Phân tích từ những lời trình bày của ông Mocquet, chúng ta có thể nhận thấy rằng trên chiếc tàu Vencimento, bệnh dịch lan tràn thường xảy ra rất nhanh chóng trong một khung cảnh chật hẹp, thiếu vệ sinh như trên chiếc Vencimento. Có lẽ lúc ấy, cả thức ăn và nước uống đều bị ô nhiễm bởi vi trùng. Theo lời kể lại từ ông Mocquet, các hành khách từ lúc bị nhiễm trùng và thiệt mạng rất nhanh, trong khoảng một tuần lễ như Bá Tước Feira. Vì ông Mocquet không cho thêm chi tiết những triệu chứng khác từ bệnh của ông, ngoài triệu chứng nóng sốt, chúng ta chỉ có thể tiên đoán là ông bị bệnh Thương Hàn (typhoid) hay Kiết Lỵ (Dysentery). Đây là hai bệnh dịch rất phổ thông trên những con tàu chứa nhiều người mà vệ sinh không được giữ gìn. Khi bệnh nhân lên cơn sốt, họ có thể rơi vào tình trạng mê man. Vì đầu óc không tỉnh táo, nếu không bị ngăn cản, họ có thể tự quăng mình vào biển cả bất cứ lúc nào.
Ông Mocquet còn nhắc đến bệnh thiếu sinh tố B1 (thiamine) gọi là Beriberi. Dựa theo lời kể của ông, hạ bộ của ông như chân, hay bắp đùi bị teo lại. Đầu gối của ông đều rất mệt mỏi, rã rời và không theo sự điều khiển của ông nữa. Đi đứng trở nên rất khó khăn cho ông. Đây là triệu chứng của bệnh Beriberi Khô ảnh hưởng đến thần kinh của bệnh nhân. Còn nếu bệnh nhân nào bị Beriberi Ướt, chân tay họ có thể bị sưng phù gây ra khó khăn trong việc đi lại. Có vẻ như ông Mocquet không bị sưng chân. Điều này có thể nói lên rằng ông không bị Beriberi Ướt.
Ông Mocquet cũng kể lại rằng hàng ngày ông cố gắng vịn thành tàu, dùng dao với một cái gương nhỏ ra thành tàu, kéo chân lợi và cắt bớt những chỗ nám đem gây ra bởi bệnh Scurvy. Cắt xong, ông súc miệng bằng nước tiểu. Ông cũng nhắc đến phương pháp chống lại bệnh sưng nám của lợi là dùng nước xi-rô, trộn với rượu đỏ -Có lẽ ông không biết rằng rượu đỏ có tác dụng sát trùng. Ông còn cho biết cắt bớt lợi để tiết máu khiến cho sự ăn uống của ông rất khó khăn. Tuy vậy, cũng như tất cả những người đương thời, ông không biết là mình bị thiếu sinh tố C. Vào thế kỷ 17, không ai biết là Scurvy là từ đâu ra; ngay cả những nhà bác sĩ nổi tiếng thời ấy. Họ thường cho là chứng bệnh này là do bởi sự lười biếng của thủy thủ, hay do sự ô nhiễm của không khí trên tàu.
Riêng hai bệnh Beriberi và scurvy mà ông Mocquet đã trải qua cho biết kiến thức y khoa của ông vào thời ấy cũng rất phong phú cho một thường dân. Những lời diễn tả của ông rất phản ảnh về triệu chứng cùng kết quả do những bệnh này gây ra. Rất tiếc là vào thời phong kiến ấy, kiến thức về y khoa và vệ sinh còn quá thấp kém. Những phương pháp y khoa được áp dụng như trích máu hay cắt da thịt hay lợi màu đen đều không thực dụng mà còn gây ra chết người vì bệnh nhân bị mất máu quá nhiều. Một điều hiểu biết thú vị thêm là hàng ngày việc cắt mạch máu, trích máu và cầm máu là do thợ cắt tóc (barber) đảm nhận. Trên tàu vị này không phải là bác sĩ mà cũng không phải là bác sĩ giải phẫu. Nhiệm vụ của ông ta là cắt tóc và kiêm luôn cả việc trích máu cho bệnh nhân. Trên tàu, có nhiều người vì mất máu quá nhiều, nằm một góc tàu và lả ra cho đến hơi thở cuối cùng.
Trong thế kỷ 17, để chữa các bệnh tật, các đại học y khoa còn tin tưởng vào học thuyết Galenism do Galen of Pergamon (129AD-210AD) sáng lập ra, dựa vào lý thuyết về 4 trạng yếu, đó là máu, đờm, nước mật vàng và nước mật đen cộng với 4 thành phần thiên nhiên như không khí, nước, đất và lửa1 để ảnh hưởng đến 4 tính cách của con người gồm có: tính lãnh đạm, tính buồn rầu, tính cay đắng hay tính lạc quan. Trong những tính chất của con người này, tính chất lạc quan là điều các y sĩ muốn bệnh nhân mình đạt được. Muốn đạt được kết quả mong muốn, theo các bác sĩ vào thời ấy, con người phải quân bình 4 trạng yếu trong người. Một khi, một hay nhiều trạng yếu mất quân bình sẽ gây ra bệnh hoạn. Vì trong lúc bị bệnh, nước mật vàng hay đen và cả nước đờm là những trạng yếu được thải ra ngoài, chúng sẽ được xem là nguyên nhân của bệnh tật. Các y sĩ vào thời đó cũng tin rằng lúc bị bệnh, máu của bệnh nhân chứa toàn chất độc. Để điều chỉnh, khôi phục và quân bình 4 trạng yếu này, y sĩ chỉ còn cách lấy ra bớt máu độc trong người bệnh nhân. Lý thuyết này được dựa vào sự quan sát từ kinh nguyệt của người đàn bà trong tháng.2 Trong đầu thế kỷ 17, trích máu không chỉ là phương pháp duy nhất để chữa bệnh. Các y sĩ còn dùng ống giác đặt vào lưng hay cho bệnh nhân uống bột nghiền ra từ đá benzoar để chống lại bệnh sốt nặng3 . Khi tất cả các phương pháp trên thất bại, cách duy nhất để trừ khử máu độc không lên đến óc là xuất huyết thẳng ra từ đầu. Rất tiếc đây cũng là phương pháp nhanh nhất cho bệnh nhân mau chóng gặp đức Chúa Trời của họ.