Vatican (SD 15-12-2009) - Hôm 15 tháng 12 năm 2009, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã cho công bố Tự Sắc "Omnium in mentem" thay đổi 5 điều khoản trong bộ giáo luật hiện hành, đó là các khoản số 1008, 1009, 1086 triệt 1, 1117 và 1124.
Ðiểm mới trong sự thay đổi này là khoản số 1009 có thêm triệt thứ 3 qui định rằng:
"Những người chịu chức giám mục hoặc linh mục nhận lãnh sứ mạng và năng quyền hành động trong cương vị (in persona) của Chúa Kitô thủ lãnh, trái lại các phó tế được khả năng phục vụ dân Chúa trong việc phục vụ phụng vụ, Lời Chúa và bác ái".
Ðiều này có nghĩa là phó tế không thể thay thế linh mục và giám mục trong nhiệm vụ cai quản và dẫn dắt cộng đồng Công Giáo. Quyết định này chống lại xu hướng đang lan tràn, đó là tại một số nơi, vì thiếu linh mục, các phó tế vĩnh viễn được biến thành người quản xứ. Các phó tế không bao giờ được hành động "trong cương vị Chúa Kitô" (in persona Christi), cụ thể là không được cử hành thánh lễ, giải tội hay xức dầu bệnh nhân.
Mặt khác, trong các khoản giáo luật số 1086 triệt 1, 1117 và 1124, Ðức Thánh Cha bãi bỏ câu "và chưa công khai bỏ Giáo Hội". Tại một số nước như Ðức, Áo, Thụy Sĩ, v.v... có những người làm đơn ra khỏi Giáo Hội để khỏi đóng thuế. Theo luật hiện hành, thì những người ấy không buộc phải giữ giáo luật về việc kết hôn theo phép đạo, việc chuẩn chước hôn nhân dị giáo và hôn nhân hỗn hợp. Từ nay, việc làm đơn rời bỏ Giáo Hội như thế không có hiệu lực về giáo luật đối với hôn phối nữa. Và như thế có nghĩa là mọi người phải tuân giữ khoản 11 của giáo luật.
Ðức Thánh Cha đã đi tới quyết định trên đây sau khi nghe ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin, Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, cũng như các Hội Ðồng Giám Mục liên hệ. Tiến trình sửa đổi các khoản giáo luật liên hệ tới hôn phối như nói trên đây đã bắt đầu từ 10 năm nay. (SD 15-12-2009).
G. Trần Ðức Anh, OP
Vatican (SD 16-5-2011) - Hôm 16 tháng 5 năm 2011, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố thư luân lưu nhắm giúp các Hội Ðồng Giám Mục soạn thảo các đường hướng chỉ đạo xử lý những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Trong thư gửi kèm văn kiện này, Bộ Giáo Lý Đức Tin nhắc lại sự kiện ngày 21 tháng 5 năm 2010, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã công bố văn bản cập nhật Tự Sắc bảo vệ đặc tính thánh thiện của các bí tích, chứa đựng các qui luật xử lý những tội rất nặng, trong đó có tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định rằng: "Mỗi Hội Ðồng Giám Mục nên chuẩn bị các đường hướng chỉ đạo để giúp các giám mục thành viên áp dụng đúng đắn các qui luật đó và những khía cạnh khác liên hệ đến nạn lạm dụng trẻ vị thành niên, bằng cách tuân hành các thủ tục rõ ràng và có phối hợp khi phải xử lý những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Các đường hướng chỉ đạo như thế phải để ý đến những hoàn cảnh cụ thể tại khu vực thuộc quyền mỗi Hội Ðồng Giám Mục".
Trong ý hướng giúp các Hội Ðồng Giám Mục đề ra các đường hướng chỉ đạo hoặc hỗ trợ việc duyệt lại các đường hướng đã có, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã soạn thư luân lưu này. Bộ cũng khẳng định rằng "thật là điều rất hữu ích nếu mời các bề trên cấp cao của các dòng nam giáo sĩ hiện diện trong lãnh thổ của mỗi Hội Ðồng Giám Mục tham gia vào tiến trình soạn những đường hướng chỉ đạo nói trên".
Bộ Giáo Lý Đức Tin yêu cầu mỗi Hội Ðồng Giám Mục hãy gửi về Bộ trước cuối tháng 5 năm 2012 một bản sao những đường hướng vừa nói. Bộ sẵn sàng giúp làm sáng tỏ hoặc trợ giúp soạn những đường hướng như vậy. Trong trường hợp Hội Ðồng Giám Mục quyết định thiết lập các qui luật có tính chất bắt buộc thì cần có sự duyệt xét và phê chuẩn của các cơ quan liên hệ có thẩm quyền của Tòa Thánh.
Trong Thư luân lưu do Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngoài phần nhập đề và kết luận, còn có 3 phần:
- Phần thứ I trình bày những khía cạnh tổng quát như: nạn nhân bị lạm dụng tính dục; việc bảo vệ trẻ vị thành niên; việc đào tạo các linh mục và tu sĩ tương lai; việc tháp tùng các linh mục; sau cùng là sự cộng tác với chính quyền dân sự.
- Phần II lược tóm giáo luật hiện hành về tội giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
- Phần III là những chỉ dẫn cho các vị Bản quyền (các Giám Mục và các Bề trên cấp cao của dòng nam giáo sĩ) về cách thức tiến hành việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Trong số những điều được Thư Luân lưu đặc biệt nhấn mạnh, có những điểm như:
Thư luân lưu của Bộ Giáo Lý Đức Tin kết luận rằng: "Những đường hướng chỉ đạo do Hội Ðồng Giám Mục đề ra phải nhắm bảo vệ trẻ vị thành niên và giúp các nạn nhân tìm được sự trợ giúp và hòa giải. Những đường hướng đó phải cho thấy rõ trách nhiệm trong việc xử lý các tội giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trước tiên thuộc về giám mục giáo phận. Sau cùng, các đường hướng ấy phải đưa tới một hướng đi chung trong Hội Ðồng Giám Mục bằng cách giúp hòa hợp tối đa các nỗ lực của mỗi giám mục trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên".
Cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết lá thư luân lưu này ngắn nhưng rất cô đọng. Ðây là một bước tiến mới rất quan trọng để khích lệ trong toàn Giáo Hội ý thức về sự cần thiết cấp thiết phải phản ứng một cách hữu hiệu nhất và sáng suốt chống lại tệ nạn lạm dụng tính dục do giáo sĩ".
Cha Lombardi trưng dẫn Giáo Hội tại những nước nói tiếng Anh đã đi tiên phong trong lãnh vực này như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Tân Tây Lan, Ai Len, Canada. Tại Âu Châu có nước Ðức đi hàng đầu, tiếp đến là Pháp, Hòa Lan, Bỉ, Na Uy, Thụy Ðiển, Thụy Sĩ, Áo và Malta. Ngoài ra, các Hội Ðồng Giám Mục như Phi luật Tân, Ấn độ, Venezuela, Chile cũng đang tiến hành việc đề ra các đường hướng chỉ đạo trong lãnh vực này. Thư luân lưu của Bộ giáo lý Ðức tin đã được Phủ Quốc Vụ Khanh và các cơ quan trung ương khác của Tòa Thánh cho ý kiến. (SD 16-5-2011)
G. Trần Ðức Anh, OP
Vatican (Tổng hợp 11-6-2011) - Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật cho biết theo giáo luật, những vụ truyền chức Giám Mục không có sự ủy nhiệm của Ðức Thánh Cha đưa tới vạ tuyệt thông tức khắc, nhưng có thể có những hoàn cảnh giảm khinh, như sợ hãi trầm trọng, bất tiện nghiêm trọng, bạo lực thể lý v.v.
Vấn đề được nêu lên vì trong thời gian gần đây lại xảy ra những vụ truyền chức giám mục tại Trung Quốc không có sự ủy nhiệm của Ðức Thánh Cha và do sức ép mạnh mẽ của Nhà Nước. Như vụ truyền chức giám mục tại giáo phận Thường Ðức tỉnh Hà Bắc hồi cuối năm 2010, có 8 giám mục hiệp thông với Ðức Thánh Cha tham dự cuộc truyền chức bất hợp pháp như thế. Nhiều vị bị áp lực rất mạnh của Nhà Nước.
Trong tuyên ngôn công bố trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, số đề ngày 11 tháng 6 năm 2011, Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật minh định một số điều liên quan đến khoản giáo luật số 1382, theo đó người truyền chức giám mục và chịu chức giám mục không có sự ủy nhiệm của Tòa Thánh thì mắc vạ tuyệt thông do chính hành động của họ, và không cần một vị thẩm phán tuyên án. Cũng vậy đối với các giám mục tham gia vào việc phong chức như thế.
Tuy nhiên có thể có những trường hợp giảm khinh như vừa nói trên, nên cần phải kiểm chứng đối với mỗi người can dự vào việc truyền chức giám mục như thế: các giám mục phong chức và người thụ phong.
Thông cáo của Tòa Thánh nói thêm rằng: "Dù những lý do chủ quan thế nào đi nữa, nhưng sự kiện khách quan là việc truyền chức giám mục không có sự ủy nhiệm của Ðức Thánh Cha là một hành vi gây gương xấu, tạo hoang mang và chia rẽ nơi các tín hữu. Ðó là những điều thiệt hại nặng nề không thể coi nhẹ, và vì thế cần phải có những hành vi quan trọng tái tạo tình hiệp thông Giáo Hội và những hành vi thống hối mà mọi người có thể đánh giá được."
Trường hợp những người can dự vào việc truyền chức giám mục bất hợp pháp như thế mà không có hoàn cảnh giảm khinh thì sẽ bị phạt vạ tuyệt thông là hình phạt nặng nhất trong Giáo Hội. Ðương sự không được tham dự thánh lễ và không được cử hành và lãnh nhận các bí tích.
Nếu hoàn cảnh đòi hỏi, Tòa Thánh có thể tuyên phạt hoặc chính thức tuyên bố vạ tuyệt thông để sửa chữa gương xấu và tái lập hiệp thông. Vạ này nhắm mục đích làm cho kẻ có tội hối lỗi và hòa giải. Ai chứng tỏ lòng chân thành thống hối thì có quyền được giải vạ tuyệt thông. Tuy nhiên chỉ có Tòa Thánh mới có quyền giải vạ này trong trường hợp truyền chức giám mục mà không có phép của Ðức Thánh Cha.
Hôm 9 tháng 6 năm 2011, lẽ ra Nhà Nước Trung Quốc, qua Hội Công Giáo yêu nước, đã tiến hành việc truyền chức giám mục bất hợp pháp cho Linh Mục Thẩm Quốc An (Shen Guo An), để làm giám mục giáo phận Hán Khẩu, tỉnh Hồ Bắc, nhưng vào phút chót đã hoãn lại vô thời hạn việc làm này. (Tổng hợp 11-6-2011)
G. Trần Ðức Anh, OP
Vatican (SD 28-9-2011) - Từ nay một văn phòng đặc nhiệm tại Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma sẽ cứu xét việc chuẩn chước hôn nhân thành sự nhưng chưa hoàn hợp, cũng như việc chịu chức thánh vô hiệu lực.
Trên đây là quyết định của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 trong Tông thư tự sắc "Quaerit semper" công bố trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh số đề ngày 28 tháng 9 năm 2011.
Cho đến nay việc cứu xét những trường hợp vừa nói trên đây thuộc thẩm quyền của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Trong tông thư "Quaerit semper", Ðức Thánh Cha cho biết ngài quyết định chuyển việc cứu xét chuẩn chước hôn nhân thành sự nhưng chưa hoàn hợp, cũng như những vụ chịu chức vô hiệu cho Văn phòng đặc nhiệm mới được thiết lập tại Tòa Thượng Thẩm Rota cứu xét, để Bộ Phụng Tự dành nỗ lực đẩy mạnh hơn việc thăng tiến phụng vụ thánh trong Giáo Hội, theo sự canh tân mà Công đồng chung Vatican 2 mong muốn.
Ðức Thánh Cha đi đến quyết định trên đây theo đề nghị của vị Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, cũng như ý kiến thuận lợi của vị Niên trưởng Tòa Rota, sau khi tham khảo ý kiến của Tối Cao Pháp Viện của Tòa Thánh và Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật.
Trong ý hướng đó ngài bãi bỏ khoản số 67 và 68 trong Tông Hiến Pastor bonus công bố năm 1988 về việc cải tổ giáo triều, đồng thời sửa lại điều số 126 của Tông Hiến này: theo đó Ðức Thánh Cha thành lập tại Tòa Thượng Thẩm Rota một Văn phòng có thẩm quyền xét xử về hôn nhân đã kết ước thành nhưng chưa hoàn hợp, và xem có lý do để chuẩn chước hay không. Vì thế, Văn phòng này sẽ nhận tất cả các hồ sơ, đơn xin, cùng với ý kiến của Ðức Giám Mục và của vị Bảo Hệ, căn nhắc, trước khi đệ lên Ðức Giáo Hoàng.
Văn phòng này cũng có thẩm quyền cứu xét những vụ xin xác nhận việc chịu chức thánh vô hiệu, theo luật chung và luật riêng.
Văn phòng sẽ do vị Niên trưởng Tòa Thượng Thẩm Rota điều hợp, với sự trợ giúp của các chức sắc, các Ủy viên và các vị cố vấn.
Tông thư tự sắc Quaerit semper của Ðức Thánh Cha bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2011, và ngày đó tất cả các hồ sơ còn tồn đọng về các vấn đề này tại Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, sẽ được chuyển tới Văn phòng mới tại Tòa Rota.
Theo giáo luật, bí tích hôn nhân đã kết ước thành sự nhưng chưa hoàn hợp, thì không một thẩm quyền trần thế nào có thể tháo gỡ, nhưng trong trường hợp hôn nhân này chưa hoàn hợp, và có lý do chính đáng thì Ðức Thánh Cha có thể dùng quyền Tông Ðồ tháo cởi.
Theo phúc trình hoạt động của Tòa Thánh trong năm 2010, trong năm qua, Tòa Thánh đã nhận được 301 hồ sơ xin tháo hôn phối đã kết ước thành sự nhưng hai vợ chồng chưa ăn ở với nhau. Kết quả có 299 vụ được giải hôn phối.
Giáo luật cũng cho phép tuyên bố một việc truyền chức là vô hiệu khi có thiếu sót trong nghi lễ hoặc nơi người thụ phong thiếu ý thức, không hiểu hoặc không thể hiểu việc truyền chức có nghĩa là gì, hoặc họ thiếu tự do. (SD 28-9-2011)
G. Trần Ðức Anh, OP
Vatican (SD 2-5-2012) - Hôm 2 tháng 5 năm 2012, Tòa Thánh đã ban hành qui chế mới và nội qui của tổ chức Caritas quốc tế, cùng với một sắc luật của Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, về hoạt động của tổ chức bác ái quốc tế này. Từ nay Caritas quốc tế sẽ thuộc quyền kiểm soát của Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Ðồng Tâm).
Theo Sắc luật, mọi hoạt động định chế của Caritas quốc tế từ nay thuộc thẩm quyền của Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Ðồng Tâm), là cơ quan bác ái của Ðức Thánh Cha. Sắc luật cũng xác định một số thẩm quyền của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh về hoạt động của Caritas Quốc Tế. Ðây là một tổ chức qui tụ 165 Caritas địa phương và được Tòa Thánh công nhận tư cách pháp nhân với thủ bút của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 hồi năm 2004.
Qui chế mới của Caritas quốc tế nhắm xác định rõ hơn thủ bút vừa nói không những về vai trò của Hội đồng Tòa Thánh Ðồng Tâm, nhưng còn qui định rõ hơn thẩm quyền của Hội đồng này về những khía cạnh nội bộ cũng như hoạt động chính thức của Caritas quốc tế. Qui chế mới giúp tổ chức này chu toàn hữu hiệu hơn sứ mạng trong Giáo Hội của Caritas quốc tế, cũng như sự hiệp thông đức tin và đức mến trong những can thiệp trợ giúp nhân đạo.
Như vậy theo qui luật mới, Caritas quốc tế không còn là một tổ chức độc lập. Sắc luật của Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh có khoản qui định rằng "Bất kỳ văn bản nào của Caritas quốc tế có nội dung hoặc đường hướng đạo lý hoặc luân lý, thì đều phải có sự phê chuẩn trước đó của Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, giữ nguyên thẩm quyền chung của Bộ Giáo Lý Đức Tin". Ngoài ra, các hiệp định của Caritas quốc tế với các tổ chức và cơ quan phi chính phủ, phải được Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum phê chuẩn trước khi ký kết, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp về nhân đạo". Ngoài ra, Hội đồng Cor Unum có nhiệm vụ giám sát về việc quản lý tài sản và tài chánh của Caritas quốc tế". Hội đồng này cũng có thẩm quyền bổ nhiệm một vị giáo sĩ làm Tuyên úy. Vị này sẽ tham dự tất cả những phiên họp có tính chất quyết định của Caritas quốc tế.
Bộ ngoại giao Tòa Thánh có thẩm quyền liên lạc với các chính quyền chính trị, ngoại giao, hành chánh và tư pháp của các nước, đặc biệt với các thẩm quyền của Nhà Nước Italia, cũng như những quan hệ với các tổ chức quốc tế, miền; Bộ cũng cho phép khởi xướng hoặc phản đối một cuộc tranh tụng nhân danh Caritas quốc tế trước các tòa án dân sự của các nước, cũng như các tòa án quốc tế và các tòa làm trọng tài trung gian'.
Sắc luật do Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh công bố hôm 2 tháng 5 năm 2012 nhắm chấm dứt cuộc tranh chấp từ lâu giữa Phủ Quốc vụ khanh và Caritas quốc tế. Trong thời gian trước đây, bà Lesley Anne Knight đã không được tái nhiệm Tổng thư ký Caritas quốc tế vì những căng thẳng do những can thiệp do Caritas quốc tế thực hiện và vì thế không được Phủ quốc khanh Tòa Thánh cho tái cử. Từ nay, hai chức vụ Chủ tịch và Tổng thư ký Caritas quốc tế đều phải được Ðức Thánh Cha phê chuẩn dựa trên một danh sách 3 ứng viên do Ðại hội đồng của Caritas quốc tế đề nghị.
Hồi tháng 5 năm 2011, đại hội đồng Caritas quốc tế đã tái nhiệm Ðức Hồng Y Oscar Maradiaga, dòng Don Bosco, Tổng Giám Mục Tegucigalpa, Honduras, trong chức vụ Chủ tịch và cử ông Michel Roy người Pháp, làm tân Tổng thư ký của Caritas quốc tế. (SD 2-5-2012)
G. Trần Ðức Anh, OP
Vatican (Vat. 25/06/2012) - Sáng 25 tháng 6 năm 2012, Bộ giáo dục Công Giáo đã công bố văn kiện mới, tựa đề "Những đường hướng mục vụ ơn gọi linh mục".
Văn kiện dài lối 30 trang, soạn thảo trong vòng 7 năm qua, được Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cho phép công bố ngày 25 tháng 3 năm 2012 và đã được Ðức Hồng Y Tổng trưởng Zenon Grocholewski, Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Bruguès Tổng thư ký và Ðức Ông Phó tổng thư ký Vencenzo Zani, giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.
Ba phần của Văn kiện lần lượt trình bày "Việc mục vụ ơn gọi trong thế giới ngày nay" (I); "Ơn gọi và căn tính của chức linh mục thừa tác" (II) và sau cùng là "Các đề nghị cụ thể cho việc mục vụ ơn gọi linh mục" (III).
Tài liệu này chủ yếu nói về tình trạng tại các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu đang bị khan hiếm ơn gọi linh mục một cách trầm trọng; trong số những nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng này, có tình trạng giảm sút dân số và cuộc khủng hoảng gia đình, hiện tượng tục hóa, gương mù lạm dụng tính dục do một số linh mục, những ý tưởng sai lầm trong nội bộ Giáo Hội đưa tới sự coi rẻ đoàn sủng và sự chọn lựa độc thân, v.v. Nhiều cha mẹ, với những mong đợi về tương lai của con cái, nên ít quan tâm đến sự kiện con cái có thể được ơn gọi làm linh mục". Cản trở ơn gọi linh mục, cũng có thể là chính đời sống linh mục bị thu hút vào sự miệt mài làm việc, với hậu quả là bị các hoạt động mục vụ đè bẹp, làm lu mờ và suy yếu kinh nghiệm sáng ngời về linh mục".
Trong số những đề nghị cụ thể, Văn kiện của Bộ giáo dục Công Giáo nhấn mạnh đến chứng tá vui tươi và trung thành của linh mục trong sứ vụ, đây có thể là một hình ảnh thu hút mạnh mẽ nơi giới trẻ về chức linh mục; ngoài ra có kinh nghiệm về thiện nguyện; học đường như một môi trường quan tâm đến sự huấn luyện con người toàn diện...
Trong cuộc họp báo, ba vị lãnh đạo của Bộ Công Giáo lần lượt giới thiệu nội dung 3 phần của Văn Kiện:
1. Ðức Hồng Y Zenon Grocholewski
Ðức Hồng Y Zenon Grocholewskingười Ba Lan, đã giới thiệu lai lịch văn kiện và nội dung phần thứ I. Ngài cho biết tiến trình soạn văn kiện đã diễn ra trong 7 năm, qua các Ðại hội của Bộ giáo dục Công Giáo. Ðại hội năm 2005 với sự tham dự của các hồng y và giám mục thành viên, đã thảo luận về ơn gọi linh mục và yêu cầu đào sâu vấn đề để chuẩn bị một văn kiện về việc cổ võ ơn gọi linh mục. Ðại hội cũng đề ra một số tiêu chuẩn hướng dẫn việc soạn văn kiện, ví dụ:
Ðường hướng trên đây đã được đào sâu trong Ðại hội năm 2008 của Bộ giáo dục Công Giáo, trong khi đó, một cuộc tham khảo sâu rộng được thực hiện nơi các Hội Ðồng Giám Mục, qua một bản câu hỏi được chuẩn bị kỹ lưỡng, với mục đích thu thập các đề nghị cho việc soạn thảo văn kiện. Các bản trả lời từ các nơi gửi về thật phong phú và dồi dào. Ðại hội kế tiếp của Bộ đã cứu xét và phê chuẩn văn kiện này và ngày 25 tháng 3 năm 2012, nhân kỷ niệm 25 năm Tông huấn "Thầy sẽ ban cho các con những vị mục tử" (Pastores dabo vobis), Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã cho phép công bố Văn kiện này.
Ðức Hồng Y Grocholewski cho biết chìa khóa để đọc Văn kiện "Những Đường Hướng Mục Vụ Ơn Gọi Linh Mục", nhất là phần thứ I là "Sự chăm sóc ơn gọi linh mục là một thách đố trường kỳ đối với Giáo Hội". Ðiều này có nghĩa là Giáo Hội có nghĩa vụ liên lỷ phải đề nghị, phân định, bảo tồn và thăng tiến ơn gọi linh mục; tiếp đến việc săn sóc ơn gọi linh mục là một thách đố liên lỷ được gửi đến cộng đoàn Giáo Hội. Thực vậy hoa quả phong phú và dồi dào của Thánh Linh trong lãnh vực này là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất để nhận ra và đo lường sức sinh động của một giáo phận, chất lượng đức tin và chứng tá Tin Mừng của giáo phận ấy, giá trị và đặc tính sâu xa của giáo phận ấy trong sự gắn bó theo Chúa Kitô.
Theo chiều hướng đó, Văn kiện "Ðường Hướng Mục Vụ Ơn Gọi" liên hệ đặc biệt tới các Giáo Hội có truyền truyền kỳ cựu, trong đó sự dửng dưng đối với tôn giáo, cùng với sự yếu kém trong việc làm chứng tá Kitô, khiến cho ơn gọi trở nên khan hiếm và khô cằn. Ví dụ trường hợp của Âu Châu từ nhiều năm nay đang chịu đau khổ nhiều nhất vì thiếu ơn gọi linh mục.
Cũng trong phần thứ I, Văn kiện của Bộ giáo dục Công Giáo nêu lên 3 lý do chính cản trở việc mục vụ ơn gọi tại các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu, đó là:
Ðứng trước tình trạng ấy, Phần thứ I trong Văn kiện mới của Bộ giáo dục Công Giáo liệt kê những điều kiện cần thiết để ơn gọi tìm được một mảnh đất phì nhiêu trong Giáo Hội và sự cởi mở của người trẻ đối với ơn gọi linh mục. Chẳng hạn:
2. Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Bruguès, OP
Phần thứ II của Văn kiện đã được vị Tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo là Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Bruguès, dòng Ða Minh, trình bày, nói về "ơn gọi và căn tính của chức linh mục thừa tác".
Phần này phê bình xu hướng dần dần biến chức linh mục thành một nghề, như thể đời sống trong sứ vụ linh mục có thể thu hẹp vào một loạt những điều cần phải làm theo khả năng nghề nghiệp chuyên môn. Thêm vào đó có những nguy hiểm thường gặp thấy trong kinh nghiệm đời sống linh mục như thái độ miệt mài làm việc thái quá, xu hướng cá nhân chủ nghĩa ngày càng gia tăng, nhiều khi khép kín linh mục trong sự cô độc tiêu tực và làm cho xuống tinh thần; sự lẫn lộn các vai trò trong Giáo Hội.
Ðứng trước những tình trạng như thế, Phần II Văn kiện Bộ giáo dục Công Giáo đề nghị một số điểm suy tư, chẳng hạn ơn gọi linh mục luôn ở trong lãnh vực cuộc đối thoại yêu thương giữa Thiên Chúa và con người (n.5); tiếp đến, đạo lý thần học về ấn tích linh mục (n.6) đề ra một điều mới mẻ trong đời sống, đòi người được gọi phải đặc biệt chăm sóc quan hệ sinh động và liên lỷ với Chúa Kitô, dành trọn thời gian cần thiết cho Chúa và tiếp tục vun trồng, đào sâu quan hệ ấy mỗi ngày, như thể chạy đến cùng Chúa (Pl 3,12-14).
Trong các đoạn số từ 8 đến 10, Văn kiện Bộ giáo dục Công Giáo nhắc đến một loạt những hệ luận về cách thức khơi dậy, phân định và làm tăng trưởng ơn gọi linh mục.
Ví dụ, để huấn luyện về sứ vụ linh mục, cần có một kinh nghiệm sâu xa về đời sống cộng đoàn để tránh những hình thức mới của xu hướng duy giáo sĩ, tập trung mục vụ, những dịch vụ mục vụ bán thời gian hoặc theo nhu cầu cá nhân; Cần có một sự hội nhập và trưởng thành đầy đủ về tình cảm, tránh những đề nghị ơn gọi cho những người có nhân cách mong manh; cần có một sự tham gia rộng rãi và ngoan ngoãn đối với bối cảnh Giáo hội, yêu thương cụ thể đối với giáo phận của mình đồng thời quảng đại cởi mở đối với chiều kích hoàn vũ của sứ vụ.
3. Ðức Ông Vincenzo Zani
Phần thứ III là phần dài nhất của Văn kiện mang tựa đề "Những đề nghị cho việc mục vụ ơn gọi linh mục" và do Ðức Ông Vincenzo Zani, Phó tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo trình bày.
Ðức Ông Zani đã cung cấp một vài con số về tình hình ơn gọi linh mục trong Giáo Hội: tại Âu Châu trong 10 năm qua, số chủng sinh giảm mất gần 6 ngàn thầy, từ 27 ngàn trong năm 2000 xuống còn 21 ngàn trong năm 2010; tại Bắc Mỹ số chủng sinh hầu như đứng yên với 5,500 thầy; tại Nam Mỹ có phần giảm: từ 22 ngàn trong năm 2006 xuống còn 21 ngàn trong năm 2010; trong khi đó số chủng sinh tại Á và Phi châu tiếp tục gia tăng: từ 20 ngàn trong năm 2000 lên 27 ngàn chủng sinh tại Phi châu; từ 25 ngàn trong năm 2000 lên 33 ngàn trong năm 2010 tại Á châu.
Phần III của Văn kiện chứa đựng một loạt những chỉ dẫn cụ thể do các Hội Ðồng Giám Mục được hỏi ý kiến gửi về. Văn kiện nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thiếu được của việc cầu nguyện cho ơn gọi, đồng thời nhận xét rằng mặc dù có những cơ quan và tổ chức chuyên về ơn gọi linh mục ở cấp hoàn vũ, quốc gia và giáo phận, nhưng các cơ quan này không thể thay thế cho các thành phần khác nhau trong cộng đoàn Kitô: bắt đầu từ gia đình Công Giáo vốn được Công đồng chung Vatican 2 gọi là "chủng viện đầu tiên" (OT 2): gia đình phải có thể cống hiến những điều kiện thuận lợi cho sự nảy sinh ơn gọi. Ðiều này có nghĩa là không bao giờ có thể quan niệm việc mục vụ gia đình và mục vụ ơn gọi, cũng như mục vụ giới trẻ và mục vụ học đường, như thể chúng là những lãnh vực độc lập và xa lạ với nhau.
Văn kiện trình bày một loạt nhận xét về giáo xứ, vai trò của các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên và những ngừơui linh hoạt mục vụ giáo xứ.
Ðoạn số 15 nhấn mạnh trách nhiệm đặc thù của chủng sinh đối với ơn gọi. Trong thời gian thụ huấn các chủng sinh cũng phải được huấn luyện về khả năng làm chứng tá và đề nghị cho người khác kinh nghiệm của họ trong việc đáp lại ơn gọi.
Văn kiện Tòa Thánh đặc biệt đề cao vai trò của các hội đoàn và phong trào của Giáo Hội trong việc khơi dậy và nuôi dưỡng ơn gọi linh mục. Văn kiện không quên vai trò của các nhóm lễ sinh, tức là những người giúp lễ, trong đề nghị ơn gọi linh mục. Thời gian phục vụ của họ có thể coi như một trường thực hành về sự cầu nguyện và phục vụ Giáo Hội.
Văn kiện của Bộ giáo dục Công Giáo kết luận rằng:
"Môi trường phì nhiêu đối với hạt giống ơn gọi linh mục chính là một cộng đoàn Kitô cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện bằng phụng vụ và làm chứng tá bác ái; Bộ giáo dục Công Giáo khuyến khích toàn thể Giáo Hội, với lòng tín thác, hãy tái đảm trách quyết tâm giáo dục của mình để đón nhận tiếng Chúa gọi đi vào sứ vụ linh mục; tiếng Chúa gọi ngày nay vẫn dồi dào và thích ứng với nhu cầu của Giáo Hội cũng như nhu cầu rao giảng Tin Mừng trên thế giới.
G. Trần Ðức Anh, OP
Vatican (SD 25-1-2013) - Hôm 25 tháng 1 năm 2013, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 qui định rằng từ nay việc Huấn giáo thuộc thẩm quyền của Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng, thay vì thuộc Bộ giáo sĩ, và bù lại các chủng viện từ nay thuộc thẩm quyền của Bộ giáo sĩ, thay vì thuộc Bộ Giáo dục Công Giáo.
Hai qui định trên đây được Ðức Thánh Cha trình bày trong hai tự sắc tên là "Fides per doctrinam" (Ðức tin nhờ đạo lý), và "Ministrorum institutio" (Việc đào tạo các thừa tác viên). Hai văn kiện pháp lý này thay đổi những điều liên hệ thuộc Tông hiến Pastor bonus (Mục Tử Nhân Lành), về việc cải tổ Giáo triều Roma ban hành năm 1988. Hai tự sắc trên đây bắt đầu có hiệu lực 15 ngày sau khi đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, tức là từ ngày 10 tháng 2 năm 2013.
Trong phần dẫn nhập Tự Sắc này, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảng dạy giáo lý: "Ðức tin cần được nâng đỡ nhờ một đạo lý có khả năng soi sáng tâm trí của các tín hữu. Thời điểm lịch sử đặc biệt chúng ta đang sống ngày nay, bị cuộc khủng hoảng bi thảm về đức tin, đòi phải có ý thức như thế để có thể đáp ứng những mong đợi lớn nảy sinh trong tâm hồn các tín hữu vì những vấn nạn mới đang gọi hỏi thế giới và Giáo Hội".
Ðức Thánh Cha cũng nêu bật liên hệ giữa việc giảng dạy đức tin và rao giảng Tin Mừng. Ngài nhắc lại lời Vị Tôi Tớ Chúa Ðức Phaolô 6 trong Tông Huấn "Rao giảng Tin Mừng" (Evangelii nuntiandi): "Một con đường không được lơ là trong việc rao giảng Tin Mừng là giảng dạy giáo lý. Sự hiểu biết, nhất là của các trẻ em và thiếu niên, cần học hỏi, nhờ việc giảng dạy giáo lý có hệ thống, về những dự kiện cơ bản, nội dung sinh động của chân lý mà Thiên Chúa muốn thông truyền cho chúng ta và Giáo Hội đã tìm cách diễn tả ngày càng phong phú, qua dòng lịch sử dài của mình" (n.44, AAS 68 [1976], 34).
Trong phần các qui luật, Ðức Thánh Cha qui định rằng: từ nay, Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng có nhiệm vụ thăng tiến việc huấn giáo cho các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi và giai tầng; có thẩm quyền ban hành các qui luật thích hợp để việc giảng dạy giáo lý được thi hành thích hợp theo truyền thống của Giáo Hội; cứu xét và phê chuẩn các sách giáo lý và các tài liệu khác liên quan đến việc huấn giáo, với sự đồng ý của Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Sau khi trình bày tiến trình lịch sử và các lý do, Ðức Thánh Cha viết:
"Vì thế tôi thấy một điều thích hợp là ủy thác cho Bộ giáo sĩ nhiệm vụ thăng tiến và điều hành tất cả những gì liên quan tới việc huấn luyện, đời sống và sứ vụ của các linh mục và phó tế: từ việc mục vụ ơn gọi, tuyển chọn các ứng sinh lên thánh chức, kể cả việc huấn luyện nhân bản, tu đức, đạo lý và mục vụ cho các ứng sinh ấy trong các chủng viện và các trung tâm đào tạo các phó tế vĩnh viễn (Xc Can. 236,1), cũng như việc thường huấn cho họ, kể cả những điều kiện sinh sống và cách thức thi hành sứ vụ, lương bổng, bảo hiểm và an sinh xã hội".
"Bộ giáo sĩ giúp các Giám Mục để trong các giáo phận của các vị các ơn gọi thừa tác viên thánh được vun trồng tối đa, và trong các chủng viện cần thiết lập và điều hành theo giáo luật, các chủng sinh được giáo dục thích hợp nhờ một sự huấn luyện vững chắc về mặt nhân bản cũng như tu đức, đạo lý và mục vụ" (Art. 94,1).
"Chú ý cảnh giác sao cho cuộc sống chung và việc cai quản các chủng viện hoàn toàn đáp ứng những đòi hỏi của việc đào tạo linh mục, và các bề trên, các giáo sư góp phần hết sức, bằng gương sống và đạo lý ngay thẳng, vào việc huấn luyện nhân cách của các thừa tác viên thánh" (Art. 94,2)
"Bộ có thẩm quyền thiết lập các chủng viện liên giáo phận và phê chuẩn qui chế của các cơ sở giáo dục này". (94,3) (SD 25-1-2013)
G. Trần Ðức Anh, OP