Phương pháp bối cảnh đối với Kinh Thánh thì không từ chối chân lý của Kinh Thánh. Giáo Hội Công Giáo dậy rằng Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh. Đây là điều muốn nói về sự linh ứng Kinh Thánh. “Mọi sách thánh thì được linh ứng bởi Thiên Chúa và hữu ích để dậy bảo, để khiển trách, để sửa sai, và để huấn luyện sự chính trực” (2 Tm 3:16; xem thêm 2 Pr 1:21-21).
Vì Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh, các sách này dậy bảo không sai lầm các chân lý mà Thiên Chúa định tiết lộ vì sự cứu độ của chúng ta (GL 107). Nhưng chân lý được diễn tả theo nhiều cách khác nhau trong nhiều thể loại văn chương, tỉ như sử ký, lời sấm, thơ, luật, huấn lệnh (lời khôn ngoan), thần thoại (những câu truyện hay diễn tả các biến cố có thực để giải thích thực tại tối hậu), huyền thoại (những câu chuyện phổ thông không thể kiểm chứng được truyền lại từ quá khứ, thường mang ý nghĩa luân lý), ngụ ngôn (những truyện giả tưởng, thường có thú vật, để dậy một bài học), và các dụ ngôn (những câu chuyện đơn giản minh hoạ một bài học luân lý hay thiêng liêng).
Thật thú vị để nhận xét rằng, bất cứ đề tài nào quan trọng đối với chúng ta, chúng ta lại thích dùng thơ văn ngoài khoa học để diễn tả. Ngôn ngữ khoa học, thực tế có thể đầy đủ cho phòng thí nghiệm, nhưng khi đối diện với những điều sâu thẳm trong đời, chúng ta thấy không đủ lời. Thật vậy chúng ta quay về với thơ văn, hình ảnh, dấu hiệu, và bài hát. Kinh Thánh phải đối phó với sự sống và sự chết, yêu thương và thù ghét, tốt và xấu, Thiên Chúa và hư vô. Ngôn ngữ phòng thí nghiệm thì không thích hợp với những vấn đề như thế!
Cũng có giá trị để nhận xét rằng phải phân biệt giữa chân lý và thực tại lịch sử. Một câu truyện không có thật trong lịch sử thì cũng có thể truyền đạt chân lý, như các dụ ngôn của Đức Giêsu cho thấy. “Người con hoang đàng” có thể không phải là một người thật, nhưng cốt lõi của dụ ngôn là chân lý: Thiên Chúa yêu thương chúng ta hơn chúng ta tưởng và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta.
Có những lúc các nhân vật lịch sử trở thành đối tượng cho các câu truyện không có thật nhưng dậy các bài học có thật. Thí dụ, George Washington có hiện diện trong lịch sử. Nhưng một câu chuyện thường được kể về George Washington -- là khi còn bé ông đã chặt cây anh đào của người cha, sau đó ông nhận tội (“Con không thể nói dối”) -- có lẽ chuyện đó không có trong lịch sử. Nhưng câu chuyện dậy điều luân lý có thật: Thành thật là điều tốt nhất. Như thế trong Kinh Thánh, những nhân vật lịch sử như ông Abraham trở nên anh hùng của các câu chuyện mà, trong khi không có tính cách lịch sử, chúng là những bài học tôn giáo. Thí dụ, câu chuyện Thiên Chúa yêu cầu ông Abraham sát tế con trai Isaac của ông thì vượt trên tính cách lịch sử vì nó diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và một con người (St 22:1-19). Điều thực sự xảy ra trong biến cố này dường như không thể diễn tả chỉ trong phạm vi lịch sử. Trong Kinh Thánh, các dụ ngôn, thi ca, huyền thoại, thần thoại, và các thể văn khác trở nên phương tiện chuyên chở cho việc diễn tả các chân lý tôn giáo quan trọng, những loại này vượt trên lịch sử.
Trong sự hiểu biết của Công Giáo về sự linh ứng, Thiên Chúa không đọc cho viết, nhưng tác động đến các tác giả để dùng chính tài năng của họ. Kết quả là Kinh Thánh vừa là Lời Chúa và vừa là công việc của con người. Giáo Hội dậy rằng các chân lý mà Thiên Chúa linh ứng vì sự cứu độ của chúng ta thì không sai lầm (GL 107), nhưng có nhiều yếu tố trong Kinh Thánh (tỉ như những nhận xét về khoa học và lịch sử) thì không trực tiếp liên can đến sự cứu độ. Như thế Kinh Thánh có những giới hạn xuất phát từ con người. Nhất là Cựu Ước có những vấn đề không trọn vẹn và tạm thời (GL 122).
Các tác giả Kinh Thánh là những người thuộc về thời đại của họ cùng với kiến thức khoa học. Tỉ như, họ thừa nhận trái đất nằm trên các cột trụ, và hiển nhiên họ không nghĩ đó là một quả cầu xoay tròn trong không gian. Thiên Chúa linh ứng những người này về sự tạo dựng vũ trụ, nhằm tỏ lộ các chân lý nền tảng mà vẫn còn được áp dụng ngày nay. Thiên Chúa dùng các ý tưởng của họ, dù không chính xác, để chuyển đi một thông điệp đích thật là Thiên Chúa tạo nên tất cả những gì hiện hữu.
Các tác giả Kinh Thánh là những người thuộc thời đại của họ với khả năng đủ thấu hiểu sự mặc khải của Thiên Chúa. Thiên Chúa dẫn dắt tới mức độ họ có thể chấp nhận sự linh ứng của Người. Dân chúng sống trước thời Đức Kitô 500 năm không thể hiểu sự khác biệt giữa gây ra một hành động và cho phép hành vi. Họ nghĩ rằng Thiên Chúa đã gây ra đủ mọi thứ, kể cả sự dữ. (Xem Xh 11:10). Trong điều này họ hiểu lầm, và Thiên Chúa không soi sáng vào giới hạn này của họ (nó hoàn toàn thuộc con người). Nhưng Thiên Chúa vẫn có thể linh ứng các tác giả bị giới hạn này để truyền đạt các chân lý về những vấn đề quan trọng khác. Khi nhiều thế kỷ trôi qua, và khi người ta càng trưởng thành hơn về tâm linh, họ có thể thấu hiểu nhiều chân lý của Thiên Chúa hơn. Trong các cuốn sách sau của Cựu Ước và trong Tân Ước, chúng ta thấy sự hiểu biết rõ ràng hơn về luật nhân quả của Thiên Chúa.
Một thanh niên có lần nói với tôi, “Con không hiểu tại sao người Công Giáo có thể tin rằng Đức Maria cầu bầu cho họ khi Kinh Thánh nói rằng người chết không còn biết gì nữa. Theo như con hiểu, sách Giảng Viên 9:5 đã xác định vấn đề này rồi.” Câu này là một thí dụ cổ điển của cách dùng Kinh Thánh sai lầm. Sách Giảng Viên 9:5 tuyên bố: “Người sống biết mình sẽ chết, còn người chết chẳng biết gì cả.” Chàng thanh niên coi câu này như chữ cuối cùng trong Kinh Thánh về sự sống sau khi chết. Nhưng nó chưa phải là chữ cuối. Loài người chúng ta học biết từ từ. Từ sự ngu dốt, từ từ chúng ta đến sự hiểu biết. Chúa Thánh Thần từ từ dẫn dắt chúng ta đến sự hiểu biết trọn vẹn (Ga 16:13). Tác giả sách Giảng Viên viết sách này khoảng ba trăm năm trước thời Đức Kitô, họ sai lầm về sự sống vĩnh cửu. Nhưng thông điệp được linh ứng của sách Giảng Viên không phải là chữ cuối về sự sống đời đời. Đúng hơn, đó là sự thật rằng chúng ta cần một Đấng Cứu Độ. Các sách Cựu Ước sau này, tỉ như cuốn 1 và 2 Macabê và Khôn Ngoan, dậy về sự sống sau khi chết. Đức Giêsu nói rõ về sự sống đời đời, và giảng dậy của Người được thấy trong toàn thể Tân Ước.
Thiên Chúa không thay đổi, nhưng con người thay đổi về khả năng nghe biết những gì Thiên Chúa nói với họ. Đã có sự phát triển giáo lý trong các sách Kinh Thánh, và chúng ta càng biết lịch sử và sự hình thành của Kinh Thánh bao nhiêu, chúng ta càng hiểu rõ hơn bấy nhiêu. Nhiều đoạn cổ xưa trong Kinh Thánh thì không hợp thời; chúng đáng giá vì cho thấy sự tiến triển của con người trong sự hiểu biết sứ điệp của Thiên Chúa, nhưng chúng không còn được dùng để hướng dẫn hành động của chúng ta. Chúng phải được dẫn giải và được hiểu theo ý nghĩa của toàn thể Kinh Thánh, nhất là sự giảng dậy của Chúa Giêsu.
Sự Linh Ứng và Điều Không Xác Thực
Các tác giả Kinh Thánh đôi khi kể nhiều câu chuyện về cùng một biến cố trong cùng một cuốn sách, có lẽ họ thiếu khả năng thẩm định hay bởi vì các câu chuyện xuất phát từ các truyền thuyết khác nhau mà các tác giả muốn giữ lại. Vì vậy chúng ta đọc trong Công Vụ 9:7, khi Chúa Giêsu xuất hiện với ông Phaolô, những người đi theo ông Phaolô “nghe có tiếng nói nhưng không thấy ai.” Trong Công Vụ 22:9 họ “trông thấy ánh sáng nhưng không nghe có tiếng nói.” Có lẽ ông Luca nghe được cả hai câu chuyện về điều đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng ông không thể quyết định sự chính xác của chúng, và vì thế ông bao gồm cả hai. Hiển nhiên, ông Luca không tìm cách chứng minh sự thật của chuyện này hay chuyện kia. Điều ông muốn truyền đạt, và điều Thiên Chúa nói qua ông mà không sai lầm, là Chúa Giêsu đã xuất hiện với ông Phaolô và đã thay đổi toàn thể đời ông. Nếu những điều không chắc chắn đó hay những tường thuật mâu thuẫn nhau không làm các tác giả Kinh Thánh bận tâm thì hiển nhiên chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Chúng ở ngoại biên đối với mục đích chính của Kinh Thánh là sự diễn tả các thực tại tinh thần.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Linh ứng có nghĩa: (a) Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh; (b) có thể không có những giới hạn trong Kinh Thánh; (c) tác giả con người của Kinh Thánh thì không thể nhầm lẫn về các vấn đề khoa học; (d) a, b, và c | |
Tất cả Kinh Thánh được Thiên Chúa linh ứng và thật hữu ích để giảng dạy | |
Vì Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh, các sách Kinh Thánh dạy bảo không sai lầm về những chân lý mà Thiên Chúa có ý định tiết lộ để cứu độ chúng ta. | |
Chân lý có thể được bày tỏ trong (a) lịch sử; (b) thơ; (c) truyện ngụ ngôn; (d) a, b, và c; (e) chỉ có a và b. | |
Đối với chúng ta, vấn đề nào quan trọng hơn thường được diễn tả qua thơ văn và các hình thức văn chương ngoài khoa học. | |
Một số điều có thể là chân lý mà không có lịch sử tính. | |
Những câu truyện giả tưởng có thể dậy các chân lý tôn giáo quan trọng. | |
Vì các tác giả con người của Kinh Thánh được Thiên Chúa linh ứng, họ không bị giới hạn và không thể sai lầm bất cứ cách nào. | |
Đức Giêsu làm sáng tỏ những vấn đề không chắc chắn trong Cựu Ước. | |
Kinh Thánh phải đem cho chúng ta sự chắc chắn về mọi vấn đề, và không thể có những tường thuật mâu thuẫn trong Kinh Thánh. |