Trí nhớ là một trong những yếu tố quan trọng để thành hình các quãng đời. Chúng ta là gì và sẽ là gì thì tùy thuộc vào chúng ta đã là gì và trong sự tưởng nhớ của chúng ta về quá khứ, về câu chuyện của chúng ta.
Điều này cũng đúng với các dân tộc. Mỗi dân tộc chỉ có thể hiểu được qua lịch sử của nó. Thật vậy, ý thức về quá khứ có thể cần thiết để một dân tộc sống còn. Khi Abraham Lincoln cố gắng dẫn đưa nước Hoa Kỳ qua những khủng hoảng lớn lao vì nội chiến, ông chú ý đến lịch sử: “Tám mươi bảy năm trước cha ông chúng ta đã chiến đấu trên lục địa này, một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự Do.”
Điều đúng với các cá nhân và dân tộc thì cũng đúng với Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Các tôn giáo này chỉ có thể được hiểu trọn vẹn trong ánh sáng của quá khứ. Do Thái Giáo bắt nguồn từ các biến cố lịch sử mà chúng đã giúp người Do Thái trở thành một dân tộc và ban cho họ một sứ mệnh. Kitô Giáo có nguồn gốc trong lịch sử của Do Thái Giáo cũng như các biến cố sau này mà chúng có liên quan đến đời sống, sự chết, và sự phục sinh của Đức Kitô Giêsu. Do Thái Giáo và Kitô Giáo được xây trên nền tảng là quá khứ.
Vì thế, các sách sử của Cựu Ước thì quan trọng. Nhưng chúng không phải sử hiện đại. Các sử gia ngày xưa không có máy quay phim, điện thoại, và máy in. Họ không đạt được sự chính xác mà chúng ta mong đợi từ các sử gia hiện đại. Mục đích của họ thì khác với mục đích của các sử gia ngày nay.
Năm 1948, Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh, văn phòng hướng dẫn giảng dậy thánh kinh của Giáo Hội Công Giáo, xác định rằng lịch sử tính trong Kinh Thánh thì không phải là lịch sử theo nghĩa hiện đại của thế giới. Đúng hơn, nó là lịch sử theo sự hiểu biết của người xưa và được viết xuống.
Lịch sử trong Kinh Thánh thì trước hết là chuyện kể và sau đó là bài viết những ký ức tổng hợp của các dòng họ, bộ lạc, và dân tộc. Thông thường lịch sử như thế thì không thể dùng để mô phỏng lại quá khứ một cách chính xác và nó biến thành văn học dân gian giầu tưởng tượng. Lịch sử Kinh Thánh chú trọng đến những tương giao giữa Thiên Chúa và người dân, và vì lý do này nó được gọi là lịch sử cứu độ.
Lịch sử cứu độ có thể được định nghĩa là câu chuyện về sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Nó nói về cách Thiên Chúa đi vào thế giới chúng ta như thế nào và mời gọi chúng ta hãy để ý đến sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa.
Trong chương này chúng ta sẽ chú ý đến các sứ điệp tinh thần của lịch sử cứu độ, thường được tìm thấy trong các chủ đề tôn giáo rộng lớn thay vì trong chiều hướng luân lý rõ rệt. Chúng ta cũng sẽ chú ý đến các biến cố chính và các nhân vật trong lịch sử Ít-ra-en, nó đem lại một khuôn mẫu để hiểu biết hơn về tất cả Sách Thánh.
Những cuốn như sách Thánh Vịnh và công việc của các ngôn sứ thì có thể dễ hiểu hơn khi đặt chúng vào bối cảnh của các trường hợp lịch sử. Thí dụ Thánh Vịnh 137 sẽ nói với chúng ta một cách mạnh mẽ và chua cay khi chúng ta biết rằng thánh vịnh này được viết bởi một người Do Thái trong thời lưu đầy ở Babylon.
Khi quen thuộc với lịch sử Cựu Ước chúng ta sẽ dễ hiểu hơn về sự hình thành của giáo lý. Nếu chúng ta có thể phân biệt các sách cũ với sách mới, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy các sách cũ không có những nhận xét rõ rệt về sự sống đời đời, và chúng ta có thể thấy cách thức Thiên Chúa từ từ dẫn đưa người ta đến sự hiểu biết đầy đủ hơn về hoạch định của Thiên Chúa khi họ mở lòng đón nhận sự khôn ngoan và sự linh ứng của Thiên Chúa.
Các học giả Kinh Thánh có khuynh hướng coi các sách Giôsua, Thủ Lãnh, Samuen cuốn 1 và 2, và Các Vua cuốn 1 và 2 bắt nguồn từ quan điểm thần học như sách Thứ Luật. Họ xếp loại sáu cuốn này như sách sử Thứ Luật. Các sách này là một tổng hợp các tường thuật bằng lời và bản văn, gồm các chuyện phổ thông, văn học dân gian, tiểu sử các nhân chứng, các triều vua, truyện dân gian, giấy tờ chính thức, hồ sơ thuế, và các nguồn khác. Hầu hết các nguồn này không được tổng hợp thành một tường thuật trôi chảy. Thay vào đó, các nguồn này được đưa vào như nó được tìm thấy, sau đó được xếp đặt để minh họa các nguyên tắc thần học Thứ Luật. Hậu quả là các sách này đôi khi có những biến chuyển bất ngờ, bị lập lại, và các tường thuật trái ngược.
Hầu hết các học giả đưa ra lý thuyết rằng sách sử Thứ Luật, trước hết, được biên soạn từ một vài nguồn vào khoảng 620 B.C. Nó được cập nhật và sửa đổi thành hình thức hiện thời vào khoảng 550 B.C., trong thời gian lưu đầy ở Babylon. Nó bao gồm các biến cố từ cái chết của ông Môsê (1210 B.C.) cho đến thời lưu đầy ở Babylon (550 B.C.)
Tại sao sách sử Thứ Luật được viết xuống? Người Do Thái năm 550 B.C. ý thức rằng Thiên Chúa đã hứa làm cho họ trở nên một dân tộc được chọn. Nhưng sau những ngày tháng vinh hiển của Đavít và Salômôn, dân Ít-ra-en không được thịnh vượng. Bị chia đôi bởi nội chiến, họ không bao giờ đạt được sự vĩ đại mà họ mong đợi. Bắc vương quốc Ít-ra-en bị tiêu diệt bởi người Átxiria vào năm 721 B.C., và nam vương quốc Giuđa bị tiêu diệt bởi người Babylon vào năm 587 B.C. Những người sống sót tự hỏi tại sao. Có phải Thiên Chúa của họ là Thiên Chúa đích thật không? Nếu vậy, sao Thiên Chúa lại cho phép họ bị sa sút bởi thảm họa như thế? Có phải họ vẫn là dân của Chúa không? Tương lai của họ là gì? Sách sử Thứ Luật có ý trả lời cho những câu hỏi như thế.
Sách xác nhận rằng chỉ có một Thiên Chúa đích thật. Thiên Chúa thì trung tín với giao ước được thiết lập với Ít-ra-en, nhưng ngược lại, dân Ít-ra-en thường không trung tín. Sự dữ đổ xuống trên họ được coi là những hình phạt vì sự bất tuân của họ, nhưng nếu họ sám hối, họ sẽ cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa. Người Ít-ra-en năm 550 B.C. vẫn là dân của Chúa; tương lai của họ tùy thuộc vào việc họ có học được những bài học từ quá khứ hay không. Tuân giữ giao ước sẽ đem đến những chúc lành. Bất tuân phục sẽ đem đến sự đổ nát thêm nữa.
Như đã giải thích trong chương 4, chúng ta phải ý thức về những giới hạn của thần học Thứ Luật. Thật đúng là sự vâng phục thì được thưởng và sự bất tuân sẽ bị phạt, nhưng từ những giảng dậy của Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng sự Phán Xét Sau Cùng của Thiên Chúa chỉ xảy ra sau khi chết. Từ Chúa Giêsu, chúng ta cũng biết rằng đau khổ thì không nhất thiết là hình phạt của Thiên Chúa vì tội cá nhân.
Một yếu điểm khác của thần học Thứ Luật có thể thấy trong cách phỏng đoán Thiên Chúa là nguyên nhân của mọi sự. Các tác giả Thứ Luật không hiểu được sự khác biệt giữa việc Thiên Chúa gây ra điều gì đó và cho phép điều gì đó. Một hậu quả là nhiều khi họ nhìn đến Thiên Chúa như nguyên do của một quyết định tội lỗi và sau đó lại trừng phạt chính quyết định ấy. Một thí dụ là trong 2 Samuen 24, ở đây Thiên Chúa được cho rằng đã thúc giục Đavít thi hành việc kiểm tra dân số Ít-ra-en và sau đó lại phạt Đavít và dân Ít-ra-en vì chính sự kiểm tra này! Đoạn này cho thấy sự thật là Thiên Chúa linh ứng các tác giả Kinh Thánh nhưng không làm mất đi những giới hạn của loài người. Trong 2 Samuen 24 chúng ta thấy sự sai lầm thần học của các tác giả, và chúng ta được thúc đẩy tìm kiếm sự hiểu biết tốt hơn về quan hệ nhân quả theo ánh sáng của toàn thể Kinh Thánh, nhất là ánh sáng từ sự giảng dậy của Đức Giêsu.
Khi ý thức được các yếu điểm của thần học Thứ Luật, chúng ta có thể học được nhiều hơn khi chú trọng đến sự ưu việt của Thiên Chúa và giá trị của sự vâng phục. Sách sử Thứ Luật dậy chúng ta hãy đặt Thiên Chúa lên trên hết trong cuộc đời chúng ta và hãy coi mọi lựa chọn là cơ hội để đáp ứng với thánh ý của Thiên Chúa.
Sách mang tên Giôsua là tên của vị anh hùng trong sách, ông Giôsua, người kế vị ông Môsê. Sách kể lại việc ông Giôsua dẫn dân Hebrew băng qua sông Giođan như thế nào để vào Đất Hứa, chinh phục các cư dân ở đây, và chia đất cho các chi tộc của Ít-ra-en.
Mục đích chính của sách Giôsua là cho thấy Thiên Chúa trung tín như thế nào khi giao Đất Hứa cho người Ít-ra-en. Sách tạo được ấn tượng là họ đã thành lập được một đạo binh hùng mạnh để chinh phục mọi cư dân ở đất Canaan và làm chủ mảnh đất này. Tuy nhiên, sách các Thủ Lãnh lại vẽ ra một hình ảnh khác biệt. Nó cho thấy các chi tộc Ít-ra-en phải vất vả tranh đấu mới có thể đặt chân vào miền Đất Hứa.
Hình ảnh sau này có lẽ gần hơn với thực tại lịch sử. Sách Giôsua hầu như mang một hình ảnh lý tưởng của cuộc chinh phục Đất Hứa, nó cô đọng lại chỉ trong một vài năm biến cố mà thực sự phải mất vài thế kỷ. Sự kiện căn bản là người Hebrew xâm chiếm vùng Palestine và từ từ chinh phục các cư dân ở đây là cốt lõi lịch sử đằng sau sách Giôsua. Cùng với cốt yếu lịch sử đó và nhiều câu truyện, tỉ như cuộc đột kích thành Giêricô, mà các nhà khảo cổ không thể kiểm chứng được sự kiện này, phải được xếp vào loại văn hóa dân gian. Mục đích của các tác giả là để dậy các bài về thần học, chứ không phải lịch sử theo ý nghĩa hiện thời.
Đọc sách Giôsua không theo ý nghĩa lịch sử hiện nay có thể giúp chúng ta giải quyết một trong những khó khăn trong Giôsua và các sách khác của Cựu Ước. Vấn đề khó khăn là câu nói thường được lập lại rằng Thiên Chúa ra lệnh tiêu diệt toàn thể những người chống lại dân Do Thái.
Hãy để ý rằng các cuộc thánh chiến, với giả sử rằng Thiên Chúa đã ra lệnh cho họ giết hại đàn ông, đàn bà, và trẻ con, thì được viết xuống vào khoảng 700 năm sau khi các sự kiện ấy được nghĩ là đã xảy ra, vào lúc người Do Thái đang tuyệt vọng tìm cách sống còn. Vì thế, nhiều cuộc thánh chiến được mô tả kẻ thù phải bị tiêu diệt, có lẽ là một dụng cụ văn hóa hơn là một sự kiện lịch sử. Các cuộc thánh chiến như được ghi nhận trong sách Giôsua và đâu đó có lẽ thực sự là điều nhắc nhở đối với người Do Thái năm 550 B.C.
Thí dụ những người Do Thái này toan tính kết hôn với người ngoại giáo và chấp nhận các thần của dân ngoại. Những người biên soạn sách sử Thứ Luật đã gợi nhớ đến những câu chuyện chinh phục của ông Giôsua và các người kế vị ông. Đặc biệt họ nhắc lại truyền thống dân gian khi vinh danh Thiên Chúa với các câu chuyện người Do Thái hoàn toàn chiến thắng và hoàn toàn xóa sạch kẻ thù. Họ nhìn thấy sự chiến thắng và diệt trừ cả hai đều trực tiếp từ bàn tay Thiên Chúa. Họ kể lại các câu chuyện này để cảnh giác người Do Thái thời 550 B.C. là hãy đề phòng các dị giáo. Sự cảnh cáo của họ có thể được viết lại như sau: “Hãy tránh xa dân ngoại. Tổ tiên chúng ta đã làm như thế. Thật vậy, Thiên Chúa đã ra lệnh cho các đấng ấy là hãy giết sạch kẻ sau cùng của chúng. Điều tối thiểu chúng ta có thể thi hành là hãy tránh xa chúng!”
Khi nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta thấy được một cách dẫn giải khác. Chúa Giêsu không bao giờ cổ vũ việc thảm sát loài người. Chúng ta không thể tưởng tượng được Chúa Giêsu nói với ông Giôsua là hãy dùng gươm giết sạch đàn ông, đàn bà, và trẻ con. Vậy chúng ta không tin rằng Thiên Chúa đã ban ra những mệnh lệnh như thế trong thời Cựu Ước. Trên thực tế, có lẽ việc thảm sát ít xẩy ra như được diễn tả trong sách Giôsua. Việc xảy ra vì nhận thức sai lầm và vì tội lỗi con người chứ không phải là một mệnh lệnh trực tiếp từ Thiên Chúa.
Chúng ta không hồ nghi sự linh ứng của Kinh Thánh khi đặt vấn đề là Thiên Chúa có thực sự ra lệnh thánh chiến và giết hại những người vô tội hay không. Chúng ta nói rằng Kinh Thánh ghi nhận chính xác các nhận thức của người Ít-ra-en thời xưa, nhưng các nhận thức đó thì sai lầm. Sứ điệp linh ứng mà các tác giả truyền đạt là Thiên Chúa không ra lệnh hủy diệt người ngoại giáo, nhưng đối với người đọc Kinh Thánh là không nên bị cám dỗ bởi các học thuyết dị giáo.
Chúng ta, những người tân thời, từng đọc những thông điệp theo cách của người thời Thứ Luật. Cách đây không lâu, người Hoa Kỳ coi các cuộc chiến chống người da đỏ ở thế kỷ mười chín như một mệnh lệnh của Thiên Chúa là hãy hủy diệt người man rợ để mở đường cho người văn minh. Chỉ gần đây chúng ta mới suy nghĩ lại lịch sử của chúng ta và hiểu rằng Thiên Chúa không thể cho phép việc hủy diệt quá nhiều người vô tội bởi cả hai phe tranh chấp. Đọc các sách sử của Cựu Ước có thể là một cơ hội cho chúng ta nhìn lại những thời điểm khi chúng ta vội vã cho rằng Thiên Chúa đứng về phe chúng ta, dù đó là những xung đột quốc tế hay những bất đồng hàng ngày với bà con, láng giềng, hay người cùng sở.
Hãy đọc Giôsua 3 để thấy sự diễn tả việc tiến vào Đất Hứa. Các học giả nhận xét rằng sông Giođan thỉnh thoảng bị ngăn trở bởi đất lở và một sự kiện như thế có thể giúp dân Ít-ra-en băng qua sông ở chỗ khô ráo. Bất kể thực tại lịch sử thế nào, câu chuyện này cho người Ít-ra-en thấy rằng Thiên Chúa ở với ông Giôsua cũng là Thiên Chúa từng ở với ông Môsê khi băng qua Biển Lau Sậy cách đó bốn mươi năm.
Hãy đọc Giôsua 6 về tường thuật việc tiêu hủy thành Giêricô. (Bạn có thể tham khảo Giôsua 2 để biết quá khứ về Raháp). Hãy đọc Giôsua 24 để biết ngày cuối đời của ông Giôsua, việc canh tân giao ước của ông, và cái chết cũng như việc chôn cất ông.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Nhìn toàn thể, sách sử trong Kinh Thánh thì không phải sách sử theo nghĩa chữ thời nay | |
Mục đích chính của sách sử trong Kinh Thánh là để chú trọng đến (a) một chuỗi biến cố; (b) những tương giao giữa Thiên Chúa và người dân; (c) các biến cố chính; (d) những ngày tháng và nơi chốn | |
Trong những sách sử của Kinh Thánh, độc giả đừng mong đợi nhiều để tìm thấy (a) các chủ đề tôn giáo rộng lớn; (b) những hướng dẫn luân lý rõ rệt; (c) các biến cố và nhân vật; (d) một khuôn khổ để hiểu Kinh Thánh tốt hơn | |
Các sách sử Thứ Luật bao gồm tất cả những sách sau ngoại trừ cuốn: (a) Thủ lãnh; (b) 1 và 2 Các Vua; (c) Xuất hành; (d) Giôsuê; (e) 1 và 2 Samuen | |
Sách sử Thứ Luật được chỉnh sửa thành hình thức hiện thời vào khoảng (a) 721 B.C.; (b) 620 B.C.; (c) 550 B.C.; (d) 400 B.C. | |
Sách sử Thứ Luật được Thiên Chúa linh ứng, nhưng có những yếu điểm và giới hạn trong thần học của sách | |
Các chi tiết về cuộc chinh phục của người Palestine, như được diễn tả trong sách Giôsuê, có thể được kiểm chứng từ các sách Thủ Lãnh và từ các ghi nhận lịch sử khác | |
Vì Kinh Thánh rõ ràng nói rằng Thiên Chúa ra lệnh cho người Do Thái phải tàn sát kẻ thù, chúng ta có thể tin chắc là Thiên Chúa thực sự làm như thế | |
Khi người Ít-ra-en tiến vào Đất Hứa, đầu tiên đi vào sông Giođan là (a) Hòm Bia; (b) ông Giôsuê; (c) ông Môsê; (d) đạo quân (Giôsua 3). | |
Bài học chính của Giôsuê 6 là (a) kẻ thù phải bị tiêu diệt; (b) tiếng kèn làm sụp tường thành; (c) sự vâng phục Thiên Chúa thì được thưởng; (d) số bảy là con số thần thông. | |
Bài nói của ông Giôsuê trước khi chết đã không nhắc đến (a) cuộc Xuất Hành; (b) cái chết của Môsê; (c) băng qua sông Giođan; (d) giao ước (Giôsuê 24). |