Hai thứ này có khác nhau không? Thưa có và khác nhiều lắm, tuy mới nhìn hay mới đọc qua thì xem ra không có gì khác, vì trong cả hai đều có hát và lễ cả. Nhưng phải phân tích thì mới thấy khác và cái khác đó sẽ cho thấy tất cả ý nghĩa của sự việc.
Trước hết là hát lễ. Hát lễ là hát các phần đoạn trong thánh lễ, phần nào ra phần nấy, nhập lễ ra nhập lễ, đáp ca ra đáp ca, tung hô ra tung hô... Mỗi phần đoạn của thánh lễ đều có hình thể âm nhạc riêng và cung cách hát thích hợp. Về điểm này, Qui Chế Tổng Quát sách lễ Rô-ma nói rõ như sau: Khi cộng đoàn đã tập họp thì bắt đầu hát ca nhập lễ, đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào. Bài ca này có mục đích mở đầu việc cử hành thánh lễ, giúp cộng đồng thêm hiệp nhất, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ và đi đôi với cuộc rước của vị tư tế và các người giúp lễ.
Ca nhập lễ được hát như sau: hoặc luân phiên giữa ca đoàn và cộng đồng, hoặc luân phiên giữa một ca viên và cộng đồng, hoặc tất cả do cộng đồng hát hay do một mình ca đoàn hát mà thôi. Có thể dùng điệp ca Graduale simplex, hoặc dùng bản hát nào phù hợp với cử hành phụng vụ, với tính chất của ngày lễ hay mùa phụng vụ. Bản văn này phải được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận. (số 47,48)
Hát là điều cần thiết để tăng phần long trọng cho buổi lễ và nhất là giúp cộng đồng tham dự thánh lễ tích cực và linh động hơn, như hiến chế Phụng vụ nêu rõ: Hành động phụng vụ mặc lấy một hình thức cao quí hơn, khi các việc phụng tự được cử hành long trọng trong tiếng hát, có các thừa tác viên thánh hiện diện và dân chúng tích cực tham gia. (số 113)
Như thế, hát là cần. Không những cần mà còn quan trọng nữa theo Qui chế tổng quát sách lễ Rô-ma: Thánh tông đồ khuyên Ki-tô hữu, lúc hội họp trông đợi Chúa đến, hãy cùng nhau hát những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thánh Thần linh hứng (x. Cl 3,16). Quả vậy, hát là dấu chỉ niềm vui trong tâm hồn (x. Cv 2,46). Bởi đó thánh Au-tinh nói đúng: Người nào yêu thì hát. Và ngay từ ngàn xưa, câu: "Ai hát hay, hát đúng là cầu nguyện gấp đôi" đã trở thành ngạn ngữ.
Vậy, việc sử dụng ca hát khi cử hành thánh lễ phải là điều quan trọng, miễn là lưu ý đến bản sắc của mỗi dân tộc và khả năng của mỗi cộng đồng phụng vụ. Tuy nhiên, không nhất thiết luôn luôn phải hát tất cả những bản văn dành để hát, ví dụ: trong các lễ theo ngày trong tuần, nhưng dứt khoát phải lo sao đừng để thiếu các bài hát cho thừa tác viên và cộng đồng trong các buổi cử hành vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.
Nhưng khi chọn lựa những phần để hát thực sự thì hãy dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do vị tư tế, hoặc phó tế hay độc viên hát, có cộng đồng đáp; hoặc những phần mà cả vị tư tế và cộng đồng cùng hát. (số 39,40)
Trên đây có nói là dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn. Nhưng phần nào là phần quan trọng hơn? Một trong những phần quan trọng hơn là đáp ca vì là phần chúng ta đáp lại lời Chúa mới nghe trong bài đọc. Phần này do một người hay ca đoàn hát rồi cộng đồng đáp lại. Chỗ để một người hát là giảng đài. Giảng đài chỉ để công bố, giảng lời Chúa, hát đáp ca, đọc lời nguyện giáo dân, hát bài ca Exsultet trong đêm Vọng Phục sinh, không dùng để tập hát cho cộng đồng. Từ trước đến nay, phần này chưa được hiểu đúng và dành cho một vị trí xứng hợp. Nay Qui Chế sách lễ Rô-ma xác định: Nên hát thánh vịnh đáp ca, ít là câu đáp của cộng đồng. Người đọc hát thánh vịnh, hoặc xướng các câu thánh vịnh tại giảng đài, hay tại một nơi thuận tiện, đang khi toàn thể cộng đồng ngồi nghe và thường lại còn tham dự bằng những câu đáp, trừ khi thánh vịnh được hát liên tục không có câu đáp. Tuy nhiên, để cộng đồng có thể hát thánh vịnh đáp ca dễ dàng hơn, một số bản văn đáp ca và thánh vịnh đã được chọn sẵn cho từng mùa trong năm hoặc cho từng loại thánh nhân, để mỗi khi hát thánh vịnh, có thể dùng các bản văn này thay cho bản văn tương ứng với bài đọc. Nếu không thể hát thánh vịnh, thì đọc cách nào cho phù hợp để giúp suy niệm lời Chúa. (số 61)
Thánh vịnh đáp ca là để hát. Nếu không hát thì mới đọc. Ðã rõ là ở đây phải hát hay đọc thánh vịnh, chứ không hát hay đọc những gì khác. Thánh vịnh là chủ yếu. Nếu không hát hay đọc thánh vịnh đi liền với bài đọc thì có thể dùng các thánh vịnh đã chọn sẵn như nói ở trên. Các ca đoàn thường thích hát các bài họ cho là hay ở đây thay vì hát thánh vịnh, bởi vì họ cho hát thánh vịnh là buồn. Các vị có trách nhiệm trong vấn đề ca hát trong thánh lễ và các ca trưởng nên lưu tâm uốn nắn và điều chỉnh lại quan niệm này, vì nó rất tai hại cho thánh nhạc chân chính và làm cho người ta hiểu sai về vai trò đúng đắn của việc ca hát trong thánh lễ. Hát trong thánh lễ không phải là hát cho vui như ca hát ở phòng trà, tại các tụ điểm ca nhạc hay trên sân khấu, mà là hát với tất cả lòng tin và nghệ thuật hầu diễn tả được nội dung hay, đẹp và thâm thúy của lời ca để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Hát trong thánh lễ phải chú trọng đến lời ca trước giai điệu. Thử hỏi được mấy nhà thờ của chúng ta hiện nay chú trọng đến vấn đề này. Thành ra các ca đoàn mặc sức thao túng và đàn hát trống phách như thách thức cả nghệ thuật. Ðiều khổ tâm là không mấy người biết để mà nói, mà có biết lại cũng không dám nói. Như vậy, cần phải có một tiếng nói thẩm quyền lên tiếng về vấn đề này.
Ngày trước, ca dâng lễ rất được chú trọng. Trong ca mục hiện nay, ca dâng lễ chiếm một số lượng khá lớn. Nhưng trong thánh lễ bây giờ không còn ca dâng lễ nữa. Dâng lễ trở thành một phần phụ thuộc. Do đó, ca dâng lễ có thể hát hay không hát tùy ý. Trong phần này, bây giờ chỉ thấy nói đến chúc tụng. Mở đầu chủ tế chúc tụng và đáp lại giáo dân cũng chúc tụng. Cho nên ở đây từ chỗ dâng tiến đã chuyển sang chúc tụng. Ðàng khác, phụng vụ coi đây là phần phụ thuộc chuyển tiếp từ phần phụng vụ lời Chúa sang phụng vụ Thánh Thể, nên không muốn long trọng hóa phần này, Bởi vậy, nếu long trọng hóa phần này như thấy ở nhiều nơi trong các dịp lễ lớn với màn gọi là thánh vũ từ dưới đi lên cung thánh, thì thiết tưởng không hợp với ý nghĩa phụng vu.
Còn ngoài ra là giáo dân cũng như ca đoàn hát các câu đối đáp giữa chủ tế và cộng đoàn, các câu tung hô và bộ lễ. Bộ lễ là để cho cộng đoàn và ca đoàn cùng hát. Nhiều khi chỉ có ca đoàn hát thôi, nhất là trong những lễ trọng hay đặc biệt, vì ca đoàn nghĩ rằng những dịp đó phải dành riêng cho ca đoàn hát những bài mới lạ mới long trọng. Về các câu tung hô hay đối đáp giữa chủ tế và cộng đoàn hiện nay chưa thấy phổ biến bao nhiêu, một phần vì không được nhắc bảo, một phần vì những câu đó không thấy có, hay ít được biết đến.
Còn một phần hát nữa trong thánh lễ là hiệp lễ. Trong phần này, cộng đoàn lên rước lễ vừa đi vừa hát những bài theo ý ca hiệp lễ, hay những bài có những tâm tình kết hợp, thờ phượng mến yêu Chúa Giê-su vừa ngự vào tâm hồn tín hữu. Cũng có thể cộng đoàn rước lễ xong rồi về ghế ngồi hát chung với ca đoàn, hoặc nghe ca đoàn hát. Ðây là phần ca đoàn có thể hát riêng những bài ca chọn lọc có tính nghệ thuật cao. Nhưng phải là những bài về Chúa với những tâm tình thờ phượng mến yêu cảm tạ. Sở dĩ như vậy là vì Chúa đến viếng thăm linh hồn ta trong lúc này. Ta không thể để Người ở đó rồi lại đi trò chuyện tiếp rước một vị khác.
Cuối cùng là bài hát kết lễ. Bài này theo phụng vụ không cần thiết, vì bấy giờ hết lễ rồi. Nhưng ở Việt nam có thói quen kính Ðức Mẹ và các thánh trong lúc này nên có thể hát những bài liên hệ. Vì là những bài hát ngoài khung cảnh phụng vụ nên được tự do chọn lựa rộng rãi hơn. Tuy nhiên, phụng vụ khuyên là không nên hát dài vì lễ đã hết và đây là giờ phút ra về hay đúng hơn ra đi, lên đường loan báo Tin Mừng mới nghe và hồng ân mới nhận được, để chia sẻ cho những người ta sẽ gặp gỡ.
Nói đến hát lễ mà không nói đến đàn lễ thì kể là còn thiếu, vì đàn hát thường đi đôi với nhau. Ðàn là để đệm cho hát và hát mà có đàn, bầu khí sẽ tưng bừng vui tươi, phấn khởi và dễ hát hơn. Nhưng phải là đàn thế nào cho hợp. Hiện nay đàn điện tử rất thịnh hành và phổ cập. Hầu hết các nhạc công đều dùng đàn điện tử. Ðàn điện tử mà chơi cho đúng kiểu của nhà thờ, cũng có thể góp phần vào việc thờ phượng và giúp tín hữu nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. Nhưng trái lại, nếu nhạc công không học cho biết đệm đàn theo lối nhà thờ, thì nhà thờ sẽ biến thành phòng trà hay tụ điểm ca nhạc, theo những nhạc điệu nhà chế tạo đàn đã làm sẵn, và nhạc công chỉ mở nút ra là có thể đệm được các bài hát. Trớ trêu thay! Giới trẻ lại thích kiểu đệm đàn này và dường như chỉ quen với nó, thành ra ai muốn nói gì thì nói, nhà thờ mà không đệm theo lối này thì họ sẽ cho là buồn. Một số cha sở sợ họ buồn không đi nhà thờ nữa hay đi nhà thờ khác, nên đành nhắm mắt làm ngơ cứ để cho họ đệm đàn theo lối này. Hiện nay có những lớp dạy đệm đàn theo phụng vụ, nhưng chẳng mấy người chịu học, vì đàn phụng vụ đòi hỏi và mất thời giờ nhiều hơn, còn đàn nhịp điệu lại mau, vui vẻ và hấp dẫn hơn.
Còn một điều cần nói nữa là tiếng hát và cách hát. Làm thế nào cho tiếng hát được ngọt ngào, dễ nghe và truyền cảm, đó phải là mối bận tâm của những người hát và lo việc ca hát. Mối bận tâm này chỉ có thể giải quyết bằng sự chú ý và bằng cách luyện tiếng qua môn thanh nhạc. Phải chú ý khi hát. Hát phải có hồn, tâm trí phải để vào việc hát. Hát làm sao diễn tả được tâm tình và ý nghĩa qua điệu nhạc và lời ca. Hát mà không chú ý đến giọng mình hát, tiếng mình ca xem có diễn tả, lôi cuốn gì không thì thật là vô nghĩa. Ngoài ra là cách hát. Hát trong nhà thờ là để cầu nguyện và giúp người khác cầu nguyện. Vì vậy, không thể hát ào ào hay hát theo lối trình diễn như các ca sĩ mà phải hát chung với nhau, nhẹ nhàng, thanh thản với lòng tin mạnh mẽ và ý thức rõ ràng.
Bây giờ đến lễ hát. Lễ hát là một buổi lễ trong đó có hát. Thường trong lễ hát có hai khuynh hướng: một là hát cho rầm rộ, linh đình với đàn trống âm thanh tuyệt hảo và ca đoàn hùng hậu, nhất là khi lễ hát là lễ lớn; hai là muốn hát gì thì hát, miễn là trong bài hát có nói đến Chúa, đến Mẹ, còn bất kể bài hát có hợp với phần đoạn trong thánh lễ hay có theo một hình thể sáng tác nào phù hợp hay không. Những lễ hát này rất tưng bừng rộn ràng. Trong lễ người ta chỉ cần có hát mà hát cho hay nghĩa là hát lớn tiếng, sôi nổi, lôi cuốn theo quan điểm quần chúng, những bài hát cung giọng giống nhạc người ta quen hát ngoài đời. Hình thức hát này đã ngự trị trong rất nhiều nhà thờ vào cuối thập niên 70, đầu 80, khi phong trào nhạc vào đời thịnh hành và khi các ca đoàn chiếm địa vị gần như độc tôn. Tình trạng này cũng dễ hiểu vì thời đó thanh niên thiếu nữ không có nhiều việc để làm và cũng có ít nơi để vui chơi giải trí, nên dễ tập trung lại trong các ca đoàn. Ca đoàn bấy giờ vô hình trung trở thành nơi hội họp vui chơi ca hát cho những người trẻ. Phải mãi đến năm 1987, 1988 mới có hai thông cáo của Ðức Cố Tổng Giám Mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình đưa ra nhằm chấn chỉnh lại tình trạng thả nổi của thánh ca. Nhưng nói chung, kết quả từ ấy đến nay chẳng được bao nhiêu, vì từ trên xuống dưới, ít người hiểu biết và để ý đến thánh nhạc và cho đây là một vấn đề đáng lưu tâm. Thêm vào đấy là ảnh hưởng của đài phát thanh truyền hình, phòng trà, tụ điểm ca nhạc nữa. Nhiều người không biết thánh nhạc, không nghe thánh nhạc thứ thiệt, không được hướng dẫn về thánh nhạc thì làm thánh nhạc hay hiểu thánh nhạc sao cho đúng được? Thực ra, không phải là không có người dạy, không có lớp dẫn vào thánh nhạc, nhưng phần đông chẳng mấy ai để ý và tỏ ra hết sức hững hờ. Thái độ này khiến cho những người làm hay hoạt động thánh nhạc nản chí và không còn muốn mất thời giờ và hao công tốn sức làm chi.
Xem đấy thì hát lễ và lễ hát là hai thứ khác nhau. Qui chế tổng quát sách lễ Rô-ma, hiến chế Phụng vụ và các Huấn thị về Thánh nhạc dạy chúng ta phải dành ưu tiên cho hát lễ. Song song với quan niệm đúng đắn này là nỗ lực của các cha sở, ca trưởng, ca viên và mọi người trong cộng đồng dân Chúa làm sao cho việc hát xướng ở nhà thờ thành một việc thờ phượng. Công việc này cần được chuẩn bị chu đáo và cử hành với tất cả sự trân trọng và lòng mến yêu nghệ thuật cùng với tinh thần đạo đức chân thành./.