Sự yên lặng sâu kín dẫn chúng ta đến sự nhận biết rằng cầu nguyện, trên tất cả, là sự chấp nhận. Khi cầu nguyện, chúng ta đứng với đôi tay rộng mở cho thế giới. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ được biết trong thiên nhiên chung quanh chúng ta, trong những người chúng ta gặp, và trong những hoàn cảnh chúng ta đụng độ. Chúng ta tin rằng thế giới này chứa đựng sự bí ẩn của Thiên Chúa ở bên trong và chúng ta mong rằng bí ẩn đó sẽ được trưng bày cho chúng ta. Cầu nguyện tạo ra sự rộng mở mà trong đó Thiên Chúa được ban cho chúng ta. Thật vậy, Thiên Chúa muốn được thâu nhận vào con tim nhân loại, được đón tiếp VỚI BÀN TAY RỘNG MỞ, và được yêu thương với cùng một tình yêu mà chúng ta đã được dựng nên.
Tuy nhiên, sự rộng mở này không đơn giản xảy đến. Nó đòi sự xưng thú rằng bạn có giới hạn, lệ thuộc, yếu đuối, và ngay cả tội lỗi. Khi cầu nguyện, bạn tự nhận rằng bạn không phải là Thiên Chúa, và cũng không muốn là Thiên Chúa, rằng bạn chưa đạt được mục đích của mình, và bạn sẽ không bao giờ đạt được điều đó trong đời này, và rằng bạn phải không ngừng giang rộng đôi tay và chờ đợi món quà sự sống. Thái độ này thì khó khăn bởi vì nó làm cho bạn dễ tổn thương.
Sự khôn ngoan của thế gian này là sự khôn ngoan mà nó nói rằng: “Tốt nhất phải đứng vững, phải nắm lấy những gì của bạn ở đây và ngay bây giờ, và giữ lấy những gì của bạn đối với những người mà họ muốn lấy chúng ra khỏi tay bạn; bạn phải trở nên người canh phòng chống với sự phục kích. Nếu bạn không mang vũ khí, nếu bạn không giơ nắm đấm, và nếu bạn không chen lấn để có chút ít bạn cần – thực phẩm và nhà ở – thì bạn chỉ có xơ xác và nghèo khổ, và cuối cùng bạn sẽ tìm thấy sự thỏa mãn tầm thường trong một sự độ lượng mà không ai cảm kích. Bạn mở tay bạn ra và chúng đóng đinh vào đấy! Người thông minh thì luôn cảnh giác, với bắp thịt cuồn cuộn và tay nắm chặt; họ nheo mắt và luôn sẵn sàng cho một cuộc tấn công bất ngờ.”
Đó là kiểu cách đời sống nội tâm của một người thường được thấy. Nếu bạn ấp ủ những tư tưởng yên bình, bạn phải mở lòng và đón nhận. Nhưng có thể nào bạn làm điều đó, bạn có dám không? Nghi ngờ, ghen tương, ghét bỏ, trả thù, phẫn nộ, và tham lam đã có ở đó trước khi bạn nhận ra chúng. “Họ đang thực sự tìm cách làm gì?” “Họ thực sự nghĩ gì trong đầu?” “Chúng không được thành thật cởi mở.” “Chắc chắn có điều gì trong nhận xét đó hơn là chỉ nhìn thoáng qua.” Những cảm xúc đó thường phát sinh trước khi các ý nghĩ được thành hình. Điều gì đó sâu trong con người bạn đã thắt chặt lại: “Hãy đề phòng, hãy hoạch định chiến thuật, và cầm vũ khí chuẩn bị.” Và vì thế những ý nghĩ an bình vẫn xa vời vợi. Bạn sợ rằng chúng quá nguy hiểm hay thiếu thực tế. Bạn nghĩ: “Những ai không trang bị vũ khí cho mình thì phải chia sẻ sự gục ngã của mình.”
Làm thế nào bạn mong đợi một món quà trong tâm trạng như thế? Có thể nào bạn mường tượng rằng cuộc đời bạn có thể là bất cứ cách nào khác? Không lạ gì sự cầu nguyện trưng ra một khó khăn, vì nó đòi hỏi sự chuẩn bị không ngừng để hạ vũ khí và từ bỏ những cảm tưởng mà nó nói bạn phải giữ khoảng cách biệt. Nó đòi hỏi bạn sống trong sự mong đợi không ngừng rằng Thiên Chúa, đấng làm mọi sự trở nên mới, sẽ làm cho bạn được hồi sinh.
Bạn chỉ trở nên một con người khi bạn cả gan đứng ở vị thế rộng mở đón nhận mọi quà tặng mà chúng đã được chuẩn bị cho bạn.
Sự cho đi dễ trở nên một phương tiện để thao túng, ở đó người nhận phải lệ thuộc vào ý định của người cho.
Khi bạn cho đi, bạn là chủ của hoàn cảnh và bạn có thể lặt vặt phân phát cho những ai bạn nghĩ là xứng đáng. Bạn có sự kiểm soát môi trường của bạn và có thể vui thích với quyền lực mà của cải đem cho bạn.
Chấp nhận là điều gì khác. Khi chúng ta chấp nhận một món quà, chúng ta mời người khác vào thế giới của chúng ta và sẵn sàng cho họ một chỗ trong đời sống của chính chúng ta. Khi chúng ta tặng quà cho bạn hữu, chúng ta mong họ tự cho họ một chỗ trong nhà của họ. Cuối cùng, món quà chỉ trở nên quà tặng khi chúng được đón nhận. Khi các món quà được nhận, chúng có được một chỗ trong đời sống của người nhận. Thật dễ hiểu rằng nhiều người muốn tặng lại một món quà càng sớm khi có thể, qua đó họ tái lập sự quân bình và thoát khỏi bất cứ sự lệ thuộc nào của tương giao. Chúng ta thường thấy sự trao đổi hơn là chấp nhận. Ngay cả nhiều người trong chúng ta cảm thấy bối rối với một quà tặng bởi vì chúng ta không biết đáp lại như thế nào. Chúng ta thường nói, “Nó làm cho tôi cảm thấy bị bó buộc.”
Có lẽ sự thách đố của phúc âm nằm ngay trong lời mời hãy chấp nhận một món quà mà chúng ta không có gì để trả lại. Vì món quà này là hơi-thở-sự-sống của Thiên Chúa, Thần Khí tuôn đổ trên chúng ta qua Đức Giêsu Kitô. Hơi-thở-sự-sống này giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi và đem cho chúng ta căn phòng mới để sống. Những ai sống một cách sùng tín thì được sẵn sàng đón nhận hơi thở của Thiên Chúa và để cuộc đời của họ được đổi mới và phát triển. Ngược lại, những ai không bao giờ cầu nguyện thì giống như trẻ em bị bệnh suyễn: vì chúng bị hụt hơi, toàn thế giới héo hon trước mặt chúng. Chúng lết vào một xó, há hốc miệng để thở và hầu như trong sự khổ sở. Nhưng những ai cầu nguyện thì mở lòng cho Thiên Chúa và có thể thở cách tự do. Họ đứng thẳng, tay giang rộng, và đi ra khỏi chỗ ẩn nấp, tự do di chuyển mà không sợ hãi.
Khi chúng ta sống nhờ hơi thở của Thiên Chúa, với niềm vui chúng ta nhận biết rằng hơi thở đã giúp chúng ta sống thì cũng là nguồn sống cho anh chị em của chúng ta. Sự nhận biết này làm cho sự sợ hãi của chúng ta tan biến, các vũ khí của chúng ta rơi rụng, và đem đến nụ cười trên môi chúng ta. Khi chúng ta nhận biết hơi thở của Thiên Chúa trong người khác, chúng ta để họ đi vào cuộc đời chúng ta và đón nhận các món quà mà họ tặng cho chúng ta.
Sự khó khăn mà hoàn cảnh này trưng ra trong thời đại chúng ta thì được tiết lộ trong sự thú nhận không quá bất thường này: “Chấp nhận điều gì đó đem cho tôi một cảm giác lệ thuộc. Đây là điều tổng quát tôi không quen. Tôi quản lý chính các công việc của tôi và tôi sung sướng vì có thể làm như thế. Bất cứ khi nào tôi nhận được điều gì, tôi không biết chính xác phải xử trí thế nào. Như thể tôi không còn kiểm soát được đời mình và hơi chút không thoải mái. Thực sự, đó là điều ngớ ngẩn khi nói thế, vì tôi không để người khác có được điều mà chính tôi muốn có… Tôi không để họ có được niềm vui khi cho đi.”
Nhưng khi chúng ta nhận thấy ai đó thực sự đón nhận chúng ta cách trọn vẹn, chúng ta muốn cho họ mọi thứ có thể và thường khám phá trong hành vi cho đi ấy là chúng ta có rất nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Trong sự chấp nhận nhau một cách sùng tín, không có chỗ cho thành kiến bởi vì thay vì xác định tính chất của nhau, chúng ta để họ xuất hiện với chúng ta như một con người hoàn toàn mới. Sau đó chúng ta có thể nói với nhau và chia sẻ cuộc đời của chúng ta trong một phương cách mà chỉ có con tim đối thoại với con tim. Một sinh viên viết: “Một cuộc đối thoại tốt là một tiến trình mà trong đó chúng ta cho nhau sức mạnh để tiến bước, để cùng nhau ăn mừng, để cùng nhau vui buồn, và cùng nhau hứng khởi.”
Trên hết, cầu nguyện có nghĩa chấp nhận Thiên Chúa đấng luôn luôn mới, luôn luôn khác lạ. Vì Thiên Chúa là một Thiên Chúa đầy cảm xúc, trái tim của Người thì lớn hơn trái tim của chúng ta. Việc mở lòng chấp nhận cầu nguyện khi đối diện với một Thiên Chúa luôn luôn mới, điều đó làm cho chúng ta được tự do. Trong sự cầu nguyện, chúng ta luôn ở trên con đường, trên cuộc hành hương. Trên con đường, chúng ta gặp nhiều người họ cho chúng ta thấy điều gì đó về Thiên Chúa, đấng mà chúng ta tìm kiếm. Chúng ta không bao giờ biết chắc là chúng ta có đạt đến Thiên Chúa hay không. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ luôn luôn mới và không có lý do gì phải sợ hãi.
Cầu nguyện đem cho chúng ta sự can đảm để giang tay ra và để được dẫn đi. Sau khi Đức Giêsu giao phó cho ông Phêrô việc chăm sóc dân Người, Đức Giêsu nói:
Thầy nghiêm trọng bảo anh,
khi anh còn trẻ
anh tự thắt lưng lấy
và đi bất cứ đâu anh thích;
nhưng khi anh về già
anh sẽ giang tay ra
và ai đó sẽ thắt một dây lưng
chung quanh anh
và đưa anh đến nơi anh không muốn đến.
Gioan 21:18
Chăm sóc người khác đòi hỏi một sự chấp nhận luôn có nếp nhăn. Sự chấp nhận này đã đưa Đức Giêsu và các môn đệ đến nơi họ không muốn đến – đến thập giá. Đó cũng là con đường cho những ai muốn cầu nguyện. Khi bạn còn trẻ, bạn muốn nắm mọi thứ trong tay, nhưng khi bạn già hơn và mở bàn tay trong sự cầu nguyện, bạn có thể để chính bạn được dắt đi mà không biết đi đâu. Bạn chỉ biết rằng sự tự do mà hơi thở của Thiên Chúa đem lại cho bạn sẽ dẫn đến đời sống mới, ngay cả khi thập giá là dấu hiệu duy nhất bạn có thể thấy.
Nhưng cho những ai cầu nguyện, ngay cả dấu hiệu thập giá sẽ mất đi đặc tính sợ hãi của nó.
Chúa yêu dấu,
Con rất muốn là người chỉ huy.
Con muốn làm chủ chính vận mệnh đời con.
Tuy thế con biết Ngài đang nói với con:
“Hãy để ta cầm tay con dẫn đi.
Hãy chấp nhận tình yêu của ta
và tin rằng nơi ta đưa con đến,
những khao khát thầm kín nhất của tâm hồn con sẽ được no thỏa.”
Lậy Chúa, xin hãy mở tay con ra để đón nhận món quà tình yêu của Chúa.
Amen.
Tôi sợ bị lệ thuộc trong những kiểu cách nào?