Bài ca Anh Mặt Trời bắt đầu với chuỗi ca ngợi. Những lời đầu tiên ngỏ cùng “Đấng Tối Cao”, chấp cánh cho nó bay vút tận thinh không. Lặp lại lần thứ hai trong khổ thơ đầu tiên theo một cách thức tuyệt đối, chúng mạnh mẽ chỉ ra mục tiêu duy nhất của lời tán tụng, hình ảnh Đấng Tối Cao diễn đạt tính siêu việt. Những lời này được lặp lại đến bốn lần, xuyên suốt bài ca. Mọi năng lực ca ngợi của thánh nhân được đổ dồn về nó.
Một sự tuôn trào như thế biến đổi cả một khuynh hướng sống. “Vươn tới Ngài, lạy Đấng Tối Cao”, là lời thề mà Phanxicô trình bày ở cuối Bức Thư gửi một Tu nghị. Cả cuộc đời, ngài hít thở thực tại siêu việt của Thiên Chúa. Thậm chí trên một độ cao thể lý, hữu thể ngài được nhấc lên bởi sự dịch chuyển theo chiều cao của linh hồn. Không lạ gì một đôi khi, chúng ta thấy ngài leo lên các triền núi để thả mình chiêm ngắm Đấng Tuyệt Đối.
Tiếng kêu đến tầng trời cao nhất, lên đến Đấng Tối Cao diễn tả sự chuyển động của sự siêu việt hoá chính mình. Con người không phải là một hữu thể sống co cụm trong chính mình, giam hãm một lần thay cho tất cả trong những giới hạn đặt ra. “Con người”, Pascal viết, “được tạo dựng cho vô biên”. Con người chỉ thực sự tồn tại trong dịch chuyển vốn hướng nó đến sự cao cả vô biên. Chỉ như thế con người mới hít thở không khí nguồn cội của mình: con người khám phá trong chính mình hình ảnh của Thiên Chúa. Con người một khi khát khao Đấng Tối Cao, thì chính sự siêu việt lại chạm đến nó.
Sự thôi thúc này có thể được sống bằng nhiều cách. Người ta có thể sống bằng cách nỗ lực làm chủ bản thân, như việc tìm lại chiều kích sâu xa nhất của chính mình và không gì hơn. Vì thế sự vô biên con người hướng đến được tìm thấy theo cách thức chiếm hữu của Promêthê, như một món hàng mà chúng ta có quyền sở hữu. Trở nên Thiên Chúa mà không có Thiên Chúa là giấc mơ cổ thời của con người là cám dỗ vĩnh viễn từ thuở hồng hoang.
Với Phanxicô, sự thôi thúc hướng đến Đấng Tối Cao được sống theo một cách thức hoàn toàn khác biệt. Điều nêu bật đoạn đầu tiên của bài ca là sự dịch chuyển của sự thất đoạt:
… mọi chúc tụng, ca khen, vinh quang và danh dự,
đều quy về Ngài;
chỉ thuộc về Ngài, lạy Đấng Tối Cao.
Sự thôi thúc hướng về Đấng Tối Cao này được thanh tẩy khỏi mọi động cơ chiếm hữu. Suốt đời mình, Phanxicô không ngừng phản ứng chống lại khát khao chiếm hữu vốn ở trong mỗi người và ngấm ngầm làm hỏng khát vọng Thiên Chúa nơi con người. Đây là ý nghĩa sâu sắc của sự khó nghèo nơi Phanxicô: chúng ta không nên đòi hỏi điều thiện mình làm, thậm chí không đòi hỏi cả cái khát khao sự thiện bên trong, nhưng cần dâng mọi vinh dự cho Đấng là nguồn cội của mọi sự thiện.1
Vào cuối đời, không gì còn đọng lại trong Phanxicô ngoại trừ một khát khao tinh tuyền, đó là khát khao chính Thiên Chúa. Trong bài ca này, lời ca ngợi Đấng Tối Cao hoà quyện với sự khó nghèo nội tâm tột cùng của ngài. Ở đây không có sự quy hướng về mình, không kiêu căng, không quan tâm đến bản tính của cá nhân. Tự yêu, sự quan tâm, sự hối tiếc, tất cả bị cuốn đi. Không có chỗ cho bất cứ điều gì ngoại trừ sự thờ phượng. Phanxicô nhận ra sự cao cả của Thiên Chúa. Niềm vui của ngài bao la để biết rằng chỉ một mình Thiên Chúa là Thiên Chúa.
Nhận ra tính siêu việt của Thiên Chúa là một ưu tiên hàng đầu, nó không khuất phục bất cứ một điều gì; trái lại, nó nên trọn vẹn trong một cảm xúc dâng tràn lòng biết ơn. Nhất thiết đó là lòng tri ân. Lý do là vì Đấng Tối Cao không chỉ là Đấng Toàn Năng, nhưng Ngài còn là “Chúa tốt lành”; chính xác hơn, Ngài là toàn bộ quyền năng của điều lành. Đối với Phanxicô cũng như đối với toàn bộ truyền thống thần nghiệm Kitô giáo, sự thờ phượng không đơn thuần là cúi đầu trước một Đấng Toàn Năng cai trị chúng ta; nhưng sự thờ phượng còn nhận ra rằng, Đấng toàn năng này thì vô cùng tốt lành và thánh thiện, rằng, đó là một ý muốn sự thiện tinh tuyền và tối cao. Con người thờ phượng không chỉ nói “Thiên Chúa là” nhưng còn nói “Ngài đáng là Thiên Chúa, đáng là Đấng Toàn Năng”. Trong Những lời ca ngợi Phanxicô viết và đọc vào mỗi giờ kinh, ngày cũng như đêm, ngài diễn đạt sự thờ phượng của mình với lời vinh tụng ca mượn từ sách Khải Huyền, “Lạy Chúa là Cha của con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh dự, ca ngợi và vinh quang, được tán dương chúc tụng”.
Nietzsche viết, “Chúng ta hãy cố lĩnh hội khái niệm về Thiên Chúa, sự thiện tối cao; nó không xứng đáng với một Thiên Chúa. Chúng ta hãy cố hấp thụ ngay cả khái niệm khôn ngoan; tính hư ảo của các triết gia tưởng tượng sự vô lý này, một Thiên Chúa vốn sẽ là quái vật của sự khôn ngoan… Không! Thiên Chúa là quyền năng siêu việt: thế là đủ!”. Nếu thực tế Thiên Chúa không là gì ngoại trừ là Đấng Toàn Năng, thì chắc chắn chúng ta thực sự phải huỷ hoại chính mình trước mặt Ngài, nhưng chúng ta sẽ không thể dâng Ngài sự ưng thuận tự do của con người chúng ta. “Chúng ta hãy giả thiết nghịch lý một lúc”, Romano Guardini viết, “rằng Thiên Chúa, thực tại vô biên và quyền năng vô hạn, chỉ là một quyền lực mù quáng, tàn bạo và không gì khác; trong trường hợp này, tự thâm tâm, tôi không phải phủ phục trước mặt Ngài. Có thể Ngài sẽ đàn áp cuộc đời tôi; nhưng con người tôi nên từ chối thờ phượng Ngài. Để tôi thờ phượng Ngài, Ngài cần không chỉ toàn năng, nhưng còn đáng được như vậy”.
Đối với Phanxicô Assisi, không có sự do dự nào hơn: Thiên Chúa thực sự đáng là Thiên Chúa. Toàn hữu thể ngài cảm nhận một sự bình thản lớn lao với ý nghĩ duy nhất này. Sự siêu việt mà Phanxicô chiêm ngắm thực sự không phải là một thực tại xa lạ đóng khung trong chính mình. Nó tự biểu lộ cho chúng ta trong mầu nhiệm Nhập Thể, trong nhân tính của Con Thiên Chúa. Sự siêu việt của Thiên Chúa không phải được tìm kiếm ở nơi nào khác; nó không thể bị tách khỏi mầu nhiệm khiêm hạ và yêu thương này. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa thực sự xứng đáng là Thiên Chúa, “Con chiên bị sát tế xứng đáng”, Phanxicô viết, “sức mạnh và thiên tính, khôn ngoan, quyền lực, danh dự và vinh quang, và đáng được ca khen chúc tụng”.2
Sự thờ phượng của Phanxicô không giữ lại điều gì. Nó là một điều kỳ diệu trường cửu. Trong sự khiêm tốn của Con Thiên Chúa, Phanxicô khám phá sự huy hoàng ẩn giấu của Đấng Tối Cao, sự huy hoàng của tình yêu đến với chúng ta, tháp nhập chúng ta ở tận cùng nỗi đau của mỗi người dù chúng ta không có công trạng gì. Cái nhìn “đầy phân vân” về Thiên Chúa giải thoát Phanxicô khỏi chính mình và giao ngài cho sự tán dương.
Nhưng Phanxicô ý thức về những giới hạn trong lời tán dương của mình. Đoạn đầu tiên của bài ca kết thúc bằng câu, “và không ai đáng kêu tên Ngài”. Thiên Chúa không chỉ là Đấng mọi lời ca khen hướng đến, nhưng trên hết, Ngài là sự tán dương. Thậm chí trong ánh sáng mặc khải, con người không thể nghĩ ra ý gì xứng đáng với Ngài. Thiên Chúa luôn Nhiệm Mầu. Dù luôn ở với chúng ta, Ngài vẫn luôn vượt xa chúng ta. Ngài luôn vượt quá mọi ý tưởng mà chúng ta nói về Ngài cho chính mình.
Ý tưởng được diễn đạt trong câu cuối cùng này rõ ràng đã nằm trong Luật Đầu Tiên rồi, “Tất cả chúng ta, bần cùng và tội lỗi, chúng ta không đáng kêu tên ngài”.3 Ở đây, hãy hiểu theo nghĩa Thánh Kinh cho việc xưng danh, vì trong Thánh Kinh, tên diễn tả một ngôi vị hay một điều gì đó trong tiếng gọi sâu sắc của nó. Vì thế, việc gọi tên có nghĩa là nắm lấy hữu thể, chiếm lấy hữu thể bởi tinh thần. Vì thế, trong sách Sáng Thế, sau khi được Thiên Chúa tác thành, con người được mời gọi đặt tên cho mọi động vật và khẳng định trong chính hành động đó sự làm chủ của con người.4 Nhưng khi Jacob hỏi tên của đối phương vô danh, người mà ông đã vật lộn suốt đêm, thì ông nghe người đó nói, “Tại sao ngươi hỏi tên ta?”.5 Và rồi, Jacob được đối phương thừa nhận là “mạnh hơn Thiên Chúa”. Nhưng Thiên Chúa, Đấng để chính mịnh bị khuất phục, vẫn là Thiên Chúa. Ngài ganh tỵ giữ kín mầu nhiệm của mình, chỉ vì Ngài là Thiên Chúa, bởi vì Ngài Duy Nhất. Chung quanh Thiên Chúa, có một vinh quang không dò thấu được.
“Đấng Tối Cao”, Eliade viết, “là một chiều kích con người không thể đạt tới”. Đây là điều Phanxicô nhận ra. Thiên Chúa mà ngài đề xuất ca ngợi trong Bài Ca Thọ Tạo không phải là linh hồn thế giới, cũng không phải là chiều sâu tận cùng của con người. Chính Thiên Chúa được nâng cao vượt trên tất cả, tức là, ngay cả trên tất cả những gì có thể được nghĩ đến. Đó là một Thiên Chúa mà sự đề cao Ngài không thể diễn đạt bởi các thọ tạo.
Chúng ta không thể lướt qua câu cuối cùng của đoạn thơ đầu tiên này; như thế sẽ rất hời hợt. Đó cũng sẽ là sự hiểu lầm chiều kích thực sự vũ trụ tôn giáo của Phanxicô Assisi. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể diễn đạt vũ trụ này vươn lên Đấng Siêu việt ở mức nào. Những lời kinh khác nhau mà Poverello để lại cho chúng ta là một sự tán dương, như đoạn thơ đầu tiên này, về sự siêu việt của Thiên Chúa. Sự tán dương này là phần truyền thống tinh tuyền nhất của những nhà thần nghiệm vĩ đại. Ở đây, chúng ta cần dừng lại bài ca của Gregory of Nazienzen:
Ôi Đấng vượt xa tất cả,
làm sao chúng con có thể gọi Ngài bằng một danh xưng khác…
Ngài là Đấng duy nhất chúng con không thể gọi tên.
Ở cuối đoạn thơ đầu tiên của Bài Ca Anh Mặt Trời chúng ta không khỏi ngạc nhiên thấy bài hát của Phanxicô chìm trong thinh lặng. Cái nhìn của thánh nhân dường như thoát ra khỏi trần thế để đánh mất chính mình hoàn toàn khi hướng về Đấng Tối Cao.