Hầu hết, nếu không phải là tất cả, các sách Tân Ước được viết vào khoảng năm 100. Cho đến năm 200, hai mươi bảy cuốn Tân Ước cùng với bốn mươi sáu cuốn Cựu Ước trong tổng hợp Alexandria được nhìn nhận là do Thiên Chúa linh ứng. Vào cuối thế kỷ thứ tư, một danh sách bảy mươi ba cuốn này được công nhận trong các công đồng của Giáo Hội Công Giáo.
Nhiều sách Tân Ước phản ánh những hoàn cảnh lịch sử thời đại khi được sáng tác. Thí dụ, chúng ta có thể thấy sự phát triển dòng thẩm quyền trong các Thư gửi cho Timôthê và Titô, và chúng ta thấy sự bách hại hiển nhiên bởi nhà cầm quyền Rôma trong Sách Khải Huyền.
Thời điểm chính xác khi nào những lá thư Tân Ước được viết xuống thì không chắc chắn. Một số thư được cho là của ông Phaolô và Phêrô thì có lẽ được sáng tác bởi các môn đệ sau khi Giêrusalem bị tiêu hủy. Trong sách này chúng ta chỉ có thể nhắc đến một vài quan điểm đáng kể về quyền tác giả của các thư này. Dĩ nhiên, có nhiều quan điểm khác, nhưng yếu tố quan trọng nhất cần nhớ là các sách này được Thiên Chúa linh hứng, bất kể tác giả người đời là ai.
Các thư của ông Phaolô gửi cho ông Timôthê và Titô thì khác với các lá thư trước ở điểm chúng được trực tiếp gửi đến người lãnh đạo Giáo Hội thay vì giáo đoàn. Vì các thư này hướng dẫn các chủ chăn, chúng được gọi là “Thư Mục Vụ” (pastoral letter).
Một số học giả cảm thấy rằng các Thư Mục Vụ thực sự được viết bởi một trong các môn đệ của Phaolô sau khi ông từ trần, có lẽ trong thập niên 80 hay 90. Họ vạch ra rằng ngôn ngữ và văn phong của các thư này thì khác với các văn bản trước của Phaolô. Thư Mục Vụ dường như phản ánh thời đại sau này trong Giáo Hội; thí dụ, 1 Timôthê 3:6 nói rằng một giám mục thì không phải là “người mới trở lại đạo”. Họ đương đầu với những vấn đề khác, gồm sự cần thiết phải trung thành với sự giảng dạy của các tông đồ và tránh sự hiểu biết sai lạc mà sau này được gọi là Ngộ Đạo Thuyết (1 Tim 6:20). Tuy nhiên, một số học giả khác khẳng định rằng những lý do này thì không thuyết phục được và không loại trừ khả dĩ rằng Phaolô đã viết những thư này qua một thư ký.
Trong bất cứ trường hợp nào, giáo lý trong các Thư Mục Vụ thì kiên định và trung thành với thần học của Phaolô. Tác giả, nếu không phải là Phaolô, chắc chắn có ý định giảng dạy với thẩm quyền của Phaolô và rất quen thuộc với các bản văn của Phaolô. Một quan điểm khác rất có thể là tác giả của các Thư Mục Vụ đã thu thập các đoạn trích từ các thư của Phaolô viết cho ông Timôthê và Titô và tổng hợp chúng thành một bộ hướng dẫn những người lãnh đạo Giáo Hội mà chúng ta gọi là 1 và 2 Timôthê và Titô.
Timôthê sinh trưởng ở Lystra (trung nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Ông Phaolô đã thành lập một giáo đoàn ở đó trong hành trình truyền giáo thứ nhất, và trong hành trình thứ hai ông chào đón Timôthê như một người đồng hành truyền giáo. Timôthê tháp tùng ông Phaolô trong hành trình thứ ba và được ông Phaolô sai đi trong vài công tác quan trọng. Hiển nhiên ông là một trong những cộng sự viên đáng tin cậy nhất của ông Phaolô.
Thư Thứ Nhất gửi Timôthê trình bày ông Phaolô như từ Hy Lạp viết cho ông Timôthê, là người mà ông Phaolô đặt trông coi giáo đoàn ở Êphêsô. Sau lời chào ngắn, ông Phaolô cảnh giác ông Timôthê phải coi chừng giáo lý sai lạc. Khi nhớ đến lòng thương xót của Chúa, ông Phaolô khuyên Timôthê hãy “chiến đấu trong cuộc chiến đấu cao đẹp, có đức tin và lương tâm tốt lành” (1 Tim 1).
Kế đến, ông Phaolô xin cầu nguyện, nhất là cho những người có thẩm quyền. Ông đưa ra những hướng dẫn về y phục và sự đoan trang khi tụ họp cầu nguyện, những hướng dẫn này phản ảnh phong tục của thời gian và nơi chốn đặc biệt. Ông nhắc lại những phẩm chất của giám mục và phó tế. Ông diễn tả Giáo Hội như “trụ cột và thành lũy của chân lý”. Ông hát bài ca ngợi Chúa Kitô, “mầu nhiệm của tôn giáo chúng ta” (1 Tim 2 -- 3).
Kế đến ông Phaolô vạch ra các giáo lý sai lạc của những người dạy rằng chỉ có khía cạnh tinh thần của con người thì tốt. Với Phaolô, “mọi sự được Thiên Chúa dựng nên đều tốt,” thân xác cũng như tinh thần. Ông Timôthê phải trung thành với nhiệm vụ và với chức vụ, được trao ban “qua lời ngôn sứ với việc đặt tay bởi hội đồng các trưởng lão.” Ông Phaolô nhắc nhở cho Timôthê về việc đối xử các phần tử của giáo đoàn trong sự tôn trọng. Ông đưa ra những quy tắc cho các người góa bụa, khi chu toàn vai trò đặc biệt trong Giáo Hội tiên khởi. Ông khuyên Timôthê hãy hướng dẫn các trưởng lão, khi nhắc đến việc đặt tay, với một ý nghĩa mà sau này trở thành nghi thức tấn phong linh mục (1 Tim 4 -- 5).
Ông Phaolô nhắc đến sự tương quan giữa chủ nhân và nô lệ, sau đó ông lại cảnh cáo chống với những giảng dạy sai lạc, nhất là ý tưởng dùng tôn giáo để được có lợi về vật chất. Ông kết thúc với lời cổ vũ hãy tuân giữ các điều răn và nắm vững các chân lý (1 Tim 6).
Hãy đọc 1 Timôthê 1. Để ý đến những giảng dậy sai lạc và những thói xấu rất phổ thông trong thế giới ngoại giáo. Cũng nên chú ý đến những lời đề cập về quá khứ của ông Phaolô và lòng thương xót vĩ đại của Chúa đối với ông. Hãy đọc 1 Timôthê 3 về phẩm chất của các giám mục và phó tế và một bài ca ngắn để vinh danh sự Nhập Thể của Chúa Kitô. Hãy để ý rằng: câu “chỉ kết hôn một lần” (3:2) không có nghĩa giám mục phải kết hôn (ông Phaolô không kết hôn), nhưng chỉ có nghĩa giám mục không được kết hôn nhiều hơn một lần.
Thư Thứ Nhất gửi Timôthê đem lại những hiểu biết sâu sắc trong việc phát triển thẩm quyền và cơ cấu Giáo Hội. Ngay trong thế kỷ thứ nhất, những người lãnh đạo Giáo Hội đã nhìn thấy sự quan trọng của tổ chức nếu muốn duy trì sự hợp nhất. Chúng ta thấy trong 1 Timôthê là phải chống lại những giảng dậy sai lạc. Thật không ngạc nhiên khi lại thấy những vấn đề tương tự ngày nay.
Thư Thứ Hai gửi Timôthê cho thấy ông Phaolô viết từ trong ngục ở Rôma cho người môn đệ đáng mến của ông. Thư có sắc thái cá biệt hơn 1 Timôthê, và ngay cả hình thức viết sau khi ông Phaolô từ trần, thư có thể gồm những đoạn được chính ông Phaolô viết. Ông Phaolô kể lại những gian khổ ông đang trải qua và yêu cầu ông Timôthê đến thăm ông, đem theo một số tài liệu và cái áo khoác ông để quên ở Troas. Ông Phaolô diễn tả công việc của ông như đã hoàn tất và sẵn sàng để chết.
Lá thư mở đầu với lời chào và tỏ lộ lòng cảm phục khi nhắc đến đức tin của mẹ ông Timôthê, bà Eunice, và bà ngoại, Lois. Ông Phaolô khích lệ ông Timôthê hãy trung thành với phúc âm, công bố Đức Kitô là Đấng Cứu Thế. Ông Phaolô có thể bị xiềng xích, nhưng “lời Chúa thì không bị xiềng” (2 Tim 1:1 -- 2:13).
Ông Phaolô cảnh giác Timôthê hãy coi chừng các thầy dạy giả dối và tránh những tranh luận vô ích. Ông báo trước về sự gian ác sẽ xảy đến trong “những ngày sau hết,” một lời khuyên thường thấy trong Tân Ước. Ông Timôthê phải theo gương ông Phaolô và trung thành với Sách Thánh, vì “mọi sách thánh đều được Thiên Chúa linh ứng” (2 Tim 2:14 -- 3:17).
Khi thư gần kết thúc, ông Phaolô có một lời khích lệ nữa để ông Timôthê gánh vác sứ vụ của mình. Ông nói về cái chết gần kề với sự tin tưởng và hy vọng. Ông cho biết tin tức về các bạn truyền giáo, ông gửi lời chào, và chấm dứt với lời chúc lành (2 Tim 4).
Hãy đọc 2 Timôthê 1 -- 2 về lời mở đầu và một số lời khích lệ của ông Phaolô. Hãy để ý ông Phaolô khuyên bảo Timôthê như thế nào khi trao truyền phúc âm cho các thầy dạy khác, cũng như ông Phaolô đã trao lại cho Timôthê.
Thư này cho thấy tâm trí của ông Phaolô trong những ngày cuối đời. Chúng ta thấy những gian lao mà các nhà truyền giáo đầu tiên phải gánh chịu và sự nguy hiểm của giáo lý sai lạc. Bất kể những gian lao và nguy hiểm như thế, ông Phaolô đã đối diện tương lai với niềm hy vọng, và ông hứng khởi khuyến khích chúng ta hãy làm như vậy.
Titô là một Kitô Hữu dân ngoại, một môn đệ và bạn đồng hành của ông Phaolô. Ông được nhắc đến trong 2 Côrintô như một phụ tá tín cẩn được ông Phaolô gửi đến Côrintô trong một vài công tác truyền giáo. Trong 2 Timôthê 4:10, ông Titô được biết là ở Dalmatia (Croatia ngày nay). Trong thư này, ông ở trên đảo Crete. Thư này ngắn hơn 1 Timôthê nhưng đối phó với nhiều mối bận tâm giống nhau.
Thư mở đầu với lời chào quen thuộc và xác nhận rằng ông Titô được sai đến Crete để bổ nhiệm các trưởng lão và các giám mục. Phẩm chất của các người lãnh đạo như thế được nêu lên, với sự lưu ý đặc biệt về khả năng tranh luận với những thầy dạy giả dối. Hiển nhiên trên đảo Crete có đầy những loại này, và trong số đó là những Kitô Hữu gốc Do Thái, họ dạy rằng các tín hữu bị ràng buộc bởi Luật Môsê và luật kiêng cữ của Do Thái Giáo (Titô 1).
Kế đến là những hướng dẫn tuân giữ về luân lý cho Kitô Hữu thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp. Ơn Chúa được ban cho tất cả, và tất cả chờ đợi Chúa Kitô tái thế. Kitô Hữu phải là công dân tốt, an lạc và hòa nhã, để đáp trả với sự nhân từ và tình yêu độ lượng của Chúa Kitô. Lá thư chấm dứt với lời khuyên ông Titô về việc đối phó với các thầy dạy giả dối, với những nhận xét cá nhân, lời chào, và lời chúc lành.
Hãy đọc Titô 2:11 -- 3:7 về những hướng dẫn sống đời Kitô Hữu như cách đáp trả với sự tốt lành của Thiên Chúa. Hãy để ý đến lời nhận xét về bí tích Rửa Tội trong 3:5.
Như các Thư Mục Vụ khác, thư gửi Titô giúp chúng ta hiểu các khó khăn Giáo Hội phải đương đầu khi quyền lãnh đạo được truyền từ các tông đồ xuống thế hệ Kitô Hữu thứ hai. Chúng ta còn thấy những huấn thị về cách sống như Đức Kitô trong một thế giới bất toàn.
Thư này thì ngắn nhất trong các thư được gán cho ông Phaolô và vì thế được xếp vào phần cuối cùng. Thư được ông Phaolô viết khi ở trong tù, có lẽ ở Êphêsô khoảng năm 56 hay ở Rôma khoảng năm 62, và gửi cho Philêmôn, một Kitô Hữu giầu có sống ở Colótsê (tây nam Thổ Nhĩ Kỳ; xem Col 4:9).
Thư đề cập đến Onesimus (tên này có nghĩa “hữu ích”) là một người nô lệ đã thoát khỏi tay người chủ, Philêmôn, và từng gặp ông Phaolô. Ông Phaolô đã hoán cải người này và viết lá thư khuyên Philêmôn hãy nhận lại Onesimus như một người em. Thư có chút gợi ý mong muốn ông Philêmôn trả tự do cho Onesimus và cho phép ông này trở lại với ông Phaolô như một phụ tá.
Ông Phaolô không đề cập đến chế độ nô lệ. Các Kitô Hữu tiên khởi nhận biết rằng họ không thể thay đổi luật La Mã, và họ mong đợi Chúa Kitô sẽ trở lại không lâu. Nhưng thái độ mà ông Phaolô khích lệ trong Thư này và nơi khác (xem Gal 3:28) cuối cùng sẽ đưa đến việc Kitô Hữu từ bỏ chế độ nô lệ.
Hãy đọc Philêmôn. Hãy để ý cách nói chuyện khéo léo của ông Phaolô, không chỉ nói với Philêmôn nhưng còn Apphia, Archippus, và các người khác thường tụ họp tại nhà ông Philêmôn. Dĩ nhiên, điều này sẽ thúc giục ông Philêmôn tán thành ao ước của ông Phaolô. Hãy để ý cách ông Phaolô ca ngợi Philêmôn, sau đó xin ông này hãy lắng nghe lời thỉnh nguyện cho Onesimus. Ông Phaolô kết thúc với hy vọng rằng sẽ đến thăm ông Philêmôn, với lời chào, và lời chúc lành.
Ngày nay, chúng ta đọc thư gửi Philêmôn thì không thể không động lòng bởi lời cầu khẩn của ông Phaolô, “là một ông lão, và bây giờ còn là một tù nhân của Chúa Giêsu Kitô”. Chúng ta được khích lệ hãy noi gương ông Phaolô về việc thương mến người khác và hãy mở lòng cho mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội.
Bản văn này theo truyền thống được gọi là Thư Gửi Tín Hữu Do Thái. Tuy nhiên, tựa đề này được thêm vào về sau và bản văn này thực sự là một bài giảng. “Tín Hữu Do Thái” là một phần của tựa đề vì trong sách có nhiều ám chỉ đến Cựu Ước, nhưng đối tượng thực sự của bài giảng này thì không rõ và về tác giả của nó cũng vậy. Trong quá khứ, một số học giả nghĩ có thể đó là một sáng tác của ông Phaolô vì có một đề cập đến ông Timôthê ở chương cuối. Nhưng văn phong và ngôn ngữ thì quá khác với ông Phaolô nên chỉ còn một vài học giả ngày nay cảm thấy rằng có thể Phaolô là tác giả của bản văn này.
Chúng ta có thể biết nhiều về bản văn bằng cách nghiên cứu nội dung. Việc sử dụng tiếng Hy Lạp thì xuất sắc, và được viết bởi ai đó rất thông thạo ngôn ngữ trong văn phong và cách sắp xếp. Tác giả thường trích từ Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp. Vì thế ông phải thông thạo tiếng Hy Lạp và Cựu Ước. Điều này khiến nhiều học giả nghĩ rằng bản văn Tín Hữu Do Thái có thể xuất phát từ Alexandria, Ai Cập.
Ý định viết cho giáo đoàn Kitô Hữu ở Alexandria hay đâu đó, hoặc cho toàn thể Giáo Hội thì không rõ. Suy xét từ những phát biểu trong bản văn, những người được nghe bài giảng này là Kitô Hữu bị cám dỗ từ bỏ niềm hăng say ban đầu, sau một thời gian bị bách hại. Có lẽ một số người không còn thờ phượng thường xuyên và từ bỏ đức tin Kitô Giáo của mình.
Vì những đề cập đến cách thờ phượng trong Đền Thờ, một số học giả cảm thấy rằng bản văn Tín Hữu Do Thái được sáng tác trước khi Giêrusalem sụp đổ vào năm 70, nhưng điều này không chắc chắn. Có thể nó được viết sớm nhất là năm 60 hay trễ nhất là năm 90.
Bất kể những thắc mắc về tác giả, đối tượng, và ngày tháng sáng tác bản văn Thư Do Thái, không ai hồ nghi giá trị của chính bản văn này. Đó là sự trình bày xuất sắc về Đức Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là tư tế đã cứu chúng ta bởi cái chết của Người, và là người lãnh đạo đã mở cửa trời cho chúng ta. Những giải thích thần học được pha trộn với sự lưu tâm về luân lý trong toàn thể bản văn, giúp hoàn tất mục đích khích lệ Kitô Hữu: hãy theo Chúa Kitô với sự can đảm và hăng say.
Tác giả mở đầu với sự khẳng định rằng Thiên Chúa, đấng đã từng nói với tổ tiên chúng ta qua nhiều cách, trong những “ngày sau cùng này” đã nói với chúng ta qua Con của Người. Đức Kitô thì trổi vượt trên mọi tạo vật, cao hơn các thiên thần, vì thế, chúng ta phải trung thành đi theo Người qua sự đau khổ và sự chết để đến sự sống đời đời (Dt 1 -- 2).
Đức Kitô là “thượng tế” của chúng ta, cao hơn cả Môsê. Người dẫn chúng ta đến Đất Hứa và “nghỉ ngày sabát” ở thiên đường. Người cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, và chúng ta phải tín thác vào Người (Dt 3:1 -- 5:10).
Bản văn Tín Hữu Do Thái khích lệ chúng ta hãy vượt lên trên những chỉ dạy căn bản về đức tin để nhận ra rằng Đức Kitô là thượng tế, đấng luôn luôn trợ giúp chúng ta. Người vượt quá chức tư tế của Aaron, và giống như thượng tế Melchizedek trong Cựu Ước, Người nhận được chức tư tế trực tiếp từ Thiên Chúa. Sự giúp đỡ linh thiêng của Đức Giêsu thì trổi vượt hơn việc thờ phượng ở đền thờ, và chỉ có cái chết như của lễ của Đức Kitô mới cứu được chúng ta. Sự hy sinh của Người trên thập giá đã thay thế các hy lễ của Giao Ước Cũ. Vì thế, chúng ta phải giữ vững đức tin, thi hành các việc lành, và tham dự trong các nghi thức phụng vụ của Giáo Hội (Dt 5:11 -- 10:39).
Chúng ta được vững mạnh đức tin bởi nghĩ đến những tín hữu vĩ đại thời Cựu Ước. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những gì họ mong đợi. Họ trông chừng chúng ta khi chúng ta “kiên trì chạy trong cuộc đua trước mặt, mắt nhìn đến Đức Giêsu, người tiên phong và tuyệt hảo của đức tin chúng ta.” Chúng ta phải chịu đựng những thử thách cách can đảm, vì những đau khổ giúp chúng ta vững mạnh trên hành trình đến “thành trì của Thiên Chúa hằng sống”. Chúng ta phải sống thánh thiện. Với Thiên Chúa là người trợ giúp, chúng ta có thể noi gương những người lãnh đạo vĩ đại đã ra đi trước chúng ta, vì “Đức Giêsu Kitô vẫn như vậy, hôm qua cũng như hôm nay và mãi đến muôn đời.”
Hãy đọc Do Thái 1:1-4, phần dẫn nhập cho bài giảng thật hay này. Hãy đọc Do Thái 2:14-18, phần giải thích về sự kết hợp làm một với Chúa Kitô của chúng ta. Hãy đọc Do Thái 4:1 -- 5:10 về một tiêu biểu của cách tác giả dùng những ám chỉ trong Cựu Ước và một sự giải thích mỹ miều về Đức Kitô là thượng tế, đấng chia sẻ ngay cả sự khổ đau của chúng ta. Hãy đọc Do Thái 10:19-39 để thấy cách tác giả dùng những lời hứa và cả những cảnh cáo để khích lệ chúng ta hãy trung tín cho đến cùng. Hãy đọc Do Thái 12:18-24, để biết mục tiêu đích thực cho sự hiện hữu của loài người.
Những đoạn trên chỉ là một vài mẫu giáo lý của bản văn Tín Hữu Do Thái. Sách này, nếu đọc trọn vẹn, sẽ đem lại một sự hiểu biết rõ ràng về sự hiện diện không ngừng của Chúa Giêsu, là thầy, người lãnh đạo, và tư tế của chúng ta. Sách sẽ đem lại sự hiểu biết sâu xa về đức tin (11:1), đức cậy (6:18-19), và đức mến (10:24) là các nhân đức ràng buộc chúng ta thêm chặt chẽ với Chúa Kitô.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Hầu hết các sách Tin Mừng được viết, sớm nhất, vào năm (a) 40; (b) 100; (c) 313; (d) 400 | |
Thư Titô và 1 và 2 Timôthê là những thư được xếp vào loại: (a) chung; (b) ngụy thư; (c) mục vụ; (d) khôn ngoan | |
1 Timôthê 1 đề cập đến ông Phaolô là một tông đồ nhưng cũng là một kẻ có tội, và 2 Timôthê trình bày ông Phaolô như người viết cho Timôthê từ trong tù | |
1 Timôthê 3 nói rằng các giám mục phải có tất cả những điều sau, ngoại trừ (a) hiếu khách; (b) người vừa trở lại đạo; (c) có thể giảng dậy; (d) có thể quản trị | |
Theo 2 Timôthê 1, mẹ của Timôthê là bà Eunice và bà ngoại Lois là những phụ nữ có lòng tin | |
Khi dặn ông Timôthê phải trao truyền đức tin, ông Phalô dùng tất cả những thí dụ sau, ngoại trừ: (a) người lính; (b) nông dân; (c) người chăn chiên; (d) lực sĩ (2 Tim 1 -- 2) | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Titô, người được lá thư Tân Ước gửi cho, là phụ tá của ông Phaolô, phục vụ ở Côrintô, Dalmatia, và đảo Crete 2. Khi ông Phaolô và mười hai tông đồ còn sống, họ bổ nhiệm các trưởng lão (linh mục) và giám mục 3. Vào lúc Thư gửi Titô được viết, câu hỏi Kitô Hữu có phải tuân giữ luật Môsê hay không thì không còn là vấn đề 4. Vì sự bách hại, ông Phaolô phải khuyên Titô là đừng tuân theo luật dân sự trên đảo Crete (Titô 2:11 -- 3:7) Trong những câu này: (a) 1 thì đúng; (b) 1 và 2 thì đúng; (c) 2 và 3 thì đúng; (d) 3 và 4 thì đúng; (e) tất cả sai |
|
Thư gửi Philêmôn là một thỉnh cầu cá nhân từ ông Phaolô, thay mặt cho một nô lệ tên là (a) Apphia; (b) Archippus; (c) Philemon; (d) Onesimus | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Thư gửi tín hữu Do Thái thực sự là một bài giảng 2. Thư gửi tín hữu Do Thái nguyên thủy được viết bằng tiếng Hebrew 3. Nội dung của thư Do Thái cho thấy thư có ý định viết cho người mới trở lại đạo 4. Thư Do Thái nói về chức tư tế của Đức Kitô thì giống như của Aaron Trong các câu này: (a) tất cả đúng; (b) tất cả sai; (c) 1 và 2 thì sai; (d) 1 và 3 thì sai; (e) 2, 3, và 4 thì sai |
|
Thư Do Thái mời gọi chúng ta hãy coi những người lãnh đạo vĩ đại của Cựu Ước là các gương mẫu đức tin | |
Thư Do Thái so sánh lời của Chúa như (a) ánh sáng; (b) cây kiếm; (c) mặt trời; (d) vàng (Dt 4:1 -- 5:10) | |
Mỗi câu sau đây thì sai, ngoại trừ: (a) Đức Kitô chịu thử thách như chúng ta về mọi mặt, nhưng không phạm tội (Dt 4:1 -- 5:10); (b) Thư Do Thái đảm bảo chúng ta rằng trong mọi sự đau khổ của Người, Đức Kitô thật can đảm nên Người không bao giờ khóc lóc (Dt 4:1 -- 5:10); (c) Thư Do Thái 10:19-39 dạy rằng những ai đặt niềm tin nơi Đức Kitô thì không thể mất ơn cứu độ | |
Một số người mà thư Do Thái đề cập đến đã phải đau khổ vì bách hại và mất tài sản (Dt 10:19-39) | |
Thư Do Thái 12:18-24 nói về thiên đường trong mọi dấu hiệu sau, ngoại trừ (a) Giêrusalem trên trời; (b) núi Xion; (c) kinh thành của Thiên Chúa hằng sống; (d) nghỉ ngơi muôn đời |