Hai mươi mốt sách Tân ước được gọi là thánh thư. Một số thư có thể được nhận định thích hợp là lá thư theo nghĩa ngày nay, nhưng các thư khác thực sự là những bài giảng hay bài luận về thần học. Chúng bao gồm những bài viết sớm nhất và trễ nhất của bộ Tân Ước.
Các thư không được xếp theo thứ tự niên đại. Tỉ như, các thư được cho là của Phaolô được xếp hàng đầu, và các thư gửi cho các giáo đoàn được xếp trên các thư gửi cá nhân. Các thư được cho là cùng một tác giả, như 1 và 2 Phêrô và 1, 2, và 3 của Gioan, thì được xếp cùng với nhau. Trong những nhóm này, thư dài hơn được xếp ở trên thư ngắn hơn.
Các phân loại khác cũng thường được dùng. Bốn lá thư của T. Phaolô được gọi là “Thư Trong Tù” vì trong các thư này, tác giả nói về việc ở tù. Sách thứ Nhất và thứ Hai Timôtê và Sách Titô được gọi là “Thư Mục Vụ” vì các thư đưa ra những hướng dẫn cho các người lãnh đạo Giáo Hội.
Hầu hết các thư theo cùng một khuôn mẫu. Trước hết là lời chào, nó cho biết tác giả lá thư và người nhận. Kế đến là một lời nguyện, thường là chúc tụng, cảm tạ, và chuyển cầu. Sau đó là phần chính của thư, nó có thể gồm sự giải thích giáo lý, trả lời các câu hỏi, và thảo luận về đời sống luân lý của Kitô Hữu. Thư kết thúc với yêu cầu là gửi lời chào đến các cá nhân hay giáo đoàn nào đó, tiếp theo là một lời nguyện kết thúc, và lời từ giã.
Phần lớn các thư được viết để đáp ứng với các nhu cầu đặc biệt của Kitô Hữu thời tiên khởi, để đưa ra những giải pháp cho những khó khăn, và để trả lời những câu hỏi. Các thư cho thấy sự hiểu biết ngày càng gia tăng về đời sống và sứ điệp của Đức Kitô của Giáo Hội tiên khởi nhờ sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Không một thư nào dẫn giải đầy đủ về giáo lý Kitô Giáo, nhưng cùng với các phúc âm, sách Công Vụ, và Khải Huyền, tất cả trở thành nền tảng cho sự phát triển thần học sau này trong Giáo Hội.
Nhiều khó khăn của Giáo Hội sơ khai, tỉ như sự sinh tồn trong xã hội đời, chiến đấu với những cám dỗ trong thế giới thù nghịch với luân lý Kitô Giáo, và đối phó với những yếu đuối con người, thì giống như chúng ta đang đương đầu ngày nay. Vì thế, các thư này không chỉ đem lại một cái nhìn sáng suốt vào đời sống Giáo Hội sơ khai, nhưng còn nói lời của Chúa cho chúng ta và dậy chúng ta trung thành theo Đức Kitô.
Các thư có một số đoạn khó hiểu và cần phải học hỏi. Để ý đến những chú thích Kinh Thánh và một cuốn chú giải tốt có thể rất hữu ích. Vì các thư có nhiều đoạn ám chỉ đến Cựu Ước và đời sống cũng như sự giảng dạy của Đức Giêsu, nên càng quen thuộc với toàn thể Kinh Thánh, chúng ta càng dễ thấu hiểu các thư này.
Mười ba thánh thư Tân Ước được cho là của ông Phaolô. Tuy nhiên, ông Phaolô đọc một số thư cho thư ký viết, và một số thư khác có thể được sáng tác bởi các cộng sự viên, họ dựa vào những phác họa được vạch ra bởi ông Phaolô. Các thư được gán cho ông Phaolô và các người lãnh đạo khác trong Tân Ước thì có thể được sáng tác sau khi họ từ trần bởi các văn gia mà họ sử dụng các ý tưởng xuất phát đầu tiên từ những người lãnh đạo này.
Bởi vì một số thư được cho là của ông Phaolô và vì những nỗ lực quan trọng của ông trong thời Giáo Hội tiên khởi, người đọc Tân Ước phải làm quen với ông. Chúng ta có thể học được nhiều chi tiết về đời sống và tác vụ của ông trong Công Vụ Tông Đồ, và ông Phaolô có cho biết một vài điểm về chính mình trong các thư. Các đặc tính khác thì có thể biết nhờ sự suy đoán qua các thư. Theo những gì được biết, ông là một nhân vật thu hút và một khuôn mặt quan trọng trong tiến trình hình thành các điều tin tưởng của Giáo Hội thời Tân Ước.
Trong những năm đầu ông Phaolô được gọi là Saolê; những lý do về sự đổi tên, và sự quan trọng của nó thì không chắc chắn. Từ đây ông sẽ được gọi là Phaolô.
Ngày sinh của ông Phaolô không được ghi nhận ở bất cứ đâu. Vì sách Công Vụ Tông Đồ nói rằng ông là một thanh niên khi phó tế Stephen bị tử đạo (khoảng năm 32-34), các học giả phỏng đoán ông sinh khoảng 5 A.D. Nơi sinh trưởng của ông là thành phố Tarsus (Cv 21:39), một hải cảng phồn thịnh trên sông Cydnus trong vùng Cilicia (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Đó là một trung tâm học thuật nơi phát triển những nghiên cứu Do Thái và Hy Lạp, một chỗ kích thích tâm trí người thông minh như Phaolô. Cũng như nhiều học giả và giáo sĩ thời bấy giờ, ông Phaolô có một nghề, nghề làm lều (Cv 18:3) mà chắc chắn ông đã học được khi là thanh niên ở Tarsus.
Phaolô vừa là một công dân Rôma và vừa là người Do Thái. Thời thanh niên, ông di chuyển đến Giêrusalem, có lẽ với người thân trong gia đình, vì Công Vụ có nhắc đến cháu của ông, con của em gái ông Phaolô, thì đang ở đó (Cv 23:16). Ở Giêrusalem, ông Phaolô học hỏi với giáo sĩ danh tiếng, Gamaliel (Cv 22:3), và ông nổi tiếng vì sự tuân giữ Luật Môsê. Khi ông biết về Kitô Giáo, ông coi đó là một đe dọa đối với niềm tin chính thống Do Thái Giáo và ông trở nên một chiến sĩ hăng say chống với Kitô Hữu, bắt giữ họ và tìm cách giết họ (Cv 26:1-11).
Trong khoảng năm 34-35, Phaolô cảm nghiệm một thị kiến trên đường đi Đámát. Ông gặp Chúa Kitô trong một thị kiến khiến ông bị mù về thể lý nhưng sáng suốt về tinh thần vì nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô trong Giáo Hội. Được đưa đến Đamát, Phaolô được chữa khỏi mù và được rửa tội bởi một môn đệ tên là Ananias. Chính xác những gì xảy ra sau đó thì không chắc chắn, nhưng dường như Phaolô đến Arabia (Nabatea, đông nam của Biển Chết) trong ba năm để cầu nguyện và suy nghĩ. Việc thoái lui này có lẽ xảy ra giữa thời gian ông ra khỏi Đamát và lần đầu tiên đến Giêrusalem (Cv 9; Gal 1). Khi thấy mình vẫn bị Kitô Hữu hồ nghi và bị người Do Thái ghét bỏ, ông rời Giêrusalem và đến Tarsus. Ông ở lại đó, vì chán nản không chiếm được lòng tin của người Do Thái hoặc Kitô Hữu, cho đến khi ông Banabê liên lạc với ông và đưa ông đến Antiôkia khoảng 42-43. Các hoạt động truyền giáo của ông Phaolô từ bấy giờ trở đi được ghi chép trong Công Vụ cho đến khi ông bị tù ở Rôma, và chấm dứt khoảng năm 63.
Điều gì xảy ra cho ông Phaolô sau năm 63 thì không chắc chắn. Một số học giả cho rằng ông bị hành quyết vào thời gian này. Những người khác, theo chứng từ của các người có thẩm quyền trong Giáo Hội thời tiên khởi, họ nghĩ ông du hành đến Tây Ban Nha, lại bị bắt và giải về Rôma, ở đây ông bị chém đầu theo lệnh của Hoàng Đế Nêrô khoảng năm 67.
Ông Phaolô hết lòng hết tâm trí cho những gì ông biết là quan trọng. Một khi bắt đầu hành trình truyền giáo, ông thường xuyên hoạt động, thường xuyên di chuyển. Có lẽ ông đọc cho người khác viết thư của ông một cách mau chóng, tuôn trào ý tưởng này đến ý tưởng khác và kết quả là có khi thật khó để theo. Tuy nhiên, các văn bản của ông thật mạnh mẽ, cá biệt, và sâu sắc, làm hứng khởi hàng triệu tín hữu trong gần hai ngàn năm.
Là một người rao giảng và viết văn, ông Phaolô cho thấy một tính khí nồng nhiệt và tâm trí sắc sảo. Ông có nhiều bạn và nồng nhiệt nói về họ trong các thư của ông. Ông có thể la rầy, như đã làm với ông Banabê về ông Gioan Máccô, nhưng ông còn có thể tha thứ và hòa giải. Trên tất cả, ông Phaolô hết sức hăng hái vì tình yêu của ông dành cho Đức Giêsu Kitô. Một khi ông cảm được tình yêu sâu đậm của Đức Kitô, ông hoàn toàn phó thác đời ông cho Chúa. Vì Đức Kitô, ông cam chịu lao động khổ cực, bị tù ngục, đánh đòn, ném đá, hành trình nguy hiểm, những đêm không ngủ, mọi khó khăn và khắc khoải (2 Cor 11:23-28). Với ông Phaolô, cuộc đời có thể được tóm lược trong câu: “Tôi muốn biết Đức Kitô và quyền năng phục sinh của Người và chia sẻ sự đau khổ của Người bằng cách trở nên giống Người trong cái chết của Người, nếu bằng cách nào đó tôi có thể đạt được sự phục sinh từ cõi chết” (Phil 3:10-11).
Thư gửi tín hữu Rôma được ông Phaolô viết từ Côrintô khoảng năm 57, gần cuối hành trình truyền giáo thứ ba của ông. Vào lúc đó, ông dự định đến thăm Giêrusalem với một món quà của Kitô Hữu Hy Lạp tặng cho người nghèo ở Giêrusalem. Sau đó, ông Phaolô muốn đến Tây Ban Nha và tiện thể dừng chân ở Rôma. Ông viết thư này để tự giới thiệu mình với tín hữu Rôma. Dĩ nhiên, kế hoạch của ông bị cản trở bởi việc ông bị bắt giữ tại Giêrusalem. Sau cùng, khi đến Rôma năm 61, ông là một tù nhân. Các nhóm tín hữu tháp tùng ông đến Rôma sau khi ông đến nước Ý (Cv 28:15), như thế thư của ông phải tạo được một ấn tượng trên cộng đồng Kitô Hữu ở đó.
Việc thành lập giáo đoàn Rôma vào lúc nào thì không rõ, nhưng có lẽ nó được hình thành trong số người Do Thái đông đảo ở Rôma. Các bạn và cộng sự viên của ông Phaolô, là Aquila và Priscilla (Prisca), từng sống ở Rôma và buộc phải từ bỏ nơi đây khi Hoàng Đế Claudius ra lệnh trục xuất mọi người Do Thái vào năm 49 (Cv 18:2). Sau khi Claudius chết vào năm 54, họ và các Kitô Hữu Do Thái trở về. Vào lúc bấy giờ, giáo đoàn Rôma phần lớn là Dân Ngoại. Do đó, cộng đoàn này phải đương đầu với những vấn đề quen thuộc về việc có nên tuân giữ luật Do Thái hay không, tại sao nhiều người Do Thái tẩy chay Đức Kitô, và về ơn cứu độ chung. Trong thư, ông Phaolô giải quyết các vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác.
Sau phần giới thiệu thường lệ (Rom 1:1-15), ông Phaolô giải thích rằng, trước thời Đức Kitô, người Do Thái và Dân Ngoại bị lạc lõng một cách tuyệt vọng (Rom 1:16 -- 3:20). Những người tội lỗi, Do Thái hay Dân Ngoại, chỉ tìm được ơn công chính hóa qua niềm tin nơi Đức Kitô. Chúng ta hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ cứu chúng ta nhờ tình yêu vĩ đại được thấy nơi cái chết của Đức Kitô cho chúng ta (Rom 3:21 -- 5:21).
Ông Phaolô nhấn mạnh rằng chúng ta không được dùng tình yêu của Thiên Chúa như một biện giải cho tội lỗi, vì tình yêu đó là lời mời gọi đến sự thánh thiện. Chúng ta được thoát khỏi Luật Cựu Ước, nhưng điều này là để chúng ta có thể phục vụ Thiên Chúa trung thành hơn, nhờ được thanh tẩy trong thân thể của Đức Kitô, được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, và luôn ý thức phẩm giá của chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vì tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa, chúng ta có thể tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua bất cứ khó khăn nào, ngay cả sự chết (Rom 6 -- 8).
Kế đến, ông Phaolô cố gắng giải thích tại sao quá nhiều người Do Thái từ chối không chấp nhận Đức Kitô. Ông vạch ra rằng, tuy họ từ chối Đức Kitô, Thiên Chúa lại có thể dùng sự sai lạc của họ để đem ơn cứu độ cho Dân Ngoại. Thiên Chúa không bao giờ từ chối Ít-ra-en, và vẫn có hy vọng là cuối cùng người Do Thái sẽ quay về với Đức Kitô (Rom 9 -- 11).
Sau đó ông Phaolô đưa ra một giải thích về nhiệm vụ của cuộc đời Kitô Hữu. Vì chúng ta là Thân Thể của Đức Kitô, chúng ta phải dùng các khả năng của mình để có lợi cho nhau. Chúng ta hãy yêu thương nhau, tôn trọng thẩm quyền thích hợp, và hãy nhớ rằng thế giới này sẽ qua đi. Chúng ta phải để ý đến nhu cầu của người khác và tránh điều tiếng xấu cho những người có lương tâm mềm yếu. Trong mọi sự, chúng ta phải vinh danh Thiên Chúa và đối xử với nhau như Đức Kitô đã đối xử với chúng ta (Rom 12:1 -- 15:13). Ông Phaolô kết luận với thông tin về chính ông, một lời xin cầu nguyện, lời chào hỏi các bạn của ông ở Rôma, và lời ca tụng Thiên Chúa (Rom 15:14 -- 16:27).
Hãy đọc Rôma 5:1-11 để biết suy nghĩ của ông Phaolô về sự công chính hóa và ơn cứu độ. Hãy đọc Rôma 8:28-39, bài tán dương thật hay của ông Phaolô về sự tin tưởng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy đọc Rôma 12, một diễn tả mỹ miều về ý nghĩa của đời sống và tình yêu Kitô Hữu.
Một số người coi thư gửi tín hữu Rôma như muốn nói rằng chúng ta được cứu bởi lòng tin chứ không phải bởi việc làm. Họ đặt câu hỏi với người khác, “Bạn có được cứu không?” Tuy nhiên, câu hỏi này nhầm lẫn sự hiểu biết của ông Phaolô về sự công chính hóa với ơn cứu độ. Ông Phaolô nói rằng chúng ta đã được công chính hóa (Đức Kitô đã làm mọi sự cần thiết để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi). Ông cho thấy chúng ta có mọi lý do để hy vọng rằng chúng ta sẽ được cứu (đạt được sự sống vĩnh cửu). (Xem Rom 5:1-11).
Khi ông Phaolô đề cập đến vấn đề đức tin và việc làm, ông vạch ra rằng chúng ta được cứu bởi Đức Kitô, chứ không bởi việc làm của Luật Cũ. Nhưng Luật Mới của Đức Kitô thì bao gồm việc làm, nhất là những việc làm vì tình yêu.
Trong Rôma 10:9, ông Phaolô tuyên bố rằng “nếu miệng lưỡi bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và bạn thật lòng tin rằng Thiên Chúa đã nâng Người dậy từ sự chết, bạn sẽ được cứu.” Trong Rôma 10:13, ông viết: “Những ai kêu cầu đến danh Chúa thì sẽ được cứu.” Nhưng “tuyên xưng”, “tin” và “kêu cầu” có nghĩa gì? Có phải chỉ cần nói những lời ấy và không cần bày tỏ chúng trong đời sống chúng ta? Dĩ nhiên không. Chúng ta yêu mến ai đó như thế nào? Bởi bày tỏ trong hành động. Chúng ta tin như thế nào? Bởi bày tỏ đức tin trong hành động qua công việc. Đó là lý do ông Phaolô dành lá thư này cho tín hữu Rôma để giải thích những nhiệm vụ của đời sống Kitô Hữu (Rom 12:1 -- 15:13). Đó là lý do ông Phaolô viết cho tín hữu ở Philípphê: “Hãy chuẩn bị ơn cứu độ của chính anh chị em với sự lo sợ và run rẩy” (2:12). Trong thần học của ông Phaolô, không có sự mâu thuẫn giữa đức tin và công việc. Cả hai đều thuộc về việc theo Đức Kitô.
Ngày nay chúng ta có thể đọc thư Rôma để được giải thích về tính ưu việt của Giáo Hội trong đời sống chúng ta. Chúng ta không phải đối diện với vấn đề tuân giữ Luật Môsê, nhưng chúng ta bị cám dỗ bám víu lấy những thứ khác. Chỉ có Đức Kitô mới có thể cứu chúng ta. Trong thư Rôma chúng ta được dạy là hãy đặt niềm tin nơi Chúa Kitô. Chúng ta được thấy sức mạnh của hy vọng. Chúng ta được dạy bảo là hãy yêu thương như chúng ta được Chúa Kitô yêu thương.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Trong 27 cuốn Tân Ước, 21 cuốn là thánh thư và 13 thư được cho là của Phaolô | |
Tất cả những câu sau về ông Phaolô đều đúng, ngoại trừ: (a) ông sinh ở Tarsus khoảng năm 5; (b) ông là con một; (c) ông được giáo dục ở Giêrusalem với ông Gamaliel; (d) ông là một người Do Thái và công dân La Mã | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Ông Phaolô bị hành quyết ở Rôma khoảng năm 63-67 2. Thư gửi tín hữu Rôma của ông Phaolô, thư đầu tiên trong các thư, được viết vào năm 51 3. Không có cộng đồng Kitô Hữu ở Rôma cho đến khi ông Phaolô rao giảng ở đó vào năm 61 Trong những câu này: (a) 1 thì sai; (b) 1 và 2 thì sai; (c) 1 và 3 thì sai; (d) 1, 2, và 3 thì sai; (e) 2 và 3 thì sai |
|
Trong thư Rôma, ông Phaolô thảo luận về tất cả những chủ đề sau, ngoại trừ: (a) mọi người cần ơn cứu độ; (b) Thiên Chúa giúp chúng ta vượt qua bất cứ khó khăn nào; (c) Kitô Hữu gốc Do Thái vẫn bị buộc bởi Luật Giao Ước Cũ; (d) chúng ta là Thân Thể của Đức Kitô | |
Trong Rôma 5:1-11, ông Phaolô nói rằng bởi đức tin chúng ta được (a) công chính hóa; (b) cứu độ; (c) cứu và công chính hóa; (d) tiền định | |
Phaolô quả quyết rằng sự chết sẽ không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa (Rom 8:28-39) | |
Thư Rôma 12 không nói rằng (a) chúng ta là một thân thể trong Đức Kitô; (b) kiên trì cầu nguyện; (c) thắng sự dữ với sự thiện; (d) chúng ta được cứu bởi đức tin |