Dân Do Thái coi ông Abraham như tổ phụ trong đức tin và ông Môsê như vị lãnh đạo đã đem họ ra khỏi sự nô lệ đến tự do. Với vai trò quan trọng của ông Abraham và Môsê, chúng ta có thể cho rằng các sách thiêng liêng của dân Do Thái (Cựu Ước) bắt nguồn từ thời điểm của các vị lãnh đạo vĩ đại này. Con cháu của ông Abraham và Môsê chắc chắn đã trao truyền lại những câu chuyện về các anh hùng cũng như những giáo huấn của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ còn kể lại những truyền thuyết về quá khứ và niềm tin tôn giáo của họ trong các bài hát và truyện tích, thơ văn và dụ ngôn, giai thoại và luật lệ.
Nhưng các câu truyện, truyền thuyết, và niềm tin đã không có hình thức như ngày nay mãi cho đến sau này. Có nhiều giả thuyết về sự kiện này xảy ra như thế nào. Một giả thuyết (đã được sửa đổi và tinh lọc trong nhiều năm) cho rằng Cựu Ước được hình thành từ các nguồn khác nhau. Bộ truyền thuyết đầu tiên được ghi nhận trong các triều vua Đavít và Salômôn. Các truyền thuyết này, kể cả một số câu chuyện nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất trong Kinh Thánh, đã dùng chữ “Yahweh” như tên của Thiên Chúa, và vì thế được gọi là “Yahwist”. Sau cuộc nội chiến năm 922 B.C., một số truyền thuyết khác, dùng chữ “Elohim” như tên của Thiên Chúa và được gọi là “Elohist”, được thấy trong các văn bản của bắc vương quốc. Khi bắc vương quốc bị tiêu diệt bởi người Átxiria năm 721 B.C., các văn bản của Elohist được đưa xuống phương nam, ở đây các truyền thuyết này được hòa nhập với truyền thuyết Yahwist. Khoảng thời gian này, các quy luật của phương bắc và nam được làm thành luật trong một văn bản được gọi là truyền thuyết “Deutoronomist” (“luật thứ hai [thứ luật hay đệ nhị luật]”). Sau khi nam vương quốc rơi vào tay người Babylon, các người lãnh đạo dân Ít-ra-en bắt đầu chú trọng hơn đến ý nghĩa tinh thần về căn tính của họ là dân của Thiên Chúa. Họ viết xuống một bộ tài liệu thứ tư được gọi là truyền thống Tư Tế. Sau cùng, một người biên soạn hay một nhóm người biên soạn đã trộn lẫn bốn truyền thuyết với nhau để thành năm cuốn đầu tiên của Kinh Thánh, được gọi là Pentateuch (Ngũ Kinh: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, và Thứ Luật) -- được dân Do Thái vô cùng yêu quý, coi đó là Torah hay Lề Luật của họ.
Trong thời gian hình thành lâu dài bộ Ngũ Kinh, các sách khác của Kinh Thánh cũng được viết xuống. Truyền thuyết Thứ Luật tạo thành các sách Giôsua, Thủ Lãnh, 1 và 2 Samuen, và 1 và 2 Các Vua, mà chúng đưa ra một giải thích thần học về các biến cố trong lịch sử Ít-ra-en từ Xuất Hành cho đến sự sụp đổ của Giêrusalem. Các nhà giảng thuyết vĩ đại và các nhà lãnh đạo tinh thần, được gọi là ngôn sứ, thúc dục dân Ít-ra-en và Giuđa hãy trung thành với giao ước của Thiên Chúa. Các giảng dậy và nhiều chi tiết về cuộc đời của họ được ghi lại trong các sách ngôn sứ thời Cựu Ước.
Từ việc xây dựng Đền Thờ dẫn đến việc thờ phượng trong đền thờ. Trong nhiều thế kỷ, các bài thánh ca được sử dụng trong sự thờ phượng này đã được thu thập lại cùng với các thi ca tôn giáo và huấn lệnh, sau đó được xếp đặt lại thành sách Thánh Vịnh trong vài thế kỷ trước thời Đức Kitô. Từ thế kỷ thứ mười đến thế kỷ thứ năm trước thời Đức Kitô, các loại văn bản khác xuất hiện: những tổng hợp lời khôn ngoan như sách Khôn Ngoan, những câu chuyện như bà Rút được dùng làm bài học tôn giáo, và những suy nghĩ về các vấn nạn của đời sống như sách ông Gióp.
Trong thế kỷ thứ tư trước thời Đức Kitô, những nỗ lực nhìn đến sự quan phòng của Thiên Chúa trong các biến cố lịch sử được diễn tả trong các văn bản của người ghi chép (cuốn 1 và 2 Sử Biên Niên [Chronicle], Étra, và Nơkhêmia). Khi dân Ít-ra-en dưới sự tấn công của người Hy Lạp, Ai Cập, và Syria, các văn sĩ đã sáng tác những câu chuyện như Tôbia, Giuđitha, và Ét-te, giảng dậy các đức tính trung thành, đạo đức, can trường, và tín thác vào Thiên Chúa. Những thử thách của dân Ít-ra-en trong các thời gian khó khăn như thế đã khiến các thầy dậy khôn ngoan xem xét lại ý nghĩa của đời sống trong các sách như Ecclesiastes (Giảng Viên) và Sirach. Sự bách hại của người Syria và sự nổi dậy của người Macabê trở nên chủ đề của cuốn 1 và 2 Macabê, được viết khoảng 100 B.C.
Một thể văn đặc biệt được gọi là “apocalyptic” (khải huyền) được hình thành trong thời kỳ bách hại của người Syria. Các tác giả của thể văn này tìm cách khích lệ người bị áp bức hãy kiên trì qua việc sử dụng những hình ảnh, mã số, và dấu hiệu, như được trình bày trong sách Đanien (chương 7 -- 12). Sau cùng, khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước thời Đức Kitô, một người Do Thái quen thuộc với tư duy Hy Lạp và các truyền thống Hebrew đã viết sách Khôn Ngoan của Sôlômon để tuyên xưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế gian, sự bất tử của linh hồn, và sự Phán Xét Sau Cùng của Thiên Chúa để thưởng người công chính và phạt người độc ác.
Khi nào các sách này được tổng hợp thành một bộ mà chúng ta gọi là Cựu Ước? Vào lúc trở về sau cuộc lưu đầy, có việc sưu tập các văn bản thiêng liêng mà đã được công bố cho dân vào những dịp đặc biệt. Thí dụ, sách Nơkhêmia diễn tả thầy Ét-ra, một tư tế-luật sĩ, đọc cho dân ở Giêrusalem nghe sách luật của ông Môsê, dường như là một phần của Ngũ Kinh (Nkm 8). “Các sách thiêng liêng” (1 Mcb 12:9) và sách “luật và các ngôn sứ” (2 Mcb 15:9) đã được nhắc đến khoảng một trăm năm hay hơn trước thời Đức Kitô.
Vào lúc này hiển nhiên có hai bộ sách thiêng liêng được sử dụng rộng rãi. Một, bằng tiếng Hebrew, được gọi là Palestine. Bộ kia, bằng tiếng Hy Lạp, được gọi là Septuagint (tiếng Hy Lạp có nghĩa bảy mươi, sau một truyền thuyết rằng bộ này xuất phát từ bảy mươi dịch giả) hoặc Alexandria (từ thành phố ở Ai Cập mà nó xuất xứ). Bộ này bao gồm một số sách bằng tiếng Hy Lạp và Aramaic (ngôn ngữ của người Do Thái trước khi và trong thời gian của Đức Kitô) cũng như những sách được dịch từ tiếng Hebrew, và như thế lớn hơn bộ Palestine. Các bộ Palestine và Alexandria được tôn trọng bởi các cộng đồng Do Thái khác nhau, nhưng vì Hy Lạp là tiếng phổ thông của vùng Địa Trung Hải, bộ Alexandria trở nên phổ biến hơn. Cả hai bộ này không có bộ nào đạt đến hình thức nhất định cho đến sau thời của Đức Kitô. Bộ Alexandria được Kitô Hữu coi là Cựu Ước của họ. Bộ Palestine được đưa ra bởi một nhóm học giả Do Thái khoảng năm 100, một phần là để phản ứng lại việc Kitô Hữu sử dụng bộ Alexandria (Aléchxăngđria)
Sau sự Phục Sinh của Đức Kitô, các nhà truyền giáo loan truyền Tin Mừng của Đức Giêsu qua sự rao giảng. Sau cùng, Kitô Hữu cảm thấy cần phải duy trì di sản của họ bằng chữ viết. Những bản thu thập lời nói của Đức Giêsu, lời cầu trong phụng vụ, và những tuyên xưng đức tin bắt đầu xuất hiện. Trong năm 51 hay 52, ông Phaolô khởi sự viết thư cho các giáo dân ở các thành phố nơi ông đã từng đến giảng đạo. Các lá thư này được gìn giữ và chia sẻ. Không bao lâu chúng được nhìn nhận là có một giá trị linh thiêng đặc biệt. Vào năm 65 hay 70, Phúc Âm Máccô được viết xuống. Các phúc âm khác theo sau. Một số được Giáo Hội nhìn nhận là được Thiên Chúa linh ứng, trong khi một số khác bị khước từ. Vào năm 125 tất cả hai mươi bảy cuốn sách của Tân Ước được viết xuống. Vào năm 250 hay khoảng đó, tất cả được tổng hợp vào một danh sách (qui điển) và được nhìn nhận chung là được linh ứng.
Trong những năm này, các sách thiêng liêng của dân Do Thái được Kitô Hữu thẩm định. Vì toàn thể Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp cho Kitô Hữu nói tiếng Hy Lạp có gốc Do Thái và ngoài Do Thái, các tác giả Tân Ước sử dụng bộ Alexandria (Septuagint) của Cựu Ước. Họ thường trích dẫn Cựu Ước từ bộ Alexandria và thường ám chỉ đến những sách chỉ tìm thấy trong bộ Alexandria. Các công đồng của Giáo Hội ở Rôma năm 382, ở Hippo năm 393, ở Carthage năm 397 đã đưa ra danh sách Kinh Thánh Kitô Giáo dựa trên bộ Alexandria. Giáo Hội thời tiên khởi đã chấp nhận Kinh Thánh như người Công Giáo chấp nhận nó ngày nay (hai mươi bẩy cuốn Tân Ước và bốn mươi sáu cuốn Cựu Ước).
Cho đến thế kỷ mười sáu thì có chút bất đồng khi Martin Luther và các người Tin Lành tẩy chay danh sách của bộ Alexandria mà thích danh sách của bộ Palestine (Do Thái). Luther cũng đặt vấn đề linh ứng của bốn sách Tân Ước: Do Thái, Giacôbê, Giuđa, và Khải Huyền, tuy nhiên, các đồ đệ của ông vẫn giữ danh sách truyền thống, và không lâu nó chiếm ưu thế. Năm 1546, Công Đồng Triđentinô xác định bộ Alexandria là danh sách chính thức của các sách Cựu Ước cho người Công Giáo và tái xác nhận danh sách truyền thống của các sách Tân Ước. Một kết quả là trong khi người Công Giáo và Tin Lành ngày nay cùng chia sẻ hai mươi bảy cuốn Tân Ước, Cựu Ước của Công Giáo có bảy cuốn nhiều hơn người Tin Lành là cuốn Tobia, Giuđitha, 1 và 2 Macabê, Khôn Ngoan, Sirach (đôi khi gọi là Ecclesiastes -- Giảng Viên), và Barúc. Những cuốn này được xếp trong Kinh Thánh Tin Lành là Apocrypha (hidden books -- sách tiềm ẩn)
Cựu Ước phần lớn được viết bằng tiếng Hebrew. Sách Tôbia và nhiều phần của sách Đanien, Ét-ra, và Ét-te được viết bằng tiếng Aramaic. Sách Khôn Ngoan của Sôlômon và cuốn 2 sách Macabê được viết bằng tiếng Hy Lạp, cũng như toàn thể Tân Ước. Nhờ sự hợp tác của các học giả Kinh Thánh của mọi giáo phái, các bản dịch Anh Ngữ hiện nay thỏa thuận với nhau về thực chất và chính xác truyền lại các ý tưởng và cảm xúc được chuyển tải trong các ngôn ngữ nguyên thủy. Trong phạm vi này, Thiên Chúa, Tác Giả Kinh Thánh, nói với chúng ta qua các tác giả trần thế của Kinh Thánh.
Những Câu Hỏi để Thảo Luận và Suy Tư Có thể nào bạn nghĩ đến một hoàn cảnh trong Kinh Thánh mà ai đó được gặp gỡ Thiên Chúa trong thiên nhiên? trong dân chúng? trong các biến cố? trong sự cầu nguyện? Nếu có thể hãy kể rõ từng hoàn cảnh mà Thiên Chúa tự mặc khải. (Một số thí dụ: [thiên nhiên]; [người dân]; Tv 78 [biến cố]; [cầu nguyện]). Có thể nào bạn kể ra một sự kiện trong đời bạn mà qua đó bạn cảm nhận Thiên Chúa trong thiên nhiên, dân chúng, biến cố, và cầu nguyện không? Các Sinh Hoạt Cố nhớ hoặc tối thiểu làm quen với các ngày tháng quan trọng này: B.C. 1900 -- ông Abraham; 1720 -- ông Giuse và các anh ở Ai Cập; 1250 -- ông Môsê và việc Xuất Hành; 1000 -- vua Đavít; 922 -- chia đôi vương quốc; 721 -- bắc vương quốc rơi vào tay người Assyria; 587 -- nam vương quốc rơi vào tay người Babylon; 539 -- trở về sau khi lưu đầy; 515 -- xây lại Đền Thờ; 445 -- các tường thành Giêrusalem được xây lại; 332 -- Alexander Đại Đế chinh phục Palestine; 167 -- người Syria bách hại và cuộc nổi loạn của người Macabê; 142 -- Giuđêa được độc lập; 63 -- người La Mã chinh phục Giêrusalem; 37 -- vua Hêrốt Đại Đế; 6 -- Đức Giêsu Kitô sinh ra. A.D. 26 -- Đức Kitô bắt đầu rao giảng; 30 -- khổ hình thập giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô; 36 -- bách hại Kitô Hữu dưới thời ông Saun; 51 -- sách Tân Ước đầu tiên; 70 -- Giêrusalem bị phá hủy; 125 -- các sách Tân Ước hoàn tất; 313 -- Chỉ Dụ Milan; 382 -- Công Đồng ở Rôma liệt kê bảy mươi ba cuốn của Kinh Thánh; 1546 -- Công Đồng Tridentinô xác định các sách trong Kinh Thánh. Hầu hết các cuốn Kinh Thánh đều có bản đồ các phần đất nơi người Do Thái cư ngụ. Hãy cố làm quen với những phần đất này. Hãy để ý những thời điểm khác nhau khi quê hương người Do Thái được gọi là Đất Hứa, Canaan, Ít-ra-en, Giuđa, Giuđêa, Palestine và Đất Thánh. Hãy im lặng suy nghĩ đôi phút về các hình ảnh và âm thanh chung quanh bạn. Sau đó bật máy rađiô lên, chuyển đổi một vài đài khác nhau. Lúc nào cũng có âm thanh ở đó, nhưng bạn cần có máy rađiô để có thể nghe được. Tắt máy rađiô, và lại ngồi im lặng. Hãy suy nghĩ về những hình ảnh và âm thanh là những thông điệp Thiên Chúa gửi cho bạn. Hãy để ý đến sự xinh đẹp của thiên nhiên. Hãy nghĩ về người mà bạn yêu mến. Hãy nghĩ đến một biến cố đem cho bạn niềm vui hay buồn sầu. Sau đó mở lòng cho Chúa, và xin Người ban cho bạn các ơn để thấy được những gì Thiên Chúa muốn bạn thấy, và nghe được những gì Thiên Chúa muốn bạn nghe. |
Trả Lời | Câu Hỏi |
---|---|
Những phần trong Kinh Thánh dính dáng đến ông Abraham và Môsê, có lẽ được viết xuống khi họ còn sống | |
Các người lãnh đạo tinh thần khích lệ dân chúng hãy trung thành với giao ước của Thiên Chúa sau năm 1000 B.C. là (a) các thẩm phán; (b) các vua; (c) người Samaritan; (d) các ngôn sứ | |
Loại văn chương trong thời bách hại dùng những hình ảnh, mã số, và các dấu hiệu được gọi là (a) cách ngôn; (b) khải huyền; (c) thánh vịnh; (d) ngụy thư (apocrypha) | |
Cựu Ước không dạy rằng linh hồn thì bất tử | |
Bộ Cựu Ước tiếng Hebrew được gọi là (a) Septuagint (bộ bảy mươi); (b) Alexandria; (c) Douay; (d) Palestin | |
Tuyển tập các sách Cựu Ước tiếng Hy Lạp thì chưa hoàn tất cho đến khi Kitô Hữu quyết định về Kinh Thánh, nhưng tuyển tập tiếng Hebrew thì đã hoàn tất trước khi Đức Giêsu giáng sinh | |
Bản văn Tân Ước đầu tiên được viết xuống là Phúc Âm theo T. Máccô, được sáng tác khoảng năm 51 | |
Tất cả các sách Cựu Ước được viết trước thời Đức Kitô, và tất cả các sách Tân Ước được viết vào khoảng năm 125 | |
Các công đồng trong Giáo Hội nhìn nhận 46 cuốn của bộ Bảy Mươi và 27 cuốn của Tân Ước là được Thiên Chúa linh ứng | |
Kinh Thánh của Tin Lành trong Cựu Ước có bảy cuốn nhiều hơn Kinh Thánh của Công Giáo | |
Các ngôn ngữ dùng trong Kinh Thánh là tiếng Hebrew, Hy Lạp và (a) Syria; (b) Aramaic; (c) Ai Cập; (d) Latinh | |
Nhờ sự hợp tác của các học giả Kinh Thánh, các bản dịch Kinh Thánh bằng Anh Ngữ hiện nay có những thỏa thuận căn bản và chính xác chuyển tải cho chúng ta những ý tưởng và cảm xúc được truyền đạt trong ngôn ngữ nguyên thủy |