Chúng ta biết có một loại nối kết nào đó giữa cầu nguyện và yên lặng, nhưng nếu chúng ta nghĩ về sự yên lặng trong cuộc đời chúng ta, dường như nó không luôn luôn bình an – sự yên lặng cũng có thể trở nên đáng sợ.
Một sinh viên từng nghĩ sâu xa về sự yên lặng trong cuộc đời mình đã viết:
Yên lặng là đêm
và ở đó chỉ có các đêm tối
không trăng, không sao
hhi bạn thật sự cô độc
hoàn toàn cô độc
khi bạn bị nguyền rủa
khi bạn trở nên hư không
mà không ai cần –
thì những yên lặng cũng vậy
nó đe dọa
bởi vì không có gì ngoài sự yên lặng.
Ngay cả nếu bạn mở đôi tai
và cặp mắt
nó tiếp diễn
mà không có hy vọng hay sự nguôi ngoai.
Đêm không có ánh sáng, không hy vọng
tôi cô độc
trong tội lỗi
không có sự tha thứ
không có tình thương.
Và rồi, một cách tuyệt vọng, tôi đi tìm bạn hữu
tôi bước đi trên các đường phố tìm kiếm một ai đó
một dấu hiệu
một âm thanh
chẳng tìm thấy gì.
~~~~
Nhưng cũng có các ban đêm
với các ngôi sao
với mặt trăng tròn đầy
với ánh sáng từ một căn nhà xa xa
và những yên lặng mà chúng bình an và đáng suy nghĩ
tiếng ồn của một con se sẻ
trong một giáo đường rộng lớn vắng người
khi tim tôi muốn cất cao tiếng hát với niềm vui
khi tôi cảm thấy rằng tôi không cô đơn
khi tôi mong đợi các bạn hữu
hoặc nhớ đến một đôi câu
từ bài thơ tôi mới đọc
khi tôi chìm mình trong kinh Kính Mừng
hoặc tiếng ảm đạm của một thánh vịnh khi tôi là tôi
và bạn là bạn
khi chúng ta không sợ lẫn nhau
khi chúng ta để lại mọi câu chuyện cho thiên thần
người đã đem cho chúng ta sự yên lặng
và bình an.
Cũng như có hai ban đêm thì cũng có hai sự yên lặng: một thì đáng sợ, cái kia thì yên bình. Với nhiều người, sự yên lặng thì đáng sợ. Họ không biết làm gì với điều đó. Nếu họ từ bỏ cái ồn ào của thành phố ở sau lưng và đến một nơi không có xe cộ qua lại, không tiếng còi của tầu bè, không xe lửa rung chuyển; nơi không có tiếng rù rì của rađiô hay truyền hình, không có tiếng nhạc, họ cảm thấy toàn thân như bị xiết chặt bởi sự lo âu đầy căng thẳng. Họ cảm thấy như cá bị quăng lên đất liền. Họ mất phương hướng. Một số người không thể học hành mà không có tiếng nhạc luôn luôn ở chung quanh. Nếu họ bị buộc ngồi trong một căn phòng mà không thường xuyên có tiếng động, họ trở nên rất bồn chồn.
Vì thế, với nhiều người chúng ta, sự yên lặng trở nên một đe dọa. Đã có thời gian sự yên lặng thì bình thường và sự ồn ào lại quấy rầy chúng ta. Nhưng ngày nay, sự ồn ào thì bình thường, và sự yên lặng – thật kỳ lạ – lại trở nên sự quấy rầy. Không khó để hiểu tại sao những người cảm nghiệm sự bình yên theo cách này lại thấy khó cầu nguyện.
Chúng ta trở nên xa lạ với sự yên lặng. Nếu chúng ta ra biển hay cắm trại trong khu rừng, ống nghe (earphone) thường là bạn đồng hành quan trọng nhất của chúng ta. Dường như chúng ta không thể chịu nổi âm thanh của sự yên lặng.
Sự yên lặng thì đầy các âm thanh: tiếng gió rì rào, tiếng lá xào xạc, tiếng chim vỗ cánh, tiếng sóng vỗ bờ. Và ngay cả khi không nghe được các âm thanh này, chúng ta vẫn nghe được tiếng thở nhẹ nhàng của chính chúng ta, sự chuyển động của đôi tay trên da thịt, tiếng nuốt nước bọt, và tiếng bước chân nhẹ nhàng. Nhưng chúng ta trở nên điếc với những âm thanh yên lặng này.
Khi chúng ta được mời đi từ thế giới ồn ào sang sự yên lặng đầy âm thanh này, chúng ta thường trở nên lo sợ. Chúng ta cảm thấy như trẻ em nhìn bức tường âm thanh sụp đổ và bỗng dưng thấy chúng ở giữa một cánh đồng hoang vu, hoặc chúng ta cảm thấy như thể bị lột bỏ quần áo một cách hung bạo, hoặc như các con chim bị lôi ra khỏi tổ. Đôi tai của chúng ta thấy đau vì thiếu sự ồn ào quen thuộc; và thân xác chúng ta quen với tiếng ồn ào đó như thể nó là tấm chăn giữ ấm chúng ta. Chúng ta trở nên những người nghiện phải trải qua tiến trình khổ sở của sự từ bỏ.
Nhưng vẫn còn khó khăn hơn việc từ bỏ các ồn ào bên ngoài là đạt được sự an bình bên trong, một sự yên lặng của tâm hồn. Dường như một người quá quen với sự ồn ào đó sẽ mất đi sự tiếp xúc với nội tâm của mình. Những câu hỏi được thắc mắc từ nội tâm vẫn không được trả lời. Những tâm tình bấp bênh vẫn chưa được sáng tỏ, những khao khát rối bời vẫn chưa được làm cho ngay thẳng, và những cảm xúc mơ hồ vẫn chưa được hiểu biết. Tất cả những gì còn lại là mớ tâm tình hỗn loạn mà chưa bao giờ có cơ hội để sắp xếp lại.
Vì vậy, thật không ngạc nhiên khi chúng ta đóng lại cái huyên náo hàng ngày, sự ồn ào mới trong nội tâm lại thường có thể nghe thấy, phát sinh từ mọi tâm tình hỗn độn và kêu gào sự chú ý. Đi vào một căn phòng yên tĩnh không tự động đem cho chúng ta sự yên bình nội tâm. Khi không có ai để nói chuyện hay để lắng nghe, một cuộc tranh luận nội tâm lại có thể dấy lên – nó thường ồn ào hơn là sự huyên náo chúng ta vừa thoát khỏi. Nhiều vấn đề chưa được giải quyết đòi được chú ý; điều quan tâm này chen lấn điều kia; sự phàn nàn này tranh giành với cái kia, tất cả đều muốn được lắng nghe. Đôi khi chúng ta thấy bất lực khi đối diện với nhiều cảm nghĩ xoắn lại với nhau mà chúng ta không thể gỡ rối.
Nó làm bạn tự hỏi sự giải trí chúng ta tìm kiếm trong nhiều điều bên ngoài chúng ta, đó có phải là một toan tính tránh đương đầu với những gì bên trong. “Tôi phải làm gì khi tôi đã qua mọi công việc?” Câu hỏi này khiến nhiều người trốn tránh chính mình và bám víu lấy bất cứ những gì làm họ cảm thấy như thể họ vẫn bận rộn. Như thể họ nói rằng: “Tôi phải xoay về đâu khi tôi không còn bạn bè để trò chuyện, không còn nhạc để nghe, không sách báo để đọc, và không phim ảnh để xem?” Câu hỏi thì không phải là chúng ta có thể sống mà không bạn hữu hay không lấp đầy đôi mắt và đôi tai chúng ta với những ấn tượng mới – hiển nhiên chúng ta không thể – nhưng có thể nào thỉnh thoảng chúng ta đứng một mình, nhắm mắt lại, nhẹ nhàng gạt sang một bên tất cả những ồn ào đủ loại, và ngồi xuống một cách điềm tĩnh và lặng lẽ.
Giữ điềm tĩnh và yên lặng thì không giống như giấc ngủ. Thật vậy, nó có nghĩa thực sự tỉnh thức và chăm chú dõi theo mọi chuyển dịch ở bên trong con người bạn. Nó đòi hỏi kỷ luật để nhận ra sự thúc giục chúng ta hãy đứng dậy và bỏ đi như một cám dỗ hãy tìm kiếm đâu đó điều gì rất gần trong tầm tay. Nó đem lại sự tự do để rảo qua khu vườn nội tâm của bạn và quét lá, dọn sạch các lối đi để bạn có thể dễ tìm ra con đường đến với tâm hồn của bạn. Có thể sẽ có sự sợ hãi và bấp bênh khi lần đầu tiên bạn đến “địa hình xa lạ” này, nhưng từ từ và chắc chắn bạn sẽ khám phá ra một thứ tự và một sự quen thuộc mà nó làm sâu đậm hơn sự khao khát ở lại với chính bạn.
Với sự tự tin mới này, chúng ta chiếm lại đời sống một cách tươi mới tự bên trong. Cùng với sự hiểu biết mới về “không gian nội tâm” là nơi các cảm xúc yêu thương và thù ghét, dịu dàng và đau đớn, tha thứ và tham lam được tách biệt, được củng cố, hay được tái định hình, ở đó xuất hiện sự thành thạo của bàn tay dịu dàng. Đây là tay của người làm vườn mà họ thận trọng dọn chỗ cho cây mới được mọc lên và không nhổ cỏ dại quá hấp tấp, nhưng chỉ nhổ những cây nào đe dọa làm bế tắc sự sống mới.
Dưới chính thể dịu dàng này, chúng ta lại có thể trở nên chủ nhân trong chính căn nhà của chúng ta. Không chỉ ban ngày, nhưng cả ban đêm. Không chỉ khi chúng ta thức giấc, nhưng còn khi chúng ta ngủ. Vì ai có được ban ngày thì cũng có được ban đêm. Giấc ngủ không còn là bóng tối xa lạ, nhưng là bức màn thân thiện mà đằng sau đó là các giấc mơ tiếp tục lên tiếng và gởi đi các thông điệp được cảm kích đón nhận. Các con đường của giấc mơ trở nên đáng tin cậy như các con đường khi chúng ta thức giấc, và ở đó không còn gì phải sợ hãi.
Nếu chúng ta không lẩn tránh sự yên lặng, tất cả điều này trở nên có thể – nhưng không dễ. Sự ồn ào từ bên ngoài luôn đòi hỏi chúng ta phải chú ý, và sự bất an từ bên trong vẫn khuấy động sự lo lắng của chúng ta. Nhiều người cảm thấy bị kẹt giữa sự cám dỗ và sự sợ hãi này. Vì họ không thể quay về nội tâm, họ tìm kiếm sự yên tĩnh trong những ồn ào, ngay cả khi họ biết rằng không bao giờ có thể tìm thấy ở đó.
Nhưng bất cứ khi nào bạn gặp được sự yên lặng này, nó như thể bạn nhận được một món quà, một món quà “đầy hứa hẹn” theo đúng nghĩa chữ. Sự hứa hẹn của yên lặng là đời sống mới có thể phát sinh. Chính sự yên lặng này, sự yên lặng của bình an và cầu nguyện bởi vì nó đưa bạn trở về với Đấng đang dẫn dắt bạn. Trong sự yên lặng này bạn mất đi cảm giác bị lôi đi và thấy rằng bạn có thể trở nên chính mình cùng với người khác.
Và rồi bạn nhận ra rằng bạn có thể thi hành nhiều điều, không bị ép buộc nhưng cách tự do. Đó là sự yên lặng của “tinh thần nghèo khó,” ở đây bạn học cách nhìn đời sống trong quan điểm thích hợp của nó. Trong sự yên lặng này, những tự phụ giả dối tan biến, bạn lại có thể nhìn thấy thế giới với một khoảng cách nào đó, và giữa những điều bạn lưu tâm, bạn có thể cầu nguyện:
Chúa yêu dấu,
Xin hãy dịu dàng lên tiếng trong sự yên lặng của con.
Khi những ồn ào bên ngoài chung quanh con
và tiếng ồn ào bên trong vì sợ hãi
tiếp tục lôi con ra khỏi Ngài,
hãy giúp con tin tưởng rằng Ngài vẫn ở đó
ngay cả khi con không thể nghe tiếng Ngài.
Xin ban cho con đôi tai biết lắng nghe tiếng nói nhỏ nhẹ, êm đềm của Ngài:
“Hãy đến với ta, hỡi những ai chồng chất gánh nặng,
và ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi…
vì ta dịu dàng và rất nhân từ.”
Xin hãy để tiếng nói yêu thương đó dẫn dắt con.
Amen.
Tại sao tôi tránh sự yên lặng?