Phúc Âm Mátthêu được viết bằng tiếng Hy Lạp, cũng như các sách khác của Tân Ước. Tựa đề của sách, “Phúc Âm Theo Mátthêu” thì không phải của chính tác giả nhưng được thêm vào sau này. (Danh xưng của các phúc âm khác cũng được thêm vào). Một số văn sĩ thời trước khẳng định rằng tông đồ Mátthêu là tác giả của cuốn này, nhưng có nhiều lý do để nghi ngờ sự khẳng định đó. Thí dụ, thật khó để giải thích tại sao tông đồ Mátthêu lại dùng Phúc Âm Máccô như một nguồn chính, trong khi Mátthêu là tông đồ và Máccô thì không. Tuy nhiên có thể Mátthêu được đặt là tác giả vì cuốn đầu tiên ông viết bằng tiếng Aramaic là nguồn cho cuốn phúc âm này hoặc vì Mátthêu là một phần của truyền thuyết tạo ra cuốn phúc âm này.
Phúc Âm Mátthêu trình bầy Đức Giêsu như sự ứng nghiệm những hy vọng và lời tiên báo của Cựu Ước. Cơ cấu của sách dường như theo khuôn khổ của năm cuốn Ngũ Thư. Phần chính của sách được chia thành năm phần, mỗi phần gồm một tường thuật và một bài giảng. Trước năm phần này là lời mở, tường thuật về sự sinh hạ và thời thơ ấu của Đức Giêsu. Cuối cùng là tường thuật về sự thống khổ, sự chết, và sự phục sinh của Đức Giêsu.
Lời mở, hay tường thuật Thời Thơ Ấu, đặt sắc thái cho phần còn lại của Phúc Âm, đề cao Đức Kitô là người đã được các ngôn sứ tiên báo, nhưng không được chấp nhận bởi chính dân mình. Sách bắt đầu với một phả hệ nối Đức Giêsu với Abraham, Đavít, và người Do Thái. Sự sinh hạ của Đức Giêsu, sự viếng thăm của các nhà thông thái, hành trình sang Ai Cập, việc sát hại trẻ vô tội, trở về từ Ai Cập, và di chuyển đến Nagiarét, tất cả đã xảy ra “để như thế có thể ứng nghiệm những gì đã được nói qua các ngôn sứ” (Mt 2:23). Đức Giêsu được trình bày như một Môsê mới (Người thoát chết khi còn nhỏ giống như Môsê). Người giống như Ít-ra-en mới (Người được gọi đi vào sa mạc giống như dân Ít-ra-en), nhưng trong khi Người bị bách hại bởi Hêrốt, vua của Giuđêa, Người lại được thờ lạy bởi Dân Ngoại, và người thông thái.
Năm phần của Phúc Âm Mátthêu được mở đầu bằng việc khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu (3 -- 4) và Bài Giảng Trên Núi, một tóm lược thông điệp của Người (5 -- 7). Phần thứ hai đề cao các phép lạ của Đức Giêsu và tên của các tông đồ (8:1 -- 10:4), sau đó Đức Giêsu ra lệnh rao giảng phúc âm và chịu sự bách hại (10:5 -- 11:1). Phần thứ ba đối phó với sự chống đối của người Pharisêu và những người tẩy chay Đức Giêsu (11:2 -- 12:50), sau đó trình bày một bài giảng dưới dạng dụ ngôn (13:1-53). Phần thứ tư gồm một chuỗi các biến cố và phép lạ, nó làm rộng thêm khoảng cách biệt giữa những người tẩy chay Đức Giêsu và những người có lòng tin, nhất là Phêrô, người tuyên xưng Đức Giêsu là Mêsia và được gọi là “đá”, trên đó Đức Giêsu thiết lập Giáo Hội của Người (13:54 -- 17:27). Bài giảng tiếp theo gồm các huấn thị cho Giáo Hội, nhất là các hướng dẫn về sự tương quan giữa các phần tử (Mt 18). Phần thứ năm nói về hành trình của Đức Giêsu lên Giêrusalem. Những sự xung đột gia tăng cho đến cực điểm khi Đức Giêsu tố giác người Pharisêu (19 -- 23). Bài giảng gồm sự dạy bảo của Đức Giêsu về sự phá hủy Giêrusalem, ngày tận thế, và Phán Xét Sau Cùng (24 -- 25).
Phúc Âm Mátthêu lên đến tột điểm trong sự thống khổ, sự chết, và sự phục sinh của Đức Giêsu (26 -- 28). Mátthêu tuyên bố rằng các biến cố về sự thống khổ và sự chết của Đức Giêsu là để chu toàn các lời ngôn sứ Cựu Ước. Ông cho biết Giao Ước Cũ đã đến lúc chấm dứt khi bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé làm đôi vào lúc Đức Giêsu từ trần. Sự Phục Sinh của Đức Giêsu biến sự chết thành sự sống, và Phúc Âm này chấm dứt khi Đức Giêsu ra lệnh cho các tông đồ hãy đi rao giảng cho toàn thế giới và Người hứa sẽ ở với họ cho đến tận thế.
Vì phúc âm này lưu ý đến Cựu Ước, Phúc Âm Mátthêu dường như được viết bởi Kitô Hữu trở lại từ Do Thái Giáo. Có lẽ những người này tin rằng cuối cùng mọi người Do Thái sẽ tin vào Đức Giêsu. Thành Giêrusalem đã bị phá hủy, và phần đông những người Do Thái còn sót lại đều tẩy chay Đức Kitô và các môn đệ của Người.
Mátthêu phản ánh hoàn cảnh này từ tường thuật thời thơ ấu của Đức Giêsu rồi qua những tranh luận với người Pharisêu cho đến tấm màn Đền Thờ bị xé đôi. Mátthêu dạy rằng các tín hữu Kitô gốc Do Thái thì đúng khi đặt đức tin vào Đức Giêsu, vì Cựu Ước nhắm đến Người như Mêsia. Ông muốn nói rằng vì Đức Giêsu bị tẩy chay bởi nhiều người lãnh đạo Do Thái trong thời của Người, Kitô Hữu không nên ngạc nhiên khi hầu hết người Do Thái cùng thời cũng không chấp nhận Đức Giêsu. Điều quan trọng là Đức Kitô đã ứng nghiệm Luật Cũ; vì thế, cả người Do Thái và Dân Ngoại có thể tìm thấy sự cứu độ trong Đức Kitô, chứ không phải cách thực hành của Do Thái Giáo.
Các học giả Kinh Thánh nói rằng có lẽ cộng đồng hình thành cuốn Phúc Âm Mátthêu thì ở Antiôkia, thủ đô của Syria (phía bắc của Palestine). Ở đây chắc hẳn đã có những Kitô Hữu gốc Do Thái và Dân Ngoại hoán cải. Thời điểm sáng tác thường được cho là khoảng 80-85, sau khi Giêrusalem bị phá hủy. Tác giả sau cùng thì không rõ nhưng phải là người sành sõi Cựu Ước và có khả năng như một thầy dậy.
Hãy đọc Mátthêu 5 -- 7, Bài Giảng Trên Núi. Bài mở đầu với Tám Mối Phúc Thật, trong đó Đức Giêsu đảo ngược các giá trị của thế gian và đem lại hạnh phúc đích thực khi chúng ta đặt Vương Quốc Thiên Chúa trên hết. Đức Giêsu dậy hãy trung thành với luật của Chúa, hãy chiến thắng sự giận dữ và dâm dục, hãy yêu thương kẻ thù, và có lòng quảng đại theo gương quảng đại của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đức Giêsu dậy cầu nguyện, kinh Lậy Cha. Người mời gọi chúng ta hãy đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự. Người bảo đảm chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta phải ý thức về giá trị của mình vì chúng ta quan trọng đối với Đấng dựng nên vũ trụ này. Trong Bài Giảng Trên Núi, chúng ta thấy một khuôn khổ của lối sống tốt đẹp về tâm lý và luân lý: sự tự chủ lành mạnh, quảng đại yêu thương người khác, tin vào Thiên Chúa là nguồn gốc và mục đích của đời sống.
Chúng ta, những người đọc Phúc Âm Mátthêu, được hướng dẫn để coi Đức Giêsu như Mêsia mà dân Ít-ra-en chờ đợi đã lâu. Chúng ta được khích lệ hãy chấp nhận Đức Kitô và trở nên một phần tử của Giáo Hội, là Ít-ra-en Mới, vì theo phương cách này, chúng ta sẽ thừa hưởng Vương Quốc Thiên Chúa.
Phúc Âm Máccô là phúc âm đầu tiên được viết xuống. Đó là phúc âm ngắn nhất và chú trọng nhiều đến thừa tác vụ tích cực hơn là sự giảng dậy của Đức Giêsu. Phúc Âm Máccô là một cơn lốc của phép lạ và sự phục vụ, của các tương giao và sự đối chiếu của con người.
Máccô giới thiệu về cuốn sách của mình với những lời, “Khởi đầu tin mừng của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (1:1). Ông mời gọi độc giả hãy đặt niềm tin nơi Đức Giêsu như một người đã trao ban đời sống của mình để yêu thương phục vụ người khác. Đức Giêsu đã hy sinh bản thân khi chăm sóc người dân, chữa lành kẻ bệnh tật, xua trừ yêu tinh, cung cấp thực phẩm cho người đói (1:1 -- 8:26). Người hy sinh bản thân khi nhẫn nại bất kể sự hiểu lầm và bách hại trong suốt thừa tác vụ, ngay cả khi Người biết điều đó sẽ dẫn đến thập giá (8:27 -- 10:52). Người hy sinh bản thân khi đi vào thành Giêrusalem và nói sự thật, bất kể giá phải trả (11 -- 13). Sau cùng, Người hy sinh chính mình qua sự đau khổ, sự chết, và vươn dậy đến sự sống mới (14 -- 16).
Máccô nhấn mạnh rằng Đức Giêsu không thực sự được nhận biết là Con Thiên Chúa bởi đám đông, bởi các tông đồ, hay bởi những người cầm quyền Do Thái. Ngay cả Đức Giêsu phải nói với dân chúng là hãy giữ im lặng về những phép lạ của Người, hiển nhiên bởi vì đám đông chỉ coi Người là một người làm phép lạ và có thể là vị vua ở trần thế. Chính vào giây phút từ trần trên thập giá mà Đức Giêsu được nhận biết chính xác. “Khi viên đội trưởng đứng đối diện với Người, thấy Người thở hơi cuối cùng, ông nói, ‘Quả thật, người này là Con Thiên Chúa’” (15:39).
Một số học giả thấy lúc đầu Máccô kết thúc phúc âm của mình bằng việc diễn tả sự hoang mang của các phụ nữ là những người đầu tiên nhìn thấy ngôi mộ trống. Một thiên thần ra lệnh cho họ “hãy nói với các môn đệ của Người” nhưng “họ không nói với ai cả, vì họ sợ” (16:7,8). Trong sự kết thúc như vậy, có lẽ Máccô gợi ý rằng các tín hữu do dự lúc đầu nhưng sau cùng họ đã loan truyền về Chúa phục sinh. Cũng có thể rằng đoạn kết nguyên thủy của Máccô đã bị thất thoát.
Trong bản văn chúng ta có hiện nay, các đoạn kết thêm vào Phúc Âm sau này bởi các văn sĩ vô danh cho thấy làm thế nào các môn đệ Đức Kitô tin rằng Người đã sống lại và ra lệnh cho họ đi rao giảng Tin Mừng.
Theo truyền thuyết, tác giả của Phúc Âm này được cho là Gioan Máccô, mà nhà của mẹ ông là nơi các Kitô Hữu tụ họp (Công Vụ 12:12). Máccô cùng đi với Phaolô và cuối cùng trở về Rôma, có những quan hệ với ông Phêrô. Tuy nhiên, một vài học giả lý luận rằng tác giả này không quen thuộc với các phong tục của người Palestine và là một Kitô Hữu vô danh biết nhiều về văn hóa Hy Lạp. Hầu hết các học giả đặt thời điểm của Phúc Âm Máccô vào khoảng 65-70. Thành phần khán giả nguyên thủy của Máccô thì không rõ nhưng có thể là Kitô Hữu dân ngoại phải đương đầu với sự bách hại vì niềm tin của mình. Máccô đã viết cuốn này để khích lệ họ hãy kiên định trong mọi hoàn cảnh, giống như Đức Giêsu.
Hãy đọc Máccô 1 về khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu và để nếm thử kiểu văn của Máccô. Hãy đọc Máccô 14-15, tường thuật về sự thống khổ và sự chết của Đức Giêsu.
Khi đọc Phúc Âm Máccô, chúng ta bị thách đố hãy đặt niềm tin vào Đức Kitô, dù Người bị hiểu sai và bị tẩy chay bởi những người khôn ngoan của thế gian. Có thể chúng ta cũng đối diện với sự bách hại như Đức Giêsu, nhưng Máccô khuyến khích chúng ta hãy đặt niềm tin nơi Con Thiên Chúa và chia sẻ đức tin của chúng ta với người khác.
Phúc Âm Luca được viết như phần đầu của một công trình có hai phần gồm cả cuốn Công Vụ Tông Đồ. Theo truyền thuyết, tác giả được nhận biết là Luca, một người Syria từ Antiôkia, ông được nhắc đến vài lần trong Tân Ước và có lẽ ông từng tháp tùng Phaolô trong các chuyến đi.
Phúc Âm Luca và Công Vụ Tông Đồ có cùng một mục đích là chứng tỏ rằng Đức Kitô đến để cứu chuộc toàn thế giới. Các công trình này được viết bằng tiếng Hy Lạp thật xuất sắc và là các kiệt tác văn chương. Dường như các sách được sáng tác sau khi Giêrusalem bị phá hủy, có lẽ giữa năm 80 và 90.
Vào lúc đó, Tin Mừng Đức Kitô đã được rao giảng toàn thể Địa Trung Hải bởi Phaolô và các nhà truyền giáo khác. Nhiều người này chấp nhận Đức Kitô và họ từng là Dân Ngoại. Họ biết rằng tôn giáo của họ có nguồn gốc từ Do Thái Giáo. Nhưng vào thập niên 80, hiển nhiên là hầu hết người Do Thái tẩy chay Đức Kitô và sau khi Đền Thờ bị phá hủy, Do Thái Giáo bị suy thoái trầm trọng. Nếu Kitô Giáo là sự ứng nghiệm lời ngôn sứ Cựu Ước, tại sao nhiều người Do Thái lại tẩy chay tôn giáo ấy? Tại sao bây giờ tín hữu Kitô dân ngoại lại đông hơn Kitô Hữu gốc Do Thái? Kitô Giáo có phải là tôn giáo đích thực và xuất phát từ Thiên Chúa không?
Để trả lời những câu hỏi của Kitô Hữu dân ngoại, Luca dùng cách tiếp cận tích cực. Trong Phúc Âm của ông và Công Vụ Tông Đồ, ông coi Cựu Ước là lời tiên báo về Đức Kitô, và ông cho thấy các người Do Thái trung tín thì thực sự chấp nhận Đức Kitô. Từ cụ già Simêon và Anna trong các tường thuật thời thơ ấu, qua Gioan Tẩy Giả và nhiều người khác trong sứ vụ công khai của Đức Giêsu, đến đám đông hàng ngàn tín hữu ở biến cố Pentecost, người Do Thái nào thực sự hiểu biết Cựu Ước thì phải tin vào Đức Giêsu. Luca trấn an độc giả rằng Kitô Giáo là tôn giáo đích thực, và Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu xuống để cứu chuộc toàn thế giới. Tất cả đã xảy ra theo kế hoạch của Thiên Chúa, và vì thế, độc giả của Luca phải “biết sự thật về những điều mà qua đó” họ được dậy bảo (1:4).
Như vậy, Đức Giêsu mà chúng ta gặp trong Phúc Âm Luca là Đấng Cứu Độ mọi dân tộc. Người đem đến niềm vui và bình an cho những ai chấp nhận Người. Người đặc biệt lưu tâm đến người nghèo và thấp kém. Người nhìn nhận phẩm giá của phụ nữ, là những người thường bị đối xử như công dân hạng hai trong thời xưa. Người dậy rằng Thiên Chúa thì giầu lòng thương xót và tha thứ hơn cả sự mong đợi, như người Cha đón nhận đứa con hoang đàng. Đức Giêsu cung cấp sự tha thứ, bình an, và cứu độ cho tất cả. Ngay cả Người cầu xin tha thứ cho những ai đóng đinh Người, và Người hứa ban thiên đường cho một tội nhân sám hối cũng bị đóng đinh bên cạnh Người.
Tường thuật thời thơ ấu được Luca viết thật hay đã đưa ra nhiều chủ đề được thấy trong phần còn lại của Phúc Âm này. Độc giả của Luca là Kitô Hữu dân ngoại phải đương đầu với sự hồ nghi của người hàng xóm ngoại giáo, Luca trấn an họ rằng Đức Giêsu Kitô đến từ Thiên Chúa, và sự sinh hạ của Người đã được tiên báo trong Cựu Ước và được biểu trưng trước bởi sự sinh hạ của Gioan Tẩy Giả. Điều đó phù hợp với hoạch định của Thiên Chúa cho mọi dân tộc, vì điều đó xảy ra trong khi bà Maria và ông Giuse đang ở Bêlem trong một cuộc kiểm tra dân số “khắp thế giới”. Sự giáng sinh của Đức Kitô được thiên thần báo cho các mục đồng thấp kém, họ đã đến thờ lạy Người. Đức Giêsu được nhận biết bởi người Do Thái trung tín, cụ Simêon và bà Anna, là những người xác nhận rằng Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa. Vị trí đặc biệt của Đức Giêsu trong hoạch định của Thiên Chúa thì được nhận thấy, khi mười hai tuổi, Người lên tiếng trong Đền Thờ và coi đó là “nhà Cha” của Người (1 -- 2).
Phần chính của Phúc Âm Luca bắt đầu với sứ vụ công khai của Đức Kitô ở Galilê. Luca phác họa các phép lạ của Đức Giêsu, sự giảng dậy, và sự tương giao của Người với các môn đệ thành một chân dung nghệ thuật của Đức Giêsu là đấng Cứu Thế nhân từ, giầu lòng thương xót, khôn ngoan, và quyền năng (3:1 -- 9:50).
Nhưng Luca muốn cho thấy rằng Phúc Âm này được dành cho toàn thế giới. Nên ông diễn tả Đức Giêsu từ giã Galilê và bắt đầu hành trình lên Giêrusalem. (Trong Công Vụ, Đức Kitô phục sinh sẽ dẫn dắt các môn đệ từ Giêrusalem lên Rôma, thủ đô của thế giới). Trong hành trình lên Giêrusalem, Luca diễn tả cách Đức Giêsu sẵn sàng chấp nhận sứ vụ của mình để cứu thế giới. Ông đan quyện các phép lạ và những giảng dậy của Đức Giêsu thành một tường thuật hấp dẫn để mời gọi tín hữu hãy đi theo Đức Giêsu lên Giêrusalem, hãy đặt tin tưởng nơi Người mà đừng nghĩ đến việc xoay lưng trở lại. Một khi ở Giêrusalem, Đức Giêsu phải đương đầu với các kẻ thù của Người. Nhưng Người tiếp tục tỏ rõ lòng thương xót, ngay cả nhận biết sự đóng góp cho Đền Thờ của một bà góa nghèo. Người dậy về sự quan trọng của phục vụ với tình yêu, ngay cả khi Người bị lôi cuốn vào sự thống khổ và sự chết của mình (9:51 -- 21:38).
Tường thuật của Luca về sự thống khổ của Đức Kitô thì nhấn mạnh đến lòng thương xót và nhân từ của Đức Giêsu. Người chữa lành cho tên đầy tớ của thượng tế, là một trong những thuộc hạ được sai đi để bắt Người. Ngay cả sự hiện diện của Người cũng đem lại sự hòa giải giữa Philatô và Hêrốt Antipa. Trên đường đến Canvê, Người tỏ lòng thương xót các phụ nữ ở Giêrusalem. Người tha thứ cho kẻ thù và hứa nước thiên đường cho một tội nhân cùng chịu đóng đinh với Người. Khi Người chỗi dậy từ ngôi mộ, Người dịu dàng hướng dẫn các môn đệ đến sự tin tưởng. Người ra lệnh cho họ phải làm chứng cho Người, và Người lên trời. Là Chúa phục sinh và vinh hiển, Người sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến trên các môn đệ, như thế để làm cho phúc âm được lan rộng từ Giêrusalem cho đến toàn thế giới (22 -- 24).
Hãy đọc Luca 1 -- 2 về tường thuật thời thơ ấu. Hãy đọc Luca 15, gồm ba dụ ngôn thật hay về sự tha thứ của Thiên Chúa. Hãy đọc Luca 24 về tường thuật Phục Sinh của Đức Kitô và những lần xuất hiện.
Phúc Âm Luca mời gọi chúng ta hãy đặt niềm tin vào Đức Giêsu, đấng Cứu Độ nhân từ, giầu lòng thương xót của chúng ta, để gặp gỡ Người trong Sách Thánh và trong việc bẻ bánh. (Xem Luca 24:30-32).
Tác giả của Phúc Âm Gioan từng là đề tài của nhiều cuộc thảo luận từ thời xa xưa. Nhiều phần của Phúc Âm này cho thấy một sự quen thuộc với Palestine và hiển nhiên xuất phát từ một người là chứng nhân các sự kiện được diễn tả. Tuy nhiên, có chứng cớ rằng Phúc Âm này không xuất phát từ một tác giả độc nhất. Thí dụ, có những sự sao chép trong một số bài giảng của Đức Giêsu. (Coi Ga 14:31 và 18:1). Có hai phần kết (Ga 20:30-31 và 21:24-25), và chương 21 dường như là đoạn được thêm vào sau này. Vì thế các học giả tin rằng sách hiện thời cho thấy những dấu hiệu của sự biên soạn và nhiều tác giả.
Nhiều học giả dạy rằng tông đồ Gioan chính là nhân chứng đằng sau Phúc Âm này. Họ đồng hóa người với môn đệ yêu dấu thường được nhắc đến trong Phúc Âm này và lý luận rằng cuốn Phúc Âm này phát sinh từ một cộng đồng ở Êphêsô trong vùng Tiểu Á.
Trong khi nhiều người đặt câu hỏi về các ý kiến đó, dường như tông đồ Gioan là nguồn gốc nguyên thủy của tài liệu được tìm thấy trong Phúc Âm này. Nguồn đó chắc chắn phải là người rất gần với Đức Giêsu và quen thuộc với Giêrusalem. Nhiều học giả đặt ngày tháng cho Phúc Âm này khoảng năm 90, để xác định bối cảnh phát triển về tư tưởng và cấu trúc của sách.
Phúc Âm Gioan là một công trình nghệ thuật, phức tạp về tư tưởng, có ý nghĩa biểu tượng, và cách kết cấu bi tráng. Sách được một số học giả chia thành đoạn Mở Đầu (1:1-18), sách các Dấu Chỉ (1:19 -- 12:50), sách Vinh Hiển (13 -- 20), và Kết Luận (21).
Phần Mở giới thiệu Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa hóa thành nhục thể. Ngôn ngữ thật mạnh mẽ của nó là một sự tuyên xưng đức tin vào thiên tính của Đức Kitô.
Sách các Dấu Chỉ là một tài liệu tổng hợp phong phú về Đức Giêsu. Có những cuộc đối thoại tỉ như giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô, và Đức Giêsu và phụ nữ Samari. Có những biến cố bi tráng, tỉ như việc chữa lành người mù bẩm sinh và việc ông Lagiarô được chỗi dậy. Có những bài học, tỉ như giáo huấn của Đức Giêsu về bánh sự sống. Những đối thoại, biến cố, và giáo huấn này dẫn chúng ta đến kết luận rằng Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là chủ nhân của sự sống cũng như sự chết. Chúng trình bày các phép lạ và giáo huấn của Đức Giêsu theo một phương cách mà đời sống bí tích của Giáo Hội được ám chỉ đến, hiển nhiên nhất là bí tích Rửa Tội và Thánh Thể.
Sách Vinh Hiển dùng một cách tiếp cận khác đối với sự thống khổ và sự chết của Đức Giêsu hơn là các Phúc Âm Nhất Lãm. Sách cho thấy Đức Giêsu, quyền lực và uy nghi, hoàn toàn kiểm soát định mệnh của mình. Người nói với các tông đồ trong bữa Tiệc Ly như Đức Kitô bất diệt cũng như Đức Giêsu sẽ bị đóng đinh; qua Đức Giêsu, họ được kết hợp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Kẻ thù bắt giữ Người chỉ vì Người cho phép điều đó. Đức Giêsu, chứ không phải Philatô, chứng tỏ phẩm giá và quyền lực. Người “trao thần khí” (chết và gửi Thánh Thần) khi lời ngôn sứ được ứng nghiệm và mọi sự được “hoàn tất”. Là Chúa phục sinh, Người “thổi” Thần Khí và bí tích tha tội trên các tông đồ. Người được nhìn nhận là Đức Chúa và là Thiên Chúa, và Người chăm sóc tương lai của Giáo Hội.
Đoạn Kết là một phần được thêm vào Phúc Âm và thường được coi là một sự linh ứng. Thật phong phú về biểu tượng, sách cho thấy Đức Kitô phục sinh nuôi dưỡng Giáo Hội của Người và phục hồi ông Phêrô lên địa vị mục tử. Sau cùng, sách minh chứng rằng Môn Đệ Yêu Dấu sẽ không chết cho đến khi Đức Giêsu lại đến thì không chính xác.
Phúc Âm của Gioan là kết quả suy tư của Giáo Hội về tầm quan trọng của những lời và hành động của Đức Giêsu. Trong đó chúng ta nghe Đức Kitô nói qua một cộng đồng Kitô Hữu đã từng được hướng dẫn và được điều khiển bởi Chúa Thánh Thần. Có nhiều tầng ý nghĩa, và để cảm nhận sự phức tạp của tư tưởng, sự khai triển nghệ thuật, và những đối thoại cẩn trọng trong sáng tác của Phúc Âm Gioan, độc giả phải nghiên cứu cẩn thận và có lẽ cần một cuốn chú giải tốt.
Hãy đọc Gioan 6, trình bày về niềm tin của Giáo Hội vào sự hiện diện thực của Đức Kitô trong Thánh Thể. Hãy đọc Gioan 17 về lời cầu nguyện thật hay của Đức Kitô cho các môn đệ. Hãy đọc Gioan 20 về những lần xuât hiện sau Phục Sinh như được cộng đồng của Gioan kể lại. Hãy để ý sự tuyên xưng đức tin nơi Đức Giêsu của ông Tôma thì thực sự là lời tuyên xưng đức tin của cộng đồng Kitô Hữu.
Chúng ta, những người nghiên cứu Phúc Âm Gioan ngày nay sẽ có được cái nhìn sáng suốt về nhân tính và thiên tính của Đức Kitô, học thuyết về Ba Ngôi, và ý nghĩa của các bí tích. Chúng ta có thể suy nghĩ cả đời về các điều này và nhiều chân lý khác được đề cập trong Phúc Âm Gioan.
Mọi Kitô Hữu phải đọc cả bốn phúc âm. Có bốn chân dung được linh ứng về Đức Giêsu Kitô, được phác họa bởi Giáo Hội tiên khởi. Trong các cuốn này, chúng ta gặp Đức Giêsu, là một con người trong chúng ta. Trong các cuốn này, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, đấng Cứu Thế, là Đức Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta.
Những Câu Hỏi để Thảo Luận và Suy Tư Mỗi cuốn phúc âm được viết ra để đem đời sống và sự giảng dạy của Đức Kitô vào một thời điểm và nơi chốn đặc biệt. Người ta nói rằng mọi Kitô Hữu được mời gọi để trở nên “phúc âm” đem Đức Giêsu vào nhà, khu xóm, và nơi làm việc của mình. Có bao giờ bạn nghĩ mình là một phúc âm không? Bạn là loại phúc âm nào đối với gia đình bạn? đối với thân hữu? đối với hàng xóm? đối với người cùng sở? đối với kẻ thù của bạn? Ai đó có nói, “Có lẽ bạn là phúc âm duy nhất mà ai đó sẽ đọc.” Bạn nghĩ câu này có nghĩa gì? Sinh Hoạt Chiêm niệm phúc âm là một phương pháp truyền thống của sự cầu nguyện. Sau đây là một chiêm niệm tiêu biểu về sự thống khổ của Đức Kitô. Tìm một chỗ yên lặng. Dành đôi phút để thư giãn và tập trung đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Sau đó, hãy hình dung bạn có mặt trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Hãy nhìn lên Người bị treo trên thập giá. Hãy nhìn đến đám đông chung quanh, một số người than khóc, một số người chế nhạo, một số người dửng dưng. Hãy lắng nghe Đức Giêsu khi Người lên tiếng từ thập giá. Hãy nghe tiếng nức nở của các bạn Đức Giêsu, tiếng chế nhạo từ các kẻ thù của Người. Hãy chạm đến gỗ cây thập giá của Đức Kitô. Hãy cảm thấy nhiệt độ giảm xuống khi các đám mây trôi qua và gió hiu hiu. Hãy để ý đến mùi nước mưa và nếm thử một vài giọt. Hãy nhìn đến đôi mắt của Đức Kitô, và cảm ơn Người vì tình yêu của Người dành cho bạn. Hãy tỏ lòng thống hối những tội của mình và tội lỗi của thế gian. Hãy nói với Đức Kitô về tình yêu của bạn dành cho Người và lòng khao khát muốn đem tình yêu của Người cho toàn thế giới. Sau đó nói với Người về bất cứ gì được cho là quan trọng. |
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Các phúc âm và các sách khác trong Tân ước được viết bằng tiếng (a) Hebrew; (b) Aramaic; (c) Latinh; (d) Hy Lạp | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Phúc Âm Mátthêu như chúng ta có hiện thời là phúc âm đầu tiên được viết xuống 2. Phúc Âm Mátthêu có lẽ được viết cho Kitô Hữu gốc dân ngoại 3. Phần chính của Phúc Âm Mátthêu được chia làm 5, như khuôn mẫu của Ngũ Thư 4. Màn Đền Thờ bị xé ra trong Phúc Âm Mátthêu là một tiêu biểu cho sự chấm dứt Cựu Ước 5. Ngày tháng thường được gán cho Phúc Âm Mátthêu thì khoảng năm 80 -- 85 Trong những câu này: (a) 1 và 2 thì sai; (b) 2 và 3 thì sai; (c) 3 và 4 thì sai; (d) 3, 4 và 5 thì sai; (e) tất cả đều sai |
|
Trong Tám Mối Phúc của Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu tuyên bố rằng người có tâm hồn thanh sạch sẽ (a) được ủi an; (b) là con cái của Thiên Chúa; (c) được hưởng nước trời; (d) nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5 -- 7) | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu nói rằng Người đến để xóa bỏ Lề Luật và các lời ngôn sứ (Mt 5-7) 2. Đức Giêsu hứa phần thưởng nước trời nếu chúng ta yêu mến những ai yêu mến chúng ta (Mt 5 -- 7) 3. Theo Đức Giêsu, không ai có thể làm tôi hai chủ Trong những câu này: (a) 1 thì đúng; (2) 2 thì đúng; (c) 3 thì đúng; (d) 1 và 2 thì đúng; (e) tất cả đều đúng |
|
Đức Giêsu nói rằng những người sẽ vào nước trời là người (a) gọi Người là Chúa; (b) được cứu; (c) biết đến Người; (c) làm phép lạ trong danh của Người; (d) thi hành thánh ý của Thiên Chúa (Mt 5 -- 7) | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Phúc Âm Máccô là cuốn đầu tiên trong bốn phúc âm được viết xuống 2. Phúc Âm Máccô chú trọng nhiều hơn đến sự giảng dạy của Đức Giêsu hơn là hoạt động tích cực 3. Phúc Âm Máccô như chúng ta có hiện nay thì kết thúc với một đoạn không do tác giả nguyên thủy viết 4. Phúc Âm Máccô có lẽ được viết xuống khoảng năm 65-70 cho Kitô Hữu gốc dân ngoại Trong những câu này, (a) 1 thì sai; (b) 2 thì sai; (c) 3 thì sai; (d) 4 thì sai; (e) 1 và 4 thì sai |
|
Trong Phúc Âm Máccô, Đức Giêsu được nhìn nhận là Con Thiên Chúa bởi (a) Phêrô; (b) đám đông; (c) Philatô; (d) viên đại đội trưởng | |
Biểu lộ duy nhất rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa trong chương đầu của Máccô thì được tìm thấy trong câu 1 | |
Tường thuật về cuộc Khổ Nạn của Máccô thì không nhắc đến (a) phiên xử Đức Giêsu trước mặt Hêrốt; (b) Giuđa phản bội Đức Giêsu; (c) sự thống khổ của Đức Giêsu trong vườn cây dầu; (d) phiên xử Đức Giêsu trước mặt các thượng tế (Mc 14 - 15) | |
Tường thuật về cuộc Khổ Nạn của Máccô thì không nhắc đến (a) hai người khác cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu; (b) Đức Giêsu tha thứ cho kẻ thù; (c) dân chúng chế nhạo Đức Giêsu; (d) các bạn của Đức Giêsu đứng dưới thập giá; (e) bức màn trong Đền Thờ bị xé đôi (Mc 14 -- 15) | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Phúc Âm Luca được viết cho Kitô Hữu gốc dân ngoại 2. Luca nhìn thấy Cựu Ước là lời tiên báo về Đức Kitô, và ông nói rõ Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc tất cả 3. Phúc Âm Luca nhấn mạnh đến việc người Do Thái tẩy chay Đức Giêsu Trong những câu này: (a) 1 thì sai; (b) 2 thì sai; (c) 3 thì sai; (d) 1 và 2 thì sai; (e) tất cả đều sai |
|
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Trong tường thuật thời thơ ấu của Phúc Âm Luca, thiên thần xuất hiện với ông Giacaria trong Đền Thờ là Raphaen 2. Thiên thần xuất hiện với bà Maria là Gabrien 3. Bà Êligiabét nhìn nhận bà Maria là mẹ của Đức Chúa ngay cả trước khi Đức Giêsu được sinh ra (Lc 1 -- 2) Trong những câu này: (a) 1 thì sai; (b) 2 thì sai; (c) 3 thì sai; (d) 1 và 2 thì sai; (e) tất cả đều sai |
|
Phúc Âm Luca nói rõ rằng Thiên Chúa có ý đinh cứu chuộc mọi người. Tường thuật thời thơ ấu của Luca cho thấy điều này trong tất cả các câu sau đây, ngoại trừ: (a) chiếu chỉ của hoàng đế về kiểm tra dân số; (b) những lời của cụ Simên trong Đền Thờ; (c) thiên thần báo tin cho các mục đồng; (d) ba nhà thông thái đến thăm (Lc 1 -- 2) | |
Ba dụ ngôn trong Luca 15, mỗi một dụ ngôn đều có sự hân hoan sau khi tìm được vật gì hay ai đó bị thất lạc | |
Người Pharisêu và các luật sĩ trong Luca 15:2 thì hầu như được miêu tả trong Luca 15:11-32 là (a) em trai; (b) anh trai; (c) người cha; (d) các đầy tớ | |
Trong tường thuật của Luca về sự Phục Sinh (chương 24), Phêrô nhìn vào ngôi mộ và thấy (a) một thiên thần; (b) Đức Giêsu; (c) khăn liệm; (d) không có gì | |
Một trong những người nhận ra Đức Giêsu “trong khi bẻ bánh” là (a) Cleopas; (b) Maria Mađalêna; (c) Phêrô; (d) Gioanna | |
Phúc Âm Luca nói rằng Đức Giêsu lên trời vào 40 ngày sau khi Phục Sinh (Lc 24) | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Tông đồ Gioan có thể không phải là nhân chứng đằng sau Phúc Âm Gioan 2. Lời mở đầu của Phúc Âm Gioan tuyên xưng đức tin vào thiên tính của Đức Giêsu 3. Khi diễn tả cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Giêsu, Phúc Âm Gioan nhấn mạnh đến sự đau khổ và sỉ nhục mà Đức Giêsu gánh chịu vì chúng ta Trong những câu này: (a) 1 và 2 thì sai; (b) 2 thì sai; (c) 2 và 3 thì sai; (d) tất cả đều sai; (e) 1 và 3 thì sai |
|
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Đời sống bí tích của Giáo Hội đã được ám chỉ trong Phúc Âm Gioan 2. Đoạn kết của Phúc Âm Gioan giải thích rằng người môn đệ yêu dấu sẽ không phải chết cho đến khi Đức Giêsu tái giáng lâm 3. Trong Phúc Âm Gioan, chúng ta nghe Đức Kitô nói qua cộng đồng Kitô Hữu mà nó được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần Trong những câu này: (a) 1 thì sai; (b) 2 thì sai; (c) 3 thì sai; (d) tất cả đều đúng; (e) tất cả đều sai |
|
Chương sáu của Phúc Âm Gioan minh họa cách tác giả đan quyện nhiều dấu hiệu với nhau, trong trường hợp này là nhắm đến Thánh Thể. Chương này dùng tất cả các dấu hiệu sau đây, ngoại trừ (a) Lễ Vượt Qua; (b) bánh và cá; (c) manna; (d) biến nước thành rượu; (e) c và d | |
Gioan chương 6 cho thấy quyền năng của Đức Giêsu trên thiên nhiên, và vì thế quyền năng của Người biến đổi bánh thành thân thể của Người, bởi phép lạ (a) cho Lagiarô sống lại; (b) đi trên nước; (c) làm yên cơn bão; (d) b và c | |
Trong Gioan chương 6, Đức Giêsu nói tất cả những câu sau đây, ngoại trừ: (a) bánh ta sẽ ban là thịt ta; (b) ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời; (c) bánh này là một dấu hiệu của thân xác ta; (d) ta là bánh hằng sống | |
Điều Đức Giêsu nói trong chương 6 thì thật khó để chấp nhận nên nhiều người nghe điều ấy đã từ bỏ Người | |
Trong Phúc Âm Gioan, người đầu tiên được nhắc đến là đã thấy Chúa sống lại, đó là (a) Maria Mađalêna; (b) Phêrô; (c) Gioan; (d) Mẹ của Đức Giêsu (Ga 20) | |
Phúc Âm Gioan kể vào chiều tối Chúa Nhật Phục Sinh, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các môn đệ và trao cho họ quyền tha tội (Ga 20) | |
Những câu sau cùng trong Gioan 20 cho thấy mục đích của Gioan khi viết xuống là để mời gọi người ta hãy tin vào Đức Kitô |