Việc hình thành Kinh Thánh xảy ra trong lịch sử loài người. Ai muốn làm quen với Kinh Thánh thì phải làm quen với lịch sử của người Do Thái và các cộng đồng Kitô vì từ đó Kinh Thánh phát sinh. Chúng ta sẽ xem xét lịch sử này trong những chương sau. Ở đây chúng ta khảo sát ngắn gọn các biến cố chính để có một cái nhìn tổng quát cho việc học hỏi thêm.
Việc khảo sát này bắt đầu với ông Abram, sinh trưởng ở Ur, một thành phố cổ về phía bắc của Vịnh Ba Tư. Vào khoảng năm 1900 “B.C.” (trước Chúa Kitô giáng sinh), gia đình ông Abram di cư đến Haran, một thành phố gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria ngày nay. (Nhiều ngày tháng liên hệ đến lịch sử Cựu Ước thì chỉ gần đúng). Ở Haran, ông Abram nhận được lời kêu gọi của Thiên Chúa là hãy di cư đến Canaan (vùng đất này có nhiều tên theo thời gian là Đất Hứa, Ít-ra-en, Giuđa, Giuđêa, Palestine, và Đất Thánh). Thiên Chúa lập một giao ước với ông Abram, đổi tên ông thành Abraham và hứa rằng ông và vợ ông, bà Sara (được đổi từ Sarai), sẽ có một con trai, con đầu lòng của một dòng dõi. Người con đó, Isaac, trở thành cha của Giacóp, ông này có mười hai con trai. Vào khoảng 1720 B.C. ông Giacóp và gia đình di cư sang Ai Cập, ở đây con cháu của họ, người Hebrew, trở thành nô lệ.
Khoảng năm 1250 B.C., một người Hebrew tên là Môsê nghe Thiên Chúa gọi ông hãy dẫn dân của Người đến vùng tự do ở đất Canaan, Đất Hứa. Ông Môsê đã dẫn người Hebrew (còn được gọi là người Ít-ra-en và sau này là Do Thái [Jew]) trong một cuộc tẩu thoát táo bạo. Ở núi Sinai ông nhận được một dấu hiệu mới về giao ước của Thiên Chúa trong Mười Điều Răn, sau đó ông trông coi người Ít-ra-en khi họ lang thang trong sa mạc bốn mươi năm. Ông Môsê từ trần trước khi bước vào Đất Hứa, và người thế ông là Giôsua đã đưa dân vào Canaan. Sau đó là thời kỳ chinh phục với mười hai chi tộc (các nhóm người Hebrew mang tên các con trai của ông Giacóp) định cư trong nhiều phần đất Canaan. Họ đánh nhau với các cư dân ở phần đất này (người Philistine và các dân khác) qua một giai đoạn lâu dài được gọi là thời kỳ các Thủ Lãnh.
Khoảng 1020 B.C. ông Saun, một người lãnh đạo có sức lôi cuốn, bắt đầu quy tụ các chi tộc lại và được chọn là vua. Sau này ông bị điên và bị chết trong trận chiến. Ông được thay thế bởi một dũng sĩ trẻ tên là Đavít. Từ khoảng 1000 B.C., Đavít đã thống nhất các chi tộc, đặt Giêrusalem là trung tâm cho nội các của ông, và làm cho Ít-ra-en trở thành một lực lượng đáng kể ở vùng Trung Đông. Năm 961 B.C., con của Đavít, Sôlômon, kế vị ông làm vua và xây Đền Thờ lộng lẫy ở Giêrusalem. Nhưng những năm về sau, Sôlômon rơi vào việc thờ tà thần và xa rời dân chúng vì thuế nặng và cưỡng bách lao động. Con Sôlômon, Rêhôbôm, tiếp tục với các chính sách này, và năm 922 B.C., một cuộc nội chiến đã phân chia dân tộc này thành hai vương quốc -- Ít-ra-en ở phía bắc với thủ đô ở Samaria và Giuđa ở phía nam với thủ đô ở Giêrusalem (một số học giả cho thời gian này là 927 B.C. hay 931 B.C.).
Cả hai vương quốc trải qua đau khổ vì lãnh đạo tồi tệ và vì dân chúng không trung thành với Thiên Chúa. Năm 721 B.C., người Ít-ra-en bị tấn công bởi người Átxiria; hàng ngũ lãnh đạo dân bị giết hoặc bị đầy ải. Những tù nhân từ các vùng đất xa lạ được đưa vào Ít-ra-en bởi người Átxiria; họ kết hôn với người Ít-ra-en còn ở lại đây, tạo thành một dân tộc được gọi là người Samari. Năm 587 B.C. Giuđa bị chinh phục bởi người Babylon. Giêrusalem bị cướp phá, các tường thành bị sụp đổ, và Đền Thờ bị phá hủy. Những người sống sót bị đầy ải ở Babylon.
Một vài thập niên sau, Xirút, vua Ba Tư, đánh bại người Babylon. Ông cho phép dân Ít-ra-en trở về quê quán năm 539 B.C. Những người trở về nhìn thấy Giêrusalem trong cảnh hoang tàn. Bị quấy phá đủ mọi phía bởi các kẻ thù, họ kết thúc việc xây lại Đền Thờ mới khoảng 515 B.C. và dựng lại các tường thành năm 445 B.C. Nhưng hy vọng lấy lại sự vinh quang của thời Vua Đavít thì cam chịu thất vọng.
Năm 332 B.C. Aléchxăng Đại Đế nắm chính quyền. Sau khi ông chết, Ai Cập và Syria tranh nhau kiểm soát quốc gia Do Thái, và năm 167 B.C. người Syria phát động việc bách hại người Do Thái một cách khủng khiếp. Người Macabê, một dòng họ chiến sĩ, đã chống trả và đã dành được độc lập cho Ít-ra-en vào năm 142 B.C. Nó kéo dài cho đến 63 B.C. khi người La Mã chinh phục Giêrusalem và biến vùng Palestine (Iđumêa, Giuđêa, Samaria, và Galilê) thành một nước chư hầu. Năm 37 B.C., Hêrốt Đại Đế được người La Mã đặt làm vua; vừa độc tài vừa là một người xây dựng không mệt mỏi, ông cai trị cho đến 4 B.C. Khoảng hai năm trước khi triều đại ông kết thúc, Đức Giêsu Kitô được sinh ra.
Đức Giêsu lớn lên trong thành Nagiarét, khoảng sáu mươi dặm về phía bắc của Giêrusalem. Người học nghề của cha nuôi, ông Giuse, một thợ mộc. Khoảng ba mươi tuổi, Đức Giêsu bắt dầu rao giảng một thông điệp mà nó khuấy động nhiều tâm hồn người Ít-ra-en: Vương quốc Thiên Chúa đang được thiết lập trên trái đất và những hy vọng của các tín hữu sẽ được thể hiện qua Đức Giêsu. Người chứng tỏ quyền năng lạ lùng khi làm các phép lạ chữa lành. Người quy tụ một nhóm mười hai tông đồ như các phụ tá đặc biệt. Nhiều người nghe lời giảng dậy và thấy các phép lạ của Đức Giêsu thì hy vọng rằng Người sẽ là Vua Đavít mới, một mêsia (người cứu độ) sẽ lật đổ người La Mã và làm cho quê hương của họ lại có thế lực trên thế giới. Đức Giêsu không tán thành niềm hy vọng như thế, vì vương quốc của Người thì không thuộc thế giới này.
Tuy vậy, sự nổi tiếng của Đức Giêsu là một báo động cho người Xađuxê và người của vua Hêrốt, là giới cai trị dân Do Thái, họ hợp tác với Rôma và sợ rằng đám đông theo Đức Giêsu sẽ bị khích động nổi loạn. Một giới quan trọng khác ở Palestine là người Pharisiêu, họ tức giận khi Đức Giêsu chỉ trích họ cứ khăng khăng cho rằng người ta chỉ được cứu độ bởi tuân giữ hàng ngàn chi tiết của luật lệ mà họ đã truyền lại. Sau cùng, người Xađuxê, người của vua Hêrốt, và người Pharisiêu âm mưu chống với Đức Giêsu. Với sự hợp tác của Giuđa Iscariốt, một trong mười hai tông đồ, Đức Giêsu bị bắt, bị xét xử bất công trước tòa án cao cấp của người Do Thái, là Thượng Hội Đồng, và bị kết án tử hình.Vì các nhà lãnh đạo Do Thái không muốn bị mang tiếng là giết Đức Giêsu, và vì họ muốn Người bị nhục nhã với khổ hình thập giá của người La Mã, họ đã dùng tay tổng trấn Rôma, Phongxiô Philatô, kết án tử hình Đức Giêsu. Người bị treo trên thập giá vào một chiều thứ Sáu giữa hai tội nhân tại một nơi được gọi là Gôngôtha, ở bên ngoài thành Giêrusalem. Sau nhiều giờ thống khổ, Người đã chết, và một lính La Mã dùng lưỡi giáo đâm vào cạnh sườn của Người để biết chắc là đã chết. Đức Giêsu được chôn và mộ của Người được che đậy với một tảng đá lớn. Các lính đóng ở đây để canh giữ, và các kẻ thù của Người tưởng rằng họ đã loại trừ được Người vĩnh viễn.
Nhưng vào sáng Chúa Nhật kế đó, ngôi mộ được thấy bị mở ra và trống rỗng. Không ai biết ý nghĩa của điều đó cho đến khi Đức Giêsu xuất hiện với các môn đệ một cách sống động và vinh hiển, không còn bị giới hạn bởi thời gian hay không gian. Trong thời gian bốn mươi ngày, Đức Giêsu thường xuất hiện với các tông đồ và với những người khác. Người nhắc nhở họ về việc Người đã báo trước về sự chết và sự Phục Sinh của Người như một cách chiến thắng sự chết và đem sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa đến cho mọi người. Người nói các môn đệ hãy rao giảng Tin Mừng về sự cứu độ này cho thế giới, Người dậy rằng họ sẽ là dấu hiệu về sự hiện diện liên tục của Người ở thế gian, và sau đó Người lên trời. Mười ngày sau, các môn đệ của Đức Giêsu được củng cố sức mạnh bởi Thần Khí của Thiên Chúa. Do ông Phêrô dẫn dắt, các môn đệ bắt đầu rao giảng cho các đám đông rằng Đức Giêsu phục sinh là Mêsia mà dân Do Thái trông đợi. Các môn đệ mời gọi người ta hãy tin tưởng vào Đức Kitô và được liên kết với Đức Kitô qua bí tích Rửa Tội.
Số tín hữu ngày càng gia tăng đến hàng ngàn người, nhưng sự chống đối từ giới lãnh đạo Do Thái cũng gia tăng. Vào năm 36 A.D. (Năm của Chúa -- Tây Lịch [T.L.]), sáu năm sau khi Đức Kitô Phục Sinh, một cuộc bách hại bùng nổ, do một người Pharisiêu dẫn dầu, tên là Saun. Ông giám sát việc hành quyết một người lãnh đạo Giáo Hội, ông Stêphan, và tống giam nhiều tín hữu.
Sau đó là một phát triển đột ngột và bất ngờ. Ông Saul (Saolê) được thị kiến Đức Kitô phục sinh và ông bắt đầu công bố Đức Giêsu là Mêsia. Các tín hữu khác, bị buộc rời khỏi Giêrusalem vì sự bách hại, bắt đầu rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu cho người Do Thái và người ngoại giáo (không phải Do Thái). Bất kể những bách hại thêm nữa, Kitô Hữu tiếp tục rao giảng, gia tăng con số, và chăm sóc lẫn nhau. Từ từ, họ tách khỏi các ràng buộc với người Do Thái vì sự bách hại và vì nhiều người Do Thái từ chối không muốn chấp nhận Đức Giêsu là Mêsia.
Không lâu Kitô Giáo lan rộng khắp thế giới văn minh. Saul, giờ đây được gọi là Phaolô, và các nhà truyền giáo khác đã rao giảng về Đức Kitô ở Tiểu Á, Âu Châu, Phi Châu, và Á Châu, công việc của họ được dễ dàng hơn nhờ hệ thống đường xá của người La Mã và thời gian hòa bình. Nhưng sau đó Rôma lại trở nên kẻ thù. Hoàng Đế Nêrô khởi sự cuộc bách hại Kitô Hữu trong khoảng giữa năm sáu mươi và, theo truyền thuyết, ông đã giết Phêrô và Phaolô ở Rôma. Lẽ ra, Đế Quốc Rôma quyền lực đã phải đè bẹp Kitô Giáo, nhưng những sự bách hại chỉ làm tôn giáo này ngày càng gia tăng.
Rôma đóng một vài trò lớn trong một phát triển quan trọng khác. Sau khi Hêrốt Agríppa từ trần năm 44, các phiến quân ở Giuđêa được gọi là Di-lốt (Zealot) đã mở đầu một cuộc thánh chiến chống với người La Mã. Năm 66, tình trạng bất ổn bùng nổ thành một cuộc nổi dậy lớn. Năm 70, người La Mã vây hãm Giêrusalem, thảm sát cư dân, và biến thành phố này thành đống gạch vụn. Đền Thờ không còn, và Kitô Giáo lại càng tách biệt hơn nữa với gốc Do Thái của mình.
Không lâu, tín hữu Kitô phát triển cảm nhận về căn tính của mình như một Giáo Hội. Các khuôn khổ của cơ cấu Giáo Hội được thiết lập. Các giáo hội địa phương được dẫn dắt bởi các giám mục và được phụ giúp bởi các linh mục và phó tế. Những ai kế vị ông Phêrô là Giám Mục ở Rôma thì được coi là có cùng thẩm quyền như ông Phêrô đã nhận từ Đức Giêsu; họ là những vị giám mục đứng đầu cũng như ông Phêrô là người đứng đầu các tông đồ.
Những cuộc bách hại từng giai đoạn bởi nhà cầm quyền La Mã vẫn tiếp tục, nhưng Giáo Hội phát triển mạnh. Vào năm 100 có từ 300,000 đến 500,000 tín hữu. Vào năm 313, khi Kitô Hữu lên đến vài triệu, Hoàng Đế La Mã Constantine đưa ra chỉ dụ Milan, ban sự khoan dung cho Giáo Hội. Kitô Giáo trở nên một Giáo Hội chung (hoàn vũ) như ý định của Đức Kitô.
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Nhân vật Kinh Thánh đầu tiên sống ở vùng Palestine (Canaan) là (a) Abraham; (b) Giacóp; (c) Môsê; (d) Đavít | |
I-sa-ác và mười hai con trai di dân từ Palestine đến Ai Cập, ở đây người Hebrew trở thành nô lệ | |
Ông Môsê đưa dân Hebrew thoát khỏi cảnh nô lệ cho người Ai Cập, nhưng ông không dẫn họ vào Đất Hứa | |
Vua đầu tiên của Ít-ra-en là (a) Giôsua; (b) Sa-un; (c) Đavít; (d) Abram | |
Vua làm cho dân Ít-ra-en trở nên hùng mạnh ở Trung Đông là (a) Sa-un; (b) Gô-li-át; (c) Đavít; (d) Sôlômon | |
Sôlômon xây một Đền Thờ vĩ đại ở Giêrusalem nhưng xa cách với dân, nó là nguyên do cho cuộc nội chiến dưới thời con trai của ông là Rêhôbôm | |
Trong thời vương quốc bị chia đôi, thủ đô của Giuđa là Samaria, và thủ đô của Ít-ra-en là Giêrusalem | |
Bắc vương quốc của Ít-ra-en bị đánh bại bởi người Assyria năm 721 B.C.; nam vương quốc Giuđa bị chinh phục bởi người Babylon năm 587 B.C. | |
Khi Xirô người Ba Tư đánh bại Babylon, ông cho phép người Do Thái lưu đầy được trở về nhà năm 539 B.C. Trong vòng hai mươi lăm năm, họ đã xây lại Đền Thờ và các tường thành | |
Năm 167 B.C., dòng họ Macabê hướng dẫn người Do Thái nổi dậy chống với (a) Alexander Đại Đế; (b) Ai Cập; (c) Syria; (d) Assyria | |
Đức Giêsu được sinh ra trong triều đại của Hêrốt Đại Đế | |
Thông điệp của Đức Giêsu là nước Thiên Chúa đã đến trong sự hiện diện của Người, điều này bị chống đối bởi người Pharisêu và người phe Hêrốt, nhưng được chấp nhận bởi người Xađốc và phần lớn dân chúng | |
Đức Giêsu bị đóng đinh vào ngày thứ Sáu. Sau khi Người chỗi dậy từ kẻ chết, Người thường xuất hiện với các tông đồ và những người khác | |
Người Pharisêu lãnh đạo việc bách hại những người theo Chúa Giêsu là (a) Stephen; (b) Sa-ul (Saolê); (c) Philatô; (d) Hêrốt | |
Bất kể bị bách hại, Kitô Giáo phát triển mạnh trong thế kỷ thứ nhất sau sự Phục Sinh của Chúa Kitô | |
Hoàng Đế Rôma là Constantine ra chỉ dụ Milan, ban sự khoan hồng tôn giáo cho Kitô Hữu vào năm: (a) 41; (b) 100; (c) 313; (d) 393 |