Câu chuyện của Đức Giêsu vừa tóm lược ở trên thì được thấy trong các tài liệu Tân Ước gọi là bốn phúc âm. Không có sách nào chạm đến tâm hồn và đời sống con người thật bi tráng như các phúc âm này. Qua các sách này, chúng ta được chạm đến chính Đức Giêsu, với lời rao giảng của Giáo Hội sơ khai, và với các tác giả phúc âm cũng như các cộng đồng đã đưa các phúc âm này vào hình thức hiện thời.
Các phúc âm không được viết xuống ngay sau khi Đức Giêsu Phục Sinh. Các học giả Kinh Thánh Công Giáo và giáo huấn của Giáo Hội nhận biết ba giai đoạn hình thành các phúc âm. Giai đoạn thứ nhất gồm đời sống và sự giảng dạy của chính Đức Giêsu. Kế đến là lời giảng của các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu và việc sưu tầm những lời nói và phép lạ của Đức Giêsu trong các hình thức thánh ca, lời chứng, lời chúc tụng, lời cầu, và tuyên xưng đức tin. Giai đoạn ba là công việc của các người viết phúc âm và sự thay đổi để đáp ứng với nhu cầu của thành phần cử tọa đặc biệt.
Đã gần hai mươi thế kỷ sau thời Đức Kitô nên thật khó cho chúng ta nhận ra được tiến trình này xảy ra như thế nào. Cuộc đời của Đức Giêsu, giai đoạn đầu của sự hình thành các phúc âm, thì không giống như cuộc vận động tranh cử tổng thống ngày nay, được ghi nhận từ đầu đến cuối. Không một người hàng xóm nào của Đức Giêsu dám nghĩ rằng sau này khi lớn lên, Người là một nhân vật thật đặc biệt. Khi bắt đầu rao giảng, Người thu hút được sự chú ý. Nhưng lúc đầu, người ta chỉ nghĩ Đức Giêsu là một bậc thầy có sức lôi cuốn. Sau đó không lâu, những lời nói và phép lạ của Người tạo nên nhiều sự suy đoán về căn tính của Người. Một số cho rằng Người là một ngôn sứ thời Cựu Ước hay Gioan Tẩy Giả đã sống lại từ cõi chết. Một số khác tin rằng Người là Mêsia, nhưng ngay cả những người này cũng không thể mường tượng được rằng Người là Con của Đấng Tối Cao, là Thiên Chúa của Cựu Ước.
Khi Đức Giêsu chịu đóng đinh, tất cả những ai từng biết đến Người chắc phải coi đó là một thất bại. Các môn đệ của Người thì vỡ mộng và tiêu tan. Sau đó là tin tức về sự Phục Sinh, và các môn đệ bỗng dưng phải đối diện với thực tại của một phép lạ mà họ không thể tin nổi. Họ phải bám lấy căn tính của một người mà bỗng dưng có thể biến đổi từ sự chết đến sự sống, thất bại thành chiến thắng.
Được linh ứng bởi Chúa Thánh Thần, các môn đệ của Đức Giêsu bắt đầu thấy rằng sự chết của Người là nghĩa cử yêu thương vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, và chính tình yêu Thiên Chúa mới có thể lấy đi tội lỗi của cả thế giới. Họ hiểu sự Phục Sinh của Người như để minh chứng rằng Đức Kitô là Con của Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, Người có thể đưa các tín hữu qua sự chết đến sự sống đời đời. Họ nhận ra rằng sự giảng dạy của Người là những hướng dẫn của chính Thiên Chúa để dẫn dắt họ -- và chúng ta -- đến hạnh phúc và bình an vĩnh cửu. Họ bắt đầu giai đoạn hai trong việc hình thành các phúc âm, họ rao giảng và thu thập các tài liệu về Đức Giêsu.
Lúc đầu các môn đệ của Đức Giêsu chỉ công bố những sự thật về cái chết và sự Phục Sinh như hoạch định cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng không lâu, họ bắt đầu nhớ lại nhiều hơn những gì Người đã nói và làm. Họ chia sẻ những tường thuật về các phép lạ và lời giảng của Người. Từ từ, các tường thuật này, sau khi được kể đi kể lại, bắt đầu có hình thức và khuôn mẫu.
Dường như nhiều tín hữu thời tiên khởi đã nghĩ rằng Đức Giêsu, sau khi Người lên trời, sẽ trở lại sau đó không lâu để kết thúc thế gian này. Nhưng rồi nhiều năm đã trôi qua, cộng đồng tín hữu theo Đức Kitô bắt đầu nhận ra rằng thế giới này có lẽ còn tiếp tục trong một thời gian. Họ thấy cần phải duy trì những ký ức về Đức Giêsu bằng chữ viết. Những sưu tầm về các phép lạ và lời nói của Đức Giêsu bắt đầu xuất hiện. Những lời cầu nguyện, các tường thuật, các lời chứng, bài thánh ca, và lời tuyên xưng đức tin được viết xuống và thu thập lại. Sau đó, khoảng ba mươi năm hay lâu hơn sau sự chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu, các thánh sử bắt đầu giai đoạn ba trong việc hình thành các phúc âm, họ thực sự viết xuống như chúng ta có ngày nay.
Trong những năm gần đây, nhiều cuộc nghiên cứu đã được các học giả Kinh Thánh thi hành để xác định xem khi nào, ở đâu, và tại sao bốn phúc âm này được viết xuống cũng như để khám phá ra chúng xuất xứ từ những cộng đồng nào. Những dữ kiện như thế thì quan trọng bởi vì, như Ủy Ban Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo khẳng định trong năm 1964, các phúc âm này được viết xuống để đáp ứng các nhu cầu của các cộng đồng này.
Từ các tài liệu được trao truyền cho họ, các thánh sử muốn cung cấp các bản văn thích hợp với tình hình và hoàn cảnh của chính cộng đồng mình. Thí dụ, một thánh sử muốn đến với cộng đồng Kitô Hữu mà họ từng là người Do Thái. Với các tín hữu đó, những viện dẫn và ám chỉ đến Cựu Ước thì được mong đợi và dễ hiểu hơn. Một thánh sử khác có thể muốn viết cho các tín hữu biết rất ít về Cựu Ước. Các độc giả này phải được tiếp cận theo một phương cách khác với Kitô Hữu có nền tảng Do Thái Giáo.
Cuộc nghiên cứu mới nhất của các học giả cho thấy bản văn do các thánh sử viết thì phải được coi là tiểu sử Đức Giêsu, giống như hình thức văn chương đối với các tiểu sử của những người khác vào thời đó. Các thánh sử không lưu tâm đến ngày tháng chính xác và các chi tiết như một người viết tiểu sử ngày nay. Nhưng họ có ý định diễn tả chính xác về Đức Giêsu Kitô mà cuộc đời của Người có ý nghĩa cho toàn thể nhân loại. Như thế, các phúc âm là các tiểu sử… và còn hơn nữa. Đó là những tuyên xưng đức tin về thực tại của đời sống, sự chết, và sự Phục Sinh của Đức Kitô, về ảnh hưởng của sự giảng dạy của Người, và về sự cứu độ Người đem cho thế giới.
Có thể tìm thấy một cái nhìn sáng suốt vào công trình của các thánh sử trong phần mở đầu của Phúc Âm Luca. “Vì nhiều người đã làm công việc là viết xuống bài tường thuật các biến cố theo thứ tự như đã được thực hiện giữa chúng ta, cũng như đã được truyền lại cho chúng tôi bởi những nhân chứng ngay lúc ban đầu và các tôi trung của Lời, tôi cũng quyết định, sau khi điều tra cẩn thận mọi sự ngay từ đầu, viết xuống một tường thuật thứ tự cho ngài Thêôphilô đáng kính, để như thế ngài biết được sự thật về những điều mà ngài được dạy bảo” (1:1-4).
Chúng ta có thể nhận thấy trong những lời này có ba giai đoạn hình thành phúc âm. Trước hết, chúng ghi nhận đời sống và sự giảng dạy của Đức Giêsu, được thấy qua “các nhân chứng.” Thứ hai, chúng nhắc đến việc truyền đạt Tin Mừng qua “các tôi trung của Lời.” Thứ ba, chúng cho thấy chính thánh sử viết phúc âm cho loại độc giả đặc biệt, vì “Thêôphilô” (“bạn của Chúa”) có lẽ là người lãnh đạo cộng đồng Giáo Hội mà Luca muốn gửi đến.
Từ sự phân tích về cách xuất phát các phúc âm, chúng ta có thể thấy đó không phải là công việc đơn độc của các thánh sử. Có lẽ các thánh sử là những người đã đưa các phúc âm vào hình thức hiện thời, nhưng họ truyền lại các tài liệu đã được chọn lọc, được khuôn đúc, và được trân quý bởi Giáo Hội. Các phúc âm có một thẩm quyền đặc biệt, bởi vì chúng là nhân chứng không chỉ của bốn người nhưng của cộng đồng Kitô Hữu.
Biết được tiến trình hình thành các phúc âm, điều đó có thể giúp chúng ta hiểu được chính các phúc âm. Ai đọc các phúc âm của Máccô, Mátthêu, và Luca đều nhận thấy chúng có nhiều điểm tương tự cũng như một số khác biệt. Độc giả cũng sẽ nhận thấy rằng Phúc Âm Gioan thì độc đáo trong cách tiếp cận đối với Đức Giêsu.
Hầu hết các học giả ngày nay cho rằng Mátthêu và Luca đã dùng Máccô như một nguồn chính. Sự kiện này giải thích cho những tương đồng của ba phúc âm này và tại sao chúng được gọi là Phúc Âm Nhất Lãm (Synoptic Gospels [trình bày một quan điểm giống nhau]). Luca và Mátthêu còn dùng một nguồn khác, thường được đề cập là “Q” (từ chữ Quelle tiếng Đức có nghĩa là nguồn), là một sưu tầm những lời nói của Đức Giêsu. Từ “Q” họ đưa ra các điều không được thấy trong Máccô. Luca cũng có thể dùng các nguồn khác độc đáo đối với ông, và hiển nhiên Mátthêu dùng các nguồn riêng của ông.
Phúc Âm Gioan được nhiều học giả Kinh Thánh cho là được hình thành độc lập với ba cuốn kia. Giải thích phổ thông nhất cho rằng Phúc Âm Gioan được viết sau các cuốn kia và tác giả đã suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời và sự chết của Đức Kitô sau một thời gian dài. Phúc âm thứ tư này trình bày Đức Giêsu như Chúa Kitô vinh hiển sống giữa dân của Người, đương đầu với những người không tin, và lên tiếng như người đại diện cho dân.
Tuy nhiên, các học giả không đồng lòng về cách tiếp cận đối với Gioan. Ngay cả một số học giả nói rằng Gioan thì khác với các Phúc Âm Nhất Lãm vì nó được viết sớm hơn các cuốn kia. Trong vấn đề này và nhiều lãnh vực học thuật khác của Tân Ước, chúng ta được khuyên là hãy mở lòng. Cách đây không lâu, người ta tin rằng Phúc Âm Gioan phản ánh một phương cách tiếp cận không phải là Do Thái đối với Đức Giêsu. Nhưng gần đây các khám phá khảo cổ học đã cho thấy ngược lại. Thí dụ, cái hồ với “năm hàng cột trụ” được nói trong Gioan 5:2 đã được một số học giả nghĩ rằng đó là một cảnh trí sân khấu do Gioan sáng chế ra…cho đến khi một cái hồ như thế được tìm thấy bởi các nhà khảo cổ. Bây giờ các học giả thường dạy rằng Phúc Âm Gioan trình bày kiến thức của một người trong cuộc về Giêrusalem và về đời sống và cách sống đạo của người Do Thái.
Nói tóm, khi chúng ta đọc các phúc âm, chúng ta cần để ý đến các giai đoạn hình thành đằng sau các tài liệu này. Đó không phải là công trình được viết xuống bởi một người nhưng là lời công bố đức tin của cộng đồng Kitô Hữu. Chúng ta phải hiểu các kiểu cách quan hệ của các sách với nhau. Các tương quan này giải thích cho nhiều sự tương đồng và khác biệt chúng ta thấy trong các sách ấy. Nói cho cùng, chúng ta phải nhận thức rằng các phúc âm không được viết xuống chỉ để duy trì thông tin về một con người hấp dẫn. Chúng được viết xuống để mời gọi chúng ta hãy đặt niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Các nguồn quan trọng mà nhờ đó chúng ta biết về Đức Giêsu là các phúc âm, các sách này được phát triển qua một thời gian nhiều năm trong một tiến trình ba-giai-đoạn | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Các phúc âm là lời chứng không chỉ của bốn thánh sử nhưng còn cả cộng đồng Kitô Hữu 2. Các học giả Kinh Thánh ngày nay thường đồng ý rằng Máccô và Luca dùng Mátthêu như một nguồn 3. Phúc âm Gioan được phát triển độc lập với ba cuốn kia và được viết bởi người không quen thuộc với đời sống và phong tục của người Do Thái Trong những câu này: (a) 1 và 2 thì sai; (b) 2 và 3 thì sai; (c) 1 và 3 thì sai; (d) tất cả đều sai; (e) tất cả đều đúng |
|
Các phúc âm chính yếu được viết xuống như (a) tự truyện; (b) sử ký; (c) những tuyên ngôn đức tin; (d) nghiên cứu khoa học |