Wayne và Rita lắng nghe các con bàn tán với nhau trên đường về nhà sau khi đến thăm cha mẹ của Rita trong dịp lễ Giáng Sinh. Chúng nhắc lại những câu chuyện xưa mà ông ngoại kể cho chúng nghe và hỏi cha mẹ về những người bà con lớn tuổi.
Được khích động khi con cái lưu tâm đến quá khứ, Wayne và Rita quyết định nhìn đến gia phả của mình. Họ nói cha mẹ mình kể lại những ký ức. Họ bắt đầu đi tìm dấu vết của gia phả. Họ đưa các con đến thăm những nhà thờ mà bà con trong gia đình đã rửa tội ở đó, cũng như những nghĩa trang bà con được chôn cất. Cả cha mẹ và các con đều ngạc nhiên bởi những bài viết trong các tờ báo xưa và các hồ sơ tòa án về việc buôn bán đất.
Sau cùng, Wayne và Rita tìm ra nguồn gốc của mình ở bên nước Đức. Họ thấy rằng tổ tiên của họ đã từ giã Âu Châu năm 1849 để thoát khỏi sự bách hại tôn giáo, chịu gian khổ trong hành trình băng qua đại dương, trôi nổi trên sông Ohio, và sau cùng định cư ở Kentucky.
Nhờ sự truy tìm về quá khứ, họ quý mến đức tin Công Giáo của mình hơn và nhìn lại Hoa Kỳ như một mảnh đất đầy cơ hội. Họ có được một cái nhìn sáng suốt về ý nghĩa của gia tộc. Họ nói về các giá trị mà tổ tiên họ trân quý và ý nghĩa của những giá trị đó đối với họ. Gia phả của họ có một sức sống mới vì giờ đây nó có nguồn gốc rõ rệt trong quá khứ.
Trong một thế giới thay đổi mau chóng, người ta tìm kiếm sự ổn định và sự đoan chắc nhờ có được những nguồn gốc. Người Công Giáo chúng ta có các nguồn gốc sâu xa hơn là các hồ sơ tòa án hay các nghĩa trang cổ xưa. Chúng ta có thể truy tìm tổ tiên tinh thần của chúng ta từ các truyền thống xa xưa được thấy trong Cựu Ước.
Nếu chúng ta coi Cựu Ước như hồ sơ lịch sử của chính gia đình mình, chúng ta sẽ khám phá ra chìa khóa để mở một số kho tàng của Kinh Thánh. Đó không chỉ là những câu chuyện từ quá khứ xa xưa, những danh sách tên tuổi, và các quy định xưa cũ. Đó là lịch sử gia đình chúng ta, tên của tổ tiên chúng ta trong đức tin, cách gia đình chúng ta thường sinh sống như thế nào. Và rồi chúng ta nhìn đến Cựu Ước với niềm hăng say như bất cứ ai nhìn đến các kho tàng gia phả của họ.
Một trong những mục đích của sách này là cung cấp sự hướng dẫn để giúp mọi người đọc Kinh Thánh với những thông tin căn bản và những đoạn Kinh Thánh chọn lọc. Vì khuôn khổ của sách, thông tin và những chọn lọc sẽ giới hạn. Độc giả có thể biết thêm những giải thích chi tiết cho từng đoạn trong các cuốn khảo luận Kinh Thánh.
Chúng ta bắt đầu với phần giới thiệu Ngũ Thư, sau đó tiếp sang các sách của Kinh Thánh theo thứ tự trong ấn bản “New Revised Standard Version of the Bible”.
Ngũ Thư, năm cuốn đầu tiên của Kinh Thánh, khoảng 550 năm trước thời Chúa Kitô, được các biên tập viên soạn ra vì muốn dân Ít-ra-en có được sự ổn định và an tâm. Dân thời ấy đã bị người Babylon bứng rễ và bị lưu đầy. Những người từ Babylon trở về bị cám dỗ từ bỏ Thiên Chúa để thờ cúng các thần của người ngoại giáo. Họ bị thu hút bởi các thần thoại của người ngoại giáo cho rằng sự dữ và sự hỗn loạn lèo lái định mệnh con người.
Các người biên soạn muốn đưa dân Ít-ra-en ra khỏi những lầm lạc để đến với các truyền thống vững chắc được truyền lại từ ông Abraham và Môsê. Họ ghi lại các câu chuyện thường được kể về tổ tiên của họ là những người tuân theo thánh ý Thiên Chúa. Họ dậy rằng Thiên Chúa hiện hữu, Thiên Chúa dựng nên mọi sự tốt lành, và sự dữ không phải là thần thánh nhưng là hậu quả của những lựa chọn tội lỗi của con người.
Chúng ta đối diện với sự cám dỗ giống như người Ít-ra-en xưa phải đương đầu. Chúng ta bị cám dỗ coi đức tin của chúng ta là lỗi thời, để thờ lậy các tà thần của vật chất chủ nghĩa, thú vui xác thịt, chủ nghĩa nhân văn, và lo sợ rằng sự dữ có sức mạnh nghiền nát những gì là thiện hảo, bác ái, và mỹ miều.
Ngũ Thư công bố với chúng ta, cũng như với các thế hệ trước đây, là có một Thiên Chúa đích thực, ý muốn tốt lành sẽ vượt thắng sự dữ, chúng ta có thể an tâm bước đi trên các con đường mà tổ tiên chúng ta đã chọn. Ngày nay Ngũ Thư thì quan trọng cho chúng ta vì nó ghi chép lại quá khứ của gia đình chúng ta và, dưới sự linh ứng của Thiên Chúa, nó có thể trả lời cho những câu hỏi căn bản nhất trong đời sống.
Sáng Thế là một cuốn sách trong đó người Ít-ra-en nhớ lại nguồn gốc gia phả của họ từ các tổ phụ Abraham, Isa-ác, và Giacóp, sau đó nó còn đi xa hơn nữa để tìm về nguồn gốc vũ trụ và ý nghĩa của chính đời sống. Bây giờ, bạn hãy mở Kinh Thánh và đọc Sáng Thế 1:1-- 2:4.
Đoạn này của Sáng Thế là từ truyền thống Tư Tế, và có lẽ nó được dùng trong việc thờ phượng ở Đền Thờ. Nó cho thấy người Ít-ra-en hiểu biết về thế giới như một mặt phẳng được nâng cao khỏi nước bởi các cột trụ, và bầu trời như một cái chén úp ngược có các cửa sổ để mưa và tuyết rơi xuống. Để dễ nhớ, các câu sau đây thường được lập lại: “Và Thiên Chúa phán,” “Và đã xảy ra như vậy,” “Và Thiên Chúa thấy điều đó tốt đẹp,” “Và đó là một buổi chiều và một buổi sáng.” Cấu trúc bảy ngày có tính cách thi ca, dùng để nêu lên tính cách thiêng liêng một ngày của Thiên Chúa, vì ngay cả Thiên Chúa cũng nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc!
Cơ cấu này còn giúp cho dễ nhớ qua sự liên kết các ngày. Ngày thứ nhất, khi Thiên Chúa tạo ra ánh sáng, được nối với ngày thứ tư, khi Thiên Chúa tạo nên mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao. Ngày thứ hai, khi Thiên Chúa dựng ra vòm trời để tách biệt nước mưa với nước biển, được nối với ngày thứ năm, khi Thiên Chúa dựng nên các loài chim bay dưới bầu trời và cá bơi lội trong đại dương. Ngày thứ ba, khi Thiên Chúa làm cho đất xuất hiện và dựng nên các loài thảo mộc, có liên hệ đến ngày thứ sáu, khi Thiên Chúa dựng nên thú vật và loài người sống trên đất này và ăn hoa màu.
Việc tạo nên con người được lưu ý đặc biệt. Thiên Chúa nói, “Chúng ta hãy dựng nên con người trong hình ảnh của chúng ta.” Ý nghĩa của câu này được các học giả tranh luận. Một ý kiến cho rằng câu “chúng ta hãy” có thể là số nhiều của sự uy nghi, một tuyên bố long trọng về ý định của Thiên Chúa khi thi hành điều gì đặc biệt. “Trong hình ảnh của chúng ta” có lẽ ám chỉ đến sự kiện là con người thống trị trái đất như các đại diện của Thiên Chúa và được kêu gọi hãy chăm sóc thế giới mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta.
Trái với các thần thoại của dân ngoại vào lúc bấy giờ, tường thuật về sự tạo dựng này dậy rằng chỉ có một Thiên Chúa, đấng tạo nên mọi sự. Sự tạo dựng không xuất phát từ các cuộc chiến giữa thần lành và thần dữ mà chúng chỉ là một phần của thiên nhiên.
Thông điệp này vẫn đúng với chúng ta ngày nay. Vũ trụ không xuất phát từ hư không. Cơ cấu của nó không do sự tình cờ vì sự va chạm của các nguyên tử. Thiên Chúa hiện diện. Thiên Chúa tạo nên vũ trụ. Loài người chúng ta không phải do sự ngẫu nhiên mà là tạo vật có giá trị, vì chúng ta là đại diện của chính Thiên Chúa trên trái đất này. Chương đầu của sách Sáng Thế không trình bày như một tường thuật khoa học về sự tạo dựng (vì khoa học chưa được biết vào lúc sáng tác sách Sáng Thế), nhưng nó dậy chân lý tôn giáo trong ngôn ngữ ngập tràn sức mạnh và sự mỹ miều.
Giáo Hội Công Giáo dậy rằng Sáng Thế thì không mâu thuẫn với các thuyết khoa học hiện đại về sự tạo dựng, kể cả những thuyết về sự tiến hóa, một khi các thuyết này không từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa và tin rằng mọi sự có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Sáng Thế lưu tâm đến những thắc mắc tôn giáo, lý do của sự tạo dựng. Khoa học lưu tâm đến những gì có thể quan sát được, sự tạo dựng như thế nào. Rất có thể Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ qua “các niên kỷ” và trong sự quan phòng của Thiên Chúa, một số tiến hóa đã xảy ra trong các tạo vật mà Thiên Chúa dựng nên. Sáng Thế dậy rằng bất cứ cách nào vũ trụ hiện hữu, nó xuất phát từ tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Hãy đọc Sáng Thế 2:4 -- 3:24. Đoạn này gồm một tường thuật thứ hai về sự tạo dựng được lấy từ nguồn “Yahwist”. Trong hai tường thuật này có những tương phản. Thí dụ, con người được tạo dựng sau loài vật trong tường thuật thứ nhất nhưng lại trước loài vật trong tường thuật thứ hai. Hiển nhiên các người biên soạn sau cùng sách Sáng Thế thì không lưu tâm đến những khác biệt này, và chỉ một sự kiện này cũng đủ để thấy rằng họ không quan tâm trình bày về sự tạo dựng theo diễn tả khoa học. Họ giữ lại cả hai tường thuật vì cả hai đều được trân quý trong cộng đồng và mỗi tường thuật nhấn mạnh đến các chân lý tôn giáo riêng.
Người xưa, cũng như chúng ta ngày nay, tự hỏi tại sao thế giới có tất cả tội lỗi, đau đớn, khổ sở, và sự chết. Tường thuật thứ hai về sự tạo dựng đã giải quyết các vấn đề này trong ngôn ngữ đầy mầu sắc, dấu hiệu và sự sâu sắc về tình trạng con người. Nó đan quyện câu chuyện không chỉ về con người đầu tiên trên trái đất nhưng còn cả chúng ta.
Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống trong một thế giới có thể nói là thiên đường. Chúng ta là sinh vật tự do, có trí thông minh được mời gọi bước đi trong sự dẫn dắt của một Thiên Chúa đầy yêu thương. Chúng ta được ban cho khả năng trung thành trong hôn nhân và được chia sẻ với Thiên Chúa trong việc tạo nên sự sống mới. Chúng ta được tự do chọn lựa những gì Thiên Chúa tuyên bố là tốt và tránh những gì Thiên Chúa nói là xấu. Nhưng những con người đầu tiên đã ăn trái của “cây biết lành và biết dữ”. Bị quỉ cám dỗ (quỉ tượng trưng bằng con rắn, một dấu hiệu phổ thông của thần ngoại giáo), họ nói với Thiên Chúa: “Ngài không thể nói với chúng tôi những gì phải làm. Chúng tôi sẽ quyết định những gì là tốt và những gì là xấu.” Qua sự lựa chọn của họ, tội đã đến trong thế gian và đã tạo nên một bức tường giữa chúng ta và Thiên Chúa. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự khổ sở và sự chết, sự xung đột trong các tương giao con người, phải mệt nhọc và chán chường trong công việc, phải đau đớn khi sinh con. Điều đã có thể là thiên đường lại trở nên một thế giới mà chúng ta đắm chìm trong sự chết, sự tuyệt vọng, và trong sự bất lực mà ơn cứu độ chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa, là đấng trong lúc tệ hại như thế đã hứa sẽ đạp dập đầu con rắn và chiến thắng sự dữ.
Phần còn lại của Sáng Thế 4 -- 11 là một bình luận về sự thật rằng tội lỗi có khuynh hướng ngày càng trói buộc con người. Như Cain, con người có khuynh hướng giết hại ngay cả các phần tử trong gia đình mình. Chúng ta bị sập bẫy, lọt vào cơn lụt tội lỗi mà chỉ có một mình Thiên Chúa mới cứu nổi. Chúng ta trở nên xa cách Thiên Chúa, với chính bản thân, và với nhau cho đến khi toàn thể trái đất dường như là Tháp Baben.
Mười một chương đầu của sách Sáng Thế cho thấy loài người tách rời khỏi Thiên Chúa. Nhưng vào cuối chương 11, một người được giới thiệu và ông sẽ đưa dân trở về với Thiên Chúa. Người đó là Abram, con của ông Têra, sống vào khoảng 1900 B.C. (trước thời Chúa Kitô), cùng với gia đình di cư từ Ur (Iraq ngày nay) đến Haran (một thành phố gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria ngày nay). Sau khi ông Têra chết, ông Abram được Thiên Chúa gọi ông đến một nơi mới và hứa sẽ làm thành một dân tộc vĩ đại từ nơi ông. Ông Abram mau mắn vâng lời, đưa vợ ông, bà Sarai, cháu ông là Lót, và toàn thể gia trang đến vùng đất Canaan (Do Thái ngày nay). Trong những thị kiến tiếp đó, Thiên Chúa canh tân lời hứa của Người trong hình thức giao ước, đã đổi tên Abram thành Abraham và tên Sarai thành Sara, và ban cho hai người một đứa con trai, là Isaác.
Sáng Thế 12 -- 25 có nhiều câu chuyện đầy mầu sắc về ông Abraham và gia tộc của ông. Các học giả tranh luận về lịch sử tính của các câu chuyện này, nhưng họ không đặt nghi vấn việc Sáng Thế đã đặt ông Abraham như một gương mẫu đức tin, là tổ phụ của dân Ít-ra-en, và là người mà Thiên Chúa đã hứa ban cho mảnh đất, mà sau này người Ít-ra-en cho là của họ.
Bây giờ hãy đọc Sáng Thế 12:1-9, Sáng Thế 15:1 -- 17:27, Sáng Thế 21:1-8, và Sáng Thế 22:1-19. Trong những đoạn này, đức tin của ông Abraham đối với Thiên Chúa luôn được nhấn mạnh. Nghi thức giao ước được thực hành trong vùng Trung Đông, trong đó thú vật bị xẻ đôi. Những ai tham dự phải đi giữa con vật xẻ đôi để nói lên rằng nếu họ phá vỡ giao ước, số phận của họ cũng sẽ như thế. Câu chuyện ông Abraham được Thiên Chúa gọi để sát tế con trai của mình thì nhắm đến đức tin sâu đậm của ông đối với Thiên Chúa, Nó cũng cho người Ít-ra-en (sống giữa người ngoại giáo mà họ giết người để tế thần) thấy rằng Thiên Chúa muốn sát tế thú vật thay vì con người.
Trước khi ông Abraham từ trần, Isaác kết hôn với Rêbécka, một cháu gái của ông Abraham và, vì thế, theo các phong tục của thời bấy giờ, cô là nàng dâu thích hợp cho Isaác. Chính qua Isaác mà lời hứa của Thiên Chúa với ông Abraham được thể hiện.
Isaác và Rêbécka có hai con trai sinh đôi, Giacóp và Esau (St 25:19-34). Họ trở nên kẻ thù, và Giacóp đã lừa cha già, là ông Isaác, để được chúc lành mà lẽ ra sự chúc phúc ấy dành cho Esau. Một số câu chuyện khác được kể về Giacóp, nhiều truyện nói lên tính mưu mô của ông. Một số truyện được dựa trên văn hóa dân gian. Chúng phác hoạ lại hình dáng cho các thần thoại và huyền thoại xa xưa, đưa ra những giải thích phổ thông cho các địa danh và nguồn gốc của một vài truyền thống.
Giacóp đến Haran để tìm vợ và sau cùng đã kết hôn với hai con gái của người chú, ông Laban. (Tục đa thê thì phổ thông trong các dân tộc xưa và được thực hành bởi các vua Ít-ra-en cho đến thế kỷ thứ năm trước thời Chúa Kitô). Các bà vợ của ông và các đầy tớ gái của họ trở thành các bà mẹ của mười hai người con trai của ông Giacóp, tiền nhân của mười hai chi tộc của Ít-ra-en. Hai tường thuật khác nhau (St 32:29 và St 35:10) giải thích rằng tên của ông Giacóp được Thiên Chúa đổi thành Ít-ra-en, và nó đã trở thành tên của một dân tộc là con cháu của ông. Sau cùng, Giacóp trở về Canaan cùng với gia đình và làm hòa với Esau.
Hãy đọc Sáng Thế 25:19-34, Sáng Thế 27:1-45, Sáng Thế 33:1-20, và Sáng Thế 35:9-15. Các đoạn này kể lại những giây phút chính yếu trong cuộc đời ông Giacóp và cho thấy Thiên Chúa vẫn giữ lời đã hứa với ông nội của Giacóp là ông Abraham. Câu chuyện về việc ông Giacóp đánh lừa cha già của mình, Isaác, để ban cho ông sự chúc phúc thuộc về Esau, cho thấy Thiên Chúa có thể sử dụng ngay cả kẻ tội lỗi để hoàn thành các mục đích của Người. Điều này không có nghĩa Thiên Chúa cần đến những hành động xấu xa đó, nhưng Thiên Chúa có thể chuyển đổi chúng để đem đến sự tốt lành -- trong trường hợp này, là để chu toàn giao ước của Thiên Chúa với ông Abraham (xem St 35:9-12). Có một bài học trong việc này: Thiên Chúa có thể đem lại sự tốt lành từ những bất hạnh, ngay cả từ quá khứ sa ngã của chúng ta, nếu chúng ta quay về với Thiên Chúa với đức tin và sự tín thác.
Câu truyện của ông Giuse kết thúc sách Sáng Thế cũng dậy cùng một bài học. Ông Giuse trông cậy vào Thiên Chúa trong những hoàn cảnh tệ hại nhất, và Thiên Chúa đã biến đổi thảm họa thành sự chiến thắng.
Sau khi ông Giuse bị bán làm nô lệ bởi các anh của mình, ông trở nên một quản lý giỏi. Khi ông từ chối những đề nghị của vợ ông chủ, ông bị kết tội oan ức và bị tống vào ngục, mà nơi đây không thể nào trở thành viên đá lót đường cho ông đến một vị thế đầy quyền lực ở Ai Cập. Tuy nhiên, nạn đói xảy ra khắp thế giới đã trở nên một cơ hội cho ông Giuse chứng tỏ khả năng quản trị của mình và được tái hợp với các anh và người cha, là ông Giacóp.
Vì ông Giacóp được tái hợp với Giuse, ông đã yên lòng nhắm mắt. Việc chôn cất ông ở đất Canaan là một dấu hiệu khác cho thấy gia đình ông, một ngày nào đó, sẽ từ Ai Cập trở về miền Đất Hứa.
Hãy đọc Sáng Thế 45:1-28. Đoạn này vẽ ra một hình ảnh xinh đẹp đầy cảm xúc về sự tái hợp giữa ông Giuse và các người anh, và về việc ông Giacóp nhận được tin không thể ngờ rằng Giuse vẫn còn sống.
Bạn muốn đọc cả câu chuyện của ông Giuse vì nó lôi cuốn, ngắn gọn, thật khó để đặt sách xuống. Câu chuyện để chúng ta ở lại với gia đình Ít-ra-en ở Ai Cập, nơi một thảm họa khác, sự nô lệ kham khổ, sẽ được Thiên Chúa biến đổi thành sự tự do và đời sống mới.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Người Công Giáo có thể tìm thấy các nguồn tinh thần của mình trong Cựu Ước | |
Ngũ Thư (Pentateuch) được hoàn tất khoảng (a) thời của Môsê; (b) 1000 B.C.; (c) 550 B.C.; (d) 50 B.C. | |
Sự thích đáng của Ngũ Thư xuất phát từ sự kiện là nó ghi nhận quá khứ của gia đình chúng ta và, dưới sự linh ứng của Thiên Chúa, nó trả lời những câu hỏi căn bản nhất của sự sống | |
Trong bốn truyền thống là các nguồn chính của Ngũ Thư, một truyền thống mà từ đó câu truyện tạo dựng được trích dẫn là (a) Yahwist; (b) Elohist; (c) Thứ Luật; (d) Tư Tế. | |
Trong cấu trúc kiểu thơ của Sáng Thế 1, có sự nối tiếp các ngày để dễ nhớ: ngày thứ nhất nối với ngày thứ sáu, ngày thứ hai nối với ngày thứ năm, và ngày thứ ba nối với ngày thứ tư. | |
Quan niệm con người được dựng nên trong hình ảnh của Thiên Chúa có thể phản ánh sự mời gọi chúng ta là đại diện của Thiên Chúa trong việc chăm sóc thế giới mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. | |
Sách Sáng Thế dạy bảo về sự tạo dựng như thế nào, trong khi khoa học dạy bảo về lý do của sự tạo dựng. | |
Con người được dựng nên sau các thú vật trong câu chuyện tạo dựng thứ nhất, nhưng lại trước các thú vật trong câu chuyện thứ hai. | |
Tường thuật I về sự tạo dựng đối phó với vấn đề đau khổ, trong khi tường thuật II dạy chúng ta hãy nghỉ ngơi một ngày trong tuần. | |
Mục đích chính của Sáng Thế 1-3 thì không phải là một tường thuật có tính lịch sử về người đầu tiên trên trái đất nhưng để dạy các chân lý tôn giáo về Thiên Chúa và về chính chúng ta. | |
Trong Sáng Thế 12-25, những tên Abram và Abraham ám chỉ cùng một người nam, tên Sarai và Sarah ám chỉ cùng một người nữ. | |
Khi ông Abraham di dân từ Haran đến Canaan, ông đã không đem theo (a) bà Sarah; (b) ông Lót; (c) Isaác; (d) các tài sản (St 12:1-9). | |
Trong Sáng Thế 15, Thiên Chúa hứa rằng ông Abraham (Abram) sẽ có con cháu và họ sẽ được ban cho một phần đất để cư ngụ. | |
Các con của ông Abraham được đặt tên là Isaác, và (a) Hagai; (b) Ishmael; (c) Esau; Giacóp (St 15:1 -- 17:27). | |
Dấu hiệu của giao ước mà Thiên Chúa cam kết với ông Abraham là (a) Mười Điều Răn; (b) rửa tội; (c) cắt bì; (d) sát tế con người (St 15:1 -- 17:27) | |
Trong những người Do Thái, ông Abraham nổi tiếng vì đức tin của ông. | |
Tuy Giacóp lừa gạt cha mình, Thiên Chúa vẫn có thể dùng đến sự xấu ấy để hoàn tất các mục đích của Thiên Chúa. | |
Mẹ của Giacóp là Rêbécca, và một trong những bà vợ của ông tên là Raken (St 25:19-26; 29:28). | |
Giacóp và Esau vẫn thù hận cho đến chết (St 33). | |
Khi Giuse, con của Giacóp, được đoàn tụ với 11 anh em khác, ông đã ban tặng vật đặc biệt cho (a) Reuben; (b) Giuđa; (c) Lêvi; (d) Benjamin (St 45). |