Philípphê là một thành phố đáng chú ý trong vùng phía bắc tỉnh Maxêđônia của người La Mã (một phần của Hy Lạp ngày nay). Trong hành trình truyền giáo thứ hai, ông Phaolô đã ở đây ít lâu, thiết lập một giáo đoàn mà ông đã đến thăm trong hành trình thứ ba. Ông cảm thấy gần gũi với tín hữu Philípphê và họ đã hỗ trợ ông trong các thừa tác vụ.
Tài liệu mà chúng ta gọi là Thư Gửi Tín Hữu Philípphê dường như gồm ba lá thư mà sau này được gộp thành một, có lẽ bởi ai đó trong giáo đoàn Philípphê, họ muốn thích ứng các thư này cho giáo đoàn đọc.
Trong phần đầu của thư, ông Phaolô mở đầu với lời chào hỏi và cảm tạ quen thuộc. Ông bày tỏ sự cảm mến tín hữu Philípphê và nhắc đến việc tù đầy của ông, có lẽ ở Êphêsô khoảng năm 55. Ông khuyến khích tín hữu hãy trung tín, hãy noi gương Chúa Kitô trong sự khiêm tốn phục vụ và đời sống thánh thiện. Ông nói về cộng sự viên truyền giáo là ông Timôtê và ông Êpáprôđitô và kết thúc với lời cổ vũ “hãy vui mừng trong Chúa” (Phil 1:1 -- 3:1).
Một thư khác mở đầu với những lời ông Phaolô cảnh cáo tín hữu Philípphê đối với những người dạy rằng Kitô Hữu bị ràng buộc bởi Luật Cũ. Ông Phaolô khích lệ độc giả hãy tập trung sự chú ý vào Chúa Kitô (Phil 3:2-21).
Những câu kế tiếp có lẽ thuộc về phần đầu của lá thư; lời thúc giục tín hữu Philípphê hãy cố gắng sống hiệp nhất và bình an (Phil 4:1-9). Những câu này được tiếp nối bởi lá thư thứ ba, một nhận xét ngắn để cảm ơn tín hữu Philípphê đã rộng lượng giúp đỡ công việc của ông Phaolô. Thư kết thúc với lời chào và từ biệt (Phil 4:10-23).
Hãy đọc Philípphê 2:1-18, lời kêu gọi sống trong tình yêu và khiêm tốn để noi gương Chúa Kitô. Phần thứ ba này gồm một bài ca tụng Chúa Kitô của Kitô Hữu tiên khởi (2:6-11). Hãy đọc Philípphê 4:4-9, một huấn lệnh mỹ miều để có được niềm vui và bình an trong tâm hồn.
Trong những đoạn này, chúng ta thấy các khuôn mẫu cho đời sống Kitô Hữu. Trong đời sống chung của giáo đoàn Philípphê, chúng ta thấy một mô hình cho đời sống chúng ta là phần tử của Giáo Hội ngày nay.
Thư này được gửi cho giáo đoàn Kitô Hữu ở Côlótxê (một tỉnh nhỏ trong vùng tây nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Thư được cho là của ông Phaolô, và đề cập đến cuộc đời và những cộng sự viên truyền giáo của ông trong thư. Theo truyền thống, ông Phaolô được cho là tác giả thực sự của thư, và một số học giả vẫn giữ lập trường này. Họ tin rằng ông Phaolô đã đọc cho một thư ký viết trong thời gian bị cầm tù.
Những học giả khác thích quan điểm rằng thư này được viết bởi một trong các môn đệ của ông Phaolô. Họ thấy rằng kiểu văn và ngôn ngữ không phù hợp với ông Phaolô và tư tưởng thần học trong thư là một phát triển về sau của ông. Họ coi thư này như một bài giảng được viết sau khi ông Phaolô từ trần, và tên Phaolô được dùng như một phát ngôn viên thần thánh. Thử gửi Côlótxê cho thấy một sự quen thuộc với những thư trước đây của ông Phaolô và có nhiều phần tương tự như thư gửi tín hữu Êphêsô.
Thư gửi Côlótxê thỉnh thoảng đề cập đến giáo lý mơ hồ trong Kitô Hữu. Các thầy dạy lầm lạc chủ trương rằng các thần nhỏ (demigod) và quyền lực trên trời phải được hòa hợp. Có lẽ họ đã từng đề nghị ma thuật, chiêm tinh, và thực hành giáo phái bí mật. Một số những ý tưởng này có lẽ nằm trong sự phát triển lạc giáo Gnostic, mà sau này nó chủ trương rằng người ta được cứu độ là nhờ sự hiểu biết thần bí và nó từ chối thiên tính cũng như nhân tính của Đức Kitô.
Thư gửi Côlótxê cho thấy những ý tưởng như thế thì trái với Kitô Giáo. Thư diễn tả sự chính thống Kitô Giáo trong niềm tin vào sự ưu việt của Đức Kitô, là Đấng Cứu Thế và là Chúa, là đầu của Giáo Hội.
Thư mở đầu với lời chào, lời tạ ơn, và lời cầu xin để tuyên xưng đức tin vào sự cứu độ do Chúa Kitô đem đến. Một bài thánh ca công bố vai trò độc đáo của Chúa Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa, qua Người mọi sự được tạo thành, và là đầu của Thân Thể Người, là Giáo Hội, và là Đấng cứu chuộc nhân loại. Chúa Kitô sống trong chúng ta đến mức độ chúng ta có thể kết hợp sự đau khổ của chúng ta vào sự thống khổ của Người “vì lợi ích cho thân thể của Người, là Giáo Hội” (Col 1:24).
Kế đến, tác giả cảnh cáo những dạy bảo sai lạc và những thực hành huyền bí đe dọa đến tính cách chính thống của giáo đoàn (Col 2). Sau đó ông đưa ra đường nét tuyệt vời của một đời sống trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Kitô Hữu phải lánh xa những thói xấu và mặc lấy những nhân đức đặc tính của Chúa Kitô, tỉ như lòng trắc ẩn, tha thứ, yêu thương, và bình an. Những tương giao giữa cá nhân và gia đình cũng được đề cao. Thư kết thúc với lời chào và chúc lành thường lệ (Col 3 -- 4).
Hãy đọc Côlótxê 1 để biết phần mở đầu mẫu mực của một lá thư Tân Ước, về sự diễn tả tuyệt vời tính ưu việt của Chúa Kitô, và sự giải thích về đời sống Chúa Kitô trong chúng ta. Hãy đọc Côlótxê 3:1-17 về một đời sống “ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa”.
Thư gửi Côlótxê mời chúng ta hãy coi Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và là Chúa của chúng ta. Thư nhắc nhở chúng ta về sự kết hợp với Chúa Kitô và là đặc ân cho những ai được gọi là Kitô hữu trong thế giới ngày nay. Thư vạch ra định mệnh của loài người chúng ta, thúc giục chúng ta hãy “tìm kiếm những sự trên trời, nơi Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa” (3:1).
Ông Phaolô, với sự trợ giúp của ông Sila và Timôthê, đến truyền giáo thành Thêsalônica của người Maxêđônia trong hành trình truyền giáo thứ hai. Khi ông Phaolô phải tiếp tục hành trình vì sự bách hại, ông để lại hai ông Sila và Timôthê để phục vụ tín hữu Thêsalônica. Sau này hai người gặp lại ông Phaolô ở Côrintô. Sau đó ông Phaolô sai ông Timôthê trở về Thêsalônica để xem tình hình như thế nào. Có lẽ vào đầu mùa hè năm 51. Ông Timôthê gửi một báo cáo cho ông Phaolô, và bản báo cáo này đã khích động ông Phaolô viết Thư Thứ Nhất gửi Tín Hữu Thêsalônica. Lá thư này thì đặc biệt quan trọng vì hầu như người ta chắc chắn rằng đây là cuốn Tân Ước đầu tiên được viết xuống.
Vào lúc đó, khoảng hai mươi năm sau sự Phục Sinh của Đức Kitô, Kitô Hữu dường như mong đợi rằng sự Tái Giáng Lâm của Đức Kitô và ngày tận thế có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Họ tự hỏi làm thế nào những người đã chết lại có thể chia sẻ sự sống đời đời. Ông Phaolô giải thích rằng những người đã chết trong Đức Kitô sẽ chia sẻ sự sống đời đời cách trọn vẹn, không thua kém những ai còn sống ở mặt đất khi Đức Kitô trở lại.
Ông Phaolô mở đầu lá thư với lời chào của chính ông, của Silvanus (có lẽ một tên khác của Sila) và Timôthê. Ông dâng lời tạ ơn vì sự can đảm của tín hữu Thêsalônica đã từ bỏ tà thần quay về với Đức Kitô. Ông Phaolô nhắc lại sự phục vụ ông khi ở với họ, nhấn mạnh đến sự thành khẩn và sự trìu mến của ông đối với họ (“như một y tá âu yếm chăm sóc chính con mình”). Ông nhìn nhận sự bách hại họ đang gánh chịu, có lẽ sự quấy nhiễu của người ngoại giáo chung quanh, và sự bất đồng gây ra bởi Kitô Hữu gốc Do Thái, là những người nhấn mạnh đến việc tuân giữ Luật Môsê. Ông giải thích tại sao ông lại sai Timôthê đến và bày tỏ sự vui mừng trước tin vui về đức tin và đức ái của họ mà Timôthê cho biết (1 Tx 1 -- 2).
Ông Phaolô đưa ra những hướng dẫn về lối sống Kitô Hữu, nhất là về sự thanh sạch và đức ái. Ông trấn an độc giả về thực tại của sự Phục Sinh và về sự chia sẻ sự sống đời đời qua Đức Kitô. Ông nói về sự cần thiết phải sẵn sàng khi Đức Kitô Tái Giáng Lâm. Ông đề nghị sự vâng phục những người có quyền trong Giáo Hội và sống bác ái với mọi người. Ông kết thúc với lời cầu, lời chào, và lời chúc lành (1 Tx 3 -- 5).
Hãy đọc 1 Thêsalônica 4:13 -- 5:28 để biết Kitô Hữu tiên khởi hiểu thế nào về sự Tái Giáng Lâm của Chúa Kitô và sự hướng dẫn của ông Phaolô về sự tỉnh thức và nhân đức Kitô Hữu.
Các sách Tân Ước sau này cho thấy, Kitô Hữu dần dà nhận ra rằng ngày tận thế và sự Tái Giáng Lâm của Đức Kitô có thể lâu hơn họ nghĩ lúc đầu. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng chúng ta không thể biết khi nào Đức Kitô Tái Giáng Lâm. Vì mục đích thực tế, thế giới này chấm dứt khi chúng ta chết. Chúng ta không biết khi nào chúng ta chết, và vì thế việc đọc thư này có thể nhắc nhở chúng ta về sự quan trọng là phải luôn luôn sẵn sàng gặp Chúa.
Trong phần giới thiệu, thư này nói rằng được ông Phaolô gửi cho tín hữu Thêsalônica. Nếu vậy, có thể ông Phaolô thực sự đã viết thư này hoặc nói những ý tưởng chính cho một thư ký viết. Tuy nhiên, một số học giả có ý kiến rằng thư này được viết bởi một tác giả vô danh cho Kitô Hữu ở Tiểu Á khoảng năm 90. Ý kiến này cho rằng tác giả đã dùng thư I Thêsalônica như một khuôn mẫu, để có thẩm quyền giảng dậy trong một hoàn cảnh mà tín hữu hoang mang về sự tái giáng lâm của Chúa Kitô.
Cộng đồng nhận thư này bị rúng động bởi những tin đồn rằng “ngày của Chúa,” sự tái thế của Đức Kitô, đã gần kề (2:2). Hiển nhiên, tin đồn xuất phát từ một lá thư giả mạo ông Phaolô. Một số Kitô Hữu sợ hãi, và số khác ngưng làm việc để chờ Chúa đến.
Phần giới thiệu được rập theo thư I Thêsalônica. Sau phần tạ ơn, chủ đề về sự tái giáng lâm của Đức Kitô được trình bày. Tác giả khuyên tín hữu đừng bị rối loạn bởi tin đồn thất thiệt rằng ngày của Chúa đã gần kề. Ông kể ra một số biến cố phải xảy ra trước. Các biến cố này được diễn tả một cách mơ hồ và rõ ràng không đưa ra một thời khóa biểu về ngày tận thế (2 Tx 1 -- 2).
Tác giả cầu xin Thiên Chúa sẽ điều khiển tâm hồn tín hữu “biết yêu mến Thiên Chúa và kiên định với Đức Kitô”. Sau đó ông đưa ra một thực hành: Kitô Hữu không được tự ý ngưng làm việc. Những ai không muốn làm việc thì không được ăn. Thư này kết thúc với lời nguyện ngắn, lời chào, và lời chúc lành (2 Tx 3).
Hãy đọc 2 Thêsalônica 2 về lời khuyên hãy giữ điềm tĩnh về ngày tận thế. Chúng ta không cần hiểu những ám chỉ “quân phản loạn” và “vô kỷ luật” trong chương này nhưng hãy nắm vững thông điệp chính: Đừng để bị “dao động hay sợ hãi” (2:2).
Trong mọi thời đại đều có những ngôn sứ giả mạo tiên đoán sự tái thế của Đức Kitô. Trong thời đại chúng ta cũng có những nhà giảng thuyết tìm cách tiên đoán ngày giờ chính xác của việc tận thế. Thư 2 Thêsalônica dạy chúng ta đừng quá coi trọng những cảnh cáo đó. Vì hai năm qua họ đều sai lầm! Điều thực sự quan trọng là sống từng giây phút trong sự kết hợp với Chúa Kitô.
Những Câu Hỏi Để Thảo Luận và Suy Nghĩ Có bao nhiêu nhân vật và biến cố quan trọng được nhắc đến trong Công Vụ Tông Đồ mà bạn có thể nhớ? Bạn có thể tóm lược những điểm quan trọng về thần học của ông Phaolô được tìm thấy trong các thư của ông không? Sinh Hoạt Nhiều Kinh Thánh có các bản đồ cuộc hành trình của ông Phaolô. Hãy dùng một bản đồ ấy để tìm những địa điểm trong phần giải thích của Công Vụ Tông Đồ. Nghiên cứu những tóm lược dưới đây để làm quen với các ngày tháng chính yếu trong cuộc đời ông Phaolô. Cho thêm vào những tóm lược này bất cứ chi tiết gì bạn muốn. Cuộc Đời Ông Phaolô Năm 5(?) -- Saolê sinh ở Tarsus; 30(?) -- đến Giêrusalem, học với ông Gamaliel; 34-45 -- ông Saolê hoán cải; 35-38 -- ở Ả rập; 38 -- chuyến thăm Giêrusalem đầu tiên; 38-41-- ở Tarsus; 41-44 -- bách hại dưới thời Hêrốt Agripa; 42-44 -- Banabê đem ông Phaolô đến Antiôkia, đi cứu trợ đến Giêrusalem; 45-48 -- hành trình truyền giáo đầu tiên… ông Phaolô và Banabê; 49 -- Công Đồng ở Giêrusalem; 50-53 -- hành trình truyền giáo thứ hai… ông Phaolô, Sila, Timôthê, Luca (?); 54-57 -- hành trình truyền giáo thứ ba… ông Phaolô và Luca; 58 -- ở Giêrusalem: bị bắt ở Đền Thờ; 58-60 -- bị tù ở Xêgiarê dưới thời Phêlích; 60-61 -- du hành đến Rôma, bị đắm tầu; 61 -- đến Rôma; 61-62 -- bị tù ở Rôma; 64 (?) -- đến thăm Tây Ban Nha (?); 67 (?) -- bị tù lần cuối và bị hành quyết thời Nêrô (?) |
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Phaolô rao giảng ở Philíphê trong chuyến truyền giáo thứ hai và đến thăm trong chuyến thứ ba, nhưng trong những người hoán cải, tín hữu Philíphê gây trở ngại nhiều nhất 2. Trong thư Philíphê, ông Phaolô nói về cảnh tù đầy của ông 3. Kitô Hữu ở Philíphê phải sống trong một môi trường tội lỗi (Phil 2:1-18) Trong những câu này: (a) tất cả sai; (b) 1 thì sai; (c) 1 và 2 thì sai; (d) 2 và 3 thì sai; (e) tất cả đúng. |
|
Trong bài thánh ca cổ được trích trong Philipphê 2:6-11, chúng ta thấy tất cả những bài học sau, ngoại trừ (a) Đức Giêsu trở nên một trường trong chúng ta; (b) Đức Giêsu vâng lời cho đến chết; (c) danh Đức Giêsu thì đáng được tôn kính; (d) Đức Kitô phục sinh gửi Chúa Thánh Thần đến trên Giáo Hội. | |
Trong Philíphê 4:4-9, ông Phaolô đưa ra tất cả những lời khuyên sau, ngoại trừ: (a) hãy hân hoan trong Chúa; (b) hãy lo lắng làm việc lành; (c) hãy giãi bày lên Thiên Chúa; (d) hãy nghĩ về những gì tinh tuyền. | |
Mỗi câu sau đây đều đúng, ngoại trừ: (a) Phaolô không thể là tác giả của thư Colótxê; (b) Thư gửi Côlótxê được viết, chính yếu để chống với các xu hướng giáo phái, ma thuật, và chiêm tinh; (c) Lạc giáo Gnostic dạy rằng sự cứu độ đến từ sự biểu biết thần bí. | |
Thư Côlótxê dạy rằng chúng ta được kết hợp thật chặt chẽ với Đức Kitô đến nỗi chúng ta có thể kết hợp những đau khổ của chúng ta với sự đau khổ của Người vì lợi ích cho Giáo Hội. | |
Thư Côlótxê 1 vinh danh Đức Kitô như đầu của thân thể, Giáo Hội, và nói rằng Thiên Chúa đã tiết lộ mầu nhiệm, đó là “Đức Kitô trong anh chị em”. | |
Anh chị em đã chết và sự sống của anh chị em thì tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa (Col 3:1-17). | |
Mỗi câu sau đây thì sai, ngoại trừ: (a) Thư I gửi tín hữu Thêsalônica của Phaolô thì đặc biệt quan trọng vì hầu như đó là cuốn đầu tiên của Tân Ước được viết xuống; (b) Phaolô, được sự giúp đỡ của ông Sila và Timôtê, rao giảng cho tín hữu Thêsalônica trong chuyến truyền giáo thứ nhất; (c) Khi ông Phaolô gửi ông Timôtê đến thăm tín hữu Thêsalônica, ông thật thất vọng khi thấy họ đã từ bỏ Đức Kitô mà quay sang các thần tượng. | |
Phaolô dạy rằng trong lần Đức Kitô Giáng Lâm, những ai đã chết trong Đức Kitô và những ai còn sống sẽ chỗi dậy để ở với Chúa mãi mãi (1 The 4:13 -- 5:28). | |
Phaolô cho biết “Ngày của Chúa,” Đức Kitô Giáng Lâm lần II, thì (a) ngay trong tầm tay; (b) trong tương lai xa; (c) không biết và bất ngờ; (d) đã qua (1 The 4:13 -- 5:28). | |
Thư II gửi tín hữu Thêsalônica được viết để giúp cho những tín hữu nào bị hoang mang về sự Giáng Lâm lần II của Đức Kitô. | |
Theo 2 Thêsalônica, những ai không làm việc thì hãy (a) cầu nguyện; (b) đừng ăn; (c) học hỏi; (d) chờ đợi Chúa. | |
Thông điệp chính của 2 Thêsalônica là (a) chờ đợi Chúa đến với sự sợ hãi và run rẩy; (b) tránh vô trật tự; (c) đừng hoảng hốt; (d) hãy chú ý đến lá thư được cho là từ ông Phaolô. | |
Thứ tự thời gian mà trong đó các sách sau đây được viết là (a) Máccô, 1 Thêsalônica, Galát, Luca; (b) Máccô, Luca, 1 Thê, Galát; (c) 1 Thê, Máccô, Galát, Luca; (d) 1 Thê, Galát, Máccô, Luca. |