Trở nên bằng hữu với thọ tạo có nghĩa là sẵn sàng đặt mình ngang hàng với chúng và tái khám phá những tương quan với chúng. Điều này không thể thực hiện đơn thuần với sức mạnh ý chí. Chỉ khi nào ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu, lúc đó con người mới có thể thoát ra khỏi sự cô lập huy hoàng của mình. Chính việc ngân nga thơ ca giải thoát con người khỏi tính tự mãn và đặt nó lại trong cuộc đời.
Phanxicô Assisi là con người của điều kỳ diệu. Ngài sở hữu một khả năng kinh ngạc khác thường. Đối với ngài, sự vật không đơn thuần là một cái cớ để ca tụng Chúa. Ngài thấy chúng đẹp, rất đẹp. Vẻ đẹp này cuốn hút ngài. Tính từ “đẹp” xuất hiện ba lần trong bài ca. Đáng chú ý, mỗi lần nó được quy về một yếu tố: mặt trời, các ngôi sao và lửa. Ánh sáng có khả năng chiếu toả một sự hứng khởi trong tâm hồn ngài. Thomas Celano viết, “Chiêm ngắm mặt trời, mặt trăng, bầu trời và tất cả các ngôi sao, Phanxicô cảm nhận một niềm vui không thể tàn lụi trào dâng trong tâm hồn mình”.1 Nhưng sự kỳ thú của ngài vươn đến mọi thọ tạo, “Toàn bộ linh hồn của ngài rộng mở biết bao khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự vật. Phanxicô không còn thuộc về chính mình nữa. Ở giữa các thọ tạo là một sự huy hoàng đích thực đối với ngài”. “Chúng tôi, những người sống với ngài”, những người bạn đầu tiên của ngài viết, “đã thấy ngài mừng rỡ bên trong và bên ngoài trước mọi thọ tạo, đến nỗi khi chạm chúng hoặc thấy chúng, tinh thần ngài dường như không ở trên đất, nhưng trên trời”.
Chúng tôi muốn phân tích khả năng kỳ diệu của Phanxicô và xem nó trở thành một phần kinh nghiệm tu trì của ngài về thế giới thế này.
Chúng tôi đã chỉ ra những món quà tự nhiên của sự cảm thông và nhân hậu ở tận gốc rễ của tình yêu huynh đệ mà Phanxicô dành cho thọ tạo. Tương tự, trên nền tảng của khả năng kỳ thú của mình là sự nhạy bén của người nghệ sĩ và nhà thơ. Từ thời thanh niên, Phanxicô đã nhạy bén trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Đáng chú ý là lần đầu tiên khi đi ra ngoài, tiếp đến là ngã bệnh trên đường trở về từ việc bị bắt ở Perugia, ngài đi ra ngoài để chiêm ngắm vùng quê xung quanh: ngài muốn tìm lại sự say mê ánh sáng, màu sắc và đường nét. Tuy nhiên, lần này, Phanxicô không tìm thấy sự cuốn hút nào. Dẫu vậy, sự thất vọng của ngài vẫn chấp nhận một tình bằng hữu đã được thiết lập.
Sự nhạy bén trước vẻ đẹp của thế giới đã đào sâu và lớn lên nhờ kinh nghiệm, nhưng nó luôn phô bày một tính cách vốn hiện diện từ sự khơi dậy đầu tiên của nó: một sự bộc trực thực sự trước các sự vật. Cái nhìn kỳ thú của Phanxicô là một cái nhìn ngây thơ. Ngài bỏ qua những gì là thần thoại mà người xưa dùng để giải thích những yếu tố thiên nhiên, ngài cũng bỏ qua những phúng dụ uyên bác của các giáo sĩ. Cái nhìn của ngài hướng đến chính sự vật, trong thực tại tức thời và có thể chạm đến của nó. Những vì sao và bông hoa mà Phanxicô chiêm ngắm là sao và hoa thật. Sao và hoa được lột bỏ chiếc áo thần thoại và khôi phục sự chân thật tự nhiên và tươi mát ban đầu của chúng. Sao và hoa đáng được chiêm ngắm vì chúng. Vì như vậy, thế giới sẽ có thể phục hồi những giá trị trong chính nó.
Ngoài ra, tất cả những điều mà Phanxicô ca ngợi thì ngài biết theo một cách thức rất trực tiếp và thực tế. Chúng là bạn đồng hành không trau chuốt của đời ngài như một người nghèo. Từ đó, Phanxicô bắt đầu tu sửa những ngôi nhà thờ nhỏ trong vùng quê Assisi sau khi ngài cải tâm, ngài sống thanh bần với đá, nước, mặt trời và gió. Khi ngài đi trên các con đường ở Ý trong mọi thời tiết hay khi tỉnh tâm trên núi để sống trong khổ hạnh buồn tẻ, ngài tiếp xúc vĩnh viễn với thực tại không được chế ngự của sự vật. Chính thực tại thực sự đơn giản và không trau chuốt này đã quăng ngài vào sự kỳ thú. Trong Fioretti có một chuyện minh hoạ trọn hảo điều này. Anh Phanxicô và Masseo đi khất thực trong một ngôi làng. Sau đó, họ tìm một nơi thanh vắng để ăn, nơi có con suối đẹp và kế nó là một tảng đá to duyên dáng có hình cái bàn. Họ đặt những mẫu bánh của mình trên tảng đá. Rồi Phanxicô, nhìn vào con suối, cái bàn bằng đá, bánh, và hô lên, “Hỡi anh Masseo, chúng ta không đáng nhận một kho báu như thế này!”. Sau khi nghe Phanxicô lặp lại lời này vài lần, thầy Masseo không thể cầm mình, “Thưa Cha, tại sao cha nói về kho báu ở một nơi khó khăn và thiếu thốn như thế này? Không khăn, không dao, thớt, bát, nhà, bàn…”. Phanxicô trả lời: “Đó đúng là điều mà tôi thấy như một kho báu lớn - không có điều gì ở đây được chuẩn bị bởi lao công con người. Mọi thứ là quà tặng của Thiên Chúa: bánh ăn xin được, bàn đá đẹp và nước suối trong”.2
Vẻ đẹp của vạn vật, như Phanxicô khám phá, không phải là một sắp xếp bên ngoài, một vẻ đẹp gây hiếu kỳ hay đơn thuần là một sự trang trí. Sự vật ở đó dưới cái nhìn của Phanxicô thì trần trụi nguyên sơ, như một cuộc thần hiện của hữu thể. Vẻ đẹp chính là sự huy hoàng bí mật được phát sáng bởi chính sự vật. Nó thật kỳ diệu như chính sự sống.
Tính thẩm mỹ của sự nghèo khó và khiêm hạ này tháp nhập chân lý của thọ tạo. Sự vật mà Phanxicô ca ngợi trong bài ca của mình được tô điểm bởi một sự đơn sơ gây bối rối. Không sự can thiệp nhân tạo nào khiến chúng phải biến dạng. Nhưng tất cả đều toả sáng. Chúng chiếu toả nhờ sức mạnh sự đơn sơ của chúng. Cái khiêm tốn nhất cũng như cái vĩ đại nhất. Chị Nước, rất gần gũi với đất, toả rạng như sao trên bầu trời. Mầu nhiệm này chính là ánh sáng: đây là điều mà bài ca công bố.
Chỉ một tâm hồn không còn gì để mất và trong suốt mới có được sự tinh tuyền vốn cho phép nó nhìn thấy sự huy hoàng này và nhận ra trong đó nét quyến rũ và biểu tượng vẻ đẹp vô hình của Tạo Hoá. “Phanxicô”, Thomas Celano viết, “biết cách chiêm ngắm Đấng Toàn Mỹ trong một sự vật đẹp”.3 Trong dòng nước lũ, Phanxicô nhìn thấy tận suối nguồn.
Chúng ta không thể tách rời cái nhìn kỳ thú của Phanxicô với đời sống nội tâm sâu sắc của ngài. Như những người hát rong vào thời đó, những người mà ngài sánh ví với chính mình, Phanxicô ca ngợi thiên nhiên bằng ngôn ngữ của tình yêu đang nung nấu tâm can ngài. Bài ca vũ trụ của ngài liên kết chặt chẽ với việc chiêm ngắm Đức Kitô. “Rất thường trong một chuyến đi, ngài suy gẫm và hát về Đức Giêsu”, Celano viết, “nên ngài quên cả những mệt nhọc khi rảo bước qua các nẻo đường và mời gọi mọi yếu tố sông nước cùng ca tụng Đức Giêsu với ngài”.4 Chúng ta không thể gợi lên quá nhiều sự chú ý đến sự kiện rằng, người hát Bài Ca Mặt Trời là người bị bêu xấu của xứ Alverna, người mang trong mình hình ảnh bốc cháy của một tình yêu nhập thể.
Mở đầu những bài hát của những người hát rong luôn luôn có hình ảnh của một tiết xuân bắt đầu nở hoa. Mùa xuân lộng lẫy những khóm hoa trong vườn cây ăn trái và tràn ngập tiếng chim, là hình ảnh tâm hồn của nhà thơ. Ông yêu và tâm hồn ông được biến đổi bởi tình yêu đó. Sự biến đổi sâu sắc này mang ông đến chỗ thấy những điều mới lạ; ngang qua điều kỳ thú, nó làm cho ông tham gia vào sự biến đổi của thế giới.
Điều mà tình yêu nhân loại tác động nơi những người hát rong thì nơi Phanxicô, chính tình yêu Thiên Chúa đã làm điều đó, nhưng chân thật và sâu sắc hơn nhiều. Thế giới chói lọi và thân thiện được chiêm ngắm và tán dương, Phanxicô khám phá bằng cách đi từ những gì ngài trải nghiệm trong chính mình, trong tương quan mật thiết của ngài với Đức Kitô. Đây là kinh nghiệm về một cuộc sáng tạo mới. Tình yêu sáng tạo lớn lao mà Phanxicô mở lòng đón lấy biến ngài thành một con người mới, con người của thế giới tương lai. Cái nhìn kỳ thú mà ngài phóng về phía thế giới là cái nhìn của một người khám phá mọi sự trong ánh sáng phục sinh. Đó là một cái nhìn sáng tạo và tiên tri. Thomas Celano viết với một sự tinh thông sâu sắc, “Vẻ Đẹp vốn là nguồn của mọi sự vốn một ngày kia, sẽ trở nên tất cả trong mọi sự nơi con mắt của thánh nhân”.5 Không phải mọi thọ tạo đã được giao hòa và tái kết huynh đệ trong Đức Kitô phục sinh sao?
Chính trong ánh sáng này mà những cách diễn đạt của bài ca mang lấy mọi ý nghĩa của chúng: Anh Mặt Trời, Chị Mặt Trăng, Anh Gió, Chị Nước, Anh Lửa… Những hình ảnh này, vốn thiết lập một mối quan hệ họ hàng trực tiếp giữa con người và thế giới, được định đoạt để diễn tả thực tại trong sự toàn vẹn và duy nhất của nó. Chúng xoá bỏ mọi ranh giới, khôi phục sự sung mãn của hữu thể vốn vượt xa mọi khái niệm. Những hình ảnh này tạo nên một sự dịch chuyển vượt xa bất kỳ xung đột hay đoạn giao nào ở chính trung tâm hữu thể. Chúng tạo nên sự thống nhất: sự thống nhất của con người và thiên nhiên, của tinh thần và cuộc sống, của tự do và nhu cầu. Chúng hát về một cuộc trở về nguồn của hữu thể, một cuộc trở về với tuổi thơ của thế giới.
Phanxicô không tìm sự hoà hợp này đằng sau mình, trong quá khứ. Đối với ngài, sự hoà hợp này không gợi lại một thiên đường đã mất như nó diễn tả trong chính ý nghĩa của việc nên một trong Đức Kitô. Nhãn quan huynh đệ và kỳ thú của Phanxicô không phải là một nhãn quan nào đó về tình trạng nguyên sơ của thiên nhiên mà chúng ta có thể hoặc trở lại hoặc từ bỏ chính mình nhưng đúng hơn, là nhãn quan về một thế giới hoạt động cho sự giao hòa, trong đó, sự ưu việt của giao hòa vượt trên sự cắt đứt đã được khẳng định nhờ vào công nghiệp của Đức Kitô. Tình huynh đệ vũ trụ của Phanxicô chí ít là một ký ức hoài cổ về sự ngây thơ ban đầu hơn là một hy vọng cháy bỏng về sự tha thứ và đổi mới. Ở đây sự cứu chuộc, với quyền năng phục sinh của nó, chiếu toả sự sáng tạo. Mặt trời ngập tràn trong bài ca của Phanxicô là mặt trời của buổi sáng Phục Sinh. “Hãy vui lên như thể anh đã ở trong vương quốc của Ta rồi”, Đức Giêsu bảo ngài.
Mọi cái nhìn của nhà thơ là một cuộc tìm kiếm đất hứa. Nhưng rất thường, nhà thơ không vào đất hứa, ông thấy nó từ xa, như Môisen. Chỉ qua dự định và theo một cách thức biểu trưng mà bài ca của ngài phục hồi sự thống nhất của thế giới. “Những khu rừng này đáng yêu, đen và sâu. Nhưng tôi có những lời hứa phải giữ, hàng dặm phải đi trước khi tôi ngủ”.6
Nhưng nhà thơ cũng có thể là một con người của niềm tin; ông còn có thể là một vị thánh. Rồi đối với chúng ta, ông giống như một trong những người được sai đi dò thám Đất Hứa trở về với gánh trái cây nặng trĩu rồi nói, “Đó là một vùng đất tuyệt diệu. Hãy nhìn xem; nó rất gần, dưới ánh Sao Hôm”.