Các ý tưởng được gom góp trong cuốn sách này thì xảy đến từ từ. Chúng xuất phát từ một dự tính nói về một số kinh nghiệm cầu nguyện cá biệt. Tôi cảm thấy rằng tôi không thể viết về sự cầu nguyện mà không đặt câu hỏi: “Trong sự cầu nguyện chính tôi tìm thấy điều gì?” Tôi thấy rằng sự cầu nguyện có liên quan với sự thinh lặng, với sự chấp nhận, với hy vọng, với thương cảm, và ngay cả với sự phê phán. Sau đó, tôi thận trọng tìm kiếm những ý niệm và hình ảnh mà nó diễn tả những gì tôi đã cảm nghiệm hoặc muốn cảm nghiệm.
Nhưng không phải là những cảm nghiệm của chính tôi thì rất cá biệt đến độ tốt hơn chúng nên được giữ kín? Hoặc có thể nào điều rất cá biệt cho tôi, rất đúng trong sự sâu thẳm của con người tôi, thì cũng có ý nghĩa cho người khác? Sau cùng, tôi tin rằng điều cá biệt nhất thì cũng phổ biến nhất. Tuy nhiên, để đến được điểm này, cần có bạn hữu để giúp phân biệt những cảm tưởng hời hợt, riêng tư với những cảm nghiệm thâm trầm, cá biệt.
Sự tin tưởng này đưa tôi đến việc mời hai mươi lăm sinh viên khoa thần học hình thành một nhóm mà nó sẽ bắt đầu với các công thức do dự của chính tôi và giúp phát triển một sự hiểu biết chung về những gì thực sự có liên quan trong sự cầu nguyện. Chúng tôi đã tổ chức bảy cuộc họp, trong đó ít thảo luận hay tranh luận, nhưng chia sẻ nhiều về các cảm nghiệm đã trải qua. Từ từ, hiện tượng khó nắm bắt chúng ta gọi là “cầu nguyện” trở nên một thực tại hữu hình.
Do đó, các suy nghĩ sau đây không phải là công việc của một tác giả. Chúng được phát sinh sau nhiều giờ đối thoại thân mật và sùng tín. Tôi hy vọng rằng chúng không chỉ đem lại kết quả nơi đời sống của những ai tham dự các cuộc đối thoại này, nhưng còn trong đời sống của các độc giả là những người dành thời giờ thinh lặng với cuốn sách này.
Utrecht, 1971
Sau gần hai mươi lăm năm viết lời mở đầu trên, tôi có thể nói rằng điều tôi hy vọng là những lời về cầu nguyện được viết trong cuốn này sẽ sinh kết quả nơi đời sống người ta thì đã được hoàn thành trong nhiều phương cách mà tôi không bao giờ tiên đoán được. Biết bao nhiêu người khác tuổi tác, khác văn hóa, và tôn giáo nói với tôi qua lời hoặc qua chữ viết rằng sự chuyển dịch từ bàn tay nắm chặt đến đôi tay rộng mở được diễn tả trong sách này, đã giúp họ hiểu được ý nghĩa của sự cầu nguyện và, thật vậy, đã giúp họ cầu nguyện. Tôi chân thành biết ơn những đáp ứng này, nhất là khi họ xác nhận sự thật bí ẩn là điều gì đó phổ quát có thể được tìm thấy trong tâm điểm mật thiết nhất của tâm hồn chúng ta. Khi chúng tôi – hai mươi lăm sinh viên và chính tôi – ngồi quanh bàn học năm 1970 trong một tỉnh nhỏ ở Hòa Lan, không ai trong chúng tôi có thể nhìn thấy trước các kết quả của những đối thoại tinh thần của chúng tôi. Tôi không biết bây giờ những người ấy ở đâu, nhưng bây giờ tôi biết những gì trước đây không được biết, rằng Thần Khí của Thiên Chúa ở giữa chúng tôi và cho phép chúng tôi trở nên một khí cụ của ơn sủng.
Khi cuốn sách này được xuất bản lần đầu, có nhiều điều xảy ra trong Giáo Hội và xã hội, nhưng thách đố về việc đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa với đôi bàn tay rộng mở thì vẫn còn đó, khẩn trương hơn bao giờ hết. Khi tôi nghĩ về sự cố gắng cầu nguyện của chính tôi, tôi nhận ra rằng các suy nghĩ này được viết xuống hơn hai thập niên trước thì ngày hôm nay còn đang mời gọi tôi, như chưa bao giờ, hãy tiến đến một sự hoán cải trí tuệ và con tim cách triệt để. Và một lần nữa tôi hy vọng rằng điều này cũng sẽ đúng cho nhiều người khác.
Toronto, 1994
Với Bàn Tay Nắm Chặt
Cầu nguyện không phải là vấn đề dễ dàng. Nó đòi hỏi một sự tương giao mà trong đó bạn để cho người nào đó ở ngoài bạn đi vào chính tâm điểm con người của bạn, để thấy ở đó những gì mà bạn thà để nó ở trong bóng tối, và chạm đến những gì mà bạn thà không chạm đến. Tại sao bạn lại thực sự muốn làm điều đó? Có lẽ bạn sẽ để người khác bước qua ngưỡng của nội tâm bạn để thấy điều gì đó hay chạm đến điều gì đó, nhưng khi để ai đó trong một nơi mà đời sống nội tâm của bạn được định hình – đó là sự nguy hiểm và cần được tự vệ.
Sự kháng cự cầu nguyện thì giống như sự kháng cự của bàn tay nắm chặt. Hình ảnh này cho thấy một sự căng thẳng, một ước muốn bám chặt lấy chính bạn, một sự thèm khát mà nó lộ ra sự sợ hãi. Câu chuyện của một bà lớn tuổi được đưa đến trung tâm tâm thần là thí dụ cho thái độ này. Bà như điên cuồng, lay lắc đủ mọi thứ trước mặt, và bà làm mọi người lo sợ đến nỗi các bác sĩ phải lấy mọi thứ ra khỏi bà. Nhưng có một đồng cắc bà nắm chặt trong tay và không chịu buông. Thật vậy, phải cần đến hai người mới cậy tay bà ra được. Nó như thể bà sẽ mất chính bản thể của bà với đồng cắc đó. Nếu họ lấy đi vật sở hữu cuối cùng ấy, bà sẽ không còn gì hơn và không là gì hơn. Đó là sự sợ hãi của bà.
Khi bạn được mời cầu nguyện, bạn được mời mở bàn tay nắm chặt của bạn và buông ra đồng cắc cuối cùng. Nhưng có ai muốn làm điều đó? Do đó, lần cầu nguyện đầu tiên thường là sự cầu nguyện đau khổ bởi vì bạn thấy rằng mình không muốn buông bỏ. Bạn giữ chặt điều quen thuộc, ngay cả khi bạn không hãnh diện về điều ấy. Bạn thấy mình nghĩ rằng: “Đây là cách của tôi. Tôi thích nó khác người, nhưng bây giờ thì không thể.” Một khi nghĩ như thế, bạn đã từ chối tin rằng cuộc đời bạn có thể khác. Bạn đã để hy vọng về một đời sống mới trôi qua. Vì bạn không dám đặt dấu chấm hỏi sau một chút cảm nghiệm của bạn với mọi gắn bó của nó, bạn đã tự trói mình trong số phận của các sự kiện. Bạn cảm thấy an toàn để bám lấy một quá khứ đáng buồn hơn là tin tưởng vào một tương lai mới. Do đó bạn lấp đầy đôi tay của bạn với những đồng cắc nhỏ, lạnh lùng ẩm ướt mà bạn không muốn giao lại.
Bạn vẫn cảm thấy cay đắng bởi vì người ta không biết ơn về những gì bạn đã làm cho họ: bạn vẫn cảm thấy ghen tương với những người được trả lương cao hơn bạn; bạn vẫn muốn trả thù người nào đó không tôn trọng bạn; bạn vẫn thất vọng vì bạn không nhận được lá thư nào, vẫn tức giận vì ai đó không mỉm cười khi bạn đi ngang qua. Bạn kinh qua điều đó, bạn sống với điều đó dù nó không thực sự làm phiền bạn… cho đến giây phút khi bạn muốn cầu nguyện. Và rồi mọi sự quay trở lại: sự cay đắng, thù ghét, ghen tương, thất vọng, và ao ước trả thù. Nhưng những cảm tưởng này không chỉ ở đó; bạn nắm chặt chúng trong bàn tay như thể chúng là các báu vật mà bạn không muốn từ bỏ. Bạn đắm mình trong mọi sự chua chát đó như thể bạn không thể làm gì nếu không có chúng, như thể, nếu từ bỏ chúng, bạn sẽ đánh mất chính mình.
Sự dứt bỏ thường được hiểu là từ bỏ điều gì hấp dẫn. Nhưng đôi khi nó cũng đòi hỏi từ bỏ điều gì ghê tởm. Thật vậy bạn có thể trở nên dính bén với các thế lực xấu xa tỉ như phẫn nộ và thù ghét. Một khi bạn tìm cách trả thù, bạn bám lấy quá khứ của chính bạn. Nhiều khi nó như thể bạn có thể đánh mất bản thân cùng với sự trả thù và ghét bỏ – do đó bạn đứng đó với nắm tay tròn trịa, khép kín đối với người muốn chữa lành bạn.
Vậy, khi bạn muốn cầu nguyện, câu hỏi đầu tiên là: Làm thế nào để tôi mở bàn tay nắm chặt? Chắc chắn không bởi vũ lực. Cũng không bởi một quyết định bị ép buộc. Có lẽ bạn có thể tìm ra phương cách cầu nguyện của bạn bằng cách thận trọng lắng nghe những lời của thiên thần nói với ông Gia-ca-ria, bà Maria, các mục đồng, và người phụ nữ ở ngôi mộ: “Đừng sợ.” Đừng sợ Đấng muốn đi vào nơi thân mật nhất của bạn và mời bạn từ bỏ những gì bạn đang nắm lấy một cách lo sợ. Đừng sợ cho thấy đồng cắc lạnh lùng ẩm ướt mà nó chẳng mua được gì. Đừng sợ để dâng sự thù hận, cay đắng, và chán nản lên Đấng là tình yêu và chỉ có tình yêu. Ngay cả khi bạn không có gì nhiều để phô trương, đừng sợ để cho thấy điều đó.
Thường khi bạn thấy mình muốn đón nhận Thiên Chúa yêu quý bằng cách bạn khoác lấy cái vẻ bề ngoài xinh đẹp, giữ lại mọi thứ dơ bẩn và hư hỏng, bởi dọn sạch chỉ có một lối nhỏ bé mà nó có vẻ thích hợp. Nhưng đó là một đáp ứng sợ sệt – bị ép buộc và giả tạo. Một đáp ứng như thế làm bạn kiệt quệ và biến sự cầu nguyện của bạn thành sự dằn vặt.
Mỗi khi bạn dám từ bỏ và phó dâng một trong nhiều sự sợ hãi đó, tay bạn mở ra chút ít và lòng bàn tay của bạn dang rộng trong một cử chỉ đón nhận. Dĩ nhiên, bạn phải kiên nhẫn, rất kiên nhẫn cho đến khi tay bạn hoàn toàn rộng mở.
Đó là một hành trình tinh thần lâu dài về sự tín thác, vì đằng sau mỗi nắm tay là một điều gì ẩn giấu, và đôi khi tiến trình này dường như không cùng. Nhiều điều đã xảy ra trong đời bạn để làm nên những nắm đấm đó, và ở bất cứ giờ phút nào ban ngày hay ban đêm, có thể bạn thấy mình nắm chặt bàn tay vì sợ hãi.
Có lẽ ai đó sẽ nói với bạn, “Bạn phải tha thứ cho chính mình.” Nhưng đó là điều không thể. Điều có thể là bạn mở tay ra mà không sợ hãi, để Đấng yêu thương bạn có thể thổi đi tội lỗi của bạn. Và rồi các đồng cắc mà bạn cho là không thể thiếu cho cuộc đời bạn thì chỉ là hạt bụi nhỏ mà một cơn gió nhẹ cũng đủ cuốn trôi, chỉ để lại tiếng cười khúc khích ở đàng sau. Sau đó bạn cảm thấy một chút tự do mới và sự cầu nguyện trở nên một niềm vui, một phản ứng tự nhiên với thế giới và những người chung quanh. Như thế việc cầu nguyện trở nên dễ dàng, phấn khởi và sống động, hoặc bình an và yên tĩnh. Khi bạn nhận ra sự vui vẻ và giây phút tĩnh lặng là các giây phút cầu nguyện, dần dà bạn sẽ nhận biết rằng cầu nguyện là sống.
Chúa yêu dấu,
Con quá sợ hãi để mở các bàn tay nắm chặt của con!
Con sẽ là ai khi con chẳng còn gì để bám víu lấy?
Con sẽ là ai khi con đứng trước mặt Ngài với hai bàn tay trắng?
Xin giúp con từ từ mở đôi tay con ra
và khám phá thấy rằng con không phải là những gì con sở hữu,
nhưng là những gì Ngài muốn ban cho con.
Và điều Ngài muốn ban cho con là tình yêu –
tình yêu vô điều kiện, và bất diệt.
Amen.
Tôi đang nắm chặt những gì trong bàn tay?