Sách mang tên Lêvi vì nội dung chính yếu gồm các lề luật được đặt ra bởi các tư tế của chi tộc Lêvi. Những lề luật này được trình bày như xuất phát từ ông Môsê, và một số có lẽ có nguồn gốc từ ông Môsê trong Xuất Hành. Nhưng hầu hết dường như phản ánh các tục lệ và thời gian sau này. Các sách này được đưa vào Ngũ Thư khoảng 550 B.C.
Độc giả ngày nay có thể thấy những quy định và nghi thức của Lêvi thật tẻ nhạt để đọc. Nhưng chúng ta có thể được lợi từ sách này nếu chúng ta coi đó như một tài liệu đề cao những lý tưởng và mục tiêu của Cựu Ước, như khuôn mẫu mà tổ tiên chúng ta đã đi theo trong sự tôn kính Thiên Chúa.
Hãy đọc Lêvi 19:1-19. Ở đây chúng ta thấy chủ đề chính của Lêvi, “Ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi thì thánh thiện.” Ở đây chúng ta được biết sự chu toàn bổn phận với người khác có liên quan đến sự chu toàn bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa. Chúng ta thấy có một số điều của Mười Điều Răn được lập lại, và chúng ta đọc thấy các hướng dẫn hãy yêu thương tha nhân như chính mình. Chúng ta khám phá ra các quy định có thể là kỳ quặc, tỉ như cấm không được mang y phục được dệt bằng hai thứ sợi khác nhau. Các học giả tranh luận về nguồn gốc của các quy định này. Đôi khi các quy định là nghi thức về bản chất. Lúc khác chúng là những thực hành, thí dụ, quy định cấm ăn thịt heo có lẽ được đưa ra vì nhiều người ăn thịt heo đã bị bệnh sán heo. Điều cấm kỵ lúc đầu vì thực phẩm nguy hiểm từ từ mang sắc thái tôn giáo.
Hãy đọc Lêvi 23, nó buộc phải tuân giữ ngày Sabát và năm ngày lễ khác của Do Thái -- Vượt Qua, Pentecots, Ngày Đầu Năm, và Ngày Chuộc Tội, và ngày Lễ Lều. Mục đích của ngày Sabát và năm ngày lễ này là để giúp dân Do Thái nhớ đến chân lý căn bản nhất: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Lv 23:43).
Sách Lêvi có thể giúp chúng ta nhớ rằng Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng ta và chúng ta phải sống theo các khuôn mẫu do Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta phải trở nên thánh thiện vì Thiên Chúa thì thánh thiện.
Sách có tên Dân Số là từ các tường thuật về cuộc kiểm tra người Hebrew và từ danh sách các vật dụng và những người được diễn tả trong sách này. Nó miêu tả thời gian bốn mươi năm của người Ít-ra-en trong sa mạc và kết thúc khi họ sẵn sàng bước vào Đất Hứa. Các tường thuật, danh sách, câu truyện và truyền thống của sách được người Ít-ra-en truyền lại từ nhiều thế kỷ trước khi được biên soạn thành hình thức hiện thời. Qua sự xếp đặt các tài liệu này, các người biên soạn sau cùng của sách Dân Số khích lệ người Ít-ra-en, năm 550 B.C., hãy tự coi mình là một cộng đồng thánh thiện, được xếp đặt theo ý định của Thiên Chúa, được mời gọi hãy sống theo lề luật của Chúa.
Bạn có thể lướt qua các danh sách trong các chương 1 -- 3 để làm quen với loại văn này. Hãy đọc Dân Số 20 để cảm được quãng thời gian bốn mươi năm trong sa mạc. Hãy để ý đến cái chết của em gái ông Môsê, là Miriam, sự than trách của người Ít-ra-en về thiếu các thứ cần thiết như nước, sự quấy rối phải chịu đựng từ láng giềng thù nghịch, và cái chết của anh ông Môsê, là ông Aaron.
Hãy đọc Dân Số 22 -- 24. Ở đây chúng ta tìm thấy một huyền thoại (có lẽ phát triển từ lịch sử trước đó) được đưa ra để dạy một chân lý tôn giáo. Khi người Ít-ra-en đến gần Đất Hứa, sự hiện diện của họ làm vua Môáp lo ngại. Ông tìm cách thuê một ngôn sứ, Balam, để chúc dữ họ. Nhưng huyền thoại kể, Balam lại được Thiên Chúa dẫn dắt và vì thế chỉ có thể chúc lành cho người Ít-ra-en. Trong câu chuyện này có nhiều sự khôi hài, nhất là trong truyện hoang đường không mạch lạc về con lừa biết nói. Hãy đọc Dân Số 22:22-35 để thấy truyện này dạy một chân lý tôn giáo rằng Ít-ra-en được Thiên Chúa bảo vệ.
Deutoronomy có nghĩa “luật thứ hai”, hay “bản sao của luật” (Việt Nam dịch là Thứ Luật hay Đệ Nhị Luật). Tên này thật thích hợp vì sách Thứ Luật là một sự khẳng định lại rất nhiều điều được tìm thấy đâu đó trong Ngũ Thư. Nó được trình bày trong hình thức một bài giảng do ông Môsê đọc cho dân Ít-ra-en không lâu trước khi họ đi vào Đất Hứa.
Ông Môsê duyệt lại các biến cố Xuất Hành từ Ai Cập và bốn mươi năm trong sa mạc. Ông tái xác định các lề luật, gồm Mười Điều Răn (Tl 5:1-2) mà qua đó dân Ít-ra-en được quản trị. Ông kể ra những ơn lành được ban xuống dân Ít-ra-en nếu họ vâng lời Thiên Chúa và cảnh cáo họ về ảnh hưởng của những lời nguyền nếu họ không vâng lời. Sau khi ông Giôsua được Thiên Chúa chỉ định là người kế vị ông Môsê, ông Môsê chúc lành cho các chi tộc, rồi leo lên núi Nêbô để nhìn thấy Đất Hứa và chết ở đó.
Sách Thứ Luật chấm dứt với bài ca ngợi ông Môsê là “người mà Đức Chúa đã sai ông thực hiện mọi điềm thiêng dấu lạ tại nước Ai-cập… và vì mọi hành động phi thường và mọi biểu dương sức mạnh vô biên mà ông Môsê đã thực hiện trước mắt toàn thể Ít-ra-en” (Tl 34:11-12).
Vì sách Thứ Luật trình bày ông Môsê như một người thuyết trình cho dân Ít-ra-en, phái cơ bản giải thích sách này là bài nói thực sự do ông Môsê đọc. Tuy nhiên, ngôn ngữ, văn thể, và những ám chỉ đến các biến cố lịch sử sau này làm cho điều này khó tin. Cũng khó có thể là một người già một trăm hai mươi tuổi đọc một bài giảng thật dài như sách Thứ Luật cho hàng trăm ngàn người nghe. Đúng ra, sự bố trí của Thứ Luật có lẽ là một công cụ văn hóa. Ông Môsê được đặt vào tâm điểm như một nhân vật lịch sử để nói với các thế hệ sau này rất giống như các nhân vật trong vở kịch nói với khán giả.
Điều rất có thể là nhiều phần của Thứ Luật và các phần khác của Ngũ Thư có nguồn gốc ở ông Môsê. Nhưng sách Thứ Luật trong hình thức hiện thời có lẽ được viết bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo Ít-ra-en trong thời gian lưu đầy ở Babylon. Thành Giêrusalem đã bị tàn phá, hàng ngàn người Do Thái bị giết, và hàng ngàn người nữa lê bước qua sa mạc đến Babylon. Vào thời điểm tuyệt vọng trong lịch sử Do Thái, các tác giả sách Thứ Luật đặt ông Môsê trước dân Ít-ra-en. Khung cảnh là cuộc tập họp của dân trước khi họ đi vào Đất Hứa, nhưng cử tọa thực sự là những nhóm người tan tác còn sót lại sau cuộc lưu đầy. Thông điệp thật rõ. Chỉ có một Thiên Chúa đích thực. Thiên Chúa thì trung tín. Chỉ một mình Thiên Chúa thì đáng thờ phượng và tôn sùng. Vâng lời Thiên Chúa thì sẽ phát đạt. Bất tuân Thiên Chúa thì sẽ bị tiêu diệt.
Thông điệp này là nền tảng của điều được gọi là thần học Thứ Luật. Các tác giả sách Thứ Luật nhìn lại lịch sử Do Thái và thấy một khuôn khổ. Thiên Chúa luôn luôn trung tín. Khi dân Ít-ra-en vâng lời Thiên Chúa, mọi sự tốt đẹp; khi dân Ít-ra-en bất tuân, mọi sự đều tệ hại. Về tương lai, các vua và các đạo binh không thể cứu được dân Ít-ra-en. Chỉ Thiên Chúa mới có thể. Và sự vâng lời Thiên Chúa là cách duy nhất để được Thiên Chúa cứu chuộc.
Sách Thứ Luật được sáng tác hầu hết từ truyền thuyết Deutoronomy. Truyền thuyết Deutoronomy chỉ được tìm thấy trong một vài câu rải rác đâu đó trong Ngũ Thư. Nhưng nó là nguồn của sách Giôsua, Thẩm Phán, 1 và 2 Samuen, và 1 và 2 Các Vua. Nó cũng có ảnh hưởng quan trọng trong việc sáng tác các sách khác trong Kinh Thánh. Sách Thứ Luật có một ảnh hưởng vĩ đại trên Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Nó được trích dẫn hay được tham khảo khoảng hai trăm lần trong Tân Ước.
Nền tảng thần học của sách Thứ Luật thì hạn hẹp. Các tác giả là người dân trong thời đó, và họ không có sự Mạc Khải trọn vẹn được Chúa Giêsu Kitô ban cho. Cùng với nhiều tác giả Cựu Ước khác, họ không phân biệt giữa việc Thiên Chúa gây ra điều gì đó và cho phép điều gì đó. Vì Thiên Chúa thì toàn năng, họ tin rằng Thiên Chúa phải là nguyên nhân của đủ mọi thứ, kể cả sự đau khổ. Và nếu Thiên Chúa gây ra một điều gì xấu, Thiên Chúa phải có một lý do tốt. Thông thường, lý do đó là hình phạt vì tội lỗi. Như thế nếu dân chúng đau khổ, chính vì họ đã phạm tội.
Nhưng thần học này đặt ra một quan hệ rất gần giữa tội và đau khổ. Thật đúng rằng chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa, và thế giới chúng ta sẽ là một nơi thật tốt đẹp hơn khi mọi người đều làm như thế. Nhưng vì nhiều người bất tuân Thiên Chúa, thế giới này thì xa với những gì Thiên Chúa muốn nó trở thành. Trong thế giới hiện nay, người vô tội có thể bị tổn thương trực tiếp hay gián tiếp vì tội của người khác. Sự vâng phục không luôn luôn bảo đảm sự thịnh vượng, và sự đau khổ không luôn luôn là hậu quả của sự bất tuân cá nhân.
Vậy, trở ngại chính của thần học Thứ Luật là nó khiến người ta tin rằng sự đau khổ cá nhân luôn luôn là hậu quả của tội cá nhân. Nhận thức sai lầm này được đặt ra trong một số sách Cựu Ước như sách ông Gióp, và nó đã bị bác bỏ quyết liệt bởi sự giảng dậy và đời sống của Chúa Kitô, là nạn nhân vô tội vì tội lỗi của người khác. Khi đọc Thứ Luật, chúng ta bị thách đố phải hình thành triết lý về sự đau khổ, phải vượt lên trên những giới hạn của Cựu Ước để đến với sự trọn vẹn của Khải Huyền được tìm thấy trong Chúa Giêsu.
Hãy đọc Thứ Luật 1:1-8, ở đây tác giả dựng một diễn đàn cho ông Môsê nói với dân Ít-ra-en, không chỉ cho những ai chuẩn bị bước vào Đất Hứa nhưng còn cho mọi thời đại. Hãy đọc Thứ Luật 5:1 -- 6:9 để thấy sự lập lại Giao Ước Sinai (Horép là một tên khác của Sinai). Ở đây cũng là một cái nhìn của truyền thuyết Deutoronomy về ông Môsê, nó khẳng định sự thịnh vượng là phần thưởng của sự trung tín, và có sự tuyên bố đầu tiên về “Điều Răn Vĩ Đại.” Hãy đọc Thứ Luật 30, một chương tóm lược nền tảng thần học Thứ Luật. Hãy để ý mười câu đầu được nói với những người lưu đầy ở Babylon.
Như chúng ta vừa nhận xét, Ngũ Thư được người Do Thái gọi là Torah và được coi là một khối. Sách Sáng Thế liên quan đến nguồn gốc của dân Chúa. Sách Xuất Hành kể lại câu chuyện phát sinh dân tộc Ít-ra-en. Sách Lêvi nhấn mạnh đến bản chất thánh thiện của dân Chúa. Sách Dân Số diễn tả tổ chức của quốc gia này. Sách Thứ Luật cho thấy tinh thần yêu mến và vâng phục phải là đặc tính của dân Chúa. Tất cả các sách này làm thành bản hiến pháp của dân Do Thái, tổ tiên của chúng ta trong đức tin.
Những Câu Hỏi Để Thảo Luận và Suy Nghĩ Bạn có biết về gia phả và nguồn gốc của bạn không? Bạn có thể truy tìm nguồn gốc gia đình bạn đến bao xa? Bạn có vật lưu niệm gia đình không? Đâu là những truyền thống gia đình mà bạn ưa thích (tuân giữ những ngày lễ, loại thực phẩm nào đó trong những ngày đặc biệt, v.v.)? Bạn có nghĩ Cựu Ước như một hồ sơ gia phả và nguồn gốc, lịch sử, vật lưu niệm, và các truyền thống của bạn không? Điều này có giúp bạn nhìn thấy một số giá trị trong các danh sách tên tuổi, quy luật, và kế hoạch hành động được thấy trong Ngũ Thư và đâu đó trong Cựu Ước không? Có bao giờ bạn nghĩ là Mười Điều Răn được Thiên Chúa quy định để giúp chúng ta được thực sự tự do không? Hãy nghĩ đến thế giới bị tội lỗi ràng buộc như thế nào. Nếu ngày nay mọi người đều tuân giữ Mười Điều Răn, thế giới chúng ta sẽ thay đổi như thế nào? Các chuyên gia hiện đại về thiên văn học, vật lý, và vi trùng học xác nhận rằng sự bao la của vũ trụ và sự phức tạp của các cấu tạo nhỏ bé nhất dẫn đến niềm tin vào Thiên Chúa. Thật hợp lý để nói rằng vũ trụ của chúng ta với hàng tỉ ngân hà đã xuất phát từ một Thiên Chúa bất diệt, toàn năng. Nhưng thật không hợp lý để nói rằng mọi sự có thể đến từ hư không. Thân thể con người được làm ra bởi gần 75 nghìn tỉ tế bào, mỗi tế bào có hơn một nghìn tỉ nguyên tử. Sự phức tạp như thế được nói trong các sách như The Hidden Face of God (diện mạo ẩn giấu của Thiên Chúa) của Gerard Schroeder và More Than Meets the Eye (hơn là mắt thấy) của Ts. Richard Swenson, chứng thực rằng sự sống con người không thể được tiến hóa bởi sự tình cờ. Những khám phá của khoa học đã củng cố niềm tin của bạn nơi Thiên Chúa như thế nào? Kinh Thánh dậy về các chân lý tôn giáo mà chúng được củng cố bởi các nghiên cứu khoa học mới đây. Gerard Schroeder vạch ra những song song lạ lùng giữa sáu ngày tạo dựng và sự hiểu biết của khoa học về khuôn khổ nở rộng của vũ trụ sau biến cố Big Bang. Các khoa học gia khác, khi nhận thấy sách Sáng Thế nói đến ánh sáng trước khi tạo dựng các tinh tú, họ giải thích rằng sản phẩm đầu tiên của Big Bang là bức xạ cường độ cao, mà theo ngôn ngữ thường dùng có thể được diễn tả là ánh sáng. Trong ý nghĩa này, ánh sáng thực sự có trước các tinh tú. Có bao giờ bạn nghiên cứu song song cả Kinh Thánh và khoa học không? Có thể nào Thiên Chúa linh ứng việc song hành này để “bắt được sự chú ý” của chúng ta khi kiến thức về vũ trụ ngày càng tinh vi hơn không? Sinh Hoạt Vào một đêm trời quang đãng, hãy nhìn lên bầu trời. Có hơn 100 tỉ ngôi sao trong giải thiên hà Milky Way và hơn 100 tỉ thiên hà trong vũ trụ. Các khoảng cách trong không gian thì không thể tưởng tượng được. Với các phi thuyền tối tân ngày nay, chỉ cần bay đến ngôi sao gần nhất trong thiên hà của chúng ta cũng đã mất 100,000 năm. Ngay cả với vận tốc ánh sáng (186,282 dặm một giây), sẽ mất khoảng 30 tỉ năm để bay từ một cực này sang cực kia của vũ trụ. Hãy tự hỏi: Có thể nào tất cả những thứ này xuất phát từ hư không? Hãy nghĩ đến Sáng Thế 1:31: “Thiên Chúa nhìn thấy mọi sự Người đã dựng nên thật tốt đẹp.” Hãy ca ngợi Thiên Chúa vì sự lộng lẫy của vũ trụ. Hãy cảm tạ Thiên Chúa vì chúng ta không ngừng khám phá ra sự mỹ miều của công trình tạo dựng này. |
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Chủ đề chính của sách Lêvi được khẳng định là “Ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi thì thánh thiện.” | |
Sách Lêvi mời gọi chúng ta hãy yêu thương người lân cận như chính mình. | |
Ngày lễ của người Ít-ra-en mà dân chúng thu thập các nhánh cây là (a) Vượt qua; (b) Pentecost (ngũ tuần); (c) Đền tội; (d) Lễ lều (lều tạm) (Lêvi 23). | |
Sách Dân Số có ý định giúp người Ít-ra-en tự coi mình là một cộng đồng thánh thiện, được kết hợp bởi thánh ý của Thiên Chúa. | |
Em gái của ông Môsê là Miriam từ trần ở Kadesh; em trai của ông là Aaron và con của Aaron là Êlêgia chết ở núi Hor (Ds 20). | |
Theo Dân Số 20, việc ông Môsê trung thành nghe lời Chúa khiến nước từ tảng đá chảy ra thì làm hài lòng Thiên Chúa. | |
Trong câu chuyện con lừa biết nói (Ds 22), một thiên thần nói với Balaam rằng nếu con lừa không ngừng chân, thiên thần sẽ giết chết (a) Balaam; (b) con lừa; (c) cả hai; (d) không có ai. | |
Dường như câu chuyện con lừa biết nói là một giả tưởng có mục đích dạy bảo chân lý tôn giáo. | |
Deutoronomy có nghĩa “luật thứ hai” (thứ luật) hay “bản sao lề luật”. | |
Theo Thứ Luật, Môsê nhìn thấy Đất Hứa nhưng không bước chân vào. | |
Sách Thứ Luật trong hình thức hiện thời thì hầu như chắc chắn được viết bởi ông Môsê. | |
Sách Thứ Luật được tổng hợp cho dân Ít-ra-en mà họ còn sống sót sau thời lưu đầy ở Babylon. | |
Truyền thống Thứ Luật không được tìm thấy ở nơi nào trong Ngũ Thư hay trong các sách khác của Kinh Thánh. | |
Vì sách Thứ Luật được Thiên Chúa linh ứng, tính cách thần học của sách không thể phát triển ít hơn thần học của Tân Ước. | |
Theo Thứ Luật 1, ông Môsê giảng cho dân nghe vào năm thứ bốn mươi ở trong sa mạc. | |
Mười Điều Răn được tìm thấy trong sách Xuất Hành và Thứ Luật; điều răn trọng đại nhất là yêu mến Thiên Chúa hết lòng thì được tìm thấy trong Thứ Luật (Tl 6). | |
Ngũ Thư là một khối được tạo bởi năm cuốn sách mà chúng có thể nói là tạo thành “hiến pháp” cho dân Do Thái. |