Nếu bạn muốn có một tương lai, nó sẽ là một tương lai với những người khác. Một lời cầu nguyện hy vọng là lời cầu mà nó tước bỏ vũ khí nơi bạn và mở rộng bạn thật xa vượt quá những giới hạn của những khát vọng của chính bạn. Do đó, không thể nói về cầu nguyện một khi sự cầu nguyện được nghĩ là một hoạt động loại trừ người lân cận của chúng ta. “Ai nói, ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa,’ và ghét bỏ anh chị em của mình, đó là người nói dối,” T. Gioan nói (1 Ga 4:20). Và Chúa Giêsu nói: “Không phải những ai nói với ta, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa,’ sẽ vào vương quốc thiên đường, nhưng những ai thi hành ý muốn của Cha ta nơi thiên đường” (Mt. 7:21).
Sự cầu nguyện không thể nào là phản xã hội hay tránh xã hội. Khi chúng ta cầu nguyện và bỏ quên người lân cận, sự cầu nguyện ấy không phải là cầu nguyện thực sự. Theo bản chất, sự cầu nguyện đích thực thì có ý nghĩa xã hội. Nhưng nó không đơn giản như thế! Người ta thường nói: “Hãy ra đi và làm điều gì đó cho những ai đau khổ, thay vì cầu nguyện cho họ.” Tuy không có nhiều lý do để giả sử rằng quá ít được thi hành cho những ai đau khổ bởi vì quá nhiều thời gian được dành để cầu nguyện cho họ, ở đó có một số lý do để tự hỏi là nhận xét “Tôi sẽ cầu cho bạn” có phải là một dấu chỉ của sự lưu tâm chân thật.
Khi nghĩ về thế giới hiện đại, năng động, mạnh mẽ của chúng ta, cầu nguyện và sống trở nên tách biệt quá rộng đến độ hầu như không thể đưa chúng lại với nhau. Nhưng ở đây là tâm điểm của vấn đề: Làm thế nào sự cầu nguyện của chúng ta trở nên thực sự cần thiết cho phúc lợi của đồng loại chúng ta? Chúng ta muốn nói gì khi nói rằng chúng ta phải “cầu nguyện luôn” và có phải sự cầu nguyện đó là “một điều cần thiết”?
Câu hỏi này chỉ trở nên quan trọng khi nó được đề ra trong hình thức cơ bản nhất của nó. Câu hỏi khi nào và cầu nguyện thế nào thì không thực sự quan trọng nhất. Câu hỏi cốt yếu là chúng ta có nên cầu nguyện luôn không và lời cầu của chúng ta có cần thiết không. Ở đây, sự may rủi là tất cả hay không có gì! Nếu chúng ta nói rằng thật tốt để quay về với Thiên Chúa trong sự cầu nguyện cho một phút rảnh rỗi, hoặc nếu chúng ta đồng ý rằng người có vấn đề thì tốt hơn nên nương náu trong sự cầu nguyện, chúng ta phải thú nhận rằng sự cầu nguyện đó chỉ ở bên lề cuộc sống và không thực sự quan trọng.
Nếu chúng ta nghĩ rằng chút ít cầu nguyện đó không thể gây thiệt hại gì, không lâu chúng ta sẽ thấy rằng nó cũng không thể làm được điều gì tốt. Sự cầu nguyện chỉ có ý nghĩa nếu nó cần thiết và không thể thiếu. Sự cầu nguyện chỉ là cầu nguyện khi chúng ta có thể nói rằng không có sự cầu nguyện, chúng ta không thể sống. Làm thế nào điều này trở nên sự thật hay được làm thành sự thật? Chữ đưa chúng ta đến gần hơn với câu trả lời cho câu hỏi này, đó là chữ “thương cảm.” Để hiểu điều này, trước hết chúng ta phải nghiên cứu điều gì xảy ra cho chúng ta khi cầu nguyện. Và rồi chúng ta có thể hiểu làm thế nào chúng ta có thể gặp gỡ người lân cận trong sự cầu nguyện.
Thường được nói rằng cầu nguyện thì đơn giản là một biểu lộ của sự bất lực. Đó là nài xin từ người khác những gì chúng ta không thể tự mình thi hành. Điều này đúng có một nửa. Người cầu nguyện thì không chỉ nói, “Tôi không thể làm điều đó và tôi không hiểu điều đó,” nhưng còn, “Về chính tôi, tôi không phải thi hành điều đó và về chính tôi, tôi không phải hiểu điều đó.” Khi bạn ngừng ở câu đầu, bạn thường cầu nguyện trong sự mơ hồ và tuyệt vọng, nhưng khi bạn còn có thể thêm vào câu thứ hai, bạn cảm thấy sự lệ thuộc của bạn không còn là sự bất lực nhưng là một sự vui vẻ rộng mở cho người khác.
Nếu bạn coi sự yếu kém của bạn là một sự nhục nhã, bạn sẽ chỉ trông nhờ vào sự cầu nguyện khi rất cần thiết và sẽ coi sự cầu nguyện như một ép buộc thú nhận sự bất lực của bạn. Nhưng nếu bạn coi sự yếu kém của mình như điều gì đó làm bạn đáng được yêu thương và nếu bạn luôn chuẩn bị để được ngạc nhiên trước sức mạnh người khác cho bạn, bạn sẽ khám phá qua sự cầu nguyện rằng sống có nghĩa cùng sống với nhau.
Một lời cầu nguyện mà nó làm bạn mất can đảm thì thật khó để gọi đó là lời cầu nguyện. Vì bạn sẽ mất can đảm khi bạn cho rằng tự mình phải có thể thi hành đủ mọi thứ, rằng mọi món quà người khác cho bạn là một minh chứng sự yếu kém của bạn, và rằng bạn chỉ thực sự là một con người khi bạn không cần bất cứ gì nơi người khác.
Nhưng với tâm trạng này bạn sẽ trở nên mệt mỏi và kiệt quệ vì những nỗ lực chứng minh rằng bạn có thể đơn độc thi hành điều đó và mọi thất bại sẽ trở nên nguyên nhân của sự xấu hổ. Bạn sẽ mất khả năng phục hồi và trở nên cay đắng. Bạn sẽ kết luận rằng người khác là kẻ thù và đối thủ họ mưu mẹo hơn bạn. Như thế, bạn sẽ tự phạt mình trong cô đơn bởi vì bạn cho rằng mọi bàn tay đến với bạn là một đe dọa cho vinh dự của bạn.
Khi Thiên Chúa hỏi ông Adong, “Ngươi ở đâu?” Adong trả lời, “Con đang ẩn nấp” (St 3:9-10). Ông thú nhận tình trạng thực sự của mình. Sự thú nhận này mở lòng ông cho Thiên Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta ra khỏi cái vỏ chính mình để không chỉ nhìn thấy sự trần trụi của mình nhưng còn nhìn thấy rằng không có kẻ thù để phải ẩn nấp, chỉ có người bạn mà họ không muốn điều gì tốt hơn là khoác cho chúng ta chiếc áo mới. Chắc chắn sự cầu nguyện cần một số thừa nhận. Nó đòi hỏi khiêm tốn nhìn nhận tình trạng của chúng ta là con người tan nát. Tuy nhiên, sự cầu nguyện không dẫn chúng ta đến sự xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, hay tuyệt vọng, nhưng thay vào đó dẫn đến sự vui mừng khi khám phá ra rằng chúng ta chỉ là con người và Thiên Chúa đó là Thiên Chúa thật.
Khi chúng ta bám chặt lấy những yếu đuối, lỗi lầm, khuyết điểm, và quá khứ méo mó của chúng ta, với mọi biến cố, sự kiện, và hoàn cảnh mà chúng ta muốn cắt bỏ khỏi lịch sử của chính chúng ta, chúng ta chỉ ẩn nấp sau một hàng rào mà qua đó mọi người khác có thể thấy. Điều chúng ta làm là thu hẹp thế giới thành một nơi ẩn nấp mà chúng ta cố che giấu chính mình, nghi ngờ một cách đáng thương hại rằng mọi người từng thấy chúng ta ngay từ đầu.
Cầu nguyện có nghĩa từ bỏ sự an toàn giả dối của bạn, không còn tìm kiếm những lý lẽ để bảo vệ bạn khi bị đẩy vào góc tường, và không còn đặt hy vọng vào một vài giây phút lóe sáng mà đời bạn vẫn có thể đem lại. Cầu nguyện có nghĩa chấm dứt mong đợi Thiên Chúa có cùng một tâm trí hẹp hòi mà bạn tìm thấy nơi chính mình. Cầu nguyện là bước đi trong áng sáng chan hòa của Thiên Chúa và đơn giản, không do dự, thân thưa, “Con là loài người và Ngài là Thiên Chúa.” Vào lúc đó, sự hoán cải xảy ra, sự phục hồi mối quan hệ đích thực. Một con người thì không phải ai đó thỉnh thoảng lầm lỗi, và Thiên Chúa thì không phải ai đó thỉnh thoảng tha thứ. Không! Con người là tội nhân, và Thiên Chúa là tình yêu. Cảm nghiệm hoán cải làm cho điều này hiển nhiên với sự đơn giản lạ lùng và sự sáng lạn tỏ tường.
Sự hoán cải này đem theo sự thư giãn mà nó để bạn thở lại và đưa bạn vào sự nghỉ ngơi trong vòng tay của một Thiên Chúa tha thứ. Cảm nghiệm này đưa đến kết quả là sự điềm tĩnh và niềm vui đơn sơ. Vì sau đó bạn có thể nói: “Tôi không biết câu trả lời và tôi không thể thi hành điều này, nhưng tôi không phải biết và không phải có thể thi hành điều đó.” Sự hiểu biết mới này là sự giải thoát mà nó đem cho bạn mọi thứ trong sự tạo dựng và để bạn tự do chơi đùa trong khu vườn ngay trước mặt bạn.
Khi bạn cầu nguyện, bạn khám phá rằng không chỉ có bạn và Thiên Chúa, nhưng còn người lân cận. Vì trong sự cầu nguyện, bạn thú nhận rằng không chỉ con người là con người và Thiên Chúa là Thiên Chúa, nhưng người lân cận của bạn còn là anh chị em của bạn sống cùng với bạn. Vì cũng chính sự hoán cải đem cho bạn sự nhìn nhận đau khổ về bản tính con người thương tích của mình thì cũng đem lại niềm vui khi nhận biết rằng bạn không cô đơn, nhưng là con người có nghĩa ở cùng với nhau.
Chính ở điểm này, sự thương cảm phát sinh. Sự thương cảm này thì không được bao bọc bởi chữ “thương hại,” cũng không bởi chữ “thông cảm.” Thương hại bao hàm khoảng xa cách. Thông cảm ám chỉ một sự gần gũi dành riêng. Sự thương cảm vượt trên khoảng cách và sự loại trừ.
Sự thương cảm lớn lên với sự nhận biết nội tâm rằng người lân cận chia sẻ bản tính nhân loại với bạn. Sự hợp tác này cắt ngang qua mọi bức tường mà nó có thể tách biệt bạn. Ngang qua mọi chướng ngại về đất đai và ngôn ngữ, giầu và nghèo, hiểu biết và ngu dốt, chúng ta là một, được tạo dựng cũng từ bụi đất, lệ thuộc cùng các lề luật, và được dành cho cùng một mục đích. Với sự thương cảm này bạn có thể nói, “Khi đối diện với sự đàn áp tôi nhận ra khuôn mặt của chính tôi và trong bàn tay của kẻ đàn áp tôi nhận ra chính bàn tay của tôi. Da thịt của họ là da thịt của tôi; máu của họ là máu của tôi; đau đớn của họ là đau đớn của tôi; nụ cười của họ là nụ cười của tôi. Khả năng tra tấn của họ cũng có trong tôi nữa; khả năng tha thứ của họ tôi cũng tìm thấy trong tôi. Không có gì trong tôi mà không lệ thuộc vào họ. Không có gì trong họ mà không lệ thuộc vào tôi. Trong tâm hồn, tôi biết họ khao khát tình yêu và tận trong lòng của tôi, tôi có thể cảm thấy sự tàn bạo của họ. Trong đôi mắt của người khác, tôi nhìn thấy sự nài xin tha thứ của tôi và trong cái nghiêm nghị cứng cỏi, tôi nhìn thấy sự từ chối của tôi. Khi ai đó bị thảm sát, tôi biết tôi cũng có thể bị sát hại, và khi ai đó sinh nở, tôi biết tôi cũng có khả năng sinh nở. Trong sự sâu thẳm của con người tôi, tôi gặp các đồng loại của tôi mà với họ tôi chia sẻ tình yêu cũng như hận thù, sự sống cũng như sự chết.”
Thương cảm là dám nhìn nhận định mệnh hỗ tương của chúng ta để chúng ta có thể tiến bước, cùng với nhau, vào phần đất mà Thiên Chúa đang chỉ cho chúng ta. Thương cảm cũng có nghĩa chia sẻ niềm vui, mà cũng có thể quan trọng như chia sẻ sự đau khổ. Để đem cho những người khác cơ hội hoàn toàn vui sướng, để niềm vui của họ bừng nở trọn vẹn. Chúng ta dâng tặng sự an ủi và sự hỗ trợ thực sự khi chúng ta có thể lên tiếng tự tâm hồn: “Điều đó thực sự tốt cho bạn,” hoặc “Tôi vui mừng khi thấy bạn thành công.”
Nhưng sự thương cảm này thì nhiều hơn sự nô lệ được chia sẻ với cùng sự sợ hãi và tiếng thở phào nhẹ nhõm cũng như nhiều hơn một niềm vui được chia sẻ. Vì nếu sự thương cảm của bạn phát sinh từ lời cầu nguyện, nó được phát sinh trong cuộc gặp gỡ của bạn với Thiên Chúa, đấng cũng là Thiên Chúa của mọi dân tộc. Vào lúc bạn trọn vẹn nhận thức rằng Thiên Chúa đấng yêu thương bạn vô điều kiện thì cũng yêu thương loài người với cùng một tình yêu ấy, một kiểu sống mới sẽ tự mở ra cho bạn. Vì với đôi mắt mới bạn sẽ nhìn đến những người sống bên cạnh bạn trong thế giới này. Bạn nhận biết rằng họ cũng không có lý do gì để sợ, họ cũng không phải ẩn nấp sau một hàng rào, họ cũng không cần vũ khí để là một con người. Bạn nhìn thấy rằng khu vườn tình yêu nội tâm mà từ lâu chưa được chăm sóc thì cũng có ý nghĩa cho họ.
Do đó, chuyển đổi đến Thiên Chúa có nghĩa một sự chuyển đổi cùng lúc đến với những người khác, họ sống với bạn trên trái đất này. Nông dân, thợ thuyền, học sinh, tù nhân, người đau yếu, người da đen, người da trắng, người yếu ớt và người mạnh khỏe, người bị đàn áp và người đàn áp, bệnh nhân và người chữa lành, người bị tra tấn và người tra tấn – họ không chỉ là con người như bạn, nhưng họ còn được mời gọi để cùng với bạn nhận biết Thiên Chúa là một Thiên Chúa cho mọi người.
Và như thế, sự thương cảm lấy đi mọi giả dối, cũng như nó lấy đi sự khiêm tốn giả dối. Nó mời bạn hãy hiểu mọi sự và mọi người, hãy nhìn chính bạn và người khác trong ánh sáng của Thiên Chúa và hân hoan nói với bất cứ ai bạn gặp rằng không có lý do gì để sợ hãi; vùng đất này được tự do cầy cấy và sinh nhiều hoa lợi.
Tuy nhiên, nó không quá đơn giản. Cũng có nhiều nguy cơ. Vì sự thương cảm có nghĩa dựng một cây cầu đến với những người khác mà không biết họ có muốn tiếp xúc hay không. Anh chị em của bạn có thể quá cay đắng đến độ họ không mong đợi bất cứ gì nơi bạn. Và rồi sự thương cảm của bạn dấy lên sự ác cảm, và thật khó để khỏi chua chát nói rằng, “Thấy chưa, tôi đã nói mà, dù sao nó không hiệu quả.”
Tuy vậy, sự thương cảm thì có thể khi nó bén rễ trong sự cầu nguyện. Vì trong sự cầu nguyện, bạn không lệ thuộc vào sức mạnh của chính bạn hoặc vào thiện ý của người khác, nhưng chỉ dựa vào sự tín thác của bạn nơi Thiên Chúa. Đó là lý do sự cầu nguyện làm cho bạn được tự do sống một cuộc đời thương cảm ngay cả khi nó không gợi ra một phản ứng biết ơn hay đem lại các phần thưởng ngay lập tức.
Chúa yêu dấu,
Khi Ngài dẫn con đi sâu hơn vào con tim của Ngài,
con thấy rằng bạn đồng hành với con là tất cả mọi người
được Ngài yêu thương cũng trọn vẹn và mật thiết như con.
Trong trái tim thương cảm của Ngài,
đều có một chỗ cho tất cả những người ấy.
Không ai bị loại trừ.
Chúa yêu dấu, xin cho con được chia sẻ một chút trong sự thương cảm của Ngài,
để như thế, tình yêu vô biên của Ngài có thể được thấy
trong kiểu cách con yêu thương anh chị em của con.
Amen.
Làm thế nào để tôi nhận biết sự đau khổ của anh chị em tôi trong chính con tim của tôi?