Bài Ca Thọ Tạo trên hết là một sự tuôn trào lời tán dương dâng về Đấng Tối Cao. Nhưng với cái nhìn đầu tiên, sự thôi thúc này xem ra nhấc cao nhiều điều rời xa mặt đất; cách đặc biệt, ở đây, chúng ta thấy một sự hiệp thông huynh đệ giữa các thọ tạo: “Lạy Thiên Chúa của con, mọi thọ tạo tán dương Ngài”. Đây là sự tinh tế của bài ca. Để tán dương Thiên Chúa, Phanxicô không cảm thấy cần làm giảm giá trị những thọ tạo của mình. Không phải qua việc rêu rao tính tầm thường của sự vật và tìm cách tránh né chúng để rồi ngài đến với Thiên Chúa. Đúng ra là điều ngược lại: Ngài dẫn chính mình đến với Đấng Tối Cao bằng cách hiệp thông chính mình với mọi thọ tạo ở mức độ sâu sắc nhất bằng cách suy tư về vạn vật. Lời tán dương Đấng Tối Cao của ngài cũng là lời tán dương của mọi thọ tạo. Tính cách mới mẻ trong thông điệp của Phanxicô Assisi “là sự khẳng định cao nhất vốn được hình thành từ giá trị của con người và cuộc sống như thể chúng ta đã lãnh nhận tất cả từ chính tay Thiên Chúa”, Louis Lavelle viết.
Tính độc đáo này càng nổi trội hơn khi chúng ta nhận ra rằng, một dòng chảy linh đạo mạnh mẽ hướng những con người nhiệt huyết nhất vào thời đó theo một chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Chúng ta biết hậu quả của học thuyết Catharist trong Kitô giáo thời Trung Cổ. Nhân danh một đức tin tinh tuyền, học thuyết này đặt Thiên Chúa và thọ tạo vật chất vào thế đối lập. Thế giới vật chất bị xem là vương quốc của tâm hồn tội lỗi: một lãnh địa của bóng đêm vốn phải bị bỏ lại đằng sau để bước vào ánh sáng của thần khí Thiên Chúa. Phanxicô Assisi tuân theo một sự linh ứng hoàn toàn khác biệt. Ở chính trọng tâm của những thực tại vật chất, ngài khám phá con đường ánh sáng dẫn đến Đấng Tối Cao.
Khi làm vậy, Phanxicô đặt mình vào truyền thống Thánh Kinh, truyền thống của Thánh Vịnh và các ngôn sứ, những người tán dương Thiên Chúa trong các tác phẩm của mình. “Cũng như trước đây”, Thomas Celano viết, “ba chàng trai trẻ trong lò lửa mời mọi yếu tố ca tụng và tán dương Đấng Tạo Thành của vũ trụ; cũng thế, Phanxicô, đầy thần khí Thiên Chúa, không ngừng chúc tụng, khong khen và ca ngợi Tạo Hoá và Chủ muôn loài vì các yếu tố và mọi thọ sinh”.1
Với Phanxicô, bài ca của ngài mang một giọng điệu thực sự mới mẻ và riêng tư cùng với sự linh hứng có tính Thánh Kinh. Ngài hài lòng không chỉ với việc ca khen Thiên Chúa vì thọ tạo của Ngài, nhưng còn trở nên anh em với chúng. Đây là điểm mới mẻ. Điều nổi trội nhất trong toàn bộ bài ca của ngài thực sự là mỗi yếu tố vũ trụ được gọi là anh là chị. Phanxicô không hiểu rõ thế nào là mặt trời, là gió, là nước, lửa, v.v.. nhưng ngài gọi “Anh Mặt trời”, “Anh Gió”, “Chị Nước”, “Anh lửa”. Đối với ngài, đây không phải là một lối nói phúng dụ đơn giản. Trong cuộc sống thường nhật, Phanxicô thực sự cảm nhận một tình huynh đệ với các thụ tạo vật chất nhất. Ở đây, một loại hình nhạy cảm mới mẻ thấy được ánh sáng ban ngày.
Tình huynh đệ vũ trụ đã bén rễ sâu trong Phanxicô. Trước tiên, nó liên kết niềm tin rất sống động của ngài vào vai trò làm cha vũ trụ của Thiên Chúa. Ngài “đã leo lên đến tận Nguồn Cội đầu tiên của mọi sự”, thánh Bonaventure viết, “Phanxicô cảm nhận một tình bạn tuôn trào đối với chúng, và thậm chí gọi những thọ tạo thấp bé nhất là “anh” là “chị” vì ngài biết rằng, ngài và chúng đều phát xuất từ một nguyên lý, một cội nguồn duy nhất”. 2 Cái nhìn thần học - và có thể nói - siêu hình này ở chính trọng tâm của tình bằng hữu vũ trụ của Phanxicô. Yves Congar phát biểu chí lý rằng, “Chính theo nghĩa thần học mạnh nhất của từ ngữ, không chỉ trong chức năng của một bài thơ vui tươi, mà Phanxicô nói về chim chóc, lửa, mặt trời… về chính cái chết như anh chị em của mình”.
Tuy nhiên, trực giác sâu sắc này của ngài không bị giảm thiểu thành một nhãn quan thuần tuý tri thức. Thực ra, trước tiên nó không phải như thế. Sự nhiệt thành và thể thơ trữ tình sáng tạo khó có thể tuôn trào từ một ý tưởng thuần tuý. Tình huynh đệ vũ trụ của Phanxicô không thể tách khỏi một kinh nghiệm cảm thông và sự tham gia đầy cảm xúc với mọi thọ tạo sống động và hiện hữu. Trước tiên ở mức độ này mà nó được cảm nhận. Như một quà tặng đặc biệt mà riêng ngài nhận được, Phanxicô được ơn cảm thông. Thomas Celano và Thánh Bonaventure nhận ra điều này, “Những cảm xúc hoàn toàn tự nhiên của tâm hồn đủ để làm cho Phanxicô trở nên huynh đệ với mọi thọ tạo”.3 Nhận xét này thật quan trọng. Ai không có những tâm tình đầy cảm xúc trong tương quan giữa con người, với sự vật và thọ tạo thì những tuyên bố đẹp nhất của họ về tình bằng hữu sẽ lạc điệu khi rung lên.
Tuy nhiên, sẽ sai lầm khi giảm thiểu kinh nghiệm cảm xúc này là một cảm xúc thuần tuý. Điều chúng ta có ở đây thật sự sâu sắc và mênh mông hơn nhiều. Cảm xúc lay động toàn hữu thể của Phanxicô trước sự hiện diện của thọ tạo nhỏ bé nhất chính là sự nhận thức giá trị. Phanxicô trực tiếp và đánh giá cao giá trị của mọi vật sống và mọi hữu thể như những biểu hiện của tình yêu sáng tạo. Chính ở chiều kích này mà làn sóng dao động giữa ngài và các thọ tạo được thiết lập. Trong sự cảm thông dành cho thọ tạo, ngài rung một nhịp với chúng và mở lòng mình ra để đón lấy hơi thở sự sống và hữu thể ban sơ. Từ đó phát xuất lòng tôn trọng và kính cẩn trước mọi điều hiện hữu. Cũng từ đây, khơi lên cái nhìn thẩm thấu vốn cho phép ngài khám phá sức sống tươi mới ở chính trung tâm của mọi hữu thể. Thomas Celano viết, “Ngài gọi mọi thọ tạo là anh là chị; và theo một cách thức khác thường mà người khác không biết. Nhờ vào sự nhạy bén của tâm hồn, ngài biết cách thẩm thấu vào trong sự mật thiết sâu xa nhất của mỗi thọ tạo”.4
Những gì Bergson nói về một tình yêu huyền nhiệm được xác minh đầy đủ ở đây, “Nó không theo cảm giác hay lý lẽ. Nó rõ ràng là cái này hay cái kia, và thực tế nhiều hơn thế. Vì như mọi cảm nhận khác, chính một tình yêu như thế thì ở tận gốc của cảm giác và lý trí. Trùng hợp với tình yêu Thiên Chúa dành cho thọ tạo của mình, một tình yêu làm nên mọi sự, nó mang cho Ngài bí mật của thọ tạo đó. Nó mang tính siêu hình nhiều hơn là luân lý… Hướng của nó là hướng của một đà sống; chính đà sống này, liên kết khắn khít với một số người được ưu tiên”. Chính trong sự cảm thông với đà sáng tạo này mà Phanxicô trở nên anh em thân thiết với mọi thọ tạo.
Ngày nay, dường như sự hiện diện bằng hữu với thế giới có nguy cơ khó thực hiện. Nhiều người sẽ xem nó như một giấc mơ kỳ lạ. Thái độ của chúng ta trước những thực tại thiên nhiên, thực ra, được đánh dấu bởi sự tuân thủ của mỗi người trước một cảm hứng hoàn toàn khác biệt. Nền văn minh công nghiệp được xây dựng hoàn toàn trên ý tưởng rằng con người là “chủ và là người sở hữu thiên nhiên”; nó dựa trên ý muốn cai trị thiên nhiên. Con người không ngừng gia tăng quyền hạn của mình trên thiên nhiên bằng cách phát minh những phương tiện hành xử ngày càng hoàn hảo và hiệu quả hơn. Đối mặt với một quyền lực như vậy, thiên nhiên không là gì ngoại trừ một đống vật thể phải được thống trị và khai thác, hoặc một kho dự trữ năng lượng phải được xâm chiếm và rút ra hết, con người trong thời đại công nghiệp đã tách mình khỏi thiên nhiên, đã cố ý đặt mình trên thiên nhiên. Giữa con người và thiên nhiên, giờ đây, đã có một nền công nghệ cao vốn không dành chỗ cho bất cứ một sự thông hiệp nào vì chỉ dành cho ý muốn thống trị mà thôi. Được củng cố bởi quyền lực của mình, con người bắt thiên nhiên trong mọi lĩnh vực phải thuần phục một cách đối xử gây sốc thực sự để buộc nó phải sản xuất tối đa.
Nhưng hôm nay, chúng ta khám phá những giới hạn của một thái độ như vậy. Các nhà sinh thái trên toàn thế giới băn khoăn tự hỏi con người sẽ như thế nào nếu nó tiếp tục lao mình xâm chiếm và cướp phá thiên nhiên, con người đang huỷ hoại môi trường tự nhiên của mình. Nước và không khí ngày càng trở nên ô nhiễm, đất hoang phế, các loài cây và động vật đang trên đà tuyệt chủng, một sự cân bằng toàn thể đang bị đảo lộn. Trái lại, ngay khi thiên nhiên bị xem chỉ như một công cụ sản sinh năng lượng, thì nó trở nên một vật cầm cố trong cuộc chiến giữa những con người đi tìm năng nượng. Bằng cách đó, các mối tương quan giữa con người bị xuyên tạc và đảo lộn sâu sắc, vì tất cả chỉ nhắm đến chiếm hữu và quyền lực. Từ chối tình bằng hữu với thiên nhiên thì chắc chắn làm cho mình không thể trở nên anh em với người khác.
Chính vì lý do này mà một thái độ như thái độ của Phanxicô đối với những thực tại của thiên nhiên không thể bị xem nhẹ. Có lẽ giờ đây, hơn bao giờ hết, chúng ta phải tái khám phá tinh thần của tình huynh đệ vũ trụ này.
Nhưng trước hết, hãy tẩy sạch bầu khí hiểu lầm. Trở nên huynh đệ với những thọ tạo nhỏ bé hơn thì không tránh khỏi từ bỏ việc sử dụng chúng hay từ bỏ việc đặt chúng phục vụ những nhu cầu của chúng ta. Phanxicô nhận ra công dụng của sự vật: chúng là anh em trong chính công dụng của chúng. Anh Mặt Trời cho chúng ta ánh sang, “anh mang lại ngày”. Anh Gió, bằng hơi thở mạnh mẽ của mình, tiếp sức cho mọi sinh vật sống. Chị Nước rõ ràng được ca ngợi là “hữu ích”. Anh Lửa chiếu sáng đêm tối của chúng ta. Chị Mẹ Trái đất của chúng ta dưỡng nuôi chúng ta bằng cách sản sinh ra đủ loại trái trăng. Vì thế, không có chỗ cho việc đối nghịch tình bằng hữu thọ tạo với việc sử dụng chúng của con người. Quyền lực mà con người đạt được trên thiên nhiên nhờ vào tiến bộ khoa học và công nghệ, thậm chí có thể làm cho các yếu tố vũ trụ thân thiết với nhau hơn bằng cách giải thoát chúng khỏi tất cả những gì là mù quáng và huỷ hoại.
Vậy theo nghĩa tích cực, tình bằng hữu với mọi thọ tạo có ý nghĩa gì? Nó là một điều gì đó liên quan đến toàn thể nhân loại, và nó không dễ dàng. Nó giả định trước tiên một sự biến đổi thật sự trong nhãn quan và tâm hồn con người.
Cám dỗ của mọi quyền lực là bạo lực. Con người xâm phạm thiên nhiên khi chìm ngập trong sức mạnh của quyền lực trên thiên nhiên, con người bắt nó tuân theo ham muốn trục lợi của mình. Con người xâm phạm nó thậm chí nghiêm trọng hơn khi con người dùng cùng quyền lực này để buông lỏng ý muốn quyền lực chống lại thiên nhiên. Và điều đó có thể bị đẩy rất xa. Say men chinh phục, con người ngày nay muốn chiếm chỗ của Đấng Toàn Năng, sở hữu quyền năng sáng tạo cho chính mình, tái tạo thế giới theo cách thức của riêng mình và cuối cùng trở nên chủ sự sống và thọ tạo của mình. Giấc mơ của Prômêthêô thì cốt tại việc xâm chiếm thế giới, ý muốn quyền lực gia tăng để trở thành một ý muốn tự sáng tạo. Dự án này không được theo đuổi mà không có sự thù hằn hay bạo lực chống lại mọi thứ vốn nối kết con người với thiên nhiên, chống lại mọi thứ vốn biến chúng ta thành những hữu thể phụ thuộc được nối kết với một thực tại và một lịch sử vượt xa chúng ta.
Dự án này căn bản là một cuộc nổi dậy chống lại điều kiện thọ tạo của chúng ta và vì thế, chống lại sự siêu việt của Thiên Chúa. Sự khước từ cội rễ của chúng ta luôn là sự xem thường tính siêu việt.
Con người một khi thân thiện với thiên nhiên, sẽ từ bỏ cuộc nổi loạn này. Con người nhận ra chính mình như một thọ tạo và tái gia nhập vào một gia đình lớn hơn của thọ tạo. Chào đón những yếu tố huynh đệ hèn mọn nhất như anh và chị là thừa nhận những ràng buộc gia đình trực tiếp tồn tại giữa chúng và chính mình, những ràng buộc dẫn con người và tạo vật trở về lại một nguồn cội siêu việt và phổ quát.
Trước Đấng Tối Cao, Đấng mà “không ai đáng gọi tên”, Phanxicô đặt mình giữa các thọ tạo với “lòng khiêm tốn lớn lao”. Khi làm thế, Ngài nhận ra rằng, chỉ Thiên Chúa là Thiên Chúa và đáng được như vậy. Hiệp thông huynh đệ với các thọ tạo là một phần hướng đến sự thờ phượng của ngài.
Khi hành động như vậy, Phanxicô thực sự được sinh ra cho thế giới và cho chính mình. Không gì có thể ngăn cản những trực giác về sự cảm thông và lòng nhân hậu của ngài phát triển đầy đủ. Không mặc cảm tự tôn nào có thể ngăn cản chúng. Không gì còn lại nơi một con người, về mặt này thì khép mình trong sự thù hằn, hay mặt kia thì xa lạ và căm phẫn. Chỉ có công trình của Thiên Chúa là duy nhất cách sâu sắc. Phanxicô khám phá chính mình ở chính trọng tâm của sự hiệp nhất thọ tạo. Làn sóng cảm thông vốn nối kết ngài với những hữu thể khác tháp nhập ngài vào trong chính tình yêu sáng tạo. “Trong mỗi thọ sinh, cũng như trong rất nhiều dòng suối nhỏ”, thánh Bonaventure viết, “với lòng trắc ẩn đặc biệt, ngài cảm nhận cái duy nhất phát xuất từ sự tốt lành của Thiên Chúa”.5 Ngài không chỉ nhận ra sự tốt lành tinh tế này mà còn tham gia vào đó nữa. Từ con người thân thiện này, người bạn của mọi thọ tạo, toả chiếu một sức mạnh và một hơi ấm vốn đi vào trong sự vật, làm cho chúng phong phú hơn, sáng lạn hơn và vui vẻ hơn. “Không nghi ngờ gì nữa, chưa bao giờ có ai hiến dâng trọn vẹn hơn khi hiến dấng sự hiện diện và toàn bộ bản ngã của mình như là quà tặng, một quà tặng mà họ ý thức là chính Thiên Chúa đã làm từ chính bản thân mình ở mọi khoảnh khắc và cho mọi cá nhân”.6
Dưới ánh sáng đời sống như đời sống của Phanxicô Assisi, rõ rang, không phải bằng cách xâm phạm và bắt thiên nhiên làm nô lệ thì con người mới có thể tăng cường giá trị sống của mình; trái lại, bằng cách hợp tác với công việc sáng tạo, trong đó, mọi sinh vật sống cùng tham gia. Say men quyền lực mới, con người của xã hội công nghiệp đã cư xử như một ông vua chuyên chế đối với thiên nhiên. Bây giờ trong một thời gian dài con người đã tưởng tượng mình là Prômêthêô. Có lẽ bây giờ con người bắt đầu nhận ra rằng, sức mạnh đích thực của mình cốt tại việc xem mình như là một thọ tạo có trách nhiệm. Trách nhiệm và thân thiện.
Tình huynh đệ vũ trụ nhất thiết phải đi qua sự khiêm tốn để nhận ra thân phận thọ tạo của mình. Tình huynh đệ này sẽ không làm được gì nếu không có một sự từ bỏ tận căn mà Bài Ca Thọ Tạo ngân đi vang lại bằng cách ca khen những yếu tố hèn mọn nhất như anh chị em, bao gồm “Mẹ Trái đất của chúng ta”.
Bằng bảo vệ trái đất, với tất cả những gì sống động trong đó, Phanxicô đã hướng mình lên Đấng Tối Cao. Bài ca của ngài, trong sự chiếu rọi của trời xanh sáng rực, giữ lại sắc thái đường nét đầu tiên của nó.