Nhìn lại các giai đoạn của một quốc gia khi còn ở biên giới, là thời gian chinh phục và định cư khi nhiều người phải vượt qua những trở ngại lớn lao để thiết lập một mái nhà cho chính mình và gia đình. Với người Ít-ra-en, giai đoạn ở biên giới là thời gian của các Thủ Lãnh, gần một trăm năm mươi năm giữa cái chết của ông Giôsua và sự nghiệp của ngôn sứ Samuen.
Các thủ lãnh là các nam nữ anh hùng cứu dân Ít-ra-en khỏi nhiều hoàn cảnh khó khăn. Sách các Thủ Lãnh bị chi phối bởi nguyên tắc của Thứ Luật, đó là sự bất tuân đem đến bất hạnh và sự vâng phục chiếm được đặc ân của Thiên Chúa. Theo sách các Thủ Lãnh, khi người Ít-ra-en xa lánh Thiên Chúa, “Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với Ít-ra-en, và trao họ vào tay quân cướp… Cứ mỗi lần xuất trận, bàn tay Đức Chúa giáng họa trên họ” (2:14-15). Khi Ít-ra-en sám hối, Thiên Chúa “đưa ra các thủ lãnh” và “giải thoát họ khỏi tay kẻ thù trong thời gian của thủ lãnh này; vì Đức Chúa động lòng trắc ẩn bởi tiếng rên rỉ của họ khi bị đàn áp và ức hiếp” (2:18).
Thời kỳ của các Thủ Lãnh là thời gian thô bạo và tàn nhẫn khi người Ít-ra-en và dân ngoại chung quanh giao chiến đẫm máu để sống còn. Các câu chuyện trong sách các Thủ Lãnh có lẽ được dựa trên các biến cố lịch sử, tuy một số, nhất là truyện dính dáng đến Samsôn, mang mầu sắc văn hóa dân gian và truyền thuyết. Trong sách các Thủ Lãnh, độc giả sẽ thấy nhiều chuyện gian díu và ám sát (3:15-20), dối gạt và giết người (Tl 4), chiến tranh (Tl 6-8), mưu phản và anh em giết nhau (Tl 9), những thề thốt bừa bãi (Tl 11), xung đột bên trong (Tl 12), phá hoại công trình văn hóa, hành động bội bạc và tự tử (Tl 13-16). Còn có một phụ lục gồm các câu chuyện của chi tộc Đan và Bengiamin (17-21) mà chúng còn ghê tởm hơn những chuyện trong các chương 1-16. Toàn thể cuốn sách vẽ ra một hình ảnh khủng khiếp của nhân loại lúc tệ hại nhất và những gì xảy ra cho dân chúng khi họ xa lánh Thiên Chúa.
Chúng ta có thể học được gì từ sách này? Có lẽ bài học quan trọng nhất của sách các Thủ Lãnh là nhân loại cần được cứu độ. Để tự mình, nhân loại thoái hóa thành một loại biếm họa ghê sợ. Chúng ta thấy những bài học như thế được lập lại trong lịch sử gần đây, trong những quốc gia của thế kỷ hai mươi mà họ toan tính thiết lập một xã hội vô thần và cuối cùng bị chấm dứt trong chiến tranh và tự hủy diệt. Trong sách các Thủ Lãnh, chúng ta thấy sự cần thiết của Thiên Chúa.
Hãy đọc Thủ Lãnh 15 -- 16 để biết hai chương cuối trong câu chuyện của Samsôn. Trong đó, chúng ta thấy sự dâm dục, kiêu ngạo, và bất tuân có thể biến đổi sức mạnh thành sự bạc nhược và chôn vùi những lạc thú, quyền lực, và của cải thế gian dưới đống gạch vụn.
Được xếp dưới sách các Thủ Lãnh là một tường thuật mà nó không thuộc về lịch sử Thứ Luật. Sách Rút là một truyện ngắn dường như có nền tảng lịch sử. Nó dậy các nhân đức yêu thương, trung thành, và đạo đức như một kiểu mẫu xinh đẹp. Sách này được đặt sau các Thủ Lãnh vì nội dung của nó diễn tả những gì xảy ra “vào thời các thủ lãnh cai trị” (Rút 1:1) và nó cung cấp chi tiết về ông cố của Vua Đavít, như thế nó là nhịp cầu giữa thời kỳ các Thủ Lãnh và kỷ nguyên vương quyền của Ít-ra-en. Các nhân đức được phản ánh trong sách này là một sự tương phản kỳ thú với sự thoái hóa của các Thủ Lãnh và những khiếm khuyết của con người được thấy hiển hiện trong các sách kế tiếp.
Có nhiều ý kiến về thể văn và thời điểm sáng tác sách Rút. Những vấn đề như thế không cần phải giải quyết để chúng ta có thể học được những bài học mà Thiên Chúa linh ứng tác giả để chia sẻ tình yêu, lòng trung thành, và đạo đức đối với Thiên Chúa và gia đình.
Hãy đọc Rút 1 -- 4. Câu chuyện thì ngắn và say mê. Sự bày tỏ lòng trung thành của bà Rút với mẹ chồng, bà Naomi, đôi khi được đọc trong các nghi lễ kết hôn và có thể được dùng để nói lên sự tận tụy đối với các phần tử gia đình vào bất cứ lúc nào.
Các cuốn 1 và 2 sách Samuen có tên này là từ ngôn sứ Samuen, mà trong đời ông được thấy sự chấm dứt thời kỳ các thủ lãnh và sự khởi đầu vương quyền Ít-ra-en. Các sách này xuất phát từ một số nguồn, gồm các chuyện cổ về Hòm Bia Giao Ước, một vài tường thuật về ông Samuen, Sa-un, và Đavít, cũng như một văn bản về gia phả của Đavít (2 Sam 9-20). Theo quan điểm của nhiều học giả, các cuốn 1 và 2 Samuen được hình thành từ các nguồn này khoảng 620 B.C. và được chỉnh sửa thành hình thức hiện nay vào khoảng 550 B.C.
Cuốn một và hai Samuen không phải là một lịch sử liên tục, diễn tả các biến cố theo phương cách có hệ thống. Đúng hơn, đó là những sưu tập nhiều câu chuyện về các tình tiết và nhân vật. Các sách này được viết, chính yếu để minh họa thần học Thứ Luật và, vì thế, phải được xếp vào loại lịch sử cứu độ. Nhưng chúng bao gồm nhiều dữ kiện lịch sử đáng tin cậy, nhất là các biến cố được diễn tả gần thời trị vì của vua Đavít, khi một triều đình được thành lập và di tích của nhiều ông vua còn cất giữ.
Các sách bắt đầu với câu chuyện sinh hạ của Samuen. Samuen được cha mẹ hiến dâng để phục vụ Đức Chúa và khi còn nhỏ ông sống trong một đền ở Silô, khoảng hai mươi dặm về phía bắc của nơi là Giêsuralem bây giờ. Êli là tư tế ở Silô nhưng vì tuổi già nên các con trai độc ác của ông cai quản đền này và lạm dụng quyền lực của họ. Theo sách Samuen cuốn một, vì tội ác của chúng, Thiên Chúa hứa gây tai họa cho gia đình của ông Êli. Khi ông Êli và các con trai bị chết, Samuen trở nên người lãnh đạo tinh thần của Ít-ra-en vào thời bấy giờ, đó là lúc Hòm Bia trở nên dấu hiệu đoàn kết tôn giáo cho các chi tộc và là nền tảng cho nhiều câu chuyện xưa (1 Sam 1-7).
Định mệnh an bài để Samuen xức dầu tấn phong vua đầu tiên của Ít-ra-en, Sa-un. Vương quyền này có một lịch sử nhơ bẩn, và có những phe phái chống đối và ủng hộ chế độ quân chủ. Những ai đọc toàn thể Samuen cuốn 1 sẽ nhận thấy sự hiển nhiên của cả hai phe, và có một vài chuyện xung đột về việc xức dầu Sa-un (1 Sam 8-12).
Sa-un thành công trong những năm đầu làm vua. Ông trở nên tụ điểm cho sự hợp tác giữa các chi tộc và thành lập được một đạo binh hùng mạnh đã đánh bại nhiều kẻ thù của Ít-ra-en. Nhưng, Kinh Thánh kể cho chúng ta biết, Sa-un bắt đầu không vâng lời Thiên Chúa. Ông trở nên mất quân bình tâm thần và dùng roi đánh những ai ở gần với ông, ngay cả người mang khiên thuẫn và con rể của ông là Đavít. Đavít phải đi trốn, và trở nên người lãnh đạo của một nhóm vũ trang và lang thang khắp vùng Palestine cho đến khi Sa-un bị chết trong cuộc chiến chống người Philitinh ở núi Ginbô, phía tây nam biển Galilê (1 Sam 13-31).
Hãy đọc 1 Samuen 3 về câu chuyện Samuen được gọi làm ngôn sứ. Hãy đọc 1 Samuen 9:1 -- 10:1 về tường thuật Samuen xức dầu Sa-un, và 1 Samuen 10:17-24 về tường thuật mà nó coi việc xức dầu tấn phong ông vua chối bỏ Thiên Chúa. Hãy đọc 1 Samuen 17:1-11, 32-51 về câu chuyện nổi tiếng của Đavít và Gôliát. Hãy đọc 1 Samuen 31 về các chết thảm khốc của Sa-un.
Sự từ trần của Sa-un mở đường cho Đavít, ông được yêu cầu đảm đương vương quyền trên các chi tộc Giuđa. Tuy nhiên, các chi tộc khác lại theo Ít-ba-an con của Sa-un, và trong vòng bảy năm có một cuộc chiến giữa đạo binh của Ít-ba-an, được dẫn đầu bởi Ápnê, và quân lính của Đavít, được dẫn đầu bởi Giôáp. Sau trận cãi vã với Ít-ba-an, Ápnê thề trung thành với Đavít. Tuy nhiên, ông bị Giôáp giết, và Ít-ba-an cũng bị ám sát chết. Các chi tộc của Ít-ra-en sau đó tuyên xưng Đavít là vua (2 Sam 1:1 -- 5:5).
Đavít mau chóng chinh phục thành Giêrusalem và biến nó thành thủ đô của ông. Ông đưa Hòm Bia Giao Ước vào Giêrusalem, như thế thành này trở nên trung tâm tôn giáo và chính trị cho mọi chi tộc Ít-ra-en. Các đạo quân của Đavít thành công trong việc đánh đuổi người Philitinh và các kẻ thù của người Do Thái, gồm người Eđom, Môáp, và Ammon về phía nam và đông, và người Aram-Đamát về phía bắc. Bấy giờ Đavít sử dụng quyền kiểm soát đáng kể của mình trên một khu vực khoảng hai trăm dặm chiều dài và tám mươi dặm chiều ngang. Ông củng cố các đạo binh, thiết lập cơ cấu chính quyền, và giao dịch với các quốc gia bên ngoài. Ông xây một dinh ở Giêrualem và chuẩn bị kỹ lưỡng việc xây cất một đền thờ. Trong khoảng bốn mươi năm, ông đã biến một dân mất tinh thần, vô tổ chức thành một quốc gia (2 Sam 5:6 -- 10:19).
Nhưng sự nghiệp của Đavít không phải là không có những bi kịch. Người biên soạn Samuen cuốn 2 thấy bi kịch này là vì tội ngoại tình của Đavít với Bátsiba và việc giết ông Uri-gia chồng của Bátsiba (2 Sam 11 -- 12). Sau đó, Am-nôn, con trai Đavít, đã hiếp Tama, là em cùng cha khác mẹ, và Am-nôn bị giết bởi Ápsôlom, anh ruột của Tama (2 Sam 13). Tuy Ápsôlom trốn đi xa trong một thời gian, ông làm hòa với Đavít và sau đó cầm đầu một cuộc nổi loạn mà nó kết thúc với cái chết của ông. Sau này, Đavít chiến thắng một vài kẻ thù của Ít-ra-en để củng cố quyền lực của ông (2 Sam 14 -- 24).
Các thế hệ sau đó sẽ nhìn đến Đavít như ông vua vĩ đại nhất của Ít-ra-en. Các thành quả của ông thật đáng kể. Ông đã phạm tội, nhưng khi bị chất vấn bởi ngôn sứ Natan, ông đã thành khẩn và khiêm tốn sám hối. Natan hứa với Đavít rằng nhờ quyền lực của Thiên Chúa vương quốc của ông sẽ tồn tại muôn đời (2 Sam 7:8-17). Lời tiên đoán này là niềm hy vọng cho dân Ít-ra-en trong những lúc bại trận, khi người Do Thái bắt đầu trông chờ một mêsia, một đấng cứu thế, là người sẽ xuất phát từ dòng dõi Đavít và khôi phục vận mạng của Ít-ra-en. Niềm hy vọng vào đấng mêsia sẽ được hoàn thành trong Đức Giêsu Kitô và sự thiết lập vương quốc muôn đời của Người.
Hãy đọc 2 Samuen 5 về tường thuật Đavít nắm vương quyền, chiếm giữ Giêrusalem, và những chiến thắng người Philitinh. Hãy đọc 2 Samuen 11:1 -- 12:15 về câu chuyện bi thảm khi Đavít phạm tội và sau đó sám hối. Hãy đọc 2 Samuen 18:1-17 để biết chi tiết về cái chết của Ápsôlom dưới bàn tay quân lính của Đavít.
Giống như Samuen cuốn 1 và 2, sách Các Vua cuốn 1 và 2 cũng xuất phát từ một số nguồn. (Xem 1 Các Vua 11:41 và 1 Các Vua 14:19). Các sách lúc đầu xuất hiện khoảng 620 B.C. và được chỉnh sửa thành hình thức hiện nay khoảng 550 B.C. Các sách nói về chế độ quân chủ của Ít-ra-en từ cái chết của Đavít (961 B.C.) cho đến việc phá hủy Giêrusalem (587 B.C.). Sách được viết từ quan điểm Thứ Luật và tường thuật về đời sống các vua của Ít-ra-en và Giuđa về sự vâng phục và bất vâng phục Thiên Chúa. Các vua vâng phục (không may chỉ có ít) đem lại sự tốt lành cho người Do Thái. Các vua bất vâng phục mang đến tai ương, từ cuộc nội chiến bên trong cho đến sự lưu đầy sang Babylon.
Cuốn một sách Các Vua mở đầu với chi tiết về sự lên ngôi của Sôlômon. Nhờ mưu đồ của bà mẹ, Bátsiba, Sôlômon được Đavít già nua chọn làm người kế vị. Sau khi Đavít từ trần, Sôlômon mau chóng củng cố quyền lực của mình bằng cách hành quyết những người có thể chống đối, kể cả người anh Ađônigiáp, tướng già Giôáp, và Sêmai, một cựu thù của Đavít (1 Các Vua 1 -- 2).
Trong nhiều năm, Sôlômon chứng tỏ là một người lãnh đạo sáng suốt. Ông tổ chức vương quốc Ít-ra-en thành mười hai khu vực và xây một Đền Thờ lộng lẫy để thờ phượng và cả một dinh thự lộng lẫy hơn cho chính ông. Ông bành trướng đạo quân của ông và phát triển một đội chiến xa hùng mạnh. Ông xây các thành có pháo đài trong khắp vương quốc và thiết lập các khu nông nghiệp ở phía nam Giêrusalem. Vương quốc của ông trở nên tụ điểm thương mãi giữa Á Châu và Phi Châu, một trung tâm về giáo dục và nghệ thuật, và một quốc gia nổi tiếng vì sức mạnh, sự giầu có, và ảnh hưởng của nó (1 Các Vua 3 -- 10).
Nhưng quyền lực, giầu sang, và danh tiếng từng làm sụp đổ nhiều người cai trị, và chúng cũng làm sụp đổ Sôlômon. Ông tìm cách củng cố quyền lực qua những liên minh được củng cố bằng việc kết hôn với người ngoại quốc. Trong một toan tính làm hài lòng nhiều bà vợ nước ngoài, ông cho xây các đền thờ thần ngoại giáo. Vì sự tham lam của cải, ông đặt sưu cao thuế nặng trên dân, nhất là các chi tộc phương bắc. Để được nổi tiếng là một người giỏi xây cất, ông bắt chính dân của ông làm nô lệ lao động. Cuối cùng, sự phẫn nộ âm ỉ đã bùng nổ thành cuộc nội chiến. Vào lúc Sôlômon từ trần khoảng 922 B.C., sự căng thẳng trong các vùng biên giới của vương quốc đã đến cực độ (1 Các Vua 11).
Kế vị Sôlômon là con trai Rêhôbôm. Khi các chi tộc phương bắc xin giảm sưu cao thuế nặng mà Sôlômon đã đặt trên họ, Rêhôbôm có hứa, nhưng kết quả là sự đàn áp thêm. Hậu quả là các chi tộc phương bắc tách rời khỏi Giuđa năm 922 B.C. và chọn một người tên là Giêrôbôm làm lãnh đạo. Giêrôbôm mau chóng xây các đền thờ tôn giáo ở Bêten và ở Đan để tách khỏi Giêrusalem thêm nữa. Rêhôbôm đã không làm được gì để ngăn chặn cuộc nổi loạn khi đạo quân của ông rất đông đảo. Sự hợp nhất do Đavít củng cố đã vụn vỡ, và kỷ nguyên chia cắt vương quốc bắt đầu, Ít-ra-en ở phương bắc, Giuđa ở phương nam (1 Các Vua 12 -- 44).
Sự chia cắt dẫn đến một thời kỳ suy thoái. Hai vương quốc gây chiến với nhau và cả hai bị tấn công bởi các nước chung quanh. Trong năm cai trị thứ năm của Rêhôbôm, Ai Cập tấn công Giêrusalem, cướp bóc các châu báu của Đền Thờ (1 Các Vua 14:25-28), và tàn phá nhiều thành lũy của Giuđa và Ít-ra-en. Hàng ngũ lãnh đạo ở bắc và nam thật buồn nản. Hầu hết các vua không tin vào giao ước, sự kiện này được ghi nhận bởi các người biên soạn cuốn 1 và 2 Các Vua, họ là những người chú trọng đến đời sống các vua xem có trung thành với Đức Chúa hay không (1 Các Vua 15 -- 16).
Một chuỗi các câu chuyện về ngôn sứ bắt đầu trong cuốn 1 Các Vua 17. Các ngôn sứ là những người nói thay cho Thiên Chúa. Từ thời Samuen đã có một nhóm ngôn sứ ở Ít-ra-en, họ tự tổ chức thành nhóm thờ phượng; nhiều người được cho là có quyền năng đặc biệt. Các thế hệ sau này coi các ngôn sứ đích thật là người được Thiên Chúa kêu gọi để chống với các vua độc ác. Có lẽ đây là lý do triều đại vua Aháp đã tạo khung cảnh cho một chu kỳ các câu chuyện về ngôn sứ Êligia.
Aháp cai trị Ít-ra-en khoảng 870 B.C. cho đến 850 B.C. Ông kết hôn với công chúa người Xiđôn, là Giêgiêben, và xây các bàn thờ thần ngoại giáo Baan trong thủ đô của Ít-ra-en ở Samaria. Vì tội này và những tội bất công và tham lam, ông bị Êligia chống đối. Sự xung khắc lên đến tột điểm trong một cuộc thi đua giữa Êligia và 850 ngôn sứ ngoại giáo ở núi Cácmen. Giêgiêben tức giận khi Êligia tàn sát các ngôn sứ này, và Êligia phải bỏ trốn. Tuy nhiên, được thêm sức bởi gặp gỡ Đức Chúa, ông tiếp tục sứ mệnh ngôn sứ và xức dầu người kế vị là Êlisa. Trong khi đó, Aháp hai lần chiến thắng Ben-hađát, vua của Aram (Syria), sau đó ông bị chết trong trận chiến thứ ba (1 Các Vua 17 -- 22).
Những câu chuyện về Êligia và các ngôn sứ khác trong Các Vua cuốn 1 và 2 dường như được dựa trên các biến cố lịch sử. Nhưng chúng cũng gồm các huyền thoại và chuyện hoang đường được đưa ra để dậy bảo các sứ điệp tôn giáo: Thiên Chúa chăm sóc các tín hữu trung thành (1 Các Vua 17 và 19); những ai thờ các thần ngoại giáo thì đáng chết (1 Các Vua 18); vâng lời Thiên Chúa thì được thưởng và bất tuân phục thì bị phạt (1 Các Vua 20 -- 22; 2 Các Vua 1 -- 8).
Hãy đọc cuốn 1 Các Vua 3 về sự khôn ngoan của Sôlômon và 1 Các Vua 11 về tường thuật cái chết của ông. Hãy đọc 1 Các Vua 12 về chi tiết việc Giuđa ly khai Ít-ra-en. Hãy đọc 1 Các Vua 21 về chuyện phản bội bi đát của Aháp và sự phán xét của Thiên Chúa trên ông.
Mười ba chương đầu của sách Các Vua cuốn 2 kể lại những câu chuyện và huyền thoại về Êligia và Êlisa cũng như một số biến cố lịch sử xảy ra trong cuộc đời hai ông này. Chúng bao gồm một liên minh tạm thời giữa Ít-ra-en, Giuđa, và Êđôm trong một chiến dịch quân sự để thành công chống với Môáp (2 Các Vua 3), một chiến thắng của Ít-ra-en chống với Aramin (2 Các Vua 7), việc thảm sát Giêgiêben năm 842 B.C. và toàn thể gia đình Aháp bởi tướng Giêhu (2 Các Vua 9 -- 10), và các âm mưu chính trị ở Ít-ra-en và Giuđa (2 Các Vua 1 -- 13).
Sau cái chết của Êlisa, lại thêm nhiều năm suy đồi, nội chiến không ngừng, và cuộc chiến bao gồm Ít-ra-en, Giuđa, Aram (Syria), Êđom, Môáp, và Ammon. Vào khoảng 783 B.C., Vua Amagia của Giuđa bị ám sát bởi các kẻ thù chính trị, và con trai mười sáu tuổi của ông là Agiaria (còn được gọi là Ugia) lên kế vị. Thật ngạc nhiên, thanh niên này chứng tỏ là một người có khả năng lãnh đạo. Trong triều đại lâu dài của ông, một sự phục hưng đã xảy ra trong Giuđa, song song là sự phục hưng ở Ít-ra-en dưới triều vua Giêrôbôm II (786-746 B.C.). Giuđa mở rộng bờ cõi về phía cực nam và Ít-ra-en mở rộng về phía cực bắc như trong thời Đavít. Các thành được xây và có pháo đài; thương mãi được cổ vũ; nông nghiệp và lâm sản được nới rộng. Cả hai vương quốc vui hưởng nhiều năm giầu sang và thịnh vượng (2 Các Vua 14:1 -- 15:7).
Không may, sự bất công, tham lam, và sự đồi bại cũng phát triển, nhất là ở phương bắc. Các ngôn sứ như Amốt và Hôsê khiển trách giới giầu có và thế lực, họ tiên đoán Samaria sẽ bị hủy diệt không lâu. Các lời tiên đoán này được ứng nghiệm. Sau khi Giêrôbôm chết, sự hỗn loạn làm chủ Ít-ra-en, bốn vua kế tiếp bị ám sát, và năm 734 B.C. đế quốc hùng mạnh Átxiria bắt đầu một chuỗi tấn công vào Ít-ra-en và kết thúc bằng sự hoàn toàn tiêu diệt Samaria vào năm 721 B.C. Vua của người Átxiria là Sácgon II đã trục xuất gần ba chục ngàn người Ít-ra-en đến Mêsôpôtamia (ngày nay là Iraq) và đưa các dân bị chinh phục đến định cư ở Ít-ra-en. Những người này kết hôn với người Ít-ra-en bị bỏ lại đây và làm thành một giống dân hai giòng máu mà sau này được gọi là người Samaritan (2 Các Vua 15:8 -- 17:41).
Khi Átxiria tấn công Ít-ra-en, Aha, lúc ấy là vua của Giuđa, đã chịu nộp cống cho Átxiria. Người kế vị ông là Hêgiêkia (715-687 B.C.) quyết định ngưng triều cống và nổi dậy chống với Átxiria. Ông tăng cường Giêrusalem với lực lượng từ các thành khác, hướng dẫn dân chúng trong một cuộc phục hưng tôn giáo dưới sự dẫn dắt của ngôn sứ Isaia, và tìm cách thành lập liên minh với các nước khác. Vào năm 701 B.C., người Átxiria, dưới triều vua Sennakêríp, tiến quân đánh Giuđa. Họ cướp bóc các vùng chung quanh Giêrusalem, sau đó vây hãm thành này. Giêrusalem có vẻ tận số, bỗng dưng đạo quân của Sennakêríp bị tiêu diệt bởi “thiên thần của Đức Chúa” (2 Các Vua 9:35), có lẽ là một trận dịch nặng nề. Người Átxiria trở về nhà, và Giêrusalem được dung thứ. Nhưng phần lớn Giuđa bị hoang tàn, với hàng ngàn người bị giết hay bị bắt, và Hêgiêkia phải nộp cống trở lại cho Átxiria cho đến khi ông từ trần năm 687 B.C. (2 Các Vua 18 -- 20).
Con trai Hêgiêkia, là Manátxê, trong bốn mươi lăm năm trị vì ông cũng nộp cống cho Átxiria. Ông cung cấp các đoàn quân cho Átxiria và thờ các thần ngoại giáo. Con trai ông, là Amôn, tiếp tục thói quen này cho đến khi bị giết chỉ sau hai năm trên ngôi. Trong một sự kiện như tiên báo thảm họa này, năm 640 B.C. ông được kế vị bởi đứa con trai tám tuổi, Giôsia. Nhưng Átxiria bắt đầu nới lỏng sự kiểm soát người dân. Không còn sợ hãi Átxiria, năm 621 B.C. Giôsia đã thành công cải tổ tôn giáo ở Giuđa và mở rộng bờ cõi về các phía bắc, tây, và nam. Ninivê, thủ đô của Átxiria rơi vào tay người Babylon năm 612 B.C., nhưng khi Babylon tiến về phía tây thì gặp sự chống cự của người Ai Cập. Năm 609 B.C. Giôsia quyết định giao chiến với lực lượng Ai Cập ở Mêgítđô. Ông bị thương nặng và từ trần ở Giêrusalem sau đó không lâu (2 Các Vua 21:1 -- 23:30).
Bốn vua kế tiếp của Giuđa bị vướng mắc trong mạng lưới của người Ai Cập và Babylon. Bất kể lời khuyên của ngôn sứ Giêrêmia, họ đứng về phía Ai Cập. Năm 597 B.C. Nêbuchétnigia, vua người Babylon, kiểm soát Giêrusalem. Ông trục xuất vua Giêhôakin và nhiều người lãnh đạo đi lưu đầy và thiết lập Giêđêkia là vua bù nhìn. Khi Giêđêkia khờ dại nổi loạn chống với người Babylon năm 589 B.C., Nêbuchétnigia đã tấn công Giuđa với một đạo quân khổng lồ, tiêu diệt các thành chính, và vây hãm Giêrusalem. Sau gần hai năm cực khổ không thể tưởng, năm 587 B.C. Giêrusalem sụp đổ. Đạo quân Babylon cướp phá thành này, trục xuất hàng ngàn người sống sót sang Babylonia, sau đó đốt thành Giêrusalem. Quốc gia được thiết lập bởi Sa-un, Đavít, và Sôlômon nay đã chết (2 Các Vua 23:31 -- 25:29).
Năm 600 B.C. khoảng một phần tư triệu người sống ở Giuđa. Nhiều người bỏ chạy để tránh sự xâm lăng của người Babylon, họ tạm cư ở những nơi thật xa như Ai Cập, ở đây một cộng đoàn Do Thái khá đông định cư. Mười ngàn người bị chết trong cuộc chiến, bị chết đói, hay không chịu nổi bệnh tật. Có khoảng hai mươi ngàn người bị trục xuất sang Babylonia. Tình trạng đổ nát của quê hương khiến có thêm nhiều người lánh cư, và vào năm 550 B.C. ít hơn năm chục ngàn người sống ở nơi từng là miền Giuđa.
Những người bị trục xuất sang Babylon phải đi bộ gần một ngàn dặm. Sau khi đến được Babylonia, những người sống sót được đối xử tử tế. Họ được phép sống thành cộng đồng người Do Thái và được phép có nông trại hay tham gia thương mãi. Vì Nêbuchétnigia trục xuất hầu hết các dân có học thức, có tài năng, và có ảnh hưởng của Giuđa nên người Do Thái ở Babylon là một nhóm có khả năng, và một số đã thành công và giầu có. Nhiều người lưu tâm đến di sản Do Thái của mình, và các nhà lãnh đạo văn hóa và tôn giáo bắt đầu thu thập các văn bản xưa thành nhiều phần của một cuốn mà ngày nay chúng ta gọi là Cựu Ước.
Hãy đọc cuốn 2 Các Vua 2 để biết các huyền thoại về Êligia và Êlisa. Dường như các biến cố được ghi nhận này thì không có thật, nhưng chúng ngụ ý dậy bảo sự tôn trọng các ngôn sứ. Nhất là câu chuyện về các đứa trẻ và các con gấu thì không phù hợp với sự nhạy cảm của chúng ta ngày nay, nhưng nó chỉ là một loại câu chuyện mà ông bà thường kể cho một đứa cháu ngỗ nghịch khi nó hỗn láo với người trên. Chúng ta có thể nghe ông bà cảnh cáo: “Cháu không thể nói như thế. Để ông/bà kể cho cháu nghe những gì xảy ra khi mấy đứa con trai hư hỏng gọi ngôn sứ Êlisa là tên hói đầu.” Hãy đọc 2 Các Vua 17 về sự tiêu diệt Ít-ra-en bởi người Átxiria và 2 Các Vua 25 về sự suy sụp của thành Giêrusalem.
Các độc giả ngày nay có thể học hỏi được nhiều điều hơn là các sự kiện lịch sử từ các sách Samuen và Các Vua. Trong sự nghiệp của Samuen, Sa-un, Đavít, và các người kế vị, chúng ta thấy sự bất tuân Thiên Chúa đưa đến thảm họa như thế nào. Chúng ta thấy sự lạm dụng quyền thế thì tiêu hủy xã hội và cá nhân. Chúng ta được nhắc nhở rằng sự dâm dục không kiềm chế có thể xé nát các gia đình và làm suy sụp đời sống. Khi chú ý đến các bài học này, chúng ta có thể tránh được sự bất hạnh và đau khổ.
Những Câu Hỏi Để Thảo Luận và Suy Nghĩ Thần học Thứ Luật nói rằng tốt lành thì được thưởng và xấu xa thì bị phạt. Thần học này đúng tới mức độ nào? Nó không đầy đủ theo phương cách nào? Nếu đúng là sự đau khổ xảy ra trong thế giới chúng ta là hậu quả của tội lỗi, vậy ai đó bị đau khổ có phải là vì họ phạm tội không? Tại sao đúng và tại sao không? Thần học Thứ Luật và sự giảng dậy của các ngôn sứ đổ lỗi cho những khó khăn của Ít-ra-en là vì cách cai trị, thương mãi, và sinh hoạt xã hội trong nước trở nên vô thần. Quốc gia chúng ta có trở nên vô thần trong cách cai trị, thương mãi, và sinh hoạt xã hội không? Có bao nhiêu chương trình truyền hình hiện thời phản ánh một niềm tin chân thành và khiêm tốn nơi Thiên Chúa? Các gia đình ngày nay có cầu nguyện hay để ý đến thánh ý Thiên Chúa trong những quyết định? Họ có nên không? Truyền thông vô thần ngày nay ảnh hưởng đến sự suy nghĩ của người dân trong nước đến mức độ nào? Bạn có thể làm gì về điều này trong gia đình, và các bạn hữu? Sinh Hoạt Hãy so sánh những năm đầu của Ít-ra-en với những năm đầu của quốc gia chúng ta. Thí dụ, ở Hoa Kỳ, có một giai đoạn ở ngoài biên giới, trồng trọt trên đất của người khác, một sự hiệp nhất của mười ba tiểu bang, việc thành lập một quốc gia, cuộc nội chiến giữa bắc và nam, v.v. Hãy so sánh một số nam nữ anh hùng của chúng ta với các anh hùng của Ít-ra-en thời xưa. Hãy rút ra những song song để giúp bạn hiểu lịch sử của Ít-ra-en và của chúng ta. |
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Các Thủ Lãnh là (a) những chuyên gia luật pháp; (b) viên chức dân cử; (c) các vua; (d) các nam nữ anh hùng | |
Một bài học không được thấy trong sách Thủ Lãnh là (a) sự bất tuân phục sẽ đem lại những bất hạnh; (b) sự vâng phục chiếm được ân huệ của Thiên Chúa; (c) nhân loại cần được cứu độ; (d) thời điểm của các Thủ Lãnh là cao điểm của lịch sử dân Ít-ra-en | |
Câu chuyện Samsôn liên quan đến việc ông mất sức mạnh vì ông để một phụ nữ ngoại giáo làm hao mòn việc ông tận hiến cho Thiên Chúa (Thủ Lãnh 15-16). | |
Hình thức văn chương và nội dung của sách bà Rút thì tương tự như sách Thủ Lãnh. | |
Cuốn một và hai Samuen bắt nguồn từ một số các sách | |
Cuốn một và hai Samuen được học giả xếp vào loại lịch sử cứu độ và vì thế, sách không có nhiều dữ kiện lịch sử đáng tin cậy. | |
Samuen là một (a) viên tướng; (b) ngôn sứ; (c) vua; (d) tác giả sách mang tên ông; (e) b và d | |
Việc Sa-un được xức dầu bởi Samuen được chứng kiến bởi (a) không ai; (b) các thuộc hạ của Saun; (c) gia đình của Saun; (d) ba mươi người khách (1 Sam 9:1 -- 10:1) | |
Khi đương đầu với Gôliát, Đavít nói những lời cho thấy ông tin rằng sự chiến thắng sẽ đến từ (a) cây kiếm của ông; (b) ná bắn đá; (c) Thiên Chúa; (d) đạo binh của Ít-ra-en (1 Sam 17). | |
Sa-un chết trong cuộc chiến với (a) Ai Cập; (b) người của Đavít; (c) Jabesh-Gilead; (d) người Philistine (1 Sam 3). | |
Đavít trở nên vua đầu tiên của các chi tộc phương bắc của Ít-ra-en, sau đó là chi tộc Giuđa ở phương nam. | |
Đavít chinh phục Giêrusalem và đưa Hòm Bia đến đó, như thế làm cho Giêrusalem trở nên trung tâm chính trị và tôn giáo của vương quốc ông. | |
Đavít phạm tội ngoại tình với Tama và sau đó giết chồng bà là Uri-gia. | |
Natan hứa rằng một vương quốc vĩnh viễn được ban cho Đavít đã đem lại hy vọng cho các thế hệ sau về một mêsia, đấng xuất phát từ dòng họ Đavít và khôi phục vận mạng của Ít-ra-en. | |
Đavít cai trị như một ông vua trong (a) 40 năm; (b) 20 năm; (c) 50 năm; (d) 10 năm (2 Sam 5). | |
Khi Natan kết tội Đavít, ông kể một câu chuyện về (a) con sư tử; (b) người lính; (c) con chiên; (d) con lừa (2 Sam 11-1 -- 12:15). | |
Trong cuộc chiến chấm dứt cuộc nổi loạn của Absolom chống với Đavít, Absolom bị giết bởi (a) Abner; (b) Joab; (c) Đavít; (d) Jonathan (2 Sam 18:1-17). | |
Không lâu trước khi chết, Đavít giết người anh Adonijah, sau đó chọn Solomon làm vua. | |
Solomon nổi tiếng vì sự khôn ngoan, và ông trung thành với Thiên Chúa cho đến suốt đời. | |
Các chi tộc bắc phương nổi dậy chống với con trai của Solomon là Rehoboam, và chọn Jeroboam lên làm vua. | |
Nói chung, các vua của phương bắc là những người lãnh đạo trung tín và có hiệu quả, trong khi các vua phương nam thì không. | |
Câu chuyện về các ngôn sứ trong cuốn 1 và 2 Các Vua gồm những huyền thoại và giả tưởng với ý định dạy bảo bài học tôn giáo. | |
Khi có một quyết định khó khăn, Solomon cho thấy sự khôn ngoan của ông khi ông tìm đến (a) cây bút; (b) cái cân; (c) bồi thẩm; (d) cây kiếm (1 Cv 3). | |
Hadad, Rezon, và Jeroboam là đồng minh và bạn với Solomon (1 Cv 11). | |
Sau cuộc nổi dậy của các chi tộc phương bắc, vua của họ quyết định chiếm lấy lòng đạo đức của họ qua việc thực hiện (a) một hòm bia; (b) các con bê vàng; (c) một giao ước với Thiên Chúa; (d) một bộ Torah mới (1 Cv 12). | |
Vợ của vua Ahab là (a) Delilah; (b) Bathsheba; (c) Jezebel; (d) Naboth (1 Cv 21). | |
Samaria, thủ đô của Ít-ra-en, bị tiêu diệt bởi người Assyria năm 721 B.C., và gần ba mươi ngàn người Ít-ra-en bị ép buộc phải lưu đầy. | |
Người Assyria vây hãm Giêrusalem năm 701 B.C. nhưng không chiếm được; gần một trăm năm sau, người Assyria bị chinh phục bởi người Babylon. | |
Một ông vua của Giuđa thờ các thần ngoại giáo, đó là (a) Azariah (Uzziah); (b) Hezekiah; (c) Amon; (d) Josiah. | |
Người Babylon đánh bại người Assyria, nắm quyền kiểm soát Giêrusalem năm 597 B.C., xâm chiếm và đốt thành này năm 587 B.C., và trục xuất hàng ngàn người Do Thái sang Babylonia.. | |
Từ 600 B.C. đến 550 B.C., dân số của Giuđa sút giảm từ khoảng 250,000 xuống còn ít hơn 50,000 người. | |
Người Do Thái lưu đầy bị đối xử khắc nghiệt ở Babylon và phải từ bỏ đức tin của tổ tiên họ. | |
Theo cuốn 2 sách Các Vua, Êlisa nhìn thấy Êligia được đưa lên trời. | |
Câu chuyện của Êlisa, các cậu bé, và các con gấu hầu như chắc chắn xảy ra như được diễn tả trong cuốn 2 Các Vua 2. | |
Trong 2 Các Vua 17, tác giả sách Thứ Luật đưa ra các lý do sau đây cho sự sụp đổ của Ít-ra-en, ngoại trừ (a) thờ các tà thần; (b) khinh thường các điều răn; (c) bắt chước người Philitinh; (d) cầu cơ và coi bói. | |
Sách Samuen và Các Vua cho chúng ta thấy rằng sự bất tuân phục Thiên Chúa, sự lạm dụng quyền bính, và dâm dục có thể tiêu diệt chúng ta. |