Khi cuộc đời bạn càng trở nên một lời cầu nguyện, bạn không chỉ có một cái nhìn sáng suốt sâu đậm hơn vào chính bạn và người lân cận, nhưng bạn còn phát triển một cảm giác rõ hơn về nhịp đập của thế giới bạn đang sống. Nếu bạn thực sự cầu nguyện, bạn không thể không đặt câu hỏi nghiêm trọng về các vấn đề lớn lao mà thế giới đang vật lộn với nó và bạn không thể tránh được ý nghĩ rằng sự hoán cải thì không chỉ cần cho chính bạn và người lân cận, nhưng còn cho toàn thể nhân loại. Sự chuyển đổi của thế giới cần đến một ngôn sứ chứng nhân là người dám phê phán thế giới.
Thoạt nhìn, những chữ “cầu nguyện” và “phê phán” dường như đối nghịch nhau tột cùng và đến từ những thế giới khác biệt đến độ sự phối hợp của chúng có lẽ gây ra sự thất vọng sâu sắc. Chúng ta nhìn nhận rằng thế giới này cần thay đổi và sự thay đổi không thể xảy ra mà không có hành động, nhưng chúng ta thường cảm thấy lạc lõng khi đặt câu hỏi “làm thế nào?” Sự thất vọng này là một chỗ tốt để bắt đầu, vì trong thời đại chúng ta, người thất vọng dường như đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn là người cầu nguyện.
Sự thất vọng mà nó khiến nhiều người xăn tay áo, mà nó làm họ hoang mang và thúc đẩy họ phải phản đối và xuống đường – hoặc, trong sự bất chấp, không làm gì cả hoặc tìm quên trong ma túy – là một dấu hiệu không thể sai lầm về một sự bất mãn tận gốc với thế giới này mà trong đó họ buộc phải sống. Một số người muốn nhắc cho xã hội chúng ta nhớ đến các lý tưởng tự do và công bằng mà chúng được viết trong nhiều cuốn sách nhưng thường bị chà đạp dưới chân trong thực hành hàng ngày. Những người khác từ bỏ nỗ lực này và đi đến kết luận rằng chỉ còn cơ hội để người ta tìm thấy bình an và thanh thản là rút ra khỏi thế giới hỗn độn này. Họ trở nên căm phẫn với xã hội và các thể chế của nó.
Bất cứ người ta làm gì, dù trở nên một nhà cách mạng hay một người mơ mộng nhu mì, dù người ta kêu gọi thay đổi các cơ cấu hoặc để nó trôi qua với một nụ cười u sầu, sự phẫn uất vẫn còn, một cách mãnh liệt và dễ nhận thấy hoặc bị đè nén dưới một thái độ lãnh đạm tiêu cực. Trong tất cả các hiện tượng này, không khó để nhận ra sự khao khát một thế giới mới cách sâu đậm. Xã hội như hiện thời thì phải thay đổi, các cấu trúc sai lầm của nó phải tan biến, và điều gì đó hoàn toàn mới phải xảy ra.
Một số người đi vào cuộc tranh đấu với tất cả năng lực họ có thể tập trung, trong khi những người khác chờ đợi một thế giới mới như chờ đợi một sự xuất hiện mà tự họ không thể đem lại. Vẫn còn những người khác tìm cách dự đoán tương lai và tan loãng vào một thế-giới-mơ-mộng gượng ép của âm thanh, mầu sắc, và hình thể mà trong đó, tối thiểu một giây phút, họ có thể làm ra vẻ như mọi thứ – ngay cả chính họ – đã được biến đổi.
Có lẽ điều kinh ngạc nhất về các quan điểm ngày nay về tương lai của thế giới là chúng định hình độc lập với các tư duy Kitô Giáo. Các tiếng kêu gào một thời đại mới, một trật tự mới, thường được nghe ở bên ngoài truyền thống Kitô Giáo.
Vả lại bạn chỉ là Kitô Hữu một khi bạn tìm kiếm một thế giới mới, một khi bạn liên tục đặt những câu hỏi nghiêm trọng với xã hội bạn sống trong đó, và một khi bạn chú trọng đến nhu cầu hoán cải cho chính bạn và cả cho thế giới. Bạn chỉ là Kitô Hữu một khi bạn đừng để chính mình trở nên ổn định trong một trạng thái có vẻ êm ả, một khi bạn vẫn không thỏa mãn với hiện trạng và vẫn nói rằng một thế giới mới thì chưa đến. Bạn chỉ là Kitô Hữu khi bạn tin rằng bạn có một vai trò trong việc thực hiện vương quốc mới và khi bạn thôi thúc mọi người bạn gặp với sự băn khoăn thánh thiện hãy gấp lên để lời hứa ấy có thể được ứng nghiệm không lâu. Chừng nào mà bạn sống như một Kitô Hữu, bạn phải luôn tìm kiếm một trật tự mới, một cơ cấu mới, một đời sống mới.
Là một Kitô Hữu, thật khó để chịu đựng những người ù lì, mất can đảm và tìm kiếm hạnh phúc trong những khoái lạc nhỏ bé mà họ vẫn bám víu vào đó. Nó làm bạn khó chịu khi thấy những điều được thiết lập và ổn định và bạn cảm thấy buồn về tất cả những ai tự nuông chiều và tự mãn, vì bạn biết với sự chắc chắn bất khả hủy rằng điều gì đó vĩ đại hơn thì đang đến và bạn đã thấy các tia sáng đầu tiên của nó. Là một Kitô Hữu, bạn không chỉ xác nhận rằng thế giới này sẽ qua, nhưng nó phải qua đi để một thế giới mới được sinh ra và rằng trong cuộc đời này sẽ không bao giờ có một giây phút mà bạn có thể an tâm cho rằng không còn gì khác để thi hành.
Nhưng ở đó có Kitô Hữu nào không? Nếu bạn có ấn tượng rằng Kitô Giáo ngày nay đang sa sút trong vai trò lãnh đạo tinh thần, nếu như người ta tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu và không hiện hữu, của sự sinh ra và sự chết, của yêu thương và được yêu, của người trẻ và người đang già, của việc cho đi và lãnh nhận, của việc làm tổn thương và bị tổn thương, nhưng họ không mong được câu trả lời từ các chứng nhân cho Đức Giêsu Ktiô, thì bạn bắt đầu tự hỏi rằng các nhân chứng này phải tự nhận mình là Kitô Hữu ở mức độ nào.
Chứng nhân Kitô là một chứng nhân cần kíp bởi vì Kitô Hữu tuyên xưng rằng Chúa sẽ lại đến và làm mới mọi sự. Đời sống Kitô Hữu mời gọi sự thay đổi tận căn bởi vì Kitô Hữu thừa nhận một khoảng cách nguy kịch đối với thế giới này và, bất kể mọi mâu thuẫn, họ luôn nói rằng một con người mới và một bình an mới là điều khả dĩ. Khoảng cách nguy kịch này là một khía cạnh thiết yếu của sự cầu nguyện đích thực.
Làm cho một Kitô Hữu trở nên nhà hoạt động tích cực thì không phải là vấn đề cho bằng sẵn sàng nhận biết sự thách đố hiện trạng của ngôn sứ ngày nay, các đặc điểm đích thực của Chúa Kitô. Vì có lẽ trong người này, họ không thấy bình an với thế giới và họ hoàn toàn tận hiến để tranh đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta vẫn có thể tìm thấy họ là người đã hy sinh đời sống cho sự tự do của nhiều người.
Những nét đặc trưng của các ngôn sứ đích thực là gì? Bất cứ khi nào chúng ta tìm kiếm chúng, chúng ta phải hiểu rằng các đặc điểm này sẽ không bao giờ được thấy rõ ràng trong bất cứ cá nhân nào. Nó thường là một câu hỏi về các dấu chân hay các vết khía trên một cái cây mà nó làm chúng ta hồ nghi rằng ai đó đã đi qua mà họ là người đáng được biết đến.
Những người cách mạng này là ai? Các ngôn sứ phê phán là người thu hút người khác bởi sức mạnh nội tâm của họ. Những ai gặp họ đều bị thu hút và muốn biết thêm về họ. Tất cả những ai tiếp xúc với họ đều có ấn tượng không thể từ chối là họ nhận được sức mạnh từ một nguồn ẩn giấu chắc chắn và phong phú. Một sự tự do nội tâm tuôn trào từ họ, cho họ sự độc lập mà nó không ngạo mạn cũng không tách biệt, nhưng nó giúp họ đứng trên mọi nhu cầu tức thì và các nhu cầu khẩn thiết nhất.
Các ngôn sứ phê phán này dễ mủi lòng bởi những gì xảy ra chung quanh nhưng không để nó lấn át hay làm họ tan vỡ. Họ chăm chú lắng nghe và lên tiếng với một uy quyền tự có được nhưng không dễ bị hấp tấp hay bị kích động. Trong mọi sự họ nói và làm, dường như có một thị lực sống động trước mặt họ mà những ai nghe họ thì có thể quen thuộc, nhưng không nhìn thấy. Thị lực này hướng dẫn đời sống của họ. Họ tuân theo điều đó. Qua đó họ biết cách phân định điều gì quan trọng với những điều không quan trọng. Nhiều điều dường như phải nắm bắt ngay lập tức thì hiếm khi khuấy động họ và họ gán tính cách quan trọng cho một số điều mà những người khác lại để qua đi.
Là các Kitô Hữu phê phán, họ không phải là không nhạy cảm với những gì thúc đẩy người khác, nhưng họ lượng giá những gì nhìn thấy và nghe được ở chung quanh trong ánh sáng của thị lực này. Họ vui mừng khi có người lắng nghe họ, nhưng không thành lập các nhóm bao quanh họ. Không bè phái nào có thể mọc lên chung quanh họ vì họ không tự gắn bó với riêng ai. Điều họ nói và làm có một sức thuyết phục và ngay cả sự thật hiển nhiên, nhưng họ không ép buộc ý kiến của họ trên một ai và không bực mình khi ai đó không theo ý kiến của họ hoặc không thi hành như họ muốn.
Trong mọi sự, dường như họ có một mục đích cụ thể và sống động trong đầu, việc thực hiện điều đó thì vô cùng quan trọng. Tuy nhiên một sự tự do lớn lao được duy trì trong ánh sáng của mục đích này. Dường như họ thường biết rằng không bao giờ họ thấy mục đích của họ được thành tựu trong đời này và chính họ chỉ nhìn thấy hình bóng của nó. Nhưng, họ có một sự tự do kinh ngạc trong suốt cuộc đời của chính họ. Họ thận trọng và cảnh giác, chắc chắn không cẩu thả, và tuy thế qua mọi biến động họ coi cuộc đời mình là quan trọng hạng hai. Họ không sống để duy trì hiện trạng nhưng để hoạt động cho một thế giới mới, các nét đại cương mà họ thấy và hấp dẫn họ đến độ ngay cả sự chết không còn sức mạnh quyết định trên họ.
Nhưng điều cũng hiển nhiên là người ta bị xua đuổi cũng như bị thu hút đến các ngôn sứ phê phán này. Sự tấn công được gợi ra thì cũng lớn lao như thực tại hấp dẫn được trưng bày. Chính vì họ không bị quá lệ thuộc vào những điều mà nhiều người khác cho là không thể thay đổi, họ là mối đe dọa. Kiểu cách lên tiếng và lối sống của họ thường làm tương đối hóa các giá trị mà trên đó nhiều người trong chúng ta xây dựng cuộc đời. Chúng ta cảm thấy sự thấm nhập sâu xa của thông điệp có tính cách tiên báo và nhìn thấy hậu quả cho chính chúng ta nếu chúng ta chấp nhận sự thật của nó.
Lại nữa, khi các ngôn sứ này ở giữa chúng ta, chúng ta biết rằng thực tại họ sống trong đó thì cũng là thực tại chính chúng ta khao khát, nhưng nó dường như đòi hỏi quá nhiều. Để giữ sự yên tĩnh của tâm trí và không còn bị quấy rầy trong lối sống “an toàn” của chúng ta, chúng ta thấy cần phải làm câm miệng những ai chống đối hạnh phúc giả tạo của chúng ta.
Do đó, những ai công bố một thế giới mới và làm thế giới cũ lảo đảo thì trở nên cơ hội cho sự đàn áp ngột ngạt dưới tay của những người tự coi mình là người bảo vệ trật tự và duy trì bình an và yên tĩnh. Với những ai muốn duy trì sự yên tĩnh và trật tự trong thế giới ngày nay, những người nhìn xa trông rộng này lột mặt nạ những ảo ảnh của thời đại và là những người khuấy động không thể dung tha. Sự tấn công được khuấy động chống với họ thường đưa đến hậu quả là sự khai trừ với tất cả mọi phương tiện mà chế độ đang thịnh hành tùy ý sử dụng.
Điều này có thể khởi sự với việc từ chối thông điệp của họ, thổi phồng những lời lẽ tấn công và kết thúc với việc cầm tù hoặc ngay cả hành quyết. Nhưng nếu các ngôn sứ phê phán này đáng tin và chân thật, ngay cả sự chết cũng không làm gián đoạn lời kêu gọi của họ. Những người giết họ thường sẽ khám phá rằng, với sự ngạc nhiên và ghê sợ, họ chỉ thành công trong việc thức tỉnh nhiều người khác và rằng tiếng kêu gào một thế giới mới lại càng to hơn.
Từ sự miêu tả này, không ai trong chúng ta có thể đủ tiêu chuẩn là một ngôn sứ phê phán. Những tên tuổi chúng ta có thể nhắc đến thì chỉ có dấu vết nhỏ bé của ngôn sứ đích thực. Tuy nhiên, phải nói rằng khi chúng ta mở mắt và tìm kiếm các người có thị lực này, chúng ta thấy họ ở giữa hàng ngàn người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống của chúng ta. Đôi khi chỉ lờ mờ nhận ra, đôi khi không thể chối cãi nhưng không bao giờ hoàn toàn rõ rệt, họ trở nên hiển nhiên đối với những ai trong chúng ta muốn nhìn thấy họ.
Chúng ta có thể thấy người có thị lực trong du kích quân, trong giới trẻ với các bảng biểu tình, trong người mơ mộng thầm lặng ở một góc quán cà phê, trong thầy tu có tiếng nói dịu dàng, trong người sinh viên hiền lành, trong người mẹ để con tự ý ra đi, trong người cha đọc sách cho con, trong nụ cười của một cô gái, trong sự phẫn nộ của thợ thuyền, và trong bất cứ ai mà bằng cách này hay cách khác đời sống của họ được rút ra từ một viễn ảnh mà nó được thấy sáng ngời và nó trổi vượt hơn mọi thứ chưa từng nghe hay chưa từng thấy.
Điều này có liên quan gì đến sự cầu nguyện? Cầu nguyện có nghĩa phá vỡ tấm màn hiện tại và để chính bạn được hướng dẫn bởi thị lực mà nó trở nên rất thực đối với bạn. Dù chúng ta gọi thị lực đó là “Thực Tại Không Thấy,” “Thần Khí,” hay “Chúa Cha,” chúng ta liên tục khẳng định rằng không phải chính chúng ta có được sức mạnh để làm tạo vật mới xảy ra. Đúng hơn là một sức mạnh tinh thần mà nó được ban cho chúng ta và thêm sức cho chúng ta để ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian.
Người cầu nguyện nhìn đến thế gian với sự thương cảm, thấm nhuần ý nghĩa ẩn giấu của nó, và mời gọi thế gian đến một sự hoán cải thường sâu đậm hơn.
Chúng ta thường dùng chữ “Thiên Chúa.” Chữ này có thể gợi ra điều gì đó lôi cuốn cũng như ghê sợ, hấp dẫn cũng như xua đuổi, quyến rũ cũng như nguy hiểm, hấp thụ tất cả cũng như cấp dưỡng. Nó giống như mặt trời. Không có mặt trời, sẽ không có sự sống, nhưng nếu chúng ta đến quá gần, chúng ta sẽ bị thiêu đốt. Tuy nhiên, Kitô Hữu tin rằng Thiên Chúa không phải là “điều gì đó,” nhưng đúng hơn một con người, Người là Tình Yêu – Tình Yêu tuyệt hảo. Kitô Hữu biết rằng có thể đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa yêu dấu này và vì thế họ hoạt động để làm mới lại trái đất. Do đó, cầu nguyện là hoạt động nguy kịch nhất mà chúng ta có khả năng, vì khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không bao giờ thỏa mãn với thế giới ở đây và bây giờ và luôn cố gắng để thực hiện thế giới mới, mà những tia sáng đầu tiên của nó chúng ta đã được thấy.
Khi cầu nguyện, bạn mở lòng để chịu ảnh hưởng của Sức Mạnh được tự tỏ lộ là Tình Yêu. Sức Mạnh đó ban cho bạn sự tự do và độc lập. Một khi được chạm đến bởi Sức Mạnh này, bạn không còn lung lay bởi biết bao ý kiến, ý tưởng, và cảm giác chảy qua bạn. Bạn tìm thấy một tâm điểm của đời bạn, một tâm điểm mà nó đem cho bạn một khoảng cách sáng tạo để như thế mọi thứ bạn thấy, nghe, và cảm nhận thì có thể được thử nghiệm đối với nguồn sức mạnh này.
Đức Kitô là người, trong phương cách tỏ lộ nhất, làm sáng tỏ rằng sự cầu nguyện có nghĩa chia sẻ quyền năng của Thiên Chúa. Qua quyền năng này Người biến đổi thế giới. Người giải thoát biết bao người khỏi xiềng xích của đời sống, nhưng còn khuấy động sự tấn công mà nó đưa Người đến cái chết. Đức Kitô, đấng thực sự là con người và thực sự là Thiên Chúa, đã cho chúng ta thấy cầu nguyện có nghĩa gì. Trong Người, Thiên Chúa trở nên hiển nhiên cho sự sa ngã và chỗi dậy của nhiều người.
Cầu nguyện là một vấn đề thuộc ngôn sứ bởi vì, một khi bạn bắt đầu, bạn đưa toàn thể cuộc đời mình vào sự quân bình. Nếu bạn thực sự cầu nguyện, đó là, thực sự đi vào thực tại của điều không thấy, bạn phải nhận biết rằng bạn đang dám phát biểu một sự phê phán cơ bản nhất, một sự phê phán mà một số người đang chờ đợi, nhưng đối với nhiều người khác nó sẽ quá đáng.
Như thế, cầu nguyện có nghĩa luôn sẵn sàng buông bỏ điều bạn chắc chắn và đi ra ngoài nơi bạn đang ở. Nó đòi hỏi rằng bạn phải từ giã mái nhà của bạn và lên đường, không ngừng tìm kiếm ở phía trước một vùng đất mới cho bạn và người khác. Đây là lý do tại sao sự cầu nguyện đòi hỏi sự khó nghèo, đó là, sẵn sàng sống một cuộc đời mà trong đó bạn không còn gì để mất, để như thế bạn có thể luôn luôn bắt đầu lại. Bất cứ khi nào bạn sẵn sàng chọn sự khó nghèo này bạn tự trở nên dễ tổn thương, nhưng bạn cũng trở nên tự do để nhìn đến thế giới và để thế giới tự nó trưng ra hình thức đích thực của nó. Bạn không cần phải tự vệ. Bạn có thể lớn tiếng công bố những gì bạn biết qua sự giao tiếp thân mật với Thiên Chúa, đấng là nguồn mọi sự sống.
Nhưng điều này đòi hỏi sự can đảm. Nếu bạn chấp nhận mọi hậu quả thực tế của một đời sống cầu nguyện, có thể bạn sợ hãi và tự hỏi có nên chấp nhận những nguy cơ này hay không. Trong những lúc đó thật quan trọng để nhớ rằng sự can đảm cũng là một quà tặng của Thiên Chúa, vì điều đó bạn có thể cầu nguyện với những lời như thế này:
Chúa yêu dấu,
Xin ban cho con sự can đảm để sống và để hoạt động
cho một trời mới và đất mới như Đức Giêsu đã làm.
Xin ban cho con sự tự do để phê phán khi con thấy sự dữ
và để dâng lời chúc tụng khi con thấy sự thiện hảo.
Trên hết, xin hãy giúp con trung thành với thị lực mà Ngài đã ban cho con,
có như thế, bất cứ đâu con đến và bất cứ ai con gặp,
con có thể trở nên một dấu chỉ của tình-yêu-đổi-mới mọi sự của Ngài.
Amen.
Làm thế nào tôi có thể nói lên ơn gọi của tôi là canh tân thế giới nhân danh Chúa Giêsu?