Các thế kỷ nhiều xáo trộn sau thời lưu đầy là nền tảng cho ba cuốn sách được tìm thấy sau cuốn Nơkhemia trong Kinh Thánh Công Giáo của chúng ta ngày nay -- sách Tôbia, Giuđitha, và Ét-te. Dù được xếp vào các sách sử, những sách này thích hợp hơn để xếp vào loại tiểu thuyết tôn giáo sử.
Các tiểu thuyết sử là những sách kể các câu chuyện về những nhân vật giả tưởng được đặt trong khung cảnh của các biến cố lịch sử có thật. Các sách như thế có thể giúp chúng ta hiểu biết quá khứ vì gợi lên một ý thức về đời sống xưa và sự đồng cảm với người trong quá khứ theo một phương cách mà sử gia không thể làm được, nhờ vào cảm nghiệm các biến cố lịch sử qua đôi mắt và tâm trí của người trong cuộc.
Các tiểu thuyết sử nêu rõ các vấn đề siêu nhiên và thông điệp tinh thần, và như vậy các sách Tôbia, Giuđitha, và Ét-te có giá trị đặc biệt. Các sách này còn có đặc điểm là phi thời gian, nó nối từ kỷ nguyên này sang kỷ nguyên kia. Thí dụ, trong sách Ét-te, người hùng Môđêkai được nói là đã bị trục xuất sang Babylon năm 597 B.C., nhưng ông vẫn sống trong thời trị vị của Xécxê người Ba Tư (485-463 B.C.). Trong sách Giuđitha, Nêbuchétnigia (là vua của Babylon trong thời Giêrusalem sụp đổ) được nói là vua của Átxiria và gây chiến với Giuđa sau khi trở về từ cuộc lưu đầy! Tính cách phi thời gian và các yếu tố khác của các sách này cho thấy ý định của các tác giả là vượt qua giới hạn lịch sử, chứ không làm thành các tài liệu học thuật.
Theo nhiều học giả, sách Tôbít được viết vào thế kỷ thứ hai B.C. cho người Do Thái đang phải đương đầu với vấn đề là họ có nên thích nghi với phong tục Hy Lạp của thế giới chung quanh hay không. Đó là một câu chuyện hấp dẫn về ông Tôbít, một người Do Thái trung thành bị lưu đầy ở Átxiria. Tôbít thờ phượng Thiên Chúa và giúp đỡ người lân cận đến độ nguy hiểm đến tính mạng của ông. Vì mệt mỏi bởi những thử thách và bị mù, ông xin Thiên Chúa cho ông chết, sau đó ông sai con trai là Tôbia đến Mêđia để thu góp một số tiền lớn. Ở Mêđia, Sara, một phụ nữ trẻ, cũng xin được chết vì bà đã kết hôn đến bảy lần, và mỗi lần chồng bà đều bị một con quỷ giết chết vào đêm tân hôn. Thiên Chúa sai thiên thần Raphaen tháp tùng Tôbia trong cuộc hành trình. Raphaen dẫn dắt Tôbia đến nơi an toàn, giúp hôn nhân giữa Tôbia và Sara được thành công, lấy được số tiền, sau đó chữa cho ông Tôbít khỏi bị mù.
Câu chuyện này có ý dậy rằng người Do Thái tốt lành thì phải trung thành với lề luật và truyền thống của tổ tiên. Như thế, ông Tôbít nêu gương các nhân đức kính trọng Thiên Chúa, tận tâm với công việc đền thờ, yêu mến gia đình, sống bác ái, cầu nguyện, bố thí, và ăn chay. Tôbia và Sara biểu lộ đức tin, lòng đạo đức, và tình yêu hôn nhân. Các lời dậy rút ra từ Tôbít và Raphaen thì thực sự nhắm đến người đọc sách này. Trong khung cảnh của câu chuyện, các lời này rất hấp dẫn và thích thú. Ngay cả ngày nay, chúng ta có thể được ích lợi từ các lý tưởng tốt đẹp minh họa qua các nhân vật và lời đối thoại trong sách này.
Hãy đọc Tôbít 4 về cách dậy con trai của ông Tôbít để chuẩn bị cho cuộc hành trình đến Mêđi, và có thể được coi là giáo huấn để chuẩn bị độc giả cho hành trình cuộc đời. Bạn có thể đọc toàn thể câu chuyện này cũng như các câu chuyện của Giuđitha và Ét-te sau đó. Chúng ngắn, hấp dẫn, và thú vị.
Trong câu chuyện đầy mầu sắc này, Nêbuchétnigia được trình bày như vua của Átxiria, đã sai tướng của mình, ông Hôlôphơnê, dẫn 132,000 quân đến tấn công Giuđa. Những kẻ thù này tượng trưng cho các lực lượng thù địch với người dân của Chúa, và họ vây hãm người Do Thái ở Bêtulia, một thành phố tưởng tượng được nói là ở phía bắc Giêrusalem. Khi hoàn cảnh có vẻ tuyệt vọng cho người Do Thái, Giuđitha (tên này có nghĩa “nữ Do Thái”) lẻn vào trại lính của quân thù, lừa được Hôlôphơnê với nhan sắc của mình, và trong một bữa tiệc kín đáo đã làm ông này say rượu trong lều riêng, sau đó cắt đầu ông. Quân lính hoảng hốt khi tìm thấy xác không đầu của vị thủ lãnh. Họ bỏ chạy, nhưng bị người Do Thái đuổi theo và sát hại.
Câu chuyện có lẽ được viết trước khi hay trong thời Macabê để đem lại hy vọng cho người Do Thái, họ đang bị bách hại bởi triều đại Sêluxít. Bài học từ câu chuyện là Thiên Chúa có thể giải thoát tín hữu trung tín khỏi sự tệ hại nếu họ tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và tuân giữ lề luật. Chúng ta, những người đọc câu chuyện này trong những hoàn cảnh lịch sử khác biệt, cũng có thể được ích lợi từ sự cương quyết tin tưởng vào Thiên Chúa.
Hãy đọc Giuđitha 8 về phần giới thiệu người nữ anh hùng của câu chuyện. Hãy để ý cách bà khích lệ dân chúng hãy trung thành với lề luật và hãy nhận biết quyền năng của Thiên Chúa để giải thoát họ. Những lời này trực tiếp nói với người Do Thái ở hoàn cảnh bị bách hại bởi Sêluxít vì họ tuân giữ lề luật.
Có thể hiểu cuốn sách mang tên người nữ anh hùng này là một sự khoa trương để người Do Thái có một cơ hội ăn mừng sự sống sót qua các thời kỳ. Tác giả, một người Do Thái vô danh sáng tác sau thế kỷ thứ tư B.C., kể câu chuyện này như một giải thích cho ngày lễ Pu-rim.
Câu chuyện được dựng trong thời Vua Ahaxêrút (Xéchxê I, 485-464 B.C.) của Ba Tư. Ahaxêrút không hài lòng với Hoàng Hậu Vát-ti và thay thế bà bằng một người nữ Do Thái xinh đẹp, là bà Ét-te (cả hai bà này không thấy trong lịch sử). Môđêkai, một người Do Thái đạo đức và là chú của Ét-te, không hài lòng với Haman độc ác, một viên chức cao cấp của Ahaxêrút, và Haman âm mưu để ông Môđêkai và mọi người Do Thái trong đế quốc bị hành quyết chỉ trong một ngày. Âm mưu bị thất bại vì Ét-te can thiệp cho dân của mình. Haman bị treo cổ trên chính máy chém mà ông đã chuẩn bị cho Môđêkai. Môđêkai được nâng lên chức vị của Haman trước đây. Người Do Thái được phép giết hại 75,000 quân thù.
Nghe có vẻ khủng khiếp, nhưng đó chỉ là một câu chuyện. Xuôi dòng lịch sử, nó là lý do nhiều người mừng lễ Pu-rim, là một cơ hội vui chơi và thảm kịch hóa câu chuyện Ét-te, với những lời chúc mừng Môđêkai và lời nhạo báng Haman.
Người Do Thái ăn mừng sự sống sót và sự chăm sóc quan phòng của Thiên Chúa với câu chuyện Ét-te và lễ Pu-rim. Chúng ta, các tín hữu Kitô có thể đọc chuyện Ét-te để nhớ đến sự bảo vệ từ Thiên Chúa. Chúng ta có thể coi câu chuyện như hình bóng sự chiến thắng quỉ dữ của Chúa Kitô. Chúng ta có thể hân hoan khi Chúa Kitô lật đổ Satan qua chiến thắng sự dữ trên thập giá. Chúng ta có thể ăn mừng sự chiến thắng của Chúa Kitô trên sức mạnh của tội lỗi và sự chết và sự sa sút của yêu tinh đồng lõa với Satan. Sự dẫn giải này không phải là ý định của tác giả, dĩ nhiên, nhưng nó là một lý do chúng ta có thể thêm vào để vui mừng!
Hãy đọc Ét-te 7 về việc lật đổ Haman. Hãy đọc Ét-te 9:20-28 về sự liên quan giữa câu chuyện Ét-te với lễ Pu-rim.
Tên sách Macabê 1 và 2 xuất phát từ tên vị lãnh đạo các lực lượng du kích Do Thái chống Sêluxít, ông Giuđa Macabê. Macabê có nghĩa “cây búa”, và tên này cũng được áp dụng cho dòng họ và những người theo ông Giuđa.
Cuốn một Macabê được một người Do Thái ở Palestine viết bằng tiếng Hebrew khoảng năm 100 B.C. Nó cung cấp nhiều dữ kiện lịch sử đáng tin cậy, gồm những ghi nhận chiến thắng và thất bại của người Do Thái. Tác giả viện dẫn một số tài liệu chính thức và rất chính xác với thời gian và địa điểm ở Palestine. Tuy thế, sách Macabê cuốn một là lịch sử cứu độ và quan tâm nhiều nhất đến đời sống tôn giáo của dân Do Thái và sự tương giao với Thiên Chúa.
Sách Macabê cuốn một mở đầu với sự hồi tưởng ngắn về cuộc đời Aléchxăng Đại Đế, sau đó đi sang triều đại của Antiôkút Êpiphanê và việc ông bách hại người Do Thái (1 Mcb 1). Kế đến nó diễn tả cuộc nổi dậy được bắt đầu với Máttathi và các cuộc chiến của Giuđa Macabê chống lại người Sêluxít. Cao điểm sự nghiệp của Giuđa, việc tái thánh hiến Đền Thờ, tiếp theo là cái chết của ông trong trận chiến (2 -- 8). Sau đó sách kể lại sự nghiệp của em trai ông Giuđa, là Giônatan và cũng là người kế vị ông, kể cả những nỗ lực thành công của ông này khi chống lại người Sêluxít và đồng minh của họ là người Do Thái theo văn hóa Hy Lạp. Không may, Giônatan đặt tin tưởng vào một viên tướng người Syria, Tryphô, và bị giết bởi ông này (9 -- 12). Sau cùng, sách Macabê cuốn 1 cho biết làm thế nào Simon, người con trai út của Máttathi, dành được độc lập cho Giuđêa và trở nên thượng tế và người lãnh đạo dân sự. Sau vụ ám sát Simon, ông được kế vị bởi người con trai, Gioan Hicanút. Sách kết thúc với phần tóm lược triều đại của Gioan (13 -- 16).
Hãy đọc 1 Macabê 2 về sự khởi đầu cuộc nổi dậy của người Macabê dưới thời Máttathi. Hãy đọc 1 Macabê 4 về tường thuật vài chiến thắng của Giuđa và việc ông tái thánh hiến Đền Thờ Giêrusalem. Hãy đọc 1 Macabê 16 về cái chết của người em út của Macabê và khởi đầu một kỷ nguyên mới dưới thời Gioan Hicanút.
Độc giả ngày nay đọc Macabê cuốn 1 có thể biết được nhiều về Palestine ở thế kỷ thứ hai B.C. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn đến các bài học tinh thần ở đây. Có lẽ chúng ta không phải chịu những bách hại như người Do Thái, nhưng giống như họ, chúng ta cũng phải lựa chọn. Họ phải quyết định xem có nên chấp nhận các quy tắc của văn hóa Hy Lạp hay những quy tắc của Thiên Chúa của Abraham. Chúng ta cũng phải quyết định xem có nên chấp nhận các quy tắc của xã hội đời hay các quy tắc của Chúa Giêsu Kitô.
Cuốn hai sách Macabê thì không phải là phần tiếp theo Macabê cuốn một. Nó được một tác giả viết bằng một ngôn ngữ khác (Hy Lạp) vào khoảng 100 B.C. ở một địa điểm có lẽ ở Aléchxăngđria, Ai Cập. Nó có tiêu điểm hẹp hơn, bao trùm các biến cố từ những năm cuối của thượng tế Ônia, khoảng 180 B.C., cho đến khi ông Giuđa đánh bại Nicano năm 161 B.C. Thay vì kể lại các sự kiện lịch sử, nó có khuynh hướng đưa ra những giải thích thần học cho các biến cố lịch sử. Nó tô điểm các biến cố này với các chi tiết huyền thoại, các bài phát biểu để mở mang trí óc, và những diễn tả về các cuộc bách hại kinh khủng và sự trừng phạt của Thiên Chúa. Sách có khuynh hướng đổ lỗi cho những người Do Thái phản bội đi theo văn hóa Hy Lạp về những đau khổ đổ xuống những ai trung thành với Ngũ Kinh. Mục đích của sách là gợi lên sự thông cảm với các nạn nhân bị bách hại, để thuyết phục độc giả về sự chăm sóc và quan phòng của Thiên Chúa vào những lúc tệ hại nhất, để xác định địa điểm thích hợp của Đền Thờ Giêrusalem như nơi thờ phượng cách chính thống, và để trình bày các quan niệm về phần thưởng và hình phạt đời đời.
Sách Macabê cuốn hai bắt đầu với một vài lá thư có liên quan đến Đền Thờ Giêrusalem và ngày lễ Hanuka, gồm phần nói đầu của tác giả khi giải thích rằng ông đang tóm lược một công trình khác của Giaxon ở Xairin (1 -- 2). Tiếp theo là một tường thuật các cuộc tấn công vào Đền Thờ trong thời kỳ của thượng tế Ônia (2 Mcb 3). Kế đến là sự bách hại người Do Thái và sự xúc phạm đến Đền Thờ của những người Do Thái theo văn hóa Hy Lạp và sự diễn tả những người Sêluxít cầm quyền (4 -- 7). Phần còn lại của sách nói về các chiến dịch của Giuđa Macabê chống với các đạo quân của Sêluxít và các đồng minh (8 -- 15).
Hãy đọc 2 Macabê 2:19-32 về lời nói đầu của tác giả. Hãy để ý sách này được hoàn thành với cái giá là “mồ hôi và sự mất ngủ” và tác giả ám chỉ đến sự dài dòng nhận xét của ông một cách tự nhiên. Hãy đọc 2 Macabê 7, một thí dụ về cách diễn tả các chi tiết khủng khiếp của sự tử đạo dưới thời Sêluxít. Bất kể nội dung lịch sử nào đằng sau câu chuyện này, trong các bài nói của các vị tử đạo, nó thận trọng dậy rằng thà chết còn hơn vi phạm lề luật vì Chúa ban sự sống đời đời cho những ai trung thành đến cùng. Hãy đọc 2 Macabê 12:38-46, nó cho thấy phong tục của người Do Thái về việc cầu nguyện cho người chết trước thời Đức Kitô tối thiểu một thế kỷ. Đoạn này là nền tảng Kinh Thánh cho giáo lý Công Giáo về luyện ngục và sự cầu nguyện cho người qua đời.
Khi chúng ta đọc Macabê cuốn 2, chúng ta được khích lệ hãy yêu quý lề luật của Thiên Chúa và nơi thờ phượng. Chúng ta suy nghĩ về niềm tin vào sự sống đời đời. Chúng ta biết rằng khi cầu nguyện cho người qua đời, chúng ta trở nên một với các tổ tiên tinh thần anh dũng như ông Giuđa Macabê và dự phần vào một truyền thống đã kéo dài hơn hai ngàn năm.
Khi đọc các sách sử của Cựu Ước, nhiều người khiếp đảm về những gì họ đọc. Trong các sách này, họ thấy mọi tội lỗi đều có thể, mọi yếu đuối của con người, mọi thảm kịch, mọi sa ngã. Họ mong đợi sự thật và sự mỹ miều trong câu truyện về sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người.
Nhưng Cựu Ước nói lên bản chất của sách. Cựu Ước trình bày sự thật và sự mỹ miều phát sinh từ tình yêu sáng tạo và sự trung tín muôn đời của Thiên Chúa. Nó trình bày sự thật và sự mỹ miều trong cách đáp trả của những người có lòng tin lớn lao như ông Abraham và bà Rút. Nhưng nó không đem lại một chân dung đã bị sửa đổi. Nó cho thấy nhân loại mà không có Thiên Chúa thì dễ bị thảm họa và tàn lụi. Các sách sử chứng tỏ chúng ta cần được cứu độ. Sách dạy chúng ta rằng sự cứu độ phải đến từ Thiên Chúa, và Đấng Cứu Độ phải là Thiên Chúa.
Những Câu Hỏi để Thảo Luận và Suy Tư Trong những người bạn gặp trong các sách sử của Cựu Ước, bạn ưa thích những ai? Nếu bạn có thể chọn một kỷ nguyên trong lịch sử Cựu Ước để sống, đó là kỷ nguyên nào? Tại sao? Bạn có muốn bây giờ giống như kỷ nguyên đó không? Trong Cựu Ước có quãng thời gian nào đẹp hơn bây giờ không? Trong hai chương cuối, chúng ta học hỏi về các biến cố trong một ngàn ba trăm năm. Bạn có thể kể ra một biến cố chính và một nhân vật chính từ lịch sử Do Thái của từng thế kỷ trong mười ba thế kỷ này trước thời Đức Kitô không? Bạn có thể nhớ để kể tên các sách sử không? Từ mỗi cuốn sách này bạn có thể đưa ra một bài học thực tế cho độc giả ngày nay không? Bạn có nghĩ là việc học hỏi các sách sử sẽ giúp bạn được ích lợi hơn khi nghe những bài đọc trong Thánh Lễ không? Sự giúp đỡ này có giúp bạn phát triển về tinh thần không? Theo các phương cách nào? Sinh Hoạt Hãy lập một gia phả, kể tên các tổ tiên tinh thần tốt nhất mà bạn được gặp trong các sách sử của Cựu Ước. Với mỗi người trong gia phả này, hãy kể ra một đức tính của người ấy mà bạn muốn có được. Sau đó dành một vài phút để cầu nguyện. Hãy cảm ơn Chúa vì những đức tính tốt lành của các tổ tiên tinh thần của chúng ta, và xin Chúa giúp bạn hãy bắt chước các đức tính ấy trong đời sống hàng ngày. |
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Các sách Tôbít, Giuđitha, và Étte có thể được xếp vào loại tiểu thuyết tôn giáo sử chứ không phải lịch sử. | |
Trong khi các câu chuyện của Tôbít, Giuđitha và Étte đề cập nhiều đến Assyria và Babylon, các sách này thực sự được viết xuống cho những người Do Thái sống vào thời sau khi các đế quốc này sụp đổ. | |
Sách Tôbít, Giuđitha và Étte cho chúng ta biết ngày tháng chính xác của những biến cố then chốt và nhân vật quan trọng trong lịch sử. | |
Sách Tôbít nêu gương các nhân đức sau ngoại trừ (a) hết lòng thờ phượng trong Đền Thờ; (b) tôn kính Thiên Chúa; (c) yêu quý gia đình; (d) sẵn sàng đón nhận người ngoại quốc. | |
Trong Tôbít 4, Tôbít sai con đến Mêđia để có được (a) tiền; (b) vợ; (c) công việc làm; (d) a và b. | |
Sách Giuđitha được viết để đem lại hy vọng cho người Do Thái lưu đầy ở Babylon | |
Giuđitha hứa với các người cầm quyền Do Thái (a) Thiên Chúa sẽ làm cho mưa xuống; (b) Thiên Chúa sẽ giải thoát Ít-ra-en; (c) bà sẽ tiết lộ kế hoạch của bà trước khi rời Bêtulia; (d) không có gì (Giuđitha 8) | |
Câu chuyện Étte được dựng trong khung cảnh ở (a) Babylon; (b) Mêđia; (c) Ba Tư; (d) Giuđêa | |
Sách Étte liên quan đến ngày lễ (a) Purim; (b) Yom Kippur; (c) Hanukkah; (d) Sukkoh; (e) Pesach | |
Chúng ta có thể coi sách Étte như một hình ảnh tiên báo về sự chiến thắng Satan của Đức Giêsu tuy tác giả không có ý định này | |
Môđêkai, kẻ thù của người Do Thái, bị treo cổ trên một máy chém mà ông đã chuẩn bị cho Haman (Ette 7) | |
Theo Étte 9, người Do Thái ăn mừng sự chiến thắng các kẻ thù với tất cả những điều sau, ngoại trừ: (a) lễ hội; (b) quà cho người nghèo; (c) gửi quà tặng là thực phẩm; (d) ăn chay. | |
Tựa đề cho cuốn 1 và 2 Macabê xuất phát từ tên của người lãnh đạo các lực lượng du kích chống Xêlucít là Giuđa Macabê. Macabê có nghĩa (a) cây kiếm; (b) cái búa; (c) khiên thuẫn; (d) sự chiến thắng. | |
Hãy suy nghĩ những câu sau: 1). Cuốn một và hai Macabê được viết bằng tiếng Hebrew bởi cùng một tác giả vào khoảng năm 100 B.C. 2) Cuốn hai Macabê thì đáng tin cậy hơn cuốn một về chi tiết lịch sử Những câu này thì (a) cả hai đều đúng; (b) cả hai đều sai; (c) câu 1 sai, câu 2 đúng; (d) câu 1 đúng, câu 2 sai. |
|
Giuđa, Giônatan, và Simon Macabê đều có cái chết bi thảm. | |
Người đầu tiên bị giết bởi Mattathi khi ông bắt đầu cuộc nổi dậy là một (a) viên chức hoàng gia; (b) gián điệp; (c) người lính; (d) một người dâng lễ vật (1 Mac 2). | |
Tất cả những hành động sau là đặc điểm cuộc nổi dậy của Macabê, ngoại trừ (a) từ chối không đánh nhau ngày Sabát; (b) đạp đổ các bàn thờ ngoại giáo; (c) tấn công kẻ thù; (d) cắt bì các trẻ nam Do Thái (1 Macc 2). | |
Tuy đạo binh của Giuđa ít hơn, ông đã đánh bại các lực lượng được dẫn đầu bởi Gorgias và Lysias, sau đó tái thánh hiến Đền Thờ ở Giêrusalem (1 Macc 4). | |
Simon Macabê bị giết bởi (a) Trypho; (b) con rể, Ptolemy; (c) lính Syria; (d) Cendebeus (1 Macc 16). | |
Hãy suy nghĩ những câu sau: 1) Như người Macabê, chúng ta đối diện với sự lựa chọn giữa việc chấp nhận các nguyên tắc của trần tục hoặc những quy tắc dựa trên đức tin tôn giáo. 2) Cuốn 2 Macabê diễn tả các biến cố lịch sử sau những năm được đề cập bởi cuốn 1 Macabê 3) Cuốn 2 Macabê có ý định khích lệ độc giả hãy khoan dung với người Do Thái trung thành với Lề Luật và cả những ai chấp nhận ảnh hưởng của Hy Lạp. Trong những câu này: (a) tất cả đều đúng; (b) tất cả sai; (c) câu 1 sai; (d) câu 1 và 2 sai; (e) câu 2 và 3 sai |
|
Trong lời nói đầu, tác giả của 2 Macabê diễn tả tất cả những điều sau, ngoại trừ (a) nguồn của ông; (b) ông muốn cung cấp một bài đơn giản; (c) ông chắc chắn được Thiên Chúa linh ứng; (d) đổ mồ hôi và mất ngủ (2 Macc 2) | |
Hãy suy nghĩ những câu sau: 1) Trong cảnh tử đạo của 2 Macabê 7, chỉ có một trong các anh em nói lên niềm tin vào sự sống đời đời 2) Có chứng có rõ ràng trong 2 Macabê 12 rằng người Do Thái cầu cho người chết trước khi Đức Kitô giáng trần 3) Giáo lý Công Giáo về sự sống đời đời, cầu cho người chết, và sự hiện diện của luyện ngục thì có nền tảng trong 2 Macabê Trong những câu này: (a) câu 1 đúng; (b) câu 1 và 2 đúng; (c) câu 2 và 3 đúng; (d) tất cả đều đúng; (e) tất cả sai |
|
Các sách sử trong Cựu Ước cho chúng ta thấy sự dữ cũng như sự tốt lành trong dân chúng và nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cần được cứu độ của loài người |