Thành phố Côrintô là thủ đô của tỉnh Achaia của người La Mã (bây giờ ở phía nam Hy Lạp). Đó là một hải cảng sầm uất, nhộn nhịp du khách đi từ Rôma về miền Đông và trở lại với những sáng kiến, doanh nghiệp, tài chánh, và thói xấu. Dân từ khắp nơi trên thế giới, kể cả nhiều người Do Thái, sống ở đó.
Ông Phaolô đến Côrintô trong hành trình truyền giáo thứ hai, ở lại đây một năm rưỡi. Ông ở với Aquila và Priscilla và tự mưu sinh với nghề làm lều. Được sự giúp đỡ của Silas, Timôtê, và những người khác, ông đã hoán cải nhiều người về với Đức Kitô và thiết lập một cộng đồng Kitô Hữu sinh động.
Nhưng sau khi ông Phaolô rời Côrintô, các khó khăn bắt đầu xảy ra. Có những bất hoà và chia rẽ. Một số Kitô Hữu trở lại lối sống vô luân rất phổ thông ở Côrintô. Một số xung đột pháp lý trong tòa án. Những cử hành phụng vụ trở nên ồn ào, và người nghèo bị quên lãng. Các ơn đoàn sủng, tỉ như nói tiếng lạ, được coi trọng hơn đức ái. Những câu hỏi được nêu lên về việc ăn thịt cúng, về tình dục và hôn nhân, về sự Phục Sinh, và về các vấn đề khác.
Những khó khăn và thắc mắc này đã được ông Phaolô để ý đến trong khi ở Êphêsô trong hành trình truyền giáo thứ ba. Ông đã viết một lá thư cho Kitô Hữu ở Côrintô mà thư này không được lưu giữ (1 Cor 5:9), sau đó, vào năm 56 hay 57 ông gửi đi một lá thư mà chúng ta gọi là Thư Thứ Nhất gửi Tín Hữu Côrintô.
Ông Phaolô mở đầu thư với lời chào hỏi thường lệ và lời cảm tạ (1 Cor 1:1-9), sau đó ngay lập tức ông đi vào vấn đề phe phái trong các thành phần của Kitô Hữu. Một số cho rằng họ trung thành với Phaolô, một số khác với Apollos (Cv 18:24), một số khác với Kêpha (Phêrô). Nhưng ông Phaolô nhấn mạnh rằng cộng đồng Kitô Hữu chỉ có thể được thành lập trên Đức Kitô Giêsu (1 Cor 3:11), và mỗi phần tử phải làm việc để xây dựng Giáo Hội trên nền tảng Đức Kitô (1 Cor 1:10 -- 4:21).
Sau đó ông Phaolô đề cập đến những lối sống vô luân lý trong giáo đoàn Côrintô. Ông ra lệnh tuyệt thông (khai trừ khỏi giáo đoàn) một người phạm tội loạn luân. Ông bài bác những ai lôi Kitô Hữu khác ra tòa. Ông khuyên tín hữu Côrintô hãy tránh những thói quen trái đạo đức (1 Cor 5 -- 6).
Tiếp đến, ông Phaolô trả lời những câu hỏi được đưa ra trong một lá thư của giáo đoàn Côrintô. Ông ra những chỉ thị về hôn nhân và ly dị, về sự trinh khiết và đời sống góa bụa. Ông có những hướng dẫn thực tế về việc ăn thịt cúng trước khi đem bán ngoài chợ (1 Cor 7 -8).
Một số phần tử Giáo Hội không thích ông Phaolô nên đã tấn công ông về uy tín của một tông đồ. Ông Phaolô bảo vệ chính mình và tác vụ của ông, sau đó ông khích lệ tín hữu Côrintô hãy trung thành với Đức Kitô và với nhau. Ông khẩn cầu dựa trên nền tảng là họ chia sẻ cùng Thánh Thể: “Chén chúc tụng mà chúng ta ngợi khen, đó không phải là dự phần vào máu của Đức Kitô sao? Bánh mà chúng ta bẻ ra, không phải là dự phần vào thân thể của Đức Kitô sao? Vì chỉ có một bánh nên chúng ta, tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, vì tất cả chia sẻ cùng một bánh” (1 Cor 10:16-17). Như ông Phaolô noi gương Đức Kitô, tín hữu Côrintô cũng phải noi gương ông Phaolô (1 Cor 9:1-11).
Với những vấn đề của cộng đoàn từng xảy ra khi tụ tập cử hành phụng vụ, ông Phaolô đưa ra những đề nghị để chấn chỉnh những lạm dụng và là sự diễn tả đầu tiên về việc Đức Kitô lập bí tích Thánh Thể (1 Cor. 11:2-34).
Những ơn đoàn sủng, tỉ như chữa lành và nói tiếng lạ, rất phát triển ở Côrintô. Nhưng một số tín hữu đã biến những ơn này thành cơ hội để tranh chấp và phân biệt giai cấp. Ông Phaolô nhắc nhở tín hữu Côrintô rằng chúng ta là một thân thể trong Đức Kitô và phải hoạt động cho lợi ích của thân thể này. Tất cả những ơn khác thì đều dưới đức ái, là ơn cao nhất trong các ơn (1 Cor 12 -- 14).
Một số Kitô Hữu ở Côrintô, có lẽ bị ảnh hưởng bởi tư duy Hy Lạp mà vì đó các triết gia ở Athens đã nhạo cười ông Phaolô khi nhắc đến sự Phục Sinh (Cv 17:32), họ đặt vấn đề Đức Kitô Phục Sinh có thật không. Ông Phaolô nói rằng sự Phục Sinh của Đức Kitô là một thực tại, vì Đức Kitô đã trỗi dậy từ sự chết, chúng ta, những người tin vào Đức Kitô, cũng sẽ trỗi dậy (1 Cor 15).
Trong phần kết luận, ông Phaolô đã đưa ra những hướng dẫn về việc quyên góp cho người nghèo ở Giêrusalem. Ông cho biết về hoạch định của ông và về các nhà truyền giáo khác. Ông gửi lời chào của các tín hữu khác ở với ông và ông gửi họ lời chúc lành và tình yêu (1 Cor 16).
Hãy đọc 1 Côrintô 1:10-25 để hiểu về nạn phe phái ở Côrintô và học được rằng chúng ta phải trở nên một trong Đức Kitô, đấng đã chịu đóng đinh cho chúng ta. Hãy đọc 1 Côrintô 11:24-26 về tường thuật thiết lập Thánh Thể của ông Phaolô. Hãy đọc 1 Côrintô 12:12 -- 13:13 về giải thích Giáo Hội là Thân Thể của Đức Kitô và bài phát biểu thật hay về ý nghĩa của tình yêu. Hãy đọc 1 Côrintô 15:1-28 về chứng từ của ông Phaolô về thực tại Phục Sinh của Đức Kitô và của chính chúng ta.
Thư Thứ Nhất cho Côrintô có thể cho độc giả ngày nay thấy Giáo Hội thì không bao giờ toàn hảo. Con người, ngay cả những ai thuộc về cộng đồng Kitô Hữu tiên khởi, cũng có những lỗi lầm và sa ngã. Nhưng cũng như ông Phaolô sẵn sàng hy sinh để ngăn cản những bất hòa và chia rẽ, chúng ta cũng được mời gọi để hoạt động cho sự hợp nhất giữa các phần tử của Thân Thể Đức Kitô. Lá thư này có thể dậy chúng ta nhiều điều về đời sống Kitô Hữu, nhất là về tình yêu, sự thờ phượng, và về định mệnh của chúng ta là được sống đời đời với Đức Kitô, là Chúa phục sinh.
Các vấn đề của giáo đoàn Côrintô thì không được giải quyết với lá thư của ông Phaolô. Dường như kẻ thù của ông vẫn tiếp tục đặt vấn đề thẩm quyền của ông và tấn công uy tín của ông Phaolô. Những điều này đến tai ông sau một vài tháng ông gửi đi lá thư thứ nhất, do đó ông viết lá thư mà chúng ta gọi là Thư Thứ Hai gửi Tín Hữu Côrintô.
Thực ra, thư này có lẽ là một tổng hợp của ba hay bốn lá thư được ông Phaolô gửi cho giáo đoàn Côrintô. Các học giả nhận thấy một số phần của lá thư này (tỉ như, 2 Cor 6:14 -- 7:1; 9:1-15; 10:1 -- 13:10) dường như đi ra ngoài phạm vi và có lẽ được trích từ các thư khác. Dù thực sự thế nào, ông Phaolô đã viết với cảm xúc lớn lao. Ông bực mình vì những thầy dạy giả dối đã gieo rắc sự bất hòa trong các tín hữu, và ông bực mình hơn nữa khi tín hữu Côrintô lại sẵn sàng nghe theo các thầy dạy đó.
Sau lời chào và cầu nguyện thường lệ (2 Cor 1:1-7), ông Phaolô nói về tình trạng của mình; ông kiệt quệ và buồn phiền đến chết được. Ông bảo vệ sứ vụ của ông và cho biết lý do ông phải thay đổi một số điều trong họach định. Ông xen kẽ những giải thích với các minh chứng cho sự vinh hiển của Thiên Chúa, tình yêu của Chúa Kitô, và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần (2 Cor 1:8 -- 7:16).
Sau vài lời kêu gọi sự độ lượng trong việc quyên góp cho người nghèo ở Giêrusalem (2 Cor 8 -- 9), ông Phaolô trở lại việc tự vệ. Ông tuôn trào cảm xúc trong sự bộc lộ mạnh mẽ về tình yêu, sự lo lắng, sự giận dữ, và sự chán nản, và tiến trình này đã đem cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc hơn về tâm hồn ông. Ông kết thúc lá thư với lời cầu xin sự hiệp nhất và bình an và với lời chúc lành (2 Cor 10 -- 13).
Hãy đọc 2 Côrintô 11:16 -- 12:10, là phần ông Phaolô bảo vệ chống với những sự tấn công của các kẻ thù. Trong các câu này chúng ta thấy sự khó nhọc mà ông phải chịu đựng trong công tác truyền giáo. Chúng ta biết về sự xuất thần của ông (được “nhắc lên tầng trời thứ ba”) và về những khổ sở của ông (“gai đâm vào thân xác”). Chúng ta thấy ông thực sự là một con người tận hiến hoàn toàn cho Chúa.
Lá thư này đem lại một cái nhìn sâu sắc về lòng trí ông Phaolô mà không được thấy ở bất cứ đâu. Khi chúng ta bị cám dỗ bỏ cuộc vì bị chống đối, bị phê bình cách bất công, hay bị tẩy chay bởi những người mà chúng ta giúp đỡ, ông Phaolô khích lệ chúng ta hãy kiên trì như ông, “vì Đức Kitô” (2 Cor 12:10).
Thời ông Phaolô, thành phố Galát là phần trung tâm của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, nằm về phía bắc của đảo Cyprus. Ông Phaolô và Banabê đã đến thăm các thành phố ở phía nam của vùng này trong hành trình truyền giáo thứ nhất, và ông Phaolô đã rao giảng ở một phần phía bắc trong hành trình thứ hai và thứ ba. Các học giả tranh luận về việc ông Phaolô viết thư này cho Kitô Hữu ở phía bắc hay phía nam của Galát. Họ bất đồng về ngày tháng của lá thư. Quan điểm chung là ông Phaolô viết cho Kitô Hữu ở phía bắc Galát khoảng năm 54.
Nguyên nhân ông Phaolô viết thư này sau khi đến Galat và được biết rằng một số người truyền giáo khác đã làm cho những tân tòng bực mình khi đòi hỏi họ phải tuân giữ Luật Môsê. Ông Phaolô tin rằng Cựu Ước hướng đến Đức Giêsu, nhưng ông biết rằng Kitô Hữu không còn bị ràng buộc bởi các giới luật này nữa. Ông nhận ra rằng nếu Kitô Hữu ở Galát đi tìm ơn cứu độ trong Cựu Ước, họ sẽ từ bỏ Đức Kitô.
Hậu quả là ông nổi nóng với các người dạy bảo sai lạc mà họ đã theo ông đến Galát, và ông cũng bực mình với các tân tòng vì họ có vẻ muốn lắng nghe những thầy dạy đó. Ông viết Thư Gửi Tín Hữu Galát để công bố sự độc đáo của Đức Kitô và để bài bác những ai muốn tìm kiếm ơn cứu độ trong việc tuân giữ các lề luật Cựu Ước.
Cảm xúc xáo trộn của ông Phaolô có thể thấy ngay ở đầu lá thư. Ông viết ngắn lại lời chào và cầu nguyện mở đầu (Gal 1:1-5), ông bày tỏ ngay lập tức sự bàng hoàng khi tín hữu Galát đang từ bỏ Đức Kitô, sau đó ông chúc dữ cho bất cứ ai dậy bảo phúc âm trái với phúc âm được ông rao giảng (Gal 1:6-10).
Kế đến ông bảo vệ sứ vụ của mình, ông giải thích sự hoán cải của ông và những năm đầu khi là một Kitô Hữu. Ông biện hộ rằng các nhà lãnh đạo giáo đoàn ở Giêrusalem đã xác nhận sự giảng dậy của ông là chính thống, tuy lối đối xử của họ không đi đôi với lời nói. Ông khẳng định rằng ơn cứu độ đến qua Đức Kitô, chứ không phải lề luật của Do Thái (Gal 1:11 -- 2:21).
Dùng một chuỗi lý luận được trích từ Cựu Ước, ông Phaolô cho thấy Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi những đòi hỏi của Luật Cũ và ban cho chúng ta sự tự do của con cái Thiên Chúa. Sự tự do này không được coi nhẹ hay bỏ qua (Gal 3 -- 4).
Ông Phaolô giải thích cách sử dụng sự tự do đúng đắn. Chúng ta phải đặt niềm tin nơi Đức Kitô. Chúng ta phục vụ lẫn nhau. Chúng ta sống bởi Thánh Thần như phần tử của cộng đồng Kitô Giáo, sửa đổi và giúp đỡ lẫn nhau. Ông Phaolô kết luận rằng sự cắt bì, một dấu hiệu của Luật Cũ, chẳng có giá trị gì. “Tôi không khoe khoang điều gì ngoài thập giá của Chúa Giêsu Kitô, qua đó thế gian đã bị đóng đinh đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gal 6:14). Ông Phaolô được ghi dấu với những vết sẹo khi thi hành sứ vụ vì thuộc về Chúa Kitô. Là tôi tớ của Chúa Kitô, ông xin Thiên Chúa chúc lành cho tín hữu Galát (Gal 5 -- 6).
Hãy đọc Galát 1:11 -- 2:21, ông Phaolô diễn tả về những năm đầu khi là Kitô Hữu và sự phấn đấu khi công bố sự ưu việt của Chúa Kitô, ngay cả đối với ông Phêrô. Hãy đọc Galát 5:13-26, một giải thích về cách sử dụng tự do của chúng ta một cách tốt đẹp. Hãy để ý đến các đức tính được kể ra trong 5:22-23, truyền thống gọi là Hoa Quả của Thánh Thần.
Khi đọc thư Galát, chúng ta được khuyến khích hãy coi Chúa Kitô là tâm điểm đời sống. Chúng ta tìm thấy một giải thích về sự tương quan giữa đức tin và việc làm. Trong Galát 3:1-9, ông Phaolô nhấn mạnh rằng sự công chính hóa thì nhờ vào đức tin nơi Chúa Kitô chứ không qua sự tuân giữ luật Do Thái. Khi nói điều này, ông Phaolô không từ chối sự quan trọng của việc làm tốt lành. Đúng hơn, ông cho thấy đức tin và việc làm có liên quan chặt chẽ với nhau: “Chỉ có một điều đáng kể là đức tin hoạt động qua đức ái” (Gal 5:6). Đức tin thì thiết yếu, nhưng việc làm tốt thì cũng thế. Chúng ta đặt niềm tin nơi Chúa Kitô. Chúng ta noi gương Chúa Kitô trong việc làm hàng ngày.
Êphêsô là một thành phố hải cảng lớn trong nơi bây giờ thuộc phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Phaolô đầu tiên rao giảng phúc âm ở đây trong hành trình truyền giáo thứ hai, và ông đã ở đây hai năm trong hành trình thứ ba. Nhưng không rõ Thư Gửi Êphêsô trong hình thức hiện thời có do ông Phaolô sáng tác hoặc nguyên thủy nó có được viết cho Kitô Hữu ở Êphêsô hay không.
Ngôn ngữ và sự hình thành tư tưởng trong Êphêsô thì khác với các lá thư của chính ông Phaolô. Những điều đề cập về cá nhân, mà chúng ta mong đợi nếu thực sự ông Phaolô viết thư này cho tín hữu ở Êphêsô, thì không thấy. Lá thư là một khái luận về thần học nhiều hơn và dường như nó dựa vào Thư Gửi Tín Hữu Côlótxê. Nhiều bản viết tay nguyên thủy không liệt kê Êphêsô là người nhận lá thư này. Vì thế, một số học giả đồng ý rằng Thư Gửi Êphêsô thực sự được sáng tác bởi một văn sĩ rất thông thạo sự giảng dạy của ông Phaolô, có lẽ khoảng năm 90, và được gửi đi như một lá thư luân lưu cho một số giáo đoàn khác nhau. Tên ông Phaolô và những ám chỉ đến ông thì được dùng như để thêm uy tín cho lá thư này, nó thích hợp vì thư gửi giáo đoàn Êphêsô là một bước phát triển thích đáng của ông Phaolô về thần học và văn bản. Các học giả khác lý luận rằng thực sự thư này tác giả là Phaolô, có lẽ qua một thư ký.
Thư mở đầu với tuyên bố về kế hoạch cứu chuộc chúng ta của Thiên Chúa qua Đức Kitô Giêsu. Những ai tin vào Chúa Kitô thì được dấu ấn với Chúa Thánh Thần và làm thành Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô. Thiên Chúa đã độ lượng kêu gọi Dân Ngoại vào Giáo Hội, làm cho họ trở nên một với người Do Thái thành một “đền thờ linh thiêng của Chúa,” “một nơi Thiên Chúa ngự” (Eph 1 -- 2).
Sứ vụ của ông Phaolô được nhắc lại như nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa để mời Dân Ngoại vào Giáo Hội. Vì tín hữu kết hợp với Chúa Kitô, họ được sống trong sự thánh thiện, hợp nhất, và bình an, để như thế Giáo Hội có thể được xây dựng dưới Chúa Kitô, và là đầu của thân thể Người. Kitô Hữu phải tránh tội và sống trong ánh sáng của Chúa Kitô. Vợ chồng phải yêu thương nhau như Đức Kitô yêu thương Giáo Hội, và các thành viên gia đình phải đối xử với sự tôn trọng nhau. Tất cả chúng ta được mặc lấy “áo giáp của Thiên Chúa” và can trường chiến đấu cho đến cùng (Eph 3 -- 6).
Hãy đọc Êphêsô 3:14-21, lời cầu nguyện cho Giáo Hội. Hãy đọc Êphêsô 5:1 -- 6:4, lời khuyên sống thánh thiện và những tương quan trong gia đình Kitô Hữu.
Từ lâu, Thư gửi Êphêsô từng được coi là thư diễn tả Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền. Giáo Hội thì duy nhất vì là Thân Thể của Chúa Kitô (4:4-6). Giáo Hội thánh thiện với sự thánh thiện của Chúa Kitô (5:25-27). Giáo Hội thì phổ quát vì trong đó Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người được cứu chuộc qua Chúa Kitô (2). Giáo Hội tông truyền vì được xây dựng trên “nền tảng các tông đồ” (2:20). Vì thế, khi đọc thư này chúng ta có một cái nhìn xinh đẹp về Giáo Hội. Chúng ta thấy định mệnh cao cả của chúng ta là phần tử của Thân Thể Đức Kitô. Chúng ta được dạy hãy sống trong sự thánh thiện và bác ái, nhất là với các phần tử trong gia đình.
Cần lưu ý rằng thư này không cổ vũ sự thống trị của các ông chồng trên vợ mình. Vợ chồng “hãy phục tùng lẫn nhau vì tôn kính Chúa Kitô” (5:21). Vợ hãy phục tùng chồng mình, nhưng chồng phải yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Giáo Hội (5:22-25). Vì Đức Kitô đã rửa chân cho các tông đồ và hy sinh mạng sống cho Giáo Hội, Thư Gửi Tín Hữu Êphêsô thực sự đề nghị vợ chồng hãy noi gương bác ái, khiêm tốn, và độ lượng của Chúa Kitô khi đối xử với nhau.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Phaolô rao giảng cho tín hữu Côrintô trong chuyến đi truyền giáo thứ hai, sau đó ông viết thư cho họ trong chuyến đi thứ ba để đối phó với tất cả những vấn đều sau, ngoại trừ: (a) bè phái; (b) đặt vấn đề Phục Sinh; (c) vô luân; (d) bỏ qua các ơn đoàn sủng | |
Trong 1 Côrintô 1:10-25, Phaolô nói rằng tín hữu phải duy trì sự hiệp nhất vì ông rửa tội cho họ trong danh Đức Kitô | |
“Khi ăn bánh và uống chén này,” anh chị em (a) dự phần trong Đức Kitô; (b) tuyên xưng cái chết của Chúa; (c) trở nên một thân thể; (d) sống đời đời (1 Cor 11:26). | |
Các ơn lớn lao nhất của Thần Khí là (a) nói tiếng lạ; (b) chữa lành; (c) đức ái; (d) đức tin (1 Cor 12:12 -- 13:13). | |
Phaolô khẳng định trong 1 Côrintô 15 rằng Đức Kitô Phục Sinh đã xuất hiện với hơn (a) 100; (b) 500; (c) 1,000; (d) 3,000 người. | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Thư II gửi tín hữu Côrintô của Phaolô có thể là một tổng hợp của ba hay bốn lá thư 2. Bác bỏ những cáo buộc sai lạc, Phaolô nói rằng ông chịu đựng việc đánh đòn, ném đá, và đắm tầu, nhưng ông cũng nhận được các mặc khải từ Thiên Chúa (2 Cor 11:16 -- 12:10) Trong những câu này: (a) cả hai đều đúng; (b) cả hai đều sai; (c) 1 thì sai; (d) 2 thì sai. |
|
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Sau khi ông Phaolô rao giảng ở Galát, các thầy dạy lầm lạc tìm cách thuyết phục những người Do thái mà ông hoán cải rằng họ không còn bị buộc bởi luật Môsê 2. Khi ông Phaolô tìm cách được tán thành để hoạt động trong Dân Ngoại, ông được sự hỗ trợ của ông Phêrô (Kêpha) vừa ở Giêrusalem và vừa ở Antiôkia (Gal 1:11 -- 2:21) 3. Ông Phaolô giải thích cho tín hữu Galát rằng Đức Kitô cho chúng ta sự tự do để thi hành bất cứ gì chúng ta muốn (Gal 5:13-26) Trong những câu này: (a) 1 và 2 thì đúng; (b) 2 và 3 thì đúng; (c) 3 thì đúng; (d) tất cả đều đúng; (e) tất cả đều sai |
|
Phaolô kể ra “hoa quả của Thần Khí” gồm tất cả những điều sau, ngoại trừ: (a) hy vọng, kiên trì, và khuyên bảo; (b) trung tín, nhân từ, và tiết độ; (c) bác ái, hoan lạc, và bình an; (d) kiên nhẫn, tử tế, và độ lượng (Gal 5:13-26) | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Hầu hết các học giả Công Giáo đồng ý rằng thư Êphêsô được ông Phaolô viết vào khoảng năm 90 2. Thư Êphêsô dạy rằng Giáo Hội là Thân Thể của Đức Kitô và duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền Trong những câu này: (a) cả hai đều đúng; (b) cả hai đều sai; (c) 1 thì đúng; (d) 2 thì đúng. |
|
Thư Êphêsô dạy tất cả những điều sau, ngoại trừ (a) Mọi gia đình trên trời và dưới đất có tên của mình từ Chúa Cha (Eph 3:14-21); (b) niềm hy vọng rằng Chúa Kitô có thể ngự trong tâm hồn chúng ta qua đức tin (Eph 3:14-21); (c) Các bà vợ phải phục tùng chồng, chứ không phải chồng phục tùng vợ (Eph 5:1 -- 6:4); (d) Tình yêu vợ chồng có liên hệ đến tình yêu của Đức Kitô cho Giáo Hội (Eph 5:1 -- 6:4); (e) Điều răn đầu tiên với lời hứa là “Hãy thảo kính cha mẹ” (Eph 6:2). |