“Giacôbê, một tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô, gửi lời chào đến mười hai chi tộc đang phân tán.” Lời chào này mở đầu Thư của Giacôbê, nhưng không tiết lộ gốc gác của Giacôbê hay của các chi tộc. Giacôbê có thể là người bà con của Đức Giêsu và là người lãnh đạo giáo đoàn ở Giêrusalem, hoặc người nào đó. Câu, “mười hai chi tộc” biểu thị Ít-ra-en, và “sự phân tán” ám chỉ những người Do Thái sống bên ngoài Palestine. Trong bối cảnh Tân Ước, những diễn tả này có thể ám chỉ Kitô Hữu gốc Do Thái hoặc các Kitô Hữu tự cho mình là Ít-ra-en mới.
Vì thư này và những thư sau đó được gửi cho các tín hữu nói chung, đôi khi các thư này còn được gọi là “Các Thư Chung” (Catholic Letters). Sự định danh này được tìm thấy trong một số cuốn Kinh Thánh, nhưng không thuộc phần tựa đề của các thư này.
Thư của Giacôbê thực sự là một bài giảng để khích lệ độc giả hãy sống phù hợp luân lý và nhấn mạnh rằng đức tin phải được biểu lộ bằng những việc lành. Kiểu văn phong Do Thái tương tự như trong sách Khôn Ngoan Cựu Ước về cách nói và cổ vũ. Thư sử dụng kiểu đối thoại (2:18-26) và công kích (4:3-4 và 5:1-6). Trong khi kiểu cách là Do Thái nhưng thư được viết bằng tiếng Hy Lạp rất đặc sắc.
Nếu Thư của Giacôbê xuất xứ từ vị lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem, nó có trước năm 62, năm ông từ trần. Nếu thư xuất phát từ một Giacôbê khác, có thể nó được viết vào bất cứ thời điểm nào trong hậu bán thế kỷ thứ nhất.
Sau lời chào mở đầu, Giacôbê giải thích giá trị của những thử thách và những cám dỗ. Ông khích lệ độc giả hãy trở nên “người thi hành lời dạy,” để tôn giáo được diễn tả bằng hành động, và tránh thiên vị người giầu và quyền thế. Với Giacôbê, đức tin phải dẫn đến hành động, vì đức tin không có hành động thì chết. Giacôbê giảng hãy kiềm chế miệng lưỡi và ông dạy về ý nghĩa của sự khôn ngoan đích thực. Ông cảnh giác độc giả hãy đề phòng sự chia rẽ và kiêu căng, ông cho biết về tính cách tạm bợ của sự giầu có, và ông dạy về giá trị của sự cầu nguyện, nhất là cho người đau yếu. Ông kết thúc với lời hứa rằng những ai giúp hoán cải kẻ tội lỗi thì sẽ được cứu khỏi chết (Gc 1 -- 5).
Hãy đọc Giacôbê 2:14 -- 3:12, một tuyên bố rõ ràng về sự quan trọng của việc lành và một bài giảng hay về sự kềm hãm miệng lưỡi. Hãy đọc Giacôbê 5:13-16 về sức mạnh của sự cầu nguyện. Hãy để ý cách cầu nguyện được nhắc đến trong mỗi câu. Việc xức dầu người đau yếu được Giáo Hội Công Giáo hiểu là ám chỉ đến Bí Tích Xức Dầu.
Ngày nay, chúng ta đọc Giacôbê sẽ tìm thấy lời khuyên chắc chắn, hợp lý về việc sống đức tin trong thế giới. Thật vậy, toàn thể công việc này có thể được coi như sự chú giải những lời của Đức Giêsu: “Không phải bất cứ ai nói với ta, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, thì sẽ được vào nước trời, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý của Cha ta ở trên trời” (Mt 7:21).
Thư này được gửi đi từ tông đồ Phêrô cho các giáo đoàn ở Pontus, Galát, Cappadocia, Asia, và Bithynia, các vùng trong Tiểu Á (bây giờ là Thổ Nhĩ Kỳ). Cho đến gần đây, hầu hết các học giả tin rằng thư này được ông Phêrô gửi đi từ Rôma (được gọi là “Babylon” trong 5:13) và được viết qua Silvanus (xem 5:12) khoảng năm 64.
Tuy nhiên, một số học giả thời nay có ý kiến rằng ngôn ngữ và hoàn cảnh trong thư cho thấy ngày tháng trễ hơn, có lẽ năm 80-95, và tác giả đã viết nhân danh ông Phêrô. Một số học giả khác lại nghĩ rằng thư này được sáng tác bởi ai đó mà họ dùng các bài giảng và thư của ông Phêrô làm nguồn.
Trong bất cứ trường hợp nào, thư này được Thiên Chúa linh ứng và là một bài giảng hay, khích lệ tín hữu trung thành với đời sống Kitô Hữu. Có nhiều lần đề cập đến bí tích Rửa Tội, và thư này bao gồm nhiều phần hướng dẫn và nghi thức phụng vụ của việc rửa tội thời tiên khởi. Thư trích dẫn các bài thánh ca, lời cầu, và cũng như câu nói của Kitô Hữu.
Thư đề cập đến những đau khổ và “thử thách như lửa thiêu đốt” (4:12). Những điều này có lẽ nhắm đến sự bách hại của Nêrô, những thử thách khi sống trong thế giới trần tục, thái độ thù địch của người Do Thái chung quanh, hay sự bách hại của Domitian vào cuối thế kỷ thứ nhất.
Thư này và lá thư tiếp theo cho thấy vị thế đặc biệt của ông Phêrô trong Giáo Hội thời tiên khởi. Phúc Âm Mátthêu ghi nhận rằng Đức Giêsu nói với ông Phêrô, “Anh là Phêrô, và trên đá này thầy sẽ xây giáo hội của thầy… Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa nước trời, và bất cứ gì anh cầm buộc dưới đất thì sẽ bị cầm buộc ở trên trời, và bất cứ gì anh tháo cởi dưới đất thì sẽ được tháo cởi ở trên trời” (Mt 16:18-19). Đoạn này ủy thác vị thế lãnh đạo đặc biệt và thẩm quyền cho ông Phêrô. Nhiều đoạn Tân Ước khác củng cố quan điểm này. Ông Phêrô có tên đầu tiên trong danh sách các tông đồ (Mc 3:16-19). Ông là khuôn mặt chính trong các biến cố phúc âm tỉ như sự Biến Hình (Mc 17:1-8). Sau khi chối bỏ Đức Giêsu, ông được Người chọn để chăm sóc đàn chiên (Ga 21:15-19). Ông là người đầu tiên công bố phúc âm cách công khai và là phát ngôn viên chính cho các tông đồ (Cv 2:14-40). Sau cùng, ông Phêrô đến Rôma, ở đây ông được tử đạo; theo truyền thống (được nói đến trong phần mở đầu của chương này) ông bị đóng đinh ngược đầu. Những người kế vị ông Phêrô làm giám mục Rôma đều được nhìn nhận có thẩm quyền đặc biệt là người lãnh đạo các giám mục, cũng như ông Phêrô từng là người lãnh đạo các tông đồ.
Thư của Phêrô mở đầu với lời chào, và nhắc đến Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, và một lời chúc lành. Theo sau là một giải thích về sự tái sinh bởi bí tích Rửa Tội và về các nhân đức vâng lời, tôn kính, và đức ái phải là một phần của đời sống Kitô Hữu. Kitô Hữu được đặc ân là những tảng đá sống động trong ngôi nhà tinh thần của Giáo Hội Chúa. Họ là một giống nòi được tuyển chọn, một hàng tư tế vương giả, một quốc gia thánh…người dân của Thiên Chúa (1 Pr 1:1 -- 2:10).
Ông Phêrô khuyên Kitô Hữu hãy làm gương cho những người không có đức tin và hãy trở nên công dân trung thành. Các nô lệ có thể theo gương đau khổ và tình yêu độ lượng của Chúa Giêsu. Vợ chồng phải tôn trọng lẫn nhau. Mọi người phải sống trong tình thương và sự tốt lành. Khi Kitô Hữu phải trải qua những thử thách, họ phải phản ứng như Đức Kitô, đấng đã chịu đau khổ vì chúng ta. Họ phải sống luân lý, ngay cả trong một thế giới vô luân, thi hành mọi sự trong tình yêu và ơn sủng của Thiên Chúa (1 Pr 2:11 -- 4:11).
Ông Phêrô trấn an những Kitô Hữu nào đang chịu một “thử thách bốc lửa” là họ đang chia sẻ sự đau khổ của Chúa Kitô. Các vị lãnh đạo Giáo Hội phải chăm sóc người dân. Tín hữu phải vâng phục người lãnh đạo, khiêm tốn với nhau, tỉnh thức chống trả sự dữ, và trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Sau những khuyên bảo này, ông Phêrô kết thúc với lời chào cá biệt và lời chúc lành.
Hãy đọc 1 Pr 1:1 -- 2:10 về sự giải thích bí tích Rửa Tội và đời sống Kitô Hữu. Hãy đọc 1 Pr 5:6-11 về một khích lệ ngắn, nhắc nhở chúng ta hãy tín thác vào Thiên Chúa và vào lời hứa ban sự sống đời đời của Thiên Chúa.
Thư Thứ Nhất của Phêrô sẽ giúp chúng ta hiểu đặc ân vĩ đại khi được rửa tội là Kitô Hữu. Thư khích lệ chúng ta hãy nhìn đến Đức Kitô để được mạnh sức khi chúng ta gặp khó khăn. Thư khuyên chúng ta hãy cố gắng hết sức để noi gương Chúa Giêsu.
Thư này được nói là từ “Simon Phêrô, một tôi tớ và tông đồ của Đức Kitô Giêsu.” Nhưng ngay từ đầu, người ta đã thắc mắc là thư này có thực sự từ tông đồ Phêrô không. Ngôn ngữ và kiểu cách của thư thì khác với Thư I của Phêrô. Thư nói về các tông đồ đã từ trần (2 Pr 3:2-4) và đề cập đến một tổng hợp các thư của ông Phaolô như một phần của Sách Thánh (2 Pr 3:15-17). Điều lưu tâm chính của thư là các dị giáo đang chế nhạo vì sự tái giáng lâm của Đức Kitô Giêsu chưa xảy ra; đây là điều khó xảy ra vào thời ông Phêrô. Sau cùng, có một đoạn về các thầy dạy lầm lạc (2 Pr 2:1-18) mà dường như nó lệ thuộc vào Thư của Giuđa, và đó là điều không thể xảy ra vì như thế ông Phêrô lại trích dẫn từ một thẩm quyền kém uy thế hơn.
Vì những lý do này, một số học giả Công Giáo tin rằng Thư 2 Phêrô thực sự được viết bởi một người rao giảng sau này, họ muốn nhờ đến thanh danh của ông Phêrô và có lẽ đã dùng một số bài giảng của ông Phêrô như một nguồn. Lên tiếng như Phêrô, tác giả nhắc lại biến cố Biến Hình (1:16-18), đề cập đến một lá thư trước (3:1), và nói về việc gần chết (1:13). Như thể tác giả muốn nói rằng: “Nếu ông Phêrô ở đây ngay bây giờ, đây là điều ông sẽ nói với quý vị.” Dĩ nhiên, điều này minh chứng cho sự tôn trọng đặc biệt mà Giáo Hội tiên khởi dành cho ông Phêrô.
Sau một lời chào và lời cầu nguyện, tác giả khuyên độc giả hãy đặt niềm tin nơi Thiên Chúa. Có thể trông nhờ vào Đức Kitô, đấng đã biến hình trước mặt ông Phêrô, và lời tiên báo của Thiên Chúa thì hoàn toàn đáng tin cậy (2 Pr 1). Đàng khác, phải tránh xa các thầy dạy lầm lạc. Họ dối gạt dân chúng với những lời hứa trống rỗng (2 Pr 2). Những ai chế nhạo sự tái giáng lâm của Đức Kitô thì khờ dại, vì “với Chúa một ngày giống như một ngàn năm”. Thiên Chúa kiên nhẫn cho chúng ta thời gian để sám hối, nhưng thế giới này một ngày nào đó sẽ qua đi. Vì thế chúng ta phải sẵn sàng chịu xét xử (2 Pr 3).
Hãy đọc 2 Phêrô 3 để biết điểm chính của thư này, là sự xét xử của Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến, tuy không biết chính xác thời điểm.
Thông điệp này vẫn đúng ngày nay. Thế giới sẽ chấm dứt vào lúc chúng ta chết, và chúng ta phải luôn sẵn sàng. Tác giả của 2 Phêrô nói về trái đất bị tiêu hủy bằng lửa. Ông dùng ngôn ngữ khải huyền, chứ không dạy về khoa học. Nhưng, sự thật là các khoa học gia có nói rằng sau cùng chính mặt trời sẽ phát triển thành một khối lửa khổng lồ và thiêu đốt trái đất. (Đây không phải là lý do cần lưu tâm ngay lập tức, vì các khoa học gia ước lượng rằng điều này sẽ xảy ra cách đây khoảng năm tỉ năm!).
Thư này thực sự là một giáo huấn về thần học, vì nó thiếu phần chào hỏi và kết thúc như các thư Tân Ước. Nhiều học giả tin rằng thư này được viết bởi một môn đệ của tác giả Phúc Âm Gioan, có lẽ bởi cùng một người mà họ đã thêm chương 21 vào Phúc Âm này. Thời gian sáng tác có lẽ khoảng 95-100. Thư này dường như được gửi cho một giáo đoàn hay các giáo đoàn trong Tiểu Á, có lẽ là Êphêsô và các cộng đoàn lân cận.
Thư I của Gioan nhấn mạnh đến niềm tin nơi nhân tính của Đức Giêsu Kitô và vào thực tại là vai trò làm Con Thiên Chúa của Đức Kitô. Thư đặc biệt chú trọng đến các chủ đề đức tin và đức ái. Chúng ta phải tin vào Đức Kitô Giêsu và chân lý xuất phát từ Người. Chúng ta phải yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Đức tin và đức ái của chúng ta phải được biểu lộ bằng hành động tốt lành, nhất là tuân giữ các giới răn.
Thư này còn đề cập đến vấn đề các thầy dạy lầm lạc, họ từ chối Đức Giêsu không phải là Mêsia và Con Thiên Chúa (2:22) và từ chối sự Nhập Thể (4:2). Những thầy dạy lầm lạc đến từ cộng đoàn này, nhưng họ đã bỏ đi và bây giờ được coi là “những tên phản kitô” (2:18-19).
Thư I của Gioan thì đầy những miêu tả mỹ miều về Đức Kitô, về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và chính chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Nhưng thư không được xếp đặt để có thể dễ theo dõi cho độc giả ngày nay. Nó lỏng lẻo liên hệ cái này với cái kia và lòng vòng, xác định lại những ý tưởng với đôi chút thay đổi chữ. Ngay cả như thế, nếu chúng ta không mong đợi sự chuẩn bị kỹ, những lý luận hợp lý, và sẵn sàng chấp nhận cách xếp đặt của tác giả, chúng ta vẫn có thể rút ra được nhiều ích lợi từ những lời nói, những giải thích, và những cổ vũ.
Thư I của Gioan mở đầu giống như của Phúc Âm Gioan. Sau đó tác giả công bố Thiên Chúa là ánh sáng và cổ vũ độc giả hãy bước đi trong ánh sáng này. Họ phải giữ các điều răn, trên tất cả là điều răn đức ái. Tác giả nói với các nhóm trong cộng đoàn này, sau đó đề cập đến vấn đề các tên phản kitô, là những người từ chối Đức Kitô. Tín hữu phải tẩy chay các thầy dạy này và bám lấy chân lý của Đức Kitô. Tín hữu là con cái của Thiên Chúa và phải sống trong tình yêu và chân lý của Thiên Chúa (1:1 -- 3:11).
Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta nên chúng ta phải yêu thương nhau. Vì Đức Kitô đã hy sinh mạng sống cho chúng ta, chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống cho nhau. Chúng ta đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa khi chúng ta tin nơi Đức Kitô Giêsu. Đức tin của chúng ta thì đích thật khi chúng ta tin rằng Đức Kitô đến trong thân xác, là một sự kiện bị khước từ bởi những tên phản kitô. Thiên Chúa mà chúng ta tin là một Thiên Chúa đầy tình thương. Chúng ta phải chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa; yêu mến Thiên Chúa, chúng ta phải yêu mến nhau. Đức tin nơi Thiên Chúa và nơi Đức Giêsu đem lại sự chiến thắng và sự sống đời đời (1 Ga 3:12 -- 5:13).
Hiển nhiên, nguyên thủy thư này chấm dứt ở 5:13. Các câu còn lại được thêm vào sau này, Chúng khuyên tín hữu hãy cầu cho kẻ tội lỗi, và lập lại sự cần thiết phải đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và nơi Đức Kitô (1 Ga 5:14-18).
Hãy đọc 1 Gioan 1, lời mở đầu, theo sau là một suy nghĩ về Thiên Chúa, nguồn ánh sáng. Hãy đọc 1 Gioan 4:7-21, lời dạy bảo rằng chúng ta phải tin vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và hãy yêu thương nhau.
Chúng ta đọc 1 Gioan sẽ thấy đức tin của chúng ta được sâu đậm hơn nơi tình yêu của Thiên Chúa và nơi thực tại rằng Đức Kitô là một người trong chúng ta và còn là Con Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tìm thấy một giải thích đơn giản và thâm trầm về Thiên Chúa là ai… “Thiên Chúa là tình yêu” (4:16).
Lá thư ngắn này và lá thư tiếp theo là từ “trưởng lão” (tư tế, linh mục) gửi cho người nhận rõ rệt. Gốc gác của trưởng lão này thì không rõ vì ông không cho biết tên, điều này phải chăng ông là một người lãnh đạo nổi tiếng trong Giáo Hội tiên khởi. Người ta nghĩ rằng ông đến từ cộng đoàn mà Phúc Âm Gioan và Thư I của Gioan đã được viết ra. Có lẽ ông cũng là người viết Thư I của Gioan. Cả hai thư I và II của Gioan được cho là khoảng năm 95-100.
Thư II của Gioan được gửi cho “Bà được tuyển chọn và con cái”, một danh xưng của giáo đoàn Kitô Hữu. Không như Thư I của Gioan, thư này có hình thức các thư cổ điển: lời chào, cảm ơn, thân bài, và kết bài, với lời chào từ các giáo đoàn “chị em được tuyển chọn”. Thư ngắn gọn, có ý định để vừa một trang giấy cói (papyrus). Có lẽ thư được gửi cho một giáo đoàn có cùng những vấn đề như trong Thư I Gioan. Trưởng lão nhắc ngắn gọn đến nhiều vấn đề này -- chân lý, tình thương, các thầy dạy lầm lạc, tên phản kitô -- sau đó là lời hứa đến thăm giáo đoàn, không giải thích chi tiết các vấn đề.
Hãy đọc Thư II Gioan. Thư này có thể coi như một tóm lược ngắn các chủ đề của Thư I Gioan. Lời khuyên tẩy chay các thầy dạy lầm lạc thì không phải thiếu đức ái nhưng từ nhu cầu cần phải giữ chân lý của Đức Kitô khỏi bị ô uế vì sai lầm.
Trong thư này, chúng ta được khuyên hãy tìm kiếm chân lý, sống trong tình thương, giữ các giới răn, tránh những lầm lạc, và xây dựng đời sống trên sự giảng dậy của Chúa Kitô.
Thư này là một thông điệp khác gửi từ người trưởng lão, lần này gửi cho Gaius, hiển nhiên là người lãnh đạo một giáo đoàn Kitô Giáo ở Tiểu Á. Thư quan tâm đến hoạt động truyền giáo trong Giáo Hội tiên khởi và những vấn đề thẩm quyền.
Sau lời chào mở đầu và lời khen ngợi, trưởng lão yêu cầu Gaius hãy tiếp đón và hỗ trợ những người truyền giáo mà ông gửi đến. Ông than phiền rằng một người lãnh đạo khác, tên Diotrephes, đã từ chối không nhìn nhận thẩm quyền của ông. Trưởng lão này nhắc rằng nếu ông đến ông hy vọng sẽ sửa sai được tình hình. Ông giới thiệu một Demetrius nào đó, có lẽ là người giao thư này. Ông kết thúc với hy vọng sẽ đến thăm Gaius sớm và với lời cầu nguyện ngắn và lời chào.
Hãy đọc Thư III Gioan. Thư này cho thấy những vấn đề thẩm quyền đã có từ thời Giáo Hội tiên khởi. Bất kể các khó khăn, Kitô Giáo hưng thịnh trong chân lý của Chúa Kitô và tình thương của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi Giáo Hội ngày nay cũng gặp những khó khăn. Chúng ta có thể tin tưởng rằng với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, Giáo Hội sẽ tiếp tục sống trong chân lý và tình yêu.
Tác giả của thư này được viết là “Giuđa, một tôi tớ của Đức Kitô Giêsu và anh em của Giacôbê.” Người được đề cập ở đây có lẽ là người được gọi là anh em (bà con) của Chúa (Mc 6:3). Nếu ông Giuđa thực là tác giả, thư này có lẽ được viết vào khoảng năm 60-80. Tuy nhiên, thư này dường như đề cập đến các tông đồ sống trong quá khứ (Gđ 17), và nhiều học giả cho rằng thư thực sự được sáng tác vào cuối thế kỷ thứ nhất, bởi ai đó đã dùng tên của ông Giuđa để tạo uy tín đặc biệt cho thư. Người nhận thư thì không được định rõ; có lẽ họ là phần tử của bất cứ giáo đoàn Kitô Giáo nào hoặc Giáo Hội nói chung.
Duyên cớ của thư này là sự giảng dạy sai lầm của một số người đã khước từ Đức Kitô, và biến sự tự do của Kitô Hữu thành việc cho phép sống phóng túng vô luân lý. Ông Giuđa tấn công các thầy dạy lầm lạc và khích lệ tín hữu đích thực hãy trung thành với đức tin.
Ông Giuđa mở đầu với lời chào và lời cầu, sau đó ông nhắc đến các thầy dạy lầm lạc như những người xâm nhập và vô thần. Ông lên án những hành động vô luân và đe dọa họ về sự trừng phạt của Thiên Chúa. Ông Giuđa nhắc đến một vài ngụy kinh (không thuộc về Kinh Thánh) từ thời Cựu Ước (6,9,14-15); ông dùng chúng để minh họa một số điểm, mà không xác nhận các sách đó có tính cách lịch sử. Sau đó ông hướng sang những người nhận thư. Ông thúc đẩy họ hãy tự xây dựng chính mình trong “đức tin thánh thiện nhất” của họ, để ở trong tình yêu của Thiên Chúa, và hãy để ý đến sự sống vĩnh cửu. Ông kết thúc với lời chúc tụng.
Hãy đọc Thư Giuđa. Chúng ta sống trong một thế giới mà các thầy dạy lầm lạc tránh từ chối tội lỗi và giải thích sai lầm về sự tự do như phóng túng thi hành đủ mọi thứ, dù độc ác. Thư Giuđa có thể giúp chúng ta tránh lối sống vô luân mà chắc chắn sẽ dẫn đến sự hủy diệt.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Thư Giacôbê có văn phong Do Thái nhưng được viết bằng tiếng Hy Lạp tuyệt sắc | |
Giacôbê dạy rằng đức tin mà không có việc lành thì chết (Gia 2:14 -- 3:12) | |
Giacôbê nói rằng những ai đau yếu thì phải được xức dầu, lời cầu tin tưởng sẽ cứu họ, Chúa sẽ nâng họ dậy, và tội của họ sẽ được tha (Gia 5:13-16) | |
Trong 1 Phêrô, có nhiều ám chỉ đến bí tích (a) hôn phối; (b) Thánh Thể; (c) sám hối; (d) xức dầu; (e) rửa tội | |
Thư I của Phêrô cho thấy vị trí đặc biệt của ông Phêrô trong Giáo Hội tiên khởi | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Những người kế vị ông Phêrô là Giám mục Rôma được coi có một vị trí đặc biệt trong các giám mục, cũng như ông Phêrô có một vị trí đặc biệt trong các tông đồ 2. Theo 1 Phêrô, chúng ta được chuộc bởi máu của Đức Kitô (1 Phe 1:1 -- 2:10) 3. 1 Phêrô tuyên bố người đã rửa tội là một dòng dõi tuyển chọn, một tư tế vương giả, một quốc gia thánh thiện, và dân của Chúa (1 Phe 1:1 -- 2:10) Trong những câu này: (a) 1 thì sai; (b) 1 và 2 thì sai; (c) 3 thì sai; (d) tất cả đúng; (e) tất cả sai |
|
Ông Phêrô khuyên chúng ta hãy đặt sự tin tưởng nơi Thiên Chúa và hãy luôn luôn tỉnh thức vì yêu tinh thì giống như (a) con rồng; (b) con gấu; (c) con sư tử; (d) tội ác (1 Phe 5:6-11) | |
Có một vài vấn đề về tác giả của cả hai thư 1 và 2 Phêrô, nhưng hầu như Thư II Phêrô thực sự do tông đồ Phêrô viết | |
Điểm chính của Thư II Phêrô là sự phán xét của Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến, tuy thời giờ chính xác thì không biết | |
Những câu sau đây thì đúng, ngoại trừ: (a) Tổng quát, các học giả đồng ý rằng ba lá thư của Gioan thì được viết bởi tông đồ Gioan; (b) 1 Gioan nhấn mạnh đến niềm tin vào nhân tính của Đức Giêsu Kitô và trong thực tại của vai trò Con Thiên Chúa của Đức Giêsu; (c) Tác giả của 1 Gioan phải đối phó với các thầy dạy lầm lạc, họ nói rằng Đức Giêsu không thực sự là Con Thiên Chúa và Đức Giêsu không phải là người thực. | |
Khi nhắc đến sự kiện về Đức Kitô trở nên một con người, 1 Gioan 1:1-4 nhắc đến các giác quan thị giác, thính giác, và xúc giác. | |
Điểm chính của 1 Gioan 4:7-12 là khi chúng ta sống tốt và chứng tỏ tình yêu dành cho Thiên Chúa, Thiên Chúa bắt đầu yêu thương chúng ta và ban cho chúng ta sự sống đời đời. | |
1 Gioan 4:7-21 dạy rõ ràng rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. | |
Hiển nhiên không có sự kết nối thực sự giữa 1 Gioan và 2 Gioan. | |
Thư II Gioan khích lệ Kitô Hữu hãy đón nhận các thầy dạy lầm lạc để tìm cách hoán cải họ. | |
Thư III Gioan lưu tâm đến hoạt động truyền giáo trong Giáo Hội tiên khởi và với vấn đề thẩm quyền. Người từ chối chấp nhận thẩm quyền của trưởng lão này là (a) Gaius; (b) Diotrephes; (c) Demetrius; (d) vô danh. | |
Thư của Giuđa tấn công các thầy dạy lầm lạc, họ đề cao sự phóng túng thay vì sự tự do. Tác giả tấn công họ bằng cách gọi họ bằng những từ sau, ngoại trừ (a) suối không nước; (b) cây không trái; (c) đám mây không nước; (d) ngôi sao vất vưởng. | |
Giuđa có vài đề cập đến Cựu Ước và nhắc đến các điều sau, ngoại trừ (a) Xuất Hành khỏi Ai Cập; (b) thành Sôđôm và Gômôra; (c) Cain; (d) Abraham. |