Tất cả những gì đã được nói về Kinh Thánh là được trao truyền qua Giáo Hội Công Giáo và về vai trò của Giáo Hội trong việc dẫn giải Kinh Thánh, điều đó giúp chúng ta hiểu rằng Kinh Thánh đến từ Giáo Hội, chứ không phải Giáo Hội từ Kinh Thánh.
Khi công bố rằng bảy mươi ba cuốn trong Kinh Thánh được linh ứng bởi Thiên Chúa và từ chối vài cuốn khác, Giáo Hội thời tiên khởi nói: “Đây là những gì chúng tôi tin về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu Kitô, về sự sống và sự chết, về chính chúng ta là Giáo Hội. Đó là những gì chúng ta loại bỏ.” Đồng thời vì các sách trong Kinh Thánh giúp hình thành sự tin tưởng của mỗi thế hệ Kitô Hữu.
Đây là một tiến trình năng động bao gồm cả sự xung đột. Trong bốn thể kỷ đầu sau thời Đức Kitô, có một số người muốn đặt giới hạn trên công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu bằng cách cho rằng mọi Kitô Hữu phải theo luật của Môsê. Một số lạc thuyết nói rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng không phải con người. Những người khác lại quả quyết rằng Đức Giêsu là con người nhưng không phải Thiên Chúa. Lại có những người từ chối không tin điều Đức Giêsu tiết lộ rằng Thiên Chúa là Cha, Con, và Thánh Thần.
Giáo Hội bác bỏ những sai lạc đó và diễn tả chân lý mặc khải của Thiên Chúa qua các giáo lý quan trọng trong Kinh Thánh đã được chấp nhận là linh ứng. Giáo Hội từ chối việc giảng dậy sai lầm bằng cách loại bỏ một vài sách tỉ như các các phúc âm của phái Gnostic và các cuốn khác đôi khi được gọi là “sách tiềm ẩn” của Kinh Thánh. Giáo Hội còn bày tỏ niềm tin của mình trong cách dẫn giải Kinh Thánh, trong các quyết định của các công đồng, trong công thức tuyên tín được gọi là kinh tin kính, và trong sự thờ phượng. Theo phương cách này, Chúa Kitô dẫn dắt Giáo Hội được chúng ta nhận biết là “Công Giáo”, và Kinh Thánh được linh ứng là sách “Công Giáo”.
Trong tiến trình này Giáo Hội không hình thành một bộ niềm tin cho riêng mình. Đúng hơn, Giáo Hội chỉ dậy các chân lý mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho con người. Thiên Chúa đã tiết lộ một số chân lý theo cách tự nhiên. Thí dụ, vũ trụ cho thấy một số điều vĩ đại của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa còn nói với chúng ta trong những cách lạ lùng, dậy bảo chúng ta các sự thật siêu nhiên mà chúng ta không thể tự mình có được. Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa tiết lộ các chân lý cho các văn sĩ được linh ứng. Sau đó, trong thời điểm thích hợp của thời gian, Thiên Chúa gửi đến Đức Giêsu Kitô là Lời Mặc Khải tuyệt hảo (Ga 1). Điều Chúa Giêsu dậy các tông đồ thì được họ truyền khẩu qua rao giảng và qua văn bản. Sau đó sự Mặc Khải siêu nhiên của Thiên Chúa được truyền đi bằng hai cách: qua Truyền Thống thánh và qua Kinh Thánh.
Nội dung của Truyền Thống thánh và Kinh Thánh được gọi là Kho Tàng Đức Tin. Chúa Giêsu đã tiết lộ mọi chân lý cần thiết cho sự cứu độ của chúng ta, và trong ý nghĩa này Kho Tàng Đức Tin đã đầy đủ. Giáo Hội không thêm gì vào Kho Tàng này, nhưng dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội phát triển sự hiểu biết về những gì Đức Kitô đã tiết lộ. Khi Giáo Hội truyền lại Kho Tàng Đức Tin từ thế hệ này sang thế hệ khác, Giáo Hội đạt được nhận thức sắc sảo hơn về sự Mặc Khải mỹ miều của Thiên Chúa (GL 74-100).
Truyền thống có nghĩa “trao lại”, và Truyền Thống thánh gồm cả phương cách Giáo Hội trao lại và giải thích Kinh Thánh, cũng như các quyết định của công đồng, các tín điều, cách thờ phượng, và sự dậy bảo kiên định của Giáo Hội. Những điều này không mâu thuẫn với Kinh Thánh nhưng liên quan rất gần với Kinh Thánh, được dựa trên Kinh Thánh, và khai triển trên Kinh Thánh.
Một số giáo phái lý luận rằng mọi giáo lý phải được tìm thấy rõ ràng trong Kinh Thánh. Người Công Giáo không tin rằng sự tin tưởng của chúng ta bị hạn hẹp trong những gì Kinh Thánh nói, bởi vì trong thời tiên khởi của Giáo Hội thì không có Tân Ước. Các Kitô Hữu tiên khởi tin vào Truyền Thống thánh trước khi một bộ Kinh Thánh được hoàn tất.
Giáo Hội Công Giáo dậy rằng mọi giáo lý phải hài hòa với Kinh Thánh, nhưng không nhất thiết được trình bày trong Kinh Thánh. Một thí dụ là giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi. Kinh Thánh nhắc đến Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, nhưng không bao giờ dùng chữ “Trinity” (Ba Ngôi Thiên Chúa). Những ẩn ý trong Kinh Thánh thì được nói rõ trong Truyền Thống thánh của Giáo Hội.
Truyền Thống thánh còn cần thiết khi Giáo Hội áp dụng sự dậy bảo của Kinh Thánh vào những hoàn cảnh thay đổi. Giáo Hội thi hành việc này dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Thầy còn nhiều điều nói với các con, nhưng bây giờ các con không chịu nổi. Nhưng khi Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn dắt các con đến mọi chân lý” (Ga 16:12-13). (Xem chương 12 để biết sự giải thích chi tiết về tương quan giữa Kinh Thánh và Truyền Thống thánh).
Chúng ta đã nói về Kinh Thánh như một sách “Công Giáo”. Điều này không có nghĩa từ chối bất cứ ai dùng sách này. Nhưng nguyên thủy Kinh Thánh Kitô Giáo được hình thành trong các cộng đồng tín hữu được các giám mục Công Giáo chủ tọa và được đúc kết thành một tổng hợp qua các quyết định của các công đồng các giám mục Công Giáo.
Kinh Thánh, qua các thế kỷ, được gìn giữ và trao truyền lại bởi Giáo Hội Công Giáo. Trước khi sáng chế ra máy in, các đan sĩ và nữ tu Công Giáo đã viết tay từng chữ của Kinh Thánh. Nhiều bản viết tay này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, đó là những chứng cớ cho thấy sự yêu mến và tài năng mỹ thuật của những người đã tạo ra chúng.
Trong hai ngàn năm, Kinh Thánh từng được đọc hàng ngày trong các Thánh Lễ Công Giáo. Trong hang toại đạo, trong gia đình, và trong các thánh đường vĩ đại, lời Chúa từng được công bố cho người Công Giáo như một nhân chứng bền bỉ việc quý trọng Kinh Thánh của Giáo Hội.
Giáo Hội Công Giáo khích lệ mọi phần tử hãy đọc Kinh Thánh. Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Tín Lý về sự Mặc Khải của Thiên Chúa viết:
Thánh Công Ðồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” (Ph 3,8). “Vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh, nhờ Phụng Vụ Thánh dồi dào lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các Chủ Chăn trong Giáo Hội chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi. Nhưng mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Người khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Người nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh” (#25 - Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X; xem thêm GL 131-133).
Sách Giáo Lý Công Giáo nhận xét rằng, ngoài nghĩa đen theo ý định của các tác giả Kinh Thánh còn có ý nghĩa tinh thần (GL 115-119). Vì sự thống nhất của kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa còn có những mối quan tâm mà các tác giả người trần không để ý. Vì thế các đoạn Kinh Thánh có thể truyền đạt các mối tương quan qua dấu hiệu và phép loại suy, và nhiều biến cố trong Kinh Thánh có thể là những gợi ý mời gọi chúng ta hãy để ý đến các thực tại sâu xa hơn. Thiên Chúa biết và muốn thấy những mối liên hệ này, và Giáo Hội muốn khám phá chúng qua sự cầu nguyện và suy niệm. Giáo Lý chia ý nghĩa tinh thần thành ba loại.
Thứ nhất là ý nghĩa ẩn dụ. Điều này có nghĩa một biến cố Kinh Thánh có thể mang một biểu tượng vượt trên nghĩa đen của bản văn. Thí dụ, việc băng qua Biển Đỏ là một biểu tượng, một dấu chỉ mà chúng tiên báo và gợi ý đến bí tích Rửa Tội.
Thứ hai là ý nghĩa luân lý, có nghĩa rằng các biến cố trong Kinh Thánh phải dẫn dắt chúng ta đến hành động chính trực. Tỉ như sách bà Rút không chỉ kể câu chuyện của một phụ nữ tận tụy với Thiên Chúa và gia đình, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy noi gương sự quyết tâm của bà Rút.
Thứ ba là ý nghĩa loại suy . Chữ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa dẫn dắt, và nó muốn nói các biến cố trong Kinh Thánh có tầm quan trọng vĩnh viễn. Bởi sự loại suy, thành Giêrusalem ở mặt đất là một dấu chỉ của Giêrusalem trên trời, và Giáo Hội trên mặt đất là một dấu chỉ của mái nhà vĩnh viễn của chúng ta ở thiên đường.
Kinh Thánh: Thiên Chúa Nói với Chúng Ta
Trong chương 2 chúng ta suy nghĩ về sự phát triển của Kinh Thánh. Trong chương này chúng ta để ý đến việc dẫn giải Kinh Thánh. Chúng ta phải có sự hiểu biết rõ ràng về nguồn gốc và cách dẫn giải Kinh Thánh, nhưng chúng ta phải hướng lên trên sự hiểu biết này để nhận ra rằng trong Kinh Thánh Thiên Chúa nói với chúng ta như một người Cha yêu dấu nói với con cái (GL 104).
Khi chúng ta cầm quyển Kinh Thánh lên, Thiên Chúa, đấng không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, nói với chúng ta qua những chữ như đã từng nói với ông Abraham, ông Môsê, hay các ngôn sứ. Khi chúng ta cầm quyển Kinh Thánh lên, Chúa Giêsu nói với chúng ta ở đây và ngay bây giờ, cũng như Người đã từng nói với các tông đồ hai ngàn năm trước (GL 101-102).
Qua Kinh Thánh, Thiên Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan đặc biệt để giúp chúng ta một cách độc đáo trong những hoàn cảnh hàng ngày. Những chữ mà chúng ta từng đọc trong quá khứ, giờ đây có thể chạm đến chúng ta với một sức mạnh mới khi chúng ta than khóc người thân yêu từ trần, khi chúng ta hoang mang và không biết quay về đâu, khi chúng ta tìm kiếm câu trả lời cho những vấn nạn của đời sống.
Mỗi lần chúng ta mở quyền Kinh Thánh ra, chúng ta “quay số điện thoại của Chúa.” Chúng ta có thể chọn bất cứ sách nào trên kệ để đọc, và biết được dữ kiện quý giá. Tuy nhiên, trong lúc đó tác giả cuốn sách không biết chúng ta làm gì. Nhưng khi chúng ta mở sách Kinh Thánh, Thiên Chúa ngỏ lời chào.
Thiên Chúa có mặt ngay ở đó với những câu trả lời cho các khó khăn ngày nay. “Thật vậy, lời Chúa thì sống động và hữu hiệu… và có thể phân định các suy tư và ý tưởng của tâm hồn” (Dt 4:12). Sách Giáo Lý Công Giáo khích lệ chúng ta tìm hiểu nghĩa đen của Kinh Thánh, là ý nghĩa mà các tác giả người phàm nhắm đến, nhưng cũng mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm ý nghĩa tinh thần mà Thiên Chúa muốn nói riêng với chúng ta.
Khi chúng ta chán nản, Chúa Giêsu nói với chúng ta, “Hãy đến với ta, tất cả những ai lao nhọc và chồng chất gánh nặng, và ta sẽ cho các con sự nghỉ ngơi” (Mt 11:28). Khi chúng ta sợ hãi, Chúa Giêsu nói với chúng ta, “Bình an cho các con” (Ga 20:19). Khi chúng ta cô đơn, Chúa Giêsu trấn an chúng ta, “Ta ở với con luôn mãi” (Mt 28:20).
Những lời của Thiên Chúa trong Kinh Thánh mời gọi một sự đáp trả. Chúng ta đáp trả trong sự cầu nguyện. Chúng ta đọc lời Chúa, sau đó nói với Chúa như với một người bạn. Khi chúng ta đáp trả bằng những quyết định trong đời sống là khi đọc cho đến lúc gặp một câu thách đố chúng ta phải có quyết định, sau đó chúng ta đưa ra quyết tâm dựa trên những gì Thiên Chúa đã nói với chúng ta. Không có cuốn sách nào khác cho phép một loại giao tiếp như thế này với Thiên Chúa. “Thật vậy, lời Chúa thì sống động và hữu hiệu!”
Những Câu Hỏi để Thảo Luận và Suy Nghĩ Bạn hiểu các hình thức văn chương là gì? Trong tờ nhật báo, bạn có thể nhận ra được bao nhiêu loại thể văn? Bao nhiêu loại trong Kinh Thánh? Mỗi loại văn trong nhật báo và trong Kinh Thánh chuyển tải sự thật như thế nào? Đâu là sự khác biệt giữa phương pháp bối cảnh và phương pháp cơ bản của Kinh Thánh? Sự khác biệt giữa lịch sử và sự thật là gì? Có bao giờ bạn nghĩ sẽ dẫn giải Cựu Ước theo ý nghĩa hướng về Chúa Giêsu Kitô? Điều này có mời bạn hãy nghĩ lại cách tìm hiểu của bạn về các đoạn trong Cựu Ước không? Kinh Thánh là một cuốn sách Công Giáo theo phương cách nào? Điều này có nghĩa gì khi “Bạn cầm cuốn Kinh Thánh lên, bạn quay số điện thoại của Chúa”? Sinh Hoạt Gọi điện thoại cho một người bạn để vui vẻ trò chuyện. Sau đó, với cảm nghiệm còn tươi mới trong đầu, bạn mở Kinh Thánh và vui mừng với sự thăm viếng của Chúa Giêsu. |
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Kinh Thánh xuất phát từ Giáo Hội, chứ không phải Giáo Hội xuất phát từ Kinh Thánh | |
Khi chọn lựa một số sách Kinh Thánh được Thiên Chúa linh ứng, Giáo Hội Công Giáo hình thành một danh sách hiện thời gồm 73 cuốn và biểu lộ các chân lý làm nền tảng đức tin của chúng ta | |
Truyền Thống Thánh, như được Giáo Hội Công Giáo hiểu, bao gồm: (a) sự dẫn giải Kinh Thánh; (b) các quyết định của các công đồng; (c) các kinh tin kính; (d) sự thờ phượng; (e) a, b, c, và d | |
Các giáo lý của Giáo Hội Công Giáo không cần phải được tuyên bố rõ ràng trong Kinh Thánh | |
Sự Mặc Khải siêu nhiên của Thiên Chúa được truyền đi trong hai cách, qua Truyền Thống thánh và qua Kinh Thánh | |
Nội dung của Truyền Thống thánh và Kinh Thánh được gọi là Kho Tàng Đức Tin (deposit of faith) | |
Giáo Hội Công Giáo dạy rằng mọi giáo lý phải hòa hợp với Kinh Thánh | |
Kinh Thánh phải là nguồn duy nhất của những điều chúng ta tin tưởng | |
Kinh Thánh Kitô Giáo nguyên thủy được hình thành trong các cộng đồng tín hữu do các giám mục Công Giáo chủ tọa và sau cùng được đưa vào một tổng hợp qua những quyết định của các giám mục Công Giáo trong các công đồng | |
Từ thế kỷ thứ nhất cho đến mười lăm, các bản Kinh Thánh viết tay được sao chép bằng tay bởi người Tin Lành và Công Giáo | |
Việc đọc Kinh Thánh trong các Thánh Lễ Công Giáo là một phát triển tương đối mới | |
Giáo Hội Công Giáo khích lệ tín hữu đọc Kinh Thánh | |
Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô | |
Hãy ngẫm nghĩ các câu sau đây: 1) Ngoài nghĩa tinh thần mà tác giả con người nhắm đến, còn có một nghĩa đen mà Thiên Chúa nhắm đến; 2) Ý nghĩa ẩn dụ có nghĩa một biến cố trong Kinh Thánh có thể có một biểu tượng mà nó vượt trên nghĩa đen của chữ. 3) Ý nghĩa luân lý có nghĩa các biến cố trong Kinh Thánh phải dẫn dắt chúng ta đến hành động chính trực. 4) Ý nghĩa loại suy cho thấy các biến cố trong Kinh Thánh có một sự quan trọng vĩnh viễn. Trong các câu này: (a) tất cả đều đúng; (b) tất cả đều sai; (c) câu 1 sai; (d) câu 1 và 2 thì sai; (e) câu 3 và 4 thì sai. |
|
Khi chúng ta cầm cuốn Kinh Thánh lên, Thiên Chúa nói với chúng ta qua cùng những chữ đã được nói với Abraham và Môsê, và Đức Giêsu nói với chúng ta như Người đã nói với các tông đồ | |
Vì Kinh Thánh được Thiên Chúa linh ứng, những chữ trong đó sẽ luôn có cùng một ý nghĩa cho chúng ta | |
Khi chúng ta đọc Kinh Thánh, Thiên Chúa biết những gì chúng ta đang thi hành | |
Thiên Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh, và chúng ta đáp trả qua sự cầu nguyện và những quyết định trong đời sống |