu
chức trong giáo phận.
(2) Việc bãi chức Giám Quản giáo phận dành riêng cho Tòa Thánh; nếu muốn xin từ
chức, thì chỉ cần bày tỏ ý định theo đúng thủ tục cho tập đoàn có thẩm quyền bầu cử và
không cần được sự chấp nhận. Trong trường hợp Giám Quản giáo phận bị bãi chức,
hoặc từ chức hoặc qua đời, thì sẽ bầu một vị Giám Quản giáo phận khác theo quy tắc
của điều 421.
Ðiều 431:
(1) Ðể cổ võ sự hoạt động mục vụ chung giữa các giáo phận lân cận, tùy
theo hoàn cảnh về nhân sự và về nơi chốn, cũng như để xiết chặt hơn những sự liên
lạc hỗ tương giữa các Giám Mục giáo phận, các Giáo Hội địa phương gần nhau sẽ
được hợp lại thành các Giáo Tỉnh, với giới hạn lãnh thổ rõ rệt.
(2) Theo quy tắc chung, trong tương lai sẽ không còn các Giáo Phận được miễn trừ
nữa; vì thế, tất cả các Giáo Phận và các Giáo Hội địa phương khác ở trong lãnh thổ
của cùng một Giáo Tỉnh phải được sát nhập vào Giáo Tỉnh đó.
(3) Chỉ có Quyền Bính tối cao của Giáo Hội, sau khi đã hội ý với các Giám Mục liên
hệ, mới có thẩm quyền thiết lập, bãi bỏ hoặc sửa đổi các Giáo Tỉnh.
Ðiều 432:
(1) Công Ðồng Giáo Tỉnh và Tổng Giám Mục giữ quyền hành trong Giáo
Tỉnh theo quy tắc luật định.
(2) Giáo Tỉnh được hưởng tính cách pháp nhân theo luật.
Ðiều 433:
(1) Nếu xét thấy có lợi, nhất là trong các quốc gia có nhiều Giáo Hội địa
phương, thì các Giáo Tỉnh lân cận, theo đề nghị của Hội Ðồng Giám Mục, có thể được
Tòa Thánh cho liên kết với nhau thành các Giáo Miền.
(2) Giáo Miền có thể được lập thành pháp nhân.
Ðiều 434: Hội nghị các Giám Mục thuộc Giáo Miền có nhiệm vụ xiết chặt sự hợp tác và hoạt động mục vụ chung trong miền. Tuy nhiên những quyền hành mà các điều trong Bộ Giáo Luật này dành cho Hội Ðồng Giám Mục sẽ không có hiệu lực đối với Hội Nghị đó, trừ những quyền nào đã được Tòa Thánh ban cấp cách đặc biệt.
Ðiều 435: Tổng Giám Mục làm đầu Giáo Tỉnh, đồng thời là Tổng Giám Mục của giáo phận mà ngài được đặt lên quản trị. Chức vụ này gắn liền với một tòa Giám Mục nhất định được Ðức Thánh Cha ấn định hoặc phê chuẩn.
Ðiều 436:
(1) Trong các Giáo Phận thuộc hạt, Tổng Giám Mục có thẩm quyền:
1. canh chừng để Ðức Tin và kỷ luật Giáo Hội được tuân hành chu đáo, và thông
báo cho Ðức Thánh Cha biết về những sự lạm dụng nếu có;
2. thi hành việc kinh lược, vì một lý do được Tòa Thánh phê chuẩn trước, nếu Giám
Mục thuộc hạt đã lơ đễnh việc kinh lược;
3. bổ nhiệm Giám Quản giáo phận, theo quy tắc của các điều 421 triệt 2 và 425 triệt
3.
(2) Ở đâu hoàn cảnh đòi hỏi, Tòa Thánh có thể ủy cho Tổng Giám Mục những
nhiệm vụ và quyền hành đặc biệt, do luật địa phương xác định.
(3) Tổng Giám Mục không có một quyền quản trị nào khác trong các giáo phận
thuộc hạt; nhưng ngài có thể cử hành mọi nghi lễ thánh trong các thánh đường như là
Giám Mục trong giáo phận riêng, miễn là phải báo tin cho Giám Mục giáo phận biết
trước, khi nào cử hành trong một nhà thờ chính tòa.
Ðiều 437:
(1) Tổng Giám Mục có nghĩa vụ phải đích thân hoặc nhờ đại diện xin Ðức
Thánh Cha ban dây "Pallium" trong thời gian ba tháng kể từ ngày thụ phong Giám Mục,
hoặc nếu đã thụ phong Giám Mục rồi thì kể từ lúc được bổ nhiệm. Dây "Pallium" làm
dấu hiệu quyền hành mà Tổng Giám Mục được hưởng trong Giáo Tỉnh riêng, theo luật,
trong sự hiệp thông với Giáo Hội Roma.
(2) Tổng Giám Mục có thể mang dây "Pallium" trong bất cứ thánh đường nào thuộc
Giáo Tỉnh mà ngài đứng đầu theo quy tắc của luật phụng vụ; nhưng ngoài Giáo Tỉnh,
thì không được mang, cho dù đồng ý của Giám Mục giáo phận.
(3) Tổng Giám Mục được thuyên chuyển sang một tòa khác thì cần phải xin
"Pallium" mới.
Ðiều 438: Ngoại trừ những ân hàm danh dự, tước hiệu Thượng Phụ và Giáo Chủ không bao hàm quyền quản trị nào trong Giáo Hội Latinh, đừng kể khi nào đã rõ cách khác do đặc ân Tòa Thánh hoặc do thói quen đã được phê chuẩn.
Ðiều 439:
(1) Công Ðồng toàn miền, dành cho tất cả các Giáo Hội địa phương
thuộc cùng một Hội Ðồng Giám Mục, sẽ được nhóm họp mỗi khi chính Hội Ðồng Giám
Mục xét là cần và hữu ích, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh.
(2) Quy tắc nói ở triệt 1 cũng được áp dụng cho việc nhóm Công Ðồng tỉnh trong
một Giáo Tỉnh mà ranh giới trùng với lãnh thổ của quốc gia.
Ðiều 440:
(1) Công Ðồng tỉnh, dành cho các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một
Giáo Tỉnh, sẽ được nhóm họp khi đa số Giám Mục giáo phận trong Giáo Tỉnh xét thấy
là thuận lợi, đừng kể điều 439 triệt 2.
(2) Công Ðồng tỉnh sẽ không được triệu tập khi Tòa Tổng Giám Mục khuyết vị.
Ðiều 441: Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền:
1. triệu tập Công Ðồng toàn miền;
2. định nơi nhóm họp Công Ðồng ở trong lãnh thổ thuộc Hội Ðồng Giám Mục;
3. bầu ra trong số các Giám Mục giáo phận vị chủ tọa Công Ðồng toàn miền; vị này
phải được Tòa Thánh phê chuẩn;
4. ấn định điều lệ và các vấn đề cần được bàn thảo, tuyên bố ngày khai hội và thời
gian hội, thuyên chuyển, triển hạn và bế mạc Công Ðồng.
Ðiều 442:
(1) Tổng Giám Mục, với sự đồng ý của phần lớn các Giám Mục thuộc hạt, có thẩm quyền:
1. triệu tập Công Ðồng tỉnh;
2. định nơi nhóm họp Công Ðồng tỉnh trong lãnh thổ Giáo Tỉnh;
3. ấn định điều lệ và các vấn đề đem ra bàn thảo, tuyên bố ngày khai họp và thời
gian họp Công Ðồng tỉnh, thuyên chuyển, triển hạn hoặc bế mạc Công Ðồng.
(2) Tổng Giám Mục chủ tọa Công Ðồng tỉnh. Nếu bị ngăn trở hợp lệ, thì một Giám Mục thuộc hạt được các Giám Mục khác bầu ra sẽ chủ tọa.
Ðiều 443:
(1) Cần được triệu tập đến Công Ðồng địa phương và có quyền biểu quyết:
1. các Giám Mục giáo phận;
2. các Giám Mục phó và phụ tá;
3. các Giám Mục hiệu tòa khác hiện đang thi hành chức vụ đặc biệt trong lãnh thổ
đó, do ủy nhiệm của Tòa Thánh hoặc Hội Ðồng Giám Mục.
(2) Có thể được mời tới tham dự Công Ðồng địa phương tất cả các Giám Mục hiệu
tòa khác, kể cả các cựu Giám Mục hiện đang cư trú trong lãnh thổ; những vị này cũng
có quyền biểu quyết.
(3) Cần được triệu tập tới Công Ðồng địa phương nhưng chỉ có quyền tư vấn:
1. các Tổng Ðại Diện và các Ðại Diện Giám Mục thuộc các Giáo Hội địa phương
trong lãnh thổ;
2. các Bề Trên cao cấp của các Dòng Tu và của các Tu Ðoàn Tông Ðồ, theo số
lượng, cả nam lẫn nữ, được Hội Ðồng Giám Mục hoặc các Giám Mục của Giáo Tỉnh ấn
định; những người ấy được chọn bởi các Bề Trên cao cấp của các Dòng Tu và của các
Tu Ðoàn hiện có trụ sở trong lãnh thổ;
3. các Viện Trưởng của các Ðại Học của Giáo Hội và Ðại Học Công Giáo; cũng như
các Khoa Trưởng các Phân Khoa Thần Học và Giáo Luật, hiện có trụ sở trong lãnh thổ;
4. một vài Giám Ðốc các Ðại Chủng Viện, theo số lượng được ấn định ở số 2 trên
đây, được chọn bởi các Giám Ðốc Ðại Chủng Viện tọa lạc trong lãnh thổ.
(4) Có thể được mời tham dự các Công Ðồng địa phương, nhưng chỉ với quyền tư
vấn mà thôi, cả các linh mục và các tín hữu khác nữa; tuy nhiên số lượng không được
quá phân nửa những thành viên nói ở các triệt 1-3 trên đây.
(5) Ngoài ra, cũng phải mời dự Công Ðồng tỉnh, các kinh sĩ nhà thờ chính tòa cũng
như Hội Ðồng linh mục và Hội Ðồng mục vụ của từng Giáo Hội địa phương, nhưng mỗi
định chế chỉ được gửi hai đại biểu làm thành viên đã được bầu lên cách tập đoàn;
những người này chỉ có quyền tư vấn mà thôi.
(6) Nếu Hội Ðồng Giám Mục, đối với Công Ðồng toàn miền, hoặc Tổng Giám Mục
cùng với các Giám Mục thuộc hạt, đối với Công Ðồng tỉnh, xét thấy thuận lợi, thì có thể
mời những người khác như thượng khách tới các Công Ðồng địa phương.
Ðiều 444:
(1) Tất cả những ai đã được triệu tập tham dự Công Ðồng địa phương thì phải đến tham dự, trừ khi bị ngăn trở chính đáng, và phải báo cho vị Chủ Tọa Công
Ðồng biết điều đó.
(2) Những ai được triệu tập tham dự các Công Ðồng địa phương với quyền biểu
quyết, nếu bị ngăn trở chính đáng, có thể cử một đại diện; người đại diện chỉ có quyền
tư vấn mà thôi.
Ðiều 445: Công Ðồng địa phương phải lo liệu mọi nhu cầu mục vụ cho dân Chúa trong lãnh thổ của mình: Công Ðồng có quyền quản trị, nhất là quyền lập pháp, để có thể, trong khuôn khổ của luật phổ quát của Giáo Hội, quyết định tất cả những gì thuận lợi cho sự tăng gia Ðức Tin, tổ chức hoạt đồng mục vụ chung, và điều hành mọi phong hóa và tuân hành, thiết lập hoặc bảo vệ kỷ luật chung của Giáo Hội.
Ðiều 446: Khi Công Ðồng địa phương đã bế mạc, vị chủ tọa phải lo chuyển đạt tất cả mọi văn kiện của Công Ðồng về Tòa Thánh; các nghị quyết của Công Ðồng chỉ được ban hành sau khi đã được Tòa Thánh duyệt y; chính Công Ðồng sẽ chỉ định cách thức ban hành các nghị quyết và thời gian mà các nghị quyết đã ban hành bắt đầu có hiệu lực bó buộc.
Ðiều 447: Hội Ðồng Giám Mục, một định chế có tính cách thường trực, là một đoàn thể của các Giám Mục thuộc một quốc gia hoặc một lãnh thổ nhất định, đồng thi hành một vài nhiệm vụ mục vụ đối với các tín hữu thuộc lãnh thổ đó, nhằm cổ võ thiện ích lớn lao hơn cả mà Giáo Hội cống hiến cho mọi người, nhất là qua các hình thức và phương thế làm tông đồ được thích ứng vào những hoàn cảnh của từng thời và từng nơi, theo quy tắc luật định.
Ðiều 448:
(1) Hội Ðồng Giám Mục, theo luật chung, gồm tất cả các Giám Mục của
các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một quốc gia, theo quy tắc điều 450.
(2) Tuy nhiên, nếu Tòa Thánh, sau khi đã bàn hỏi với các Giám Mục giáo phận liên
hệ, xét rằng các hoàn cảnh nhân sự hoặc sự việc đòi hỏi, thì Hội Ðồng Giám Mục có
thể được thành lập cho một lãnh thổ nhỏ bé hoặc rộng lớn hơn; như vậy, hoặc chỉ bao
gồm các Giám Mục của một vài Giáo Hội địa phương nằm trong một lãnh thổ nhất định,
hoặc gồm các Giám Mục của các Giáo Hội địa phương hiện thuộc nhiều quốc gia khác
biệt. Tòa Thánh có thẩm quyền ấn định các quy tắc đặc biệt cho mỗi Hội Ðồng ấy.
Ðiều 449:
(1) Chỉ duy Quyền Bính tối cao của Giáo Hội, sau khi đã tham khảo ý kiến
với các Giám Mục liên hệ, mới có quyền thành lập, bãi bỏ hoặc thay đổi các Hội Ðồng
Giám Mục.
(2) Hội Ðồng Giám Mục, một khi đã được thành lập hợp lệ, đương nhiên theo luật
được hưởng tư cách pháp nhân.
Ðiều 450:
(1) Ðương nhiên theo luật làm thành viên của Hội Ðồng Giám Mục: tất cả
các Giám Mục giáo phận trong lãnh thổ và các vị được luật đồng hóa với các ngài,
cũng như các Giám Mục phó, các Giám Mục phụ tá và các Giám Mục hiệu tòa khác
hiện đang thi hành một chức vụ đặc biệt do Tòa Thánh hoặc do Hội Ðồng Giám Mục ủy
thác trong chính lãnh thổ đó; cũng có thể được mời tham dự: các Bản Quyền thuộc lễ
điển khác, nhưng chỉ với quyền tư vấn, trừ khi nào nội quy của Hội Ðồng Giám Mục
định thể khác.
(2) Các Giám Mục hiệu tòa khác và phái viên của Ðức Thánh Cha không phải là
những thành viên của Hội Ðồng Giám Mục do luật chung.
Ðiều 451: Mỗi Hội Ðồng Giám Mục phải thảo nội quy riêng, và cần được Tòa Thánh duyệt y, trong đó, đừng kể các vấn đề khác, cần ấn định các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng, ủy ban thường vụ và văn phòng tổng thư ký của Hội Ðồng, và việc thành lập các chức vụ và các ủy ban khác mà Hội Ðồng xét thấy có thể góp phần đắc lực để đạt tới các mục tiêu.
Ðiều 452:
(1) Chiếu theo nội quy, mỗi Hội Ðồng Giám Mục sẽ bầu một chủ tịch; ấn
định người nào, trong lúc chủ tịch bị ngăn trở hợp lệ, sẽ giữ chức vụ phó chủ tịch; và
chỉ định một vị tổng thư ký.
(2) Chủ Tịch của Hội Ðồng, và khi vị này bị ngăn trở hợp lệ thì phó chủ tịch, chủ tọa
không những các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục mà cả ủy ban thường
vụ nữa.
Ðiều 453: Các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục ít nhất phải họp mỗi năm một lần và mỗi khi các hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi, theo quy định của nội quy.
Ðiều 454:
(1) Trong các phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục, các Giám
Mục giáo phận và các vị được luật đồng hóa với các ngài, cũng như các Giám Mục
phó, đều có quyền biểu quyết theo luật.
(2) Các Giám Mục phụ tá và các Giám Mục hiệu tòa khác thuộc Hội Ðồng Giám Mục
có quyền biểu quyết hoặc tư vấn tùy theo quy định của nội quy của Hội Ðồng. Tuy
nhiên quyền biểu quyết chỉ được dành riêng cho những người nói ở triệt 1, khi bàn tới
việc soạn thảo hay sửa đổi nội quy.
Ðiều 455:
(1) Hội Ðồng Giám Mục chỉ có thể ra những sắc luật trong những trường
hợp mà luật phổ quát đã quy định hoặc một ủy nhiệm đặc biệt của Tòa Thánh đã tự ý
ấn định hoặc theo lời thỉnh cầu của chính Hội Ðồng.
(2) Ðể các sắc luật nói ở triệt 1 được hữu hiệu, thì trong phiên họp khoáng đại, cần
phải hội đủ ít là hai phần ba số phiếu của các Giám Mục có quyền biểu quyết trong Hội
Ðồng; và sắc luật chỉ có hiệu lực bó buộc khi được ban hành hợp lệ sau khi đã được
Tòa Thánh duyệt y.
(3) Cách thức ban hành và thời gian các sắc luật bắt đầu có hiệu lực sẽ do chính
Hội Ðồng Giám Mục ấn định.
(4) Trong những trường hợp không có luật phổ quát hay ủy nhiệm đặc biệt của Tòa
Thánh cấp cho Hội Ðồng Giám Mục quyền nói ở triệt 1 trên đây, thì mỗi Giám Mục giáo
phận có thẩm quyền nguyên vẹn; dù Hội Ðồng Giám Mục hoặc chủ tịch của Hội Ðồng
cũng không thể hành động nhân danh các Giám Mục nếu không được tất cả và từng
Giám Mục bày tỏ sự thỏa thuận.
Ðiều 456: Khi phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng Giám Mục đã bế mạc, chủ tịch sẽ gửi bản phúc trình về công vụ cũng như các sắc luật của Hội Ðồng cho Tòa Thánh: một đàng để thông tri cho Tòa Thánh biết công vụ ấy, một đàng để các sắc luật, nếu có, có thể được chính Tòa Thánh duyệt y.
Ðiều 457: Ủy Ban thường vụ của các Giám Mục phải lo chuẩn bị những vấn đề sẽ đem ra bàn thảo trong phiên họp khoáng đại, và lo liệu để những biểu quyết của phiên họp khoáng đại được thi hành nghiêm chỉnh. Ngoài ra, còn phải lo thi hành những công tác khác đã được ủy thác theo quy tắc của nội quy.
Ðiều 458: Nhiệm vụ của Tổng thư ký là: 1. soạn thảo bản phúc trình về các công vụ và các sắc luật của phiên họp khoáng đại của Hội Ðồng và công vụ của ủy ban thường vụ, và gửi cho tất cả các thành viên của Hội Ðồng; cũng như ghi chép các công vụ khác do chủ tịch của Hội Ðồng hoặc ủy ban thường vụ đã ủy thác. 2. thông tri cho các Hội Ðồng Giám Mục lân cận các công vụ và văn kiện mà Hội Ðồng trong phiên họp khoáng đại hoặc ủy ban thường vụ đã quyết định phải thông chuyển.
Ðiều 459:
(1) Cần duy trì các liên lạc giữa các Hội Ðồng Giám Mục với nhau, nhất là
giữa các Hội Ðồng Giám Mục kế cận để cổ động và bảo vệ thiện ích lớn lao hơn.
(2) Tuy nhiên mỗi khi các hành động hay dự án do các Hội Ðồng khởi xướng có tầm
mức quốc tế, thì cần phải tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước.
Ðiều 460: Công nghị giáo phận là một đại hội gồm các tư tế và các tín hữu ưu tuyển của một Giáo Hội địa phương với trách vụ giúp đỡ Giám Mục giáo phận trong việc mưu cầu thiện ích cho toàn thể cộng đoàn giáo phận, theo quy tắc của những điều luật sau đây.
Ðiều 461:
(1) Công nghị giáo phận được nhóm họp trong mỗi Giáo Hội địa phương
mỗi khi các hoàn cảnh đòi hỏi, theo sự thẩm định của Giám Mục giáo phận sau khi đã
tham khảo ý kiến của Hội Ðồng linh mục.
(2) Nếu một Giám Mục phải coi sóc nhiều giáo phận, hoặc coi sóc một giáo phận
như Giám Mục riêng của giáo phận đó đồng thời coi sóc một giáo phận khác như Giám
Quản, thì ngài có thể triệu tập một công nghị cho tất cả các giáo phận đã được ủy thác.
Ðiều 462:
(1) Chỉ duy Giám Mục giáo phận mới có thể triệu tập công nghị giáo
phận; Vị quản trị lâm thời giáo phận không có quyền triệu tập.
(2) Giám Mục giáo phận chủ tọa công nghị giáo phận, tuy dầu ngài có thể ủy cho
Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục chủ tọa từng phiên họp của công nghị.
Ðiều 463:
(1) Những người phải được mời làm thành viên, và có nghĩa vụ phải tham dự công nghị giáo phận là:
1. Giám Mục phó và các Giám Mục phụ tá;
2. các Tổng Ðại Diện và các Ðại Diện Giám Mục, cũng như Ðại Diện tư pháp;
3. các kinh sĩ của nhà thờ chính tòa;
4. các thành viên của Hội Ðồng linh mục;
5. các giáo dân, kể cả các phần tử của các Hội Dòng tận hiến, được Hội Ðồng mục
vụ lựa chọn theo thể thức và số lượng do Giám Mục giáo phận ấn định; đâu không có
Hội Ðồng ấy, thì theo cách thức do Giám Mục giáo phận đã ấn định;
6. Giám Ðốc Ðại Chủng Viện giáo phận;
7. các cha quản hạt;
8. ít là một linh mục cho mỗi giáo hạt, được chọn do những người đang lo việc coi
sóc các linh hồn tại đó; ngoài ra, một linh mục khác được lựa chọn để thay thế nếu
chẳng may linh mục kia bị ngăn trở;
9. một vài Bề Trên của các Dòng Tu và của các Tu Ðoàn Tông Ðồ hiện đang có tu
viện ở trong giáo phận; những người này được lựa chọn theo số lượng và thể thức do
Giám Mục giáo phận ấn định.
(2) Giám Mục giáo phận có thể mời làm thành viên của công nghị giáo phận một số
người khác, hoặc giáo sĩ hoặc các phần tử Hội Dòng tận hiến hoặc các giáo dân.
(3) Nếu thấy thuận lợi, Giám Mục giáo phận có thể mời làm quan sát viên tại công
nghị một số các viên chức hoặc phần tử của các Giáo Hội hoặc thuộc các giáo đoàn
không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo.
Ðiều 464: Nếu một thành viên của công nghị bị ngăn trở hợp lệ, thì không có thể cử một người đại diện nhân danh mình tới tham dự; nhưng phải thông tri cho Giám Mục biết về ngăn trở đó.
Ðiều 465: Tất cả các vấn đề đã đề xướng sẽ được các thành viên tự do bàn thảo trong các phiên họp của công nghị.
Ðiều 466: Trong công nghị giáo phận, Giám Mục là nhà lập pháp duy nhất, và các thành viên khác chỉ có quyền tư vấn. Duy có Giám Mục ký nhận mọi tuyên ngôn và mọi quyết nghị của công nghị, và sẽ ban hành chúng với quyền hành của ngài.
Ðiều 467: Giám Mục giáo phận phải thông tri cho Tổng Giám Mục và cho Hội Ðồng Giám Mục về bản văn của các tuyên ngôn và về các quyết nghị của công nghị.
Ðiều 468:
(1) Giám Mục giáo phận, tùy theo sự thẩm định khôn ngoan của ngài, có
thẩm quyền đình chỉ và giải tán công nghị giáo phận.
(2) Trong khi trống tòa hoặc cản tòa, công nghị đương nhiên theo luật bị đình chỉ
cho tới lúc Giám Mục giáo phận kế vị quyết định tiếp tục hoặc tuyên bố kết thúc công
nghị.
Ðiều 469: Phủ giáo phận gồm các định chế và các nhân viên cộng tác với Giám Mục trong việc quản trị toàn thể giáo phận, nhất là việc điều khiển hoạt động mục vụ, lo việc trông nom sự hành chánh của giáo phận cũng như việc hành sử quyền tư pháp.
Ðiều 470: Việc bổ nhiệm những người thi hành chức vụ trong phủ giáo phận là quyền của Giám Mục giáo phận.
Ðiều 471: Tất cả những người đã được thâu nhận vào các chức vụ trong giáo phủ cần phải:
1. hứa trung thành chu toàn chức vụ, theo đúng phương thức do luật pháp hoặc
Giám Mục đã ấn định;
2. giữ bí mật trong mức định và theo cách thức do luật pháp hoặc Giám Mục đã ấn
định.
Ðiều 472: Ðối với những vụ kiện và nhân viên trong giáo phủ có liên hệ tới việc hành sử quyền tư pháp, phải giữ mọi quy định của quyển VII về "Tố Tụng"; còn những gì liên hệ tới công việc hành chánh của giáo phận, thì phải giữ đúng các quy định của những điều luật sau đây.
Ðiều 473:
(1) Giám Mục giáo phận phải lo sao cho mọi công việc liên hệ tới công
việc hành chánh của toàn giáo phận được phối trí hợp lý, và nhằm đạt được thiện ích
của phần dân Chúa đã ủy thác cho mình.
(2) Chính Giám Mục giáo phận phải lo phối hợp công tác mục vụ giữa các vị Ðại
Diện, dù Tổng Ðại Diện hay Ðại Diện Giám Mục. Ở đâu thấy cần, có thể đặt một Giám
Ðốc giáo phủ; người này phải là một tư tế, có trách vụ, dưới quyền của Giám Mục, phối
hợp mọi công việc liên quan tới công tác hành chánh, cũng như lo cho tất cả các nhân
viên giáo phủ hoàn tất chu đáo trách vụ đã ủy thác cho họ.
(3) Nếu, theo thẩm định của Giám Mục, hoàn cảnh tại chỗ không đòi hỏi cách khác,
thì Tổng Ðại Diện phải được bổ nhiệm làm Giám Ðốc giáo phủ, hoặc nếu có nhiều
Tổng Ðại Diện, thì một trong số các vị ấy sẽ giữ chức vụ ấy.
(4) Ðể xúc tiến công tác mục vụ đắc hiệu hơn, nếu nhận xét thấy tiện, Giám Mục có
thể thành lập Ủy Ban Tư Vấn Giám Mục, gồm các Tổng Ðại Diện và các Ðại Diện Giám
Mục.
Ðiều 474: Tất cả mọi văn kiện của giáo phủ có tính cách pháp lý thì để được hữu hiệu, cần được ký nhận bởi Bản Quyền tác giả cũng như của Chưởng Ấn hoặc Lục Sự của giáo phủ; Chưởng Ấn có bổn phận thông tri cho Giám Ðốc giáo phủ biết về các văn kiện ấy.
Ðiều 475:
(1) Trong mỗi giáo phận, Giám Mục giáo phận nên đặt một Tổng Ðại Diện
với quyền hành thông thường theo quy tắc của những điều luật sau đây, để giúp Giám
Mục trong việc quản trị toàn giáo phận.
(2) Theo luật chung, chỉ được đặt một Tổng Ðại Diện, trừ khi giáo phận rộng lớn
hoặc số người cư ngụ đông đảo hoặc vì những lý do mục vụ khác đòi hỏi cách khác.
Ðiều 476: Khi nào thấy cần cho sự quản trị chính đáng của giáo phận, Giám Mục giáo phận cũng có thể đặt một hoặc nhiều Ðại Diện Giám Mục cho một khu vực nhất định của giáo phận, hoặc cho một số công việc nhất định, hoặc cho một số giáo hữu thuộc một lễ điển, hoặc đối với một nhóm người nhất định nào đó. Các Ðại Diện Giám Mục được quyền hành thông thường mà luật phổ quát dành cho Tổng Ðại Diện, theo quy tắc của những điều sau đây.
Ðiều 477:
(1) Giám Mục giáo phận tự do bổ nhiệm Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám
Mục, và cũng có thể bãi chức họ, miễn là tôn trọng quy tắc của điều 406; Ðại Diện
Giám Mục, nếu không phải là Giám Mục phụ tá, chỉ được bổ nhiệm có hạn kỳ được
định rõ trong bổ nhiệm thư.
(2) Khi Tổng Ðại Diện vắng mặt hoặc bị ngăn trở hợp lệ, Giám Mục giáo phận có thể
bổ nhiệm một vị khác thay thế; quy tắc đó cũng được áp dụng cho Ðại Diện Giám Mục.
Ðiều 478:
(1) Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục phải là những tư tế không dưới
ba mươi tuổi, có bằng tiến sĩ hoặc cử nhân Giáo Luật hay Thần Học hoặc ít là thực sự
thành thạo các môn đó, trổi vượt vì đạo lý lành mạnh, đức độ, khôn ngoan, và từng trải
khi xử sự công việc.
(2) Chức vụ Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục không thể kiêm nhiệm chức vụ
kinh sĩ xá giải; và cũng không thể ủy thác người cùng huyết tộc với Giám Mục cho tới
cấp thứ bốn.
Ðiều 479:
(1) Tổng Ðại Diện, chiếu theo chức vụ, trong toàn giáo phận có quyền
hành pháp mà luật dành cho Giám Mục giáo phận, để thực hiện bất cứ mọi thứ công
việc hành chánh, chỉ trừ những công việc mà Giám Mục đã dành riêng hoặc những
công việc mà luật đòi phải có ủy nhiệm đặc biệt của Giám Mục.
(2) Ðại Diện Giám Mục, đương nhiên theo luật, cũng có quyền hạn nói ở triệt 1,
nhưng chỉ trong giới hạn lãnh thổ hoặc thứ loại công việc hoặc số giáo hữu thuộc lễ
điển hoặc đoàn nhóm nhất định mà Ðại Diện Giám Mục đã được đặt lên, trừ những
việc gì Giám Mục đã dành riêng cho ngài hoặc cho Tổng Ðại Diện, hoặc những gì mà
luật đòi cần phải có ủy nhiệm đặc biệt của Giám Mục.
(3) Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục, trong phạm vi thuộc thẩm quyền của
mình, cũng được hưởng các năng ân thường lệ mà Tòa Thánh ban cho Giám Mục,
cũng như việc thi hành các phúc nghị, trừ khi có quy định minh thị cách khác hoặc
Giám Mục giáo phận đã được chọn vì tài cán cá nhân.
Ðiều 480: Tổng Ðại Diện và Ðại Diện Giám Mục phải tường trình cho Giám Mục giáo phận về những hoạt động quan trọng phải làm và đã làm, và không bao giờ được hành động trái với ý muốn và chủ đích của Giám Mục giáo phận.
Ðiều 481:
(1) Quyền hành của Tổng Ðại Diện và của Ðại Diện Giám Mục chấm dứt
khi sự ủy nhiệm đã mãn hạn, do sự từ chức, và, đừng kể quy định của các điều 406 và
409, do sự bãi chức được Giám Mục giáo phận thông tri, và khi Tòa Giám Mục khuyết
vị.
(2) Nếu Giám Mục giáo phận bị huyền chức, thì quyền hành của Tổng Ðại Diện và
của Ðại Diện Giám Mục cũng bị đình chỉ, nếu họ không có chức Giám Mục.
Mục II: Chưởng Ấn, Các Lục Sự và Văn Khố (482-491)
Ðiều 482:
(1) Trong bất cứ giáo phủ nào cũng phải đặt một Chưởng Ấn mà chức vụ
chính yếu, nếu luật địa phương không ấn định cách nào khác, là lo thảo và gửi các văn
kiện của giáo phủ, và lưu giữ tất cả mọi văn kiện trong văn khố của giáo phủ.
(2) Nếu thấy cần, có thể đặt một người phụ tá cho Chưởng Ấn, với danh nghĩa là
Phó Chưởng Ấn.
(3) Chưởng Ấn và Phó Chưởng Ấn đương nhiên làm Lục Sự và Thư Ký của giáo
phủ.
Ðiều 483:
(1) Ngoài Chưởng Ấn ra, còn có thể đặt nhiều Lục Sự khác nữa, mà chữ
viết hoặc chữ ký của họ có giá trị xác thực công chứng; họ có thể được đặt hoặc cho
bất cứ mọi công việc hoặc chỉ cho những công việc về tòa án, hoặc chỉ lo về án từ của
một vụ kiện hay một công chuyện nhất định.
(2) Chưởng Ấn và các Lục Sự phải là những người có tiếng tốt và không có gì bị
nghi ngờ; trong những vụ kiện có thể liên hệ tới thanh danh của một tư tế, thì Lục Sự
phải là một tư tế.
Ðiều 484: Trách vụ của Lục Sự là: 1. biên soạn các chứng thư và văn kiện liên quan tới các nghị định, các quyết nghị, mọi nghĩa vụ hoặc tất cả những vấn đề nào khác cần đến sự can thiệp của họ; 2. chuyển tả cách trung thực tất cả mọi thủ tục đang tiến hành, và ký nhận cùng ghi rõ nơi, ngày, tháng và năm; 3. dựa theo các quy tắc luật định, trưng bày các chứng thư và văn kiện chứa trong các sổ bộ cho những người yêu cầu cách hợp lệ, và thị thực các bản sao với sự tuyên bố hợp với nguyên bản.
Ðiều 485: Giám Mục giáo phận có thể tự do bãi chức Chưởng Ấn và các Lục Sự khác; nhưng Giám Quản giáo phận không có quyền ấy nếu không có sự đồng ý của Hội Ðồng Tư Vấn.
Ðiều 486:
(1) Tất cả mọi tài liệu liên hệ tới giáo phận hoặc tới các giáo xứ, cần phải
được lưu trữ hết sức cẩn thận.
(2) Trong mỗi giáo phủ cần phải lập một Văn Khố Giáo Phận tại một nơi an toàn để
lưu giữ mọi văn kiện và giấy tờ liên quan tới mọi công chuyện thiêng liêng hoặc thế sự
của giáo phận, được sắp xếp cho có thứ tự rõ ràng và gìn giữ cẩn thận.
(3) Cần phải lập một bản kê khai hay mục lục tất cả mọi tài liệu giữ trong Văn Khố
với bản tóm tắt về từng tờ một.
Ðiều 487:
(1) Văn Khố phải được khóa, và chỉ có Giám Mục và Chưởng Ấn giữ chìa
khóa; không ai được phép vào nếu không có phép của Giám Mục hoặc của Giám Ðốc
giáo phủ cùng với Chưởng Ấn.
(2) Mọi người có quan thiết tới các tài liệu tự bản tính đã trở thành công khai và có
liên can tới tình trạng cá nhân của mình đều có quyền tự mình hoặc nhờ đại diện xin
trích lục công chứng một bản tài liệu ấy, hoặc viết hoặc chụp.
Ðiều 488: Không được phép lấy các tài liệu ra khỏi Văn Khố, đừng kể trong thời gian ngắn và có sự đồng ý của Giám Mục hoặc của Giám Ðốc giáo phủ cùng với Chưởng Ấn.
Ðiều 489:
(1) Trong giáo phủ giáo phận cũng phải có một Văn Khố mật, hoặc ít ra là
trong Văn Khố chung có một tủ hoặc một hòm khóa kỹ lưỡng và không thể xê dịch;
trong đó phải gìn giữ hết sức cẩn thận những tài liệu cần được giữ bí mật.
(2) Hằng năm phải hủy bỏ những tài liệu về các vụ kiện hình sự liên can đến phong
hóa mà can phạm đã chết rồi, hoặc các vụ kiện đã kết liễu sau khi án văn đã được
tuyên bố được mười năm: chỉ cần lưu lại bản tóm tắt sự kiện cùng với bản án chung
quyết.
Ðiều 490:
(1) Chỉ một mình Giám Mục giữ chìa khóa Văn Khố mật.
(2) Trong khi trống tòa, không được mở Văn Khố hoặc tủ mật, trừ trường hợp thực
sự cần thiết, và do chính Giám Quản giáo phận đích thân mở.
(3) Không được phép lấy các tài liệu ra khỏi Văn Khố hoặc tủ mật.
Ðiều 491:
(1) Giám Mục giáo phận phải lo liệu để các văn thư và tài liệu được gìn
giữ cẩn thận trong các Văn Khố của các nhà thờ chính tòa, của các hợp đoàn, của các
giáo xứ và của tất cả các nhà thờ khác hiện có trong lãnh thổ mình; và liệu sao để có tờ kê khai mục lục hoặc tổng mục được lập làm hai bản, một bản giữ lại trong Văn Khố
riêng, và bản kia lưu giữ tại Văn Khố giáo phận.
(2) Giám Mục cũng phải lo liệu để trong giáo phận có một Văn Khố lịch sử trong đó
giữ gìn và sắp xếp có hệ thống mạch lạc các tài liệu có giá trị về lịch sử.
(3) Ðể tham khảo hoặc mang ra khỏi Văn Khố mọi văn thư và mọi tài liệu đã nói ở
triệt 1 và 2 trên đây, cần phải tuân giữ các quy tắc do Giám Mục giáo phận đã ấn định.
Mục III: Hội Ðồng Kinh Tế và Quản Lý (492-494)
Ðiều 492:
(1) Trong mỗi giáo phận phải thiết lập một Hội Ðồng kinh tế, do chính
Giám Mục giáo phận hoặc một người được ủy nhiệm làm chủ tịch và gồm ít nhất là ba
tín hữu do Giám Mục bổ nhiệm; cần phải là những người thành thạo về kinh tài và về
dân luật, và thanh liêm.
(2) Các thành viên của Hội Ðồng kinh tế được bổ nhiệm với thời hạn là năm năm,
nhưng khi đã mãn hạn, họ còn có thể được tái bổ năm năm nữa.
(3) Không được nhận vào Hội Ðồng kinh tế những người có họ hàng với Giám Mục
do huyết tộc hoặc hôn thuộc tới cấp thứ tư.
Ðiều 493: Ngoài những nhiệm vụ đã ủy thác cho chính Hội Ðồng nói tới ở Quyển V "Về tài sản của Giáo Hội", Hội Ðồng kinh tế còn có trách vụ hằng năm, theo chỉ thị của Giám Mục giáo phận, thảo ngân sách dự thu và dự chi trù liệu cho việc điều hành tổng quát của giáo phận trong năm tới, và phê chuẩn số chi thu của năm cũ.
Ðiều 494:
(1) Trong mỗi giáo phận, sau khi đã tham khảo ý kiến với Hội Ðồng Tư
Vấn và Hội Ðồng kinh tế, Giám Mục phải bổ nhiệm một Quản Lý; vị này phải thực là
thành thạo về kinh tài và đức độ ngay thẳng.
(2) Quản Lý được bổ nhiệm với hạn kỳ năm năm, nhưng khi mãn hạn có thể được
bổ nhiệm thêm năm năm nữa. Giám Mục không được bãi chức Quản Lý trong thời gian
tại chức nếu không có lý do nào hệ trọng, sau khi đã bàn hỏi ý kiến của Hội Ðồng Tư
Vấn và Hội Ðồng kinh tế.
(3) Quản Lý có trách vụ, theo thể thức Hội Ðồng kinh tế ấn định, quản trị dưới quyền
của Giám Mục, mọi tài sản của giáo phận, và dựa trên lợi tức thu hoạch được của giáo
phận, thi hành những chi tiêu theo lệnh hợp lệ của Giám Mục hoặc của những người
khác được Giám Mục ủy thác.
(4) Hàng năm, Quản Lý phải tường trình cho Hội Ðồng kinh tế về số thu và số chi.
Ðiều 495:
(1) Trong mỗi giáo phận, cần phải thành lập một Hội Ðồng Linh Mục, tức
là một đoàn thể các Linh Mục đại diện cho Linh Mục đoàn, với nhiệm vụ tựa như Nghị
Viện của Giám Mục; Hội Ðồng Linh Mục có trách vụ giúp Giám Mục trong việc cai quản
giáo phận theo quy tắc luật định, để thiện ích mục vụ của phần dân Chúa đã ủy thác
được thăng tiến bằng đường lối đắc hiệu nhất.
(2) Trong những hạt Ðại Diện và Phủ Doãn Tông Tòa, thì vị Ðại Diện hoặc Phủ
Doãn phải lập một Hội Ðồng gồm ít là ba linh mục truyền giáo, để bàn hỏi với họ, kể cả
bằng thư từ, trong những công việc hệ trọng.
Ðiều 496: Hội Ðồng Linh Mục cần có nội quy riêng được Giám Mục giáo phận phê chuẩn, dựa theo những quy tắc do Hội Ðồng Giám Mục đã ra.
Ðiều 497: Về việc chỉ định thành phần Hội Ðồng Linh Mục: 1. chừng độ một nửa thành viên được chọn do chính các tư tế tự do chọn lựa, theo quy tắc của những điều luật sau đây và của nội quy; 2. một vài tư tế, theo quy tắc nội quy, phải là những thành viên đương nhiên, tức là họ thuộc về Hội Ðồng chiếu theo trách vụ đã ủy thác cho họ; 3. Giám Mục giáo phận có quyền tự do bổ nhiệm một số người khác.
Ðiều 498:
(1) Ðể thành lập Hội Ðồng Linh Mục, những người sau đây có quyền bầu
cử và ứng cử:
1. tất cả các tư tế triều đã nhập tịch trong giáo phận;
2. các tư tế triều không nhập tịch trong giáo phận, cũng như các tư tế phần tử của
một Dòng Tu hoặc của một Tu Ðoàn Tông Ðồ cư ngụ trong giáo phận và đang thi hành
chức vụ nào đó vì thiện ích của giáo phận.
(2) Tùy theo nội quy dự liệu, quyền bầu cử và ứng cử có thể được cấp cho cả các
tư tế khác có cư sở hoặc bán cư sở trong giáo phận.
Ðiều 499: Nội quy phải xác định phương thức lựa chọn các thành viên của Hội Ðồng Linh Mục, làm sao cho các tư tế của Linh Mục đoàn được đại diện xét theo các tác vụ khác nhau và các vùng khác nhau trong giáo phận.
Ðiều 500:
(1) Giám Mục giáo phận có quyền triệu tập Hội Ðồng Linh Mục, chủ tọa
và chỉ định những vấn đề sẽ bàn thảo trong Hội Ðồng, hoặc là chấp nhận các đề nghị
của các thành viên.
(2) Hội Ðồng Linh Mục chỉ có quyền tư vấn; Giám Mục giáo phận phải hỏi ý kiến Hội
Ðồng trong những việc có tầm hệ trọng, nhưng chỉ cần sự đồng ý của họ trong những
trường hợp nào luật ấn định minh thị.
(3) Hội Ðồng Linh Mục không bao giờ có thể tiến hành mà không có Giám Mục giáo
phận; chỉ mình Ngài có trách nhiệm lo công bố những gì đã được ấn định ở triệt 2.
Ðiều 501:
(1) Các thành viên của Hội Ðồng Linh Mục được chỉ định với hạn kỳ được
ấn định trong nội quy, nhưng phải làm sao để trong vòng năm năm toàn thể hoặc là một
phần của Hội Ðồng được đổi mới.
(2) Khi Tòa Giám Mục khuyết vị, thì Hội Ðồng Linh Mục cũng ngưng: mọi nhiệm vụ
của Hội Ðồng sẽ do Hội Ðồng Tư Vấn đảm nhiệm; trong vòng một năm kể từ ngày tựu
chức, Giám Mục phải lo thành lập lại Hội Ðồng Linh Mục.
(3) Nếu Hội Ðồng Linh Mục không chu toàn nhiệm vụ đã ủy thác vì thiện ích của
giáo phận hoặc lạm dụng trầm trọng nhiệm vụ của mình, thì Giám Mục giáo phận, sau
khi đã tham khảo ý kiến của Tổng Giám Mục, hoặc nếu xảy ra ở giáo phận Tổng Giám
Mục thì tham khảo Giám Mục giáo phận thuộc hạt cao niên nhất xét theo ngày tiến cử,
có thể giải tán Hội Ðồng; nhưng trong vòng một năm phải thành lập lại Hội Ðồng.
Ðiều 502:
(1) Trong các thành viên của Hội Ðồng Linh Mục, Giám Mục giáo phận
được tự do lựa chọn một vài tư tế, với con số không dưới sáu và không quá mười hai,
hợp thành Hội Ðồng Tư Vấn với nhiệm kỳ năm năm, với những trách vụ do luật ấn
định; tuy nhiên khi đã hết nhiệm kỳ năm năm, Hội Ðồng vẫn cứ tiếp tục thi hành mọi
trách vụ cho tới khi thành lập Hội Ðồng mới.
(2) Hội Ðồng Tư Vấn do Giám Mục giáo phận chủ tọa, nhưng khi cản tòa hoặc trống
tòa, thì vị chủ tịch là người tạm thời thay thế Giám Mục, hoặc nếu chưa đặt được người
thay thế, thì Linh Mục cao niên nhất trong Hội Ðồng xét theo ngày chịu chức.
(3) Hội Ðồng Giám Mục có thể ấn định ủy thác cho kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa
các nhiệm vụ của Hội Ðồng Tư Vấn.
(4) Trong các hạt Ðại Diện và Phủ Doãn Tông Tòa, các nhiệm vụ của Hội Ðồng Tư
Vấn sẽ thuộc về Hội Ðồng Truyền Giáo nói ở điều 495 triệt 2, trừ khi luật đã định cách
khác.
Ðiều 503: Các Hội Kinh Sĩ hoặc ở các nhà thờ chính tòa hay ở các hợp đoàn khác là một tập đoàn gồm các tư tế chuyên cần lo các nghi lễ phụng vụ trọng thể hơn trong nhà thờ chính tòa hoặc nhà thờ hợp đoàn; ngoài ra Hội Kinh Sĩ nhà thờ chính tòa còn chu tất những nhiệm vụ mà luật hoặc Giám Mục giáo phận đã ủy thác.
Ðiều 504: Việc thành lập, canh tân hoặc giải tán Hội Kinh Sĩ nhà thờ chính tòa dành riêng cho Tòa Thánh.
Ðiều 505: Mỗi Hội Kinh Sĩ dù thuộc nhà thờ chính tòa hay thuộc nhà thờ hợp đoàn phải có nội quy riêng, được soạn thảo ra qua một hành vi hợp lệ của toàn hội và được Giám Mục giáo phận phê chuẩn. Nội quy đó không được thay đổi hoặc bãi bỏ nếu không có sự phê chuẩn của chính Giám Mục giáo phận.
Ðiều 506:
(1) Nội quy của Kinh Sĩ Hội, tuy phải luôn luôn tôn trọng các luật thành
lập, cần ấn định cơ cấu của hội và số các Kinh Sĩ; xác định bổn phận của hội và của
từng Kinh Sĩ đối với việc phụng tự Thiên Chúa và việc thi hành tác vụ; ấn định các
phiên họp để bàn thảo về các công chuyện liên hệ tới hội và, trong khuôn khổ của
những quy định của luật phổ quát, ấn định những điều kiện cần có để các hành vi được
hữu hiệu và hợp pháp.
(2) Trong nội quy cũng cần xác định về lương bổng phải trả, hoặc cố định hoặc vào
dịp thi hành một nhiệm vụ, cũng như huy hiệu của các Kinh Sĩ dựa theo các quy tắc
Tòa Thánh đã định.
Ðiều 507:
(1) Trong các Kinh Sĩ cần có một người làm chủ tịch của hội; các chức vụ
khác cần được chỉ định chiếu theo quy tắc của nội quy và tập tục thịnh hành ở địa
phương.
(2) Các giáo sĩ không thuộc về hội, cũng có thể được ủy thác cho những chức vụ
khác nhờ đó họ giúp đỡ các Kinh Sĩ theo quy tắc của nội quy.
Ðiều 508:
(1) Kinh Sĩ xá giải hoặc tại nhà thờ chính tòa hoặc tại nhà thờ hợp đoàn,
chiếu theo chức vụ, có quyền thông thường để giải trong tòa bí tích các vạ "tiền kết"
chưa tuyên bố và không dành riêng cho Tòa Thánh; quyền này không thể được ủy
nhiệm, nhưng có thể hành sử đối với những người ở trong giáo phận tuy không là
thuộc dân của giáo phận, và đối với cả những thuộc dân của giáo phận nhưng ở ngoài
lãnh thổ của giáo phận.
(2) Ở đâu không có Hội Kinh Sĩ, thì Giám Mục giáo phận sẽ đặt một tư tế để giữ
nhiệm vụ đó.
Ðiều 509:
(1) Sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Kinh Sĩ, Giám Mục giáo phận,
chứ không phải Giám Quản giáo phận, bổ nhiệm tất cả và từng Kinh Sĩ hoặc trong nhà
thờ chính tòa hoặc trong nhà thờ hợp đoàn; mọi đặc ân trái ngược đều bị thu hồi. Việc
phê chuẩn người đã được hội bầu làm chủ tịch cũng thuộc thẩm quyền của Giám Mục.
(2) Giám Mục giáo phận chỉ nên bổ làm Kinh Sĩ những tư tế nào trổi vượt về đạo lý
và đời sống đứng đắn, và đã thi hành tác vụ tư tế cách hoàn hảo.
Ðiều 510:
(1) Các giáo xứ sẽ không còn được liên kết với Hội Kinh Sĩ nữa; những
giáo xứ nào đã liên kết với Kinh Sĩ Hội thì phải được Giám Mục giáo phận tách rời ra.
(2) Trong thánh đường vừa thuộc về giáo xứ vừa thuộc Hội Kinh Sĩ thì phải chỉ định
một cha sở, có thể được chọn trong số các Kinh Sĩ hoặc có thể không; cha sở ấy có tất
cả mọi trách vụ, quyền lợi và năng ân mà các quy tắc của luật đã dành cho cha sở.
(3) Giám Mục giáo phận sẽ ấn định các quy tắc nhờ đó các công việc mục vụ của
cha sở và những nhiệm vụ riêng của Kinh Sĩ Hội được dung hòa cách xứng hợp; tránh
đừng để cha sở có thể làm trở ngại công việc của Kinh Sĩ Hội và Kinh Sĩ Hội làm trở
ngại công việc của cha sở; nếu xảy ra tranh chấp, thì Giám Mục giáo phận phải phân
giải, nhưng tiên vàn ngài phải lo sao để những nhu cầu mục vụ của các tín hữu được
trù liệu thỏa đáng.
(4) Các thứ dâng cúng cho một nhà thờ vừa thuộc giáo xứ vừa thuộc Hội Kinh Sĩ
được suy đoán là dâng cho giáo xứ, trừ khi đã rõ cách khác.
Ðiều 511: Trong mỗi giáo phận, tùy theo hoàn cảnh mục vụ thúc giục, nên thành lập Hội Ðồng Mục Vụ, với trách vụ là, dưới quyền của Giám Mục, lo nghiên cứu, cân nhắc và đề ra những kết luận thực tiễn về tất cả những gì liên quan tới hoạt động mục vụ trong giáo phận.
Ðiều 512:
(1) Hội Ðồng Mục Vụ gồm các tín hữu đang thông hiệp trọn vẹn với Giáo
Hội Công Giáo, hoặc là giáo sĩ hoặc là các phần tử các Dòng Tu và nhất là giáo dân; tất
cả đều được chỉ định theo cách thức do Giám Mục giáo phận ấn định.
(2) Các tín hữu được cử vào Hội Ðồng Mục Vụ cần được lựa chọn cách nào để có
thể phản ảnh được phần dân Chúa cấu tạo thành giáo phận, dựa vào các khu vực khác
nhau của giáo phận, các điều kiện xã hội và nghề nghiệp, và cả tới phần vụ mà các tín
hữu đóng góp trong hoạt động tông đồ hoặc với tư cách cá nhân hoặc liên hiệp với
những người khác.
(3) Chỉ nên cử vào Hội Ðồng Mục Vụ những tín hữu trổi về Ðức Tin vững vàng,
hạnh kiểm tốt và khôn ngoan.
Ðiều 513:
(1) Hội Ðồng Mục Vụ được thành lập với một hạn kỳ nhất định, theo các
quy định của nội quy được Giám Mục ban hành.
(2) Khi Tòa Giám Mục khuyết vị, thì Hội Ðồng Mục Vụ dứt.
Ðiều 514:
(1) Chỉ có Giám Mục giáo phận, tùy theo nhu cầu tông đồ, có quyền triệu
tập và chủ tọa Hội Ðồng Mục Vụ; cũng chỉ duy có một mình Giám Mục giáo phận có
quyền công bố tất cả những gì đã được bàn thảo trong Hội Ðồng. Hội Ðồng Mục Vụ chỉ
có quyền tư vấn.
(2) Hội Ðồng Mục Vụ phải được triệu tập ít là mỗi năm một lần.