Sách Thánh Vịnh là một sưu tầm 150 bài cầu nguyện trong hình thức thi ca tiếng Hebrew. Được biên soạn sau thời Lưu Đầy từ những sưu tầm ban đầu, sách được tổng hợp thành năm cuốn theo kiểu Ngũ Kinh.
Các Thánh Vịnh được viết xuống ở nhiều thời điểm khác nhau. Bài xưa nhất có từ thời vua Đavít trị vì, và gần đây nhất là thế kỷ thứ tư B.C. Hơn một nửa các Thánh Vịnh được gán cho Đavít. Có lẽ ông không viết tất cả các thánh vịnh này, nhưng ông là người sáng lập truyền thuyết thánh vịnh Do Thái Giáo và chắc chắn đã viết một số. Các Thánh Vịnh khác được gán cho các cá nhân như ông Môsê hay các nhóm như Kôrahai, có lẽ là những người hát thánh vịnh trong Đền Thờ.
Nhiều Thánh Vịnh có phần giới thiệu nhắc đến tác giả, loại nhạc đệm, đề nghị âm điệu, những tham khảo lịch sử, và thông tin khác.
Các Thánh Vịnh đề cập đến mọi cảm xúc và hoàn cảnh con người, và thay đổi theo kiểu cách, độ dài, và cách tiếp cận. Một số dành cho loại cầu nguyện chung, nhất là trong Đền Thờ, số khác dành cho cá nhân. Các học giả đưa ra nhiều phân loại Thánh Vịnh. Trong đó là: chúc tụng (104), than van riêng (51), than van chung (90), trông cậy (23), cảm tạ (98), trung thành (20), phụng vụ (134), đi rước (122), lịch sử (78), đấng cứu thế (2), và sự khôn ngoan (1).
Các Thánh Vịnh được sáng tác cách đây trên hai ngàn năm cho người Do Thái. Tuy vậy thánh vịnh được sử dụng để cầu nguyện bởi các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi, quốc gia, và văn hóa, và vẫn còn phổ thông ngày nay. Thánh Vịnh giúp chúng ta diễn tả nhiều cảm xúc khác nhau để dâng lên Thiên Chúa. Các Thánh Vịnh có cách diễn tả tổng quát nên chúng cho phép chúng ta đặt hoàn cảnh của mình vào khung cảnh của chúng. Các Thánh Vịnh đưa chúng ta vào cộng đồng tín hữu mà họ đã từng cầu nguyện bằng thánh vịnh qua nhiều thế kỷ. Như thế, chúng ta đứng trước Thiên Chúa không chỉ như cá nhân đơn độc nhưng là phần tử của một gia đình cùng cầu nguyện cho chúng ta và với chúng ta ngày nay.
Một cách tốt đẹp để dùng Thánh Vịnh cho riêng mình là hãy đọc hết tất cả, rồi lập danh sách những bài lôi cuốn nhất để cầu nguyện và suy nghĩ. Khi cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, điều hữu ích là đưa chúng vào hoàn cảnh riêng của chúng ta. Thí dụ, TV 23 sẽ có ý nghĩa khi chúng ta đọc trước khi khởi hành một chuyến đi, và lúc khác, chúng ta cầu nguyện bằng Thánh Vịnh trong khi chờ đợi kết quả một cuộc thử nghiệm y khoa.
Thánh Vịnh có thể là lời cầu thay nguyện giúp mạnh mẽ, nhất là khi chúng ta cầu cho người khác như thể chúng ta là người đó. Thí dụ, khi đọc TV 6, có thể chúng ta không cảm được sự khốn khổ và đau đớn được viết trong Thánh Vịnh này, nhưng hãy nghĩ về một người bạn đang phải đau khổ và hãy đọc thánh vịnh này thay cho người bạn đó mà qua sự cầu nguyện của chúng ta, họ có thể được ơn Chúa chạm đến.
Dĩ nhiên, các Thánh Vịnh có trước sự giảng dậy của Chúa Giêsu, và chúng có giới hạn. Một số phản ánh tinh thần báo thù: “Ôi lậy Chúa, hãy bẻ gẫy răng trong miệng chúng nó” (Tv 58:6), và một tinh thần độc ác: “Gái Ba-by-lon hỡi, đồ trời tru đất diệt! Phúc thay ai đối xử với mi, như mi đã đối xử với ta! Phúc thay người bắt những con thơ của mi mà đem đập vào đá!” (Tv 137:8-9). Một số Thánh Vịnh rất hay, như TV 139, nhưng có những đoạn không phù hợp với sự tha thứ của Chúa Kitô (câu 19-22). Chúng ta có thể bỏ qua các Thánh Vịnh và những đoạn không thích hợp khi cầu nguyện, thay vào đó chỉ chú ý đến những gì phản ánh tình cảm của tâm hồn chúng ta và theo sát gương cầu nguyện của Chúa Giêsu.
Hãy đọc Thánh Vịnh 1 là những phản ảnh với các chủ đề chung trong các sách Khôn Ngoan khác. Hãy đọc Thánh Vịnh 90, một suy tư buồn sầu về sự ngắn ngủi của đời sống và là một thí dụ điển hình về sự than van chung. Hãy đọc Thánh Vịnh 104, một sự ca tụng Thiên Chúa đấng Tạo Hóa. Hãy đọc Thánh Vịnh 150, một tụng ca ngợi khen để kết thúc sách Thánh Vịnh.
Sách Châm Ngôn có tên này từ câu đầu tiên của sách: “Các châm ngôn của Sôlômon, con của Đavít”. Sôlômon không phải là tác giả thực sự của sách này, mà nó được biên tập từ biết bao lời nói của các hiền nhân được thu thập từ trước. Tuy nhiên, ông là “quan thầy” của truyền thuyết Khôn Ngoan Do Thái.
Một số phần của sách Châm Ngôn đã có từ thời cổ Ai Cập và những lời của người Mêsôpôtamia, sau đó được các hiền nhân Do Thái sửa đổi để thích hợp dậy dỗ người trẻ. Các phần khác là từ những sưu tầm của các thầy giáo để dậy học trò trong triều đình hay tại trường riêng của họ. Vào khoảng năm 500 B.C., các bài này và những lời khác được chọn lọc thành Sách Châm Ngôn bởi một hiền nhân vô danh.
Phần lớn cuốn sách gồm những lời ngâm nga và các châm ngôn rời rạc không liên hệ với nhau. Có một vài phần đưa ra các đề tài theo kiểu có thứ tự, thí dụ, “Người Vợ Đảm Đang” (Cn 31:10-31). Nhiều châm ngôn để ứng xử với khôn ngoan thế tục và các tiểu tiết trần tục của đời sống hàng ngày, nhưng bên dưới mọi châm ngôn là nền tảng của niềm tin tôn giáo: “Kính sợ Đức Chúa là khởi đầu sự hiểu biết” (Cn 1:7).
Hãy đọc Châm Ngôn 1:1-7 để biết phần dẫn nhập. Hãy đọc Châm Ngôn 15 như một bài mẫu. Bạn có thể tìm kiếm ba kiểu thơ văn Hebrew được nói đến ở trên, thí dụ, câu 1 dùng sự tương phản, câu 3 dùng kiểu xây dựng, và câu 10 dùng sự lập lại. Hãy lướt qua sách này, bạn sẽ tìm thấy nhiều châm ngôn sắc bén và dễ nhớ.
Một trong những đặc điểm đáng kinh ngạc của Kinh Thánh là sự chân thành đối diện với nỗi bất hạnh của đời sống. Có những lúc chúng ta cảm thấy hoang mang, chán nản, ngay cả tuyệt vọng. Sách Giảng Viên đề cập đến những thời điểm đó. Nó cho thấy sự sợ hãi, nghi ngờ, e ngại, và tâm tình ảm đạm của chúng ta không làm Thiên Chúa xa cách chúng ta.
Sách Giảng Viên được viết khoảng ba trăm năm trước thời Đức Kitô do một hiền nhân Do Thái được gọi là Côhêlê (Qoheleth), có nghĩa “thầy dậy”. Côhêlê hiển nhiên là một người lớn tuổi đã dành nhiều thời giờ trong cuộc đời để dậy bảo người khác. Khi năm tháng trôi qua, ông bắt đầu thấy con người thì khờ dại và vô ích trong sự hiện hữu của mình. Đời sống dường như ít ý nghĩa vì cuối cùng nó dẫn đến nấm mồ. Ngay cả người sống lâu nhất cũng qua đi mau chóng và nằm trong nấm mồ, ông nghĩ, tất cả đều giống nhau: chết và không còn gì.
Côhêlê khước từ những câu trả lời dễ dàng của các thế hệ trước. Người tốt lành thường không được hạnh phúc, và người độc ác thường không bị phạt. Đời sống dường như xoay chuyển, chẳng hướng về đâu. Mọi sự tốt lành -- kiến thức, tình yêu, giầu có, bạn hữu -- đều trôi qua. Càng nghĩ về chúng ông càng thêm phiền muộn.
Những suy tư của Côhêlê rất giống của chúng ta khi nản lòng. Chúng ta thấy những điều thay đổi cách này, cách khác. Có khi một ý tưởng thì có nghĩa; lúc khác nó trở thành vô nghĩa. Truyền thuyết khôn ngoan dường như đem lại một giải pháp nhưng sau đó lại bị thoái thác. Những ý tưởng và tâm tình trái ngược dồn dập trên chúng ta như sóng vỗ vào bờ. Các khó khăn dường như lớn hơn các giải pháp.
Nhưng khi sách Giảng Viên không mấy vui để đọc, nó lại kích thích sự suy nghĩ. Sách dậy rằng loài người chúng ta không thể đạt được hạnh phúc lâu dài hoặc tìm thấy ý nghĩa đích thực nếu chỉ dựa vào tiềm năng của chúng ta. Lời khuyên tốt nhất của Côhêlê cho độc giả là hãy sống một cuộc đời đạo đức, quân bình mà không mong đợi quá nhiều hạnh phúc. Nói cho cùng, sách Giảng Viên là một tập hợp câu hỏi cần được trả lời.
May mắn thay, những câu trả lời đó được Đức Giêsu Kitô cung cấp. Chúng ta khám phá ra giá trị thực của sách Giảng Viên trong điều này: sách minh chứng rằng chỉ có Chúa Kitô mới có thể đem lại sự khôn ngoan mà chúng ta cần.
Hãy đọc Giảng Viên 3, nó bao gồm những suy nghĩ lừng danh về yếu tố thời gian và muôn vàn thắc mắc sẽ được Chúa Giêsu trả lời. Thí dụ, Côhêlê nhận xét rằng Thiên Chúa “đã đặt một cảm nhận về quá khứ và tương lai” vào tâm hồn chúng ta, nhưng Côhêlê không thể giải thích tại sao. Tuy nhiên, Chúa Giêsu có thể. Người cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã đặt một cảm nhận về quá khứ và tương lai vào tâm hồn chúng ta vì chúng ta được dựng nên để sống đời đời.
Nếu bạn thực sự muốn chán nản (!), hãy đọc Giảng Viên 12:1-8, nó kết thúc bằng những suy tư của Côhêlê với một bài thơ dễ nhớ về tuổi già và điệp khúc lập đi lập lại, “Phù vân của những phù vân…tất cả là phù vân!” Các câu 9-14 dường như là đoạn kết được một văn sĩ khác thêm vào khi ông này hiểu theo Côhêlê là đừng đưa những câu trả lời dễ cho các câu hỏi khó. Ông thêm vào một câu mà đối với ông dường như là lời khuyên tốt nhất cho các khó khăn mà Côhêlê đưa ra: “Hãy kính sợ Thiên Chúa, và hãy giữ các giới răn của Người; vì đó là toàn thể nhiệm vụ của tất cả mọi người” (12:13).
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Sách Thánh Vịnh là một tuyển chọn 150 bài cầu nguyện trong hình thức bài thơ của người Do Thái | |
Người sáng lập truyền thuyết Thánh Vịnh là (a) Môsê; (b) Solomon; (c) Aaron; (d) Đavít | |
Thánh Vịnh vẫn phổ thông ngày nay vì tất cả các lý do sau, ngoại trừ: (a) có những chữ để diễn tả tâm tình của chúng ta; (b) đưa chúng ta vào cộng đồng tín hữu; (c) vần điệu của chúng thì dễ chuyển dịch; (d) tổng quát cùng một sắc thái | |
Vì Thánh Vịnh được linh ứng, chúng ta chỉ nên đọc chúng theo ý nghĩa được tác giả nguyên thủy ấn định và không nên thích ứng chúng với hoàn cảnh của chúng ta | |
Tuy Thánh VỊnh được linh ứng, một số bài bày tỏ những ý tưởng trái với sự dạy dỗ của Chúa Giêsu | |
Thánh Vịnh 1 so sánh những người tìm thấy niềm vui trong lề luật của Thiên Chúa với (a) Đavít; (b) Solomon; (c) cái cây ; (d) hương trầm | |
Theo Thánh Vịnh 90, với Thiên Chúa, một ngàn năm giống như (a) một giây lát; (b) một năm; (c) đời đời; (d) hôm qua | |
Thánh Vịnh 104 chúc tụng Thiên Chúa vừa là Tạo Hóa và vừa là Đấng duy trì mọi tạo vật được hiện hữu | |
Thánh Vịnh 150 khuyên chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa với giọng nói của chúng ta nhưng không nhắc đến các nhạc cụ | |
Sách Châm Ngôn cho rằng tác giả của sách là “quan thầy” của truyền thuyết Khôn Ngoan Do Thái, có thể nói đó là, (a) Môsê; (b) Solomon; (c) Aaron; (d) Đavít | |
Phần lớn nội dung của sách Châm Ngôn có từ thời sau 500 B.C. | |
Nhiều câu trong sách Châm Ngôn đối phó với sự khôn ngoan người đời và các chi tiết trần tục của đời sống hàng ngày | |
Theo Châm Ngôn 1, khởi đầu sự khôn ngoan là (a) học hỏi; (b) kính sợ Thiên Chúa; (c) một thầy dạy khôn ngoan; (d) triết lý | |
Châm Ngôn 15 dạy tất cả những điều sau, ngoại trừ (a) Thiên Chúa thấy mọi sự; (b) lời cầu của người tốt làm vui lòng Thiên Chúa; (c) kính sợ Thiên Chúa đem đến sự khôn ngoan; (d) giầu sang đem lại niềm vui | |
Một trong những đặc điểm nổi bật của Kinh Thánh là sự thành thật đương đầu với khía cạnh khó chịu của đời sống | |
Côhêlê (thầy dạy), tác giả của sách Giảng Viên, đã nhìn thấy cuộc đời trần thế không nhiều ý nghĩa, nhưng ông được an ủi bởi sự đảm bảo của đời sống vĩnh cửu | |
Sách Giảng Viên, cũng như sách Châm Ngôn, dạy bảo rằng truyền thuyết khôn ngoan là câu trả lời cho những vấn nạn của đời sống | |
Sách Giảng Viên khuyên độc giả hãy có một đời sống phù hợp luân lý, quân bình, và đừng mong đợi quá nhiều hạnh phúc | |
Câu trả lời cho những trở ngại của đời sống mà sách Giảng Viên đề ra thì thực sự được tìm thấy trong (a) Văn Học Khôn Ngoan khác; (b) chương cuối cùng của sách Giảng Viên; (c) Đức Giêsu Kitô; (d) Ngũ Thư | |
Giảng Viên 3 dạy rằng con người và thú vật thì khác nhau, vì con người sống sau khi chết và con vật thì không |