Các tông đồ ẩn nấp trong một căn phòng tầng thứ hai. Các cửa sổ đều đóng kín và cửa chính được khóa lại. Họ ngồi thật lâu trong im lặng. Bỗng dưng ông Phêrô nói với các ông khác. “Tôi có một ý tưởng thật hay: chúng ta hãy nói với mọi người là Thầy Giêsu đã chỗi dậy từ nấm mộ.” “Phêrô,” ông Anrê la lên, “anh là anh của em, nhưng đó là ý tưởng ngờ nghệch nhất em chưa từng nghe!” “Anrê, đừng vội nóng,” ông Gioan nhỏ nhẹ, “sẽ có ai đó tin lời anh ta. Phêrô! Tại sao lại nói với người ta là Thầy Giêsu còn sống? Nhà cầm quyền đã đóng đinh Người trên thập giá. Họ sẽ làm như vậy đối với chúng ta. Khi cho rằng Thầy Giêsu đã trỗi dậy, chúng ta được cái gì nào?”. Ông Phêrô say sưa đáp lời, “Nghĩ cho cùng, chúng ta sẽ bị bắt. Bạn hữu và gia đình sẽ chối bỏ chúng ta. Tài sản chúng ta sẽ bị tịch thu. Sau đó chúng ta sẽ bị tra tấn và đi đến cái chết. Điều đó không khủng khiếp sao?”
Các tông đồ khác nhìn đến ông Phêrô cách sững sờ. Có lẽ cái chết của Đức Giêsu đã đưa ông đến thái độ cùng cực này. Một người đưa đề nghị như thế phải là người điên. Tất cả đều không muốn lộ diện cho đến khi mọi sự êm xuôi, sau đó họ sẽ trở về Galilê và tiếp tục cuộc sống cũ.
Dĩ nhiên, đó là điều điên rồ khi các tông đồ công bố rằng Đức Giêsu đã trỗi dậy nếu sự thật không phải như vậy. Từ sự ngụy tạo câu chuyện này các ông chẳng được gì ngoại trừ sự bách hại và cái chết.
Nhưng các tông đồ đã nói với thế giới rằng Đức Giêsu đã trỗi dậy, và phản ứng của các kẻ thù thì nhanh chóng và dữ dội. Các tông đồ bị bách hại, giam cầm, tra tấn, và tử hình. Nhưng các ông đã không nao núng làm chứng cho thực tại Phục Sinh của Đức Kitô. Không ai trong các ông thú nhận là đã ngụy tạo về sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Tất cả đều cương quyết cho đến chết rằng Đức Kitô đã trỗi dậy. Và tại sao? Vì Người thực sự đã sống lại.
Như vậy, theo chứng từ của các tông đồ, sự kiện Phục Sinh thì chắc chắn. Điều đó thực sự xảy ra như thế nào thì vượt lên trên lĩnh vực lịch sử và khoa học. Trong một phương cách nào đó, thi hài Đức Giêsu đã được biến đổi thành một thân xác vinh hiển. Đức Giêsu trong lịch sử đã trở nên Đức Kitô vượt trên không gian và thời gian.
Đức Kitô đã xuất hiện với các môn đệ sau khi Phục Sinh. Là Chúa và Thiên Chúa, Đức Kitô có quyền năng để trở lại trong một phương cách mà có thể người ta thấy được, nghe được, và được chạm đến Người. Nhưng Người không trở lại trong một thân xác có thể chết. Đó là thân thể của Người, bây giờ thì bất tử. Nếu kẻ thù có thể gặp Người sau khi Phục Sinh và có thể đâm một lưỡi gươm xuyên qua Đức Kitô, họ cũng không thể gây thiệt hại gì cho Người.
Nhưng không kém phần thiết thực, thân xác vinh hiển của Đức Kitô Phục Sinh là thân xác chúng ta mà một ngày nào đó nó trở về với cát bụi. Thân xác vinh hiển của Đức Kitô thì có thực và tuyệt hảo, vì không thể bị tiêu diệt. Sự sống của Đức Kitô giờ đây dẫn đến một sự sống ý nghĩa nhất để chúng ta có thể mường tượng được. Là một con người, Đức Kitô Phục Sinh được kết hợp với chính sự Sống, sự Sống của Thiên Chúa.
Bằng cách nào đó, các tông đồ nhận ra điều này, ngay trong những ngày đầu tiên thật khác thường sau sự Phục Sinh. Họ cũng nhận ra rằng Đức Kitô Phục Sinh muốn chia sẻ sự sống của Thiên Chúa cho họ và với mọi người. Đây là Tin Mừng ngoài sự tưởng tưởng của họ và Đức Kitô đã yêu cầu họ đem tin mừng này cho thế giới.
Trong những ngày sau Phục Sinh, Đức Kitô thường xuyên xuất hiện với các môn đệ. Tất cả bốn phúc âm, cũng như T. Phaolô, đều nhắc đến những lần xuất hiện (Xem 1 Cor 15:3-8). Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật rằng Đức Kitô liên tục xuất hiện trong một thời gian bốn mươi ngày, sau đó Người lên trời. Thực tại lịch sử đằng sau khẳng định này chỉ là việc chấm dứt sự xuất hiện thường xuyên. Tân Ước nói rằng Đức Kitô đã xuất hiện với T. Phaolô trong một vài trường hợp. Có thể Người cũng xuất hiện với các tín hữu khác, và có những tường thuật đáng tin cậy nói rằng các thánh cũng được nhìn thấy Đức Kitô trong nhiều trường hợp.
Trong bất cứ trường hợp nào, Công Vụ Tông Đồ nhìn đến sự Thăng Thiên như một dấu chỉ rằng Đức Kitô sẽ hiện diện với thế giới và sẽ tiếp tục công việc của Người qua và trong các môn đệ. Đức Kitô đã có thể hiện diện hằng ngày trong một phương cách lạ lùng cho đến tận thế, nhưng thay vào đó, Người chọn cách hiện diện thiết thực trong thần khí, được thấy qua các môn đệ của Người. Người trao cho họ trách nhiệm là trở nên “thân thể của Đức Kitô” (1 Cor. 12:27).
Hầu hết những gì chúng ta biết về Thân Thế Đức Kitô, là Giáo Hội, trong những năm sau khi Đức Kitô chết và Phục Sinh thì từ sách Công Vụ Tông Đồ. Được viết cùng với Phúc Âm Luca như một công trình hai phần, sách Công Vụ có cùng tác giả và được viết vào cùng một thời điểm với Phúc Âm.
Phúc Âm Luca và Công Vụ Tông Đồ nhắm đến các Kitô Hữu xuất xứ từ dân ngoại. Chắc chắn những người này tự hỏi tại sao nhiều người Do Thái lại không chấp nhận Đức Kitô là Mêsia. Chắc chắn họ đã bị người ngoại giáo hỏi rằng tại sao họ lại tin vào một Đấng Cứu Độ người Do Thái.
Trong Phúc Âm và trong Công Vụ, Luca cho thấy nhiều tín hữu Do Thái đã chấp nhận Đức Kitô, và Thiên Chúa luôn có ý định cho toàn thế giới tìm thấy ơn cứu độ nơi Đức Kitô. Phúc Âm này tiết lộ Đức Kitô được sinh ra ở Bêlem để ứng nghiệm các lời tiên đoán trong Cựu Ước. Sách giải thích Người mở đầu sứ vụ ở Galilê như thế nào và sau đó đi lên Giêrusalem, ở đây sự chết và sự Phục Sinh của Người đã xảy ra, cũng để ứng nghiệm lời tiên đoán.
Sách Công Vụ cho thấy, qua các môn đệ, Đức Kitô đã đem Tin Mừng cứu độ từ Giêrusalem đến các vùng Giuđê, Galilê, Samaria, và đến tận cùng trái đất, kể cả chính Rôma. Sách Công Vụ đặc biệt chú ý đến sứ vụ của ông Phêrô và Phaolô. Ông Phêrô, thủ lãnh của mười hai tông đồ, đã bắt đầu rao giảng ở Giêrusalem vào ngày Pentecost và được Thiên Chúa mặc khải để là người đầu tiên đem phúc âm đến cho Dân Ngoại. Ông Phaolô, một người Do Thái đạo đức, một người Biệt Phái từng bách hại Kitô Hữu, được Đức Kitô giao cho trách nhiệm đem phúc âm đến cho Dân Ngoại trên toàn thế giới.
Sách Công Vụ, cũng như Phúc Âm Luca, được viết bằng tiếng Hy Lạp bóng bảy và được dàn dựng nghệ thuật theo văn chương thời bấy giờ. Từ phần mở đầu tao nhã cho đến phần kết luận, tác giả vẽ ra hình ảnh ông Phaolô giảng dậy về Chúa Giêsu ở Rôma, sách Công Vụ là một cuốn sách đầy những hoạt động, những nhân vật sống động, những tường thuật đầy mầu sắc, và những phát biểu rất thuyết phục.
Tính cách lịch sử của Công Vụ thường được cho là rất tốt. Nhưng mục đích của tác giả là để giảng dậy các chân lý tôn giáo, chứ không chỉ ghi nhận những tên tuổi, ngày tháng, và nơi chốn. Luca viết để loan truyền Đức Kitô như Đấng Cứu Độ nhân loại, và ông chọn lọc cũng như xếp đặt tài liệu của ông với ý định này trong đầu.
Một trong những dụng cụ ông ưa thích để loan truyền về Đức Kitô là cách ông sử dụng những bài nói và bài giảng trong sách Công Vụ. Chúng chiếm khoảng một phần tư sách. Lúc bấy giờ các sử gia có thói quen đặt những bài nói vào môi miệng của những nhân vật chính trong các tường thuật của họ. Các sử gia được mong đợi phải viết những gì đã được nói và thi hành điều đó một cách triệt để. Do đó, nhiều bài phát biểu trong Công Vụ thì không có ý định là các tường thuật theo nghĩa đen. (Đây là điều bất khả, vì ông Luca viết xuống trong khoảng 25 đến 50 năm sau khi các biến cố được ông diễn tả). Đúng hơn, sách Công Vụ trình bày các chủ đề của sự rao giảng tiên khởi của Kitô Giáo, và tổng quát các học giả đồng ý rằng sách Công Vụ là một hồ sơ trung thành với các chủ đề đó. Thí dụ, bài giảng của ông Phêrô vào ngày Pentecost được coi như tiêu biểu cho việc công bố ơn cứu độ thời sơ khai Kitô Giáo và về bí tích Rửa Tội như một đáp ứng thích hợp về Chúa Kitô.
Trong Công Vụ, Luca có một phương pháp hay để nêu bật các tài liệu quan trọng: Ông lập lại nhiều lần để nhấn mạnh các chủ đề và biến cố đặc biệt. Thí dụ, bản chất cộng đồng của Giáo Hội và sự thờ phượng có tâm điểm Thánh Thể được chú ý đến trong các tóm lược về hoạt động Kitô Giáo thời tiên khởi (2:42-47; 4:32-34; 9:31). Câu chuyện trở lại của Phaolô được kể đến ba lần (9:1-22, 22:1-21; 26:1-23). Tường thuật về sự rao giảng phúc âm của ông Phêrô và việc rửa tội viên đội trưởng La Mã Cônêliô được lập lại ba lần (Cv 10; 11:1-18; 15:7-11). Ba lần ông Phaolô nói với người Do Thái rằng đầu tiên ông rao giảng cho họ và sau khi bị tẩy chay bởi người Do Thái thì mới đến Dân Ngoại (13:46-47; 18:5-6; 28:23-28). Quyết định của công đồng Giêrusalem đón nhận Dân Ngoại thì được nói đến ba lần (15:19-21; 15:28-29; 21:25). Những lần lập lại này, cũng như những lần khác, mời gọi độc giả hãy chú ý đến những thông điệp quan trọng nhất của sách Công Vụ.
Tóm lược về sách Công Vụ Tông Đồ là một tóm lược về những năm đầu tiên của Giáo Hội. Sách có thể giúp chúng ta hiểu làm thế nào những Kitô Hữu tiên khởi tự coi mình là Thân Thể Đức Kitô ở dưới trần thế. Sách có thể giúp chúng ta thấu hiểu hơn về ý nghĩa thế nào là Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô ngày nay.
Theo sách Công Vụ, sau khi Đức Giêsu Lên Trời, các tông đồ tụ họp trong một căn phòng trên lầu ở Giêrusalem với Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu, và với các tín hữu khác. Họ chọn ông Mátthia để thế cho ông Giuđa Ítcariốt, là người tự tử sau khi phản bội Đức Giêsu. Chắc chắn họ phải thảo luận về những điều phi thường đã xảy ra kể từ khi họ gặp Đức Giêsu lần đầu tiên. Chắc chắn họ phải tự hỏi làm thế nào, một nhóm nhỏ những người không quan trọng như họ, lại có thể làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ.
Những hồ nghi của họ tan biến trong sự tuôn đổ sức mạnh và khôn ngoan cách kỳ lạ mà sách Công Vụ diễn tả như một luồng gió mạnh và các lưỡi lửa. Các dấu hiệu này ám chỉ sự ngự đến của Chúa Thánh Thần, là người mà Đức Giêsu đã hứa gửi đến cho các môn đệ như đấng bào chữa và trợ giúp cho họ. Được dẫn đầu bởi ông Phêrô, các tông đồ bắt đầu rao giảng cho các đám người đến Giêrusalem mừng lễ Pentecost.
Ông Phêrô công bố rằng Đức Giêsu là sự ứng nghiệm các lời ngôn sứ trong Cựu Ước và đã được trỗi dậy từ sự chết để là Chúa và Mêsia. Ông mời những người đang lắng nghe hãy sám hối và lãnh nhận sự rửa tội trong danh Đức Giêsu Kitô để được tha thứ tội lỗi. Ông hứa rằng họ cũng sẽ nhận được Chúa Thánh Thần. Ba ngàn người đã được rửa tội.
Các tín hữu hết lòng tuân giữ những giảng dậy của các tông đồ, cử hành việc bẻ bánh (Thánh Lễ), cầu nguyện, sống chung, và ngay cả chia sẻ của cải riêng. Lối sống của họ thu hút nhiều người khác đến gia nhập. Nhưng họ vẫn tiếp tục thờ phượng trong Đền Thờ và tự coi mình là người Do Thái tin Đức Giêsu là đấng Mêsia (Cv 1-2).
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Mọi câu sau đây đều đúng, ngoại trừ: (a) Các tông đồ của Đức Kitô tuyên xưng rằng Người đã chỗi dậy từ kẻ chết, dù họ bị đe dọa với sự bách hại và sự chết; (b) Sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu xuất hiện trong thân xác bình thường với các tông đồ và các môn đệ khác; (c) Theo sách Công Vụ, Đức Giêsu xuất hiện thường xuyên với môn đệ, sau đó lên trời sau bốn mươi ngày; (d) Sự Thăng Thiên cho thấy Đức Kitô chọn sự hiện diện thực sự, về thần khí được thấy qua các môn đệ của Người; (e) Hầu hết những gì chúng ta biết về Giáo Hội trong những năm sau khi Đức Kitô Phục Sinh thì từ sách Công Vụ các Tông Đồ. | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Sách Công Vụ, cũng như Phúc Âm Luca, là một công trình có hai phần, được viết để cho thấy rằng nhiều tín hữu Do Thái đã chấp nhận Đức Kitô và Thiên Chúa luôn có ý định cứu chuộc mọi người. 2. Phúc Âm Luca cho thấy tin mừng đã lan tràn từ Bêlem đến Rôma như thế nào; Công Vụ cho thấy tin mừng lan rộng từ Rôma đến Giêrusalem 3. Không như các phúc âm khác, Công Vụ chính yếu là một văn kiện lịch sử Trong các câu này: (a) 1 thì sai; (b) 1 và 2 thì sai; (c) 1 và 3 thì sai; (d) 2 và 3 thì sai; (e) tất cả đều sai |
|
Trong Công Vụ, Luca sử dụng tất cả các kỹ thuật sau để chuyển tải thông điệp của mình, ngoại trừ: (a) bài nói chuyện; (b) lập lại; (c) tường thuật các bài giảng theo từng chữ; (d) nhắm đến tác vụ của Phêrô và Phaolô | |
Tất cả những câu sau đây đều đúng, ngoại trừ: (a) Khi các tông đồ chờ đợi sự ngự đến của Chúa Thánh Thần sau khi Đức Kitô thăng thiên, Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu cũng ở với họ; (b) Sau lễ Hiện Xuống ông Phêrô đã rao giảng và khoảng ba ngàn người đã rửa tội; (c) Khi Giáo Hội gia tăng, những phụ tá được gọi là phó tế được các tông đồ giao cho việc săn sóc người nghèo; (d) Nhà cầm quyền Do Thái bách hại tín hữu Kitô ngay sau lễ Ngũ Tuần, và môn đệ đầu tiên bị hành quyết là Stephen (Têphanô); (e) Vì các Kitô Hữu tiên khởi cử hành lễ bẻ bánh (Thánh Lễ) họ không thờ phượng trong Đền Thờ |