Đức Giêsu Kitô, là người gọi Thiên Chúa là Cha, đã đến thế giới này qua một sự sinh hạ được hé mở trong mầu nhiệm. Câu chuyện này được kể lại qua các tường thuật về thời thơ ấu trong Phúc Âm Luca và Mátthêu. Các tường thuật này, thật phong phú với các biểu tượng và những ám chỉ đến Cựu Ước, nhằm truyền đạt một sự thật vượt trên lịch sử, là Thiên Chúa đã trở nên một con người giống như chúng ta trong Đức Giêsu Kitô.
Không lâu trước khi Hêrốt Đại Đế từ trần, theo các phúc âm, Thiên Chúa sai thiên thần Gabrien đến với Maria, một thiếu nữ vùng Nagiarét ở Galilê. Gabrien công bố rằng Maria, lúc ấy đã đính hôn với một người thợ mộc tên là Giuse, sẽ có một đứa con, Con của Thiên Chúa, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Khi Maria đồng ý, “Ngôi Lời trở thành nhục thể và sống giữa chúng ta” (Ga 1:14).
Thiên thần báo cho Maria biết rằng anh chị họ là bà Êligiabét và ông Dacaria cũng mong đợi một đứa con trai, tuy bà Êligiabét dường như đã quá thời sinh nở. Maria đến thăm hai người ở nhà của họ (được tin là ở Ain Karim, cách Giêrusalem năm dặm về phía tây). Maria đã ở lại đây khoảng ba tháng cho đến khi người con trai của họ, đặt tên là Gioan, được sinh ra. Khi Maria trở lại Nagiarét và ông Giuse khám phá rằng bà đang mang thai, ông âm thầm quyết định chấm dứt việc đính hôn. Nhưng trong một giấc mơ, thiên thần đã giải thích cho ông Giuse rằng Maria thụ thai là bởi Chúa Thánh Thần, và ông Giuse đã đón nhận Maria như vợ của mình.
Sau đó không lâu họ phải đến Bêlem để đăng ký cho một cuộc kiểm tra dân số do hoàng đế La Mã ra lệnh. Trong khi ở đó, Maria đã sinh con trai, được đặt tên là Giêsu khi cắt bì. Khi dâng hài nhi Giêsu vào Đền Thờ ở Giêrusalem, Người được nhìn nhận là Mêsia bởi hai vị cao niên Do Thái, ông Simêon và bà Ana.
Sau đó Đức Giêsu được tôn vinh với các tặng phẩm của những người thông thái từ phương Đông, họ đã theo ngôi sao tìm đến nơi sinh hạ của Người. Qua các người thông thái này, Hêrốt được biết về sự sinh hạ của Đức Giêsu và tìm cách biết được nơi ở của Người. Nhưng các nhà thông thái, vì được cảnh giác trong một giấc mơ rằng Hêrốt thực sự muốn giết trẻ này, họ đã trở về nhà cách kín đáo. Tức giận, Hêrốt ra lệnh giết các con trai từ hai tuổi trở xuống trong vùng Bêlem. Đức Giêsu thoát chết vì bà Maria và ông Giuse đã đưa Người lánh nạn bên Ai Cập, họ đã ở đây cho đến khi Hêrốt từ trần.
Ngày sinh chính xác của Đức Giêsu là đề tài của nhiều sự suy đoán. Theo các phúc âm, điều này xảy ra dưới triều vua Xêda Augúttô (37 B.C. đến 14 A.D.). “trong những ngày của vua Hêrốt xứ Giuđêa” (Lc 1:5), “Trong khi ông Quirinô làm tổng trấn Syria” (Lc 2:2). Phúc Âm của Luca nhắc đến một cuộc kiểm tra dân số khiến ông Giuse phải trở về quê quán là Bêlem để đăng ký. Trong khi ông Giuse và bà Maria ở đó để kiểm tra, Đức Giêsu được sinh ra.
Hêrốt chết năm 4 B.C., nên Đức Giêsu phải sinh ra vào trước thời gian đó. Quirinô bắt đầu nhiệm kỳ tổng trấn xứ Syria năm 6 A.D., nhưng có một chứng cớ rằng Quirinô là một người lãnh đạo quân sự ở Syria từ 10 B.C. đến 6 B.C. Như thế, có lý do chính đáng để đặt ngày sinh hạ của Đức Kitô khoảng 6 B.C. Một số học giả cũng tìm ra năm này từ một phân tích về câu chuyện các người thông thái được hướng dẫn bởi một ngôi sao trong Phúc Âm Mátthêu (Mt 2:1-11). Các học giả tin rằng ngôi sao này ám chỉ đến sự giao hội của Thổ Tinh (Saturn) và Mộc Tinh (Jupiter), mà nó đã xảy ra ba lần vào khoảng năm 6 B.C. và cũng để giải thích cho sự di chuyển của ngôi sao được ghi chú trong Phúc Âm này.
Chúng ta mừng lễ giáng sinh của Đức Kitô vào 25 tháng Mười Hai. Ngày này được chọn vào thế kỷ thứ tư nên việc mừng lễ giáng sinh của Đức Kitô có thể thay thế cho một lễ của dân ngoại cũng được mừng vào ngày này. Nhưng các phúc âm không cho biết chính xác ngày tháng sinh hạ của Đức Giêsu. Phúc Âm Luca nói rằng các mục đồng “sống trong cánh đồng, canh giữ đàn gia súc vào ban đêm” (Lc 2:8). Thông thường, các mục đồng chỉ để gia súc ngoài đồng trong những tháng ấm hơn, từ tháng Ba cho đến tháng Mười. Như thế, dường như sự sinh hạ của Đức Giêsu xảy ra trong những tháng này, khoảng 6 B.C.
Độc giả có thể tự hỏi làm thế nào Đức Giêsu lại có thể sinh ra trong năm 6 B.C. Trong thế kỷ thứ sáu, một đan sĩ tên là Dionysius Exiguus tìm cách thay đổi cách tính toán ngày tháng của người La Mã dựa trên sự sinh hạ của Đức Kitô. Nhưng ông thiếu dữ kiện chính xác của lịch sử và hiển nhiên ông đã sai đến sáu năm trong việc tính toán ngày sinh của Đức Kitô.
Bất kể ngày sinh chính xác của Đức Kitô là ngày nào, các tường thuật thời thơ ấu của các Phúc Âm Mátthêu và Luca trình bày một điều gì đó ngoài sức hiểu biết, là mầu nhiệm Nhập Thể. Thiên Chúa trở nên người phàm. Họ ám chỉ rằng trong con người Đức Giêsu, Giao Ước Cũ sẽ biến đổi thành Giao Ước Mới.
Theo Phúc Âm của Mátthêu, ông Giuse, bà Maria, và cậu Giêsu sống ở Nagiarét sau khi trở về từ Ai Cập (Mt 2:19-23). Điều được kể kế tiếp là chuyến đi lên Giêrusalem khi Đức Giêsu mười hai tuổi. Chỉ có một vài chi tiết, nhưng có thể rất giống như chuyến hành hương được diễn tả ở trên.
Phúc Âm Luca cho biết Đức Giêsu tình cờ bị bỏ lại đằng sau khi bà Maria và ông Giuse lên đường về từ Giêrusalem. Sau khi tìm kiếm khắp nơi, họ thấy Người trong Đền Thờ sau ba ngày. Bà Maria hỏi, “Này con, sao con đối xử với cha mẹ như thế? Thấy không, cha con và mẹ đã vô cùng lo lắng tìm con.” Đức Giêsu trả lời với những câu hỏi khác biệt: “Tại sao mẹ lại tìm con? Mẹ không biết là con phải ở trong nhà Cha của con hay sao?” (Lc 2:48-49).
Bà Maria “trân quý những điều này trong tâm hồn” (Lc 2:5), vì bà biết rằng Cha của Đức Giêsu là Thiên Chúa của bà, Thiên Chúa của dân tộc bà, Thiên Chúa của các ngôn sứ và thánh vịnh, Thiên Chúa từng hứa sai đến một Mêsia -- và giờ đây, Thiên Chúa đã gửi đến Đấng Mêsia trong con người Giêsu, Con của bà.
Nhiều năm trôi qua. Bà Maria, ông Giuse và Đức Giêsu sống trong làng Nagiarét giữa các bà con, người láng giềng, và bạn hữu. Chắc chắn Đức Giêsu đã học nghề thợ mộc từ ông Giuse. Với mọi người chung quanh, dường như họ cũng chỉ là một gia đình bình thường.
Sau đó, khi Đức Giêsu khoảng ba mươi tuổi (Lc 3:23), người bà con là Gioan, con của ông Dacaria và bà Êligiabét, bắt đầu rao giảng trong hoang địa vùng Giuđêa. Lời của ông có sức thu hút đám đông. Ông thúc giục người ta sám hối và sống thành thật, đứng đắn. Trong sông Giođan, ông làm nghi thức thanh tẩy cho những ai muốn sửa đổi, bằng cách dìm họ xuống nước như một dấu hiệu rằng tội lỗi của họ được tẩy sạch.
Nhiều người tự hỏi Gioan, được gọi là Tẩy Giả, có phải là Mêsia không, nhưng ông trả lời họ với câu nói: “Tôi thanh tẩy quý vị bằng nước, nhưng người quyền thế hơn tôi đang đến… Người ấy sẽ thanh tẩy quý vị bằng Thánh Thần và lửa” (Lc 3:16).
Đức Giêsu coi việc rao giảng của Gioan như một dấu chỉ rằng đã đến lúc bắt đầu thi hành sứ vụ của chính mình. Người đến với ông Gioan để được thanh tẩy. Ông từ chối, nói rằng chính ông phải được Đức Giêsu thanh tẩy, sau đó ông chiều theo sự cương quyết của Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu trồi lên khỏi mặt nước, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người trong hình dạng chim bồ câu, và một tiếng nói tự trời phán ra, “Con là Con Yêu Dấu của ta; ta hài lòng về con” (Mc 1:11).
Sau đó Đức Giêsu rút lui vào hoang địa vùng Giuđêa trong bốn mươi ngày để ăn chay và cầu nguyện. Là một con người, Đức Giêsu cần tìm ra phương cách của Cha mình để thi hành công việc của Thiên Chúa. Các phúc âm nói cho chúng ta biết Người bị Satan cám dỗ là hãy chọn các phương cách khác. Tỉ như, quỷ xúi Đức Giêsu hãy dùng quyền năng lạ lùng của mình để bồi bổ, biến hòn đá thành bánh. Sau đó Satan cám dỗ Đức Giêsu hãy tìm kiếm danh vọng bằng cách nhảy xuống từ nóc Đền Thờ. Sau cùng nó hứa ban cho Đức Giêsu quyền lực trần thế, thống trị các dân tộc. Đức Giêsu chống lại mọi cám dỗ này, trở về Galilê, và bắt đầu giảng dậy.
Vào khoảng năm 26 A.D. (Mọi ngày tháng từ nay về sau đều là A.D. [tây lịch] trừ trường hợp nói rõ). Hêrốt Antipa và Philíp vẫn cai trị các lãnh thổ được giao cho họ sau khi Hêrốt Đại Đế từ trần. Các xứ Giuđêa, Samaria, và Iđumê vẫn dưới sự kiểm soát của các tổng trấn La Mã. Vào năm 26 một tổng trấn mới lên cầm quyền, tên ông là Phongxiô Philatô.
Anna, là thượng tế khi Đức Giêsu mười hai tuổi, được kế vị bởi năm con trai. Con rể của ông là Caipha, hiện nắm giữ chức thượng tế, nhưng Anna vẫn còn ảnh hưởng mạnh. Họ không ưa thích gì Philatô nhưng vẫn hợp tác với ông này với hy vọng sẽ tránh khỏi thảm họa của một cuộc nội chiến.
Tuy nhiên, sự hợp tác như thế thật khó khăn, vì Philatô không luôn luôn thận trọng. Thí dụ, trong một dịp ông đặt các khiên thuẫn có đúc hình của hoàng đế trong khu vực Đền Thờ, như thế vi phạm đến luật cấm thờ tượng ảnh của người Do Thái. Người Do Thái than phiền và yêu cầu Philatô phải lấy đi các khiên thuẫn này. Philatô cũng rất thô lỗ. Ông biểu dương lực lượng hung ác để nắm quyền kiểm soát người Do Thái. Trong khi đó, người Dilốt có mặt khắp nơi, họ sẵn sàng đâm chết người lính La Mã bất cẩn hoặc khuấy động đám đông. Dường như Giêrusalem lúc nào cũng dễ rơi vào cuộc nổi loạn hay cuộc nội chiến.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Chúng ta biết về sự sinh hạ của Đức Giêsu từ các phúc âm, và điều hiển nhiên là các tường thuật về sự sinh hạ của Người chỉ đề cập đến biến cố tự nhiên mà chúng thuộc về loại lịch sử | |
Ngày sinh của Đức Giêsu được phỏng đoán trong sách là (a) 14 B.C.; (b) 6 B.C.; (c) 0; (d) A.D. 6 | |
Cha của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa | |
Theo các phúc âm, Đức Giêsu, bà Maria, ông Giuse đã đi lánh nạn sang Ai Cập để thoát khỏi Hêrốt Đại Đế. Sau khi vua này chết, họ định cư ở (a) Nagiarét; (b) Bêlem; (c) Giêrusalem; (d) Cana | |
Sau khi Đức Giêsu ở trong sa mạc 40 ngày để ăn chay và cầu nguyện, Người được thanh tẩy bởi ông Gioan trong sông Giođan và sau đó bắt đầu sứ vụ công khai | |
Từ thời gian Đức Giêsu bị lạc ba ngày trong cuộc hành hương đến Giêrusalem cho đến khi Người bắt đầu sứ vụ công khai, quãng thời gian này khoảng (a) 8 năm; (b) 12 năm; (c) 18 năm; (d) 24 năm | |
Khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng, tất cả các viên chức sau hiện nắm quyền, ngoại trừ: (a) Hêrốt Agrippa; (b) Hêrốt Antipas; (c) Philíp; (d) Phongxiô Philatô; (e) Caipha |