Lời ngôn sứ của Ôvađia là sách ngắn nhất của Cựu Ước. Đó là một tuyên bố rằng Thiên Chúa sẽ phạt Êđôm vì sự thù địch với Giuđa. Êđôm là phần lãnh thổ phía nam của Giuđa, và dân cư ở đây được nói là con cháu của Esau. Theo người Do Thái, sự thù địch sẵn có giữa Êđôm và Esau bắt nguồn từ sự tương giao bực bội giữa Esau và người em là Giacóp.
Sau khi Giêrusalem bị phá hủy bởi người Babylon, cư dân ở Êđôm đã di chuyển lên phía bắc và là mối đe dọa thường xuyên đối với người Do Thái trở về sau cuộc Lưu Đầy. Hầu hết các học giả cho rằng lời ngôn sứ của Ôvađia xuất hiện vào những năm sau khi Giêrusalem bị phá hủy. Về chính Ôvađia thì không ai biết gì.
Ngôn sứ này đã lên án Êđôm vì phản bội Giuđa và tiên đoán sự sụp đổ của nó. (Sau 450 B.C. Êđôm bị càn quét bởi các chiến sĩ bộ lạc từ Ẩ Rập).
Hãy đọc Ôvađia. Lời ngôn sứ ngắn gọn này có thể là một bài học rằng Thiên Chúa là người thống trị mọi dân tộc.
Những ai quen thuộc ít nhiều với Cựu Ước đều nghe biết về Giôna, là ngôn sứ bị một con cá lớn nuốt sống. Nhiều người phái cơ bản giải thích sách Giôna là sách sử, nhưng nhiều học giả Kinh Thánh ngày nay coi đó như một dụ ngôn tài tình.
Sách này không phải là một sưu tập các bài giảng giống như hầu hết sách ngôn sứ khác. Thật vậy, nó kể câu chuyện của “Giôna con của A-mít-tai,” là những tên được lấy từ cuốn 2 sách Các Vua 14:25. Câu chuyện này bắt đầu với việc Thiên Chúa gọi Giôna đi rao giảng trong thành Ninivê, thủ đô của một đế quốc xấu xa là Átxiria. Giôna không muốn dính dáng đến Átxiria và lên một chiếc tầu đi về hướng ngược lại, nhưng Thiên Chúa gửi đến một cơn bão lớn như muốn phá hủy con tầu. Các thủy thủ dân ngoại cầu xin với các thần thánh của họ trong khi Giôna đang ngủ. Giôna bị vạch mặt chỉ tên, và ông nhận tội là bỏ trốn Thiên Chúa. Ông yêu cầu các thủy thủ ném ông lên bờ. Sau chút do dự, họ đã thi hành, và cơn bão chấm dứt ngay lập tức.
Trong “lòng biển cả” (Gn 2:3) Giôna bị nuốt chửng bởi một con cá thật lớn và nó mang ông đến Átxiria trong một hành trình dài ba ngày, ở đây nó nhả ông lên bờ. Lần này Giôna nhất quyết vâng lời Thiên Chúa và cảnh cáo dân thành Ninivê về sự tiêu diệt sắp tới. Thật lạ lùng, nhà vua và toàn thể thành phố (kể cả thú vật) đã ăn chay và làm việc sám hối. Tuy nhiên, Giôna lại hờn giỗi và than phiền với Thiên Chúa về việc tha cho dân thành Ninivê. Thiên Chúa chỉ hỏi ông Giôna, “Ngươi bực bội có đúng không?”
Giôna tiếp tục hờn giỗi và nhất định để mắt đến Ninivê, có lẽ với hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ thay đổi ý định và quét sạch cả thành. Thay vào đó, Thiên Chúa ân cần cho mọc lên một cây thầu dầu để che nắng cho Giôna nhưng sau đó lại gửi một con sâu đến để giết chết cây này. Khi Giôna bị nóng không chịu nổi, ông than phiền rằng “thà chết còn hơn sống”. Thiên Chúa lại hỏi ông lý do nào ông nóng giận. Giôna trả lời là ông có lý do để nóng giận, “nóng giận đủ để chết.” Sau đó Thiên Chúa đặt ra một câu hỏi sau cùng, mỉa mai (đây là câu dẫn giải): “Giôna, làm thế nào ngươi bực mình về cái cây đó và không mong ta chăm sóc người dân Ninivê, hoặc ngay cả gia súc?”
Tại sao các học giả coi sách này như một dụ ngôn thay vì sách sử? Sự hoán cải của dân Ninivê thì không được lịch sử đề cập và không được nhắc đến ở bất cứ đâu trong Cựu Ước. Dĩ nhiên, Átxiria đã quét sạch Ít-ra-en vào năm 721 B.C. và không có chứng cớ là họ thờ lậy Thiên Chúa đích thực. Câu chuyện này đầy những yếu tố phi thường, tỉ như cơn bão, con cá, cây thầu dầu, con sâu, và kích thước thành Ninivê được phóng đại (“phải mất ba ngày để đi ngang qua”). Kiểu văn có dấu vết của sự mỉa mai, châm biếm và khôi hài.
Đức Giêsu có viện dẫn Giôna trong sự dậy bảo của Người (Mt 12:39-41; Lc 11:29-32), nhưng điều này không có nghĩa Giôna phải là một nhân vật lịch sử. Nói cho cùng, các người giảng thuyết ngày nay viện dẫn người con hoang đàng và người Samaritanô nhân hậu mà không hàm ý rằng đó là những nhân vật lịch sử.
Người Do Thái trở về từ cuộc lưu đầy ở Babylon, họ bị bách hại bởi các dân ngoại ở chung quanh. Đổi lại, họ phản ứng với sự thù ghét và chủ nghĩa biệt lập. Hôn nhân với ngoại bang thì bị cấm. Người Samaritan bị xa lánh. Nhiều người Do Thái cảm thấy rằng chỉ có họ là dân của Thiên Chúa. Nói cho cùng họ đã phải chịu đựng, một thái độ như thế thì có thể hiểu được. Nhưng điều đó xảy ra không phải là không có thách đố.
Đây là điểm thích hợp với sách Giôna. Nó trình bày Giôna như một đứa trẻ hư hỏng, hay hờn dỗi, muốn mọi sự xảy ra theo ý mình. Giôna đã không vâng lời Thiên Chúa. Ông ngủ say trên con tầu trong khi người ngoại giáo lại cầu nguyện. Ông than phiền khi thấy kẻ tội lỗi sám hối bởi vì ông chỉ muốn thấy họ bị trừng phạt. Ông muốn Thiên Chúa nuông chiều ông với bóng mát nhưng lại cho lửa và diêm sinh đổ xuống kẻ thù.
Người đầu tiên kể câu chuyện Giôna có lẽ khi đang ngồi trên những bậc đá của Đền Thờ Giêrusalem được xây cất lại. Chúng ta có thể hình dung ra dân chúng khi nghe câu chuyện khôi hài này, họ đã nhạo cười ngôn sứ hay càu nhàu, và bỗng dưng họ phải đối diện với câu hỏi: “Chúa ơi, con có giống như Giôna này hay không?”
Và đó cũng là điểm cho chúng ta ngày nay. Khi chúng ta đọc sách được linh ứng này, chúng ta phải tự hỏi, Tôi có giống như Giôna không? Tôi có muốn kẻ thù của tôi bị trừng phạt không? Tôi có phải là người kỳ thị chủng tộc hay theo chủ nghĩa dân tộc không?
Hãy đọc Giôna 1 -- 4. “Thánh Vịnh Tạ Ơn” trong chương hai thì được thêm vào sau này bởi một người biên soạn. Hãy bỏ qua Thánh Vịnh này để vui thích với câu chuyện như được kể từ nguyên thủy.
“Có lời Đức Chúa phán với ông Mikha, người Môresét, dưới thời các vua của Giuđa là Giôtham, Akhát và Khítkigia, mà ông đã thấy về Samari và Giêrusalem.”
Những lời này giới thiệu sách Mikha và cho biết thời điểm sáng tác, tóm lược nội dung sách, và nói với chúng ta những gì được biết về ngôn sứ Mikha. Ông bắt đầu nói lời ngôn sứ trong thời vua Giôtham của Giuđa (742-735 B.C.), khi Giuđa và Ít-ra-en gần chấm dứt một kỷ nguyên thịnh vượng lớn lao. Mikha thấy sự bất công và khai thác người nghèo đang dẫn đến việc tàn phá Giêrusalem và cả Samaria.
Môresét là một thành phố nhỏ khoảng hai mươi dặm về phía tây nam của Giêrusalem, và chắc chắn Mikha đã biết nhiều người phải đau khổ vì sự đối xử tệ hại của những người có thế lực (Mk 2). Giống như người cùng thời là Isaia, ông kinh hoàng trước sự thối nát của các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo (Mk 3). Ông biết rằng các tội ác đó sẽ dẫn đến việc phá hủy Samaria (1:6-8). Ông có thể đoán trước cả Giêrusalem cũng sẽ phải chịu một số phận như thế (1:9).
Sách Mikha được sắp xếp thành hai nhóm lời hăm dọa (1 -- 3; 6:1 -- 7:7) và hai nhóm lời hứa (4 -- 5; 7:8-20). Nhiều học giả tin rằng sự sắp xếp này là từ các người biên soạn về sau, họ cũng thêm vào một số bản văn sau khi Mikha từ trần.
Hãy đọc Mikha 5:1-4 để biết lời hứa về một mục tử-người cai trị từ dòng dõi Đavít. Trong Mátthêu 2:6, lời hứa này được cho là đang được ứng nghiệm bởi sự giáng trần của Đức Kitô. Hãy đọc Mikha 6:1-8 về một thí dụ của kiểu ngôn sứ bi tráng. Thiên Chúa đưa Ít-ra-en vào sự thử thách để nhắc nhở về những phúc lành trong cuộc Xuất Hành. Ít-ra-en phải khiêm tốn để thấy rằng Thiên Chúa không muốn hy lễ, nhất là dùng con người làm tế vật của tôn giáo ngoại bang. Thật vậy, Thiên Chúa kêu gọi sự công bằng, thiện hảo, và bước đi gần gũi với Thiên Chúa.
Mikha nhắc nhở chúng ta về việc Thiên Chúa lưu tâm đến người nghèo. Ông dậy chúng ta hãy vinh danh Thiên Chúa bằng đời sống chính trực cũng như sự thờ phượng cách xứng hợp.
Átxiria là tai họa của vùng Trung Đông trong ba trăm năm. Các quân lính tàn nhẫn của dân tộc này cướp phá những phần đất từ Ai Cập đến Ấn Độ. Họ chuyên về khủng bố. Các thành phố bị san bằng và bị đốt cháy, quân lính bị cọc nhọn đâm thâu qua; những cái xác không đầu của đàn ông, đàn bà, và trẻ em chất thành đống; xương người chất thành gò trên những đổ nát ở bên ngoài các tường thành. Những người sống sót thì trần truồng và bị lôi đi từ chỗ này sang chỗ khác để bán làm nô lệ hay tệ hơn nữa.
Thật không ngạc nhiên khi Ninivê, thủ đô của đế quốc khủng khiếp này, bắt đầu sụp đổ dưới sự tấn công vây hãm của người Babylon và Ba Tư, những tiếng hò reo đã vang dậy khắp thế giới. “Sách thị kiến của Nakhum ở Encốt” là một trong những tiếng reo hò đó. Với chúng ta, dường như đó là một bài ca báo thù, nhưng nó vang vọng niềm tin của người Do Thái rằng sự tàn bạo phải bị Thiên Chúa trừng phạt. Nakhum nhìn thấy án lệnh sau cùng của Thiên Chúa trong việc phá hủy thành Ninivê năm 612 B.C. Ông đã nhìn thấy một hy vọng cho Giêrusalem được sự chăm sóc của Thiên Chúa. Không may, sự phá hủy Giêrusalem bởi người Babylon thì cũng không xa. Niềm hy vọng ấy phải được duy trì qua thời kỳ khó khăn của cuộc Lưu Đầy ở Babylon.
Các học giả coi Nakhum là một trong những thi sĩ có tài năng của Cựu Ước. Ngay cả trong văn dịch, những lời của ông có một sức mạnh bi tráng và sống động lạ thường:
Kìa tiếng roi vun vút, tiếng bánh xe ầm ầm,
vó ngựa phi dồn dập, xe trận nhảy chồm lên.
Kỵ binh xông ra đánh, gươm vung loang loáng, kiếm bay lập loè, thương vong nhiều vô kể, nạn nhân chất thành đống, tử thi nằm la liệt, người ta đạp lên trên (Nk 3:2-3).
Hãy đọc Nakhum 2, một bài thơ diễn tả sự sụp đổ của Ninivê. Đoạn này dậy chúng ta rằng những vinh hiển vĩ đại của thế gian, nếu không được xây trên nền tảng lời Chúa, chắc chắn nó sẽ tiêu tan.
Sách Khabacúc trả lời những câu hỏi xưa như trái đất. Tại sao Thiên Chúa cho phép có sự dữ? Tại sao người vô tội phải đau khổ dưới tay kẻ độc ác? Khabacúc là một ngôn sứ ở Giuđa. Sứ vụ của ông xảy ra trong khoảng thời gian sau sự xụp đổ của Átxiria năm 612 B.C. và trước khi Giêrusalem bị phá hủy năm 587 B.C.
Ông thấy rằng người Babylon (Canđê), họ đã từng quét sạch Ninivê, bây giờ sẽ tiến về Giuđa. Ông kinh sợ sự dữ và sự thống khổ của chiến tranh, và vì thế ông đưa Thiên Chúa vào cuộc chiến.
Trước hết, Khabacúc kêu gào với Thiên Chúa về tình cảnh khổ sở và hung bạo ở chung quanh. Tại sao? (1:2-5). Thiên Chúa trả lời rằng Babylon được nâng lên để trừng phạt kẻ độc ác (1:5-11). Dường như Khabacúc không hài lòng và đặt vấn đề với Thiên Chúa về việc kẻ độc ác vẫn tiếp tục đàn áp người vô tội (1:12 -- 2:1). Thiên Chúa đáp lời, “Nhưng người công chính sống bởi đức tin của họ,” và Người tiếp tục với sự luận phạt người bất chính và thờ tà thần (2:2-20). Sách kết thúc với bài hát ca tụng, có lẽ được một người biên soạn thêm vào sau này.
Hãy đọc Khabacúc 1:12 -- 2:4 để thấy Khabacúc than phiền Thiên Chúa rằng dường như sự dữ thắng sự thiện, và câu trả lời của Thiên Chúa.
Có lẽ Khabacúc không nhận ra ẩn ý trọn vẹn của câu người công chính sống bởi đức tin. Chúng ta, những người được khai sáng bởi Chúa Giêsu, biết rằng trong khi người công chính có thể bị đau khổ vì đối xử tệ hại, như Đức Kitô đã bị, họ sẽ sống… muôn đời!
Xôphônia sống trong thời vua Giôsia của Giuđa (640-609 B.C.). Cha của Giôsia, Amôn, và ông nội, Manátxê, từng thờ phượng các thần ngoại giáo và liên minh với người Átxiria bằng cách nộp triều cống và cung cấp binh lính. Amôn bị ám sát năm 640 khi Giôsia mới tám tuổi. Sau đó những nhà cải cách đã hướng dẫn ông vua trẻ này, họ được hỗ trợ bởi Xôphônia và các người lãnh đạo tinh thần khác.
Xôphônia giận dữ chống việc thờ thần ngoại giáo của các vua tội lỗi, ông cảnh cáo họ về ngày của Đức Chúa. Ngày này sẽ là ngày phán xét và trừng phạt (Xp 1). Ông kết án các dân tộc đã đàn áp người Do Thái và tìm cách cản trở mục đích của Thiên Chúa (Xp 2). Ông quở trách Giêrusalem vì tội ác của thành nhưng hứa rằng một ít người còn lại sẽ trung thành và sẽ tìm thấy sự phục hồi và bình an (Xp 3).
Hãy đọc Xôphônia 3:14-20, một đoạn ngôn sứ thật đẹp về ngày Thiên Chúa gần gũi với dân trung tín của Người. Những câu từ sấm ngôn này được lập lại trong Luca 1. Khi chúng ta đọc những câu này, chúng ta nghĩ về Đức Giêsu là Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
Xôphônia dậy rằng sống chính trực và trung tín thì tuyệt đối cần thiết. Ông tiên báo sự ngự đến của Đức Giêsu, bậc thầy của sự chính trực.
Các ngôn sứ đã rất đúng khi cảnh cáo rằng Giêrusalem sẽ bị phá hủy vì bất trung với Thiên Chúa. Giêrusalem đã bị tàn phá bởi người Babylon năm 587 B.C., và hàng ngàn người sống sót phải lưu đầy đến Babylonia. Sau đó Xirút người Ba Tư đã chinh phục Babylon năm 539 B.C. và mời người Do Thái trở về Giêrusalem. Khi nhiều người trở về, họ bị ngập tràn những khó khăn. Họ khởi sự xây dựng lại Đền Thờ nhưng chỉ có thể đặt được nền móng.
Khoảng 520 B.C., một nhóm người Do Thái thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Giêrubaben, một hoàng tử dòng dõi Đavít, đã từ giã Babylon để về Giêrusalem. Không lâu sau khi nhóm này đến nơi, có lời Chúa phán với ngôn sứ Khácgai. Kết quả là Khácgai khích lệ Giêrubaben, tổng đốc, và Giôsua, thượng tế, hãy xây lại Đền Thờ. Ông khích lệ và cổ vũ (1:1 -- 2:9), và loại trừ những ai dâng lễ vật không tinh sạch (2:10-14). Khácgai hứa rằng Thiên Chúa sẽ ban thưởng những phúc lành và sự giầu có nhất (2:15-23). Công việc được khởi sự, và vào năm 515 B.C., Đền Thờ mới được hoàn tất.
Hãy đọc Khácgai 2:1-9 để nghe ngôn sứ này khích lệ Giêrubaben, Giôsua, và dân Do Thái.
Chúng ta tìm thấy trong sách Khácgai một động cơ thúc đẩy và sự cổ vũ khi chúng ta cần đương đầu với những việc khó khăn.
Sách Dacaria có hai phần. Phần thứ nhất (1 -- 8) xuất phát từ ngôn sứ Dacaria, là người cùng với Khácgai, khích lệ người Do Thái năm 520 B.C. hãy xây lại Đền Thờ. Phần thứ hai (9 -- 14) được viết bởi các tác giả vô danh sau khoảng hai trăm năm.
Trong khi Khácgai dùng ngôn ngữ giản dị, Dacaria lại gửi đi thông điệp chính yếu qua những thị kiến có tính cách tiên báo. Ông dậy cần phải tử tế, có lòng thương người, và công bằng xã hội. Ông đã nhìn thấy trước một ngày bình an thịnh vượng cho Giêrusalem.
Phần thứ hai của sách Dacaria gồm những lời ngôn sứ, chuyện ngụ ngôn, và các thị kiến với nhiều điều thật khó hiểu. Động lực chính cho phần này là niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ cứu dân Do Thái bằng cách gửi đến một đấng cứu độ. Các chương này có một hương vị khải huyền mạnh mẽ, mà chúng có thể phản ảnh sự bách hại dưới thời các lãnh chúa Ai Cập và Xêluxít.
Hãy đọc Dacaria 8:1-8, một sấm ngôn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho Giêrusalem và một viễn ảnh bình an. Hãy đọc Dacaria 9:9-10, một tiên báo về đấng Mêsia. Tất cả bốn phúc âm diễn tả lời tiên báo này được ứng nghiệm khi Đức Kitô vào thành Giêrusalem trong Chúa Nhật Lễ Lá.
Độc giả ngày nay sẽ thấy sách này khó hiểu như bất cứ cuốn nào trong Cựu Ước. Tuy nhiên, các đoạn về Mêsia lại sáng sủa vì chúng được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu Kitô.
“Malachi” có nghĩa “sứ giả của tôi”, một số học giả nghĩ rằng Malakhi là một danh xưng hơn là một tên riêng. Tác giả sáng tác cuốn này trong khoảng thời gian sau khi xây lại Đền Thờ năm 515 B.C. và trước khi Nơkhêmia thi hành sứ vụ năm 445 B.C.
Vào lúc này sinh hoạt cộng đồng người Do Thái ở vùng Giêrusalem ngày càng trì trệ. Những hy vọng của các ngôn sứ Khácgai và Dacaria thì chưa được thể hiện. Các tư tế là những người lãnh đạo cộng đồng nhưng họ chểnh mảng nhiệm vụ. Đời sống gia đình ở mức thấp nhất bởi vì các ông Do Thái ly dị vợ và lấy người ngoại bang. Những lạm dụng đó được tác giả sách Malakhi nhận thấy là nó sẽ dẫn đến sự tan vỡ cộng đồng. Được Thiên Chúa linh ứng, ông viết ra lời ngôn sứ này để nhắc người dân hãy trung thành với giao ước.
Tác giả trông nhờ nhiều vào dụng cụ văn hóa là sự đối thoại. Ông miêu tả Thiên Chúa đi vào cuộc đối thoại với dân Giuđa và các tư tế, kết án họ là thờ phượng không thành tâm, phá vỡ đức tin khi kết hôn với người ngoại giáo, và bất công. Thiên Chúa hứa sẽ gửi đến “sứ giả của ta để chuẩn bị con đường cho ta” (3:1). Trong ngày của Đức Chúa, Thiên Chúa sẽ trừng phạt kẻ tội lỗi và thưởng người trung tín.
Hiển nhiên, sách Malakhi đã giúp Nơkhêmia và Ét-ra trong việc cải tổ cộng đồng Do Thái. Dưới thời những người lãnh đạo này có một nỗ lực chân thành để củng cố các mối giây gia đình, giúp người dân trung thành với giao ước của Thiên Chúa. Nếu có, chiều hướng sau 450 B.C. là hướng về một chủ nghĩa dân tộc quá đáng, nó cần được quân bình bởi nhận thức rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Chúng ta nhận thấy sự nhận thức này trong sách Giôna và ngay cả trong Malakhi, ở đây Thiên Chúa nói, “danh ta thật vĩ đại giữa các dân tộc” (1:11).
Hãy đọc Malakhi 2:10 -- 3:1, một đối thoại mạnh mẽ chống lại việc phá vỡ gia đình, và Thiên Chúa hứa rằng một sứ giả sẽ chuẩn bị con đường cho Đức Chúa đến. Hãy đọc hai câu sau cùng của Malakhi (4:4-5 trong một số Kinh Thánh, 3:23-24 trong một số khác). Đây là những câu kết thúc Cựu Ước. “Sứ giả” của Malakhi 3:1 và “Êligia” trong những câu này được các tác giả Tân Ước giải thích là ám chỉ đến Gioan Tẩy Giả.
Chúng ta biết Gioan đã chuẩn bị con đường cho Đức Giêsu Kitô. Lễ vật được mọi dân tộc dâng lên, được nói trong Malakhi 1:11, thường được giải thích là ám chỉ đến Thánh Thể, và ngày nay chúng ta có thể chia sẻ trong lễ vật ấy. Malakhi không phải là sách sau cùng của Cựu Ước được viết xuống, nhưng nó được xếp sau bốn mươi sáu cuốn sách. Thật thích hợp, nó nhìn lại “giao ước của tổ tiên chúng ta” (2:10), nó nhìn đến trước việc chu toàn giao ước này. Thật vậy, nó chuẩn bị con đường cho Đức Kitô.
Chính yếu, các ngôn sứ nói với những người đương thời của họ. Nhưng họ có một cái nhìn về tương lai, một hy vọng nơi Thiên Chúa. Amốt cầu xin Thiên Chúa sẽ dựng lại cái lều suy sụp của Đavít (9:11). Hôsê tiên báo một hôn nhân mới giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en (3:16-25). Isaia mong đợi sự ngự đến của Immanuel (7-9). Mikha nói về một Đavít mới xuất phát từ Bêlem (5:1-4). Giêrêmia công bố một giao ước mới (31). Malakhi hứa một người sẽ đến để chuẩn bị con đường (3).
Về lâu dài, các ngôn sứ kế tiếp sứ vụ của nhau là những người nói thay cho Thiên Chúa. Ít-ra-en không bao giờ thực sự từ bỏ Thiên Chúa. Ít-ra-en không bao giờ mất hy vọng về sự ngự đến của một Mêsia. Ở đó luôn luôn có những người vẫn trung thành với Thiên Chúa, một tàn dư trung tín. Khi đấng Mêsia, Đức Giêsu Kitô đến, Người vẫn thấy có những người Ít-ra-en sẵn sàng chấp nhận Người và tin vào Người.
Những Câu Hỏi để Thảo Luận và Suy Nghĩ Nếu bạn có thể phỏng vấn một trong các ngôn sứ, người đó sẽ là ai? Tại sao? Bạn sẽ hỏi những câu nào? Trước đây, Kitô Hữu có khuynh hướng tin rằng các ngôn sứ đã có một hình ảnh rõ ràng về chi tiết cuộc đời của Đức Kitô (tỉ như nhìn thấy chúng qua một quả cầu pha lê). Bây giờ, các học giả thích nói về chủ nghĩa mêsia hơn, đó là hy vọng Thiên Chúa sẽ can thiệp vào lịch sử qua một đấng cứu độ. Kitô Hữu tin rằng niềm hy vọng đó đã được chu toàn chỉ bởi Đức Giêsu Kitô và thật vậy nó đã được chu toàn bởi Người. Bạn có thay đổi các ý tưởng về vai trò ngôn sứ trong Cựu Ước qua việc học hỏi này và về các ngôn sứ không? Nếu có, như thế nào? Ngày nay có các ngôn sứ không? Theo nghĩa nào? Bạn có phải là một ngôn sứ không? Bạn có nên không? Đôi khi người ta đặt câu hỏi: “Tại sao Thiên Chúa thiết lập các lề luật và ngày lễ trong Cựu Ước rồi bỗng dưng thay đổi các kế hoạch với Đức Giêsu?” Thiên Chúa không bỗng dưng thay đổi hoạch định. Thiên Chúa đã có một kế hoạch để cứu độ chúng ta: Cựu Ước dẫn đến Tân Ước và được hoàn tất bởi nó (xem Mt 5:17). Bạn có thể giải thích điều này qua sự nghiên cứu Cựu Ước không? Sinh Hoạt
Hãy viết xuống những tội mà các ngôn sứ đã tố cáo nếu bạn có thể nhớ. Sau đó hãy viết xuống những tội này như được thấy trong xã hội chúng ta ngày nay (thí dụ, thờ tà thần có thể tìm thấy trong thế giới ngày nay với chủ nghĩa duy vật quá đáng). Trong cầu nguyện, hãy xin Thiên Chúa tha thứ cho thế giới chúng ta; hãy cầu xin cho mọi người có thể noi gương công bằng và chính trực của Thiên Chúa. |
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Ngôn sứ Ôvađia (Obadiah) coi dân ở Êđôm như thể họ là Esau và coi người Ít-ra-en như thể họ là Giacóp; ông tiên báo sự suy sụp của nhà Esau và sự phục hồi của nhà Giacóp | |
Bản văn khẳng định rằng bên dưới câu chuyện Giôna là biến cố lịch sử của một ngôn sứ thực sự sống sót sau ba ngày trong bụng cá lớn | |
Sách Giôna chính yếu chống với tội (a) chểnh mảng thờ phượng; (b) chèn ép người nghèo; (c) dân tộc chủ nghĩa ích kỷ; (d) sự ly dị | |
Sách Mikha (Micah) chính yếu chống với tội (a) chểnh mảng thờ phượng; (b) chèn ép người nghèo; (c) dân tộc chủ nghĩa ích kỷ; (d) sự ly dị | |
Suy nghĩ những câu sau: 1. Mikha 5:1-4 hứa rằng một người chăn chiên cầm quyền sẽ đến từ Galilê 2. Mikha 6:1-8 nói Thiên Chúa thử thách Ít-ra-en, và nhắc đến Môsê, Aaron, và Miriam Trong những câu này: (a) 1 thì đúng, 2 thì sai; (b) cả hai đều đúng; (c) cả hai đều sai; (d) 1 thì sai, 2 thì đúng |
|
Ngôn sứ Nakhum (Nahum) vang vọng niềm tin của người Do Thái là sự tàn bạo sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt | |
Nakhum 2 trình bày vua của Átxiria như một (a) con rắn; (b) con gấu; (c) con sư tử; (d) con rồng | |
Khabacúc (Habakkuk) là một ngôn sứ đã đặt câu hỏi với Thiên Chúa vì sự đau khổ mà ông biết sẽ đổ xuống Giêrusalem. Câu trả lời của Thiên Chúa bao gồm nguyên tắc là người công chính sống bởi đức tin (Kha 1:12 -- 2:4) | |
Ngôn sứ Xôphônia (Zephaniah) là một ngôn sứ hỗ trợ việc cải cách được bắt đầu bởi vua (a) Giôsia; (b) Manátxê; (c) Amon; (d) Hêgiêkia | |
Trong Zephaniah 3:14-20, ngôn sứ này nói người Do Thái hãy hân hoan vì tất cả những lý do sau đây, ngoại trừ: (a) Babylon bị tiêu diệt; (b) Thiên Chúa ở giữa họ; (c) Thiên Chúa lấy đi sự phán xét khỏi họ; (d) Thiên Chúa sẽ hân hoan với họ | |
Ngôn sứ Khácgai (Haggai) khích lệ người Do Thái xây lại Đền Thờ với lời hứa rằng Thiên Chúa sẽ làm cho nó lộng lẫy hơn Đền cũ (Khag 2:1-9) | |
Một ngôn sứ, cùng với Hácgai, thúc giục dân Do Thái hãy trở về từ nơi lưu đầy để xây lại Đền Thờ là (a) Zephaniah (Xôphônia); (b) Hêgiêkien; (c) Malaki; (d) Dacaria (Zechariah) | |
Trong Dacaria 8:1-8, ngôn sứ này được thị kiến về Giêrusalem là nơi mọi người sẽ trẻ muôn đời | |
Trong Dacaria 9:9-10, ngôn sứ này tiên báo đấng cứu thế sẽ đến Giêrusalem như một ông vua chiến thắng, cưỡi trên một con ngựa chiến hùng mạnh | |
Ngôn sứ Malakhi (Malaki) kết án việc ly dị như một điều Thiên Chúa ghét bỏ và ông hứa rằng Thiên Chúa sẽ sai “Ngôn sứ Êligia” đến để hướng tâm hồn các người cha về con cái và tâm hồn con cái về các người cha (Mal 2:10 -- 3:1; 4:4-5 hoặc trong một số Kinh Thánh 3:23-24) | |
Về lâu dài, các ngôn sứ đã thành công trong nhiệm vụ của mình là những người nói thay cho Thiên Chúa. |