Chuyện xảy ra cuối mùa hè 1226. Ánh sáng mặt trời dịu nhẹ hơn, ít chói chang hơn, nho ngã sang màu vàng, mùi thơm quả mọng thoảng khắp vườn… một bác sĩ từ Arrezzo đã đến thăm Phanxicô vì căn bệnh của ngài trở nên trầm trọng hơn.
“Bác nghĩ gì về căn bệnh của tôi?”. Phanxicô hỏi.
“Hỡi người anh em”, bác sĩ đáp, “mọi chuyện sẽ ổn thôi”.
“Hãy nói thật với tôi”, Phanxicô cố nài, “bác sĩ nghĩ gì? Đừng sợ nói cho tôi hay”.
“Hỡi người anh em, tôi sẽ thẳng thắng với anh vì anh đã hỏi: căn bệnh của anh không thể chữa được bằng tri thức y học hiện giờ của chúng ta. Tôi nghĩ anh sẽ chết sớm, có lẽ vào cuối tháng chín hay đầu tháng mười”.
Đang nằm trên giường, nghe thế, Phanxicô, duỗi tay ra và hô lên: “Xin chào, Chị Chết của em!”... và dù đau đớn hơn bình thường, dường như ngài vẫn được thẩm thấu bởi một niềm vui mới. Rồi ngài nói, “Nếu việc tôi chết sớm làm vui lòng Chúa thì hãy gọi Anh Angelo và Anh Leo đến với tôi để họ có thể hát về Chị Chết của tôi”.1
Hai anh em đến, dĩ nhiên, họ kìm nén nỗi buồn, hát Bài Ca Thọ Tạo. Sau đó, Phanxicô thêm vào đoạn thơ sau:
Lạy Chúa, Ngài thật đáng tán dương bởi chị Chết nơi thân xác con;
từ chị, không phàm nhân sống nào có thể trốn thoát.
Đáng nguyền rủa cho những ai chết trong tội nguy tử!
hạnh phúc thay những ai chị sẽ tìm thấy trong thánh ý của ngài
vì cái chết thứ hai không tác hại họ.2
Chúng ta nên cẩn thận để khỏi tách đoạn thơ này ra khỏi Bài Ca Anh Mặt Trời. Nó sẽ mất ý nghĩa. Mặt trời và cái chết: Phanxicô xem cả hai với một cái nhìn thân thiện như nhau và liên kết chúng trong cùng một lời ca ngợi. Điều quan trọng không phải ngài hát về Chị Chết nhưng ngài hát về chị đồng thời hát về Anh Mặt Trời. Thật sự khó khăn và khá hiếm hoi để trở nên thân thiết với mặt trời và với cái chết cùng lúc. Làm sao người yêu mặt trời có thể đối diện với cái chết mà không chút sợ hãi đang khi lẽ ra người chọn cái chết phải nguyền rủa mặt trời vì không còn tin vào cuộc sống nữa. Phanxicô hát về cái chết như một người chị; khi làm thế, ngài tiếp tục ca ngợi sự huy hoàng của vũ trụ với cùng một lòng nhiệt thành không hơn không kém. Bởi lẽ, ngài tin vào giá trị của con người và giá trị của sự sống ngay cả trong cái chết mà ngài có thể thấy một điều gì đó chiếu sáng đằng sau cánh cửa âm u. Về phía đó, cũng là ánh sáng. Ánh sáng đó cũng là một dấu hiệu cho ngài trong sự huy hoàng của mặt trời.
Ánh sáng này không chiếu cho mọi người. Phanxicô nhận ra điều này, “Đáng nguyền rủa thay những kẻ chết trong tội phải chết”. Những lời này có vẻ thực sự ảm đạm trong bài ca về ánh sáng, nhưng chúng cho thấy sự hấp dẫn của kinh nghiệm mà bài ca biểu lộ.
Phanxicô đã có một khoảng thời gian nào đó để suy gẫm về cái chết. Trong Thủ bản của ngài, chúng ta tìm gặp được một trang lâm ly, ở đó, ngài gợi lên cái chết cay đắng của một con người; cách nào đó, ngài đồng nhất hoá chính bản thân họ với một gia sản không thể từ bỏ. Hơn thế nữa, đối với những tài sản chiếm đoạt cách bất chính. Vượt quá những giằng co này, Phanxicô khái quát hoá và hình dung hoàn cảnh của một con người khi họ đối mặt với cái chết. “Mọi tài cáng và khả năng, mọi tri thức và khôn ngoan mà người ta nghĩ là của mình đều bị lấy đi hết”.3 Không tài sản nào có thể chống lại sự huỷ hoại của cái chết. Trong mắt của một người mà đối với người đó, hiện hữu là sở hữu, thì cái chết thật đáng sợ và tuyệt vọng vì nó lấy đi khỏi người đó mọi sự. Sự tước đoạt đó có thể là một sự huỷ diệt.
Suy cho cùng, tội tầy đình luôn luôn là tội chiếm hữu bản ngã và chiếm hữu thế gian với bất cứ giá nào. Sự chiếm hữu đó ngăn cản con người, một hữu thể vô biên từ khi được sinh ra và loại trừ nó khỏi cuộc sống vốn nhất thiết là một quà tặng. Đây là cái chết thứ hai. Nhưng đối với người đã từ bỏ thái độ chiếm hữu đối với của cải và với chính mình, thì sự chết xảy đến một cách khác biệt. Nó không còn là kẻ thù, thậm chí nó không còn là sự huỷ diệt nữa. Nó xuất hiện như một bước quyết định trong hành trình dài tiến đến hiện hữu. Sự chết là hành động tột cùng của sự từ bỏ chính mình vốn giao phó chúng ta hoàn toàn cho sự huy hoàng của hữu thể và sự sống.
Đây là cách Phanxicô nhìn cái chết của mình. Ngài không hứng chịu nó, ngài chào đón nó, tháp nhập nó vào trong đời sống của mình. Ngài cho nó là một sự lồng ghép sâu xa hơn vào trong mầu nhiệm của Đức Kitô: “Đừng giữ gì cho chính mình để Đấng đã phó dâng tất cả vì anh em có thể đón nhận con người toàn vẹn của anh em”.4 Lời khuyên này, lời khuyên ngài dành cho các anh em mình, Phanxicô đã sống trọn vẹn khi đương đầu với cái chết. Theo gương Chúa và Thầy mình, ngài biến sự chết thành một biểu hiện của tình yêu trọn vẹn và một sự tin tưởng tuyệt đối. Và đó là lý do tại sao ngài ca ngợi nó như một người chị, mà dưới cái nhìn của nhân vật đó, ngài thấy mọi thứ sáng rực. Ánh sáng này là bí mật tối hậu của cuộc đời. Đó là ánh sáng của agape.
Thomas Celano đã thuật lại những ngày cuối cùng và những thời khắc sau hết của thánh Phanxicô cho chúng ta. Các anh em khóc không ai an ủi được. Vào thời điểm đó, Phanxicô xin bánh, chúc lành bánh và trao cho mỗi người trong họ một miếng; rồi ngài nhờ mang đến cho mình cuốn Tin Mừng và yêu cầu họ đọc đoạn của thánh Gioan, “Vào đêm Lễ Vượt Qua, Đức Giêsu, biết giờ mình rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha đã đến…” Vì thế, ngài tưởng niệm Bữa Ăn Cuối Cùng mà Đức Giêsu đã tổ chức với các tông đồ.5 Đây là một trong những hành động cuối cùng của Phanxicô. Rõ ràng, ngài cho thấy trong đó ý nghĩa ngài muốn mặc cho cái chết của mình: đó là một sự hiệp thông chứ không phải chia cắt.
“Để hoàn toàn giống Đức Kitô chịu đóng đinh bị treo trên thập giá, nghèo khổ, trần trụi và đớn đau”,6 ngài muốn để trần trụi trên đất trụi trần vào những khoảnh khắc cuối cùng của mình. Khát vọng bị tước bỏ tất cả và hiệp thông khiêm tốn với đất diễn tả xu hướng của cả cuộc đời. “Giờ cuối cùng đã đến khi mọi mầu nhiệm của Đức Kitô đã được thực hiện trong ngài, linh hồn ngài quyện bay trong niềm vui của Thiên Chúa”.7 Đêm mùng ba tháng mười. Trên Portiuncula, nơi thân xác Phanxicô nằm, đàn chim chiền chiện hát ca trong ánh sáng của hoàng hôn.
Francois Mauriac, viết về người mẹ hấp hối của mình, có lần nói, “Ngọt ngào thay khi nhìn thấy ánh sáng! Chính trong ánh mắt thánh thiện của ngày mà Antigone không thể chịu được chào đón sự chia lìa… Đồng thời, người mẹ hấp hối của tôi, nhìn trời chiều tháng sáu qua khung cửa sổ, thốt lên tiếng kêu như Antigone, “Chính ánh sáng này mà tôi nhớ, những cây này…”, mẹ thở dài”. Phanxicô Assisi không nói gì. Ngài không cảm thấy mình đang rời bỏ hay đánh mất gì. Chắc chắn trong một thời gian dài, đôi mắt đau đớn của ngài đã không cho phép ngài thưởng thức ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, ngài không bao giờ nói lời từ biệt nó. Đối với ngài, nó không còn là một cái nhìn bên ngoài nhưng đã trở thành một sự hiện diện bên trong. Ánh sáng của mặt trời rung động bên trong ngài; từ đó, nó là một phần của hữu thể ngài. Như Violaine trong L”Annonce faite à Marie, Phanxicô có thể thực sự nói:
“Tôi đã mất đôi mắt.
Chỉ linh hồn tôi nán lại trong thân xác đang chết này”.
“Mù lòa!
Vậy làm sao anh có thể đi thẳng như thế?”.
“Tôi nghe”.
“Anh nghe điều gì?”
“Những thứ sống trong tôi”.