Thường các bài hát trong nhà thờ phải đúng giáo lý và hợp với phụng vụ. Vì vậy các bài đó cần phải được kiểm duyệt. Mà dù đã kiểm duyệt, đôi khi cũng không tránh được sai sót, như bài “Trên Con Ðường Về Quê” trước đây chẳng hạn. Trong bài đó, theo cảm hứng và trí tưởng tượng, tác giả đã viết: “... vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai?” Thế còn Chúa thì sao? Vắng bóng Mẹ thì còn có Chúa nữa chứ! Mãi sau này mới có người nhận ra và đưa ý kiến. Từ đó câu trên được đổi ra là: “...mà có bóng Mẹ, con vững thêm lòng tin, tiến lên bằng yên.”
Như vậy đủ hiểu cần phải rất thận trọng khi làm bài hát và chọn bài để hát trong nhà thờ, cũng như để ý đến cung cách hát. Những điều này xem ra chưa được những người có trách nhiệm trong việc ca hát ở nhà thờ để ý đến là bao nhiêu. Vì vậy tại hầu hết các nhà thờ Việt Nam hiện nay ở trong nước cũng như ngoài nước, hình như người ta chỉ tìm hát những bài mới lạ, ồn ào, vui nhộn như các bài hát trên đài và ở các tụ điểm ca nhạc với kèn trống inh ỏi, kiểu điệu uốn éo hết sức trần tục. ít ai cho đó là vấn đề, kể cả các mục tử. Vì vậy thường hay xảy ra là chỉ cần đông người hát trong ca đoàn và hát cho to, hát những bài mà chỉ mình ca đoàn hát được thôi, còn cộng đoàn ngồi nghe như những thính giả câm lặng và người ngoài cuộc. Thường các lễ càng lớn bao nhiêu, thì phần tham dự thánh nhạc của cộng đoàn lại càng ít bấy nhiêu, viện lẽ rằng đó là lễ trọng, lâu lâu mới có một lần nên phải làm khác đi cho ca đoàn có dịp thi thố khả năng và chứng tỏ tài nghệ.
Cũng vì vậy mà tôi rất lấy làm tiếc là ngày 1-1-98 vừa qua tại Nhà Kín Saigon (nay là Ðan Viện Cát Minh) đã có một buổi lễ rất đông người tham dự mà công việc hát xướng có rất nhiều điều phải nói. Phải nói vì các bài hát đặt không đúng chỗ và không đúng với các phần đoạn trong phụng vụ Thánh Lễ. Thí dụ bài ca nhập lễ hôm đó là lễ Ðức Mẹ Chúa Trời trong mùa Giáng Sinh mà không thấy có mấy ý tưởng phù hợp với mùa lễ và ngày lễ bao nhiêu. Rồi tiếp đến là bài đáp ca. Ðáp ca là lời của cộng đoàn tham dự thánh lễ đáp lại lời Chúa nói với mình trong bài đọc 1. Nhằm tránh cảnh “ông nói gà bà nói vịt,” Hội Thánh đã chọn sẵn các lời thánh vịnh phù hợp cho ta dùng để đáp lại. Vì vậy sau bài đọc là thánh vịnh. Phải hát thánh vịnh như ghi trong sách lễ. Nếu không tìm được thánh vịnh đúng y như thế thì phải hát thánh vịnh, hay những bài hát có nội dung tương tự, chứ không phải bài hát nào mình thích hoặc cho là hay. Cũng không phải lễ Ðức Mẹ hay vị thánh nào được kính hôm đó là mang bài hát về Ðức Mẹ hoặc vị thánh đó ra hát vào chỗ này.
Hôm lễ ngày 1-1 vừa qua, ca đoàn hát lễ hôm đó mang bài Ave Maria, thơ của Hàn Mặc Tử và nhạc của Hải Linh ra hát. Khi nghe câu “Maria linh hồn tôi ớn lạnh”, tôi thấy lạnh xương sống luôn, vì đó không phải là một bài thánh ca mà chỉ là một bài ca có những tình cảm tôn giáo, đành rằng đó là một bài thơ thuộc loại kiệt tác và một bài trường ca xuất sắc. Xét về mặt thi ca, bài này là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng về phụng vụ để được hát vào vị trí đáp ca thì thật không phải chút nào. Tại sao không hát bài này vào lúc trước lễ, khi giáo dân ngồi chật ních trong thà thờ cả từ nửa giờ trước khi cử hành thánh lễ. Chỗ của những bài hát như thế là ở các buổi hội diễn nghệ thuật bên ngoài khung cảnh phụng vụ. Năm 1987, ba ca đoàn Mai Khôi, Tâm Ca, Tống Viết Bường đã hát bài này tại nhà thờ Ðức Bà vào một buổi chiều tháng Năm, trước giờ cử hành thánh lễ trong khuôn khổ hát kính Ðức Mẹ trong năm Thánh Mẫu.
Tiện đây xin nói thêm là không phải bất cứ bài hát nào có chữ Chúa, chữ Mẹ là mang vào nhà thờ hát được cả. Nhà thờ là nơi hát những bài hát được chọn lọc về nghệ thuật sáng tác và nội dung lời ca. Những bài hát cung giọng đời nên hát ở chỗ khác và những bài có lời ca nghèo nàn, khuôn sáo, mơ mộng cũng không được hát trong nhà thờ. Vì đây là nơi thờ phượng, hát phải cho xứng với việc thờ phượng, nghĩa là hay, đẹp cả trong nội dung lẫn hình thức. Như thế là chúng ta tỏ ra trọng kính Chúa, cũng như khi trọng người nào, nhất là khi người đó là người hiểu biết, ta không thể làm bất cứ việc gì và bất cứ cách nào, mà phải cẩn thận chọn lựa và sửa soạn trước những điều ta nói, những việc ta làm. Phương chi đối với Chúa là nguồn mạch mọi sự cao quý và mọi nghệ thuật tốt đẹp.
Bài Tung Hô Tin Mừng là để hát. Nếu không hát thì có thể bỏ qua. (QCTQSLR số 39). Một lễ trọng như lễ Ðức Mẹ Chúa Trời để kết thúc năm toàn xá mà ca đoàn lại đọc chứ không hát, trong khi đã có người làm sẵn bài cho để hát! Bài hát lúc dâng lễ bây giờ không buộc, có thể hát mà cũng có thể không (QCTQSLR số 50). Bài dâng lễ hôm ấy ca đoàn hát là một bài kết hợp với Chúa Giêsu. Bài này nếu hát vào rước lễ thì rất thích hợp. Trớ trêu thay, ca đoàn lại hát bài này ở đây, còn lúc rước lễ lại hát hai bài: một bài tạ ơn Ðức Mẹ và một bài kính Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu! Làm như vậy chẳng khác gì mời khách tới nhà rồi để khách đó, ta đi nói chuyện với người khác. Thử hỏi người khách đó cảm thấy gì và nghĩ thế nào về chúng ta?
Qua buổi lễ nói trên, tôi có cảm giác là ca trưởng không nghĩ gì đến các bài hát xem có hợp với mùa và lễ hôm đó, có phù hợp với vị trí các phân đoạn trong thánh lễ hay không, và những người có trách nhiệm không xem hay không được biết gì về các bài hát trong lễ hôm đó.
Vì vậy rất ước mong các ca trưởng và những vị có trách nhiệm trong việc ca hát ở nhà thờ chịu khó đối chiếu các bài hát với thánh lễ và các phần đoạn thánh lễ ngày hôm đó để chọn bài cho xứng hợp theo tiêu chuẩn nghệ thuật và phụng vụ. Thường các ca trưởng và ca viên không biết hoặc không để ý, nên xin các vị cử hành thánh lễ ngày hôm đó nhắc bảo và kiểm soát lời ca của các bài hát. Có thể các vị không thạo nốt nhạc, nhưng vị nào cũng thừa khả năng để xét xem lời ca có phù hợp với giáo lý và phụng vụ hay không.
Có như thế, các nhà thờ của chúng ta mới không phải là nơi bát nháo, ai muốn hát gì thì hát, muốn đàn địch thế nào cũng được, mà là nơi giáo dục và nuôi dưỡng đức tin thay vì là một thứ nhà hát rẻ tiền.