Trong bản tin của trang Religion News Service ngày 21 tháng Hai, 2014, ký giả Ron Csillag viết: Người Công Giáo ở Ottawa không còn được phép đọc bài điếu văn trong Thánh Lễ An Táng, vì đức tổng giám mục địa phương đã ra chiếu chỉ như thế.
Chiếu chỉ ngày 2 tháng Hai của Đức Tổng Giám Mục của Ottawa Gia Nã Đại là Terrence Prendergast nhắc nhở các tín hữu rằng, “Trong tang lễ Công Giáo, chúng ta tụ họp không phải để ca tụng người chết, nhưng để cầu nguyện cho họ.”
Trái với sự tin tưởng thông thường, các bài điếu văn “thì không phải là một phần trong nghi thức an táng Công Giáo, nhất là trong khung cảnh Thánh Lễ,” chiếu chỉ này nói rõ như thế. Nhiều người Công Giáo không biết điều này.
Các linh mục được “mạnh mẽ” thúc giục hãy khích lệ giáo dân lên tiếng nói về người thân yêu của họ ở ngoài Thánh Lễ -- trong nhà quàn, buổi tiệc trà, hay trong hội đường giáo xứ.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Gia Nã Đại (CBC), Đức Prendergast nhìn nhận rằng các bài điếu văn trong tang lễ Công Giáo “đã lẻn vảo” nhưng “trên phương diện kỹ thuật, các sách hướng dẫn chúng tôi là không nên cho phép”.
Tuy nhiên, ngài nói rằng giáo hội phải đối diện với những áp lực ngày càng gia tăng từ các tang gia là phải ca tụng nhiều, và ngay cả có thêm nhiều bài điếu văn trong tang lễ.
Đối phó với vấn đề đó, chiếu chỉ này cho phép “những lời tưởng nhớ” được đọc trong tang lễ, nhưng với ba điều kiện: Đọc trước khi cử hành Thánh Lễ An Táng; dài một trang và đọc khoảng từ ba đến bốn phút, có nhắc đến “đời sống đức tin” của người quá cố; và phải được đọc ở một chỗ khác với nơi đọc sách thánh.
Đức Prendergast nói rằng người Công Giáo đã mất “cảm nhận về tầm quan trọng của Thánh Lễ An Táng, nơi chúng ta cầu nguyện cho người quá cố. Hầu như người ta muốn phong thánh cho người chết. Tôi hy vọng là họ sẽ không làm điều đó đối với tôi bởi vì tôi biết rằng tôi sẽ lên thiên đường với lời cầu nguyện của các tín hữu.”
Trong nước Gia Nã Đại, một trường hợp tương tự cũng được nêu lên vào năm 2003, khi đức giám mục của Calgary, Fred Henry, đưa ra một lá thư mục vụ để cấm các bài điếu văn trong Tang Lễ Công Giáo.
(http://www.religionnews.com/2014/02/21/canadian-archbishop-bans-eulogies-funeral-masses)
Qua bản tin này tôi thấy nhiều người Công Giáo Việt Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự khi có người thân yêu qua đời. Tôi đã từng tham dự các Thánh Lễ An Táng và trong phần cảm ơn trước Nghi Thức Tiễn Đưa, tang gia thay phiên nhau lên bày tỏ cảm tưởng với người quá cố. Dĩ nhiên là thương tiếc và đề cao thay vì chú trọng đến việc cảm ơn mọi người đã hy sinh thời giờ đến tham dự Thánh Lễ để cầu nguyện cho người thân yêu của mình. Dường như tang gia nghĩ rằng Thánh Lễ An Táng là của họ, chứ không phải của Giáo Hội. Họ tự cho mình những ưu quyền nào đó mà quên rằng họ vẫn chỉ là một phần tử trong Giáo Hội, một tổ chức có phẩm trật!
Cái chết là một điều bi thương cho bất cứ ai, dù có liên hệ với người chết hay không. Bởi đó, tang gia không cần phải bày tỏ sự thương tiếc của mình bằng tiếng khóc thê lương, bằng những kể lể đầy nhung nhớ trong Thánh Lễ An Táng, bởi vì điều nguy hại ở đây là họ đã quên đi niềm hy vọng nơi Chúa Kitô Phục Sinh. Nếu người Công Giáo thực sự tin rằng “chết không phải là hết” và “một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại người thân yêu” nhờ vào quyền năng phục sinh của Chúa Kitô thì tại sao chúng ta lại coi cái chết như một sự chia lìa vĩnh viễn?
Trái với thái độ tuyệt vọng thương tiếc là thái độ lạc quan quá đáng khi đề cao người từ trần. Có lẽ người Việt chúng ta bị ảnh hưởng bởi văn hóa bản xứ, họ cho rằng một người bình thường, không phạm những tội ác hiển nhiên, khi chết họ sẽ lên thiên đường! Giáo Hội Công Giáo dậy rằng sau cái chết, linh hồn sẽ ở vào một trong ba tình trạng: hoặc bị luận phạt ở hỏa ngục, hoặc được thanh tẩy ở luyện tội, hoặc được thưởng ở thiên đường, và chỉ có Thiên Chúa mới biết được linh hồn ấy đang trong tình trạng nào. Giáo Hội tin rằng mọi người đều có những bất toàn cần được thanh tẩy trước khi được diện kiến Thiên Chúa. Do đó mới có luyện tội. Khi tang quyến “phong thánh” cho người chết, hậu quả mà họ không nghĩ đến là người tham dự tang lễ sẽ nghĩ rằng nếu người chết đã lên thiên đường thì còn cần gì đến lời cầu nguyện của họ!
Thực sự thì chỉ một mình Thiên Chúa mới biết được con người thật của chúng ta như thế nào. Có khi quãng đời còn trẻ thì bê bối, tội lỗi, đến khi về già mới ăn năn hoán cải, nhưng tội lỗi gây ra thì vẫn còn đó mà chưa được đền trả. Thiên Chúa thì vô cùng yêu thương nhưng cũng vô cùng công bằng. Tội của chúng ta đối với Thiên Chúa thì Người sẵn sàng tha thứ, nhưng tội của chúng ta đối với tha nhân thì vẫn phải được đền bù bằng cách nào đó, không ở đời này thì ở đời sau. Và một linh hồn trong luyện tội thì không còn khả năng đền bù tội lỗi của mình mà họ cần đến lời cầu nguyện -- nhất là những hy sinh hãm mình -- của người còn sống. Bởi đó mới có đọc kinh cầu nguyện ở nhà quàn và Thánh Lễ an táng.
Giáo Hội là người Mẹ đầy yêu thương nên không thể để con cái của mình tin tưởng cách lầm lạc. Giáo Hội cần phải dậy bảo để duy trì tính cách hợp nhất của Giáo Hội Công Giáo. Những lời khuyên của Đức Tổng Giám Mục Ottawa cũng là điều cần được giáo dân Việt Nam chúng ta lắng nghe. Tang gia không nên làm áp lực với các linh mục chủ tế dưới bất cứ hình thức nào, dù là sự thân quen hay tài chánh, để được thi hành các ý định riêng tư của mình trong Thánh Lễ An Táng, hoặc trong phần Lời Nguyện Chung hoặc trong phần cảm tạ cuối lễ. Chúng ta có thể thi hành bất cứ gì chúng ta muốn trong nhà quàn, trong buổi tiệc trà sau tang lễ, v.v., nhưng không trong Thánh Lễ.
Trong kinh Tin Kính, ngoài đức tin nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta còn phải tin vào Giáo Hội. Niềm tin này phải được thể hiện cách thực tế trong đời sống giáo dân về nhiều khía cạnh, một trong những khía cạnh đó là vâng phục các quy tắc của Giáo Hội về Thánh Lễ An Táng.