“Linh hồn những người công-chính ở trong tay Chúa và các khổ hình không đụng tới họ. Trước mặt những phường gian-ác, dường như họ đã chết…nhưng kỳ thực họ ở trong an-bình.” (Khôn-ngoan 3:1-3 )
“Linh hồn người công-chính ở trong tay Thiên-Chúa.”
Chúa đã bồng ẳm người công-chính trong tay, ai có thể cất họ ra khỏi tay Chúa? Đành rằng cả hỏa ngục đều dấy lên cám-dỗ những người lành thánh trong giờ chết, nhưng Chúa không ngừng hổ-trợ họ, như lời Thánh Ambrôsiô nói: “Ở đâu nguy-hiểm càng nhiều thì ơn phù-trợ càng tăng; Vì Chúa là Đấng trợ-phù trong những lúc cần thiết.”
Người thuộc hạ của ông Ê-li-sê-ô run lẩy-bẩy khi thấy quân địch bao vây thành, Thánh nhân trấn-an người đó và bảo: “Đừng sợ, thế lực hỗ-trợ chúng ta vượt hẳn trên chúng.”
Vừa nói Thánh-nhân vừa chỉ cho thấy một đội binh Thiên-thần được Chúa sai đến để phòng giữ thành. Cũng vậy, thần dữ đến cám dỗ kẻ liệt, thì Thiên-thần Bản-mệnh cũng đến khuyến khích, bảo-vệ kẻ liệt; Các Thánh cũng đến bênh-đỡ. Đức Tổng-lãnh-Thiên-Thần Micae được Chúa sai đến chiến-đấu với các thần dữ bênh đỡ kẻ liệt.
Mẹ Maria sẽ đến đánh đuổi các thần dữ và bao bọc kẻ liệt dưới cánh tay Người. Nhưng quan trọng hơn cả là chính Chúa Giêsu sẽ đến bênh đỡ chống lại với các chước cám-dỗ cho con chiên, mà Chúa đã hy-sinh mạng sống để chuộc lại. Chúa sẽ đổ xuống đầy đủ sức mạnh để bệnh-nhân thắng lướt kẻ thù: “Chúa là Đấng bảo vệ tôi.” (Thánh Vịnh 29: 10 )
“Chúa là ánh sáng và là ơn cứu-độ tôi, tôi còn sợ chi ai?” (Thánh Vịnh 26:1 )
Thánh Ô-ri-rên nói rằng Chúa yêu chúng ta hơn là các quỷ dữ ghét chúng ta: “Quyền-lực của Chúa để dẫn dắt chúng ta đến ơn cứu-rỗi còn to tát hơn là sức mạnh hỏa ngục.”
Chúa không bao giờ để ta phải cám-dỗ quá sức đâu, như lời thánh Phaolồ: “Chúa không để anh chị em bị cám dỗ quá sức. Ngài còn giúp anh chị em chịu-đựng và chống trả khi bị cám-dỗ.” (1/Cô-rin-tô 10 - 13).
Có thể bạn nói: “Nhiều đấng Thánh đã nơm nớp lo sợ mất ơn cứu-rỗi trong giờ chết!”
Tôi xin trả lời rằng kinh-nghiệm cho thấy ít người lành thánh đã chết với sự sợ-hãi như thế.
Ben-lu-xen-xit (Belluacensis) đã nói: “Đôi khi những người lành thánh được thanh-tẩy ở trần gian bằng những cuộc chiến-đấu gay go trước giờ lâm-chung.”
Nhưng hầu hết những người lành thánh đã từ-giả cõi trần nụ cười vẫn tươi nở trên môi. Cuộc phán xét của Chúa làm cho mọi người đều phải sợ; nhưng những kẻ tội-lỗi đi từ trạng-thái kinh-sợ đến thất-vọng, còn người lành thánh lại từ trạng-thái lo sợ đến niềm cậy trông.
Thánh Antoninus kể rằng: Thánh Bênađô bị đau nặng, kinh sợ khi thần dữ cám-dỗ Ngài mất niềm cậy trông. Sực nhớ đến công-nghiệp của Chúa Kitô, Ngài liền xua đuổi ngay nỗi kinh-sợ và kêu lên: “Các thương-tích của Chúa là niềm cậy-trông của tôi.”
Đang run rẩy lo sợ, Thánh Hilariông bỗng hớn-hở reo lên: “Hồn tôi ơi! Mày lo sợ gì? Gần 70 năm qua, mày làm tôi thờ phượng Chúa, và bây giờ mày sợ chết sao?”
Rồi Thánh nhân tự trả lời: “Hồn tôi ơi! mày lo sợ nỗi gì? Thiên-Chúa là Đấng trung-tín. Bao năm qua mày đã phục-vụ Ngài. Ngài quên mày sao?”
Có người hỏi cha Giuse Ca-ma-ca rằng Ngài có đặt tin-tưởng nơi Chúa vào giờ chết không? Ngài trả lời: “Cha phục-vụ Chúa, nên làm sao cha có thể nghi ngờ lòng nhân-hậu Chúa và Chúa không cứu cha sao?”
Trước giờ chết, có thể chúng ta lo âu về một quãng thời gian nào đó trong đời ta đã phạm tội mất lòng Chúa, chúng ta hãy yên tâm, vì Chúa đã tuyên-bố Người sẽ quên hết các tội-lỗi kẻ thật lòng thống-hối: “Nếu kẻ tội lỗi ăn-năn hối-cải,Ta sẽ quên hết các tội-lỗi của chúng. (Ê-dê-ki-en 18: 21).
Nhưng có thể chúng ta tự hỏi làm sao chắc chắn được rằng Chúa đã thứ tha hết mọi tội-lỗi chúng ta? Thánh Basiliô đã hỏi những câu tương tự và Ngài tự trả lời: “Tôi có thể tin chắc chắn rằng tôi đã gớm-ghét tội-lỗi, và các lỗi lầm của tôi đã được tha thứ tất cả.”
Làm sao biết được như thế? Này đây câu trả lời: Quả tim con người không thể không yêu: Hoặc yêu tội-lỗi hoặc yêu Chúa. Đã yêu Chúa thì không yêu tội-lỗi được nữa. Yêu Thiên-Chúa bằng cách tuân-giữ giới răn Ngài: “Ai yêu Ta thì tuân-giữ các giới răn của Ta.” (Gioan 14,21).
Ai chết lúc đang giữ giới răn Chúa, tức là chết khi đang yêu Chúa.
LỜI NGUYỆN CẬY TRÔNG
Lạy Chúa Giêsu, khi nào đến ngày, mà con có thể thưa với Chúa:
“Lạy Chúa, không bao giờ con mất Chúa nữa. Ngày đó, diện đối diện, con chắc chắn muôn đời được yêu-mến Chúa với tất cả tâm hồn con. Lạy Chúa là nguồn tình-yêu độc nhất của con, bao lâu con còn sống ở dưới thế, con luôn lo sợ phản nghịch lại Chúa và làm mất tình-yêu và hồng-ân của Chúa. Thời gian sống xa Chúa là thời gian sống trong đen tối. Nhưng nay con hối lỗi và Chúa đã thứ tha cho con.”
Lạy Chúa Cha hằng có đời đời, vì công nghiệp Chúa Giêsu, xin đừng bỏ rơi con trong cõi diệt-vong. Lạy Chúa Giêsu, xin cầu thay cho con trước toà Đức Chúa Cha.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của con, xin Mẹ ký-thác con nơi Chúa Giêsu, Con Mẹ. Xin giúp con giữ được ơn nghĩa thiết với Con Mẹ, để Ngài làm nơi con những gì đẹp lòng Ngài.
“Linh hồn những người công-chính ở trong tay Thiên Chúa và các khổ hình không đụng đến họ. Trước mặt những phường gian-ác, dường như họ đã chết… Nhưng kỳ thực họ ở trong sự an-bình.” (Khôn ngoan 3:1-3).
Trước mặt kẻ gian-ác, người lành thánh hình như chết tức-tưởi. Nhưng không, Thiên-Chúa biết rõ sẽ nâng-đỡ các con cái Người ra sao trong giờ chết. Dầu phải chịu những đau khổ lúc chết, nhưng Người cũng làm cho họ thấy một ít sự ngọt ngào không thể so sánh được, như được nếm trước hạnh-phúc Thiên-đàng, mà họ sẽ được đời đời vui hưởng.
Khi mà những người dữ chết trong tội-lỗi, đang nếm thử trên giường chết một số hình khổ hoả-ngục như sự khiếp-sợ, nỗi lương-tâm bị cắn rứt, thì người lành thánh được an-ủi, được yên vui nếm cảnh thiên-đàng. Đối với người lành, chết không phải là một hình phạt, mà là một phần thưởng. Cái chết của người lành không gọi là chết, mà là yên nghỉ.
Cha Su-a-rê từ trần an lành đến nỗi, ngay chính giờ chết, Ngài thốt lên: “Không bao giờ tôi có thể tưởng tượng giờ chết đến với tôi quá ngọt ngào!”
Đức Hồng y Ba-rô-ni-ô được bác-sĩ căn-dặn đừng nghĩ quá nhiều về sự chết, đã kêu lên: “Sao lại không? Tôi không sợ chết. Trái lại, tôi yêu mến sự chết.”
Ông Sôndơ kể lại: “Đức Hồng y Phit-Sơ (Fisher) đã mặc bộ đồ đẹp nhất trong giờ chết, như khi Ngài đi dự tiệc. Trên đường đi đến nơi hành quyết, khi thấy đoạn đầu đài, Ngài liệng ngay chiếc gậy và nói: “Nhanh lên, nhanh lên, chúng ta không còn xa thiên đàng bao nhiêu nữa.”
Trước lúc chết Ngài ca lên bài Tạ Ơn Chúa (Te Deum) đã cho Ngài được chết tử vì đạo làm chứng đức tin.
Thánh Phanxicô thành At-xi-di đã ca hát và mời mọi người cùng hát. Sư-huynh Ê-li-a thưa với Thánh nhân: “Thưa cha, chúng ta phải sầu-khổ lúc từ trần, sao lại hát?”
Thánh-nhân trả lời: “Cha không thể không reo mầng ca hát lên, khi cha biết rằng, trong chốc lát nữa, cha sẽ được vui mầng với Chúa.”
Nữ tu Têrêsian chết lúc còn thanh xuân, đã nói với các nữ-tu bạn đang sầu-khổ khóc than quanh chị: “Lạy Chúa tôi! Sao các chị lại khóc? Em đi tìm Chúa Giêsu, bạn trăm năm của em. Các chị hãy vui mừng với em, nếu các chị cũng yêu mến Người.”
Cha Gờ-ra-na- đa kể rằng, một người đi săn gặp một vị ẩn tu phung cùi, sống cô-độc đang ca hát khi sắp sinh thì, bèn hỏi: “Này bạn, bạn có thể ca hát khi bạn đang ở trong tình trạng quá tồi-tệ đó sao?”
Vị ẩn-tu trả lời: “Bạn ạ, giữa tôi và Thiên-Chúa chỉ cách nhau vỏn vẹn có một bức tường, đó là thân xác tôi. Bây giờ tôi nhìn thấy bức tường đó đổ nát ra từng mảnh. Cái nhà tù tôi đang bị giam-hãm sắp bị tiêu-tan và tôi sẽ thấy tận mắt Thiên-Chúa. Tôi không vui mầng và ca hát lên hay sao?”
Lửa ước muốn được hưởng nhan thánh Chúa bừng chay đến nỗi thánh tử đạo I-nha-ti-ô đã kêu lên rằng: “Nếu các dã thú không giết chết thánh nhân, thì thánh nhân cũng khiêu-khích chúng, để chúng xé nát thánh nhân ra từng mảnh.”
Thánh nữ Ca-tha-ri-na thành Gờ-noa không thể chịu được, nếu ai cho rằng chết là một bất hạnh. Thánh nhân nói: “Cái chết đáng yêu quý dường nào! Sao bạn có cái nhìn sai lạc thế? Tôi mời gọi đêm ngày, sao sự chết lại không đến với tôi?”
Thánh nữ Têrêxa ước ao chết đến nỗi bà không gọi sự chết là chết nữa. Trong ý tưởng phấn-khởi đó, bà đã sáng tác bài ca nổi danh: “Tôi chết, nhưng tôi không chết.”
Các quan niệm về sự chết của các thánh như thế đó.
LỜI NGUYỆN YÊU THƯƠNG
Lạy Chúa toàn năng hằng hữu, đã có lúc con không yêu Chúa, nay con xin yêu Chúa hết lòng. Con đã xem xét các tạo vật, và con xin chọn Chúa và chỉ yêu mến Chúa mà thôi, vì Chúa là đấng rất đáng mến yêu.
Lạy Chúa, xin Chúa cho con biết Chúa muốn con làm gì, con sẽ làm tất cả theo ý Chúa.
Con đã xúc-phạm đến Chúa quá nhiều. Để đền bù lại, con xin dành cuộc đời còn lại của con để làm đẹp lòng Chúa. Đã bao năm qua, con đáng chịu cực hình trong biển lửa hỏa-ngục, nhưng vì lòng thương, Chúa đã cứu thoát con. Nay xin Chúa cho con được bừng cháy lửa tình yêu.
Lạy Chúa, con mến Chúa vì Chúa tốt lành vô biên. Con sẽ làm tất cả những gì Chúa muốn con làm. Được yêu Chúa và được Chúa yêu là thoả mãn cho con lắm rồi.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của con, xin Mẹ giúp con và bầu-cử với Chúa Giêsu cho con.
Thánh Xi-pờ-ri-ăng nói: “Chúng ta đừng sợ chết, lúc biết chắc chắn rằng, sau khi chết, chúng ta sẽ được triều-thiên vinh hiển.”
Sao lại sợ chết khi chúng ta biết rằng, chết trong ơn nghĩa Chúa, chúng ta sẽ được sống trường cửu.
“Thân xác hư nát này sẽ mặc lấy sự không hư nát, và thân xác hay chết này sẽ trở nên bất tử.” (Cô-rin-tô 15 : 53)
Thánh Au-gus-ti-nô đã nói: “Ai sống nhẫn-nại sẽ chết trong hân-hoan.”
Như thế cuộc sống ở trần gian này phải kể là cuộc sống tạm bợ, còn sự chết lại là nỗi vui mừng, Thánh Tôma thành Villanôva nói rằng: “Nếu thần chết thấy một người đang ngủ, nó như kẻ cướp đến chụp lấy, giết chết và bỏ xuống hố sâu hỏa ngục. Nếu nó thấy người đó đang tỉnh thức lành thánh như một đặc-sứ của Thiên-Chúa, nó kính chào và dẫn đưa đến tiệc cưới linh đình và nói: ‘Thiên-Chúa cho gọi ông (bà) đến tiệc cưới.’ Hãy đến và tôi sẽ dẫn ông (bà) đến nơi mong ước.”
Những ai sống trong ơn thánh vui vẻ chờ mong giờ chết đến, để sớm được hưởng nhan thánh Chúa và được nghe những lời dịu dàng của Chúa: “Hỡi đầy tớ trung-tín, vì con đã trung-tín trong các việc nhỏ, Cha sẽ đặt con vào các việc lớn. (Mat-thêu 25 :21)
Ôi, cao quí thay giá trị các việc đền-tội, lời cầu nguyện, lòng từ bỏ những sự giả-trá thế gian! Hãy nói với những người công-chính: "Phần thường đang dành cho họ, vì họ sẽ được hưởng dùng hoa quả công việc họ làm.” (I-sai-a. 3:10).
Ai yêu Chúa được hưởng dùng các việc lành mình làm. Chẳng những không buồn rầu, cha Hip-pô-li-tô Duradô đã hớn hở vui mừng khi thấy một tu-sĩ chết với những dấu-hiệu được cứu-rỗi. Thật là một niềm khích-lệ lớn lao đối với Đức Mẹ, khi chúng ta lần chuỗi Mân-côi, ăn chay các ngày thứ bảy, thăm viếng các hội kính Đức Mẹ! Mẹ Maria sẽ an-ủi thật nhiều những con cái Mẹ trong giờ lâm-chung.
Một người đạo đức có lòng kính mến Đức Mẹ cách riêng đã tâm-sự với cha Binetti: “Thưa cha, con không thể nào diễn-tả được nỗi vui mừng con đã được khi con kính mến Đức Mẹ.”
Hạnh phúc biết bao cho những ai yêu mến Chúa, thường thăm viếng Mình-Thánh Chúa ngự trong nhà Tạm, và được rước Chúa như của Ăn Đường khi qua kiếp sau.
Có lúc bạn phân vân tự hỏi: "Có thể tôi sẽ chết dữ vào cuối đời chăng?”
Xin phép cho tôi được hỏi lại bạn: Cái gì làm bạn mất hạnh phúc? Chỉ sự tội mà thôi, bạn phải sợ tội, chứ không phải sợ chết. Thánh Ambrôsiô nói: “Điều rõ ràng nhất là không phải cái chết làm ta đau khổ, mà chính là các tội-lỗi. Vì thế, chúng ta không phải sợ chết, mà phải sợ sự sống đắm mình trong tội lỗi.”
Bạn còn sợ chết nữa không? Hãy sống thánh thiện.
“Ai kính sợ Chúa sẽ không chết dữ”.
Cha Cô-lông-bi-e-rơ quả quyết rằng hễ ai suốt đời trung-tín với Chúa không thể chết bất hạnh được. Thánh Au-gus-ti-nô cũng không nói khác hơn: “Ai sống lành thánh sẽ không thể chết dữ được.”
Những ai đã chuẩn-bị chu đáo cho sự chết sẽ không sợ chết, ngay cả khi phải chết bất thình lình:
“Hạnh-phúc cho những người công-chính, họ đã chuẩn-bị chu đáo cho sự chết, sẽ được an nghỉ.” (Khôn ngoan 4 :7 )
Qua cái chết, chúng ta mới được hạnh-phúc với Chúa. Thánh Gio-an Cờ-ry-dô-tôm khuyến-khích: “Chúng ta hãy dâng lại cho Chúa những gì chúng ta bắt buộc phải trả lại cho Ngài.”
Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng hiến-dâng cái chết cho Chúa là một hành động biểu-lộ tình yêu hoàn-hảo nhất đối với Chúa. Sẵn sàng chấp nhận cái chết, mà Chúa gởi đến cho ta, theo ngày giờ và cách thức Chúa muốn là bắt chước các thánh tử đạo.
Ai yêu Chúa sẽ ước ao sự chết, vì qua sự chết họ được đời đời kết-hợp với Chúa và không bao giờ sợ mất Ngài nữa. Trong lúc chờ đợi, chúng ta hãy yêu mến Chúa hết lòng, và chỉ dùng cuộc sống đời này để tiến lên ngày càng gần đến tình yêu của Chúa. Mức độ yêu đương mà chúng ta có thể biểu-lộ trong giờ chết, là thước đo tình yêu chúng ta, trong cuộc sống viên-mãn đời sau.
LỜI NGUYỆN CẬY TRÔNG
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa kết-hợp con với Chúa, để đừng bao giờ con lìa xa Chúa nữa. Con hoàn toàn thuộc về Chúa ngay cả trong giờ chết, ngay cả khi con lìa Chúa, Chúa cũng kêu gọi con.
Con đang tìm kiếm Chúa, xin Chúa đừng tránh xa con. Xin Chúa thứ tha các lỗi lầm của con. Từ nay về sau, con chỉ phụng-sự và yêu mến một mình Chúa mà thôi.
Tội-lỗi con thật nhiều, nhưng Chúa đã đổ máu và hiến dâng cuộc sống vì yêu mến con. Lạy Chúa, con muốn yêu Chúa thật nhiều trong cuộc sống này, để con được yêu Chúa nhiều hơn nữa ở thiên-cung.
Lạy Chúa Cha hằng có đời đời, xin cho con được kết-hợp chặt chẽ với Chúa. Xin giúp con để con dứt bỏ những thú vui trần thế. Xin cho lửa tình yêu bừng cháy trong con. Nhờ công-nghiệp của Chúa Giêsu, xin nghe lời con khẩn nguyện. Xin cho con ơn bền-đỗ mà con luôn khẩn cầu Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của con, xin giúp con đạt được ơn bền-đỗ đến cùng.