Sách Sáng Thế chấm dứt với cái chết của ông Giuse ở Ai Cập vào khoảng 1750 B.C. Năm trăm năm trôi qua giữa cái chết của ông Giuse và các biến cố được diễn tả trong sách kế tiếp của Kinh Thánh, cuốn Xuất Hành. Trong năm trăm năm đó, con cháu của ông Abraham trở thành nô lệ. Các tài liệu cổ xưa đề cập đến những con cháu này là “Habiru”, một dân du mục làm việc trong các công trường xây cất của Ai Cập. (Từ chữ Habiru có chữ Hebrew, một tên khác của người Ít-ra-en).
Sách Xuất Hành diễn tả cảnh nô lệ của người Ít-ra-en và sự giải thoát của họ dưới sự lãnh đạo của ông Môsê. Người Ít-ra-en đã đánh mất căn tính của mình, nhưng khi Thiên Chúa xuất hiện với ông Môsê là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, và Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3:6), một tiến trình được bắt đầu để dẫn đưa người Hebrew trở về với căn tính của mình là Dân Chúa.
Hiển nhiên, đã có một vài cuộc di dân của người Habiru vào Ai Cập cũng như vài trường hợp của một số người trong bọn đã thoát khỏi cảnh lầm than tại Ai Cập. Kinh Thánh chú trọng đến sự Xuất Hành do ông Môsê dẫn đầu. Hầu hết các học giả đưa biến cố Xuất Hành vào triều đại của vua Ramsi II và ngày Xuất Hành khoảng 1250 B.C. Nhiều học giả cho rằng số người được ông Môsê dẫn ra khỏi Ai Cập thì tương đối ít, chỉ khoảng vài ngàn. Nhưng khi câu chuyện Xuất Hành được kể đi kể lại, nó mang tính chất sử thi. Số người vượt thoát bắt đầu lên đến số dân Ít-ra-en ở điểm cao nhất. Các biến cố của Xuất Hành được thổi phồng cho đến khi chúng trở thành những biểu hiện lạ lùng của quyền năng và sự bảo vệ của Thiên Chúa: các tai ương, biển xẻ đôi, cột lửa.
Cốt lõi lịch sử đằng sau Xuất Hành là gì? Có thể là bối cảnh sau đây. Một nhà lãnh đạo vĩ đại, ông Môsê, cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa khi cầu nguyện (bụi gai bốc lửa). Ông nhận ra thánh ý của Thiên Chúa là dân Ít-ra-en phải được tự do. Tận dụng các biến cố thiên nhiên đã tạo ra tình huống gián đoạn (lụt bởi sông Nile; cóc nhái là hậu quả của trận lụt; ruồi muỗi sinh sôi từ cóc nhái chết, lan tràn bệnh dịch; mưa đá; tai ương châu chấu; các cơn bão cát ở sa mạc; có thể là cái chết của con trai của Pharao). Ông Môsê đã dẫn một đám người Ít-ra-en đến một khu vực được gọi là Biển Lau Sậy (không phải là “biển đỏ”, dường như là dịch sai tiếng Hebrew nguyên thủy). Người Ít-ra-en băng qua đó cách an toàn, nhưng người Ai Cập trong các chiến xa thì bị sa lầy. Nhiều người bị chết, và dân Ít-ra-en trốn vào hoang địa, ở đây họ lang thang bốn mươi năm trước khi vào Đất Hứa dưới sự lãnh đạo của người thay thế ông Môsê, là ông Giôsua.
Nhưng tại sao không coi câu chuyện Xuất Hành theo giá trị bề mặt? Tại sao không thừa nhận sách Xuất Hành là sách sử trong nghĩa hiện đại như một số dẫn giải của phái cơ bản đưa ra?
Trước hết, chúng ta không từ chối khả năng của Thiên Chúa để thi hành bất cứ phép lạ nào trong câu truyện Xuất Hành. Thiên Chúa là Thiên Chúa và có thể làm phép lạ. Nhưng khi chúng ta nhìn đến tài liệu Xuất Hành, chúng ta tin rằng các tác giả Kinh Thánh có ý định viết ra một thiên anh hùng ca, chứ không phải lịch sử hiện đại, để tán dương sự vinh hiển của Thiên Chúa và nhạo cười kẻ thù của Thiên Chúa. Các văn gia này tổng hợp từ các nguồn cổ xưa thành một câu chuyện mà nó thực sự đáng nhớ, ca tụng quyền năng của Thiên Chúa, và nhớ lại nguồn gốc quốc gia của dân Ít-ra-en mà chỉ có lịch sử tính thôi thì không thể.
Chúng ta có thể so sánh Xuất Hành với bài dân ca của Johnny Horton, “The Battle of New Orleans” (trận chiến New Orleans). Bài này có nền tảng lịch sử, nhưng được viết như một thiên anh hùng ca, với sự tưởng tượng và tính khôi hài. Phải, có một trận chiến ở New Orleans năm 1814-1815, và Tướng Jackson đã đánh bại người Anh (bài ca giúp người ta nhớ đến các sự kiện này tốt hơn là lớp sử ký). Nhưng các yếu tố nổi tiếng của bài ca (các con cá sấu được dùng như súng đại bác khi vũ khí mềm ra vì quá nóng!) thì không bao giờ được nhạc sĩ muốn ám chỉ lịch sử tính của nó. Tương tự, các tác giả sách Xuất Hành không bao giờ có ý định là các chi tiết câu chuyện của họ phải được coi có lịch sử tính.
Có những đầu mối trong truyện giúp chúng ta dẫn giải hình thức văn chương là thiên anh hùng ca thay vì lịch sử. Trước hết, tại sao vua Pharao lại cho phép Môsê trở lại với những hăm dọa và đòi hỏi? Sao không quăng Môsê vào tù và hành quyết ông? Thứ hai, Xuất Hành 12:37 nói về 600,000 người rời Ai Cập; điều này sẽ gợi ý đến một cuộc khởi hành của vài triệu người. Nhưng lúc đầu, câu truyện chỉ nhắc đến có hai bà đỡ đẻ cho toàn thể người Hebrew! Thứ ba, có những mâu thuẫn không thể có lịch sử tính. Một thí dụ, “mọi gia súc của người Ai Cập chết hết” trong trận dịch thứ năm (ruồi muỗi), nhưng số gia súc này lại bị chết lần nữa bởi mưa đá và một lần nữa trong cái chết của những đứa con đầu lòng. Thứ tư, có sự phi lý khi Thiên Chúa trút sự tàn phá trên một dân tộc chỉ vì ưa thích một dân tộc khác, và không ngăn cản việc giết hại các trẻ con vô tội. Một Thiên Chúa như thế thì không giống như Thiên Chúa đã được Chúa Giêsu Kitô tiết lộ.
Một lần nữa, chúng ta không từ chối sự khả dĩ của phép lạ. Thiên Chúa thì toàn năng và không bị giới hạn bởi các luật thiên nhiên. Nhưng vì hình thức văn chương và thiên anh hùng ca làm nên sách Xuất Hành, chúng ta không thể kết luận về tính xác thực của các phép lạ được diễn tả ở đó. Sách Xuất Hành đem đến cho chúng ta điều cốt yếu của lịch sử dân Ít-ra-en thoát khỏi Ai Cập dưới sự lãnh đạo của ông Môsê. Sách Xuất Hành dậy những bài học tôn giáo quan trọng: Thiên Chúa để ý đến con người và đứng về phía tự do. Ngoài các yếu tố căn bản như thế còn có chỗ cho sự suy đoán, và Giáo Hội Công Giáo không đưa ra một giáo lý nào về các vấn đề này.
Hãy đọc Xuất Hành 1 để cảm nghiệm hoàn cảnh khổ sở và vô vọng của người Ít-ra-en khi là nô lệ ở Ai Cập. Hãy đọc Xuất Hành 14 để cảm thấy niềm vui của sự tự do. Hãy nghĩ đến con cháu người Do Thái, bảy trăm năm sau, khi ngồi chung quanh ông nội, chúng phấn khởi: “Kể nữa đi ông nội. Chúa đã đưa Môsê và người Ít-ra-en băng qua biển làm sao hả ông nội!”
Nhóm người mà ông Môsê dẫn ra khỏi Ai Cập là một nhóm tị nạn tả tơi. Họ cãi lại ông Môsê, than phiền về những gian khổ, và có lúc muốn quay về lại Ai Cập.
Nhưng Thiên Chúa muốn quy tụ những người tị nạn này thành Dân Chúa. Ở núi Sinai, Thiên Chúa thiết lập một giao ước với người Hebrew mà trọng tâm ở Mười Điều Răn. Người Ít-ra-en phải giữ các điều răn này như một phần của giao ước. Phần giao ước của Thiên Chúa là lời hứa rằng Người sẽ là Chúa của họ, bảo vệ họ, và dẫn họ đến phần đất đã hứa với ông Abraham.
Mười Điều Răn được công bố trong Xuất Hành 20:1-17 (và một lần nữa trong hình thức hơi khác ở Thứ Luật 5:1-21). Truyền thống đếm các điều răn này là mười thì xuất phát từ Xuất Hành 34:28. Cách đếm các điều răn thì thay đổi. Người Công Giáo đếm Xuất Hành 20:1-6 là một điều răn và Xuất Hành 20:17 là hai.
Kinh Thánh nói về Mười Điều Răn như xuất phát từ nơi Thiên Chúa (Xh 34:1) và từ tay của ông Môsê (Xh 34:28). Những truyền thuyết này nói rõ rằng chính sự hiện hữu của dân tộc Ít-ra-en thì tùy thuộc vào sự trung thành với Thiên Chúa. Các truyền thuyết cho thấy ông Môsê được Thiên Chúa chọn để thiết lập một truyền thống hợp pháp của Ít-ra-en và để hình thành một dân biết thờ phượng Thiên Chúa đích thật. Các truyền thuyết này chọn ông Môsê là vị lãnh đạo tôn giáo, ông đã làm ra Hòm Bia Giao Ước, là một cái rương đựng Mười Điều Răn và là ngai nơi Thiên Chúa gặp gỡ dân Ít-ra-en. Như thế, ông Môsê là người lãnh đạo đưa dân Ít-ra-en tiếp xúc với Thiên Chúa.
Vì những lý do này, sau đó nhiều lề luật, các quy tắc phụng vụ, và những lý tưởng cho việc xây cất Đền Thờ cũng như cách thờ phượng của Ít-ra-en được tổng hợp trong sách Xuất Hành cùng với Mười Điều Răn, được coi như xuất phát từ Thiên Chúa qua ông Môsê. Sau bẩy trăm năm từ biến cố Sinai, các người biên soạn ráp thành sách Xuất Hành từ nhiều nguồn khác nhau, họ nhận ra rằng mọi lề luật của Ít-ra-en có thể được tóm lược trong giao ước ở Sinai.
Họ cũng nhận ra rằng lịch sử của Ít-ra-en có thể tổng kết trong các biến cố Xuất Hành. Đó là lý do họ bao gồm cả câu truyện Bò Vàng (Xh 32-34) trong danh sách của luật lệ và quy tắc. Cũng như người Ít-ra-en trong sa mạc gần như lãng quên Thiên Chúa thì con cháu của họ cũng lập lại sự sai lầm này, ngay cả làm thêm các con bê vàng. (Xem 1 Cv 12:26-32). Cũng như Thiên Chúa đã tha thứ cho dân Ít-ra-en khi họ tìm cách xin lỗi, thì sau đó nhiều thế kỷ Thiên Chúa cũng tha thứ cho kẻ tội lỗi biết sám hối, mời gọi họ trung thành với giao ước.
Ngày nay, những chương này của sách Xuất Hành dạy chúng ta điều gì? Sách nói với chúng ta rằng Thiên Chúa muốn gần với chúng ta (Xh 33:12-13). Thiên Chúa muốn chúng ta tuân giữ các điều răn vì như thế chúng ta được ở trong sự hiện diện của Người. Những chương này dậy chúng ta biết làm thế nào để được tự do thực sự. Thiên Chúa là đấng đã đưa dân Ít-ra-en ra khỏi vòng nô lệ. Khi Thiên Chúa ban cho họ Mười Điều Răn, đó là để giúp họ thoát khỏi sự ràng buộc tệ hại hơn nữa -- là sự nô lệ cho tội lỗi. Nếu ngày nay chúng ta tuân giữ các giới răn này, chúng ta sẽ vui thú với sự tự do trọn vẹn của con người mà không bị vướng mắc trong sự ràng buộc của tội lỗi.
Chúng ta còn biết được những lề luật và quy tắc mà chúng ta không còn theo. Chúng nhắc nhở về sự quyết tâm sống chính trực và sự tận tụy thờ phượng của tổ tiên tinh thần của chúng ta. Chúng khích lệ chúng ta hãy cố gắng vâng phục và thờ lậy Thiên Chúa. “Đức Chúa! Đức Chúa! Một Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34:6).
Hãy đọc Xuất Hành 20:1-17, nó diễn tả cách Thiên Chúa ban các giới răn cho dân Ít-ra-en. Hãy đọc Xuất Hành 24:1-8, ở đây dân Ít-ra-en chấp nhận các điều khoản của giao ước và ông Môsê dẫn đầu việc cử hành nghi thức tiếp nhận. Trong nghi thức này, bàn thờ là một dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa, và máu là một dấu hiệu của sự sống. Khi ông Môsê lấy máu hy tế, rảy một nửa lên bàn thờ và một nửa trên dân chúng, ông xác nhận sự hợp nhất giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en. Hãy đọc Xuất Hành 32:1-20 và Xuất Hành 34:1-9 về chuyện Bò Vàng và sự canh tân giao ước. Hãy đọc Xuất Hành 38:1-8 để biết về một mẫu luật phụng tự trong Xuất Hành. Hãy để ý đến các chi tiết, sự xác tín sống động của dân Isaren khi muốn thờ phượng Thiên Chúa cách xứng đáng.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Giữa Giuse và Môsê có một quãng thời gian cách nhau khoảng (a) 100; (b) 500; (c) 1000; (d) 2000 năm. | |
Những tai họa mà nó cho phép người Hebrew thoát khỏi Ai Cập có lẽ được diễn tả trong Kinh Thánh như đã xảy ra trong lịch sử | |
Hình thức văn chương của sách Xuất Hành được diễn tả tốt nhất là (a) thiên anh hùng ca; (b) truyền thuyết; (c) lịch sử; (d) giả tưởng | |
Biến cố Xuất Hành không có nền tảng trong lịch sử | |
Xuất Hành 1 diễn tả thân phận nô lệ của người Hebrew bao gồm tất cả những điều sau ngoại trừ (a) cưỡng bách nô lệ; (b) xây các thành phố; (c) chèo các chiến thuyền của Ai Cập; (d) đục đá và làm gạch | |
Xuất Hành 14 cho thấy sự bảo vệ của Thiên Chúa đối với người Hebrew trong các dấu hiệu sau ngoại trừ: (a) bắt giữ Pharaô, (b) một thiên thần; (c) cột lửa; (d) gió mạnh. | |
Tất cả các lề luật trong sách Xuất Hành được viết xuống trước khi ông Môsê từ trần. | |
Trong những bài học tôn giáo quan trọng từ sách Xuất Hành là Thiên Chúa muốn gần với chúng ta và muốn chúng ta thực sự được tự do. | |
Sau khi Thiên Chúa ban các điều răn cho ông Môsê, dân chúng yêu cầu Thiên Chúa trực tiếp nói với họ (Xh 20). | |
Khi ông Môsê rảy máu thú vật trên dân Ít-ra-en tại núi Sinai, ông muốn nói họ tội lỗi. | |
Người dẫn đầu việc đúc tượng con bê vàng là (a) Giôsua; (b) Aaron; (c) Môsê; (d) Lêvi (Xh 32). | |
Bàn thờ được diễn tả trong Xuất Hành 38 thì được bọc với (a) vàng; (b) bạc; (c) đồng; (d) sắt. |