Descartes, Cogitationes Privatae
Không gì lố bịch bằng khi lỗ tai một con lừa thòi ra dưới chiếc mũ của một bác sĩ. Có lần ở Montréal, tôi tổ chức một cuộc hội thảo về Bài Ca Thọ Tạo của Thánh Phanxicô Assisi. Trong cuộc trao đổi theo sau bài nói chuyện, một người rất danh giá đưa ra nhận định, ‘Thế giới, trong đó thánh Phanxicô sống, có một đầu óc tiền khoa học và cách tự nhiên, ngài đã chia sẻ trí lực này. Đây là lý do tại sao ngài có thể nói về ‘Chị Nước của chúng ta’. Nhưng với những nhãn quan khoa học hôm nay, chúng ta không thể nói theo cách này nữa; thậm chí không thể nói là nước nữa nhưng phải nói ‘H2O’”.
“Bạn quá duy lý đến nỗi không thể tin vào mặt trời”, Holderin nói với các tác giả tư sản thời mình. Tương tự, tôi có thể đáp lại diễn giả trên, “Ngài quá duy lý đến nỗi không tin vào Chị Nước”.
Sẽ không ngoài lề khi nhắc lại rằng, thơ không phải là một ngôn ngữ tiền khoa học, tiền lý trí hay một cách thức diễn đạt những gì sơ khai và cổ thời mà khoa học đã thay thế. Khoa học là một ngôn ngữ, thơ là một ngôn ngữ khác. Thơ không chỉ diễn đạt sự vật cách khác nhưng còn nói lên những điều gì đó. Khi khen ngợi thế giới, nhà thơ nói đến giấc mơ thâm sâu của con người. Vì thế, cả khi dường như đang mô tả thiên nhiên, nhà thơ vẫn có thể thổ lộ một bí mật mà chỉ linh hồn mình biết. Mọi thơ ca đều bí ẩn, chúng tiến về một vùng đất hứa khởi từ một thiên đường bị lạc mất. Vì thế, thơ ca mở rộng thế giới với những tưởng tượng, với những kỳ quan. Nhưng như Aragon cho thấy, “Kỳ quan có giá trị như một đối kháng chống lại một thế giới phân tán cũng như sáng tạo và siêu việt vốn dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn”.
Hãy cùng đọc lại Bài Ca Anh Mặt Trời của Phanxicô Assisi trong ánh sáng này.
Khi hát về thọ tạo, Phanxicô không chỉ nói đến những gì bên ngoài nhưng còn gợi lên cả một thực tại mênh mông mới mẻ bên trong; ở đó, tinh thần con người và thọ tạo vật chất gặp nhau, cùng khám phá chính mình trong một sự hài hòa tuyệt diệu. “Anh Mặt Trời”, “Chị Nước”, chúng ta cần trở nên một nhà thơ lớn để có thể đặt những từ ngữ đơn giản này lại với nhau; thậm chí lớn hơn nữa, để dám nói, “Chị, Mẹ Trái Đất của chúng ta”. Những lời lẽ thường ngày này bất ngờ được kết hợp trong tình yêu và ước mơ, tổ chức một cuộc về nhà; chúng diễn đạt một sự giao hòa bí nhiệm; ở đó, con người và thế giới được tái sinh trong sự hiệp nhất ban đầu.
Thế nhưng, chiều sâu của kinh nghiệm này sẽ qua đi nếu chúng ta quên rằng, Bài Ca Thọ Tạo trước tiên là một tiếng ca ngợi khen ngân vang đến tận Đấng Tối Cao, Đấng vượt trổi, Đấng mà con người không thể gọi tên Ngài. Sự tinh tế của bài ca nằm ở chỗ là một tiếng kêu thất thanh lên tận Đấng siêu việt, vốn được khẳng định rất rõ ràng trong khổ thơ đầu tiên và dường như con người phải được nới lỏng khỏi trần thế để rồi bất chợt được dẫn đến một sự hiệp thông huynh đệ và diệu kỳ với mọi thọ tạo. Tiếng kêu thấu tận tầng trời cao nhất ở đây băng xuyên qua sự hiệp thông này. Đó là điểm đầu tiên mà chúng ta cố gắng đưa ra ánh sáng.
Điểm thứ hai cũng cần được lưu ý. Hiệp thông huynh đệ với các thọ tạo cùng sự tán dương nồng nhiệt, hiệp thông ấy diễn đạt cũng là ngôn ngữ của con người mở ra với tất cả hữu thể của mình. Con người không thể có một tương quan huynh đệ đích thực và mật thiết với các yếu tố trong vũ trụ nếu không hoà quyện chính mình với tất cả những gì mà các yếu tố này biểu trưng, nghĩa là, tìm về những dấu tích từ nội tâm của mình, với tất cả những sức mạnh đen tối bao gồm hữu thể ban đầu của nó.
Trong Bài Ca Mặt Trời, Phanxicô khám phá ý nghĩa chói lọi của thọ tạo nhưng ngài khám phá bằng cách bắt đầu từ một trải nghiệm bên trong vốn là một cuộc khởi nguyên mới, một cuộc sáng tạo mới. “Dường như ngài là một con người mới, một con người của thời đại đang đến”, người viết tiểu sử đầu tiên của ngài nói về ngài như thế 1. Chính trong việc trở thành con người mới này mà Phanxicô nhận biết ý nghĩa của thọ tạo. Bài ca của ngài không chỉ là sự tri ân đầy xúc động với Tạo Hoá, nhưng còn thực hiện một sự biến đổi bên trong. Ngài ca khen cuộc sáng tạo mới nơi chính tâm hồn con người.
Phanxicô Assisi không viết những luận đề uyên bác, nhưng khi muốn nói cho chúng ta nhãn quan của mình về vạn vật, thì người anh em của những người hát rong này bắt đầu hát. Ngài hát về mọi thọ tạo và trong bài hát của mình, ngài cho chúng ta thấu hiểu những chiều kích sâu xa của tâm hồn, trong đó, những năng lực căn bản của đời sống đã phục hồi tính trong suốt ban đầu cùng sự chói ngời của mặt trời loé sáng.
Nguyên tác: The Song of The Dawn
Tác giả: Eloi Leclerc
Người dịch: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)
Nihil Obstat:
Mark P. Hegener, O.F.M.
Censor Deputatus
Imprimatur:
Msgr. Richard A. Rosemeyer, J.C.D.
Vicar General, Archdiocese of Chicago