Ở đây, kinh nghiệm nội tâm nào đang trên đường tiến đến ánh sáng ban ngày? Những biểu tượng vũ trụ lớn lao đặt con người trong tương quan với các năng lực khó hiểu và hấp dẫn của hữu thể con người. Nhưng điều gì xảy ra một khi cuộc tiếp xúc này được thực hiện? Tiếp xúc với các chiều kích của mình thì không đủ để được cứu. Nhiều người đi vào cái hang âm u với hy vọng tìm thấy kho báu quý giá chiếu sáng ở đó và đã bị con rồng ngốn. Con đường dẫn đến các chiều kích sâu xa thì luôn là con đường nguy hiểm. Đó là lý do tại sao con người “có lý” sợ nó và tránh nó. Nhưng đây cũng là con đường của sự sống và tiến bộ. Nó dẫn đến một vực thẳm hay một đỉnh cao. “Theo lối dẫn vào”, Teilhard de Chardin viết, “một cơn gió lốc mang người ta vào những chiều kích tối tăm hay nâng người ta lên tận trời xanh”.
Chúng ta nên đặc biệt chú ý đến cách thức trong đó, những yếu tố vũ trụ được nhìn ngắm và cảm nhận với thánh Phanxicô. Những hình ảnh lớn, vừa truyền kiếp vừa hấp dẫn và đáng sợ, như “Chúa Mặt Trời” hay “Mẹ Trái Đất của chúng ta” trình bày một gương mặt huynh đệ trong bài ca này. Con người trở nên anh em với chúng theo cách này mà không cảm thấy bị chúng thống trị; người đó không bị nghiền nát bởi những sức mạnh đen tối mà chúng biểu hiện và biểu trưng. Không nỗi đau nào phản chiếu cái bóng của nó ở đây, cũng không một dấu vết của sự thù hằn nào xuất hiện. Các yếu tố vũ trụ được lột bỏ khỏi những tính cách huỷ hoại của mình. Sự thanh bình và ánh sáng ngự trị từ đầu này đến đầu kia của bài ca. Mỗi yếu tố vũ trụ chìm đắm trong bầu khí bình yên. Sự thanh bình quá lớn lao đến nỗi người ta có thể dễ dàng nhầm lẫn và bỏ quên chiều sâu của bài ca, chỉ thấy sự biểu hiện của một nhãn quan bộc trực và ngây thơ về thế giới.
Sự khám phá đầu tiên dẫn chúng ta đến chỗ nghĩ rằng kinh nghiệm sâu sắc, vốn ở đây theo mặt ngôn ngữ, là một kinh nghiệm về sự hoà giải. Sự thanh bình lớn lao mà chúng ta không nên quên, đi đến cuối đời, là dấu chỉ của một sự bình thản nội tâm, một sự chấp nhận bản ngã sâu xa, một sự hoà giải giữa phần cao nhất của con người và các năng lực trực giác và xúc cảm vốn hoạt động cách mờ ám trong con người. Ở đây, các năng lực ước muốn đầu tiên, những năng lực sống chết lớn lao đó đã mất đi khía cạnh gây rắc rối và đe doạ. Phanxicô không còn gì để sợ các năng lực hoang dại này nữa. Ngài không huỷ hoại chúng, ngài thuần hoá chúng như thuần hoá con sói của Gubbio. Con sói này không phải là biểu tượng của sự thù hằn vốn có thể huỷ diệt chúng ta nhưng cũng có thể trở thành một năng lực yêu thương chúng ta sao? Đối với Phanxicô, năng lưc đầu tiên này đã trở nên thân thiện; nó được tháp nhập vào động cơ thôi thúc toàn hữu thể ngài hướng về Đấng Tối Cao. Không phải chính năng lực này được ca hát theo hình ảnh của Anh Lửa, “đẹp, vui tươi, không thể khuất phục và mạnh mẽ”; và về Anh Gió, người tiếp thêm sức mạnh bằng hơi thở mạnh mẽ của mình sao? Vì thế, ngôn ngữ của Bài Ca Thọ Tạo là ngôn ngữ của “thi ca” về sự giao hòa của con người và “nhân chủng học” bên trong của mình”.
Nhưng chúng ta không thể tiến xa hơn trong việc khám phá kinh nghiệm này. Dĩ nhiên, còn có một điều thứ hai hướng sự chú ý của chúng ta đến với bài ca. Phanxicô không chỉ ca tụng thọ tạo vốn biểu hiện sức mạnh và sự dồi dào như mặt trời, gió và lửa; ngài cũng hát về những gì vốn dẫn ngài đến chỗ mơ về một cuộc sống vừa bí mật vừa phong phú như là nước và đất. Bài ca của ngài được tạo nên bởi một loạt các hình ảnh giống đực giống cái khác nhau. Hai khía cạnh của tâm hồn con người, animus và anima ở đây chuyển động tay trong tay như người anh và người chị. Yếu tố sức mạnh và hành động được mơ về tương ứng với yếu tố gần gũi và sâu sắc. Vì thế, bên cạnh “Anh Mặt Trời Quý Tộc”, kẻ toả sáng trong sự huy hoàng vĩ đại với niềm vui bao la là một loạt những nữ nhi rực rỡ ban đêm, “rạng ngời, quý giá và xinh đẹp”. Tương tự như thế, cùng với Anh Gió, kẻ giương cánh thổi tự do, là Chị Nước “khiêm tốn, quý báu và trinh trong”. Cùng lúc, Phanxicô kết thân với sức mạnh vũ trụ của cái thứ nhất với cuộc sống bí mật cùng chiều sâu tiếp nhận của cái thứ hai. Sau hết, cùng với Anh Lửa, diễn viên tung hứng vui tính và lực lưỡng là Chị Mẹ Trái Đất, người cưu mang và dưỡng nuôi chúng ta, Phanxicô liên kết sức sống mạnh mẽ của lửa và sự kiên nhẫn phong nhiêu của đất tổ trong một và cùng một tình yêu huynh đệ.
Sự thay đổi này làm cho một tâm hồn mở ra với mọi sức mạnh của nó: không chỉ với các sức mạnh hành động và chinh phục theo lý trí mà còn với các sức mạnh trực giác và xúc cảm của sự đón nhận và hiệp thông. Ở đây người ca ngợi về các thọ tạo không phải là những con người bị đồng hóa với logos (lời) thuần lý và khả năng thống trị của mình; nó không hài lòng để rồi chỉ lo tổ chức các sự vật, hay để làm những công việc “hữu ích”, đóng ấn của mình trên thế giới theo tiêu chuẩn hiệu quả nào đó. Nó cũng là một người cẩn thận không để mất liên lạc với một thế giới thâm sâu hơn: một thế giới của những giá trị nội tâm vốn không thuộc về lãnh địa việc làm mà là của hiện hữu. Tóm lại, con người mở ra với bí mật của hữu thể và sự nhưng không của nó.
Bài Ca Thọ Tạo ngày càng tỏ ra cho chúng ta như ngôn ngữ của một con người được giao hoà với toàn thể cảm xúc của mình, một người được sinh ra với một cá tính mới và toàn vẹn.
Một sự quan sát thứ ba sẽ dẫn chúng ta đến chính trung tâm của cá tính mới mẻ này. Trong Bài Ca Mặt Trời, người ta không thể tách sự hiệp thông với thọ tạo ra khỏi chiều kích hướng về Đấng Tối Cao. Bằng cách kết thân với thọ tạo, với tất cả những gì chúng biểu trưng cũng như những năng lực vô thức của chúng, Phanxicô mở lòng mình ra trước hơi thở nguyên sơ của hữu thể và sự sống: với chính tình yêu sáng tạo. Nghĩa là ngài chắc chắn đạt tới Thiên Chúa với tất cả tâm hồn, cả những năng lực u ám của cuộc sống và những khát vọng. Đời sống thiêng liêng của Phanxicô được xây dựng bằng những năng lực này. Bằng chứ không phải dựa trên hay cùng hoặc bên trên. Mọi cái sóng đôi đều bị bỏ qua. Sự xung đột giữa đời sống và tinh thần kết thúc. Các năng lực sống tham gia vào vận mệnh cao nhất của con người. Chính chúng hát ca trong ánh sáng của Anh Mặt Trời, trong sự rạng ngời của Chị Mặt Trăng và các Ngôi Sao, trong sự trong suốt của Chị Nước, trong sức nóng của Anh Lửa. Chúng không còn tối tăm, hoàn toàn không.
Chúng ta đang đứng trước sự hiện diện của một trường hợp khá hiếm hoi trong việc thiêng liêng hóa đời sống và sống động hoá tinh thần. Ở đây không còn đời sống thiêng liêng về mặt này hay đời sống hoàn toàn tự nhiên về mặt kia nữa. Một mặt, không có tinh thần với những khát vọng thanh cao của nó; mặt kia, một đời sống bí mật, với những ước muốn và thôi thúc ẩn giấu của nó. Toàn bộ điều này cuối cùng được thống nhất. Chắc chắn chúng ta không gạt bỏ cuộc đấu tranh nghiêm trọng và đôi lúc bất nhân mà Phanxicô tiến hành chống lại bản thân mình, chống lại điều mà ngài quen đề cập đến như “Anh Lừa” và từ đó ngài được ơn xin được thứ tha ở cuối đời. Nhưng có một điều gì đó cần chú ý ở đây: chủ nghĩa khắc kỷ nghiêm ngặt nhất không thay đổi những năng lực ban đầu của sự hiệp thông với đời sống trong Phanxicô. Khả năng kỳ thú, trìu mến và thi ca của ngài vẫn còn nguyên vẹn. Không gì làm cho cá tính sống động của ngài bị dập tắt. Một đôi khi, một sự phát triển thiêng liêng cao độ và sai lệch nào đó lại trở nên sự nghi ngờ hay thù hằn đối với bất cứ điều gì nối kết con người với thiên nhiên: đối với năng lực xúc cảm và trực giác của con người. Điều này không xảy ra với Phanxicô. Một cách đúng đắn, Louis Lavelle viết, “Có lẽ chưa bao giờ có một sự ý thức cởi mở hơn ý thức của thánh Phanxicô, một sự nhạy bén tức thời hơn, tinh tế hơn, dễ bị rung động hơn bởi tất cả những cú đụng chạm mà ngài nhận từ thiên nhiên, từ người khác và từ Thiên Chúa”.
Sự tinh tế sâu sắc nơi cá tính của Phanxicô phát xuất từ sự kiện rằng, nó hoà giải theo một cách thức cụ thể và sống động, những điều vốn rõ ràng không thể hoà giải được. Nó tái hợp sự tinh tuyền của tinh thần và tính thơ mộng của cuộc sống, tình yêu thập giá và sự ca ngợi mặt trời, sự đồng hoá với Đức Kitô chịu đóng đanh và sự hiệp thông cảm xúc với thiên nhiên. Bài ca của ngài là bài ca của một người trong đó, đêm đen và đau khổ của nó được biến thành ánh sáng.
Một giai đoạn trong đời Phanxicô có thể minh hoạ sự biến đổi con người theo một cách thức biểu trưng. Sự kiện xảy ra vào buổi đầu ở huynh đoàn Phan Sinh khi Phanxicô vắng mặt và các anh em trong cộng đoàn bé nhỏ tự xoay sở. “Hãy xem, khoảng nửa đêm, khi một vài anh em đang nghỉ và một số khác đang sốt sắng thinh lặng cầu nguyện, thì một xe ngựa bằng lửa bừng bừng đi qua cửa lớn mà vào nhà, một quả cầu lửa khổng lồ ở trên nó, y hệt mặt trời và chiếu sáng đêm đen. Những người canh thức bị loá mắt, những người ngủ ngon thức dậy và run sợ; họ cảm thấy tâm hồn bừng sáng không thua gì thân thể. Tụ lại với nhau, họ bắt đầu hỏi nhau đó là gì; nhưng nhờ sức mạnh và ân sủng của ánh sáng lớn đó mà ý thức mỗi người được tỏ ra cho người khác. Cuối cùng, họ hiểu và biết rằng đó là linh hồn của cha thánh mình đang toả chiếu rạng ngời”.1
Các anh em không ngần ngại nhận đây là linh hồn của Phanxicô trong chiếc xe lửa. Hình ảnh chiếc xe mặt trời là một trong những hình ảnh căn bản nhất mà ý nghĩa của nó liên quan đến ơn gọi của con người trong những sứ vụ quan trọng. Chiếc xe ngựa, con ngựa mang mặt trời được vẽ ra, biểu trưng sự trọn vẹn trong đó, bản chất thú vật và những năng lực man dại của nó được thấy là đang liên kết với sự chói ngời và thần thiêng. Hình ảnh này là biểu tượng của sự giao hoà tinh thần và đời sống, của số mệnh thần thiêng của chúng ta và “khảo cổ học” nội tâm của mình. Vậy chúng ta không nên ngạc nhiên nếu hình ảnh này thường được liên kết với một cuộc thăng thiên: người anh hùng, được biến đổi thành mặt trời, được mang trong không khí trên chiếc xe ngựa bốc lửa. Nó là hình ảnh của Êlia trong Thánh Kinh, nó cũng là hình ảnh của Phanxicô trong bức tranh mà Giotto cống hiến trong thời của ông.
Không gì tốt hơn có thể minh hoạ kinh nghiệm sâu sắc của sự hoà giải được diễn tả trong Bài Ca Thọ Tạo hơn khoảnh khắc nhá nhem và ánh mặt trời lúc nửa đêm kỳ diệu này.