Đức Giêsu bắt đầu rao giảng với những lời, “Đây là thời điểm để hoàn thành, và vương quốc Thiên Chúa đang trong tầm tay; hãy hoán cải, và hãy tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Vương quốc là tâm điểm thông điệp của Đức Giêsu, và nó có thể được hiểu tốt nhất là sự tương giao của Thiên Chúa với con người. Trong nhiều phương cách nó song song với ý tưởng giao ước trong Cựu Ước. Khi Đức Giêsu công bố rằng vương quốc Thiên Chúa hiện có trong Người, Người đang công bố một Giao Ước Mới.
Đức Giêsu nói bằng một ngôn ngữ cụ thể, thực tế được rút ra từ những kinh nghiệm ở Nagiarét và Galilê. Người không giảng dậy bằng các bài diễn thuyết trừu tượng nhưng bằng các dụ ngôn -- những câu chuyện mầu sắc minh họa các chân lý quan trọng về vương quốc Thiên Chúa và như thế diễn tả vương quốc Thiên Chúa cho người nghe.
Nội dung các dụ ngôn của Đức Giêsu có thể tóm lược trong các câu sau đây. Thứ nhất, vương quốc Thiên Chúa, giao ước của Thiên Chúa với chúng ta, thì hiện diện trong Đức Giêsu. Nó là một kho tàng vô cùng giá trị (Mt 13:44-46). Thứ hai, vương quốc là Tin Mừng, Phúc Âm, vì đó là sự tha thứ yêu thương của Thiên Chúa và đời sống mới được ban cho mọi người qua Đức Giêsu. Giống như một người cha hiểu biết đón nhận đứa con hoang đàng trở về gia đình, Thiên Chúa đón nhận kẻ tội lỗi để đưa vào đời sống mới (Lc 15:11-32), Thứ ba, chúng ta chỉ có thể đón nhận các ơn sủng của Thiên Chúa nếu chúng ta sẵn sàng chia sẻ với người khác. Chúng ta không được bắt chước người tôi tớ được chủ thương xót nhưng lại nhẫn tâm với tôi tớ đồng nghiệp (Mt 18:23-35). Thứ tư, Thiên Chúa thì toàn năng, và vương quốc mà Thiên Chúa thiết lập qua Đức Giêsu thì không thể bị hủy diệt. Cũng như một cánh đồng chắc chắc sẽ sản sinh hoa màu, vương quốc Thiên Chúa sẽ chiến thắng, vì cỏ lùng tội lỗi và sự chết không thể cản trở những hoạch định của Thiên Chúa (Mt 13:24-30). Thứ năm, lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến đời sống mới ngay ở đây và đến bữa tiệc trên thiên đường thì cần được đáp trả. Chúng ta giống như các khách được mời đến dự một tiệc cưới vĩ đại, và thật dại khờ nếu chúng ta không chấp nhận lời mời ấy (Mt 22:1-14).
Chúng ta không được quên những hàm ý của sứ điệp này. Đức Giêsu nói rằng những hy vọng của Ít-ra-en, và thật vậy của cả con người, chỉ có thể được thể hiện qua Người. Đức Giêsu trả lời cho những câu hỏi căn bản nhất về đời sống. Thiên Chúa có hiện diện không? Dĩ nhiên! Thiên Chúa có lưu tâm đến chúng ta không? Còn nhiều hơn chúng ta tưởng! Thế giới này có quá nhiều sự dữ, liệu sự thiện có thể chiến thắng không? Chắc chắn có! Tại sao cuộc đời này không đem cho chúng ta hạnh phúc trọn vẹn? Vì chúng ta được dựng nên cho Thiên Chúa! Còn sự chết thì sao? Nó là cửa ngõ vào sự sống mới!
Trong các dụ ngôn, Đức Giêsu nói rằng những hy vọng của loài người được chu toàn nơi Người. Đức Giêsu tự giới thiệu về chính mình thì còn hơn một ngôn sứ Do Thái, còn hơn một thầy dạy, và hơn cả một nhà cải cách xã hội. Người đến để đem lại “một giảng dậy mới -- với thẩm quyền” (Mt 1:27). Chúng ta thấy chứng cớ của điều này trong các phúc âm, nhưng các học giả Kinh Thánh nhận thấy có hai chữ đặc biệt được Đức Giêsu sử dụng để nói lên vai trò độc đáo của Người trong lịch sử.
Chữ thứ nhất là Abba. Đây là một chữ Aramaic có nghĩa “cha”, nó bao gồm sự tương giao mật thiết và đặc biệt được bao hàm trong chữ “bố, ba”. Đức Giêsu biết Thiên Chúa là Cha của Người trong một phương cách thực sự độc đáo. (Xem Mt 14:36).
Chữ thứ hai là Amen, thường được thấy trong các phúc âm. Trong một số Kinh Thánh, tỉ như New Revised Standard Version, nó được dịch là “truly” (thật vậy). Câu, “Amen (thật vậy), thầy nói với anh em,” ngụ ý rằng Đức Giêsu biết Người ở một vị trí thẩm quyền đặc biệt. Thí dụ, trong Mátthêu 18:18 Đức Giêsu dùng chữ này để tuyên bố điều mà một người bình thường không thể có: “Thật vậy, thầy bảo anh em, bất cứ gì anh em cầm buộc dưới đất thì sẽ bị cầm buộc trên trời, và bất cứ gì anh em tháo cởi dưới đất thì sẽ được tháo cởi trên trời”.
Những ai nghe Người nói không thể không thấy tầm quan trọng của những lời này. Các đám đông tụ tập lại để lắng nghe. Nhiều người bị khuất phục bởi lời rao giảng của Người và bắt đầu nhìn thấy Người như Mêsia được các ngôn sứ tiên báo.
Kitô Hữu ngày nay quá quen thuộc khi nói về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến độ chúng ta quên rằng Ba Ngôi thì không được biết đến trước thời Đức Kitô. Có những đề tài trong Cựu Ước tiên báo về Chúa Thánh Thần và Chúa Con (thí dụ hãy xem Ds 11:29 và Kn 9:9) nhưng người Do Thái không có ý niệm gì về Ba Ngôi.
Đức Giêsu nói về Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Người thời bấy giờ có lẽ không hiểu nhiều về điều Người muốn nói cho đến sau khi Người phục sinh. Sau đó họ nhớ lại những giảng dạy của Đức Giêsu và diễn tả điều đó trong Tân Ước. Một vài thế kỷ sau, Giáo Hội Công Giáo định nghĩa Ba Ngôi là ba Ngôi Thiên Chúa trong một Bản Tính Thiên Chúa.
Sự mặc khải của Đức Kitô về Thiên Chúa như một cộng đồng gồm Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, đó là tâm điểm đức tin của chúng ta. Thiên Chúa thì không phải là một loại quyền lực xa cách, trừu tượng nhưng là một Gia Đình yêu dấu của ba Ngôi, được gắn bó với nhau bằng sự hiểu biết và tình yêu. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:16).
Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (St 1:27), và vì thế, trở nên một con người đích thực có nghĩa trở nên một người biết yêu thương. Đức Giêsu dạy rằng điều răn đầu tiên là yêu mến Thiên Chúa với tất cả tâm hồn chúng ta, và kế đến hãy yêu thương tha nhân như chính chúng ta. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu, mọi sự đều tùy thuộc vào tình yêu (Mt 22:37-40).
Những ai bị đánh động bởi những lời của Đức Giêsu thì lại cảm kích hơn nữa với những gì Người thi hành, nhất là các phép lạ, là những dấu chỉ lạ lùng không thể giải thích cách tự nhiên. Đức Giêsu chữa lành bệnh tật, Người đem thị lực cho người mù và thính giác cho người điếc, Người chữa kẻ bại liệt và què quặt. Đức Giêsu sử dụng quyền lực của mình trên cả thiên nhiên; Người làm cho bánh và cá hóa nhiều để nuôi đám đông và làm êm biển dậy sóng. Đức Giêsu chiến thắng sự chết; Người đem lại sự sống cho con gái của một sĩ quan Do Thái, con trai của một bà góa, và người bạn Lagiarô.
Các phép lạ chữa lành không thể giải thích cách tự nhiên thì ngày nay vẫn còn. Thí dụ, ở Lộ Đức, nhiều phép lạ đã được nghiên cứu tường tận và được ghi nhận bởi các nhóm y sĩ và khoa học gia. Những phép lạ như thế chứng tỏ quyền năng của Đức Kitô vẫn còn tiếp diễn, và chúng thu hút biết bao người đến Lộ Đức, cũng như xưa phép lạ của Đức Giêsu đã thu hút rất nhiều đám đông đến với Người.
Hầu hết những ai đến Lộ Đức thì không được phép lạ chữa lành về thể xác, nhưng hầu như tất cả mọi người hành hương đều được ơn Chúa chạm đến cách nào đó. Đức Giêsu cũng đã không chữa lành tất cả kẻ đau yếu trong thời của Người, và chắc chắn Người không làm sống lại hầu hết những người đã chết. Nhưng phép lạ của Người đã chạm đến nhiều người trong các phương cách kỳ diệu và chứng tỏ rằng trong Người có quyền lực của Thiên Chúa.
Trong thời Tân Ước, người ta đương nhiên cho rằng có sự hiện diện của các thần lành và thần dữ. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Thiên Chúa tạo nên các thực thể thiêng liêng được gọi là thiên thần. Một số thiên thần phản loạn và được gọi là quỉ hay yêu tinh. Chúng được nhân cách hóa trong Kinh Thánh là Satan, Luxiphe, hay Bêdibun. Cũng như người xấu dụ dỗ người khác theo chúng thì các yêu tinh cũng dụ dỗ loài người chống lại Thiên Chúa.
Satan đã tìm cách dụ dỗ Đức Giêsu ngay lúc khởi đầu sứ vụ, nó cũng tìm cách đưa Đức Giêsu vào hàng ngũ của nó. Sau đó Đức Kitô khước từ Satan và Người tiếp tục hành xử quyền lực trên các yêu tinh. Các phúc âm nói cho chúng ta biết Đức Giêsu đã xua trừ các thần dữ ra khỏi người ta trong nhiều trường hợp.
Quyền lực mà Đức Giêsu dùng để xua trừ các yêu tinh là một dấu hiệu khác cho thấy thẩm quyền độc đáo của Người. Điều đó khiến nhiều người tin rằng Đức Giêsu là Mêsia đã được hứa ban.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Hãy suy nghĩ những câu sau: 1. Đức Giêsu giảng dạy bằng các dụ ngôn, và qua các dụ ngôn Người nói mọi hy vọng cho loài người thì có thể được tìm thấy trong Người 2. Một chữ được Đức Giêsu sử dụng để nói lên thẩm quyền độc đáo của Người là Amen 3. Đức Giêsu nói về Thiên Chúa là Cha, Con, và Thánh Thần và dạy bảo rằng chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa với cả tâm hồn Trong những câu này: (a) tất cả đều sai; (b) 1 thì sai; (c) 2 thì sai; (d) 3 thì sai; (e) tất cả đều đúng |
|
Hãy suy nghĩ những câu sau: 1. Đức Giêsu làm các phép lạ, là những dấu chỉ kinh ngạc không thể giải thích cách tự nhiên 2. Phép lạ xảy ra thường xuyên trong tác vụ của Đức Giêsu, nhưng không có chứng cớ là phép lạ xảy ra ngày nay 3. Hiển nhiên Đức Giêsu chữa lành hầu hết người bệnh tật trong thời của Người 4. Vì Đức Kitô là Thiên Chúa, Người không thực sự bị cám dỗ Trong những câu này: (a) 1 và 2 thì sai; (b) 1, 2, và 3 thì sai; (c) 1, 3, và 4 thì sai; (d) 2, 3, và 4 thì sai; (e) tất cả đều sai |
|
Các phúc âm có nhắc đến quyền lực của Đức Giêsu trên các quỷ, nhưng những đề cập đến chúng có thể chỉ là biểu tượng vì Giáo Hội Công Giáo không dạy bảo về sự hiện hữu của thiên thần hay quỷ |