Người Công Giáo hát trong nhà thờ là để cầu nguyện, cầu nguyện chung, chứ không phải để trình diễn, khoe khoang, cũng không phải để thoả mãn sở thích riêng tư (lòng hiếu nhạc, mối cảm tình với một tác giả hoặc với một bản nhạc nào đó). Do đó, nhạc điệu phải trang nghiêm, đứng đắn, gây không khí cầm trí, hướng tâm hồn lên cùng Chúa, chứ không thể ồn ào như chợ vỡ, không thể rậm rật, giật gân như ở tiệm nhẩy, cũng không thể tầm thường hàng chợ như trên sân khấu.
Thánh ca Công Giáo cần phải mặc lấy cái đĩnh đạc, thuần khiết, thoát tục, sốt sáng của nhạc Bình ca (Plain chant). Theo đà tiến bộ khoa học, thánh ca rất nên ứng dụng kỹ thuật hoà âm, đối âm...; theo cảm quan riêng của từng dân tộc, từng miền; cho khỏi mất gốc, lai căng, thánh ca còn cần phải mang những sắc thái, những âm hưởng độc đáo phù hợp với ngôn ngữ, với phong tục, văn hoá của từng miền từng xứ. Nhà soạn nhạc nào cũng làm như vậy, từ Mozart, Bach đến Franck, Bruckner, họ đều múc nguồn từ những bản dân ca quê hương của họ. Chỉ riêng có một số tác giả công giáo Việt Nam hiện nay là chạy theo, nhái lại, bắt chước thiên hạ, và coi đó là tân tiến, là hãnh diện. Nực cười hơn nữa là trong khi người ngoại quốc nghiên cứu âm nhạc Việt Nam để khai thác những tinh hoa mà họ khám phá được (thực sự họ đã làm từ hai chục năm nay), thì chính ta lại bỏ mồi bắt bóng, đi học mót lại những gì họ đã xài nát và đào thải.
Cũng khoảng hai chục năm nay, ngay tại nhiều chủng viện, không còn dạy về Bình ca của Giáo Hội, nói chi đến nhạc truyền thống Việt Nam, cho nên ai cũng coi là việc dĩ nhiên khi hầu hết những tác giả thánh ca vọng ngoại nhất, gây sóng gió nhất, “phá phách” nhất, lại là những chủng sinh hoặc sựu chủng sinh. Họ trở thành những khách lạ ngay trên quê hương thiêng liêng cũng như trên quê hương trần thế của mình. Tuổi trẻ hăng say của họ đã lôi cuốn một thế hệ vào quỹ đạo. Ðó là mối ưu tư to lớn của những vị lãnh đạo phần hồn hiện nay. Ðã đành là tuổi trẻ phải có loại nhạc thích hợp, nhưng nhạc trẻ không có nghĩa là đưa “đời” vào “đạo” (chắc ai cũng dư biết rằng không phải cứ nhẩy câng lên như con choi choi mới là vui, không phải cứ gào lên, dấm dẳn, giật cục như người mất thăng bằng thần kinh mới là trẻ), càng không phải là phàm tục hoá những lễ nghi phụng vụ, biến nhà thờ thành phòng trà, tiệm nhẩy. Hội đồng thánh nhạc không còn hoạt động nữa, mà chỉ còn có những cố gắng âm thầm lẻ tẻ mong cứu vãn phần nào cái hoàn cảnh đầy đe doạ này. Lớp trẻ muốn học hỏi mà không có chỗ, bất đắc dĩ phải theo những lớp cấp tốc “3 tháng thành tài”, hoặc là học lóm những ngón đàn của những nhạc sĩ mà họ, muốn hay không, cũng phải nghe hàng ngày, hàng phút, hoặc nhái lại những nét nhạc mà họ bắt gặp trong những bài đời được phổ biến. Liều hơn nữa là họ lấy cả những bài đời không có một chút tính cách gì tôn giáo hoặc cầu nguyện, đặt lời ca, đem hát trong thánh đường (như những bài Love Story, Sealed With A Kiss, Jingle Bells). Kể thì cũng “nhất cử lưỡng tiện”, cũng những điệu nhẩy đó, cũng những nét nhạc, những công thức đó, xài đã ở ngoài đời, nay lại đem xài lại trong thánh đường, chẳng phải học thêm gì, chẳng cần suy nghĩ sáng tạo gì. Ðời xâm nhập đạo một cách ngang nhiên. Hàng chục năm trước đây, nhạc nhẩy đầm đã tiêm nhiễm mãnh liệt sâu xa vào tâm hồn họ, những cơ hội để xài thứ nhạc đó bây giờ rất hạn chế, thành thử thánh đường là nơi duy nhất để họ giải toả thèm khát, đồng thời cũng “rải độc” sang người khác.
Ðối địch với cái đà “đời vào đạo” thì phải kể tới phong trào trình diễn. Ở đây, phần âm nhạc được quan niệm đứng đắn hơn, công phu hơn, nhưng cũng vọng ngoại và cũng sao lãng mục đích cốt yếu là cầu nguyện. Những dịp đại lễ như Giáng sinh, Phục sinh, Nguyên đán, lễ truyền thống chẳng hạn, nếu có trình diễn thì cũng được đi, miễn là đừng rùm beng hào nhoáng bề ngoài. Ðiều đáng trách là có người lúc nào cũng chỉ nghĩ đến trình diễn. Bài hát thì dài dòng quá khổ lễ nghi, khiến chủ tế đứng chờ mỏi cẳng, làm lệch lạc tầm quan trọng của từng phần thánh lễ. Sáng tác thì cầu kỳ, nhiều bè một cách không cần thiết, thiếu hoà hợp (các bè trộn lộn, không làm nổi bật được ý nhạc chính), bút pháp thì nhai đi nhai lại kiểu 1950 (mười bài giống nhau cả mười), sính ngoại (cố tung những bài ca những tác giả lớn ngoại quốc, soạn cho ca sĩ nhà nghề, đặt lời của tiếng Việt một cách miễn cưỡng, sai ý, sai nghĩa, nhiều khi ngược chữ, không thuận với hướng của nét nhạc, hát lên không nghe ra tiếng Việt), thời thượng (snobisme, ưa làm ra cái vẻ “ta đây tiền tiến”, đã hát thì hát những bài có giá trị quốc tế, tự đặt mình lên cấp bậc thượng đẳng xa rời đại chúng). Với tinh thần đó, họ hát trong nhà thờ không còn là để cầu nguyện nữa, mà là để khoe kiến thức, thoả mãn tính kiêu ngạo. Ðại đa số ca đoàn, ca viên còn “kính nhi viễn chi” thì tín hữu nói chung nhất định phải làm khán thính giả thụ động, không thể trực tiếp tham dự như Công đồng Vaticano II muốn. Họ là những người đã ít nhiều thấm nhuần văn hoá ngoại quốc, nhưng đáng tiếc là họ đã coi rẻ văn minh văn hoá dân tộc, nhất là chẳng chịu tìm hiểu gì về âm nhạc truyền thống Việt Nam, chỉ biết mù quáng tin vào nhạc Âu Mỹ.
Xét cho cùng thì hai khuynh hướng vừa kể chỉ là sự tha hoá, chối bỏ bản ngã, trước hết là bản ngã Kitô hữu, sau đó là bản ngã con dân Việt Nam.
Ðã là bài hát thì nhạc điệu không thể tách rời khỏi lời ca, và nhiều khi lời ca còn quan trọng hơn cả nhạc điệu nữa. Ví dụ những Kinh Thương xót, Vinh danh... trong Thánh lễ Mi sa, kinh Lạy Cha, kinh Tạ ơn (Magnificat) v.v... Ðánh giá phần âm nhạc của một bài hát thường đòi hỏi một mức kiến thức âm nhạc khá cao; chứ phần lời ca thì người có mức văn hoá trung bình nào cũng có thể xem xét được. Và chắc những người đó không thể không buồn lòng khi thấy nhiều bản thánh ca chỉ tán hươu tán vượn về những cảm nghĩ cá nhân, hưởng lạc (xin ơn này ơn nọ, than thân trách phận, mong cho chóng về thiên đàng), tuyệt nhiên không nói đến những nỗ lực của mình để sống theo thánh ý Chúa, làm rạng danh Người, giúp đỡ anh chị em. Ðáng lẽ phải nêu lên những ý Thần học, những lời Kinh thánh, những Tin Mừng, những điều Tín lý, thì chỉ thấy than khóc, vòi vĩnh, với giọng văn tiểu thuyết tầm thường. Vì thiếu ý thức về ngôn ngữ Việt Nam, nên lời ca đặt rất trái dấu; đáng kể nhất là dấu hỏi bị đồng hoá với dấu sắc (”Mở cửa” hát lên thành “mớ cứa”, “Canh tân hoà giải” hát lên thành “Canh tân hoà...”). Dân ca ba miền Việt Nam cũng như tân nhạc phần đời, đều cho dấu hỏi đi vòng xuống trầm rồi mới đi lên, chỉ riêng một số bài thánh ca hiện nay là cho dấu nó đi lên thẳng.
Phàm bài nhạc nào cũng phải có bố cục các câu cho nó có liên lạc với nhau, tạo nên những mô thức như A A' A B, A A' B B', A A' B A', v.v... Vậy lời của cũng phải làm nổi bật mối liên hệ đó bằng cách hiệp (gieo) vần ở cuối câu. Nếu một câu nhạc được chia ra thành từng chi (membre de phrase) thì lời ca của những chi này cũng phải làm như vậy. Không thể viện cớ “tự do” để tránh né, vì sẽ làm cho ý nhạc lạc lõng, rời rạc, mâu thuẫn, khi được hát lên với lời ca. Có thể ví câu A (hoặc B) như câu hỏi, mà câu A' (hoặc B') là câu đáp. Vậy hỏi/đáp phải đi với nhau, không thể hỏi một đàng, đáp một nẻo; nhất là khi phần nhạc đã hỏi/đáp đàng hoàng rồi. Cuốn Thánh Ca Tôn Vinh Ðức Chúa Trời của Hội Tin Lành Việt Nam xuất bản năm 1950, đáng làm gương mẫu cho nhiều người qua 455 bài rất chỉnh về phương diện hiệp vần. Ðáng buồn là có những tác giả khi mới “ra đời” thì rất chu đáo, nhưng khi đã được biết đến ít nhiều thì xoay ra “bừa phứa”, coi thường người sử dụng.
Một mối nguy hiểm khác là một số người đã dùng lời Kinh Thánh một cách úp mở để “câu” giới trẻ; Nhã Ca của Vua Salomon không còn mang ý nghĩa thiêng liêng về sự khăng khít giữa Chúa Cứu Thế và Hội Thánh nữa, mà là những mẩu tâm sự khao khát vụn vặt của tuổi dậy thì, đang khủng hoảng về dục tính. Khi hát những câu như “Tôi đi tìm người yêu”, “người yêu tôi hỡi”, “Chúa đến thăm ta không như người thường, mà như người tình nhân đến ban đêm”, giới trẻ thích lắm, vì tha hồ mà hiểu ngầm, người có tuổi thì thấy sượng sùng làm sao, và không khỏi ngơ ngác tự hỏi rằng tác giả những câu ca đó có phải là người Việt Nam không? Và nếu là người Việt Nam thì có hiểu phong tục, tập quán và văn chương nước nhà không mà dùng lời văn ướt át cỡ đó trong một bài hát cầu nguyện? Dĩ chí có những bài “rối đạo” tỏ tường, mà chỉ vì đã có một ca đoàn nào đó đã dùng, “bà con” cứ thế bắt chước. Bản AVE MARIA của Schubert, lời của PD có câu: “Ðoàn con xin Mẹ âu yếm nối cho lành duyên” (dễ thường ai hát bài đó cũng là kẻ đang thất tình, hoặc lâm vào cảnh “cơm chẳng lanh canh chẳng ngọt” hay sao?), nhất là câu: “Hãy ban cho hương đời tan vỡ trong ngày qua và đưa tới nơi mơ hồ” (kẻ có đức tin, tin có hồn xác, tin có đời sau, thưởng phạt phân minh, sao lại mơ hồ được?). Xin nói thêm rằng mấy bài vừa kể đã được hát ở trung tâm thành phố, trong những thánh đường quan trọng, chứ không phải ở những nơi họ lẻ.
Ý Hội Thánh là nếu hát trong lễ Misa thì phải hát những lời Kinh Thánh đã được trích riêng dành cho mỗi ngày lễ. Nhưng rất nhiều nơi không quan tâm tới điều đó, thích bài nào là hát bài ấy, chẳng ăn nhập gì với chủ đề của lễ. Thiết tưởng, nếu không có bài “đúng chỉ tiêu” thì cũng nên tìm bài nào có đề tài gần với “chỉ tiêu” mới phải. Có người sắm được cây Organ điện tử có bộ phận đánh trống các điệu nhẩy đầm, bỏ không dùng thì sợ phí uổng, nên bất cứ bài nào cũng mở bộ phận đó, hoặc điệu này, hoặc điệu nọ (!!!) như vậy làm sao có thể đệm được những bài theo sát thánh văn?
Tóm lại, phần lời ca trong những bản thánh ca còn đem lại nhiều ưu tư khác nữa cho những ai ước mong tìm được sự hoà hài giữa nhạc và lời, sự trang trọng, nghiêm chỉnh, xứng đáng, khi Lời Chúa được đem ra phổ nhạc, không khí và sức mạnh cầu nguyện khi những điệu hát đó được cất lên.