Lời mở của sách này được cho là của Barúch, thư ký của ngôn sứ Giêrêmia. Tuy nhiên, dường như sách được viết bởi nhiều tác giả. Sách có ý định viết cho người Do Thái sống bên ngoài Palestine, nó được đưa vào hình thức hiện thời vào cuối năm 200 B.C. Nguyên thủy sách được viết bằng tiếng Hebrew, được dịch sang tiếng Hy Lạp, và được chấp nhận như một phần trong danh sách Aléchxăngđria,
Sau lời giới thiệu ngắn, sách Barúch gồm một lời sám hối, một bài thơ ca ngợi sự khôn ngoan của Luật Môsê, một bài than van về Giêrusalem, một bài ca hy vọng được phục hồi, một bài chống đối kịch liệt các thần tượng trong thể thức một lá thư được cho là của Giêrêmia.
Hãy đọc Barúch 5 về cảm tưởng của những người Do Thái sống xa Giêrusalem nhưng vẫn trung thành giữ luật, trung thành với lý tưởng thờ phượng ở đền thờ, và hy vọng một ngày nào đó Giêrusalem sẽ phục hồi sự vĩ đại như trước đây.
Ngày nay chúng ta có thể đọc sách Barúch để có cái nhìn sáng suốt vào tâm tư của những người Do Thái hậu lưu đầy. Chúng ta có thể coi lời cầu của họ như của chúng ta (thí dụ, Br 3:1-8). Từ Barúch chúng ta có thể tập khinh chê vật chất và các thần tượng của thời đại.
Sách Êgiêkien mang tên của tác giả, một tư tế bị trục xuất từ Giêrusalem đến Babylon năm 597 B.C. Trong một thị kiến bi tráng, ông được Chúa gọi ông làm ngôn sứ. Lúc đầu ông cảnh cáo người dân về sự phá hủy Giêrusalem sắp đến. Sau khi Giêrusalem sụp đổ, ông khích lệ người Do Thái ở Babylon hãy quay về với Thiên Chúa để được thương xót và tin tưởng rằng cuối cùng Giêrusalem sẽ được phục hồi.
Êgiêkien là một nhân vật nhiều mầu sắc. Ông diễn tả nhiều điều trong sứ điệp của ông theo các kiểu cách bi tráng. Ông báo cáo một thị kiến lạ lùng. Các ẩn dụ của ông -- Ít-ra-en và Giuđa là gái điếm, Tyre là con tầu, và Ai Cập là con cá sấu -- thì sống động và đôi khi thô lỗ. Hy vọng của ông cho tương lai được diễn tả trong các bản thiết kế, danh sách, và những đo lường. Nhưng đằng sau là sự nhấn mạnh đến sự uy nghi của Thiên Chúa, về tầm quan trọng của phụng vụ và thờ phượng.
Sách Êgiêkien mở đầu với lời kêu gọi làm ngôn sứ (1 -- 3), theo sau là diễn tả những nỗ lực của Êgiêkien chuẩn bị cho người Do Thái ở Babylon trước việc tàn phá Giêrusalem (4 -- 24). Sau một chuỗi lời tiên báo chống với các quốc gia ngoại bang (25 -- 33), sách đưa ra một thông điệp hy vọng cho người Do Thái đã từng nghe biết về sự sụp đổ của Giêrusalem (33- 48). Sách Êgiêkien là nguồn của nhiều tài liệu, nhưng nó được sắp xếp và sửa đổi bởi các người biên soạn sau này.
Hãy đọc Êgiêkien 1 về thị kiến sự thánh thiện của Thiên Chúa. Đây có thể là một giấc mơ, và Êgiêkien cố gắng diễn tả bằng ngôn ngữ sống động vượt trên sự hiểu biết con người. Hãy đọc Êgiêkien 17:1-14 về thị kiến lừng danh các bộ xương khô, một dấu hiệu của sự phục hồi Giêrusalem.
Chúng ta có thể được ích lợi nhiều từ Êgiêkien khi chú trọng đến thông điệp chính, nhất là sự huy hoàng của Thiên Chúa và sự quan trọng của việc tôn kính thờ phượng.
Sách Đanien được xếp vào loại sách ngôn sứ nhưng thực sự là một sưu tập những câu chuyện và thông điệp loại khải huyền. Sách lấy tên của vị anh hùng trong sách, là người sống giữa đám dân lưu đầy ở Babylon. Sách được biên soạn bằng ba thứ tiếng -- Hebrew, Aramaic, và Hy Lạp -- bởi một vài tác giả khác nhau. Sách được đưa vào hình thức hiện thời khoảng năm 165 B.C. để đem lại hy vọng cho người Do Thái trong sự bách hại khủng khiếp của Antiôkút Êpiphanê.
Những câu chuyện về Đanien có ý nghĩa trình bày Thiên Chúa bảo vệ những ai trung tín như thế nào. Chúng đưa các anh hùng trong truyện vào khung cảnh bán lịch sử được diễn tả với nhiều cấp bằng nghệ thuật. Trong các câu chuyện này, Đanien được trình bày như một nạn nhân của sự bách hại, cũng như người Do Thái năm 165 B.C. là nạn nhân của sự bách hại. Như Thiên Chúa đã giải thoát Đanien thì Thiên Chúa cũng giải thoát người Do Thái năm 165 B.C. (Và Thiên Chúa đã giải thoát họ, khi người Macabê tháo gỡ cái ách đô hộ của người Syria).
Cũng có những thông điệp khác nhằm khích lệ người Do Thái năm 165 B.C. Đây là những khải huyền về bản chất -- một hình thức văn chương phổ thông từ 200 B.C. cho đến 200 A.D. Với đặc điểm là ngôn ngữ tượng hình, các thị kiến, các dấu hiệu, các con số, các sứ điệp từ trời, và các cuộc chiến giữa thiện và ác, nó hứa hẹn một sự chiến thắng sau cùng của Thiên Chúa.
Những câu chuyện trong Đanien thuộc loại nổi tiếng trong Kinh Thánh. Ba thiếu niên trong lò lửa, Đanien trong chuồng sư tử, và chữ viết trên tường thì thú vị và có tính dậy dỗ. Tuy nhiên, văn bản khải huyền thì khó hiểu và tốt nhất việc học hỏi cần sự giúp đỡ của những chú giải tốt.
Hãy đọc Đanien 6 về câu chuyện sống động của Đanien trong chuồng sư tử. Hãy đọc Đanien 12:1-3 về một bài mẫu văn khải huyền. Đoạn này đem lại sự giảng dậy hiển nhiên về sự phục sinh và sự sống sau khi chết.
Độc giả ngày nay có thể vui thích với các câu chuyện trong Đanien và dễ rút ra các bài học theo ý định của các tác giả: hãy tín thác vào Thiên Chúa và trung thành với các giới răn của Chúa.
Sách Hôsê là một loại sách ngôn sứ xuất phát từ cảm nghiệm cá nhân của “Hosea ben Beeri”, một người Ít-ra-en sống trong những năm cuối cùng của vương quốc phương bắc. Hosê lấy Gômê, một phụ nữ bất trung với ông. Bất kể sự không chung thủy của vợ, Hôsê không ngừng yêu thương vợ và sau cùng bà đã trở về. Ông nhìn thấy trong chính hoàn cảnh của ông một kiểu mẫu cho sự tương giao giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en.
Thiên Chúa là một người chồng chung thủy với Ít-ra-en, nhưng Ít-ra-en giống như Gômê, một gái điếm chạy theo các tà thần và những lời hứa hay thay đổi của các quốc gia ngoại bang. Thiên Chúa luôn sẵn sàng đón nhận Ít-ra-en trở lại, và Ít-ra-en, giống như Gômê, có thể trở về với hôn nhân chung thủy của Giao Ước. Không may, Ít-ra-en, từng theo gương bất trung của Gômê, lại không bắt chước sự sám hối của bà.
Hôsê lớn lên trong triều đại của Giêrôbôm II (786-746 B.C.), một kỷ nguyên thịnh vượng bị lu mờ bởi việc thờ tà thần, đồi bại, bất công, và chèn ép người nghèo. Sau Giêrôbôm II là một chuỗi các ông vua vô tích sự, họ do dự liên minh với Ai Cập và Átxiria. Sự ngớ ngẩn của họ đã chấm dứt với cuộc chiến chống với người Átxiria, việc phá hủy Samaria, và việc xóa bỏ bắc vương quốc. Hiển nhiên Hôsê thoát khỏi sự diệt chủng này, ông trốn đến Giêrusalem, ở đây các bản văn của ông được thu thập và biên soạn lại.
Hãy đọc Hôsê 2:16-23. (Một số cuốn Kinh Thánh đánh số những câu này khác nhau). Thiên Chúa gọi Ít-ra-en như Hôsê gọi Gômê trở lại. Hãy đọc Hôsê 11 về một hình ảnh khác của tình yêu Thiên Chúa, như cha mẹ với một đứa con dấu yêu.
Sách Hôsê vẫn nói về tình thương trìu mến của Thiên Chúa dành cho chúng ta và Người sẵn sàng tha thứ tội lỗi của chúng ta.
Giôen, con của Pêtuen, được dùng làm tên tác giả của sách ngôn sứ này, nhưng Kinh Thánh không nhắc đến ông ở bất cứ đâu. Theo nhiều học giả Công Giáo, có lẽ Giôen sống ở Giêrusalem và viết sách này vào khoảng 400 B.C.
Lời tiên báo của Giôen được ứng nghiệm bởi một trận dịch châu chấu, nó tàn phá hoa mầu của dân Giuđa và làm cho đời sống người dân trở nên khốn khổ (thí dụ, đọc Giôen 1:4, 16-18). Giôen nói dân Giuđa hãy ăn chay và cầu nguyện để được giảm bớt. Ông hứa rằng Thiên Chúa sẽ động lòng thương dân Giuđa và phục hồi vận mạng của họ.
Giôen thấy dịch châu chấu là dấu hiệu Ngày của Đức Chúa, là ngày Thiên Chúa sẽ xét xử mọi dân tộc. Trong ngôn ngữ khải huyền, Giôen hứa Thiên Chúa sẽ đem sự cứu độ cho những ai có lòng tin.
Hãy đọc Giôen 2:23-32, ở đây ngôn sứ này hứa Thiên Chúa sẽ tuôn đổ thần khí của Người. Thánh Phêrô, trong bài giảng vào ngày Pentecost, coi việc này như lời tiên đoán sự ngự đến của Chúa Thánh Thần trên các tông đồ (Công Vụ 2:17-21).
Giôen nhìn đến các biến cố thiên nhiên và từ đó rút ra các bài học tinh thần. Chúng ta có thể học từ ông để nhìn thấy Thiên Chúa hoạt động trong thế giới. Lời tiên đoán của ông về việc Thiên Chúa tuôn đổ thần khí nhắc nhở chúng ta hãy cầu xin để Chúa Thánh Thần chạm đến tâm hồn mọi người.
Amốt là người chăn chiên và tỉa cây ở Têcô, một thành phố cách Giêrusalem mười dặm về phía nam. Ông được Thiên Chúa mời gọi để nói lời ngôn sứ cho dân Ít-ra-en trong triều đại của Giêrôbôm II (786-746 B.C.). Đây là thời gian thịnh vượng của cả Ít-ra-en và Giuđa, nhưng cũng là thời kỳ người giầu chèn ép người nghèo.
Là một phần tử của giới lao động, đương nhiên Amốt có cảm tình với người nghèo. Sách của ông cho thấy ông có một kiểu ngôn ngữ truyền lệnh rất hay, có hình ảnh thi vị, và các biến cố đương thời. Là người chăn chiên và nông dân, ông dùng các dấu hiệu được ông cảm nghiệm trong nông trại và cánh đồng: những cỗ xe kéo nặng nề, sư tử gầm thét, đàn thú vật bị thú rừng xâu xé. Có lẽ ông là một nhân vật kỳ quái, một nông dân-mục tử từ phương nam công bố lời Chúa trước các đền thờ của vương quốc phương bắc.
Amốt bắt đầu vai trò ngôn sứ bằng lời cầu xin Thiên Chúa trừng phạt các quốc gia chung quanh Ít-ra-en. Chắc chắn điều này được sự hoan hô của người nghe. Nhưng ông thực sự vẽ ra một vòng tròn luận phạt bao quanh bắc vương quốc. Ông tiếp tục tấn công sự xa hoa và tội ác của vương quốc này trong ngôn ngữ mầu sắc, thẳng thắn. Phụ nữ của Ít-ra-en giống như “con bò của Basan” (4:1). Đàn ông của nó thì tự mãn và hư hỏng, ăn uống thừa mứa và tự bôi lên người dầu thơm đắt tiền (6:4-8). Amốt muốn sự trừng phạt của Thiên Chúa đổ trên những nam nữ này theo một phương cách mà họ không thể thoát được, “như thể người ta chạy trốn con sư tử, nhưng lại gặp một con gấu” (5:19). Ít-ra-en sẽ bị hoàn toàn phá hủy và nhà Giêrôbôm bị chặt sát gốc.
Ngôn ngữ như thế làm những người lãnh đạo Ít-ra-en điên tiết, và Amagia, vị thượng tế của ngôi đền Bêten, đã ra lệnh Amốt trở về quê ở Giuđa. Dường như Amốt đã trở về nhưng không quên lời nguyền rủa trên Amagia và Ít-ra-en (Am 7).
Hãy đọc Amốt 5:7 -- 6:8, danh sách những hình phạt được Amốt tiên đoán cho Ít-ra-en. Hãy để ý đến ngôn ngữ bốc lửa và hình ảnh mạnh bạo.
Độc giả ngày nay sẽ thấy ở Amốt một người rao giảng bốc lửa chống với sự tự mãn, bất công, và lãng quên người nghèo. Sách này nhắc nhở chúng ta rằng Ngày Phán Xét của chúng ta sẽ tùy theo cách chúng ta đối xử với người khác (Xem Mt 25:31-46).
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Sách Barúc được cho là của người thư ký của ngôn sứ Giêrêmia và được đưa vào hình thức hiện thời khoảng (721 B.C.; (b) 587 B.C.; (c) 445 B.C.; (d) 200 B.C. | |
Suy nghĩ những câu sau: 1. Sách Barúc được viết cho người Do Thái sống xa với Giêrusalem nhưng vẫn trung thành với ý tưởng thờ phượng ở đền thờ 2. Barúc 5 cho thấy tác giả đã nhìn thấy Giêrusalem như một thành được Thiên Chúa ưa thích Trong những câu này (a) cả hai đều sai; (b) 1 thì sai, 2 thì đúng; (c) 1 thì đúng, 2 thì sai; (d) cả hai đều đúng |
|
Egiêkien là một tư tế, ông đóng vai trò ngôn sứ ở (a) Assyria; (b) Babylon; (c) Giêrusalem; d) Samaria | |
Sách Êgiêkien dùng ngôn ngữ và thị kiến xa lạ để nhấn mạnh đến sự uy nghi của Thiên Chúa và sự quan trọng của phụng vụ và thờ phượng | |
Trong thị kiến sự uy nghi của Thiên Chúa, Êgiêkien không nhắc đến (a) một đám mây thật lớn; (b) bốn sinh vật sống động; (c) xương khô; (d) các bánh xe; (e) các cánh (Ez 1) | |
Thị kiến các bộ xương khô trong Egiêkien 37:1-14 tiêu biểu cho lời Thiên Chúa hứa đưa người Do Thái trở về đất Ít-ra-en | |
Sách Đanien là một tuyển chọn các câu chuyện và thông điệp khải huyền tính, và nó dạy về thực tại của đời sống vĩnh cửu (Đan 12:1-3) | |
Sách Đanien được viết để đem lại hy vọng cho người Do Thái (a) lưu đầy ở Babylon; (b) khi họ trở về sau khi lưu đầy; (c) bị bách hại bởi Antiôcút Êpiphan khoảng 165 B.C.; (d) ở Alexandria, Ai Cập, khoảng 100 B.C. | |
Đanien bị quăng vào hang sư tử vì ông (a) cầu nguyện; (b) từ chối vâng lệnh Nêbuchétnigia; (c) âm mưu chống với vua; (d) xây một tượng để vinh danh Thiên Chúa thực (Đan 6) | |
Thị kiến của Đanien 12:1-3 nhắc đến thiên thần (a) Gabrien; (b) Raphaen; (c) Micae; (d) Đanien | |
Hôsê là một ngôn sứ đã nhìn thấy lối sống bất trung của vợ mình như một khuôn khổ mà người Ít-ra-en đối xử với Thiên Chúa | |
Hôsê nói Thiên Chúa đã đưa Ít-ra-en vào hoang địa, ở đây dân chúng sẽ học cách gọi Thiên Chúa là (a) Chúa; (b) vua; (c) chồng; (d) ông chủ (Hos 2:14-20) | |
Trong hình ảnh mạnh mẽ của Hôsê 11, ngôn sứ này nói rằng Thiên Chúa yêu mến Ít-ra-en như một (a) người vợ; (b) đứa con; (c) hôn thê; (d) dân tộc | |
Ngôn sứ Giôen tiên báo một “Ngày của Đức Chúa” bởi vì (a) Aléchxăng Đại Đế; (b) người Babylon; (c) hòa bình; (d) châu chấu | |
Ngôn sứ Giôe hứa rằng Thiên Chúa sẽ tuôn đổ Thần Khí trên người Ít-ra-en mà thôi (Giôen 2:23-32; trong một số Kinh Thánh, Giôen 2:23 -- 3:5) | |
Suy nghĩ về những câu sau: 1. Amót là nông dân chăn chiên trở thành ngôn sứ, ông cảm thông với người nghèo 2. Amót đến từ Giuđa nhưng nói ngôn sứ ở Ít-ra-en. Ông được bảo hãy trở về quê bởi tư tế ở đền Betên 3. Trong Amót 5:7 -- 6:8, ngôn sứ này nói dân chúng hãy chờ đợi những ơn lành của “Ngày của Đức Chúa” Trong các câu này, (a) 1 thì sai; (b) 2 thì sai; (c) 3 thì sai; (d) tất cả đều sai; (e) tất cả đều đúng |