Tuy mới hơn 20 tuổi, sau chuyến tàu định mạng đến Goa, tôi nghĩ Pina đã khôn lớn rất nhiều. Anh đã hấp thụ được nhiều bài học đáng giá từ những sự thử thách mà Thượng Đế đã an bài cho anh. Trên thể xác, đôi lúc anh phải gánh chịu cảnh mưa rào, nóng ran; quần áo nhơ bẩn dính đầy côn trùng. Trên tàu, anh phải hít thở mùi hôi tanh ô uế, nồng nặc chung quanh anh. Anh phải chịu đựng cuộc sống tù túng trong một căn phòng rất nhỏ bé chất đầy thức ăn khô mà anh phải chia sẻ với ba vị tu sĩ khác. Không lâu, sau khi vào vùng nóng bức của xích đạo, anh phải chịu đựng cái nóng bứt rứt khó tả. Tuy anh không bị bệnh nan y, anh đã thấy số mệnh con người thật mỏng manh. Anh đã nhìn thấy cuộc sống khốn khổ của con người và cái chết cô độc của nhiều hành khách trên tàu. Khi nghĩ đến, tôi biết anh đã cầu xin phước lành từ Đức Chúa Trời cho những người còn lại, cho những người vừa mất và cho cả chính anh.
Khi bước chân đến Goa, anh đã cảm thấy thượng đế không bạc đãi anh và cho phép anh được chiêm ngưỡng một thế giới mỹ lệ. Tại đây, anh đã cám ơn Chúa cho anh mở rộng tầm mắt và gặp gỡ các dân tộc không đồng màu da như người Nhật, Ấn Độ, người Hoa, người Ả Rập, v.v… Đồng thời, cuộc sống huy hoàng ở Goa tạo cơ hội gặp mặt nhiều nhân vật ngôn ngữ nổi tiếng đương thời như Cha Thomas Stephens, Giáo Sĩ người Anh, và Cha Etienne de la Croix, Giáo Sĩ người Pháp. Nhờ kỹ thuật tinh tiến vào thời đó, chính mắt anh đã thâý nhà Dòng đã phát hành bài vở bằng cách dùng máy in bắt đầu từ năm 1556. Mặc dù sống ở đây chỉ có khoảng 2-3 năm, tôi biết chắc rằng anh đã lắng nghe những câu chuyện từ các giáo sĩ khác hay có dịp đàm thoại với nhau về những công trình La Tinh hoá tiếng Konkani trong công cuộc truyền đạo. Mặc dù lúc ấy, theo tôi nghĩ anh đã không nghĩ nhiều về việc thực hành cho chính anh cho đến khi anh đáp tàu xuống cửa sông Hàn, Đà Nẵng. Khi đang theo đuổi lớp thần học ở Macao, tôi nghĩ anh cũng có cơ hội đàm thoại với Cha João Rodrigues Tçuzu (1561-1633) về tiếng Nhật và cách La Tinh hóa nó.
Vào năm 1618, khi đến Nước Mặn, anh đã có nhiều thì giờ nghiền ngẫm sự liên quan giữa tiếng Việt với tiếng La Tinh, Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Nhưng khi liên tưởng tới giọng nói của hai dân tộc Việt và Ấn Độ, tôi cho rằng sự suy nghĩ của anh lập tức nghiêng hẳn về Konkani vì âm điệu tiếng Việt trong nhiều trường hợp rất giống lối phát âm của tiếng Ấn Độ. 1 Vì thế, hiện nay tôi muốn đưa ra giả thuyết rằng khi tạm dừng chân ở Nước Mặn, Cha Pina đã dựa vào nhiều vào lối phát âm của Konkani trong việc la tinh hóa tiếng Việt 2. Nhưng rất tiếc, vì anh mất quá sớm (1625), những tiến triển và thành công của anh ít người biết đến. Nhưng tôi nghĩ tuy anh mất đi, nhưng anh không hề hối tiếc vì anh đã biết rằng những công trình mà anh gầy dựng đã được nối tiếp bởi là ba vị giáo sĩ thừa kế của anh, đó là các giáo sĩ Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes; họ đã nối gót theo anh đi nốt con đường con đường còn lại trong công cuộc đào tạo chữ Quốc Ngữ.