Luca 1:26-38
Vào tháng thứ sáu, sứ thần Gáp-ri-en được Thiên Chúa sai đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Ða-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà".
Nghe lời ấy, Maria rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ða-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận".
Tuy nhiên, Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Làm sao có thể được, vì tôi không biết đến người nam?"
Nhưng sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa, bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy đã già nhưng cũng cưu mang một người con trai, bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin hãy thể hiện nơi tôi những gì ngài nói". Và rồi sứ thần từ biệt ra đi.
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Qua các biến cố hàng ngày, làm thế nào để chúng ta rút ra được một bài học có lợi cho hành trình cứu độ? Cần phân biệt giữa những điều mà chúng ta thường gọi là "thánh ý Chúa" với những gì xảy ra vì lý do tự nhiên, như thiên tai lũ lụt, tuổi tác, hoặc vì hậu quả của hành động con người, như sự cẩu thả, lười biếng hay lối sống ích kỷ, v.v. Thiên Chúa muốn loài người được hạnh phúc, nhưng tội lỗi đã xâm chiếm thế gian và gây nhiều sự dữ. Chúng ta có dùng sự tự do lựa chọn để sống xứng đáng với phẩm giá của chúng ta, là con cái Thiên Chúa, hay không?
Luca 1:5-25
Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-a, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là bà Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi.Vả lại, cả hai đều đã cao niên.
Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Ðền Thờ của Ðức Chúa, còn toàn dân đông đảo thì cầu nguyện ở bên ngoài trong giờ dâng hương.
Và một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi lo sợ trùm lấp ông. Nhưng sứ thần bảo ông: "Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an."
Nhưng ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: "Làm sao tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi".
Sứ thần đáp: "Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo Tin Mừng ấy cho ông. Và này đây, ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi".
Khi thời gian phục vụ ở Ðền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: "Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời".
Luca 1:39-56
Khi ấy, bà Ma-ri-a lên đường và vội vã đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.
Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên,
và bà được tràn đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em".
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời".
Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Trong những ơn phúc mà Thiên Chúa ban cho loài người có những ơn riêng tư mà chúng ta thường cho là phép lạ, có những ơn chung cho tất cả mọi người mà ít ai để ý như không khí để thở, nước để uống và mọi sinh vật để nuôi sống chúng ta. Ngoài ra còn sự giúp đỡ của những người khác mà chúng ta thường vô tình không nhận biết đó là sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi đòi hỏi một "phép lạ" xảy ra cho riêng mình, đó có phải là sự kiêu ngạo đối với Thiên Chúa hay không?
Luca 2:1-20
Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.
Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem, miền Giu-đê, là thành vua Ða-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Ða-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ða-vít, Người là Ðấng Ki-tô Ðức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ". Và bỗng dưng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.
Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết". Họ liền hối hả ra đi. Ðến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.
Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Đức Giêsu ngày nay không còn sống giữa chúng ta qua con người bằng xương thịt như trước, nhưng Thần Khí Người vẫn hiện diện trong mọi người. Muốn nhận ra Chúa trong tha nhân, chúng ta cần có một tâm hồn đơn sơ, không thành kiến, không xét đoán người khác, và thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa. Khi đến với tha nhân chúng ta có sẵn sàng trở nên một khí cụ của Thiên Chúa để giúp đỡ người khác, hoặc chúng ta sợ bị người ta lợi dụng mình?
Luca 2:22-40
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Ðức Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: Mọi con trai đầu lòng sẽ được dâng tiến cho Chúa; và các ngài cũng dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
Và này đây, tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không phải chết trước khi được nhìn thấy Ðấng Ki-tô của Ðức Chúa.
Ðược Thần Khí dun dủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Muôn lạy Chúa, giờ đây, xin để tôi tớ này được ra đi bình an theo lời Ngài đã hứa. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."
Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-on vừa nói về Hài Nhi. Ông Si-mê-on chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng -- còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra."
Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-en, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Ðền Thờ, nhưng thường ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.
Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Bản tính con người là muốn được tự do nên chúng ta bực bội, khó chịu khi phải tuân theo luật lệ. Tuy nhiên, nếu ý thức rằng quy luật là để duy trì trật tự chung với mục đích đem lại ích lợi cho mọi người trong cộng đồng, xã hội thì sự hy sinh cá nhân vì ích lợi chung là điều cần thiết. Chúng ta có coi điều răn của Thiên Chúa như kim chỉ nam, dẫn đường cho đời sống chúng ta, hay coi đó như một cản trở sự tự do của chúng ta?
Luca 2:41-52
Hằng năm, cha mẹ Ðức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm cậu giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!"
Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?"
Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
Còn Ðức Giê-su, thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Mỗi một người được sinh ra trong thế gian là nhờ bởi cha mẹ. Tuy nhiên, con cái không phải là sở hữu của cha mẹ mà là sở hữu của Thiên Chúa. Do đó, nhiều khi cha mẹ phải tôn trọng ý kiến riêng tư của con cái và tin rằng Thiên Chúa đã quan phòng cho chúng một hướng đi riêng biệt. Chúng ta có coi con cái và mọi người khác là một phần tử ngang bằng với chúng ta trước mặt Thiên Chúa hay không?
Mátthêu 26:36-42
Bấy giờ Ðức Giê-su đi cùng với các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: "Anh em ngồi lại đây, trong lúc Thầy đi đến đàng kia cầu nguyện".
Rồi Người đưa ông Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy".
Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha".
Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: "Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối".
Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: "Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện".
Luca 22:43-46
Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất. Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: "Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ".
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Các cám dỗ trong đời sống hàng ngày thường xuất hiện dưới nhiều hình thức và càng phổ thông hơn trong xã hội ngày nay. Tỉ như hình ảnh khêu gợi trong báo chí, khuynh hướng hưởng thụ trong các quảng cáo thương mại, hay chủ nghĩa tục hóa trong các chương trình truyền hình. Sự nguy hiểm là khi chúng ta coi những cám dỗ ấy là "bình thường" và từ từ cảm thấy lương tâm "yên ổn". Chúng ta có vui mừng khi thấy lương tâm mình còn "cắn rứt" hay không?
Luke 23: 13-25
Bấy giờ ông Phi-la-tô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: "Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo. Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra".
Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Phi-la-tô phải phóng thích cho họ một người tù. Nhưng tất cả mọi người đều la ó: "Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!"
Ba-ra-ba bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.
Ông Phi-la-tô muốn thả Ðức Giê-su, nên lại lên tiếng một lần nữa.
Nhưng họ cứ một mực la lớn: "Ðóng đinh! Ðóng đinh nó vào thập giá!"
Lần thứ ba, ông Phi-la-tô nói với họ: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra".
Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội. Và ông Phi-la-tô phán quyết chấp thuận điều họ yêu cầu.
Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Ðức Giê-su thì ông trao nộp theo ý họ muốn.
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Trong cuộc sống hằng ngày, một khi nhận biết điều gì là sự thật, chúng ta có can đảm theo đuổi không? Trong xã hội ngày nay, có nhiều điều mà chúng ta biết là sai lầm nhưng vẫn thi hành vì cho rằng "mọi người đều làm như vậy." Tỉ như vấn đề phá thai, gian lận thuế, hưởng trợ cấp xã hội cách gian dối. Sống chân lý không phải là dễ để có thể thực hiện ngay tức khắc. Ðể can đảm sống chân lý, điều quan trọng là kiên trì thay đổi, uốn nắn lương tâm cho ngay thẳng theo đường lối Phúc Âm. Sống chân lý giúp ích gì cho chúng ta?
Matthew 27:27
Bấy giờ lính của tổng trấn đem Ðức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người.
John 19:2-16
Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: "Kính chào Vua dân Do-thái!", rồi vả vào mặt Người.
Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái: "Ðây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy."
Vậy, Ðức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ: "Ðây là người!"
Khi vừa thấy Ðức Giê-su, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền la lên rằng: "Ðóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá !" Ông Phi-la-tô bảo họ: "Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do gì để kết tội ông ấy."
Người Do-thái đáp lại : "Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã tự xưng là Con Thiên Chúa."
Nghe lời đó, ông Phi-la-tô càng lo sợ hơn nữa.
Ông lại trở vào dinh và nói với Ðức Giê-su: "Ông từ đâu mà đến?" Nhưng Ðức Giê-su không trả lời.
Ông Phi-la-tô mới nói với Người: "Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?"
Ðức Giê-su đáp lại: "Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn."
Từ đó, ông Phi-la-tô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do-thái kêu lên rằng: "Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da."
Khi nghe thấy thế, ông Phi-la-tô truyền dẫn Ðức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Ðá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha.
Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái: "Ðây là vua các người!"
Họ liền hô lớn: "Ðem đi! Ðem nó đi! Ðóng đinh nó vào thập giá!" Ông Phi-la-tô nói với họ: "Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?" Các thượng tế đáp: "Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài vua Xê-da."
Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Ðức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Ðức Giê-su đi.
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Khi đối xử với anh chị em, chúng ta có dùng "luật yêu thương" của Ðức Kitô hay chúng ta dùng những "tiêu chuẩn" của xã hội -- là gian dối, lấp liếm, phe cánh, chụp mũ và bịt miệng người khác? Người càng la to khi kết án người khác là cốt để khỏa lấp tội lỗi của mình. Người càng hùa theo đám đông để lên án người khác thì chính họ là kẻ đồng loã. Không ai có thể kết án người khác một khi chính mình cũng có tội. Chúng ta có cố gắng nhìn thấy "cái xà trong mắt mình" trước khi để ý đến "hạt bụi trong mắt người khác" không?
Mark 15:20-22
Sau khi chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc lại áo của mình.
Sau đó, chúng điệu Người đi để đóng đinh vào thập giá.
Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-mon, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Ðức Giê-su.
Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Ðồi Sọ.
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Ðức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: "Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: "Phúc thay những đàn bà hiếm hoi, những lòng dạ không sinh không đẻ, những kẻ không cho bú mớm!" Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Ðổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?"
Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người.
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Ðời sống bất cứ ai cũng có những đau khổ -- dưới hình thức này hay hình thức khác -- do đó đừng tìm cách trốn tránh sự đau khổ. Khi muốn trốn đau khổ mà phải gặp đau khổ, chúng ta sẽ coi đau khổ là điều bất hạnh. Nghĩ cho cùng, đau khổ giúp chúng ta nhận ra thân phận con người -- mỏng manh, bất lực -- để thúc giục chúng ta tìm về Thiên Chúa. Hơn nữa, đau khổ xảy đến là vì hậu quả của sự vô trách nhiệm, cẩu thả, lười biếng, ích kỷ -- nói chung là vì tội lỗi con người. Như vậy, đau khổ không xấu mà chính tội lỗi là điều xấu xa cần phải tránh. Chúng ta coi đau khổ là một hình phạt hay một ơn huệ?
Matthew 27:34-44
Chúng cho Đức Giêsu uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Sau khi đóng đinh Người vào thập giá, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người. Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội Người viết rằng: "Người này là Giê-su, vua người Do-thái".
Bấy giờ, có hai tên cướp cùng bị đóng đinh với Người, một tên bên phải, một tên bên trái. Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, họ vừa lắc đầu vừa nói: "Mi là kẻ phá được Ðền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!"
Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ít-ra-en! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: 'Ta là Con Thiên Chúa!'"
Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.
John 19:25-30; 38-42
Ðứng gần thập giá Ðức Giê-su, có thân mẫu Người, và chị của bà, là bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, và bà Ma-ri-a Mác-đa-la.
Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà."
Rồi Người nói với môn đệ: "Ðây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Sau đó, Ðức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói:"Tôi khát!"
Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người.
Nhắp xong, Ðức Giê-su nói: "Thế là đã hoàn tất!" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Sau đó, ông Giô-xép, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Ðức Giê-su xuống. Ông Giô-xép này là một môn đệ theo Ðức Giê-su nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xép đến hạ thi hài Người xuống.
Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Ðức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương.
Các ông lãnh thi hài Ðức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái.
Nơi Ðức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.
Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Giê-su ở đó.
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Một con thuyền thường gặp sóng gió thì người lái tầu sẽ giầu kinh nghiệm. Một cuộc đời nhiều thử thách thì rất có thể sẽ giúp chúng ta dễ nên trọn lành hơn -- tùy theo cách nhìn của mỗi người. Nếu thử thách được coi như những nhắc nhở yêu dấu của Thiên Chúa thì chúng ta dễ thức tỉnh trước những biến động của đời sống. Một cơn bạo bệnh, một tai nạn khủng khiếp, một thất bại lớn lao sẽ không làm nản chí người có đức tin. Trái lại, những đau thương ấy chỉ càng chứng minh rằng cuộc đời này thật chóng qua, và chỉ có đời sau mới đem lại hạnh phúc đích thực. Chúng ta coi cái chết là ngưỡng cửa để bước vào đời sống mới hay chết là hết?
Matthew 28:1-10; 16-20
Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên Ma-ri-a, đi viếng mộ. Và kìa, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết.
Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hoá ra như chết.
Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: "Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giê-su, Ðấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Ðấy, tôi xin nói cho các bà hay".
Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Ðức Giê-su hay.
Và kìa Ðức Giê-su đón gặp các bà và nói: "Chào chị em!" Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Ðức Giê-su nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó".
Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Ðức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".
Gioan 20:26-29
Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!"
Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."
Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!"
Ðức Giê-su bảo:
"Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.
Phúc thay những người không thấy mà tin!"
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Sự thành công như con dao hai lưỡi, nó thể làm hại chúng ta hoặc cũng có thể giúp chúng ta tiến triển hơn nữa. Nếu thành công đưa đến sự vênh vang, tự đắc thì chẳng khác nào chúng ta sa lầy trong hố sâu tự mãn. Nhưng nếu sự thành công được coi như những khích lệ mà Thiên Chúa giúp chúng ta để chuẩn bị vượt qua những thất bại sắp tới, thì thành công là những viên gạch lót đường cho tương lai. Chúng ta có tìm kiếm sự thành công về phương diện tâm linh không?
TÐCV 1:4-8
Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, "điều mà anh chị em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh chị em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần."
Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?" Người đáp: "Anh chị em không cần biết thời giờ và kỳ hạn mà Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh chị em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh chị em. Bấy giờ anh chị em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất."
Gioan 14:1-3
"Anh chị em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh chị em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh chị em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh chị em, thì Thầy sẽ lại đến và đem anh chị em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh chị em cũng ở đó."
TÐCV 1:9-11
Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì kìa hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giê-su, Ðấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời."
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Là một tạo vật có hồn và xác, chúng ta chịu sự chi phối của đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Khi quá thiên về vật chất, con người trở nên tham lam, ích kỷ và bám lấy niềm vui tạm bợ của vật chất để cố lấp đầy sự khắc khoải trong tâm hồn vì thiếu vắng đời sống tâm linh. Không ai có thể hoàn toàn tách biệt khỏi đời sống vật chất, nhưng nếu có để ý trau dồi đời sống tâm linh thì chúng ta mới có thể không làm nô lệ cho vật chất. Chúng ta có nghĩ rằng niềm vui tinh thần thì lâu dài hơn niềm vui vật chất không?
TÐCV 1:13-14
Vào tới trong thành, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Các ông ấy là: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê.
Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Ðức Giê-su, và với anh chị em của Ðức Giê-su.
TÐCV 2:1-4
Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.
Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
2:14
Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với mười một Tông Ðồ, lớn tiếng nói với họ rằng: "Thưa anh chị em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây.
2:22a-23
Ðức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh chị em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh chị em. Chính anh chị em biết điều đó.
Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Ðức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh chị em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi."
2:37-39
Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Ðồ khác: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?"
Ông Phê-rô đáp: "Anh chị em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giê-su Ki-tô để được ơn tha tội; và anh chị em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh chị em, cũng như cho con cháu anh chị em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi."
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Trong những ơn huệ của Chúa Thánh Thần, ngoài những ơn đặc biệt như ơn nói tiên tri, ơn làm phép lạ còn những ơn tổng quát nhằm thăng tiến con người. Tuy nhiên, để ơn Chúa có hiệu lực, cần có sự cộng tác của con người. Ơn Chúa cũng giống như hạt giống gieo trên mặt đất. Nếu đất đã được canh tác, sẵn sàng trồng trọt thì hạt giống sẽ sinh nhiều hoa lợi. Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để sửa soạn mảnh đất tâm hồn của chúng ta?
Thư Thánh Phaolô gửi Tín Hữu Corintô (15:3-8a;12-14;19)
Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh chị em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Ðức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.
Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Ðồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi.
Nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Ki-tô đã từ cõi chết chỗi dậy, thì sao trong anh chị em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Ki-tô đã không chỗi dậy. Mà nếu Ðức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.
Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn ai hết.
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Ðức Maria được lên trời cả hồn lẫn xác vì ngài đã được Thiên Chúa chọn làm người đầu tiên cộng tác trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, do đó ngài cũng là người đầu tiên được hưởng kết quả của ơn cứu độ, là được sinh ra mà không mắc tội tổ tông và thân xác được phục sinh như Đức Giêsu -- ơn huệ ấy chúng ta cũng sẽ được hưởng khi Đức Giêsu tái giáng lâm. Các bí tích trong Giáo Hội là để giúp con người tiến lên trên con đường cứu độ, chúng ta có quý trọng và thường xuyên sử dụng các bí tích ấy hay không?
Khải Huyền 12:1-10
Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.
Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Ðuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.
Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người.
Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.
Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa.
Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.
Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời:
"Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,
và Ðức Ki-tô của Người
giờ đây cũng biểu dương quyền bính,
vì kẻ tố cáo anh chị em của ta,
ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa,
nay bị tống ra ngoài.
1. Ðoạn Kinh Thánh trên muốn nói gì với bạn? Ý nghĩa đó có thể áp dụng thế nào trong đời sống?
2. Ðức Maria là mẹ Ðức Giêsu và cũng là mẹ của Giáo Hội. Ðể được hưởng tất cả những ơn phúc lộc ấy, Ðức Mẹ đã kiên trì trung thành với hai chữ "Xin Vâng" trong suốt cuộc đời -- nhất là khi đau khổ đứng dưới chân thánh giá. Chúng ta có Mẹ Maria để chạy đến khi cần sự an ủi, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần. Quan trọng hơn nữa, Mẹ Maria là gương mẫu của sự cầu nguyện và tin tưởng. Chúng có noi gương Mẹ trong việc rèn luyện tâm linh và can đảm vác thập giá mình theo Ðức Kitô?
Câu Hỏi Gợi Ý Suy Tư của Pt Giuse Trần Văn Nhật