Ngay từ lúc ban đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã mời gọi các tín hữu hãy đi theo Người trong một phương cách đặc biệt. Những người này được gọi là môn đệ (người chấp nhận sự giảng dạy của một người lãnh đạo). Từ nhóm này Người “chọn mười hai người”, là những người được gọi là tông đồ: Si-mon mà Người đặt tên là Phêrô, và anh của ông là Anrê, và Giacôbê, Gioan, Philípphê, và Batôlômêô, và Mátthêu, và Tôma, và Giacôbê con ông Anphê, và Simon biệt danh là “Zealot” (Dilốt), và Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ít-ca-ri-ốt, người trở thành kẻ phản bội (Lc 6:13-16).
Các tông đồ là những người bình thường đã bỏ mọi sự và theo Đức Kitô. Họ du hành với Người, chứng kiến các phép lạ của Người, và nhận được các giáo huấn đặc biệt của Người. Tông đồ có nghĩa “người được sai đi,” và các phúc âm cho biết ở một thời điểm trong sứ vụ, Đức Kitô đã sai nhóm Mười Hai đi công bố vương quốc Thiên Chúa và chữa lành kẻ đau ốm.
Trong các phúc âm, các môn đệ có thể ám chỉ mười hai tông đồ, hay có thể ám chỉ một nhóm đông hơn những người đi theo Đức Giêsu. Phúc Âm Luca nói rằng Đức Giêsu đã sai bảy mươi hai môn đệ đi trước Người đến các thành và làng mạc mà Người có ý đến thăm (Lc 10:1). Nhóm này có thể là một nhóm trung gian, ít liên hệ mật thiết với Đức Giêsu như nhóm Mười Hai nhưng tận tụy hơn những người chỉ có lắng nghe Người. Dù gì đi nữa, Đức Giêsu đã không chọn những môn đệ từ giới quý tộc (người Sađuxê) hay những ai được coi là hết lòng với lề luật (người Pharisêu). Thật vậy, những người được Đức Giêsu chọn thì bị khinh bỉ bởi cả hai nhóm này, đó là những người cho rằng người bình thường thì không có chỗ đứng đặc biệt trong hoạch định của Thiên Chúa.
Các phúc âm cho thấy Đức Giêsu rao giảng ở Galilê. Người bị tẩy chay bởi chính dân làng Nagiarét của mình, dường như họ tức giận khi thấy Đức Giêsu nghĩ mình là nhân vật đặc biệt. Rời Nagiarét, Đức Giêsu đặt trọng tâm sứ vụ chung quanh hồ Galilê, một hồ xinh đẹp khoảng mười hai dặm chiều dài và tám dặm chiều ngang. Người dành nhiều thời gian ở Caphácnaum, một thành quan trọng ở bờ hồ tây bắc. Người đã đến Côradin và Bétsaiđa, có lẽ ở bờ hồ phía bắc, và vùng Gađarin ở bờ hồ đông nam.
Phúc Âm Gioan nói rằng Đức Giêsu làm phép lạ đầu tiên, biến nước thành rượu, tại Cana, khoảng mười dặm về phía bắc Nagiarét. Người cũng chữa lành con trai của viên đội trưởng ở đó. Đức Giêsu làm cho con trai bà góa ở Nain được sống lại, cách Nagiarét năm dặm về phía đông nam. Đức Giêsu cũng được biết là đã du hành đến miền Tira và Siđôn, phía bắc của Nagiarét thuộc bờ biển Địa Trung Hải, và đến vùng Xêgiarê Philíppi, hai mươi lăm dặm về phía bắc biển hồ Galilê.
Phúc Âm Gioan cho biết Đức Giêsu đã đến Giêrusalem ba lần để mừng lễ Vượt Qua trong thời gian sứ vụ công khai. Điều này có nghĩa sứ vụ của Đức Giêsu kéo dài hơn hai năm. Ảnh hưởng đáng kể của Đức Giêsu đối với rất nhiều đám đông dân chúng cũng gợi ý một sứ vụ tối thiểu hai năm.
Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng rằng Thiên Chúa yêu thương và thương xót chúng ta, cống hiến cho chúng ta một hạnh phúc vĩnh cửu. Người làm phép lạ để tiết lộ sự hiện diện, lòng thương xót, và quyền năng của Thiên Chúa. Người chứng tỏ có sức mạnh trên sự dữ. Dường như điều đương nhiên là cả thế giới sẽ chấp nhận Người là Mêsia và Đấng Cứu Thế. Nhưng đó không phải là trường hợp này.
Thật đúng là nhiều người theo Đức Giêsu, nhưng họ tìm kiếm một Đấng Cứu Thế là người có thể lấy đi cái ách của người La Mã đáng ghét. Họ muốn một vương quốc trần gian, và Đức Giêsu phải chống lại những toan tính của họ khi đưa Người lên làm vua. Có lúc Người ra lệnh cho dân chúng phải giữ im lặng về những phép lạ mà Người đã làm cho họ để các tin tức ấy đừng khuấy /động đám đông thêm nữa. Người đã phải sửa sai ngay cả các tông đồ khi họ tìm kiếm một vương quốc ở trần gian.
Sự nổi tiếng của Đức Giêsu đã báo động người Sađuxê, họ sợ rằng đám đông có thể nổi loạn và khởi sự một cuộc nội chiến mà nó sẽ kết thúc với việc tiêu diệt Ít-ra-en. Người Dilốt chắc chắn đã nhận thấy những gì đang xảy ra, và không hồ nghi là họ hy vọng tuyển mộ được Đức Giêsu và các môn đệ cho mục tiêu của họ, hơn nữa, một người trong nhóm Mười Hai là người Dilốt.
Một số người quý tộc có liên minh với vua Hêrốt Antipa thì sợ Đức Giêsu. Hêrốt đã từng bắt giữ ông Gioan Tẩy Giả ngay sau khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai vì ông này chỉ trích Hêrốt đã kết hôn với em dâu của mình là Hêrôđia. Sau đó, Hêrôđia đã thành công trong việc chém đầu ông Gioan. Dường như Hêrốt lo sợ rằng Đức Giêsu chính là Gioan trở về từ cõi chết. Nhưng chắc chắn ông coi Đức Giêsu là một người có thể khiêu khích đám đông nổi dậy chống với ông và người La Mã.
Người Pharisêu cũng tức giận bởi nội dung giảng dạy của Đức Giêsu. Người từ chối không tán thành cách tuân giữ hàng ngàn quy luật của họ như một cách để đẹp lòng Thiên Chúa. Người Pharisêu và luật sĩ (chuyên gia về luật Do Thái) kết án Đức Giêsu và các tông đồ về việc không giữ luật. Họ chỉ trích Đức Giêsu vì giao tiếp với kẻ tội lỗi và vì dám nói rằng Người có thể tha tội. Họ coi thường các phép lạ và quyền lực của Người trên các yêu tinh khi họ nói rằng Người hành động như một tác nhân của Satan. Có lúc họ liên kết với người Sađuxê và thuộc hạ của Hêrốt để bắt đầu âm mưu hãm hại Đức Giêsu.
Do đó Đức Giêsu phải đương đầu với đám đông dân chúng mà họ hiểu sai về sứ điệp của Người, với giới giầu có và thế lực mà họ sợ Người, với những kẻ dấy loạn mà họ hy vọng sẽ sử dụng Người để có lợi cho họ, và với những người có thế lực tôn giáo mà họ chống đối sự giảng dạy của Người. Khi tiếp tục sứ vụ, Đức Giêsu nhận thấy rằng các kẻ thù của Người ngày càng quyết tâm tiêu diệt Người. Đức Giêsu bắt đầu cảnh giác các tông đồ rằng những kẻ thù đang âm mưu bắt giữ và giết Người. Đức Giêsu nói Người sẽ chỗi dậy từ cõi chết, nhưng dường như họ không thể hiểu được lý do của cái chết và sự Phục Sinh của Người.
Đức Giêsu đã có thể dùng sức mạnh lạ lùng của Người để nghiền nát bất cứ sự chống đối nào, nhưng Người đến thế gian là để đem lòng thương xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù. Người từ chối không dùng sức mạnh để chống lại họ và chỉ dựa vào tình yêu để kêu gọi họ hãy sám hối. Suy nghĩ về những lời ngôn sứ của Isaia về Tôi Tớ Đau Khổ, có lẽ Người thấy chính mình như “chiên bị đem đi giết,” bị “đánh đập vì tội lỗi của dân” (Is 53:7,8). Người chấp nhận một sự thật khủng khiếp là nếu Người tiếp tục yêu thương kẻ thù, Người sẽ yêu thương họ ngay cả phải chết trên thập tự.
Sau cùng, Đức Giêsu quyết định đến Giêrusalem, là thành lũy của các kẻ thù. Người đến đây vào dịp lễ Vượt Qua khi thành này đầy nghẹt khách hành hương. Được các môn đệ tháp tùng, Đức Giêsu vào thành khi cưỡi trên con lừa, chứ không phải con ngựa, như thể nói rằng Người không ưa thích một vương quốc ở trần thế. Ở đó Người đương đầu với các kẻ thù.
Người xua đuổi ra khỏi Đền Thờ những kẻ đổi tiền và bán thú vật để tế lễ, họ cưỡng đoạt lợi tức của người nghèo. Đây là một thách đố đối với hàng tư tế Lêvi và Sađuxê là những người thừa hưởng các lợi tức ấy. Đức Giêsu tố cáo người Pharisêu, hiển nhiên là để họ nhận ra sự cứng cỏi của tâm hồn mình. Nhưng cùng với người Sađuxê và thuộc hạ Hêrốt, họ càng gia tăng nỗ lực để tìm cách giết Đức Giêsu.
Vì sự nổi tiếng của Đức Giêsu với rất nhiều khách hành hương, các kẻ thù của Người không thể bắt giữ Người giữa đám đông. Sau đó, Giuđa Ítcariốt, một trong các tông đồ của Đức Giêsu, đã đến với các thượng tế và tỏ ý muốn phản bội Đức Giêsu với giá ba mươi đồng bạc.
Vào chiều tối thứ Năm sau khi đến Giêrusalem, Đức Giêsu ăn tiệc Vượt Qua với nhóm Mười Hai. Người nói với các ông về tình yêu của Người dành cho họ và tất cả mọi người. Cầm lấy bánh và rượu, Người biến đổi bánh thành thân thể của Người mà không lâu sau đó sẽ bị tan nát, và biến rượu thành máu của Người mà không lâu sau đó sẽ bị đổ ra.
Sau đó, cùng với các tông đồ, Người đến cầu nguyện trong một khu vườn trên núi Ôliu ở phía đông thành phố. Không lâu, quân lính được Giuđa dẫn đến đã bắt Đức Giêsu, các tông đồ bỏ rơi Người, và quân lính dẫn Người đến Caipha và Anna. Người bị thẩm vấn, bị đưa ra trước một phiên tòa bất công của Thượng Hội Đồng, và bị kết án tử hình.
Nhưng các người lãnh đạo Do Thái không muốn bị buộc tội về cái chết của Đức Giêsu, và họ muốn Người phải trải qua sự sỉ nhục của khổ hình thập giá của người La Mã. Vì thế họ điệu Người đến tổng trấn Phongxiô Philatô, có lẽ đang ở thành Antônia, sát với khu vực Đền Thờ. Ở đây, họ kết tội Người âm mưu làm phản. Philatô đã hỏi cung Đức Giêsu và quyết định rằng Người vô tội. Sau khi biết Đức Giêsu là một người ở Galilê, Philatô gửi Người đến Hêrốt Antipa, đang ở Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Tuy từ lâu Hêrốt muốn được thấy Đức Giêsu, ông đã chế nhạo Người và đưa Người trở lại với Philatô khi Người từ chối không trả lời các câu hỏi của ông. Sau đó Philatô ra lệnh đánh đòn Đức Giêsu để xoa dịu các người lãnh đạo dân Do Thái. Sau cùng, ông tìm cách tha cho Đức Giêsu bằng cách cho dân chọn việc trả tự do cho Đức Giêsu hoặc cho một tội phạm nổi tiếng là Baraba. Một đám đông ô hợp do các kẻ thù của Người tụ tập đã chọn Baraba và yêu cầu Philatô xử tử Đức Giêsu. Khi Philatô vẫn còn do dự, họ đe dọa tố cáo ông với hoàng đế La Mã. Sau cùng, vì sợ lời tố cáo đó và khi nhìn thấy nguy cơ của cuộc nổi loạn, Philatô đã nhượng bộ và kết án Đức Giêsu phải chết bởi khổ hình thập giá.
Đức Giêsu bị buộc phải vác thập giá khoảng vài trăm thước đến một nơi ở ngoài các tường thành được gọi là Gôngôtha, ở đây Người bị đóng đinh vào thập giá giữa hai tội phạm. Cây đinh được đóng xuyên qua cổ tay và chân của Người, và Người bị treo lơ lửng từ các cây đinh này, Người phải chịu đựng sự rùng rợn của khổ hình thập giá. Sức nặng của thân thể đã kéo Người chùng xuống cho đến khi sự co thắt của các sớ thịt ngực làm ngộp thở. Để có thể thở, Người phải rướn mình lên nhờ các cây đinh mà vì thế nó lại nạo xát hơn nữa vào xương thịt. Khi quá mệt mỏi để có thể đứng trên sự đau đớn của các cây đinh, Người lại bắt đầu chùng xuống. Và cứ như thế, tối thiểu ba giờ đồng hồ, trong những đợt thống khổ không thể diễn tả, Đức Giêsu đã chịu đựng khổ hình thập giá.
Bất kể sự thống khổ, Đức Giêsu vẫn yêu mến và thương xót cho đến cùng. Người cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi nhưng vẫn lưu tâm đến mẹ của Người, bà đang đứng dưới chân thập giá với một vài môn đệ trung tín. Người hứa ban thiên đường cho một trong hai tội nhân mà hắn đã nhìn đến Người là Thiên Chúa. Người tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người. Sau đó Người trao thần khí cho Chúa Cha, và chết. Một người lính La Mã lấy đòng đâm thâu qua cạnh sườn của Người để biết chắc là đã chết.
Ông Giuse ở Arimathê, một thành viên của Thượng Hội Đồng nhưng cũng là người ái mộ Đức Giêsu, đã xin Philatô cho lấy xác của Người. Được sự giúp đỡ của ông Nicôđêmô người Pharisêu, là một môn đệ thầm kín của Đức Giêsu, ông Giuse ở Arimathê đã đặt thi hài Đức Giêsu trong một ngôi mộ và chắn lối ra vào bằng một tảng đá lớn. Các kẻ thù của Đức Giêsu, vì nhớ lại lời Người hứa rằng Người sẽ chỗi dậy từ cõi chết, họ đã xin Philatô cho các lính đến canh ngôi mộ này. Điều này được thi hành, và một niêm phong được đặt trên tảng đá chắn lối vào. Các kẻ thù của Đức Giêsu tin rằng họ đã vĩnh viễn loại trừ Người.
Đức Giêsu bị đóng đinh vào ngày thứ Sáu. Vì thế việc mai táng được các thân hữu của Người thi hành vội vã trước khi nghỉ ngơi vào ngày Sabát. Vào ngày thứ ba sau khi từ trần, một số các bà đến mộ để thoa dầu và thuốc thơm lên thi thể của Người. Kinh ngạc khi thấy tảng đá bị lăn sang một bên và ngôi mộ thì trống rỗng, các bà chạy về nói với các môn đệ, họ đang trốn tránh.
Không ai biết ý nghĩa của ngôi mộ trống cho đến khi Đức Giêsu xuất hiện với các môn đệ. Người đã sống lại và vinh hiển, giờ đây Đức Kitô là Chúa, Người không còn bị giới hạn bởi thời gian hay không gian!
Theo các phúc âm, Đức Giêsu xuất hiện với các tông đồ và với những người khác sau khi Phục Sinh. Những lần xuất hiện này thì lạ lùng và, vì thế, vượt trên lịch sử. Mỗi một phúc âm có một cách tiếp cận riêng đối với những lần xuất hiện này, và mỗi cuốn đưa vào thời gian và vị trí địa lý điều vượt trên cả thời gian hay không gian. Không cuốn phúc âm nào cho biết sự xuất hiện tiếp tục bao lâu. Sách Công Vụ Tông Đồ nói rằng Đức Giêsu đã xuất hiện với các môn đệ trong bốn mươi ngày (Cv 1:3).
Trong một ý nghĩa rất thực, Đức Kitô đã chỗi dậy từ kẻ chết và đi lên Cha của Người ngay sau khi trút hơi thở cuối cùng. Là một con người, Đức Giêsu đã đi từ sự chết đến sự sống sung mãn ngay tức thì. Sự Phục Sinh và Lên Trời của Người là những diễn tả vật lý về các thực tại tinh thần. Những lần Người xuất hiện sau khi Phục Sinh là những phép lạ, trong đó Người từ cõi đời đời trở về với thời gian và không gian của chúng ta và tự để mình được thấy, được nghe, và được chạm đến bởi các môn đệ của Người
Các tường thuật phúc âm cho thấy các môn đệ của Đức Giêsu lúc đầu do dự tin rằng Người đã sống lại. Tuy nhiên, không bao lâu họ xác tín vào thực tại của sự Phục Sinh. Đức tin của họ, và đức tin của Giáo Hội sơ khai, được biểu lộ bởi tông đồ Tôma, lúc đầu hồ nghi, sau đó ông đã phủ phục trước Đức Kitô với những lời, “Lậy Đức Chúa và Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28).
Điều mà các kẻ thù của Đức Giêsu nghĩ rằng chấm dứt thì trong sự quan phòng của Thiên Chúa đã trở nên một khởi đầu. Chính các tông đồ là những người từng bỏ rơi Đức Giêsu khi Người bị bắt thì sau đó không lâu đã mạnh dạn tuyên xưng Người là Mêsia như được tiên báo trong Cựu Ước. Dù phải đương đầu với những người cầm quyền mà họ từng bị hăm dọa, giờ đây các tông đồ rao giảng rằng Đức Giêsu đã sống lại và thực sự là Con Thiên Chúa, Người được sai đến để đem sự cứu độ cho thế giới.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Đức Giêsu có các môn đệ đặc biệt được gọi là tông đồ, mỗi nhóm sau đây có tên của những người trong 12 tông đồ, ngoại trừ: (a) Phêrô, Giacôbê, Anrê, và Gioan; (b) Têphanô, Phaolô, Giuse, và Luca; (c) Philíp, Batôlômêô, Giuđa, và Simon; (d) Giuđa, Giacôbê, Tôma, và Mátthêu | |
Hãy suy nghĩ những câu sau: 1. Trong các phúc âm, các môn đệ có thể ám chỉ mười hai tông đồ hoặc một nhóm lớn các môn đệ của Đức Giêsu 2. Sứ vụ của Đức Giêsu ở Galilê được nhấn mạnh bởi Mátthêu, Máccô, và Luca nhưng không được Gioan nhắc đến 3. Phúc Âm của Gioan ám chỉ rằng sứ vụ công khai của Đức Giêsu kéo dài tối thiểu hai năm Trong những câu này: (a) tất cả đều sai; (b) 1 thì sai; (c) 2 thì sai; (d) 3 thì sai; (e) tất cả đều đúng |
|
Người ta phản ứng khác nhau với sứ vụ của Đức Giêsu; những người lo sợ rằng Đức Giêsu có thể khởi sự một cuộc nội chiến với người La Mã là người (a) Dilốt (Zealot); (b) Pharisiêu; (c) Étsin (Essene); (d) Sađuxê (Sadduccee) | |
Hiển nhiên, hầu hết các đám đông đi theo Đức Giêsu tin rằng Người là Mêsia và hiểu về Nước Thiên Chúa đúng như Người giảng dạy | |
Hãy suy nghĩ những câu sau: 1. Có lẽ Đức Giêsu đã không đến Giêrusalem nếu Người biết rằng các kẻ thù đang âm mưu giết Người 2. Khi Đức Giêsu xua đuổi những người đổi tiền và buôn bán trong khu vực Đền Thờ, Người khiến phe Sađuxê tức giận 3. Theo các phúc âm, vào đêm trước khi bị chết, Đức Giêsu ăn tiệc Vượt Qua với các môn đệ 4. Những người lãnh đạo Do Thái muốn ném đá Đức Giêsu cho chết, nhưng họ phải theo luật Do Thái và đóng đinh Người Trong những câu này: (a) 1 và 2 thì sai; (b) 1 và 3 thì sai; (c) 1 và 4 thì sai; (d) 2 và 4 thì sai |
|
Trước khi bị hành hình, Đức Giêsu phải gặp tất cả những người sau đây, ngoại trừ: (a) Hêrốt Đại Đế; (b) Philatô; (c) Hêrốt Antipas; (d) Cai-pha | |
Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa nên Người không bị cảm thấy phiền muộn và bị bỏ rơi trước khi chết | |
Hãy suy nghĩ những câu sau đây: 1. Ông Giuse ở Arimathê, một thành viên của Thượng Hội Đồng, và ông Nicôđêmô, một người Pharisêu, đã chôn cất thi hài Đức Giêsu 2. Các phụ nữ là những người đầu tiên khám phá ngôi mộ của Đức Giêsu thì trống 3. Theo Phúc Âm Gioan, tông đồ Tôma tuyên xưng đức tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa Trong những câu này: (a) 1 thì sai; (b) 2 thì sai; (c) 3 thì sai; (d) tất cả đều sai; (e) tất cả đều đúng |