Sách Khải Huyền thuộc về một loại văn chương được gọi là thiên khải, phổ thông trong vòng hai trăm năm trước và sau thời Đức Kitô. Hình thức văn chương này được thấy trong sách Đanien Cựu Ước, nhiều phần trong các sách khác thuộc Kinh Thánh cũng như nhiều văn bản ngoài Kinh Thánh.
Văn thiên khải xuất xứ từ thời kỳ bách hại và nhằm khích lệ độc giả trong thời gian bị thử thách. Nó dùng loại ngôn ngữ mà tác giả và độc giả của ông có thể hiểu nhưng kẻ bách hại thì thấy vô nghĩa.
Ngôn ngữ thiên khải này bao gồm các dấu hiệu như các con thú lạ kỳ và các quái vật. Nó khoác ý nghĩa đặc biệt cho các con số. Trong Sách Khải Huyền, bốn tượng trưng cho toàn thế giới (đông, tây, nam và bắc). Bảy tiêu biểu cho sự tuyệt hảo (bảy ngày tạo dựng). Mười hai nhắc lại các chi tộc Ít-ra-en và các tông đồ; nó đại diện cho dân Chúa. Một ngàn có nghĩa vô số.
Thiên khải sử dụng các hình ảnh đầy kịch tính và được giải thích bởi một thiên thần. Nó diễn tả các biến cố đương thời trong ngôn ngữ bí ẩn. Nó đề cập đến các biến cố quá khứ để cho thấy rằng có thể trông nhờ vào ơn Chúa trong hiện tại và tương lai. Nó diễn tả bằng hình ảnh sự đấu tranh của sự thiện chống với sự dữ, với bảo đảm rằng sau cùng sự thiện sẽ chiến thắng.
Văn thiên khải đối phó với các biến cố đương thời. Sách Đanien được sáng tác để đem lại hy vọng cho người Do Thái trong thời bách hại của Antiochus IV. Sách Khải Huyền được sáng tác trong thời bách hại của Domitian để khích lệ Kitô Hữu đang sợ bị chết khi họ từ chối thờ lạy hoàng đế như một vị thần. Cả hai cuốn này không có ý định cho biết các biến cố tương lai, tỉ như ngày tận thế.
Không may, nhiều người muốn đọc Sách Khải Huyền như thể đó là một trái cầu pha lê tiên đoán tương lai trong thế kỷ của họ. Một lần nữa, họ đã sử dụng sai sách Khải Huyền để tiên đoán ngày tận thế. Họ luôn luôn sai lầm. Những tiên đoán như thế được dựa trên sách Khải Huyền thì phạm thượng vì nó trái ngược với lời của Đức Giêsu: “Về ngày ấy, không ai biết được ngày nào hay giờ nào…” (Mc 13:32).
Sách Khải Huyền không được phát minh ra bởi một thầy bói khi nhìn vào tương lai xa xôi. Tác giả viết cho những người thời của ông, và sẽ không có lợi gì cho họ khi ông tiên đoán các biến cố xảy ra vào nhiều thế kỷ sau. Điều ông tiên đoán là sẽ xảy ra “sớm”. Thiên Chúa ban cho “sự mặc khải của Đức Kitô Giêsu” để cho thấy “điều phải xẩy ra sớm” (Kh 1:1; 22:6). Điều mặc khải là Đức Kitô chiến thắng sự dữ (coi 1 Cr 1:7; 2 Thê 1:7; 1 Pr 1:13). Thiên Chúa luôn chiến thắng trong quá khứ (như được thấy trong nhiều đoạn Cựu Ước), ngay cả khi sách Khải Huyền được viết xuống, và sẽ chiến thắng trong tương lai. Sách Khải Huyền lập lại thông điệp này bằng những chữ, dấu hiệu, khung cảnh bi tráng, và hành động đầy mầu sắc: Thiên Chúa chiến thắng!
Sách Khải Huyền chứng tỏ rằng Đức Kitô đã đánh bại Satan bởi sự chết và sự phục sinh của Người (Kh 1:5; x. Col 2:13-15). Tuy nhiên, chiến thắng ngày phải được tỏ lộ trong đời sống tín hữu và trong các biến cố lịch sử (Kh 2:21; Kh 18; x Êph 6:12). Sự chiến thắng sẽ được hoàn tất vào cuối thời gian (Kh 21:1-8; x. Cr 15:24-26).
Để hiểu sách Khải Huyền, chúng ta phải quen với hình thức văn chương, thuật ngữ, biểu tượng, và thường đọc sách Cựu Ước. Nó không phải là một câu truyện truyền thống với đầu bài, thân bài, và kết luận. Đúng hơn, nó lập lại chu kỳ bảy cuộc chiến sử thi về sự thiện chống với sự dữ. Đọc sách Khải Huyền có thể được sánh với chuyến đi vào khu giải trí với hàng chục trò chơi nhào lộn nguy hiểm nhưng vui thích. Trò chơi này đưa chúng ta qua những hình ảnh ghê sợ của các quái vật và nguy hiểm cận kề, nhưng mọi nguy hiểm đều vượt qua và chúng ta ra khỏi trò chơi với cảm giác chiến thắng.
Trong lịch sử, Giáo Hội từng bị thử thách bởi sự dữ. Đã có những đoạn đường đầy bóng tối, các lực lượng ma quái, và các cuộc chiến khủng khiếp. Nhưng trước tất cả những kỳ quặc ấy, Giáo Hội đã vươn lên sau mỗi lần đụng độ vì Đức Kitô đã chiến thắng Satan. Nếu chúng ta coi sách Khải Huyền như một khuôn mẫu để tin tưởng vào Đức Kitô qua mọi thời đại, chúng ta có thể vui thích với những quanh co trong sách. Chúng ta sẽ gia tăng đức tin và đức cậy, khi biết chắc rằng Thiên Chúa sẽ chiến thắng.
Ngoài chủ đề chính là Thiên Chúa chiến thắng sự dữ, nhiều bài học quan trọng khác cũng được dạy trong sách Khải Huyền. Thiên Chúa Cha được tôn thờ như Tạo Hóa của tất cả. Đức Giêsu được tuyên xưng là Đấng Cứu Độ trần gian và được tôn thờ như Chúa. Chúa Thánh Thần được thấy là đã ảnh hưởng đến cuộc đời các tín hữu. Sự hoàn thiện tuyệt đối của Ba Ngôi được trình bày qua các biểu tượng là sự khôn ngoan, sức mạnh, thánh thiện, và uy nghi. Vũ trụ là công trình của Thiên Chúa, nó quy phục sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Đức Maria lộng lẫy trên thiên đường như Mẹ Đức Kitô. Các thánh trên thiên đường cùng với chúng ta cầu nguyện và thờ lạy. Con người có tự do ý muốn và có thể phạm tội, nhưng Thiên Chúa sẽ bênh vực người công chính và trừng phạt kẻ có tội. Thiên Chúa không nhìn các biến cố của trái đất như một người bên lề không quan tâm, nhưng mời gọi chúng ta hãy chấp nhận ơn sủng và ơn cứu độ. Đức Kitô được trình bày trong sự vinh hiển khi gần với Giáo Hội của Người. Đức Kitô kết hợp làm một với các tín hữu và hành động thay cho họ. Người chối bỏ những ai lưng chừng, và khích lệ chúng ta hãy theo Người với tất cả tâm hồn. Đức Kitô mong đợi chúng ta can đảm thách đố các giá trị giả dối trong xã hội hay chính quyền. Sách Khải Huyền mời chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, đấng sẽ đưa chúng ta qua mọi thử thách, ngay cả chính sự chết, để đến với sự sống đời đời.
Sách Khải Huyền bắt đầu bằng một lời ngỏ cho biết tác giả là Gioan. Chúng ta không biết gốc tích của người này, một số học giả cho là Tông Đồ Gioan hoặc tác giả của Phúc Âm Gioan, nhưng không nhiều chứng cớ để hậu thuẫn cho suy luận này. Tuy nhiên, tác giả phải là một người lãnh đạo ít nhiều tiếng tăm trong Giáo Hội tiên khởi (1:1-3).
Sau đó sách chuyển sang tổng hợp các thư gửi cho bảy giáo đoàn trong Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Số bảy tiêu biểu cho sự toàn vẹn, và như thế có lẽ các thư được gửi cho toàn thể Giáo Hội. Được biết là Gioan viết từ Patmos, một đảo cách Êphêsô năm mươi dặm về phía nam. Đức Kitô đã hiện ra và bảo ông viết. Các thư sau đó thì đầy những dấu hiệu, thường liên quan đến thành phố được nhận. Các thư khích lệ người tín hữu hãy kiên trì trong đức tin và xa lánh sự suy đồi và tội lỗi (1:4 -- 3:22).
Kế đến là một chuỗi những thị kiến về thiên đường. Những thị kiến này thì không phải là hình ảnh thật. Đức Kitô được miêu tả như một con chiên với bảy sừng và bảy mắt. Chúng ta không nên cho rằng tác giả thực sự thấy một tạo vật lạ lùng như thế; thật vậy, các sừng tượng trưng cho sức mạnh và mắt là sự khôn ngoan thấy hết mọi sự. Các thị kiến trình bày trời và đất có liên quan với nhau. Thí dụ, các thánh trên thiên đường dâng lời cầu nguyện cho những người ở dưới đất (4:1 -- 5:14).
Phần kế tiếp giới thiệu những chuỗi thị kiến: bảy dấu ấn, bảy cái kèn, bảy trận dịch, và bảy cái chén. Trong khuôn khổ số bảy là những thị kiến khác gồm các thiên thần, ngôn sứ, và một người nữ (tượng trưng cho Đức Maria và Giáo Hội), một con rồng (Satan), các quái vật (có lẽ Đế Quốc La Mã và các luật lệ của nó). Các thị kiến này diễn tả cuộc giao tranh giữa sự thiện và sự ác, sự bách hại người vô tội, và Thiên Chúa trừng phạt kẻ độc ác (6 -- 16).
Sau đó Rôma được miêu tả là “Babylon vĩ đại”, kẻ độc ác bách hại Giáo Hội, sự suy sụp của Rôma được loan báo và giai đoạn một ngàn năm được công bố… có lẽ một dấu hiệu tượng trưng cho thời gian giữa sự Phục Sinh của Đức Kitô và ngày tận thế. Ngày tận thế sẽ thấy sự chiến thắng sau cùng của Thiên Chúa trên các quyền lực sự dữ (17 -- 20).
Khi tận thế “một trời mới và đất mới” sẽ đến. Sự mỹ miều của thiên đường được trình bày trong những hình ảnh bi tráng của sự tạo dựng mới và Giêrusalem mới. Sách Khải Huyền kết thúc với sự bảo đảm về các chân lý và sự chắc chắn của việc Đức Giêsu Tái Giáng Lâm (21 -- 22).
Hãy đọc Khải Huyền 1:1 -- 2:7 về phần dẫn nhập, thị kiến đầu tiên về Đức Kitô và lá thư đầu trong bảy lá thư. Hãy đọc Khải Huyền 12 về thị kiến người nữ và con rồng, tiêu biểu cho sự tranh đấu không ngừng giữa dân Chúa và Satan. Hãy đọc Khải Huyền 21:1-8, một hình ảnh về thiên đường và sự kết hợp với Thiên Chúa được hứa ban cho người công chính, cũng như một cảnh cáo về sự trừng phạt mà người độc ác phải gánh chịu.
Chúng ta, những người đọc sách Khải Huyền, sẽ tìm thấy một kết luận thích hợp cho toàn thể Kinh Thánh. Sách Sáng Thế đảm bảo chúng ta về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Sách loan báo rằng Thiên Chúa đã tạo nên thế giới và ban sự sống cho loài người bởi vì Thiên Chúa muốn họ được chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa (thiên đường). Phần còn lại của Kinh Thánh là một chú giải về các thảm kịch xảy đến cho thế giới vì người ta từ chối tình bằng hữu với Thiên Chúa và về việc Thiên Chúa tìm cách kêu gọi chúng ta trở lại. Trên tất cả, Kinh Thánh đảm bảo chúng ta rằng Thiên Chúa đã sai Đức Kitô Giêsu đến để ban ơn cứu độ và sự sống đời đời. Sách Khải Huyền nhận biết những cuộc tranh đấu mà chúng ta phải trải qua vì tội lỗi, nhưng sách còn cho biết rằng tình yêu của Thiên Chúa và sự cứu độ của Đức Kitô là sức mạnh lớn lao nhất trong vũ trụ. Bất kể loài người có sa ngã đến đâu, bất kể các thương tích vì tội lỗi khủng khiếp đến đâu, bất kể hoàn cảnh có tuyệt vọng đến đâu, Thiên Chúa sẽ chiến thắng.
Như thế cuộc chiến thắng chưa hoàn tất, nhưng nó đã chắc chắn! Sách Khải Huyền và toàn thể Kinh Thánh mời gọi chúng ta hãy tín thác vào Thiên Chúa và chấp nhận vương quốc của Thiên Chúa được ban cho chúng ta qua Đức Kitô Giêsu.
“Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ; Người sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã qua đi.”
Đấng ngự trên ngai phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự. … Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 21:3-6).
“A-men, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!” (Kh 22:20).
Những Câu Hỏi để Thảo Luận và Suy Tư Hãy tưởng tượng bạn sống trong thế kỷ thứ nhất. Bạn thuộc về một cộng đoàn Kitô Hữu ở Hy Lạp và đang tụ họp cùng các thành viên khác ở một căn nhà để cử hành Thánh Lễ. Vị linh mục bước vào phòng và cho biết ông Phêrô và Phaolô đã chịu tử đạo ở Rôma. Những vị lãnh đạo vĩ đại này, và hầu hết những ai được tận mắt thấy Chúa Giêsu, giờ đây đã chết. Bây giờ Kitô Giáo tùy thuộc vào bạn, thế hệ tín hữu thứ hai. Bạn cảm thấy thế nào về sự kiện này? Bạn nói gì với các thân hữu? Các thư của ông Phaolô cảnh cáo về các thầy dạy sai lạc đã được đọc cho cộng đoàn của bạn nghe trong quá khứ. Bây giờ ai sẽ có quyền lên tiếng nói về chân lý và sự sai lạc? Liệu các viên chức Rôma có bách hại Kitô Hữu trên toàn đế quốc không? Nhóm nhỏ bé của bạn có thể sống sót qua một sự bách hại như thế không? Sau đó vị linh mục yêu cầu mọi người im lặng. Ông nói với cộng đoàn: “Chúng ta đã được nghe tin về cái chết của ông Phêrô và Phaolô. Chúng ta đã từng chia sẻ những ý nghĩ và tâm tình của chúng ta. Bây gời tôi muốn các bạn nghĩ về sự sống, sự chết, và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, và về các giảng dạy của Người.” Sau đó vị linh mục quay sang bạn và nói: “Bạn từng là một Kitô Hữu lâu hơn mọi người ở đây. Vui lòng nói cho chúng tôi biết bạn nghĩ Đức Giêsu sẽ nói gì với chúng ta về các biến động này về tương lai của chúng ta…” Câu trả lời của bạn là gì? Sinh Hoạt Hãy đọc Khải Huyền 21:1-4. Hãy dành vài phút để thư giãn trong im lặng và bình an. Sau đó hãy thử tưởng tượng khi bước vào thiên đường sẽ như thế nào. Sự xinh đẹp thật không thể tưởng. Bạn được bao quanh bởi sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa. Bạn nhìn thấy các thành viên trong gia đình của bạn và các thân hữu đang bước về phía bạn. Lần sau cùng khi bạn thấy họ lúc còn sống, họ tiều tụy vì tuổi tác và bệnh tật, giờ đây họ thật sống động và thật xinh đẹp khiến bạn bàng hoàng sững sờ. Bạn ôm lấy họ và cười nói. Bỗng dưng, một nhận thức bao phủ toàn thể con người bạn: “Chúng ta sẽ không còn chia cách. Không còn sợ hãi, không còn lo lắng. Không còn buồn sầu, không còn thù ghét, không còn bệnh tật, không còn nước mắt, không còn sự chết. Đây là điều tôi luôn mong muốn; đây là điều mà tôi được dựng nên.” Hãy cầu nguyện thật lâu như bạn muốn, hãy suy niệm về sự xinh đẹp của thiên đường, về tình yêu của Thiên Chúa, và về niềm vui được ở với gia đình, bạn hữu, các thánh, và những người vĩ đại đã từng sống trên trái đất và đã chết trong tình yêu của Thiên Chúa. Hãy suy nghĩ về điều đó, như Sách Khải Huyền và toàn thể Kinh Thánh nhắm đến, thiên đường là ngôi nhà đích thật của chúng ta. Hãy xin Chúa Giêsu giúp bạn luôn nhớ đến điều này. Hãy nói với các thánh bạn ưa thích và với bạn hữu cũng như người thân đã từ trần. Hãy xin họ ở gần với bạn, gìn giữ bạn, và giúp bạn sống theo một phương cách mà một ngày nào đó bạn sẽ nhập đoàn với họ trên thiên đường. |
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Văn thiên khải xuất xứ từ những thời bách hại và có ý định khích lệ độc giả trong thời gian thử thách. Một thí dụ trong thời Cựu Ước là sách (a) Khôn ngoan; (b) Sáng thế; (c) Đanien; (d) Giôna. | |
Văn thiên khải ấn định các ý nghĩa đặc biệt cho các con số. Con số tượng trưng cho sự tuyệt hảo là số (a) 4; (b) 7; (c) 12; (d) 100. | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Mục đích chính của văn thiên khải là để báo trước tương lai, nhất là chi tiết của ngày tận thế 2. Sách Khải Huyền là một sử thi trình bày cuộc chiến giữa thiện và ác, và là lời hứa rằng sự thiện sẽ chiến thắng 3. Sách Khải Huyền dạy rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa 4. Sách Khải Huyền nhắc đến Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu là Thiên Chúa Con nhưng không nhắc đến Chúa Thánh Thần Trong những câu này: (a) tất cả đúng; (b) tất cả sai; (c) 1 và 2 thì sai; (d) 2 và 3 thì sai; (e) 1 và 4 thì sai |
|
Sách Khải Huyền nói rằng sách được viết bởi Tông Đồ Gioan khi lưu đầy ở đảo Patmos. | |
Trong Khải Huyền, “Babylon vĩ đại” ám chỉ (a) Assyria; (b) Ai Cập; (c) Rôma; (d) hỏa ngục. | |
Trong khi ở đảo Patmos, vào Ngày của Chúa, Gioan được một thị kiến, trong đó ông thấy (a) một thiên thần; (b) Satan; (c) bốn người cưỡi ngựa; (d) Đức Kitô (Kh 1) | |
Trong thư gửi giáo đoàn ở Êphêsô, Gioan ca ngợi các phần tử của cộng đoàn này vì họ đã giữ vững tình yêu ban đầu (Kh 1:1 -- 2:7) | |
Trong thị kiến có người nữ và con rồng, con rồng bị đánh bại bởi Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và không thể tấn công con cháu của người nữ (Kh 12) | |
Trong trời mới và đất mới, Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ của dân Chúa (Kh 21:1-8) | |
Sách Khải Huyền nhìn nhận những tranh đấu người dân phải trải qua vì tội lỗi, nhưng sách cũng xác nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa và sự cứu độ của Đức Kitô là sức mạnh lớn lao nhất trong vũ trụ | |
Sách Khải Huyền và toàn thể Kinh Thánh mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào lời của Thiên Chúa và chấp nhận vương quốc của Thiên Chúa được cung hiến qua Đức Giêsu Kitô |