Ðiều 94:
(1) Theo đúng nghĩa, các quy chế là những quyết nghị được đặt ra chiếu
theo luật, nhằm ấn định mục đích, cách cấu tạo, sự quản trị và đường lối hành động
của các tập hợp nhân sự hay sự vật.
(2) Các quy chế dành cho một tập hợp nhân sự chỉ bó buộc những thành viên hợp
lệ của tập thể ấy; các quy chế dành cho một tập hợp sự vật bó buộc những người điều
khiển nó.
(3) Các quy định của quy chế được thành lập và ban hành do quyền hành lập pháp
thì được chi phối bởi các quy tắc của những điều đã nói về luật.
Ðiều 95:
(1) Ðiều lệ là những quy tắc phải tuân giữ trong các buổi họp do giáo
quyền triệu tập hay do tín hữu tự động qui tụ, và trong các lễ hội khác. Ðiều lệ xác định
sự cấu tạo, quản trị và chương trình nghị sự.
(2) Trong các buổi họp và lễ hội, các quy tắc của điều lệ bó buộc những người tham dự chúng.
Ðiều 96: Do bí tích rửa tội, con người được sát nhập vào Giáo Hội của Ðức Kitô và thủ đắc nhân cách trong Giáo Hội, với những nghĩa vụ và quyền lợi riêng của các tín hữu Kitô, chiếu theo điều kiện của mỗi người, miễn là họ duy trì sự hiệp thông Giáo Hội và không bị ngăn trở bởi một chế tài đã được tuyên một cách hợp lệ.
Ðiều 97:
(1) Người đã được mười tám tuổi trọn là kẻ trưởng thành; trước tuổi ấy là
vị thành niên.
(2) Vị thành niên, trước khi được bảy tuổi trọn được gọi là nhi đồng, và được coi
như không tự chủ; một khi đã được bảy tuổi trọn thì được suy đoán là biết xử dụng trí
khôn.
Ðiều 98:
(1) Người trưởng thành được xử dụng đầy đủ các quyền lợi của mình.
(2) Trong việc xử dụng quyền lợi, vị thành niên lệ thuộc quyền hành của cha mẹ hay
giám hội, trừ những phương diện nào mà các vị thành niên đã thoát quyền của những
người ấy do luật của Thiên Chúa hay luật của Giáo Hội. Về việc thiết lập và quyền hành
giám hộ, phải tuân giữ dân luật, trừ khi giáo luật định cách khác, hoặc Giám Mục giáo
phận vì lý do chính đáng, trong những trường hợp nhất định, xét thấy phải chỉ định một giám hộ khác.
Ðiều 99: Ai thường xuyên thiếu xử dụng trí khôn cũng coi như thiếu tự chủ và được đồng hóa với các nhi đồng.
Ðiều 100: Một người được coi là thường trú nhân tại nơi mà họ có cư-sở; khách trú nhân tại nơi có bán-cư-sở; lữ khách nếu họ ở ngoài cư-sở và bán-cư-sở tuy vẫn còn duy trì chúng; vô gia cư nếu không có cư-sở và bán-cư-sở ở nơi nào hết.
Ðiều 101:
(1) Nguyên quán của người con, dầu là con của người tân tòng, là nơi
mà, khi đứa trẻ sinh ra, cha mẹ có cư-sở hay bán-cư-sở, nếu không có cư-sở; nếu cha
mẹ không có chung cư-sở và bán-cư-sở, thì lấy nơi của người mẹ.
(2) Nếu là con của người vô gia cư, thì nguyên quán là chính nơi đã sinh; nếu đứa
trẻ bị bỏ rơi, thì nguyên quán là nơi nó đã được tìm thấy.
Ðiều 102:
(1) Cư-sở được thủ đắc do việc trú ngụ trong lãnh thổ của một giáo xứ,
hay ít là trong lãnh thổ của một giáo phận, kèm theo ý định ở lại đó vĩnh viễn nếu không
có gì ngăn trở, hoặc việc trú ngụ đã kéo dài trên năm năm tròn.
(2) Bán-cư-sở được thủ đắc do việc trú ngụ trong lãnh thổ của một giáo xứ, hay ít là
trong lãnh thổ của một giáo phận, kèm theo ý định ở lại đó ba tháng nếu không có gì
ngăn trở, hoặc việc trú ngụ đã thực sự kéo dài trong ba tháng.
(3) Cư-sở hay bán-cư-sở trong lãnh thổ của một giáo xứ được gọi là "thuộc giáo
xứ"; trong lãnh thổ một giáo phận, tuy không ở trong một giáo xứ, được gọi là "thuộc
giáo phận".
Ðiều 103: Các phần tử của các dòng tu và tu đoàn tông đồ thủ đắc cư-sở tại nơi tọa lạc của nhà mà họ trực thuộc. Họ thủ đắc bán-cư-sở tại nhà mà họ cư ngụ theo quy tắc của điều 102, triệt 2.
Ðiều 104: Vợ chồng có chung cư-sở và bán-cư-sở. Vì lý do ly thân hợp pháp hay vì lý do chính đáng nào khác, mỗi người có thể có một cư-sở và bán-cư-sở riêng.
Ðiều 105:
(1) Vị thành niên bắt buộc lấy cư-sở và bán-cư-sở của người mà họ phải
phục quyền. Vị thành niên quá tuổi nhi đồng có thể thủ đắc bán-cư-sở riêng; và kể cả
cư-sở riêng, nếu đã được thoát quyền cách hợp lệ theo dân luật.
(2) Kẻ nào được giao cho người khác quản tài hay giám hộ cách hợp lệ ngoài lý do
vị thành niên, thì lấy cư-sở hay bán-cư-sở của người quản tài hay giám hộ.
Ðiều 106: Cư-sở và bán-cư-sở bị mất do việc đi khỏi nơi ấy với ý định không trở về, đừng kể khi phải giữ qui định của điều 105.
Ðiều 107:
(1) Do cư sở và bán cư sở mà mỗi người có cha sở và Bản Quyền riêng.
(2) Cha sở và Bản Quyền riêng của người vô gia cư là cha sở và Bản Quyền tại nơi
mà người ấy hiện đang trú ngụ.
(3) Cha sở riêng của người nào chỉ có cư-sở và bán-cư-sở thuộc giáo phận là cha
sở tại nơi mà người ấy hiện đang trú ngụ.
Ðiều 108:
(1) Huyết tộc được tính theo hành và cấp.
(2) Trong hàng dọc (trực hệ), có bao nhiêu đời người thì có bấy nhiêu cấp, nghĩa là
tính theo số người sinh bởi gốc chung nhưng không tính chính gốc ấy.
(3) Trong hàng ngang (bàng hệ), các cấp được tính theo bao nhiêu người trong cả
hai hàng cùng bởi gốc chung, nhưng không tính chính gốc.
Ðiều 109:
(1) Hôn thuộc phát sinh do hôn nhân hữu hiệu, dù không hoàn hợp, giữa
người chồng với huyết tộc của người vợ, và giữa người vợ với huyết tộc của người
chồng.
(2) Hôn thuộc được tính theo cách này: huyết tộc của người chồng có cùng hàng và
cấp như của người vợ và ngược lại.
Ðiều 110: Con cái được nuôi hợp với dân luật được coi như con của người hay của những người đứng nuôi.
Ðiều 111:
(1) Qua bí tích rửa tội, đứa trẻ trở thành phần tử của Giáo Hội La-tinh nếu
cha mẹ thuộc về Giáo Hội ấy; nếu một trong hai người không thuộc Giáo Hội La-tinh,
thì đôi bên có thể đồng ý cho đứa trẻ thuộc Giáo Hội này; nếu không có sự nhất trí, thì
đứa trẻ sẽ trở thành phần tử thuộc lễ điển Giáo Hội của người cha.
(2) Người xin rửa tội, đã đủ mười bốn tuổi trọn, có thể tự do chọn xin rửa tội, theo
Giáo Hội La-tinh hay lễ điển Giáo Hội khác; trong trường hợp này, người đó thuộc về
Giáo Hội mình đã chọn.
Ðiều 112:
(1) Sau khi đã được rửa tội, những người sau đầy trở thành phần tử
thuộc lễ điển Giáo Hội khác: 1. Kẻ đã được phép của Tòa Thánh;
2. Người phối ngẫu, khi kết hôn hay trong thời gian giá thú tuyên bố mình chuyển
sang lễ điển Giáo Hội của bạn mình; tuy nhiên, nếu giá thú bị đoạn tiêu, thì người nói
trên có thể tự do trở về Giáo Hội La-tinh.
3. Con cái của những người nói ở số 1 và 2 chưa đủ mười bốn tuổi; hoặc trong
trường hợp một đôi hôn nhân hỗn hợp, con của người Công Giáo đã được chuyển
sang lễ điển Giáo Hội khác cách hợp lệ. Tuy nhiên, khi đã đủ mười bốn tuổi, người con
có thể trở lại Giáo Hội La-tinh.
(2) Thói quen, dù dài hạn, lĩnh nhận bí tích theo nghi thức của một lễ điển Giáo Hội,
không kèm theo sự trở thành phần tử của Giáo Hội đó.
Ðiều 113:
(1) Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thánh có tư cách pháp nhân do luật thiên
định.
(2) Trong Giáo Hội, ngoài các thể nhân, còn có các pháp nhân, nghĩa là, đối với giáo
luật, các chủ thể của những nghĩa vụ và quyền lợi tương hợp với bản chất riêng của
họ.
Ðiều 114:
(1) Các tập hợp nhân sự hay sự vật nhằm một mục tiêu hợp với sứ mạng
Giáo Hội và vượt quá mục tiêu của các cá nhân, có thể được thiết lập thành pháp nhân,
hoặc do chính qui định của pháp luật hay do sự cấp phát của nhà chức trách có thẩm
quyền bằng một nghị định.
(2) Các mục tiêu nói trong triệt 1 được hiểu là những gì liên can đến công việc
phụng tự, tông đồ hay bác ái, về tinh thần hay trần thế.
(3) Nhà chức trách Giáo Hội có thẩm quyền chỉ nên cấp tư cách pháp nhân cho
những tập hợp nhân sự hay sự vật theo đuổi một mục tiêu thực sự là ích lợi, và, sau
khi đã cân nhắc các hoàn cảnh, thấy rằng họ có các phương tiện dự tính là đầy đủ để
đạt được mục tiêu đã định.
Ðiều 115:
(1) Các pháp nhân trong Giáo Hội có thể là tập hợp nhân sự hay tập hợp
sự vật.
(2) Một tập hợp nhân sự chỉ có thể được thiết lập khi có ít nhất là ba người; được
gọi là "tập đoàn" nếu các hội viên ấn định hoạt động bằng cách đồng tham gia vào việc
quyết định chung, dù bình quyền hay không, chiếu theo pháp luật và quy chế; đối lại là
"phi tập đoàn".
(3) Một tập hợp sự vật, còn gọi là một thiện quỹ tự trị, được gồm bởi những tài sản
hay sự vật, thiêng liêng hay vật chất, và được điều khiển do một hay nhiều thể nhân
hoặc do một tập đoàn, chiếu theo pháp luật và quy chế.
Ðiều 116:
(1) Các pháp nhân công là những tập hợp nhân sự hay sự vật được thiết
lập do nhà chức trách của Giáo Hội có thẩm quyền, ngõ hầu trong khuôn khổ ấn định,
họ nhân danh Giáo Hội để chu toàn nhiệm vụ riêng đã được ủy thác nhằm tới công ích,
chiếu theo các quy tắc luật định. Các pháp nhân khác đều là tư.
(2) Các pháp nhân công thủ đắc tư cách ấy hoặc do chính luật, hoặc do một nghị
định đặc biệt minh thị ban cấp tư cách ấy bởi nhà chức trách có thẩm quyền. Các pháp
nhân tư chỉ thủ đắc tư cách ấy do một nghị định đặc biệt minh thị ban cấp bởi nhà chức
trách có thẩm quyền.
Ðiều 117: Không một tập hợp nhân sự hay sự vật nào xin tư cách pháp nhân có thể thủ đắc nó khi quy chế của họ chưa được phê chuẩn do nhà chức trách có thẩm quyền.
Ðiều 118: Pháp nhân công được thay mặt và hành động nhân danh mình bởi những người được luật phổ quát hay luật địa phương hay quy chế riêng nhìn nhận thẩm quyền ấy. Pháp nhân tư bởi những người được quy chế trao thẩm quyền cho.
Ðiều 119: Ðối với những hành vi tập đoàn, nếu luật pháp hay quy chế không dự liệu
cách khác thì:
1. Khi bầu cử, điều gì được quyết định với đa số tuyệt đối của những người có mặt
thì có giá trị pháp lý, miễn là có sự hiện diện của quá phân nữa những người được triệu
tập. Nếu sau hai lần bỏ phiếu không kết quả, thì sẽ lựa chọn giữa hai ứng viên được
nhiều phiếu nhất, hoặc nếu có quá hai người, thì lấy hai người lớn tuổi nhất. Sau lần bỏ
phiếu thứ ba, nếu số phiếu ngang nhau, thì người lớn tuổi hơn đắc cử.
2. Khi bàn về những vấn đề khác, điều gì đã được quyết định với đa số tuyệt đối
của những người có mặt thì có giá trị pháp lý, miễn là có sự hiện diện của quá phân
nữa những người phải được triệu tập. Nếu sau hai lần bỏ phiếu mà kết quả đôi bên
ngang nhau, thì vị chủ tọa có thể giải quyết sự ngang nhau bằng phiếu của mình.
3. Ðiều gì liên hệ tới tất cả mọi người xét như là từng người, thì phải được tất cả
chấp nhận.
Ðiều 120:
(1) Tự bản chất, mọi pháp nhân đều có tính cách vĩnh viễn. Tuy nhiên
pháp nhân bị tiêu diệt nếu bị giải tán hợp lệ do nhà chức trách có thẩm quyền, hoặc đã
ngưng hoạt động từ một trăm năm. Ngoài ra, pháp nhân tư còn có thể bị tiêu diệt khi sự
kết hội tan rã dựa theo quy chế, hoặc khi nào theo sự phán đoán của nhà chức trách có
thẩm quyền, thiện quỹ đã chấm dứt hiện hữu theo quy chế.
(2) Khi chỉ còn một phần tử của pháp nhân tập đoàn tồn tại, mà theo quy chế riêng,
tập hợp nhân sự chưa chấm dứt hiện hữu, thì việc xử dụng các quyền lợi của tập hợp
sẽ thuộc thẩm quyền của phần tử ấy.
Ðiều 121: Nếu các tập hợp nhân sự hay sự vật đều là những pháp nhân công mà phải sát nhập lại thành một tập hợp cũng là một pháp nhân, thì pháp nhân mới sẽ được hưởng các của cải và quyền lợi về sản nghiệp của những pháp nhân trước và gánh chịu các nghĩa vụ của chúng. Tuy nhiên trong sự phân phối các tài sản và chu toàn các nghĩa vụ, cần phải tôn trọng ý định của người thành lập và dâng cúng cũng như những quyền lợi thủ đắc.
Ðiều 122: Khi tập hợp là một pháp nhân công được phân chia, theo cách là một phần được sát nhập với pháp nhân khác, hoặc một pháp nhân mới được thành lập từ phần tách ra, thì nhà chức trách của Giáo Hội có thẩm quyền phân chia tiên vàn phải tôn trọng các ý định của người thành lập và dâng cúng, cùng những quyền lợi thủ đắc và các quy chế đã được chuẩn y; kế đó phải tự mình hay nhờ người chấp hành lo liệu: 1. sao cho những của cải và quyền lợi về sản nghiệp chung có thể phân chia được, cũng như các nợ nần và gánh nặng khác, phải được san sẻ theo tỷ lệ tương xứng công bằng và hợp lý giữa các pháp nhân, chiếu theo hoàn cảnh và nhu cầu của đôi bên; 2. sao cho cả hai đều có thể xử dụng và hưởng dụng các của cải chung không thể phân chia được, và cả hai đồng gánh chịu các trách vụ gắn liền với các của cải ấy, theo tỷ lệ tương xứng công bằng và hợp lý.
Ðiều 123: Khi một pháp nhân công bị tiêu diệt, thì việc thanh toán các của cải và quyền lợi về sản nghiệp lẫn các trách vụ sẽ do luật pháp và quy chế chi phối. Nếu luật pháp và quy chế không nói gì, thì việc giải quyết thuộc về pháp nhân cấp cao trực tiếp, tuy luôn luôn phải tôn trọng ý định của những người thành lập hay dâng cúng cũng như các quyền lợi thủ đắc. Khi một pháp nhân tư bị tiêu diệt, thì việc thanh toán các của cải và trách vụ sẽ do quy chế riêng chi phối.
Ðiều 124:
(1) Ðể một hành vi pháp lý được hữu hiệu, cần phải được thực hiện do
một người có năng cách, và hội đủ những gì cấu thành bản chất của hành vi ấy, cũng
như các thể thức và điều kiện mà luật đặt ra cho sự hữu hiệu của hành vi.
(2) Một hành vi pháp lý được thực hiện hợp lệ xét theo các yếu tố bên ngoài thì
được suy đoán là hữu hiệu.
Ðiều 125:
(1) Một hành vi pháp lý bị coi như vô giá trị nếu được thực hiện do sự
thúc đẩy của vũ lực từ bên ngoài chủ thể mà người ấy không thể cưỡng lại được.
(2) Một hành vi được thực hiện do sự sợ hãi trầm trọng gây ra cách bất công, hoặc
do sự lường gạt thì vẫn có hiệu lực, nếu luật không dự liệu cách khác. Tuy nhiên hành
vi ấy có thể xin bãi tiêu do án văn của thẩm phán, hoặc theo sự thỉnh cầu của đương
sự bị thiệt hại, hoặc do những ai thừa kế người ấy theo luật, hoặc chiểu chức vụ.
Ðiều 126: Một hành vi sẽ vô giá trị nếu thực hiện do sự vô tri hay lầm lẫn có liên hệ tới bản thể của hành vi hoặc ảnh hưởng tới điều kiện tất yếu (sine qua non); ngoại trừ các trường hợp ấy, hành vi vẫn có giá trị, nếu luật không dự liệu cách khác. Tuy nhiên, một hành vi phát khởi do sự vô tri hay lầm lẫn có thể sinh ra tố quyền bãi tiêu theo qui tắc luật định.
Ðiều 127:
(1) Khi luật ấn định rằng để thực hiện một vài hành vi, Bề trên cần có sự
thỏa thuận hay tham khảo ý kiến của một tập đoàn hay một nhóm người, thì tập đoàn
hay nhóm người cần phải được triệu tập theo qui tắc của điều 166, trừ khi luật địa
phương hay riêng biệt định cách khác về vấn đề tham khảo. Ðể hành vi có giá trị, cần
phải đạt được sự thỏa thuận của đa số tuyệt đối của những người có mặt, hoặc phải
tham khảo với tất cả mọi người.
(2) Khi luật ấn định rằng, để thực hiện một vài hành vi, bề trên cần phải có sự thỏa
thuận hay tham khảo ý kiến của vài người xét như từng cá thể:
1. Nếu luật đòi hỏi sự thỏa thuận, thì hành vi sẽ vô hiệu khi nào bề trên thực hiện nó
mà không có sự thỏa thuận của những người ấy, hoặc làm trái ngược lại ý kiến của
những người ấy hay ý kiến của một vài người đã nói.
2. Nếu luật đòi hỏi sự tham khảo, thì hành vi sẽ vô hiệu khi bề trên không bàn hỏi
họ. Tuy rằng bề trên không buộc nghe theo ý kiến họ cho dù họ nhất trí, nhưng ngài
không nên làm trái với ý kiến của họ, nhất là khi họ đã phát biểu cách nhất trí, nếu
không xét thấy cách khôn ngoan rằng có một lý do mạnh hơn để làm ngược lại.
(3) Tất cả những người mà luật đòi có sự thỏa thuận hay tham khảo ý kiến đều có
nghĩa vụ phải bày tỏ ý kiến của mình cách thành thực. Nếu vấn đề quan trọng đòi hỏi,
họ bó buộc phải thận trọng giữ bí mật; và bề trên có thể cưỡng bách sự bó buộc này.
Ðiều 128: Ai đã gây cho người khác một thiệt hại nào một cách bất hợp pháp do một hành vi pháp lý, hay kể cả do bất cứ một hành vi nào khác đã làm vì gian trá hay lỗi lầm, thì buộc phải bồi thường sự thiệt hại đã gây ra.
Ðiều 129:
(1) Quyền cai trị trong Giáo Hội là do thiên định, và cũng được gọi là
quyền tài phán. Chủ thể có năng cách của quyền ấy là những người có chức thánh,
chiếu theo qui tắc luật định.
(2) Trong việc hành xử quyền ấy, các giáo dân có thể cộng tác theo qui tắc của luật.
Ðiều 130: Quyền cai trị tự nó được hành sử ở tòa ngoài; tuy nhiên đôi khi nó chỉ được hành sử ở tòa trong, do đó các hậu quả tự nó phát sinh nơi tòa ngoài sẽ không được nhìn nhận nơi tòa này, trừ khi có luật ấn định trong vài trường hợp nhất định.
Ðiều 131:
(1) Quyền cai trị thông thường là quyền được luật gắn liền với chức vụ;
quyền thừa ủy là quyền được cấp cho một người nào không do chức vụ.
(2) Quyền thông thường có thể là "riêng" hay "thế".
(3) Người nào quả quyết có quyền thừa ủy thì có trách vụ dẫn chứng sự ủy nhiệm.
Ðiều 132:
(1) Năng quyền thường xuyên (facultas habitualis) được chi phối theo
những qui định về quyền thừa ủy.
(2) Tuy nhiên năng quyền thường xuyên không chấm dứt khi Bản Quyền được cấp
năng quyền đã chấm dứt nhiệm vụ - tuy dù đã bắt đầu xử dụng năng quyền rồi - song
nó được truyền lại cho Bản Quyền kế vị trong chức vụ cai trị, trừ khi đã minh thị dự liệu
cách khác trong chính hành vi cấp năng quyền, hoặc Bản Quyền được chọn lựa vì tài cán cá nhân.
Ðiều 133:
(1) Khi người thụ ủy vượt quá giới hạn ủy nhiệm, dù là về phương diện
đối vật hay về phương diện đối nhân, thì hành động của họ sẽ không có giá trị.
(2) Sẽ không coi là vượt quá giới hạn ủy nhiệm nếu người thụ ủy làm các hành vi
được ủy nhiệm theo một cách thức khác với cách thức đã ấn định trong ủy nhiệm thư,
đừng kể khi chính người chủ ủy đã qui định một cách thức nào đó có ảnh hưởng đến
sự hữu hiệu.
Ðiều 134:
(1) Trong luật, tiếng "Bản Quyền" ám chỉ, ngoài Ðức Giáo Hoàng ra, cả
Giám Mục giáo phận và những người đứng đầu - dù là lâm thời - một Giáo Hội địa
phương hay một cộng đoàn tương đương nói ở điều 368, cùng những người hưởng
quyền hành pháp thông thường tổng quát trong những nơi ấy, tức là: các tổng đại diện
và đại diện Giám Mục; lại nữa, đối với các phần tử của mình, các Bề Trên cao cấp của
các dòng tu giáo sĩ theo luật Giáo Hoàng và các Bề Trên cao cấp của các tu đoàn tông
đồ giáo sĩ theo luật Giáo Hoàng, tức những người nắm giữ ít là quyền hành pháp thông
thường.
(2) Tiếng "Bản Quyền sở tại" ám chỉ tất cả những người nói ở trong triệt 1, trừ các
Bề Trên của các dòng và của các tu đoàn tông đồ.
(3) Trong phạm vi quyền hành pháp, điều gì luật quy gán cho các Giám Mục giáo
phận thì chỉ được ám chỉ cho thẩm quyền của Giám Mục giáo phận và những người
được đồng hóa theo điều 381, triệt 2, chứ không được áp dụng cho tổng đại diện hay
đại diện Giám Mục, trừ khi có ủy nhiệm đặc biệt.
Ðiều 135:
(1) Quyền cai trị được phân chia làm lập pháp, hành pháp và tư pháp.
(2) Quyền lập pháp được hành sử theo cách thức do luật qui định. Quyền lập pháp
do những người ở dưới quyền bính tối cao nắm giữ thì không thể thừa ủy cách hữu
hiệu được, trừ khi luật minh thị dự liệu cách khác. Nhà lập pháp cấp dưới không thể ra
cách hữu hiệu một luật trái ngược với luật mà cấp trên đã ra.
(3) Quyền tư pháp, mà các thẩm phán hay tập đoàn phân xử được hưởng, phải
được hành sử theo cách thức luật định, và không thể thừa ủy được, trừ ra đối với các
hành vi chuẩn bị cho án lệnh hay phán quyết.
(4) Ðối với việc hành sử quyền hành pháp, cần giữ những qui định của các điều nói
sau đây.
Ðiều 136: Người giữ quyền hành pháp có thể hành xử nó tuy mình ở ngoài lãnh thổ, đối với thuộc cấp của mình kể cả khi họ không có mặt trong lãnh thổ riêng, trừ khi đã rõ cách nào khác do bản chất sự việc hay qui định của luật. Quyền ấy cũng có thể được hành xử đối với những lữ khách hiện đang trọ trong lãnh thổ, nếu liên can tới việc ban cấp ơn huệ hay thi hành các luật phổ quát và địa phương có tính cách bó buộc đối với họ dựa theo quy tắc của điều 13, triệt 2 số 2.
Ðiều 137:
(1) Quyền hành pháp thông thường có thể được thừa ủy hoặc cho một
hành vi hoặc cho toàn thể các trường hợp, trừ khi luật đã dự liệu minh thị cách khác.
(2) Quyền hành pháp được thừa ủy do Tòa Thánh có thể tái ủy hoặc cho một hành
vi hoặc cho toàn thể các trường hợp, trừ khi việc thừa ủy đã được trao vì tài năng cá
nhân, hoặc khi sự tái ủy đã bị minh thị ngăn cấm.
(3) Quyền hành pháp được thừa ủy do một quyền bính nào khác có quyền thông
thường, nếu được thừa ủy cho toàn thể các trường hợp thì có thể tái ủy cho vài trường
hợp; nếu được thừa ủy cho một hành vi hay một số hành vi nhất định thì không thể tái
ủy nếu không có sự ban cấp minh thị của chính người chủ ủy.
(4) Không quyền tái ủy nào có thể được tái ủy lần nữa, trừ khi điều ấy đã được
người chủ ủy minh thị ban cấp.
Ðiều 138: Quyền hành pháp thông thường và quyền thừa ủy cho toàn thể các trường hợp phải được giải thích rộng rãi; còn các quyền khác phải được giải thích chặt chẽ. Tuy nhiên sự thừa ủy quyền hành cho một người thì cũng được hiểu là bao hàm tất cả những gì cần thiết để hành sử quyền ấy.
Ðiều 139:
(1) Nếu luật không ấn định cách khác, khi người nào đã nại đến một nhà
chức trách, dù cấp cao hơn, thì nhà chức trách khác có thẩm quyền vẫn không mất
quyền xử dụng quyền hành pháp dù thông thường hay thừa ủy.
(2) Tuy nhiên nhà chức trách cấp dưới không nên pha mình vào một trường hợp đã
được đệ lên nhà chức trách cấp trên, trừ khi có nguyên nhân trầm trọng và khẩn cấp;
trong hoàn cảnh ấy, cần phải thông báo ngay cho cấp trên.
Ðiều 140:
(1) Khi có nhiều người cùng được thừa ủy cách liên đới để làm một công
việc, thì người nào đã khởi sự hoạt động sẽ loại trừ những người khác cùng trong việc
nhiều người thì được suy đoán là thừa ủy cho họ cách liên đới.
Ðiều 141: Khi nhiều người lần lượt được thừa ủy, thì ai đã nhận ủy nhiệm trước hết và chưa bị thu hồi lại, người ấy có nhiệm vụ thanh toán công việc.
Ðiều 142:
(1) Quyền thừa ủy chấm dứt: vì đã hoàn tất sự ủy nhiệm; vì mãn thời kỳ
hay đã hết số các trường hợp đã được ủy thác; vì hết nguyên nhân cứu cánh của sự
thừa ủy; vì sự thu hồi do người chủ ủy, sau khi đã thông báo thẳng cho người thụ ủy,
hoặc vì sự khước từ của người thụ ủy sau khi đã trình bày cho người chủ ủy và được
chấp thuận. Khi người chủ ủy mãn nhiệm thì sự thừa ủy không chấm dứt, trừ khi đã nói
rõ trong điều khoản ủy thác.
(2) Tuy nhiên dù đã mãn thời kỳ ủy nhiệm, nhưng nếu người thụ ủy, vì vô tình, thực
hiện một hành vi thuần túy thuộc về tòa trong thì hành vi ấy vẫn có hiệu lực.
Ðiều 143:
(1) Quyền thông thường chấm dứt do việc mất chức vụ mà quyền ấy
được gắn liền.
(2) Trừ khi luật dự trù cách khác, quyền thông thường bị đình chỉ nếu có sự thượng tố hay thượng cầu hợp lệ chống lại việc truất chức hay bãi chức.
Ðiều 144:
(1) Khi có lầm lẫn chung về sự kiện hay về pháp luật, cũng như khi có hồ
nghi tích cực và hữu lý về luật pháp hay về sự kiện, thì Giáo Hội bổ túc quyền hành
pháp cai trị, dù ở tòa ngoài dù ở tòa trong.
(2) Qui tắc này được áp dụng cho những năng quyền nói ở các điều 882, 883, 996
và 1111 triệt 1.