Không bao lâu, những phép lạ từng ghi dấu sứ vụ của Đức Giêsu lại bắt dầu xảy ra qua các tông đồ. Sau khi ông Phêrô và Gioan chữa lành một người ăn xin tàn tật, nhà cầm quyền Do Thái bắt giữ các ông và đe dọa trừng phạt nếu họ tiếp tục rao giảng nhân danh Đức Giêsu. Ông Phêrô và Gioan mạnh mẽ trả lời rằng họ muốn vâng lời Thiên Chúa và lên tiếng nói về những gì họ đã được thấy và được nghe. Vì sợ đám đông đã từng chứng kiến sự chữa lành này, các người lãnh đạo Do Thái phải thả ông Phêrô và Gioan. Các tông đồ, được củng cố bởi lời cầu nguyện, lại tiếp tục công bố Đức Kitô là Mêsia và là Chúa.
Các tín hữu nổi tiếng về sự độ lượng trong việc chăm sóc những ai có nhu cầu, và nhiều người còn bán cả tài sản, nhà cửa để giúp đỡ người nghèo. Không phải mọi sự đều tuyệt hảo. Một vài người, như Annania và Sápphira, tìm cách lừa gạt cộng đồng. Sự bách hại lại tiếp tục. Các tông đồ bị bắt, và sau một sự vượt thoát lạ lùng các ông bị bắt lại. Lần ấy các ông bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng, bị cảnh cáo, và bị đánh bằng roi. Nhưng, ngay khi được thả ra, các ông lại đi rao giảng.
Khi số môn đệ của Đức Kitô gia tăng, các tín hữu gốc Hy Lạp (có lẽ là người Do Thái ở Palestine nói tiếng Hy Lạp) than phiền rằng một số người nghèo bị bỏ rơi. Các tông đồ, qua sự cầu nguyện và đặt tay, đã chọn bảy người phụ tá, được gọi là các phó tế, chăm sóc người bị bỏ rơi. Không lâu, các phó tế cũng rao giảng Tin Mừng (Cv 3-6).
Công việc truyền giáo này gặp sự bách hại mới, và một phó tế tên là Stêphanô bị bắt và bị ném đá cho đến chết. Saolê, một người Biệt Phái hăng say và điều khiển việc giết chết ông Stêphanô, tìm cách tiêu diệt Giáo Hội. Ông lùng bắt các tín hữu và tống họ vào ngục. Lúc ấy khoảng năm 35, năm hay sáu năm sau sự chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô.
Tuy nhiên, sự bách hại thực sự đã giúp cho Con Đường được mở rộng (một tên ban đầu của những người theo Đức Giêsu Kitô). Nhiều tín hữu phải lánh khỏi Giêrusalem, và họ bắt đầu rao giảng Tin Mừng trong khắp vùng Giuđêa, Samaria, và Galilê. Với một phó tế khác, ông Philíp, trong đội tiền phong, họ đã hoán cải nhiều thành vùng Địa Trung Hải như Gaza, khoảng 50 dặm về phía tây nam của Giêrusalem. Họ tiến về phương bắc dọc theo bờ biển đến vùng Agiôtút và các vùng khác cho đến vùng Xêdarêa Maritima (Cv 7-8).
Sau đó là sự phát triển bất ngờ và bi tráng. Ông Saolô được thị kiến Đức Kitô Phục Sinh khi trên đường từ Giêrusalem đến Đamát để lùng bắt những người theo Đức Giêsu. Ông trở nên một tín hữu và bắt đầu công bố Đức Giêsu là Mêsia. Chắc ông đã nghĩ rằng tín hữu sẽ tin tưởng một người trước đây từng bách hại Kitô Giáo. Nhưng, một số người Do Thái tìm cách giết ông, và ông phải lánh nạn khỏi Đamát. Sau cùng, ông đến Giêrusalem, ở đây lại có âm mưu hãm hại ông, buộc ông phải trở về Tácsô.
Sau đó việc bách hại bớt dần, và Giáo Hội bành trướng trong các vùng Giuđêa, Galilê, và Samaria. Có thêm những phép lạ, kể cả việc ông Phêrô chữa lành một người bất toại ở Lyđia và phục hồi sự sống của một bà góa ở Gióppa (Cv 9).
Cho đến lúc bấy giờ, Tin Mừng chỉ được rao giảng cho người Do Thái và Samaritanô. Nhưng khi ông Phêrô được linh ứng bởi một thị kiến để rao giảng và rửa tội toàn thể gia đình ông Cônêliô, một viên đội trưởng La Mã ở Xêdarê, vấn đề được nêu lên là Dân Ngoại có thể trở thành các môn đệ của Đức Kitô không. Ông Phêrô giải thích thị kiến cho các tín hữu ở Giêrusalem, nhưng vấn đề lại được nêu lên khi Dân Ngoại được rửa tội ở Antiôkia, một thành phố quan trọng trong lãnh thổ Syria của người La Mã (bây giờ là một phần ở cực đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ). Giáo đoàn ở Giêrusalem gửi ông Banabê, một nhà truyền giáo đầy tin tưởng, đến điều tra. Ông thật kinh ngạc đến độ ông đem theo ông Saolê từ Tácsô đến để giúp ông rao giảng cho Dân Ngoại ở Antiôkia. Chính ở đây mà người theo Đức Kitô lần đầu tiên được gọi là Kitô Hữu (Cv 10-11).
Một sự bách hại khác bùng nổ vào năm 44, sự kiện này được khởi động bởi Hêrốt Agrippa, cháu của Hêrốt Đại Đế và cai trị vùng Giuđêa từ năm 41 đến 44. Ông giết Giacôbê, con của ông Giêbêđê, và bắt giữ các Kitô Hữu, kể cả ông Phêrô, là người thoát khỏi ngục một cách lạ lùng. Bất kể những khó khăn này, Kitô Hữu tiếp tục rao giảng, gia tăng nhân số, và chăm sóc lẫn nhau. Thí dụ, Kitô Hữu ở Antiôkia gửi trợ cấp cho các Kitô Hữu đói khổ ở Giuđêa qua ông Banabê và Saolê. Những lưu tâm như thế đã đưa Kitô Hữu lại gần nhau hơn và đem cho họ một cảm nhận về căn tính là một Giáo Hội. Những cuộc bách hại chống với họ và việc từ chối Đức Kitô của nhiều người Do Thái đã bắt đầu thay đổi nhận xét rằng Kitô Giáo chỉ là một nhánh của Do Thái Giáo, tuy vẫn có liên quan đến việc thờ phượng trong Đền Thờ và chịu sự bó buộc của luật Môsê.
Sau khi vua Hêrốt từ trần năm 44, ông Saolê (bây giờ được gọi là Phaolô) và ông Banaba được Giáo Hội ở Antiôkia sai đến rao giảng ở đảo Cyprus (khoảng một trăm dặm về phía tây của bờ biển Syria). Được tháp tùng bởi một Kitô Hữu trẻ từ Giêrusalem tên là Gioan Máccô, họ rao giảng trong các hội đường ở Salamis, Paphos và những nơi khác với một số thành công. Từ Cyprus họ dong buồm đến thành phố Perga ở Pamphylia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Ở đó ông Gioan Máccô đã từ giã các ông và trở về Giêrusalem.
Ông Phaolô và Banabê tiếp tục đến thành phố Antiôkia ở Pisidia (trung tâm Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, đừng lầm với Antiôkia trong vùng Syria của người La Mã). Trong khi một số người Do Thái tin vào Đức Kitô, những người khác thì nhạo cười. Sau đó ông Phaolô và Banaba nói về một khuôn mẫu cho những nỗ lực truyền giáo trong tương lai: “Những lời của Thiên Chúa cần được nói với quý vị trước hết. Vì quý vị từ chối lời ấy và tự cho là không xứng đáng với sự sống đời đời, giờ đây chúng tôi quay về với Dân Ngoại. Vì Chúa đã ra lệnh cho chúng tôi như vậy, khi nói, ‘Ta đặt ngươi làm ánh sáng cho Dân Ngoại, để ngươi có thể đem sự cứu độ cho đến tận cùng trái đất’” (Cv 13:46-47).
Từ Antiôkia ở Pisidia, ông Phaolô và Banabê đến Iconium, Lystra, và Derbe (tất cả trong Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), để rao giảng và thành lập các cộng đoàn Kitô Hữu. Sau đó các ông trở lại các thành phố họ từng rao giảng để bổ nhiệm người lãnh đạo và khích lệ các tín hữu. Từ Perga, điểm đặt chân đầu tiên, họ đi đến Attalia, một thành phố hải cảng. Ở đó họ lên tầu đến Antiôkia trong vùng Syria, sau hành trình khoảng một ngàn dặm trong một giai đoạn gần ba năm. Họ trở về cộng đồng Kitô Hữu đã sai họ đi và báo cáo các thành quả của nỗ lực truyền giáo này, nhất là trong Dân Ngoại (Cv 12-14).
Sau đó khoảng năm 49. Một số Kitô Hữu gốc Do Thái ở Antiôkia chống đối những gì hai ông Phaolô và Banabê thi hành. Những người Kitô Hữu Do Thái này lý luận rằng mọi tín hữu phải tuân giữ Luật Môsê. Các người lãnh đạo Giáo Hội, gồm ông Phaolô, Banabê, Phêrô, và Giacôbê, đã tụ họp ở Giêrusalem để thảo luận về vấn đề này. Lý lẽ quan trọng được đưa ra bởi ông Phêrô: “Chúng ta tin rằng chúng ta sẽ được cứu chuộc qua ơn sủng của Chúa Giêsu” (Cv 15:11). Công đồng quyết định rằng Dân Ngoại không cần phải tuân giữ luật Do Thái nhưng chỉ đề nghị họ tránh một số thực hành đặc biệt xúc phạm đến Kitô Hữu gốc Do Thái.
Công Đồng Giêrusalem làm sáng tỏ những chân lý tâm điểm của Kitô Giáo. Đức Giêsu Kitô là đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến, là Ngôi Lời và sự Mặc Khải của Thiên Chúa; bất cứ lời hay sự mặc khải nào khác phải được suy xét qua cuộc đời và sự giảng dạy của Chúa Kitô, và ơn cứu độ chỉ có thể tìm thấy trong Đức Kitô. Giờ đây Kitô Hữu nhìn nhận các chân lý này là nền tảng các truyền thống của mình, và vì thế Cựu Ước sẽ được suy xét trong ánh sáng của Tân Ước. Kitô Giáo không còn được coi là một nhánh Do Thái Giáo, nhưng là một tôn giáo cho mọi người -- một tôn giáo chung (Cv 15:1-35).
Không lâu sau công đồng, ông Phaolô đề nghị với ông Banabê đi thăm các giáo đoàn mà họ đã thành lập ở Cyprus và Asia. Ông Banabê muốn đem ông Gioan Máccô theo, nhưng ông Phaolô từ chối vì trong hành trình thứ nhất ông này đã từ bỏ họ. Vì thế ông Banabê đem ông Gioan Máccô đi theo đến Cyprus, trong khi ông Phaolô chọn một người khác, ông Silas, để tháp tùng ông đến Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).
Ông Phaolô và Silas đi đường bộ qua Syria đến một vùng được gọi là Cicilia (nơi có địa danh Tarsus), đến thăm và khích lệ các giáo đoàn Kitô Hữu. Ở Lystra một môn đệ nhập đoàn với họ tên là Timôtê, ông này tháp tùng họ khi đi thăm các giáo đoàn trong vùng Phrygia và Galát. Ở Troas, ông Phaolô thấy một thị kiến thúc giục các ông hãy dong buồm đến Macedonia (Hy Lạp ngày nay). Tại điểm này, tác giả sách Công Vụ bắt đầu dùng chữ “chúng tôi” thay vì “họ”, điều này khiến một số học giả tin rằng ông Luca đã tháp tùng ông Phaolô trong một số hành trình. Các nhà truyền giáo này đã ở Philippi một thời gian, tại nhà của ông Lydia, một thương gia mặc áo tím và là một tín hữu nhiệt thành.
Trong khi ở Philippi, ông Phaolô đã trục xuất thần dữ ra khỏi một cô gái nô lệ mà người chủ đã dùng cô trong việc coi bói. Tức giận, ông chủ này đã lôi ông Phaolô và Silas ra tòa và đánh đòn rồi tống ngục. Tối hôm ấy một trận động đất đã gây thiệt hại cho nhà tù. Lính canh, vì nghĩ rằng các tù nhân đã vượt thoát, nên muốn tự tử nhưng ông Phaolô đã ngăn cản người này. Sau khi nghe ông Phaolô giảng dạy, người lính canh và cả nhà được rửa tội. Ngày hôm sau, thẩm phán của thành phố sợ hãi khi biết ông Phaolô là một công dân Rôma nên đã thuyết phục ông hãy rời khỏi Philippi.
Sau đó ông Phaolô đến Thêsalônica và Boerea, giảng trong các hội đường Do Thái Giáo và hoán cải được nhiều người, nhưng cũng gặp sự chống đối. Từ giã các bạn đồng hành, ông đến phía nam Athens. Ở đây ông không thành công nhiều, sau đó ông đến Côrintô, một thành phố hải cảng nổi tiếng đồi phong bại tục. Tại đó ông ở với Aquila và Priscilla, là người Do Thái từ Rôma và cũng làm lều như ông Phaolô. Được nhập bọn bởi ông Silas và Timôtê, ông rao giảng cho người Do Thái cho đến khi vì sự căm thù của họ, ông quay sang Dân Ngoại. Các người truyền giáo đã hoán cải được nhiều người và thiết lập một giáo đoàn ở Côrintô, họ ở đó một năm rưỡi. Chính từ Côrintô ông Phaolô gửi một lá thư cho giáo đoàn ở Thêsalônica, sáng tác đầu tiên trong các bài của ông thuộc Tân Ước.
Sau khi bị quấy phá hơn nữa bởi người Do Thái thù nghịch và một lần ra tòa mà trong đó ông được tuyên bố là vô tội, ông Phaolô quyết định dong buồm đến Êphêsô, một hải cảng lớn ở Tiểu Á. Ông truyền giáo ở đó, rồi xuống tầu trong một hành trình dài đến Xêdarê. Từ đó ông trở lại điểm khởi đầu là Antiôkia ở Syria. Trong hành trình truyền giáo thứ hai này ông mất khoảng ba năm và đã đi trên hai ngàn dặm. Ông đã thành lập hay củng cố các giáo đoàn ở những nơi như Galát, Thêsalônica, Côrintô, và Êphêsô, những tên này là đầu đề của các lá thư Tân Ước và rất quen thuộc với hàng triệu người ngày nay (Cv 15:36 -- 18:23).
Ông Phaolô ở Antiôkia không lâu. Trong khoảng năm 54 ông xuống tầu thực hiện hành trình truyền giáo thứ ba, theo một con đường gần giống với hành trình thứ hai. Ông ở Êphêsô hai năm để rao giảng cho người Do Thái và Hy Lạp, chữa lành người bệnh, xua trừ quỷ, và hoán cải người ta khỏi những dị đoan và tà giáo. Ông thoát khỏi cuộc náo động của những người thợ bạc ở Êphêsô, họ bực mình vì sự giảng dạy của ông gây thiệt hại cho việc đúc các ngẫu tượng. Sau cuộc náo động này, ông Phaolô đến Hy Lạp trong ba tháng; trong thời gian đó, ông đến thăm giáo đoàn Côrintô và viết Thư gửi tín hữu Rôma. Sau đó ông lên phía bắc đến Philippi, ở đây hiển nhiên được ông Luca tái nhập đoàn. Sau đó các ông và những người truyền giáo khác dong buồm đến Troas.
Ở Troas, ông Phaolô phục hồi sự sống cho một thiếu niên, em đã ngủ gật khi nghe ông Phaolô giảng và đã rơi từ cửa sổ tầng thứ ba xuống đất chết. Sự kiện này xảy ra vào “ngày thứ nhất trong tuần” khi Kitô Hữu tụ họp để “bẻ bánh” (Cv 20:7). Đây là lần đầu tiên Tân Ước đề cập đến sự tụ họp của Kitô Hữu vào ngày Chúa Nhật, ngày Phục Sinh của Chúa, thay vì ngày Sabát của Do Thái Giáo.
Sau khi trở lại Tiểu Á ông từ biệt các trưởng lão (các tư tế, linh mục) ở Êphêsô, ông Phaolô và các bạn đồng hành, kể cả ông Luca, đã đi từ hải cảng này sang hải cảng khác cho đến khi họ lên thuyền từ Patara đến Tyre theo bờ biển Địa Trung Hải qua Ptolemais đến Xêdarê, ở đây họ ở tại nhà của một phó tế, ông Philíp. Bất kể những tiên báo về hậu quả khốc liệt nếu lên Giêrusalem, ông Phaolô quyết định đến đó để mừng lễ Vượt Qua (Cv 18:24 -- 21:14).
Sau khi ông Phaolô đến Giêrusalem khoảng năm 58 với ông Luca và các bạn khác, ông gặp gỡ những người lãnh đạo Giáo Hội. Họ tán thành việc ông truyền giáo cho Dân Ngoại nhưng đề cập tin đồn rằng ông Phaolô khuyên người Do Thái hãy ngừng tuân giữ Luật Môsê. Để phá tan tin đồn ấy, họ đề nghị ông đem một số người Do Thái đến Đền Thờ để giúp những người này chu toàn những gì đã hứa. Khi ông làm như vậy, những người Do Thái từ vùng Asia trông thấy ông và họ khởi sự một cuộc náo động. Ông Phaolô gần như bị đám đông xé ra từng mảnh khi lính La Mã đến can thiệp. Những nỗ lực giãi bày của ông Phaolô với người Do Thái chỉ tạo thêm náo loạn, và lính La Mã sắp sửa thẩm vấn và tra tấn ông Phaolô thì họ mới khám phá rằng ông là một công dân Rôma.
Ngày hôm sau viên chỉ huy La Mã cho phép ông Phaolô lên tiếng trước Thượng Hội Đồng. Ông Phaolô đã khéo léo đổ lỗi cho việc ông bị bắt giữ là vì ông tin vào sự sống lại, và điều này khiến những người Biệt Phái và Xađucê lại cãi nhau. Một lần nữa, viên chỉ huy phải đem ông Phaolô vào Thành Antônia vì được cháu của ông Phaolô cho biết người ta âm mưu giết hại ông Phaolô. Do đó ông ra lệnh đám đông binh lính hộ tống ông Phaolô đến Xêdarê.
Ở Xêdarê, ông Phaolô được đưa ra trước quan tổng trấn La Mã là Felix, ông này mở phiên tòa xử ông Phaolô nhưng lại để ông ngồi tù với hy vọng là ông Phaolô sẽ hối lộ. Sau hai năm (58 -- 60), quan Felix được kế vị bởi Porcius Festus. Quan Festus cho ông Phaolô trình bày, nhưng khi yêu cầu ông Phaolô lên Giêrusalem để ra tòa, ông Phaolô phản đối vì là một công dân Rôma thì phải được xử ở Rôma.
Trong khi chờ đợi để đưa ông Phaolô lên Rôma, quan Festus được vua Hêrốt Agrippa II đến thăm, vua này là con của Hêrốt Agrippa là người đã giết ông Giacôbê, con của ông Giêbêđê. Agrippa II là người cai trị các phần nhỏ về phía bắc và đông của vùng Palestine và không có quyền xét xử ông Phaolô. Trong bất cứ biến cố nào, lời nói của ông Phaolô trước quan Festus, vua Agrippa, và em gái của Agrippa là Bernice đều là những lời chứng đầy thuyết phục cho chân lý của Kitô Giáo và là một cơ hội để ông Phaolô được tuyên bố là vô tội.
Tuy vậy, quan Festus ra lệnh rằng ông Phaolô phải lên Rôma, vì ông đã cầu viện đến hoàng đế. Ông Phaolô và một số tù nhân khác được giao cho Julius, một đội trưởng La Mã, trông coi. Từ Xêdarê họ dong buồm đến Tyre, sau đó đến Myra trong vùng Tiểu Á. Họ tiến đến đảo Crete và cố tìm một chỗ thích hợp để trú ẩn trong mùa đông. Không may, họ gặp một cơn bão khủng khiếp và bị thổi ra ngoài khơi. Sau hai tuần, họ bị đắm tầu ở đảo Malta, phía nam của Sicily. Thật không ngờ, mọi người đều sống sót và được chăm sóc bởi cư dân. Ông Phaolô đã làm phép lạ chữa lành và chiếm được cảm tình của dân chúng.
Vào mùa xuân, Julius tìm đường cho ông Phaolô và các bạn đến Ý. Khi đến nơi ở Puteoli, họ được Kitô Hữu chào mừng, những người này đã tháp tùng họ đến Rôma. Ở đây ông Phaolô bị canh giữ nhưng được phép rao giảng. Khi ông thất bại thuyết phục những người lãnh đạo Do Thái tin vào Đức Kitô, ông lại quay sang Dân Ngoại. Trong hai năm (61 -- 63), ông đón nhận tất cả những ai đến với ông, công bố Nước Thiên Chúa, và giảng dạy Tin Mừng (Cv 21:15 -- 28:31).
Hãy đọc Công Vụ 1 -- 2, diễn tả Đức Kitô Thăng Thiên, sự ngự đến của Chúa Thánh Thần trong ngày Pentecost, và sức sống của cộng đồng các tín hữu tiên khởi. Hãy đọc Công Vụ 9 về câu chuyện hoán cải của ông Phaolô và một phép lạ của ông Phêrô. Hãy đọc Công Vụ 14 về một số phiêu lưu trong hành trình truyền giáo lần đầu của ông Phaolô. Hãy đọc Công Vụ 26 về phiên xử ông Phaolô trước quan Festus và Agrippa. Hãy đọc Công Vụ 28:16-31 về tường thuật ông Phaolô ở Rôma.
Ngày nay, chúng ta đọc sách Công Vụ có thể hiểu biết hơn về các chân lý nền tảng của Kitô Giáo. Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa được sai đến để cứu chuộc chúng ta (9:20; 10_34-43). Thiên Chúa là đấng tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa của mọi dân tộc; trong Thiên Chúa “chúng ta sống và hoạt động và được hiện hữu” (17:28). Chúa Thánh Thần là người giúp đỡ và hướng dẫn chúng ta (1; 8; 13:2). Mọi Sách Thánh hướng đến Đức Giêsu Kitô, Người chu toàn lời tiên báo thời Cựu Ước (18:28). Ơn cứu độ được tìm thấy trong Đức Kitô, không phải trong việc tuân giữ luật Môsê hay bất cứ đâu khác (Cv 15). Đức Kitô hiện diện trong thế giới qua những ai tin vào Người (9:4-5), và Người tiếp tục sứ vụ qua họ (3:12-16). Vì thế, Giáo Hội phải là một cộng đồng của tình yêu, phục vụ, chữa lành và tha thứ (4:32-35; 5:12-16; 10:42-43; 11:27-30). Chúa Kitô ban sự sống và ơn sủng của Người cho các tín hữu khi Rửa Tội (2:38), trong Thánh Lễ (bẻ bánh, 2:42) và Thêm Sức (ban Thánh Thần, 19:6). Qua các bí tích này, chúng ta trở nên phần tử của Giáo Hội, là thân thể Đức Kitô ở trái đất. Thánh Thể, sự giảng dạy của các tông đồ, và sự cầu nguyện là tâm điểm của sự thờ phượng Kitô Giáo (2:42-47; 20:7); trong những điều này chúng ta tìm thấy những điều thiết yếu cho việc cử hành Thánh Lễ ngày nay.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Một trong những người bách hại môn đệ của Đức Kitô là Saun. Ông đã hoán cải và ngay lập tức bắt đầu tuyên xưng Đức Kitô với nhiều thành công ở Đamát và Giêrusalem | |
Tất cả những câu sau đây đều đúng, ngoại trừ (a) Thành phố nơi ông Banabê và Saun rao giảng cho dân ngoại và cũng là nơi các môn đệ Đức Kitô lần đầu tiên được gọi là Kitô Hữu, đó là Antiôkia; (c) Kẻ nắm quyền đã giết ông Giacôbê, con ông Giêbêđê, là Hêrốt Agrippa; (c) Người thanh niên đã từ giã ông Banabê và Phaolô trong chuyến truyền giáo đầu tiên (năm 45-48) là Gioan Máccô; (d) Trong chuyến truyền giáo đầu tiên, ông Phaolô và Banabê chỉ rao giảng cho người Do Thái; (e) Khi Kitô Hữu gặp nhau năm 49 tại Giêrusalem để thảo luận về sự tương giao giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo, vấn đề chủ yếu là chúng ta được cứu nhờ ơn sủng của Đức Kitô được ông Phêrô ban cho. | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Bạn đồng hành với ông Phaolô trong chuyến truyền giáo thứ hai (năm 50-53) gồm ông Sila và Timôtê 2. Ông Phaolô hành nghề làm lều, và trong khi ở Côrintô trong chuyến đi lần thứ hai, ông ở với Aquila và Priscilla, họ là người Do Thái và làm lều 3. Ông Phaolô đã du hành khoảng gấp đôi số dặm đường trong chuyến đi thứ hai so với chuyến đi thứ nhất Trong những câu này: (a) tất cả đều đúng; (b) 1 thì sai; (c) 2 thì sai; (d) 3 thì sai; (e) tất cả đều sau. |
|
Trong chuyến đi lần thứ hai, ông Phaolô đã đến thăm các thành sau đây, ngoại trừ: (a) Lystra, Troas; (b) Cyprus, Malta; (c) Philippi, Thêsalônica; (d) Athens, Côrintô. | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Sách Công Vụ, khi thuật lại chuyến truyền giáo lần thứ ba của ông Phaolô, đã cho biết Kitô Hữu tụ họp nhau thế nào vào ngày Chúa Nhật, ngày Đức Kitô Phục Sinh 2. Không lâu sau khi trở về từ chuyến truyền giáo lần thứ ba, ông Phaolô đã đến thăm Giêrusalem, ở đây ông được người Do Thái đón tiếp khi ông nói chuyện trong Đền Thờ 3. Sau khi bị bắt, ông Phaolô bị đưa đến Xêdarê để thoát khỏi âm mưu giết hại ông, âm mưu này được cháu của ông Phaolô khám phá 4. Ông Phaolô bị cầm tù ở Xêdarê trong hai năm, trước là bởi Festus, sau bởi Felix, là người giúp ông Phaolô lên tiếng với Hêrốt Aprippa II 5. Ông Phaolô bị gửi đi như một tù nhân đến Rôma vì ông kháng cáo ở một tòa án tại đó Trong những câu này: (a) 1 và 2 thì sai; (b) 1 và 3 thì sai; (c) 2 và 4 thì sai; (d) 1, 2 và 3 thì sai; (e) 3, 4, và 5 thì sai |
|
Sau một hành trình đến Rôma êm ả và không có gì xảy ra, ông Phaolô bị giam ở đó hai năm vì rao giảng về Đức Kitô. | |
Theo Công Vụ 1 -- 2, các câu sau đây đều đúng, ngoại trừ: (a) Đức Giêsu xuất hiện với các tông đồ trong bốn mươi ngày sau khi Phục Sinh, sau đó được đưa lên trời; (b) Số người tụ họp sau khi Đức Kitô Thăng Thiên và họ chọn ông Matthias thay cho Giuđa, là bảy mươi hai người; (c) Trong bài giảng nhân ngày Pentecost, ông Phêrô đề cập đến Chúa Thánh Thần, Đavít, và ngôn sứ Giôen; (d) Sau Pentecost, các tín hữu tận tụy lắng nghe sự giảng dậy của các tông đồ, họ sống chung, cử hành nghi thức bẻ bánh, và cầu nguyện. | |
Công Vụ 9 diễn tả sự hoán cải của ông Saun: Sau khi Chúa Kitô nói với ông, ông đến Đamát, ở đây ông Anania cầu nguyện cho ông. Ông được rửa tội, sau đó mắt ông được nhìn thấy lại. | |
Công Vụ 14 kể về một dự tính giết ông Phaolô không lâu sau khi dân ở Lystra hầu như thờ lậy ông Phaolô và Banabê. | |
Trong Công Vụ 26, ông Phaolô nói với một trong những người nghe ông là người tin vào các ngôn sứ, có thể nói đó là (a) Agrippa; (b) Festus; (c) Bernice; (d) Felix. | |
Khi ông Phaolô đến Rôma, ông bị canh giữ nhưng được phép nói về Đức Kitô (Cv 28:16-31) |