Chúng ta không biết nhiều về cộng đồng Do Thái từ thời Ét-ra đến những cuộc bách hại tôn giáo năm 167 B.C. Chúng ta biết rằng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, các bức tường đá được dựng lại bởi Nơkhêmia và luật do Ét-ra công bố đã đem lại cho Do Thái Giáo sự ổn định và sức mạnh cần thiết để sống còn trong vài thế kỷ của những thay đổi và hỗn loạn.
Người Ba Tư tiếp tục cai trị đế quốc rộng lớn trong gần hết thế kỷ thứ tư. Nhưng năm 336 B.C. một hoàng tử hai mươi tuổi của Maxêđônia (ngày nay là Hy Lạp) tên là Aléchxăng Đại Đế bắt đầu những chiến dịch quân sự ngoạn mục trong lịch sử. Khi cha ông bị ám sát, Aléchxăng nắm quyền kiểm soát quân đội và bắt đầu chinh phục thế giới. Sau khi chinh phục các nước Hy Lạp, ông đánh bại đạo quân Ba Tư, sau đó băng qua miền Giuđa và Samaria và chế ngự Ai Cập. Ông bỏ qua Giêrusalem, tiêu diệt Samaria, và đặt toàn vùng dưới quyền kiểm soát của ông. Kế đến, ông quét qua phía đông trong một cuộc hành quân, nó chấm dứt bằng sự thảm bại của đạo quân Ấn Độ hùng mạnh. Bấy giờ Aléchxăng mới trở về nhà nhưng ông đã chết vì bệnh sốt rét ở Babylon khi mới ba mươi hai tuổi.
Sau khi ông từ trần, các tướng của Aléchxăng bắt đầu tranh giành đế quốc của ông. Antôdinút ở Tiểu Á có mưu đồ trên Giuđa và các quốc gia khác ở phía đông Địa Trung Hải, cũng như Ptôlêmy Lagi người Ai Cập. Giuđa (bây giờ được gọi là Giuđêa) bị trao tay giữa hai người này cho đến khi Antôdinút bị bại trận ở Íp-su (Tiểu Á) năm 301 B.C. Trong một thỏa ước hòa bình sau cuộc chiến, Giuđêa được ban cho một tướng khác của Aléchxăng là Sêlucút Nicatô, là người đã nắm quyền kiểm soát một phần trên khu vực từ Hy Lạp cho đến Ai Cập. Tuy nhiên Ptôlêmi người Ai Cập cho rằng Palestine (Giuđêa, Samaria, và Galilê) là của ông, và trong hơn một thế kỷ vùng này bị tranh giành bởi những người kế vị Ptôlêmi cũng như kế vị Sêlucút.
Alécxăng Đại Đế đã để lại dấu tích của ông trên những người kế vị Ptôlêmi cũng như kế vị Sêlucút. Dấu tích đó là văn hóa cổ Hy Lạp (Hellenism), là sự lan tràn văn hóa, ngôn ngữ, nghệ thuật, triết lý, và tôn giáo Hy Lạp trong các phần đất mà ông đã chinh phục. Hậu quả là các nhà lãnh đạo dân sự tìm cách Hy Lạp hóa các nước đã chinh phục như một cách để thống nhất. Nhiều người Do Thái coi văn hóa Hy Lạp như một đe dọa đối với tôn giáo và quốc gia của mình, và không lâu đã có những chia rẽ giữa những người Do Thái tẩy chay Hy Lạp và những người chấp nhận nó.
Năm 198 B.C., người của Sêlucút chiếm thế thượng phong trên người Ptôlêmi, nhưng không lâu, một thế lực mới ở Địa Trung Hải là Rôma đã buộc họ phải từ bỏ phần lớn lãnh thổ bên ngoài Syria và Palestine. Trong khoảng ba mươi năm, bị áp lực bởi người Rôma, người Sêlucút cho phép người Do Thái được tự trị dưới thẩm quyền của vị thượng tế.
Nhưng năm 167 B.C., nhà cai trị Sêlucút là Antiôkút IV (còn được gọi là Antiôkút Êpiphanê), trong nỗ lực kết hợp các nước bị chinh phục, ông đã ép buộc các nước này phải chấp nhận văn hóa Hy Lạp, và cấm Do Thái Giáo. Những thực hành của Do Thái Giáo như cắt bì, giữ ngày Sabát, và những cấm đoán thực phẩm đều bị coi là phạm pháp. Một tượng thần Hy Lạp là Dút (Zeus) được đặt trong Đền Thờ Giêrusalem và mọi người Do Thái được lệnh phải thờ thần Dút. Những ai từ chối đều bị hành quyết một cách tàn nhẫn: đàn ông, đàn bà, và trẻ con bị tra tấn và bị giết chết.
Khi đại diện của Antiôkút đến làng Do Thái ở Môđin, cách Giêrusalem khoảng hai mươi dặm, một tư tế tên là Máttathi đã giết chết ông này và khởi sự cuộc nổi dậy. Với năm người con trai, ông trốn trong các đồi gần đó và không lâu được sự gia nhập của những người Do Thái yêu nước, kể cả những người Hasiđin, là tiền thân của những người Pharisêu. Máttathi bổ nhiệm con trai là Giuđa Macabê làm người lãnh đạo nhóm yêu nước này. Sau khi người cha từ trần năm 166 B.C., Giuđa đã thành công trong chiến dịch đánh du kích chống với các lãnh chúa Sêlucút. Dần dà Giuđa thực hiện được nhiều cuộc tấn công bất ngờ vào các đạo quân người Syria, gây nên những thiệt hại đáng kể. Vào tháng Mười Hai 164 B.C., Giuđa tiến vào Giêrusalem và tái thánh hiến Đền Thờ, đó là một biến cố kể được người Do Thái ăn mừng trong ngày lễ Hanuka.
Sau đó không lâu, Antiôkút từ trần, và thủ đô Antiôkia của người Syria đã trở nên một lò lửa những âm mưu khi các phần tử khác nhau tranh giành ngôi báu. Giuđa tiếp tục tranh đấu giành độc lập cho Do Thái, ngay cả liên minh với Rôma. Năm 161 B.C., ông đạt được một chiến thắng lẫy lừng khi quét sạch một đạo binh do tướng Nicanô, người Syrian, dẫn đầu. Nhưng cùng năm đó, Giuđa bị giết và quân của ông bị đánh tan tác bởi một đạo quân lớn hơn nhiều do một tướng Syria cầm đầu là Báckiđê. Các lực lượng du kích phải lẩn trốn, dần dà được vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Giônatan, em ông Giuđa.
Năm 156 B.C., Giônatan dẫn quân tấn công Syria, và, sau trận chiến khốc liệt, Báckiđê quyết định thương thuyết. Giônatan tiến vào Giêrusalem như một người lãnh đạo chính trị và tôn giáo của dân. Khi các âm mưu vẫn tiếp tục trong giới chỉ huy cao cấp người Syria, Giônatan đã khéo léo đạt được sự nhượng bộ từng bước một. Nhưng năm 143 B.C. ông bị giết bởi một tướng Syria là Triphô, và Simon, em ông Giônatan đã lên thay thế ông.
Năm kế tiếp, Simon dành được sự độc lập chính trị cho Giuđêa và được dân chúng nhìn nhận là thượng tế và nhà cai trị dân sự. Như thế đã mở đầu một triều đại mới, lấy tên là Hátmônin theo tên một chi tộc của tư tế Máttathi xưa. Simon lãnh đạo Giuđêa cho đến năm 134 B.C., khi ông bị ám sát bởi chính con rể của mình là Ptôlêmi, một đặc công của người Syria. Con của Simon là Gioan Hicanút, đảm nhận chức thượng tế và bị vây hãm bởi người Syria ở Giêrusalem. Sự vây hãm chấm dứt trong vòng một năm khi chính quyền Syria xụp đổ.
Gioan Hicanút mau chóng mở rộng bờ cõi Do Thái, chiếm Samaria ở phương bắc và Iđumê ở phương nam. Cái chết của ông năm 104 B.C. được theo sau bởi những năm hỗn loạn khi giới quý tộc Hy Lạp, người Xađusê, tranh giành với người Pharisêu, một giáo phái nhất định tuân giữ lề luật Do Thái thật nghiêm ngặt. Năm 90 B.C. một cuộc nội chiến đã xảy ra, và hàng ngàn người đã mất mạng trong chín năm xung đột khi người Pharisêu tìm cách lật đổ Alécxăng Giannê, là thượng tế và vua. Sau cùng, Giannê và người Xađuxê chiến thắng. Trong một lễ mừng chiến thắng, người ta nói rằng Giannê tổ chức ăn tiệc với các thê thiếp của ông và xem cảnh đóng đinh của tám trăm người Pharisêu, là những người từ trên thập giá phải nhìn thấy cảnh vợ con mình bị sát hại. Trong những năm tiếp đó, Giannê đã mở rộng bờ cõi Giuđêa hầu như đến hết giới hạn của vương quốc Đavít. Ông chết năm 76 B.C. và được nối ngôi cầm quyền bởi người vợ góa, Salômê Alécxăngđra, con ông là Hicanút II trở thành thượng tế.
Chín năm thịnh vượng theo sau, nhưng khi Salômê chết, con trai là Aríttôbulút nổi lên chống Hicanút. Cuộc xung đột chỉ lắng đọng khi quân đội Rôma, dưới thời Pômpêi, đi vào cuộc đấu tranh, bao vây Giêrusalem, lúc ấy dưới sự kiểm soát của Aríttôbulút. Năm 63 B.C., các tường thành Giêrusalem bị phá thủng và Giuđêa trở nên quốc gia chư hầu của Rôma. Sự xung đột dân sự lẻ tẻ và các trận chiến với Rôma tiếp tục cho đến khi một người Iđumê tên là Hêrốt, với sự hỗ trợ của nhà cầm quyền Rôma, đã nắm quyền kiểm soát sau một cuộc chiến đẫm máu với Giuđêa và Giêrusalem. Năm 37 B.C. Hêrốt được người Rôma nhìn nhận là Vua của Giuđêa, Samaria, Galilê, Pêrê, và Iđumê.
Với sự hỗ trợ của người Rôma và với lợi tức từ tiền thuế trong thời kỳ thịnh vượng, Hêrốt bắt tay vào chương trình xây cất rộng rãi. Ông củng cố và phục hồi Giêrusalem, xây một dinh thự sang trọng, và dựng Đền Thờ là công trình kiến trúc phi thường của thời đại. Ông xây lại Samaria và các đồn lũy cùng các thành mới trong toàn thể địa hạt của ông. Ông tổ chức chính quyền thành lực lượng công an có hiệu quả, nhưng nhiều người Do Thái phẫn uất, họ coi ông như người nước ngoài tiếm ngôi. Ông độc ác và tàn nhẫn với những người chống đối, ông bị hoang tưởng về mối đe dọa cướp ngôi đến độ ông đã hành quyết nhiều người, trong đó có chính vợ, mẹ vợ, và ba con trai của ông. Ông từ trần khoảng 4 B.C., không lâu sau khi Đức Giêsu ra đời. (Xem giải thích ngày sinh của Đức Kitô).
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Alexander Đại Đế cai trị một lãnh thổ từ Hy Lạp đến Ấn Độ nhưng không tấn công Giêrusalem hay Samaria | |
Sau khi Alexander Đại Đế từ trần hơn một thế kỷ, Palestine bị tranh giành bởi các người kế vị Ptolemy ở Ai Cập, và các người kế vị Sêlucút Nicatô. | |
Alexander cố gắng áp đặt các truyền thống Hy Lạp trên các văn hóa khác, điều này được gọi là (a) chủ nghĩa Ptolemi; (b) chủ nghĩa Seleucid; (c) chủ nghĩa Hellen; (d) chủ nghĩa Antiokia. | |
Trong cuộc nổi dậy của người Macabê chống với sự bách hại của người Syria năm 167 B.C., các lực lượng người Do Thái được lãnh đạo bởi bốn phần tử của dòng họ Macabê. Thứ tự chính xác của bốn người lãnh đạo này là (a) Simon, Giuđa, Giônatan, Máttathi; (b) Máttathi, Giônatan, Giuđa, Simon; (c) Giuđa, Giônatan, Simon, Máttathi; (d) Máttathi, Giuđa, Giônathan, Simon. | |
Người Do Thái cử hành việc Giuđa Macabê tái thánh hiến Đền Thờ Giêrusalem vào năm 164 B.C. trong ngày lễ (a) Purim; (b) Yom Kippur; (c) Hanukkah; (d) Sukkoth; (e) Pesach. | |
Khi người Do Thái dành được sự độc lập vào năm 142 B.C., một triều đại được thành hình, có tên (a) Hasiđin; (b) Hátmônin; (c) Xađucê; (d) Giuđêa. | |
Bắt đầu từ năm 90 B.C., người Pharisêu khởi sự cuộc nội chiến chống với thượng tế Alécxăng Giannê, và các đồng minh của ông, giới quý tộc Xađusê. | |
Trong thế kỷ thứ nhất B.C., Giuđêa mở rộng bờ cõi cho đến gần hết giới hạn của vương quốc Đavít, nhưng sau đó trở nên một chư hầu cho Rôma năm 63 B.C. |